Sự sa ngã

“Đức Giê-su nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”(Mc 2:17).1. Quan Niệm Về Tội

Thánh Phaolô đã viết: Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội (Rm. 5:12). Tội đã nhập vào thế gian qua sự bất trung và kiêu ngạo của ông bà nguyên tổ. Tội đã truyền lại cho các thế hệ con cháu. Tội là gì? Theo sách Giáo Lý Công Giáo nói rằng tội là xúc phạm đến danh Thiên Chúa và tình yêu của Người, làm tổn thương phẩm giá riêng của con người đã được mời gọi làm con Thiên Chúa và phá vỡ sự an bình thiêng liêng của Hội Thánh và mỗi người Kitô Hữu phải là một viên đá sống động (GL 1487). Tội bóp nghẹt sự thông hiệp giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa yêu thương con người nhưng Thiên Chúa ghét tội. Tác giả Thánh Vinh 37 diễn tả rằng: Quân tội lỗi đều bị diệt trừ, nòi ác nhân rồi cũng phải tru di (Tv. 37:38).

Tội lỗi làm tâm hồn của con người thui chột và không thể tiến triển trên con đường trọn lành. Truyện kể rằng: Một nhà trồng kiểng, ngày kia mua được cây kiểng qúy hiếm đem về chăm bón nhưng sao có một cành cứ đẹt hoài và không phát triển. Ông tìm mãi mới khám phá ra có một sợi giây thép cột ngay quanh thân cành làm cho nó không dẫn nhựa được. Ông liền cắt giây và mấy ngày sau, ông thấy cành đó lớn mạnh. Cũng vậy, tội trọng làm ta bị xiềng xích lại và không thể nên tốt được. Cần phải cắt xích đó đi, chúng ta mới có thể nên hoàn thiện.

2. Sa Ngã

Tiếng nói lương tâm là gì? Lương tâm là một phán đoán của lý trí nhờ đó con người nhận ra phẩm chất luân lý của một hành vi cụ thể. Lương tâm là trung tâm sâu kín nhất của con người, là cung thánh mà ở đó con người một mình đối diện với Thiên Chúa và tiếng nói của Người càng dội trong thâm tâm họ. Cùng một suy nghĩ về tiếng nói nội tâm, Đức Phật dạy rằng: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Hạt giống Bồ Đề đều sẵn có trong mỗi chúng sanh. Nhưng vì vô minh che lấp nên điên đảo mê lầm tạo gây nghiệp tội. Khi phạm tội thì chúng ta phải xưng thú, đền bù và xin tha thứ. Chúa biết con người yếu đuối và tội lỗi. Chúa không đến để luận phạt. Thánh Matthew đã viết: Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt. 9:13). Chúa kêu gọi người tội lỗi trở về. Trở về càng sớm càng dễ dàng và càng tốt. Chúng ta biết rằng phạm luật là bị phạt. Các hình phạt như phạt tiền, phạt lao động cộng đồng, phạt tù treo phạt tù ở, tù chung thân rồi có hình phạt nặng nhất là tử hình. Đó là các hình phạt xã hội con người quy định với nhau. Có những luật lệ của quốc gia bất công hay vô luân, chúng ta không buộc phải thi hành. Những luật lệ mà các Tòa Án phán quyết như luật về tiếng nói lương tâm, phá thai, hôn nhân đồng tình luyến ái, án tử hình, các nhà làm luật đã đi quá phạm vi của chính mình. Cho nên chúng ta phải biết rằng không phải cứ là luật, chúng ta phải hay được phép thi hành. Khi luật lệ của con người đi ngược lại lề luật của Thiên Chúa, chúng ta không buộc phải thi hành. Chúng ta còn có luật của lương tâm hướng dẫn, chúng ta sẽ phải trả lẽ về mình trước mặt Thiên Chúa. Luật lệ giúp cho chúng ta tránh tội và là kim chỉ nam hướng dẫn giúp đời sống chung xã hội cho tốt đẹp. Phạm luật của Chúa là phạm tội. Tội lỗi sẽ mọc rễ và bám rễ sâu trong đời sống của mỗi người. Chúng ta phải tỉnh thức luôn để đừng bị vùi dập trong tội. Truyện kể rằng: Ngày kia, một giáo sư già đi chơi qua khu rừng, bên cạnh có cậu học trò cùng đi. Thình lình thầy dừng chân chỉ vào bốn cây gần đó. Cây thứ nhất mới nhú khỏi đất, cây thứ hai mọc mầm non, cây thứ ba đã lớn và cây thứ tư khá to. Thầy nói: Trò hãy nhổ cây thứ nhất. Quá dễ dàng, cậu học trò nhổ lên. Thầy nói tiếp: Hãy nhổ cây thứ hai. Cậu dùng một cánh tay nhổ lên. Rồi nhổ tiếp cây thứ ba, cậu phải dùng hết sức mới nhổ được. Còn cây thứ tư quá lớn. Cậu phải ôm thân cây và cố sức nhổ nhưng khó mà lung lay được. Thày dậy rằng: Về các tính hư nết xấu của ta cũng vậy. Khi mới nhiễm thì dễ khử trừ nhưng nếu chúng đâm rễ sâu trong tâm khảm và trong thân xác thành thói quen, con sẽ khó mà trừ khử nó.

3. Sám Hối

Sau đây là vài tâm tình sám hối của những phật tử. Tuy không có Mùa Vọng dọn đường hay Mùa Chay sám hối, không có Bí Tích Hòa giải như các tín hữu Công Giáo, nhưng mỗi tín đồ Phật Giáo qua tiếng nói thầm trong lòng, họ cũng phát hiện được những sai trái, lỗi lầm và mong được sám hối để tâm hồn thanh tịnh và nhẹ nhàng. Lời nguyện sám hối: Nay con sám hối tội mình. Từ vô thỉ kiếp vô minh lỗi lầm. Gây điều ác, gieo mầm đau khổ. Sát sinh chẳng chút xót xa. Gian tà trộm cắp tiêu pha của người. Đắm dâm dục buông lời dối trá. Nói hai lời, thô ác, chuốc trao. Tham lam, sân hận, cống cao. Si mê, phiền não, bủa rào đảo điên. Khiến chúng con triền miên rong ruổi. Sống lênh đênh trôi nổi lạc lầm. Giúp con tỉnh thức, sáng tâm trở về. Xa lìa khỏi sông mê, bể khổ. Thoát trầm luân đỗ bến giác ngàn. Xuống lên ba cõi sáu đường. Đền bù với những vết thương lỗi lầm. Trả vay vay trả trầm luân. Gian nan thống khổ vô ngần vô biên. Cũng vì nghiệp báo oan khiên. Do mình kết tạo triền miên nối đời. Vậy con thi lễ cúi đầu. Chí thành sám hối nguyện cầu ăn năn. Như xưa có phạm điều răn. Gây nên tội lỗi nhố nhăng đau lòng. Thì nay lòng dạ ân cần. Chuyên lo tu luyện chuộc phần tội xưa. Thật lòng sám hối ăn năn xin chừa.Dù theo tôn giáo nào, về đời sống luân lý đạo đức, ai cũng được dậy dỗ ăn ngay ở lành, xa lánh tội ác và làm việc thiện. Nhưng con người với tà niệm và bản năng thú tính kéo lôi con người về đường tội lỗi. Tinh thần thì minh mẫn, còn xác thịt thì yếu đuối. Nhiều người cứ dầm dề và ngoi ngóp trong biển đời, không muốn thóat ra khỏi vũng lầy của tham lam, dục vọng và trụy lạc. Khi suy niệm về lời Thánh Kinh: “Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ.” Cha giảng phòng trong khi dọn bài đã ngủ thiếp đi và chiêm bao thấy một nhóm quỉ đang tìm cách cám dỗ người ta. Một tên nói: Tôi sẽ xui người ta rằng Thánh Kinh là truyện bịa. Nhóm trưởng phê rằng: Không được, đừng làm thế. Đứa khác lại nói: Để tôi đi, tôi xúi con người rằng không có Thiên Chúa và không có thưởng phạt gì cả. Qủi Cả nhận xét: Không được, nói thế họ sẽ không tin. Cuối cùng một tên quỉ già kinh nghiệm góp ý: Tôi sẽ nói rằng có Chúa, có hỏa ngục nhưng đừng vội vã chi và ngày còn dài mà. Thế là tất cả hội đồng phái lão ra đi.

4. Giải Thóat

Ngày nay, trước tiến bộ văn minh vật chất quá độ đã xô đẩy con người vào trong hố thẳm sâu của tham vọng và hận thù. Chiến tranh vẫn diễn ra khốc liệt trên thế giới, nghèo đói, bệnh tật, thiên tai vẫn đe dọa đời sống của nhân loại. Càng văn minh, con người càng có nhiều nỗi lo lắng, sợ hãi mới, mọi áp lực kinh tế xã hội đè nặng lên trên tâm trí của con người. Hoàn cảnh tục hóa tạo nên ức chế tâm lý và làm băng hoại về đời sống đạo đức. Con người chạy đi tìm kiếm những giải quyết tham vọng và sinh lý hưởng thụ vội vàng. Nhiều người mất đi cảm nhận về tội và tiếng nói lương tâm, nhường cho những réo gọi của thú tính tìm vui thỏa mãn mọi đòi hỏi. Họ quan niệm rằng mọi thú vui chỉ là mua vui mau qua chóng hết.

Tuy vậy, vẫn còn niềm hy vọng, trong Giáo Hội còn nhiều những tâm hồn rất bén nhậy. Họ sống với một tâm hồn thanh khiết. Tiếng nói lương tâm chính là Kim Chỉ Nam dẫn đường trong những chọn lựa. Họ biết ý nghĩa phù vân của đời tạm bợ và tìm kiếm những giá trị thật viễn mãn. Họ luôn soi mình trước chiếc gương trong sáng để tìm giải thóat tâm linh. Họ biết chạy đến Chúa, Đấng có thể giải thoát, chữa lành cả thân xác và linh hồn. Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ và dân chúng: Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội - bấy giờ Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Đứng dậy, vác giường đi về nhà! (Mt. 9:6). Chúng ta đừng khi nào thất vọng, Chúa luôn có con đường mới cho chúng ta bước theo. Truyện kể một hôm thánh Philip Neri đi thăm một chị nữ tu tên là Scholastica. Chị này tưởng mình đã bị án luận phạt mất nước thiên đàng. Cha thánh khuyên chị rằng thiên đàng là của con. Chị nói: Thưa cha, sao có thể được. Cha Neri nói: Con điên sao? Kìa nhìn xem Chúa Kitô chết cho ai? Chúa chết cho những người tội lỗi. Được, con là người tội lỗi ghê gớm. Vậy Chúa đã chết để cứu con, vì thế nước thiên đàng là của con. Nhờ những lời ấy, Scholastica lấy lại lòng tin và sự bình an trong tâm hồn.

5. Sợ TộiHình phạt giúp con người tránh được tội. Làm lành thì được khen thưởng. Làm dữ, làm xấu thì bị phạt. Tất cả các tổ chức xã hội, tôn giáo, văn hóa, giáo phái đều có các luật lệ luân lý hướng dẫn. Trong luật lệ có phân biệt đúng sai, xấu tốt và thật giả. Chúng ta thấy quốc gia nào cũng có nhà tù. Nhà tù để trừng phạt, huấn nhục và là nơi giúp con người cải tà qui chánh. Biết rằng có luật lệ nhưng luôn luôn có người phạm pháp. Có người cố tình phạm pháp và lẩn trốn để khỏi bị bắt qủa tang. Có những người phạm pháp, trốn tránh một thời gian, rồi ra đầu thú vì lương tâm cắn rứt. Luật pháp là do con người ấn định nếu luật pháp ngược với luật tự nhiên hay luật của Chúa, chúng ta không buộc phải thi hành. Chúng ta còn có một quyền cao hơn hết, đó là quyền chọn lựa của lương tâm, không ai có thể cất quyền này. Chúng ta còn có sự sống của chính mình và quyết định cho đời mình.

Sự chọn lựa của lương tâm là cao cả nhất, không ai có quyền tướt đọat. Bạo quyền cũng sẽ phải đầu hàng chịu thua. Chịu thua cho một ý chí kiên cường và bất khuất của những con người không sợ chết. Truyện kể về thánh Gioan Chrysostomo bị Vua Arcadius bắt đem xử. Cả triều thần hiến kế ra hình phạt. Hãy giam hắn vào trong sa mạc Thebaide hoặc giam hắn vào ngục tối cho chết rũ tù. Có người hiến kế: Chém một nhát là xong. Sau hết một quan nói: Đầy ải ư? Vô ích, vì người này vui vẻ chịu đau khổ vì Chúa. Đuổi vào sa mạc ư? Vô ích, vì hắn xa người ta mà không xa Chúa. Giết hắn ư? Vô ích, vì hắn sẽ về ngay với Chúa trên trời. Chỉ có một cách là làm sao cho hắn phạm tội. Đó là hình phạt đau đớn nhất cho hắn vì hắn rất sợ tội. Hắn không sợ nghèo, không sợ đau khổ, không sợ chết mà chỉ sợ tội.

6. Xóa Tội

Khi chúng ta phạm tội, chúng ta phải thành thật chịu trách nhiệm về các hành vi sai trái của mình. Là con người yếu đuối, chúng ta dễ bị tự ái và xấu hổ về việc làm sai và lỗi lầm của mình. Thường thì chúng ta tìm mọi cách để bào chữa và nại lý do này khác để làm nhẹ tội hoặc chối tội. Chúng ta thường thấy nơi các tòa án ngoài đời, người ta mướn những luật sư giỏi, họ chịu hao tốn tiền bạc, để qua môi miệng khôn khéo và luồn lạch luật lệ mà giúp làm giảm bớt tội cho khách hàng. Đôi khi có thêm những nhân chứng gian trá muốn bao vệ danh giá hay địa vị của kẻ khác. Có khi con người dùng quyền lực trấn áp kẻ khác. Ca dao tục ngữ có câu: Miệng kẻ sang có gang có thép.

Người phạm tội thì muốn xóa tội và muốn phi tang. Phi tang bên ngoài có thể làm người khác không nhận biết nhưng trong tâm hồn đâu dễ tìm ngay được sự bình an. Ai mà không muốn lương tâm mình được thanh thản cho dù đã làm điều thất đức. Ngày xưa, dân Do Thái có lễ đền tội, nghi thức bề ngoài là dâng tiến chiên tế lễ đền tội thay cho mình. Một hình thức chuộc tội mà ngày nay vẫn còn áp dụng. Sách Luật Lêvi ghi lại rằng trong nghi lễ: Aharon sẽ đặt hai tay lên đầu con dê còn sống, sẽ xưng thú trên con vật mọi lỗi lầm của con cái Ít-raen, mọi việc phản nghịch của chúng, nghĩa là mọi tội lỗi chúng; nó sẽ trút cả lên đầu con dê, rồi sẽ dùng tay một người đang chờ sẵn mà thả vào sa mạc. Con dê sẽ mang trên mình mọi lỗi lầm của chúng vào hoang địa (Lêvi 16:21-22).

Ăn năn thật lòng sẽ giúp chúng ta nên công chính và hoàn thiện. Có nhiều điều chúng ta dấu được qua mắt thiên hạ nhưng không thể dấu tội trước mặt Thiên Chúa. Truyện kể có người đem quần áo ra sông để giặt, nhưng vì sợ người ta thấy quần áo mình dơ bẩn nên vội vàng giặt sơ sơ rồi gấp mang về phơi. Vì thế quần áo không có cái nào sạch cả. Ngày nay có nhiều người cũng làm như thế trước mặt Chúa và linh mục giải tội. Vì sợ linh mục biết tội mình quá ô uế, nên họ không dám xưng từng tội một với ngài, chỉ xưng tổng quát qua loa. Họ giấu những tội trọng nên linh hồn họ dơ vẫn hoàn dơ.

7. Thống Hối

Trong bất cứ niềm tin tôn giáo nào, con người có thể giác ngộ ra những chân lý thật của đời sống. Với sự khôn ngoan và tìm kiếm qua sự hiện hành trong vũ trụ, con người lần mò đi vào cõi thiêng liêng nhưng không thể hiểu thấu. Con người có thể giúp nhau tìm đạt niềm an vui hạnh phúc qua các nẻo đường vào cõi sau. Đạo Phật với chủ trương luật nhân quả, nghiệp báo đã nói lên tinh thần trách nhiệm cá nhân và cộng đồng trước sự đau khổ và hạnh phúc của chính mình. Để rồi cứ mãi chịu luân hồi quẩn quanh trong sáu nẻo, lên xuống lộn lạo nơi ba đường, mà cội nguồn sanh tử trầm luân chính là vô minh và ái thủ. Nếu muốn được giải thoát thì phải tu hạnh, xa rời năm trần cấu. Tức là phải trừ sạch tham ái và chấp thủ, không đắm mê, dính mắc dục trần, giữ tâm chánh định, rỗng rang không dấy niệm. Vì có niệm là có khổ. Huống chi đó là niệm bất thiện. Trong niềm tin Kitô Giáo, chúng ta được giải thoát tội lỗi nhờ vào công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô. Chúa đã xuống thế làm người, rao giảng tin mừng sám hối và kêu gọi người tội lỗi ăn năn trở lại. Sau cùng Ngài đã chịu mọi khổ hình, vác thập giá, chịu đóng đinh và chết trên thập giá để cứu độ nhân lọai. Ngài vui mừng khi những người lạc bước trở về. Thánh Luca đã viết: Vậy, tôi nói cho các ông hay: Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn (Lc. 15:7). Chúng ta thấy Chúa yêu thương con người tội lỗi là dường nào. Chúng ta cũng trong số những người tội lỗi nhưng không phải cứ lầy lội trong tội là được Chúa yêu thương, điều quan trọng là Chúa sẽ vui mừng khi thấy người tội lỗi ăn năn trở lại.Bí tích Giải Tội là cửa ngõ đưa chúng ta vào giao hòa với Chúa và tha nhân. Niềm vui của sự tha thứ và đón nhận trở về quá cao qúy, tại sao chúng ta còn chần chừ? Truyện xưa kể rằng Thánh Antôn một lần kia thị kiến thấy thằng quỉ cứ lượn đi lượn lại quanh những người đang sửa soạn xưng tội. Thánh nhân hỏi: Mày làm cái gì ở đây? Thưa ngài, tôi đến đây để trả nợ. Ngạc nhiên, thánh nhân hỏi: Thế nào là trả nợ? Xin thưa, khi tôi xúi dục người ta phạm tội, tôi lấy đi sự xấu hổ nơi họ, để họ không còn ngại với lương tâm và với Thiên Chúa, điềm nhiên phạm tội. Nay họ ăn năn trở lại, tôi trả lại họ sự xấu hổ, để họ xấu hổ mà giấu tội và không dám xưng tội trọng.

Tóm lại, trong sách Tông Đồ Công Vụ, thánh Luca tha thiết kêu mời anh em hãy trở về cùng Chúa: Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em (TĐCV 3:19). Lạy Chúa, nếu Chúa chấp tội, nào ai chịu nổi được ư! Đã bao lần chúng ta phạm tội, đã bao lần chúng ta tới tòa cáo giải và đã bao lần chúng ta đã nhận ơn tha thứ, đã nhiều lần lắm rồi, Chúa vẫn cứ tha cho chúng ta. Nhưng hình như chứng nào vẫn tật ấy, chúng ta lạm dụng lòng nhân lành của Chúa. Tội lỗi trở thành quen thuộc và là cách sống hằng ngày. Chúng ta ơ hờ về tình yêu Chúa mời gọi. Lạy Chúa, chúng con cảm nghiệm được rằng điều tốt chúng con muốn, chúng con chẳng làm được. Xin Chúa thêm sức mạnh và lòng can đảm để giúp chúng con quyết tâm trở về và xa trừ tội lỗi.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

 


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu