Thả Dốc
Đã bao lần Chúa thương giải cứu, nhưng họ
vẫn cố tình phản nghịch, đắm chìm trong tội ác của mình (Tv. 106, 43)
1. Xuôi Dòng
Bên cạnh nhà thờ thánh
Nicholas of Tolentine, Bronx, Nữu ước, có một công viên nhỏ tên là Devoe Park.
Công viên có nhiều lối đi, có sân banh, có khu giải trí cho trẻ em và có vòi
nước phun. Có nhiều tàng cây lớn phủ khắp. Cứ mỗi độ Đông về, khi bão tuyết phủ
lấp các sườn dốc trong công viên, tôi lại thấy một số em nhỏ trườn tuyết thả
xuống dốc. Tuy sườn dốc không cao và không dài lắm nhưng các em rất thích thú.
Mỗi em chuẩn bị cho mình một cái thau nhựa, thùng nhựa hay một vật gì bằng
phẳng, các em cố gắng leo lên dốc, rồi ngồi trên miếng nhựa trườn xuống thấp.
Các em vui đùa trong tuyết trắng thật phấn khởi.
Thả dốc, đổ dốc, xuôi dòng
hay buông trôi theo dòng thì thật dễ dàng và thoải mái. Chúng ta không cần phải
cố gắng nhiều, không phải tiêu hao nội lực và không phải gắng công liên tục.
Nếu chúng ta quan sát người chèo thuyền ngược dòng, hai tay cứ phải liên tục
chèo lái, nếu họ buông chèo, thuyền sẽ bị trôi theo dòng nước. Ai có cơ hội
chạy xe đạp thể thao, khi leo dốc phải ráng đạp hết sức nhưng khi thả dốc, thật
là sung sướng. Đổ dốc mà không có bàn thắng thì thật là nguy hiểm. Người ta
thường nói: Năm chìm bảy nổi, chín cái lênh đênh. Cuộc đời của chúng ta cũng
phải lên xuống không ngừng. Cố gắng leo lên tới đỉnh rồi lại từ từ đi xuống.
Chúng ta phải cố gắng ra sức lao động cầy bừa mới có của ăn áo mặc. Phải vun
xới và xây đắp, chúng ta mới có gia sản riêng tư.
2. Phấn Đấu
Cuộc sống đời thường, ai
mà không muốn sống dễ dãi và thoải mái. Ai mà không thích hưởng thụ và sống an
nhàn. Cuộc sống hưởng thụ thì chẳng biết bao nhiêu mới đủ. Đường thênh thang dễ
bước sẽ đưa dẫn chúng ta đi xuống. Đi xuống là thả dốc và xuôi dòng thì thật dễ
dàng. Một cuộc sống chỉ lo tìm cách thỏa mãn mọi ước muốn dục vọng sẽ đưa đến
phá sản. Hoang phí nghị lực, sức khỏe, thời giờ và tiền bạc sẽ đưa đến băng
hoại đời sống. Cuộc sống buông xuôi sẽ dẫn đến thất vọng và chán nản.
Trong bất cứ một lãnh vực
nào, nếu chúng ta muốn tiến thân, chúng ta phải cố gắng, phấn đấu và kiên trì
làm việc. Cuộc sống của chúng ta cần có lý tưởng để đạt, cần có hy vọng để vươn
tới, cần có mơ ước để hoàn thành và cần có đích hướng để nhắm tới. Chúng ta
không thể nằm đó chờ sung rụng, thánh Phaolô nói rằng: Thật vậy, khi còn ở với
anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng
ăn!(2Tx. 3.10). Cứ quan sát mọi sự chung quanh từ loài vật đến con người, muốn
thành công trong bất cứ lãnh vực nào, chúng ta phải nỗ lực và tiến tới không
ngừng. Muốn thành thân, thành nhân và thành thánh, con người phải được dậy dỗ,
rèn luyện và khắc phục mọi tính hư tật xấu để kiện toàn.
Chúng ta biết rằng muốn có
được tấm bằng đại học, các học sinh đã phải mất ít nhất là 16 hay 17 năm miệt
mài với trường lớp. Từng ngày, từng tháng và từng năm, cứ mỗi một bước tiến là
một nấc thang bước tới. Các em đã phải kiên trì học tập và chịu mọi gian nan
thử thách để đạt thành công. Trong các lãnh vực khác cũng thế, ai ai cũng phải
làm việc cả về tinh thần lẫn thể xác. Thân xác cần luyện tập, gìn giữ và bảo vệ
sức khỏe. Về lãnh vực tinh thần có nhiều khía cạnh cần trau dồi. Mọi người cần
trau dồi ý chí, trí dục, đức dục và nhân bản. Chúng ta cứ phải học hoài, học
mãi. Học cho tới khi nằm xuống cũng chẳng ai thông hiểu hết.
3. Sám Hối
Cuộc sống tinh thần con
người rất phức tạp. Sự yếu đuối của bản năng thân xác và ước muốn cứ kéo lôi
chúng ta vào đường thênh thang nhẹ bước. Các dịp tội xảy ra hằng ngày như cơm
bữa, chúng ta thường hay sa ngã và phạm tội. Chúa Giêsu đã dậy chúng ta cầu
nguyện qua Kinh lạy Cha: Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng
con cho khỏi sự dữ. Nếu một ngày mà chúng ta không phạm tội, chúng ta đã đang
bước gần đến con đường trọn lành. Hằng năm, Giáo Hội tạo nhiều điều kiện cho
chúng ta có cơ hội sám hối, giải hòa và trở về. Có người nói rằng năm nào cũng
thế, cứ vào mùa Vọng hay mùa Chay, nhiều người nối đuôi nhau đến tòa cáo giải
xưng thú tội lỗi và ăn năn chừa cải. Ít ngày sau, cuộc sống đạo đâu lại vào đấy
và chứng nào vẫn tật ấy. Chúng ta đừng chán nản hay thất vọng, cuộc sống là
bước tới trong hy vọng. Chúng ta cố gắng từng bước và sống tốt trong giây phút
này là tốt lắm rồi.
Đâu mấy ai có thể nói xin
vâng một lần mà trở nên hoàn thiện ngay được. Chúng ta phải trở về và sám hối
mỗi giây phút trong đời. Vì chúng ta vẫn còn đang lữ hành trần thế, làm sao
chúng ta có thể dứt được mọi ước muốn thế trần. Phạm tội rồi được tha, tha rồi
lại phạm nữa, nhưng chúng ta phải luôn cố gắng nên hoàn thiện không ngừng. Có
khác gì chúng ta tắm rồi lại dơ, dơ rồi lại tắm. Khát đòi uống, uống rồi lại
khát. Đó là nhịp sống. Chúng ta hãy tha thứ để được thứ tha. Chính Chúa Giêsu
cũng khuyến khích chúng ta rằng nếu anh em xúc phạm đến ngươi hãy tha cho nó:
Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ
xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức
Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt.
18, 21-22). Đừng bao giờ chúng ta nên diễu cợt vì sự trở lại, sám hối và sự tha
thứ của anh chị em mình. Chính Chúa đã phải trả ơn cứu độ bằng giá máu của
Ngài.
4. Sửa Đổi
Viết đến đây tự nhiên tôi
cảm thấy buồn buồn vì đọc tin ông Dân Biểu C. R., Harlem, Nữu Ước đã có hơn 40
năm thâm niên công vụ bị đưa ra tòa xét xử vì tội gian tham bất hợp pháp. Nhìn
hình ảnh người chánh án nhỏ tuổi hạch hỏi ông cụ già 80 tuổi, tôi càng cảm thấy
ái ngại. Tôi nhớ lại câu truyện của bà Susanna bị cáo gian trong sách Daniel
chương 13, lại cảm thấy ngại ngùng hơn nữa. Một cậu bé Đanien được linh ứng soi
sáng giải cứu cho người phụ nữ bị hàm oan vì hai ông già dê cáo tội. Đanien
nói: “Hãy tách riêng họ ra, rồi tôi sẽ xét hỏi.”(Dn 13.51). Tuổi già đáng kính trọng.
Đừng khi nào nghĩ rằng chúng ta già rồi không còn bị rơi vào các cơn cám dỗ
nữa. Tuổi nào cũng cần ăn năn hối cải và sửa mình. Các cám dỗ chẳng trừ một ai,
cách tốt nhất là chúng ta phải ăn chay, cầu nguyện và luôn tỉnh thức để phấn
đấu.
Ăn năn sám hối luôn luôn
là một nghĩa cử đẹp và tốt lành. Không phải tự sức riêng mình có thể dễ dàng
trở về bên lòng Chúa. Phải có sự thúc đẩy trong tâm hồn muốn rửa sạch vết nhơ
bụi trần. Nhất là có lòng ước ao được tẩy sạch. Giống như bãi tắm biển về
chiều, tồn lại biết bao vết chân và rác rưởi nhưng chỉ cần một cơn sóng dạt bờ
và kéo theo tất cả. Bãi biển được rửa sạch và làn cát êm dịu phẳng lịm. Chúng
ta tin vào tình yêu và sự tha thứ của Chúa trong bí Tích Hòa Giải sẽ rửa sạch
tội nhơ và chúng ta lại được giao hòa cùng Chúa là nguồn mọi sự bình an.
5. Thăng Tiến
Con đường lên thiên đàng
là thiên đàng. Chúng ta cần nên thánh mỗi ngày. Sống môt giây phút tốt, chúng
ta sẽ tốt. Một lần trở về là một lần chúng ta lại được ngụp lặn trong tình yêu
ơn nghĩa của Chúa. Chúng ta đừng sợ, đừng ngại, đừng chán nản và đừng thất
vọng. Mỗi con người là một mầu nhiệm sự sống. Chúa hy sinh chịu chết là để cứu
độ từng cá nhân con người. Chúng ta hãy trân trọng những giây phút được giao
hòa và đón nhận Chúa vào lòng. Cứ phải cố vươn lên, bước tới và đi ngược dòng
về nguồn suối Chân, Thiện, Mỹ.
Khi xưa chính Chúa Giêsu
đã vác thánh giá lên núi Sọ. Từng bước từng bước, thánh giá đè nặng trên thân
xác bầm dập vì đòn đánh, Chúa đã lên tới đỉnh núi Sọ. Chúa đã hiến dâng của lễ
hiến tế giao hòa lên Chúa Cha. Chúng ta hãy vác thập giá bước theo Chúa mỗi
ngày cho đến cùng. Điều quan trọng là chúng ta đã đi vào cuộc đua tìm ơn cứu
độ, chúng ta phải chạy cho đến cùng đường. Thánh Phaolô đã nêu gương phấn đấu:
Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững
niềm tin (2Tm. 4,7).
Maranatha, lạy Chúa, xin
hãy đến. Xin cho chúng con biết mở rộng tâm hồn đón Chúa.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng