Phúc Thật
1. Sự Thánh Thiện
Ai cũng yêu mến sự thánh thiện và các thánh. Mọi người đều
muốn nên tốt lành và sống thánh đức. Ai trong chúng ta cũng muốn và thích được
người khác khen là có lòng đạo đức, sống tốt lành thánh thiện, từ tâm quảng đại
và dễ thương dễ mến. Muốn nên thánh chúng ta cần có một đời sống nội tâm sâu xa
để đạt tới sự thánh thiện. Sống thánh thiện là sống thân mật với Chúa và cảm
mến mọi người. Chúa mời gọi chúng ta bước vào con đường trọn lành qua Tám Mối
Phúc Thật. Thực hành Tám Mối là cố gắng vượt trên những ước mơ hạnh phúc và giá
trị trần thế của con người. Con đường Phúc Thật dẫn chúng ta vào hưởng niềm vui
NướcTrời. Mục đích tối hậu của cuộc sống của chúng ta là sẽ được dự phần phúc
thật trên nước thiên đàng.
Sự tốt lành thánh thiện thì ai cũng muốn nhưng thực hành sự
tốt lành thì lại thường trễ nải và ngại ngùng. Thánh Phaolô chia sẻ: Tôi biết
rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự
thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không (Rm. 7, 18). Người đời thường
nói: Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Nói sự thật
thì hay mất lòng, nhưng chỉ có sự thật mới có thể giải thoát. Trong đời sống
hằng ngày, nếu có ai đó nói sự thật để góp ý sửa đổi hay phê bình những điểm
tiêu cực của chúng ta như là ba phải, mê tín dị đoan, lười biếng, keo kiệt, hà
tiện, kiêu căng, tự phụ, gian dối và tội lỗi thì chúng ta lấy làm khó chịu lắm
lắm. Đôi khi chúng ta phản ứng lại một cách nóng nảy và giận dữ. Chúng ta đâu
muốn người khác nói không tốt về mình. Chúng ta tìm mọi cách để biện hộ và bảo
vệ cách hành xử của chính mình. Đôi khi chúng ta rơi vào sự chối từ (denial).
Chúng ta không dám nhìn nhận sự thật về chính mình.
2. Nên Thánh
Để sống tốt lành thánh thiện, chúng ta cần lắng nghe sự dạy
bảo khôn ngoan của Chúa, của Giáo Hội và của người khác. Biết rằng ai nói cũng
hay. Vị nào giảng cũng như mật ngọt rót vào tai. Ai khuyên bảo cũng hợp tình
hợp lý. Ai viết lách cũng đầy lý tưởng và đạo đức. Nhưng lời nói và câu viết
phải đi đôi với thực hành mới là điều cần thiết. Tôi vẫn đấm ngực ăn năn xét
mình vì sự bất cập của mình. Vì khả năng chuyên môn, sự hiểu biết và thông thái
chưa bảo đảm cho chúng ta vào vui hưởng Nước Trời. Chúng ta biết rằng giữa lời
nói, lời giảng dạy, lời cố vấn và khuyên bảo đi tới việc làm còn một khoảng
cách xa. Điều quan trọng là chúng ta biết lắng nghe và đem ra thực hành những
điều được Chúa dạy bảo. Thánh Luca ghi lại lời của Chúa Giêsu: Nhưng Người đáp
lại: "Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên
Chúa."(Lk. 11,28).
Sống là phải tranh đấu không ngừng. Chúng ta đã phải tranh
dành, phấn đấu và đôi khi còn muốn loại trừ nhau để tiến bước. Có khi chúng ta
cố gắng hết sức mình tranh đấu để rồi không đạt tới đích nào cả. Chúa Giêsu đã
giới thiệu cho chúng ta những con đường nên hoàn thiện. Những con đường này xem
ra dễ nhưng lại có ít người muốn đi. Đây chính là con đường Phúc Thật. Muốn nên
thánh chúng ta phải phấn đấu mỗi ngày với bản thân mình. Chúng ta phải lội
ngược dòng về bến vĩnh cửu. Lội ngược dòng đòi hỏi một cố gắng không ngừng
nghỉ. Đã vào cuộc đua là chúng ta phải chạy đến cùng đường, như thánh Phaolô đã
chỉ dạy: Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ
vững niềm tin (2Tm. 4,7).
Bài phúc âm hôm nay nói về Tám Mối Phúc Thật. Đây là tám
con đường dẫn chúng ta tìm gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân. Chúa Giêsu đã rao
giảng và Ngài đã hoàn tất thực hành mọi lời giảng dạy. Mỗi mối phúc thật là một
hướng đi lên bậc trọn lành và là một lời mời gọi chúng ta nên thánh. Đi vào
thực hành, chúng ta thấy phúc thật nào cũng đòi hỏi một sự dấn thân và từ bỏ
chính mình. Dấn thân cả cuộc đời chứ không phải tùy hứng hay chỉ theo mùa. Con
đường lên thiên đàng đã là thiên đàng. Con đường nên thánh giúp chúng ta trở nên
thánh mỗi ngày. Không phải ai cũng may mắn như anh trộm lành được Chúa cứu độ ở
giây phút cuối của cuộc đời như thánh Luca đã diễn tả: Và Người nói với anh ta:
"Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên
Đàng."(Lc. 23,43)
3. Khó Nghèo Và Hiền lành
Người giầu có của cải vẫn có thể giữ tâm hồn khó nghèo. Đã
có biết bao nhiêu người rời bỏ mọi sự để đi theo Chúa và phục vụ tha nhân.
Chúng ta có thể nhìn thấy nơi các Dòng Tu Nam Nữ. Các tu sĩ đã hy sinh cuộc
sống riêng tư và mọi sự có, đều là của chung. Họ tiến gần đến phúc thật trong
tâm hồn khó nghèo. Không phải tất cả mọi người nghèo khổ, đói ăn, thiếu mặc,
túng bấn hay vô gia cư là những người có tâm hồn nghèo khó cả đâu. Tinh thần
nghèo khó là một nhân đức. Phải có ý thức chọn lựa và sống trong tinh thần này.
Sống tinh thần nghèo khó là biết phó thác trọn vẹn trong sự quan phòng của
Chúa. Chúa Giêsu dạy: Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của
họ (Mt. 5,3). Chúng ta cũng biết không phải tất cả mọi tu sĩ đều đạt được nhân đức
khó nghèo. Đôi khi cuộc sống đầy đủ tiện nghi đã dẫn chúng ta đến cách sống khó
mà nghèo.
Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia
nghiệp (Mt. 5,4). Người ta nói người ăn chay trường, không ăn thịt, thường biểu
hiện cuộc sống hiền lành. Có sự hiền lành tự bản tính. Nhân chi sơ tính bản
thiện. Họ sống rất đơn sơ, hiền lành và đôn hậu. Sự hiền lành này bắt nguồn từ
sự nhịn nhục và khiêm hạ. Hiền từ và đơn sơ như chim bồ câu. Lòng họ thanh
thản, khuôn mặt dễ mến, đôi mắt hiền dịu và cử chỉ, ăn nói nhã nhặn. Tâm hồn họ
cuốn hút nhiều người. Họ sống nhân đức hiền lành và đối xử nhân hậu đối với mọi
người. Thật an vui khi được tiếp xúc với họ. Họ chính là nguồn đem niềm yêu
thương và cảm mến cho mọi người. Họ đã chiếm được gia nghiệp nước trời.
4. Sầu Khổ và Công Chính
Cuộc đời là bể khổ. Sinh, lão, bệnh và tử đều là khổ. Khổ
đau đi với nước mắt. Chúa Giêsu phán: Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên
Chúa ủi an (Mt 5,5). Những cái khổ nào mới là phúc thật? Nghèo đói là khổ. Tỵ
nạn quê người là khổ. Bị bách bớ là khổ. Bị tẩy chay là khổ. Bị chống đối là
khổ. Bị chia ly cách biệt là khổ. Bị sơ tán, chạy lọan là khổ. Bị cáo gian cũng
khổ. Bị đánh đòn, khặc nhổ trên mặt là khổ. Bị gai nhọn đâm thâu và lưỡi đòng
đâm thấu trái tim là khổ. Vác thánh giá nặng ngã qụy trên đường là khổ. Đóng
đinh trên thánh giá là khổ. Chết trần trụi là khổ. Mẹ ôm xác con là khổ. Còn có
điều nhục nhã khổ đau nào mà Chúa không phải chịu. Mọi đau khổ Chúa Giêsu phải
chịu đều là giá ơn cứu độ. Nhiều người trong chúng ta cũng đang chia phần đau
khổ với Chúa. Khổ vì cửa mất nhà tan. Sầu khổ vì bị mất con, mất vợ, mất chồng,
mất của cải và bị đau yếu bệnh tật. Hỡi những ai sầu khổ, hãy tìm đến với Chúa
Giêsu trên thập giá, Ngài sẽ ủi an nâng đỡ và giang tay ôm ấp chúng ta vào lòng.
Nơi trái tim Chúa, chúng ta sẽ tìm thấy phúc thật: "Tất cả những ai đang
vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”
(Mt.11,28).
Phúc thay ai khát khao điều công chính, vì họ sẽ được Thiên
Chúa cho thoả lòng (Mt. 5,6). Có bản dịch viết là “Phúc thay ai khao khát trở
nên người công chính”. Chúa Giêsu đã dạy rằng ai xin thì sẽ được. Ai khao khát
lẽ công chính, Ngài sẽ cho toại lòng. Nên công chính như thánh Giuse, bạn của
đức trinh nữ Maria. Ngài đã vâng phục và chu toàn bổn phận của mình là cha nuôi
của Chúa Giêsu. Ngài đã trở nên công chính giữa những thử thách nghi nan của
cuộc đời. Trong niềm phó thác và cậy trông, Ngài đã hoàn thành ơn gọi làm
người. Khao khát lẽ công chính không chỉ bằng ước muốn nhưng bằng hành động. Những
ai khao khát điều công chính cần xả thân xây dựng công lý và hòa bình trong yêu
thương và tha thứ.
5. Xót Thương Và Trong sạch
Lòng thương xót cảm mến cần có tình yêu vị tha. Thương
người như thể thương thân. Tình yêu phát xuất từ con tim biết rung động. Sống
bác ái và chia sẻ với tha nhân. Chúa Giêsu phán rằng: Phúc thay ai xót thương
người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương (Mt. 5,7). Có qua có lại. Chúng ta
có lòng nhân ái với người khác, Chúa sẽ xót thương chúng ta. Lời hứa của Chúa
Giêsu có phần lợi nhiều cho chúng ta. Thiên Chúa là Cha nhân từ và hay thương
xót. Tình yêu Chúa bao la như vũ trụ, chúng ta sẽ được ngụp tràn trong biển
tình xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy
Thiên Chúa (Mt. 5,8). Hãy tìm lại tâm hồn thanh sạch như các trẻ thơ. Trẻ thơ
là các thiên thần của Chúa. Rời nôi mẹ, chúng ta phát triển không ngừng cả hồn
lẫn xác. Chúng ta lớn lên và bước vào đời. Khi chúng ta nhiễm mùi đời thì cùng
lúc tâm hồn của chúng ta bị lu mờ và vẩn đục bởi các ước muốn trần tục. Ước
muốn thỏa mãn nhu cầu của thân xác và cuộc sống hưởng thụ lôi kéo chúng ta rời
xa Chúa và chìm đắm trong vũng tội. Tâm hồn và thân xác bị kéo lôi vào điều sai
trái và phạm tội nhơ bẩn. Có nhiều khi sự tốt lành chúng ta muốn mà chúng ta không
làm. Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm này: Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm,
nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm (Rm. 7, 19). Chúng ta hãy gột tẩy
linh hồn trong nguồn ơn cứu độ của Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ được nhìn xem Thiên
Chúa.
6. Hòa Bình và Bách Hại
Chúa xuống trần đem sự bình an cho nhân loại. Chúa chúc
phúc cho những ai xây dựng hòa bình. Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ
được gọi là con Thiên Chúa (Mt. 5,9). Sự bình an phải đi từ lòng người. Sự bình
an đích thực là sự bình an của giới luật yêu thương. Sự bình an từ bên ngoài,
từ môi miệng, từ sự trao đổi hay khế ước chỉ là bình an giả tạo và không bền
vững. Chúng ta chỉ tìm được sự an vui đích thực khi bình an đến từ trong tâm
hồn. Xây dựng hòa bình trong lòng mình, trong gia đình, trong cộng đoàn và
trong xã hội, chúng ta sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời
là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu
khống đủ điều xấu xa (Mt.5,11-12). Phúc thật sau cùng này xem ra bị phản chứng.
Nhiều người trong chúng ta không còn tìm ra được chân lý của mối phúc thật này.
Chúng ta thường xem đây là một sự bất công và gây thù hận, rồi từ đó chúng ta
gây gỗ, đổ lỗi và kết án nhau. Đây là một con đường khó khăn nhất để nên hoàn
thiện. Chúng ta phải tìm ra được nguyên lý của sự bách hại vì lẽ công chính
này. Đức Cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã tìm ra được lối thoát đó chính
là con đường hy vọng. Ngài lấy tình yêu đáp trả sự oán ghét và thù hận. Ngài
dùng tình yêu vị tha từ trái tim nhân hậu để cảm hóa lòng người. Ngài đang bước
tới ngưỡng cửa của việc phong chân phước.
Tóm lại, chúng ta gọi Tám Mối Phúc Thật là Hiến Chương Nước
Trời. Đây là những Phúc Thật nồng cốt và tinh túy nhất mà Chúa Giêsu đã ban
tặng cho nhân loại. Qua lịch sử Giáo Hội, chúng ta chứng kiến có biết bao nhiêu
vị tiền nhân anh dũng đã bước theo và thực hành Hiến Chương này. Chúng ta cũng
được mời gọi bước vào con đường Chúa đã đi xưa. Biết rằng con đường tìm kiếm
hạnh phúc Nước Trời có nhiều chông gai, nhưng chúng ta luôn có niềm hy vọng.
Niềm hy vọng của chúng ta không tùy thuộc nơi sự thành công thắng lợi ở đời để
được nhiều khen thưởng của con người. Nhưng là niềm vui mừng hy vọng vào ơn cứu
độ: Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy
mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời."(Lc. 10,20). Chỉ có một hướng đi
lên sự trọn lành nhưng có nhiều con đường. Mỗi người chúng ta có thể chọn một
con đường thích hợp và đi cho trọn tới cùng đường. Chúng ta sẽ được chung hưởng
niềm vui hạnh phúc Nước Trời.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng