Ngõ hẹp
Chúa Giêsu nói: Tôi
là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng
cỏ (Gioan 10:9).Truyện kể rằng ông kia trong một giấc mơ nhìn thấy con trai của
ông đang bước dọc theo con đường. Chú bé chạy nhảy, chơi đùa và giỡn cợt dọc
theo đường lộ. Cậu ta không quan tâm gì đến thế giới chung quanh. Bất thình
lình như không ngờ trước, chú bé rẽ vào một ngõ hẹp tối tăm phía bên trái và
tiếp tục đi xa khỏi trục lộ. Chú bé quay về phía cha nó và nói: Cha không bao
giờ chỉ cho con, con đường chính thật để đi. Người cha tỉnh giấc với sự bức xúc
trong lòng và chỉ có vài giây trước khi ông nhận ra đó chỉ là giấc mơ. Tuy
nhiên, điều này đã ảnh hưởng sâu đậm trong tâm trí ông. Chỉ đúng đường cho con
cái bước đi đã trở nên việc ưu tiên hàng đầu của ông.
1. Cảnh Thiên
Nhiên
Người xưa sinh sống
trong cảnh thiên nhiên một cách tự do. Có trời làm nhà và có đất làm giường.
Người tiền cổ sống rất đơn sơ và họ không bận tâm về của cải riêng tư. Người ta
làm việc ở đó, ăn ở đó rồi ngủ ở đó. Mọi người hòa đồng sống chung với nhau.
Một vài nét cổ xưa còn lưu lại cho tới ngày nay nơi các bộ lạc sống trong những
khu rừng già. Dân bộ lạc có một cuộc sống rất tự nhiên, không bị giới hạn bởi
những bức tường, cổng, ngõ hay cửa ra vào. Đại gia đình sống chung với nhau,
cùng ăn, cùng uống và cùng ngủ nghỉ trong một chòi. Họ không muốn bị ràng buộc
trong một khung đóng sẵn. Đây cũng là một cách sống tự nhiên hòa mình cùng với
thiên nhiên an vui tự tại.
Trong Kinh Thánh đã
nói nhiều về việc sử dụng cửa và ngõ vào. Từ xa xưa người ta đã biết làm cửa để
ra vào và bảo vệ an toàn cuộc sống. Khi ông Noê chuẩn bị đóng tầu trước trận
đại hồng thủy, Chúa đã dậy ông: Ngươi sẽ làm một cái mui che tàu, và đặt mui
cách phía trên tàu nửa thước. Cửa tàu, ngươi sẽ đặt ở bên hông; ngươi sẽ làm
tầng dưới, tầng giữa rồi tầng trên (Stk. 6:16). Cửa tàu được mở ra để đón nhận
tất cả từng cặp mọi loài súc vật đi vào. Những cặp con vật vào tầu sẽ được cứu
khỏi đại hoạn. Và ông Jacob thì được thị kiến trong giấc mộng là các thiên thần
lên xuống từ trời cao. Ông đã nhìn thấy cửa trời. Giacob phát sợ và nói:
"Nơi này đáng sợ thay! Đây là nhà của Thiên Chúa, là cửa trời, chứ không
phải là gì khác."(Stk. 28:17). Còn ông Job là người có lòng nhân ái, ông
đón tiếp những khách lạ đến nhà ông. Ông đã mở cửa đón chào. Người xa lạ không
phải nghỉ đêm ở ngoài, tôi đã mở cửa đón mời lữ khách (Job 31:32).
2. Ngõ Vào
Ngõ vào hoàn thiện là
đường dẫn lối chúng ta bước vào cuộc sống an vui và hạnh phúc. Hằng ngày chúng
ta phải bước ra, bước vào biết bao nhiêu cổng ngõ. Chúng ra bước ra cửa này rồi
lại vào cửa kia. Mỗi cửa đều có cánh cửa để đóng và mở. Ngõ vào có ngõ hẹp, ngõ
rộng. Cổng chào thì có cổng lớn, cổng nhỏ. Lối đi thì có lối vào, lối ra. Đường
tới thì có đường lên, đường xuống. Đường hẹp là lối dẫn đưa đến nguồn sống. Cứ
quan sát cuộc sống hằng ngày, mỗi ngày chúng ta ra vào rất nhiều cửa. Muốn vào
bất cứ nơi đâu chúng ta phải qua cổng hoặc qua cửa. Đặc biệt những nơi trọng
yếu của quốc gia, cổng cửa thường là hẹp và được kiểm soát rất chặt chẽ. Muốn
vào một nước hay một quốc gia nào chúng ta phải đi qua cửa khẩu. Tuy rằng nước
rộng bao la, dân số đông đúc nhưng ai cũng phải qua cửa mới vào được. Muốn vào
cửa, mỗi người phải được kiểm soát kỹ càng từ danh tánh, tên tuổi, quốc tịch và
những lý lịch cá nhân, nên ai muốn nhập cư phải có thẻ căn cước, chứng minh
nhân dân hay thẻ hộ chiếu. Để giữ an toàn xã hội, con người đã lập ra nhiều
loại cổng để giới hạn sự chọn lọc, để dễ kiểm soát và giữ an toàn. Tiên tri
Gierêmia diễn tả cả mấy ngàn năm trước: Đức Chúa phán với tôi thế này:
"Ngươi hãy đi túc trực ở Cổng Lớn, nơi các vua Giuđa vẫn ra vào; rồi sau
đó, tại các cổng thành Giêrusalem (Gier. 17:19).
3. Cổng Thành
Những dịp đại hội hay
đại lễ, người ta thường thiết kế cổng chào để đón khách. Chúng ta cũng thường
dựng cổng để đón chào cô dâu chú rể ngày thành hôn. Cổng Tân Hôn hay cổng Vu
Qui, chúng ta biết cổng thuộc nhà trai hay nhà gái. Mọi người được mời sẽ đi
qua cổng mà vào dự tiệc cưới. Thường thì cổng cửa nào cũng có then cài hay có
chìa khóa để mở. Có nghĩa là cửa là sự giới hạn. Các tiểu quốc ngày xưa cũng
thường xây cổng và có tường bao quanh. Dân Do-thái ngày xưa khi đã an cư lạc
nghiệp, họ đã tổ chức thành xã hội có tôn ti trật tự. Vua chúa cho xây tường
thành bao quanh và có cổng thông ra ngoài. Trong khi quân đội đang chiến đấu,
Vua Đavít đứng trên cổng thành chờ tin. Vua đứng lên và ra ngồi ở cửa thành.
Người ta báo cho toàn thể quân binh rằng: "Kìa đức vua đang ngồi ở cửa
thành", và toàn thể quân binh đến trước mặt vua (2Sam 19:9). Dân cư sống
trong thành và sáng sớm mở cổng để mọi người đi làm việc, chiều tối đúng giờ,
cổng thành sẽ đóng lại. Người lạ mặt không thể xâm nhập.
Ngày xưa nước Trung
Hoa đã cho xây Vạn Lý Tường Thành để bảo vệ quê hương khỏi nạn xâm lăng. Tường
thành xây quanh đỉnh núi rất là kiên cố. Tường thành chia làm nhiều đoạn, mỗi
đoạn tường có những cổng ra vào và có lính canh phòng. Họ nghĩ rằng đất nước sẽ
không còn nạn chiến tranh xâm lược. Chúng ta biết Vạn Lý Tường Thành là một
trong những kỳ quan thế giới. Sau khi xây xong tường thành, dân chúng nghỉ ngơi
an toàn và nghĩ rằng chẳng ai có thể xâm lược. Nhưng họ đâu có ngờ rằng quân
thù chỉ việc hối lộ cho một trong các người giữ cổng thành. Cổng sẽ được mở và
quân thù sẽ đột nhập một cách dễ dàng. Đây cũng là bài học quan trọng cho tất
cả những ai có trách nhiệm giữ cửa ra vào. Hãy luôn tỉnh thức canh giữ từ cửa
khẩu cho đến cửa nhà.
4. Cửa Ra Vào
Nơi tôi đang phục vụ,
lối đi từ nhà xứ vào nhà thờ được nối thông với nhau. Tôi đi qua, đi lại hằng
ngày nhưng tôi chẳng để ý là phải qua mấy cửa từ nhà xứ sang nhà thờ. Một hôm,
tôi có cha bạn đến thăm, bạn đi từ nhà xứ qua các cửa vào phòng thánh để chuẩn
bị dâng lễ, bạn tôi nói rằng phải đi qua bảy cửa mới vào được phòng áo. Đúng
thế, qua bảy cửa mới vào tới được nhà Chúa. Nếu bạn không có chìa khóa thì chịu
thôi. Mỗi cửa có những then cài hay chìa khóa riêng. Phải đi qua cửa này mới
tới cửa kia. Muốn vào nhà Chúa, chúng ta cũng cần bước qua từng cửa. Mỗi cửa
như những bậc thang dẫn chúng ta đi lên cao hơn. Mỗi cửa như là những nhân đức
chúng ta phải tập tành hằng ngày. Muốn vào cửa Nước Trời, chúng ta cũng phải
nên tốt và kiện toàn hơn mỗi ngày.
Ở vùng Bronx, tại
tiểu bang Nữu Ước có một Nghĩa Trang mang tên là Cổng Trời. Tại vùng Bronx, nơi
tôi đang phục vụ có nhiều nhà thương, một trong những nhà thương có tên là Nhà
Thương Đức Mẹ Thương Xót (Our Lady of Mercy), có Nhà Hấp Hối Calvê (Calvariô)
và Nghĩa Trang Cổng Trời (Gate of Heaven). Trong niềm tin vào Thiên Chúa, khi
bệnh nhân phải vào nhà thương thì cậy trông lòng thương xót của Đức Mẹ Maria,
những ngày cuối đời trên giường bệnh được chia phần đau khổ với Chúa Kitô trên
đồi Calvê và khi qua đời thì được chôn cất nơi cổng thiên đàng. Một hành trình
đưa dẫn chúng ta vào con đường hoàn thiện. Nơi nghĩa trang Cổng Thiên Đàng ở
trần gian là chỗ chôn cất xác chết vật hèn. Không phải mọi người được chôn cất
trong nghĩa trang Cổng Trời là được lên trời cả đâu. Chúng ta những kẻ đang lữ
hành trần thế, cần dâng lời khẩn nguyện lên Thiên Chúa, cầu xin cho họ sớm được
hưởng nhan thánh Chúa nơi quê thật là Nước Thiên Đàng.
5. Mở Rộng Cửa
Tôi nhớ khi Giáo Hội
đón mừng Năm Thánh 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã chọn tiêu đề:
Hãy mở rộng cửa đón Chúa Kitô. Cửa đây là cửa tâm hồn. Chúa đến nhưng chúng ta
có dám mở cửa đón Chúa hay không? Họa sĩ Holman Hunt vẽ bức tranh Chúa Giêsu
đang đứng gõ cửa một ngôi nhà nhỏ. Ông mời bạn bè đến góp ý xem có gì sai sót.
Thấy bức họa, các bạn trầm trồ khen ngợi và không tìm thấy có gì sai. Ông Hunt
cứ thúc dục các bạn xem kỹ lại. Cuối cùng, một họa sĩ còn rất trẻ lên tiếng:
Thưa họa sĩ, tôi thấy có một sai lỗi trên bức tranh họa. Ông đã quên không vẽ
tay nắm hay ổ khóa nơi cửa. Ông Hunt đáp: Này bạn, khi Đức Chúa Giêsu gõ cửa
nhà bạn, thì cửa phải mở từ bên trong.
Vì cửa không có nắm
để mở từ bên ngoài, người ta chỉ có thể mở cửa từ bên trong. Một hình ảnh làm
đánh động tâm hồn. Đó là hình ảnh Chúa đang đứng đợi chờ trước cửa nhà chúng
ta. Chúa đứng đó đợi chờ chúng ta mở cửa đón Ngài vào. Chúa đã gõ cửa tâm hồn
của chúng ta rất nhiều lần. Mỗi tuần khi chúng ta đi tham dự thánh lễ và mỗi
khi chúng ta tụ họp cầu nguyện, Chúa gõ cửa lòng của chúng ta nhưng nhiều khi
chúng ta mải lo công ăn việc làm và bận bịu cuộc sống, chúng ta không lắng nghe
được tiếng Chúa gõ cửa. Chúng ta cần sự bình tâm trong tâm hồn để đón chào
Chúa. Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ
vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta (Kh.
3:20). Chúng ta đừng để Chúa phải đứng bên ngoài cửa chờ đợi trong cô đơn. Hãy
mở cửa ra!
6. Cửa Hẹp
Chúa Giêsu nói: Tôi
là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng
cỏ (Gioan 10:9). Chính Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên và là Chủ chiên. Còn ai
đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử (Gioan 10:2). Cửa chuồng chiên là hình
ảnh rất quen thuộc đối với những người sống ở miền Trung Đông. Thường các người
chăn chiên nằm ngủ ngay lối ra vào của chuồng chiên. Người chăn chiên chính là
cửa. Con chiên muốn đi ra ngoài phải đi qua cửa và bước qua người chăn chiên.
Chúa Giêsu ví Ngài như cửa. Vậy, Đức Giê-su lại nói: "Thật, tôi bảo thật
các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào (Gioan 10:7). Qua bí tích Rửa Tội, chúng
ta được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Chúa. Chúa Giêsu là đầu và chúng
ta là chi thể. Chúng ta sẽ hưởng nhờ nguồn suối ân sủng từ Chúa Giêsu là đầu và
là Thiên Chúa. Thánh Gioan ghi lai: Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua
cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ
cướp (Gioan 10:1).Đến với Chúa, chúng ta phải đi qua cửa hẹp. Có nghĩa là chúng
ta phải bỏ lại những vật lỉnh kỉnh lôi thôi. Vào cửa hẹp là đi vào con đường hy
sinh và từ bỏ. Con đường ít người đi, vì nó đòi hỏi một sự cố gắng kiên trì và
quyết tâm. Chúa Giêsu bảo họ:"Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì
tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được (Lc.
13:24). Cửa hẹp là con đường giúp nên thánh. Con đường này có nhiều thánh giá
khổ đau. Con đường hẹp dẫn chúng ta đi vào con đường trọn lành. Chúa Giêsu là
cửa dẫn chúng ta vào nước hằng sống. Cửa hẹp thì ít người muốn vào. Muốn vào
cửa hẹp chúng ta phải chấp nhận từ bỏ những quyến rũ của thế gian và những đòi
hỏi thỏa mãn sai trái của xác thịt.
7. Cửa Rộng
Cửa rộng thênh thang
dẫn chúng ta đến ngõ cụt. Chúng ta biết các trào lưu hưởng thụ của xã hội ngày
nay đang dẫn con người đến chỗ vong thân. Trong xã hội nhiễm mùi thế tục, có
nhiều người chủ trương một cuộc sống tự do thái quá. Tự do hưởng thụ qua cách
sống thác loạn tình dục. Đạo đức luân lý bị gạt sang một bên để được tự do đồng
tình luyến ái và tự do liên hệ tình dục nam nữ, miễn là đừng để có hậu quả.
Những giá trị tinh thần dần bị loại bỏ để thế vào những quan niệm sai lầm về sự
lựa chọn. Nhiều người chủ trương tự do lựa chọn giết người cách êm dịu, gọi là
an tử. Chọn lựa hủy diệt bào thai trong cung lòng người mẹ. Các thai nhi vô tội
đang bị tòa xử xé xác, phanh thây, tùng xẻo, dìm nước, cắt cổ, đập đầu…các bà
mẹ có biết rằng khi từ chối sự sống của đứa con trong bụng là người mẹ đang
đồng lõa với bác sĩ để hành hạ con cho đến chết.Con đường rộng rãi sẽ dẫn đến
diệt vong.
Chúa mời gọi: Hãy qua
cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà
nhiều người lại đi qua đó (Mt.7:13).Có biết bao lần chúng ta đã đi lạc xa con
đường dẫn đến sự sống. Nhiều người còn đang mải mê đắm chìm trong thú vui trần
thế. Họ nghĩ rằng đời còn dài và còn nhiều lạc thú cần hưởng. Người ta cứ việc
làm giầu và ăn chơi thỏa mãn cuộc đời. Con đường thênh thang và xuôi chiều là
con đường dễ dàng và thoải mái. Nhiều người chủ trương không cần phải cố gắng
hay hy sinh gì cả và cứ sống tự nhiên theo bản năng đòi hỏi. Rất nhiều người
đang chọn con đường rộng này và lôi kéo nhiều người cùng bước theo. Chúng ta
hãy cẩn thận vì con đường dốc sẽ đưa chúng ta xuống vực thẳm.
8. Hãy Gõ Cửa
Anh em cứ xin thì sẽ
được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho (Mt. 7:7). Chúa nói với
chúng ta rằng cứ gõ thì sẽ mở cho. Đã biết bao lần chúng ta đã gõ và Chúa đã mở
và ban ơn cho chúng ta. Ngược lại, bao lần Chúa gõ cửa lòng của chúng ta, mà
chúng ta cứ ngoảnh mặt làm ngơ. Chúng ta có thể chu toàn những điều Chúa dạy và
giáo hội truyền một cách tối thiểu. Thử hỏi chúng ta có thực hiện hơn những điều
buộc phải thi hành không? Có khi nào chúng ta tự nguyện giúp đỡ, hy sinh thời
giờ để phục vụ hay góp phần sinh hoạt trong cộng đoàn và giáo xứ? Chúng ta có
dám hy sinh khả năng và của cải để giúp đỡ tha nhân? Chúa quảng đại hơn lòng
chúng ta mong ước. Nhiều khi chúng ta đã kể công với Chúa và muốn Chúa phải đền
bù.
Có khi nào chúng ta
chạy đến với Chúa xin trợ giúp mà Chúa chối từ chẳng nhận lời. Chúa nói cứ xin
thì sẽ được, hãy gõ thì sẽ mở cho mà. Chúa Giêsu phán: Còn anh, khi cầu nguyện,
hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi
kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh
(Mt. 6:6). Chúa sẽ ban cho ân huệ cho chúng ta theo cách của Chúa chứ không
theo ý muốn của chúng ta. Cũng giống như cha mẹ dù có yêu thương con cái, cũng
đâu phải đáp ứng mọi thứ mà con cái mong muốn. Các cha mẹ cần phân biệt điều
nào thích hợp, điều nào không và điều nào tốt, điều nào xấu. Thiên Chúa là Cha
nhân lành, Ngài thấu tỏ tâm tình của chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta có
mở rộng cửa tâm hồn để đón Chúa hay không. Hãy đón Chúa vào trong đời sống và
trao cho Chúa chìa khóa linh hồn, để Chúa đổ tràn ơn phúc lành xuống tâm hồn
chúng ta.
9. Cửa Trời
Muốn vào cửa Nước
Trời, chúng ta cũng cần có giấy thông hành. Giấy thông hành để được vào hưởng
hạnh phúc thiên đàng là đời sống bác ái yêu thương và tin yêu chia sẻ. Hành
trang vào Nước Trời thật gọn nhẹ với chiếc áo trắng tinh tuyền và cành vạn tuế.
Sách Khải Huyền nhắc rằng muốn vào chung hưởng hạnh phúc đời đời, chúng ta phải
trở nên tinh tuyền như chiếc áo trắng. Phúc thay những kẻ giặt sạch áo mình, để
được quyền hưởng dùng cây Sự Sống và qua cửa mà vào Thành!(Kh.
22:14). Mỗi người tự xét mình dưới ánh sáng tinh tuyền của Chúa, chúng ta sẽ
nhận diện được con người thật của mình. Không ai có thể tự hào rằng cuộc sống
của mình tinh tuyền và không vết nhơ. Hãy đến với Chúa Giêsu, Ngài chính là cửa
của sự tha thứ. Ngài sẽ tẩy sạch chúng ta trong máu châu báu của Ngài.
Trong Sách Khải
Huyền, thánh Gioan diễn tả Nước Trời như một thành thánh có các cửa ngõ. Thành
có tường rộng và cao, với mười hai cửa do mười hai thiên thần canh giữ, và trên
các cửa có ghi tên mười hai chi tộc con cái Ítraen (Kh. 21:12). Nước trời là
nước hằng sống và là nơi mà chúng ta hằng mong ước. Mục đích tối hậu cuộc sống
của chúng ta trên trần gian là mong ước được ghi danh trên trời.Thánh Luca
viết: Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy
mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời."(Lc. 10:20). Chúng ta biết không
ai lên trời trừ Đấng từ trời xuống mặc khải cho chúng ta về nước trời. Chính
Chúa Giêsu sau khi sống lại từ cõi chết, Ngài đã hứa với các môn đệ: Trong nhà
Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn
chỗ cho anh em (Gioan 14:2).
Nói tóm lại, muốn vào
bất cứ nơi đâu, chúng ta phải đi qua cửa. Để được chấp nhận vào cửa, mỗi người
phải có đầy đủ điều kiện và giấy tờ chứng minh. Muốn vào Nước Trời, chúng ta
phải đi qua cửa hẹp. Từng người một qua cửa mà vào. Chúng ta không thể dựa dẫm,
đút lót, gian lận, vào chui hay nhờ vả ai khác. Mỗi người phải tự đứng trên
chân của mình. Chúng ta không vào thiên đàng hàng loạt, nhưng mỗi người sẽ được
xuất hiện soi dọi dưới ánh sáng tinh tuyền. Sự thật linh hồn của con người được
trưng bày tỏ tường như dưới ánh sáng ban ngày. Chúng ta không thể lẩn trốn
trước nhan Thiên Chúa. Nếu tâm hồn của chúng ta được thanh tẩy tinh sạch, Chúa
là Cha Nhân Từ sẽ đón chúng ta vào nước Thiên Đàng.
LM Giuse Trần Việt
Hùng