SỰ CHẾT

Đức Giêsu lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở. Bức màn trướng trong Đền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: "Quả thật, người này là Con Thiên Chúa."(Mc 15:37-39)

1. Sợ Chết

Thiên Chúa cho con người được có sự sống và hiện hữu trên thế gian. Đây là một hồng ân vô cùng cao quý. Mỗi người chúng ta được mở mắt chào đời và được đồng hành với nhân loại trong một khoảng thời gian và không gian. Không một thụ tạo nào được sống mãi. Có sinh thì có tử. Có lúc bắt đầu rồi sẽ có lúc kết thúc. Chúng ta không đi ra ngoài quy luật tự nhiên này. Chúng ta không thể bám víu vào cái thế giới hay thay đổi và sẽ qua đi này. Vũ trụ chung quanh luôn thay đổi, mọi loài thụ tạo cũng thay đổi không ngừng. Muôn vật đều xuôi theo một dòng chảy. Sự sống này nối tiếp sự sống khác. Thiên Chúa đã sắp đặt thời gian cho mỗi loại thụ tạo. Con người chúng ta được chia sẻ sự sống từ chính Thiên Chúa. Ngài chính là nguồn của mọi sự sống. Sự sống truyền sinh sự sống. Sự sống của nguyên tổ được nối kết từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự sống là một dây chuyền không ngừng nghỉ. Sự sống sẽ không chết nhưng con người sẽ chết. Chúng ta đi vào đời với thân xác vật chất này, rồi sẽ có ngày chúng ta ra đi và thân xác sẽ tan biến. Chúng ta ai cũng muốn sống và sống lâu, nhưng ước muốn sống đời đó chỉ có trong cõi đời sau.

Truyện kể có một cụ già còng lưng vì tuổi tác và vất vả đang gom củi trong rừng. Ông ném bó củi xuống đất và than vãn: Cuộc sống cơ cực quá, tôi không chịu nổi nữa rồi. Ước gì thần chết rước tôi đi. Vừa nói xong, thần chết xuất hiện với bộ xương trong chiếc áo đen đứng trước mặt ông và nói: Ta nghe ngươi gọi, Ta có thể giúp ngươi điều chi? Ông già kinh sợ nói: Ngài có thể giúp tôi đặt bó củi này lên vai được không? Đôi khi chúng ta nguyền rủa cuộc đời vì sự lam lũ, khổ cực và bất công nhưng chúng ta vẫn muốn sống. Vì sự sống là một món qùa. Món qùa chỉ riêng cho chúng ta. Mỗi con người có một định mệnh và số vận riêng, không có ai giống ai. Bởi thế, đừng khi nào chúng ta so sánh hơn thiệt trong sự sống với người khác.

2. Giờ Nào Ngày Nào

Con người bắt đầu được hiện hữu là một ân huệ. Chúng ta biết không phải mọi sự sống đã bắt đầu đều được sinh ra và nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Có hàng triệu triệu thai nhi bị giết chết ngay khi còn trong trứng nước trong cung lòng của người mẹ. Sự sống mới khởi đầu nhưng đã bị tiêu diệt, thật là không may mắn. Có những người được sinh ra, lớn lên và sống một cuộc đời dài trên 100 năm. Thí dụ: Ông cụ Shigechiyo Izumi người Nhật sống tới 120 tuổi 237 ngày hay bà cụ Jeanne Calment người Pháp sống tới 122 tuổi 164 ngày. Dù con người có hiện hữu một giây một phút hay 120 năm, so với đời đời thì cũng chẳng là chi. Thiên Chúa hằng hữu đời đời, Chúa muốn chia phần sự sống với các loài thụ tạo, đặc biệt với con người. Như thế chúng ta hãy quý trọng từng giây, từng phút Chúa ban cho để sống trọn vẹn kiếp người. Không ai có quyền trên sự sống của con người, chỉ mình Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành. Con người không làm nên sự sống mà chỉ nhận lãnh và cộng tác với Thiên Chúa trong tiến trình hình thành và phát triển.Tác giả sách Xuất Hành đã ghi rõ: Ai xúc phạm đến sự sống của người khác, họ có lỗi trước mặt Thiên Chúa. Ai đánh cha hoặc mẹ, thì phải bị giết chết. Ai bắt cóc người, dù đã bán đi hay còn giữ trong tay, thì phải bị giết chết. Kẻ nào nguyền rủa cha hoặc mẹ, thì phải bị giết chết (Xh 21:15-17).

La Fontaine kể chuyện ngụ ngôn: Một ông cụ già đang cuốc đất trồng cây. Chợt có ba chàng thanh niên đi qua, các cậu nói: Cụ lẩm cẩm quá, già rồi còn trồng cây gì nữa. Thôi cụ ơi, việc đó để cho tụi cháu, cụ lo dọn mình chết là vừa. Ông cụ trả lời: Chắc gì lão chết trước và chắc gì các cậu sống lâu hơn lão. Tử thần xưa rầy có phân biệt già trẻ đâu chứ! Trẻ và già không khác chi nhau về truyện sự chết. Thời gian sau, ba cậu vì công việc, kẻ đi lính, người đi kinh doanh và kẻ lái xe hàng. Cả ba đều chết cả hoặc vì ngộ nạn hoặc chết trận. Cụ già buồn và khóc thương ba người bạn trẻ.

3. Sẵn Sàng

Ông Job trong đau khổ đã thốt lên: Quả thật, con biết Ngài bắt con quay về cõi chết, về nhà hội ngộ của tất cả nhân sinh (Job 30:23). Sự chết đến thật bất ngờ, mấy ai biết chắc chắn giờ mình sẽ ra khỏi thế gian. Trong lịch sử nhân loại, chúng ta nhận biết rằng mỗi người có sự chết khác nhau. Có khi chết riêng mình vì già nua, bệnh hoạn hay tai nạn hoặc bị giết. Có những cuộc chết đồng loạt qua những tai ương của thiên nhiên hoặc do chiến tranh con người gây nên. Nhìn qua vài biến cố xảy ra chung quanh chúng ta, chúng ta hiểu được ý nghĩa của sự sống. Trong 20 năm qua đã có 43 cuộc động đất, mỗi cuộc động đất đã chết đi nhiều người. Những trận động đất lớn đã gây thiệt hại vô kể về của cải, nhà cửa và nhân mạng: Ngày 20 tháng 6, 1990, một trận động đất, địa chấn 7.4 tại Iran có 50,000 người chết. Ngày 17 tháng 8, 1999 trận động đất tại Turkey, địa chấn 7.6 có 17,118 người chết. Ngày 26 tháng 1, 2001, động đất ở Peru có 20,023 người tử thương. Ngày 26 tháng 12, 2003 động đất tại Miền Nam Iran, số tử vong là 31,000 người. Ngày 26 tháng 12, 2004 động đất và sóng thần cướp đi 227,898 tại Sumatra. Ngày 8 tháng 10 năm 2005, cuộc động đất tại Pakistan có 80,361 người chết. Ngày 12 tháng 5, năm 2008 động đất tại Sichun, Trung Quốc, có 87,587 người chết. Ngày 12 tháng 1, 2010 động đất tại Haiti có trên 50 ngàn người đã ra đi.

Trên đây là một vài con số tiêu biểu của những biến cố mà con người ra đi đồng loạt không được chuẩn bị. Chúng ta nên biết rằng luật sinh tồn và chuyển động của thiên nhiên vẫn tiếp diễn. Các nhà khoa học có thể học biết được phần nào sự diễn tiến trong thiên nhiên nhưng tất cả các cuộc động đất đã xảy ra đều là những biến cố bất ngờ. Nên chúng ta luôn trong tư thế tỉnh thức

Truyện kể rằng có một binh sĩ người Pháp bị trọng thương nằm điều trị trong quân y viện. Anh ta càng ngày càng kiệt sức. Một đêm kia viên y tá trực phòng anh đang mơ màng ngủ gật, bỗng nghe anh lính hét lên: Có tôi đây. Không hiểu gì, người trực ban đến bên giường người hấp hối hỏi: Anh muốn gì? Anh trả lời: Tôi không muốn chi hết. Nhưng tôi nghe trên trời có tiếng điểm danh, thiên thần kêu tới tên của tôi, tôi liền thưa: Có tôi đây. Sau đó, anh đã thở hắt ra và trút linh hồn.

4. Sinh Ký Tử Quy

Ai trong chúng ta cũng đã chứng kiến những cảnh chết chóc trong gia đình hoặc những người chung quanh. Sự chết có ý nghĩa gì đối với những người còn sống. Người chết đã chết, nhắm mắt xuôi tay, không thể làm gì được nữa. Cuộc đời tạm này kể là chấm dứt. Nhưng sự chết đó ảnh hưởng đến nhiều người khác. Đối với người sống, người đã chết càng thân, càng gần thì càng cảm thấy đau đớn như cắt da cắt thịt. Nỗi đau thứ nhất là sự chia cắt giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em, ông bà, chú bác, cô dì và những người thân. Thứ đến là chia cắt sống chết giữa mối quan hệ tình cảm và tương quan mà chúng ta đã cùng sống và cùng chia xẻ trong hành trình. Thứ ba là sự mất mát đáng buồn của những người đã ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta. Thật vậy, có nhiều người chết nằm đó nhưng chúng ta không có những cảm thương giống nhau. Sự thương nhớ và đau buồn còn tùy thuộc vào mức độ liên hệ tình cảm và sự thân thích. Nhưng sự chết nào cũng là sự mất mát và trống vắng trong gia đình. Vợ mất chồng, chồng mất vợ, con cái mất cha mẹ, cha mẹ mất đi con cái, anh chị em mất nhau, đây là nỗi đau. Thường chúng ta thấy nơi những vòng hoa phúng điếu ghi lại những tâm tình thương nhớ và đau buồn: Vô Cùng Thương Tiếc, Thành Kính Phân Ưu hay Nhớ Thương Mãi Mãi…

Người sống khi sống muốn gần bên nhau, khi chết cũng muốn được chôn cất cạnh bên. Có biết bao nhiêu vợ chồng đã sắm sẵn cho mình những chiếc mộ đôi để được bên nhau đời này và đời sau. Bà Ruth ngày xưa cũng đã có tư tưởng ở bên nhau khi mãn phần: Mẹ chết ở đâu, con chết ở đó, và nơi đó con sẽ được chôn cất. Xin Chúa phạt con thế này và thêm thế kia nữa, nếu con lìa xa mẹ mà không phải vì cái chết! "(Ruth 1:17).

Trong một xứ nọ, có một thiếu nữ đau bệnh nặng. Theo lời bác sĩ, bệnh tình của cô không thể chữa trị vì cô bị sưng màng óc tới kỳ cuối. Sau khi sốt sắng đón nhận các bí tích cuối cùng, cô đã trả lời một cách tuyệt diệu như sau với cha xứ khi cha hỏi cô còn ước ao gì? Cô thưa: Con muốn đau đớn nhiều hơn rồi chết. Cô thường lập đi lập lại ước muốn này. Một ngày kia người bạn của cô gợi những ý tưởng đạo đức về cái chết, cô nói: Tôi còn muốn chịu đau đớn nhiều hơn nữa để bù lại các tội lỗi tôi đã phạm và rồi chết liền để tránh khỏi phạm thêm những tội mới. Và sau những cơn đau đớn khủng khiếp, cô đã tắt thở cách nhẹ nhàng và ra đi bình an.

5. Luôn Tỉnh Thức

Chết không phải là hết mà là qua đời. Qua đời này tới đời kia. Truyện kể có một cha xứ sống với một giáo xứ đồng quê. Ngài đã giữ lại tất cả các thống kê lý lịch và chi tiết của mỗi người trong xứ đạo. Để thuyết phục có sự sống đời đời sau khi người ta chết như lời Chúa Giêsu đã hứa. Trong sổ ghi danh, mỗi khi có người trong xứ qua đời, ngài đã không xóa tên khỏi sổ. Ngài chỉ đơn giản ghi chú “đổi địa chỉ”. Đã chuyển sống một nơi khác. Những người thân ra đi, họ không biến mất nhưng là đi trước chúng ta. Chúng ta không còn phải nhìn cái chết như sự tận diệt mà là một con đường mới dẫn chúng ta về nhà Cha của chúng ta. Tổ phụ Isaác cũng không có luật trừ. Ông biết ngày giờ ông sẽ phải ra đi. Sách Sáng Thế Ký diễn tả: Ông Isaác đã già, mắt ông loà không trông thấy nữa. Ông bèn gọi Êxau, con trai lớn của ông, ông nói: "Con ơi!" Cậu thưa: "Dạ, con đây." Ông nói: "Con thấy không, cha già rồi, không biết chết ngày nào (Stk 27:1-2).

Sự sẵn sàng tỉnh thức luôn là mời gọi khẩn thiết cho mọi người. Sự chết không trừ một ai, già trẻ lớn bé, khỏe mạnh hay bệnh họan. Mỗi người đều có thể đối diện với cái chết bất cứ khi nào.

Truyện kể về cậu Berchman đang hăng say chơi banh với chúng bạn. Cha xứ tiến đến hỏi các cậu: Nếu một giờ nữa Chúa đến gọi chúng con ra khỏi thế gian, chúng con sẽ làm gì bây giờ. Một cậu thưa: Con sẽ chạy về nhà xin lỗi mẹ con, vì con đi đá banh mà không xin phép mẹ. Cậu khác nói rằng: Con sẽ chạy vào nhà thờ cầu nguyện và xin cha giải tội. Đến lượt Gioan Berchman nói: Con sẽ cứ tiếp tục chơi banh cho tới khi Chúa đến gọi con. Mọi việc trong ngày con đã hoàn tất và giờ này là giờ chơi banh của con.

6. Ra Đi Một Mình.

Chết là một chuyến đi xa nhất, không ai có kinh nghiệm về sự chết. Ra đi không bao giờ trở lại. Chuyến đi xa nhất mà cũng cô đơn nhất. Ra đi một mình và để lại đàng sau tất cả gia đình, con cháu, người thân thuộc và để lại tất cả của cải mà mình đã nỗ lực gom nhặt từng ngày. Chết là một chia ly phũ phàng nhất trong các lọai chia ly. Vì thế, ít người dám nghĩ đến hay nói đến cái chết và hầu như ai cũng tìm cách tránh né về cái chết. Chấp nhận cái chết hay không, mỗi người đều phải đối diện hằng ngày. Cái chết vẫn xảy ra hằng ngày và gặp gỡ từng người. Ai có thể nói rằng tôi sẽ sống tới ngày mai. Chúng ta không biết cái gì sẽ xảy ra trong giây phút tới. Hãy phó thác đời mình trong sự quan phòng của Chúa. Vậy chúng ta phải có thái độ nào? Chúng ta có can đảm đón nhận và chuẩn bị cái chết xứng đáng không? Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phúc Sinh, chúng ta đã chứng kiến biết bao những anh hùng dám chấp nhận cái chết để làm chứng niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh. Các Đấng Tử Đạo đã oai phong anh dũng chấp nhận cái chết vì Nước trời. Như thế, các Ngài đâu có sợ cái chết.

Ở Thành Strasbourg bên Nước Đức, hiện có một chiếc đồng hồ vĩ đại cổ thời đặt trên một tháp cao. Đồng hồ được kiến trúc một cách thần kỳ. Cứ 15 phút thì xuất hiện trên mặt số một cậu bé gõ chuông. 30 phút thì xuất hiện một thanh niên. 45 phút xuất hiện một cụ già ra gõ chuông và đúng 1 giờ thì thần chết xuất hiện gõ chuông. Đúng 12 giờ đêm, Chúa Giêsu và các Tông đồ lần lượt xuất hiện để phán xét. Thời gian nhắc nhở cho mỗi người chúng ta, thời gian là món qùa vô giá. Chúng ta hãy sống và sống cho có ý nghĩa từng phút giây trong đời. Chúng ta đừng hoang phí thời gian Chúa ban mà không sinh hoa quả.

7. Chuẩn Bị Hành Trình

Chúng ta được sinh ra làm người và được làm con Chúa, đây là một hạnh phúc tuyệt vời. Qua niềm tin, chúng ta được nhận biết rõ về ý nghĩa của cuộc đời. Sống ở đời là để nhận biết Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng đã tạo dựng muôn loài. Sống để yêu thương anh chị em đồng loại và xây dựng một xã hội tốt đẹp để mai sau cùng chung hưởng hạnh phúc đời đời. Đây là mục đích tối quan trọng cho mỗi một thành viên trong cộng đoàn nhân lọai. Chúng ta không thể ích kỷ tìm danh lợi hay thu góp của cải cho riêng mình mà phải biết chia sẻ cho nhau. Lời lãi được cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích chi, thánh Luca nhắc nhở chúng ta: Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? (Lc 9:25).

Chúng ta cần có thái độ khôn ngoan thật, sự khôn ngoan trong Chúa Thánh Thần. Truyện kể một ông vua tự cho mình là người khôn ngoan. Vua thường chễ diễu những người ngu đần khờ dại. Nhà vua hay nhạo cười và diễu cợt người khác. Một ngày kia, vua trao cho anh khờ một chiếc gậy. Vua nói: Hãy cầm lấy chiếc gậy này cho tới khi anh tìm ra được một người ngu dại hơn anh. Năm tháng trôi qua, Vua chuẩn bị băng hà. Gia đình, quan quyền, chức sắc, đầy tớ và anh khờ cũng đứng xung quanh giường của vua. Vua nói: Trẫm gọi mọi người đến để chia tay, trẫm sẽ phải ra đi vĩnh viễn. Trẫm đã đi một hành trình dài và trẫm sẽ không trở lại nữa. Anh khờ bước tới và nói: Thưa Hoàng Đế, xin hỏi một câu trước khi vua ra đi. Trong quá khứ, bất cứ nơi nào vua muốn đến, vua đã sai tới các cận vệ và lính tráng để chuẩn bị cho chuyến du hành. Tôi có thể hỏi: Vua đã sẵn sàng chuẩn bị cho chuyến du hành cuối cùng này chưa. Vua trả lời: Alas, trẫm chưa chuẩn bị chi cả. Rồi anh khờ nói: Vua hãy cầm lấy cây gậy này, cuối cùng tôi đã tìm được người ngu đần và dại khờ hơn chính tôi. Ông vua cho mình là khôn ngoan một đời, nhưng thật dại khờ khi đối diện với tử thần. Thánh Matthew đã viết: Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? (Mt 16:26).

Tâm Niệm

Lạy Chúa, từ ngàn đời Chúa đã yêu thương chúng con. Chúa đã cho chúng con được sinh vào đời và được nhận biết Chúa là Cha yêu thương. Xin Chúa dẫn dắt chúng con trong cuộc hành trình về nhà Chúa. Đừng để chúng con bị lạc buớc trên đường đời. Chỉ có Chúa là cùng đích và ý nghĩa cuộc sống của chúng con. Chúng con chọn làm tôi tớ của Chúa, chúng con sẽ có tất cả. Dù sự sống hay sự chết, xin đừng khi nào tách biệt chúng con ra khỏi tình yêu của Chúa. Xin Chúa chúc lành cho đời sống chúng con.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng (danchua.eu)

 


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu