SỰ ĐAU KHỔ
(Cập nhật: 11/11/2010 09:46:39)
Đức Giêsu bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có
ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21,6).
1. Đau khổ
Dân Do Thái đã trải qua biết bao đau thương cho tới ngày về
tới miền Đất Hứa. Cả Dân tộc đã trải qua những kinh nghiệm khổ đau trong cuộc
lữ hành đón chờ ơn Cứu Độ. Sách Dân Số ghi lại: Và con cái các ngươi sẽ đi lang
thang trong sa mạc 40 năm, chúng sẽ mang lấy tội phản bội của các ngươi cho tới
khi tất cả các ngươi thành thây ma trong sa mạc (x. Ds 14,33). Những đau khổ đó
đã tinh luyện và giúp họ phó thác vào sự quan phòng của Chúa. Họ mong đợi ngày
được an cư trong miền đất Chúa đã hứa. Lời hứa của Chúa là bảo chứng cho niềm
hy vọng của họ. Tiên tri Isaia đã khuyên dụ dân chúng tin vào quyền năng vô
biên của Thiên Chúa, ngài viết: Tới ngày Chúa cho ngươi được an cư lạc
nghiệp, hết phải khổ đau, thoát cảnh ba đào và không còn phải gánh chịu cảnh
lao động nặng nhọc nữa (Is 14,3). Bao lâu còn sống, bấy lâu chúng ta còn
đối diện với sự đau khổ. Lời mời gọi tin tưởng của tiên tri Isaia là một bước
đi gần tới ơn cứu độ. Không phải con người sẽ thoát khỏi mọi khổ đau nhưng mà
họ sẽ sống với một niềm hy vọng giải thoát. Từng bước từng bước, qua đau khổ
Chúa thử thách sự kiên trì và trung tín của Dân mà Chúa yêu thích. Chúa cũng
không cất khỏi sự khổ đau hằng ngày.
Đau khổ là những thánh giá mà chúng ta vác hằng ngày. Câu
truyện những đau khổ mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to
và nặng. Chắc chắn chúng ta vác không nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây
bó củi đó ra, rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai của chúng ta một ít thôi.
Hôm nay một ít và ngày mai một ít cứ tiếp tục như thế. Cuối cùng, chúng ta cũng
vác xong bó củi. Nhiều người lại không làm như thế: Chẳng những họ chất lên vai
bó củi của ngày hôm nay, mà còn thêm vào đó bó củi của ngày hôm qua và của cả
ngày mai nữa. Lạ gì mà họ không vác nổi. Quá khổ đau và quá nặng nề đối với sức
của họ.
2. Thiên tai
Miền Trung Việt
Nhớ lại một biến cố kinh hoàng đã xảy ra tại Haiti, một
trong những nước nghèo tại Nam Mỹ. Trận Động Đất ngày 12-1-2010 đã phá huỷ rất
nhiều toà nhà tại Thủ đô Port-au-Prince, Hội Chữ Thập Đỏ Quốc tế tính con số tử
vong là trên 200.000 người. Con số người ảnh hưởng bởi trận động đất lên tới cả
triệu người. Nhìn cảnh đổ nát và chết chóc thấy thật là kinh hoàng. Nỗi đau nào
có thể chia sẻ và cảm thông. Từ xa nhìn qua màn ảnh, chúng ta thấy biết bao khổ
đau chồng chất. Nhiều người bị thương còn đang nằm kẹt giữa khoảng trống sà bần
nửa sống nửa chết. Nhiều người giập gãy chân tay, sụi bại xương sống, nhiều trẻ
ngây thơ bị dập vùi dưới đống gạch nát. Có nhiều người còn đã bị chôn sống.
Từng giây từng phút đã chờ đợi thần chết đến. Rồi gia đình tan tác, kẻ đi người
ở, kẻ chết người bị thương, đớn đau vô chừng. Sự đau khổ mà chính ông Job đã
phải chịu qua cơn thử thách, ông đa than lên rằng: Ruột gan tôi sôi sục
không ngừng, những ngày khốn quẫn ập xuống trên tôi (Job 30,27).
Hậu quả tai ương đã tiếp diễn ảnh hưởng sau nhiều ngày. Họ
phải tìm đâu nơi ăn chốn ở. Nơi đâu để kiếm của ăn thức uống. Họ không có thuốc
thang băng bó. Không có áo quần thay đổi. Các nạn nhân hoàn toàn cậy dựa vào
lòng nhân từ quảng đại của tha nhân. Nỗi khổ này chồng chất lên nỗi khổ khác,
nỗi khổ tinh thần và nỗi khổ thân xác. Những đắng cay mất mát người thân thuộc
trong gia đình. Không ai có thể bù đắp những mất mát mà họ đang phải chịu đựng.
Họ đã phải làm gì để tự cứu mình và chúng ta phải làm gì để giúp họ? Họ đã bàng
hoàng giữa cảnh tan hoang. Có lẽ nhiều người chưa hoàn hồn để nghĩ về cuộc sống
ngày mai. Hiện tại chưa giải quyết được, họ nghĩ gì về tương lai bây giờ.
3. Phấn đấu
Qua những cuộc thiên tai, có những mảnh hồn tan nát và
những trái tim nghẹn ngào không còn chỗ bám víu. Có những vết thương xẻ da, róc
thịt, xương cốt giập nát rụng rời không được băng bó. Có những dòng nước mắt
tuôn rơi khô cạn trên má. Những khuôn mặt của kẻ già người trẻ như đang đi tìm
một sự chia sẻ, thông cảm và giúp đỡ. Đó là những khổ đau mà các nạn nhân đang
phải chịu. Cái đau khổ không thể chia xớt. Sự đớn đau thấm vào làn da thớ thịt
làm con người nhức nhối khó chịu. Con người không thể trốn chạy thực tại đang
xảy đến nơi mỗi con người. Mọi thứ giúp đỡ cũng chỉ là những sự phụ giúp bên
ngoài, làm sao xoa dịu được những đắng cay khổ sở trong con người. Chỉ còn cách
tìm đến nguồn xoa dịu nơi Đấng đã từng chịu mọi khổ nhục và chết đớn đau trên
thập giá. Nơi đó chúng ta có thể hiểu phần nào về mầu nhiệm của sự đau khổ.
Thánh vịnh diễn tả tâm tình của con người như sau: Con khổ cực, xin Chúa
đoái nhìn và giải thoát, vì con chẳng quên luật pháp Ngài (Tv 119.153). Mỗi
người cố gắng phấn đấu với cái đau, cái khổ trong con người của mình để rồi từ
đó vượt lên tìm lẽ sống. Đau khổ sẽ trở nên những nấc thang dẫn chúng ta đến
gần Canvê Núi Sọ. Chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa sự đau khổ mà chúng ta phải
gánh chịu.
Tôi suy nghĩ và rất cảm thương cho hoàn cảnh của họ. Nhưng
cảm thương thì cũng không có thể giúp gì cho họ trong lúc này. Tôi chỉ biết cầu
nguyện qua sự hiệp thông và giúp đỡ. Tôi kể câu truyện: Có một người nông dân
nọ có một con lừa già. Một hôm, con lừa bị rơi xuống một cái giếng hoang khô
cạn và đau đớn kêu la thảm thiết. Sau khi bình tĩnh đánh giá tình hình, vì
thương cho con lừa, người nông dân đã quyết định, nên nhanh chóng giúp nó kết
thúc sự đau đớn. Anh gọi thêm mấy người hàng xóm để cùng lấp đất chôn con lừa
tội nghiệp. Lúc đầu, con lừa thêm phần kinh hoảng vì những gì người ta đang làm
đối với nó. Nhưng khi từng tảng đất được hất xuống giếng liên tiếp theo nhau ập
trên vai nó, một ý nghĩ chợt loé lên: cứ mỗi lần tảng đất rơi đè trên vai nó,
nó lại lắc mình cho đất rơi xuống và bước lên trên. Cuối cùng, nó đã tự mình
cứu thoát.
4. Ý thức hiện tại
Những nỗi khổ lớn của con người là do chúng ta không sống
thật với hiện tại, thường nuối tiếc quá khứ, mơ tưởng quá nhiều về tương lai,
do đó ý nghĩa cuộc đời bị đánh mất. Lý thuyết là thế nhưng cuộc sống thực tế của
con người không thể tách rời quá khứ, hiện tại và tương lai. Đời người được
sống còn và trưởng thành đều dựa vào thời gian và không gian. Chúng ta không
thể như một hạt sương rơi rồi tan biến ngay mà là một con người sống trong một
hoàn cảnh và một thời gian của vô tận. Đời người được kết nối bằng những giây
phút liên tục, không ngừng nghỉ. Ngưng là nghỉ luôn, là đi vào cõi chết.
Đạo Phật với chủ trương luật nhân quả, nghiệp báo đã nói
lên tinh thần trách nhiệm cá nhân và cộng đồng trước sự đau khổ và hạnh phúc
của chính mình. Đức Phật không phải là đấng thần linh ban cho ta sự thay đổi
hoàn cảnh hay tình trạng khốn đốn của mình. Đức Phật tuyên bố: “Như Lai chỉ là
người chỉ đường, mỗi người phải tự đi đến, không ai đi thế cho ai được”. Công
trình khơi mở kho tàng tri kiến Phật là công trình của mỗi cá nhân. Tinh thần
từ, bi, hỉ, xả: chúng sinh còn khổ thì đạo Phật còn vai trò và vị trí ở cuộc
đời; đạo Phật thường được gọi là đạo từ bi, đạo cứu khổ.
5. Thánh Giá
Chúng ta nói những đau khổ là những thánh giá Chúa gửi đến
cho chúng ta vác. Đã gọi là Thánh giá thì giá không thể nhẹ. Đã gọi là Thánh
giá thì sẽ có đau khổ, có chịu đựng và sức nặng của Thánh giá. Truyện kể rằng
có hai du khách từ Hoa Kỳ sang Đức dự tuồng thương khó ở làng
Chúa Giêsu không phải đến để diệt khổ mà là để giúp con
người vượt qua sự đau khổ tới niềm vui hoan lạc. Nghĩa là phải qua con đường
Thập giá mới tới vinh quang. Thập giá đó chính là những khổ đau, muộn phiền và
những khó khăn mà chúng ta gặp phải trên đường đời. Chính Chúa Giêsu vác Thánh
giá của Ngài lên núi Sọ. Chính Chúa đã qụy ngã 3 lần vì yếu sức và sức nặng của
Thánh giá. Chúa không bỏ cuộc, dù kiệt sức, Chúa vẫn vác Thánh giá cho tới
cùng. Chúa mời gọi các môn đệ cũng như mỗi người tín hữu theo Chúa: Ai không
vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy (Mt 10,28). Đã nói
đến Thánh giá là nói đến sự nặng nề và đau khổ. Thánh giá không phải là những
đồ trang sức bằng bạc, bằng vàng đeo trên tai, trên cổ. Thánh giá là biểu tượng
của sự chiến thắng của Chúa Kitô. Thánh giá là biểu tượng của tình yêu dâng
hiến. Chính nhờ qua cây Thánh Giá, chúng ta được giao hoà với Thiên Chúa Cha.
6. Vác Thánh Giá
Nơi đâu có Thánh giá, ở đó sẽ có niềm hy vọng. Vinh quang
Phục Sinh đến từ Thánh giá. Chúng ta hãy tuyên xưng niềm tin qua Dấu Thánh Giá.
Chính Thánh giá trở thành giá cứu chuộc. Hãy chấp nhận thánh giá cuộc sống hằng
ngày mà đi theo Chúa. Chúng ta sẽ tìm thấy niềm hoan lạc. Chúa Giêsu dạy rằng: Ai
không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được
(Lc 14,27). Chúng ta thấy nơi đâu có người tin Chúa, nơi đó có hình và ảnh
tượng Thánh giá. Thánh giá là biểu tượng của niềm tin. Tin vào Chúa Kitô chịu
đóng đinh, chết trên thập giá và đã sống lại vinh quang. Thánh giá hiện diện
mọi nơi, trên nóc nhà thờ, trong nhà thờ, nơi trường học, nơi nghĩa trang và
nơi mỗi gia đình. Đặc biệt hơn nữa, mỗi người Kitô hữu đều làm Dấu Thánh Giá
nhiều lần mỗi ngày. Qua Dấu Thánh Giá, chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm tình yêu
Một Chúa Ba Ngôi. Thánh giá là dấu chỉ của hy sinh, của khổ đau và từ bỏ mình.
Được mang thánh giá trên mình là dấu chỉ chúng ta được thuộc về Chúa Kitô.
Thuộc về Chúa Kitô, chúng ta phải vác thánh giá hằng ngày mà đi theo Ngài.
Gia tài để lại cho con là cây thập giá. Món quà rất ý nghĩa
của một niềm tin và của một cuộc sống. Trong những năm cấm đạo, các vua quan đã
thử thách tín hữu bằng cách cho chọn lựa sự sống hay sự chết. Bước qua thánh
giá, sẽ được tha chết, về nhà xum họp và lãnh thưởng bổng lộc. Chối từ bước qua
thánh giá là lãnh án tù chung thân, khổ hình hoặc tử hình. Giáo hội Việt
Câu truyện của tướng Schweidel, ông bị bắt và bị cáo tội.
Sau khi nghe đọc bản án tử hình, ông bình tĩnh nói với cha tuyên uý. Thưa cha,
đây là Thánh giá cha của con đã trối lại cho con. Con luôn đeo nó trong mình
mọi nơi và mọi lúc, ngay cả khi ra trận. Xin cha trao Thánh
giá này lại cho con của con. Bỗng ông nói lại: Con muốn cầm cây Thánh giá này
và chết với cây Thánh giá này. Sau khi con chết, xin cha hãy lấy Thánh giá ra
khỏi tay con và trao tới tay đứa con của con. Súng nổ, vị sĩ quan anh hùng ngã
gục, nhưng dân tộc đã có người cha biết trối lại Thánh giá cho con mình, ông đã
không bao giờ ngã gục.
7. Ý nghĩa sự đau khổ
Chúa Giêsu đã chọn Thánh
giá có nghĩa là Chúa đã chọn con đường đau khổ để cứu độ nhân loại. Ngài đến
thế gian trong quá trình phát triển như một con người bình thường. Nhưng Chúa
đã chọn sinh ra một cách khác thường nơi hang lừa máng cỏ. Khi còn ẵm trong
vòng tay mẹ, Chúa đã bị chạy trốn khi kẻ thù tìm giết. Gia đình của Chúa sống
khó nghèo ẩn dật tại vùng quê Nazareth. Khi ra rao giảng, Chúa không có trụ sở
và không có đền thờ. Chúa đã chọn nơi bờ biển, sườn núi và ngoài thiên nhiên
làm giảng đường. Ba năm miệt mài giảng dạy, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ
và nuôi dân đói nghèo. Thánh Matthew ghi lại: Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ
Syri. Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật
nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt; và Người đã chữa họ (Mt
4,24). Nhưng rồi Chúa bị người ta tẩy chay, bị chối từ, bị xua đuổi và sau cùng
bị bắt, đánh đòn, vác thập giá và bị đóng đinh trên thập giá. Đó là con đường
Chúa đã đi. Con đường Thập giá là con đường Tình yêu. Thánh Gioan diễn tả rằng:
Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là
Gôngôtha; tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai
người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giêsu thì ở giữa (Jn 19,17-18).
Truyện kể rằng tại Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma, có một bức
tượng Chúa chịu nạn trên cây Thánh giá rất nổi tiếng do nhà điêu khắc tài danh
người Đan Mạch tên là Thorvaldsen. Ngày kia, một du khách đến viếng tượng Thánh
giá. Ông ta nhìn mãi rồi lắc đầu nói: Tôi nghe đồn tượng Thánh giá này nổi
tiếng và đẹp lắm, nhưng thật sự tôi chẳng thấy vẻ đẹp gì cả. Một người quỳ sau
lưng ông liền nói: Ông phải quỳ gối xuống rồi ngắm nhìn thì mới thấy vẻ đẹp.
Ông du khách quỳ gối xuống. Bấy giờ ông mới khám phá ra vẻ đẹp lôi cuốn của bức
tượng Chúa chịu nạn trên Thánh giá. Muốn đến gần Chúa, muốn được Chúa ấp ủ yêu
thương, chúng ta phải quỳ gối xuống và thờ lạy Chúa.
Tâm niệm
Đau khổ là đường dẫn chúng ta đến gần Chúa Kitô. Đau khổ
không còn là sự sợ hãi và đáng xa tránh. Chấp nhận đau khổ như một phương tiện
thánh hoá bản thân của chúng ta. Như lửa thử vàng, gian nan thử sức. Đau khổ là
lò luyện ý chí và sự kiên trung trong đức tin. Dân Do Thái xưa đã học biết ý
nghĩa của sự đau khổ, nhất là kinh nghiệm của ông Job. Trong đau khổ, ông thốt
lên: Và giờ đây mạng sống tôi tàn lụi, những ngày khốn khổ vây bọc lấy tôi
(Job 30,16). Nhưng Chúa đâu có thử thách chúng ta mãi, ơn Chúa sẽ đủ cho chúng
ta. Dù có khổ cực tư bề, Chúa vẫn không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong đơn côi.
Chúng ta hãy đặt trọn niềm hy vọng và cậy trông nơi Chúa. Vì chính Thầy sẽ
cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài
nào chống chọi hay cãi lại được (Lc 21,15). Lạy Chúa Kitô, xin giải thoát
chúng con. Chúng con thờ lạy Chúa.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng