KITÔ GIÁO TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY

 

 

(TTCG Cập nhật: 19/01/2011 23:51:16)

Trên Internet, tôi đọc một đoạn tin mà tôi cho là thật khó tin.

Một Uỷ ban của Cộng đồng châu Âu đã in ra hơn ba triệu cuốn Agenda (Sổ tay), để phân phát cho học sinh các trường trung học của Liên Hiệp Châu Âu, trong đó hoàn toàn không nhắc tới các ngày lễ của Kitô giáo, kể cả lễ Giáng Sinh, thế nhưng các lễ của Do Thái giáo, đạo Hinđu (Ấn Độ), đạo người Sikhs và Hồi giáo thì lại được ghi đầy đủ. Tất nhiên một hành động như thế đã gây ngạc nhiên và thậm chí phẩn nộ trong quần chúng. 

Mối thù ghét khó hiểu đối với Kitô giáo 

Người ta hoàn toàn có lý khi nói tới một nỗi thù ghét Kitô giáo rất vô lối và vô lý tại Châu Âu hiện nay. Người châu Âu lớn tiếng lên án chủ trương bài Do Thái (Antisemitism) và bài Hồi giáo (Islamophoby), và như thế là đúng, trong lúc chính họ lại chống Kitô giáo là đạo đã làm nên nền văn hoá của mình. Ít lâu nay, Đức Thánh Cha thường nói tới thái độ thù ghét này đối với Kitô giáo (Christianophoby), được biểu lộ ra bằng nhiều cách. Chủ trương này không phải là nguyện vọng chung của quần chúng châu Âu mà do một số nhà chính trị và nhà hoạt động truyền thông tạo ra và tìm cách áp đặt trên dư luận. 

Tìm cách xoá bỏ các dấu tích Kitô giáo trong xã hội 

Câu chuyện thời sự về những cuốn sổ tay (Agenda) gợi cho tôi nhớ lại cuộc tranh luận chung quanh việc treo tượng thánh giá trong trường học tại Ý cách đây chỉ mấy năm. Đầu đuôi là do bà Lautzi, một phụ huynh học sinh phản đối nhà nước Ý và đòi phải cất các tượng thánh giá ra khỏi các phòng học của trường công, nơi các con bà theo học. Bà đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng quyền của người công dân “được học hành và giáo dục phù hợp với những xác tín tôn giáo và triết lý của họ”, và trong trường hợp này, là sự tôn trọng tính trần tục của nhà nước. Chính quyền Ý coi tượng thánh giá trong các trường học không phải là một biểu lộ của niềm tin tôn giáo nhưng là một biểu thị văn hoá, vì Kitô giáo chiếm một vị trí rất đặc biệt trong văn hoá và lịch sử của nước Ý. Vì các toà án trong nước từ chối lời khiếu nại của bà, nên bà Lautzi đã nại lên Toà án châu Âu về Nhân quyền tại Strasbourg (Pháp). Toà án xét xử cho bà thắng kiện. Nhà nước Ý khiếu nại. Nhưng trong thực tế, phán quyết này  đã bị từ chối bởi hầu hết mọi người khuynh hữu cũng như khuynh tả trong một nước vẫn còn chịu ảnh hưởng sâu đậm của đạo công giáo. Một số nước, bắt đầu là Ba Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, rồi 10 quốc gia khác cũng như một số tổ chức tôn giáo và ba mươi dân biểu của Quốc hội châu Âu đã lên tiếng ủng hộ chính phủ Ý. 

Tranh cãi liên quan tới Kitô giáo trong Hiến chương châu Âu 

Cũng chưa xa chúng ta bao nhiêu, trong cuộc tranh luận gay gắt ở châu Âu liên quan đến nội dung của Lời mở đầu của Hiến chương Liên hiệp châu Âu, đại diện chính quyền Pháp cũng nhất định chống lại việc nhắc tới Kitô giáo như yếu tố cốt yếu và tiêu biểu tạo nên văn hoá châu Âu. Họ bảo: Tây phương còn chịu ảnh hưởng của những tôn giáo khác như Do Thái giáo, Hồi giáo, và những nền văn hoá Hylạp, Lamã, celtic, slave. Đúng thế, nhưng không thể chối cãi rằng tất cả đã được tiếp thu, nhào nặn bởi Kitô giáo là nguyên lý sáng tạo, khiến cho văn hoá châu Âu mang một nét riêng tư độc đáo. Ngay cả Phong trào Khai sáng thế kỷ XVIII đề cao tự do, dân chủ, nhân vị, nhân quyền… mà nước Pháp rất hãnh diện, cũng vẫn còn gián tiếp chịu ảnh hưởng của di sản Kitô giáo bởi vì nếu không có Kitô giáo thì cũng không có những giá trị mới mẻ hiện đại kia. Cũng vậy, khoa học kỹ thuật tuy vẫn có nhiều ít nơi nhiều nền văn minh khác, nhưng cũng chỉ được phát triển quy mô và triệt để ở châu Âu Kitô giáo mà thôi. Nói như thế là để cho thấy vai trò đặc biệt của Kitô giáo đối với văn minh này. Tuy nhiên, sau nhiều tranh luận sôi nổi, cuối cùng người ta đã đi tới một sự thoả hiệp. Lời mở đầu của Hiến chương Liên hiệp châu Âu hiện nay quy chiếu về “những di sản văn hoá, tôn giáo và nhân văn của châu Âu”. Danh từ “tôn giáo” được sử dụng thay cho “Kitô giáo”. Một thắng lợi đặc biệt của người Pháp. 

Thái độ hai mặt 

Trong thái độ của giới chính trị và truyền thông hiện nay, rõ ràng có sự kỳ thị đối với Kitô giáo. Hằng ngày, nhiều nơi trên thế giới người Kitô hữu bị đe doạ, bị đàn áp, bị bắt bớ, bị chém giết; nhà cửa họ, nhà thờ họ bị đốt phá. Bi đát nhất có lẽ là thiểu số người Kitô hữu ở Irak; những nhóm khủng bố làm mọi cách, kể cả chém giết để buộc họ phải rời đất nước ra đi. Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy nói tới một sự “thanh lọc tôn giáo”. Ở Pakistan, có luật chống xúc phạm tới nhà tiên tri Mohammed, tới Kinh Koran, thậm chí tới các nhà lãnh đạo Hồi giáo; những ai phạm luật này đều bị phạt hết sức nặng nề, không loại trừ bị xử tử. Bất cứ ai nghe một lời xúc phạm tới Hồi giáo đều có thể đến bót cảnh sát gần nhất và tố cáo. Nhưng ngay cả khi, trong một cuộc cãi vã giữa một người Hồi giáo và một người khác, người này nói xúc phạm tới người kia, người Hồi giáo vẫn có thể tố cáo họ về tội “phạm thánh” (blasphemy) - thật ra là vu cáo - và cảnh sát có quyền bắt họ nhốt ngay. Một vài nước còn có luật chống cải giáo (anti-conversion), theo nghĩa chính xác là cấm bỏ đạo mình đang theo để gia nhập một đạo khác, nhưng trong thực tế, luật này chỉ cấm người Hồi giáo hay người đạo Hinđu cải đạo mà thôi, đàng khác nó còn nhắm tới mọi hoạt động truyền giáo hoặc bị coi là truyền giáo trực tiếp hay gián tiếp của các tôn giáo khác (thường nhằm vào Kitô giáo) đối với tín đồ Hồi giáo và đạo Hinđu (Ấn Độ).  

Tât cả những sự kiện nêu trên đều là vi phạm nhân quyền và quyền tự do tôn giáo. Nhưng lạ thay, hầu hết các chính phủ đều im lặng. Giả sử đó là tình cảnh của một thiểu số tín đồ Hồi giáo hay tín đồ của một tôn giáo khác trong một nước đa số theo Kitô giáo, chắc chắn các chính khách và giới truyền thông châu Âu đã làm ầm ĩ lên rồi. Thái độ hai mặt này mang tính chính trị hay ý thức hệ, chứ không liên quan tới lương tâm đạo đức muốn bảo vệ công lý. 

Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới 1-1-2011 

Chúng ta phải đọc và hiểu Sứ điệp của ĐGH Bênêđictô XVI “Tự do tôn giáo, con đường dẫn đến hoà bình” nhân Ngày Hoà bình Thế giới 1-1-2011, trong bối cảnh tự do tôn giáo bị vi phạm nói trên. Ngay trong đoạn mở đầu Sứ điệp, Đức Thánh Cha viết:

Vào đầu Năm Mới, tôi muốn gửi lời chúc mừng đến tất cả mọi người và từng người; những lời cầu chúc khang an và thịnh vượng, nhưng nhất là lời cầu chúc an bình. Đáng tiếc là trong năm sắp chấm dứt cũng đã có những cuộc bách hại, kỳ thị và những hành vi kinh khủng bạo lực và bất bao dung về tôn giáo”. Rồi Đức Thánh Cha nhắc tới hai loại vi phạm tự do tôn giáo phổ biến hiện nay: “Thật là đau lòng khi nhận thấy tại một số miền trên thế giới người ta không thể tuyên xưng và tự do biểu lộ tôn giáo của mình, vì có nguy cơ bị mất mạng và mất tự do bản thân. Tại các miền khác, có những hình thức âm thầm và tinh vi hơn qua những thành kiến và chống đối các tín hữu và các biểu tượng tôn giáo” (số 1). Tự do tôn giáo có cội nguồn là phẩm giá con người, là bản tính siêu việt của con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Vi phạm quyền tự do tôn giáo là vi phạm nhân quyền. Tự do tôn giáo không giới hạn vào cá nhân mà còn có chiều kích xã hội, nó cũng không thu hẹp vào tự do phụng tự nhưng còn liên quan tới các hoạt động khác của tín hữu trong xã hội. Các cộng đoàn tôn giáo đóng góp không nhỏ cho công ích, đó là điều không thể phủ nhận. Đặc biệt nên nói tới đóng góp của tôn giáo về mặt luân lý đạo đức trong lãnh vực chính trị. Đức Bênêđictô XVI khẳng định: “Ta có thể nói rằng, trong số các quyền và tự do cơ bản có căn cội trong phẩm giá con người, tự do tôn giáo có một quy chế đặc biệt. Khi tự do tôn giáo được nhìn nhận, thì phẩm giá con người được tôn trọng trong căn cội của nó và luân lý cũng như các định chế của các dân tộc được củng cố. Trái lại, khi tự do tôn giáo bị chối bỏ, khi người ta toan tính ngăn cản việc tuyên xưng tôn giáo hoặc tín ngưỡng và cuộc sống phù hợp với tôn giáo, thì người ta xúc phạm đến phẩm giá con người, và đồng thời đe doạ công lý và hòa bình, là những điều dựa trên trật tự ngay thẳng của xã hội được xây dựng dưới ánh sáng của Sự Thật và Sự Thiện Tối Cao” (số 5).

Nói cho cùng, vai trò thiết yếu của tôn giáo đối với đời sống con người, cá nhân cũng như thập thể, nằm trong lĩnh vực luân lý đạo đức. Cả trong những trường hợp nó không được phép hoạt động trong phạm vi giáo dục, văn hoá và xã hội, một tôn giáo chân chính vẫn hữu ích cho cộng đồng như một “uy quyền” luân lý bảo vệ sự thiện và sự thật, và hướng dẫn tín đồ ăn ngay ở lành và trở nên người công dân tốt. Phải chăng chính là trong vai trò bảo vệ sự thật và sự thiện này mà Kitô giáo thường bị con người thời nay ghét bỏ vì họ có một quan niệm khác về tự do, chân lý và sự thiện? 

Ngày 19-1-2011

Lm. Nguyễn Hồng Giáo, OFM


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu