MÙA CHAY – MÙA SÁM HỐI
MỜI GỌI HOÁN CẢI
Mùa Chay mời gọi ta sám hối. Không thể có sám hối mà không có hoán cải. Thật
ra, ý nghĩa sự “hoán cải” đã nằm trong từ ngữ “sám hối”. Định nghĩa Sám Hối
trong Nho giáo là: "Sám giả sám kỳ tiền khiên. Hối giả hối kỳ hậu
quá." (Sám là ăn năn lỗi trước. Hối
là chừa bỏ lỗi sau). Chỉ có “sám” mà không có “hối” thì tội vẫn còn đó.
Tuy nhiên, “hoán cải”
trong Kitô Giáo còn mang chiều kích siêu nhiên, không chỉ đòi ta nỗ lực diệt
trừ tội lỗi, nhưng điều quan trọng trước tiên là qui hướng hay trở về cùng
Thiên Chúa, để nhận ra tình yêu thương vô biên của Ngài trên cuộc đời mình, và
để thấy rõ hơn điều mình phải hoán cải, và hoán cải như thế nào. Từ đó, ta còn
phải định hướng lại toàn bộ cuộc
sống, chỉnh đốn lại những hướng sai lạc đang làm lệch lạc cuộc sống tâm hồn và
ơn gọi của mình. Hoán cải là ơn Chúa ban cho những tâm hồn mong mỏi được giải phóng khỏi tội lỗi để đón nhận ơn cứu độ.
1. Ý nghĩa hoán cải
Hoán (換): Đổi, thay đổi. Cải
(改): sửa đổi. Hoán cải là
thay đổi theo chiều hướng tốt.
Hoán cải (conversion) được sử dụng theo nhiều nghĩa
khác nhau. Nói chung, hoán cải là một sự thay đổi đời sống: bỏ một cung cách
sống quen thuộc để nhận một cung cách sống mới tốt hơn; quên mình để biết phục
vụ tha nhân và cộng đồng hữu hiệu hơn. Cuối cùng, dù quyết định hay đổi mới
cách nào đi nữa, thì điều quan trọng là đưa ta tới gần Đấng là nguồn mạch thiện
hảo, và cũng là đích điểm của đời sống con người. Ý nghĩa cuối cùng này hoàn
toàn mang tính tôn giáo.
Hoán
cải theo từ Hy Lạp (metanoia) dùng trong
Tân Ước có nghĩa là đổi ý hướng, đổi tâm tình, đổi não trạng. Sự thay đổi này
không chỉ trên bình diện tâm trí, mà còn là có nghĩa là thay đổi hướng đi, thay
đổi đường xưa lối cũ, để quay về với Thiên Chúa, để ta được kết hợp và
dự phần vào sự sống của Ngài.
Hoán cải theo quan niệm
của Kinh Thánh, ngoài chiều kích luân lý (bỏ điều dữ làm điều lành), hoán cải
có tính cơ bản là chiều kích thần học. Thiên Chúa mới là nền tảng và mục đích
của việc hoán cải. Ta không chỉ đơn thuần sửa chữa những lầm lỗi thiếu sót của
mình, mà cơ bản là sự hiệp thông với Chúa, nhận ra thân phận thụ tạo của mình
và qui hướng tuyệt đối về Ngài.
Hoán
cải là một trong những điểm then chốt của đời sống Kitô hữu. Nó
bàng bạc trong tất cả giáo huấn của Kinh Thánh, từ lời rao giảng của các ngôn
sứ, Gioan Tẩy Giả, đến Đức Giêsu và các Tông Ðồ. "Hãy sám hối", "Hãy
hoán cải" là những lời đầu tiên Ðức Giêsu nói với người Do Thái, trước
cả những lời dạy được coi là cốt yếu khác, trước cả Bài Giảng Trên Núi được coi
là Hiến chương của Nước Trời. Lời kêu gọi hoán cải còn tiếp tục vang lên trong suốt
cuộc đời của Đức Giêsu cho tới Thập giá, thậm chí cho tới lúc Ngài về trời, qua
lời Ngài căn dặn các môn đệ là "phải
nhân danh Ngài mà rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội"
(Lc 24,47).
Sự hoán
cải mang tầm vóc quan trọng nhất của đời người, vì không có hoán cải thì không
có đổi mới bản thân, không muốn trở về với Chúa, nên cũng không thể đón nhận
Tin Mừng và ơn cứu độ (x.Lc 13,3.5).
2. Tâm tình hoán cải
Hoán
cải được thể hiện trên hai mặt, tiêu cực và tích cực: tiêu cực là hướng về quá khứ
để hối hận đau buồn vì những lầm lỗi đã phạm; tích cực là hướng về Thiên Chúa
trong Ðức Kitô, Ðấng đang đến.
♥ Trước hết là nhìn lại những tội lỗi đã phạm.
Ðây là lúc sám hối, khởi điểm chủ yếu cho sự hoán cải. Hoán cải gắn liền với ăn
năn hối lỗi (paenitentia), đau buồn vì tội đã phạm, muốn đền bù và xa tránh dịp
tội. Tội càng nặng, quá khứ càng đen tối, khiến tâm tình hoán cải càng gia tăng.
Điều này thể hiện rất rõ nơi các thánh.
-
Thánh Inhaxiô Loyola đề nghị với các người tĩnh tâm như sau : "Tôi sẽ nhìn tất cả sự hư hoại và thối
tha của thân xác tôi. Tôi sẽ nhìn tôi như nhìn một vết lở loét và ung nhọt, từ
chỗ đó phát sinh bao nhiêu là tội lỗi, bao nhiêu là điều ác, bao nhiêu là nhơ
bẩn đáng xấu hổ.".
- Thánh
Luy Gonzaga đã ngất xỉu trong toà giải tội khi xưng những tội mà đối với chúng
là quá nhẹ. Nhẹ đối với ta, nhưng vẫn là nặng đối với những người thực sự ý
thức về tội.
-
Thánh Têrêxa Giêsu là người dâng hiến hoàn toàn cho Chúa, hầu như không bao giờ
phạm tội gì nặng. Vậy mà trong cuốn sách tự thuật, thánh nữ vẫn bộc bạch tình
cảm về thân phận tội lỗi của mình, và nói lên sự cần thiết phải sám hối.
♥ Hướng về quá khứ đen tối chỉ là bước đầu để đi
tới một tương lai tươi sáng. Chính lúc sám hối là lúc chúng ta hướng tới lòng
thương xót Chúa, qua việc Ngài tha thứ tội ta và không ngừng đưa ta trở lại với
Ngài. Nhưng sau khi sám hối, chính là một sự tái sinh, một sự thay đổi để trở
lại hoàn toàn với Thiên Chúa.
- Trong Cứu
Ước. Các ngôn sứ luôn kêu gọi dân hoán cải với tâm tình như thế. Các ngài
cũng thường nhắc cho
- Trong Tân Ước. Gioan Tẩy Giả đã làm nổi bật
khía cạnh tích cực khi ông kêu gọi người Do Thái hoán cải. Ông không muốn làm
cho họ đau buồn trong tình cảm bệnh hoạn về tội của họ, nhưng nhấn mạnh đến viễn
tượng vinh quang của Nước Thiên Chúa đã đến (Mt 3,2). Ông muốn họ nhìn về phía
trước, hướng về Ðấng Cứu Thế đang đến. Bởi vậy, lời rao giảng hoán cải của ông
không nhằm đưa họ trở lại với Giao ước cũ, mà hướng họ đi gặp Ðấng đến sau ông,
nhưng cao trọng hơn ông, đến nỗi ông không đáng cởi dây giầy cho Ngài (Lc
3,16).
- Lời rao giảng đầu tiên của Ðức Kitô cũng
đã xác định điều đó. Lý do sám hối cũng vì Nước Thiên Chúa đã gần kề. Tuy vậy, nội
dung này còn có thêm một yếu tố mới là Tin "Hãy
sám hối và tin" (Mc 1,15). Tin vào lòng thương xót Chúa là nền tảng
của việc hoán. Chính khi tin vững vàng vào ơn cứu độ do Đức Kitô thực hiện, mà
ta được tham dự vào sự sống linh thiêng của Ngài.
3. Tính cách hoán cải
Con
người và tính cách của trẻ nhỏ toát lên một một vẻ ngây thơ, trong trắng, một nét
đẹp còn tinh khôi, chưa bị hoen ố bởi ảnh hưởng của thế tục. Trong Thánh Kinh,
trẻ nhỏ được Thiên Chúa ưu đãi, tiêu biểu cho những ai thuộc về Nước Trời (x.
Mc 10,15). Trẻ nhỏ đơn sơ lãnh nhận Nước Trời như một ân huệ Chúa ban, không hề
nghĩ đến công trạng của mình.
Bí quyết
trở nên cao trọng là “coi mình như trẻ
nhỏ” (Mt 18, 4). Những đức tính của trẻ nhỏ như đơn sơ, khiêm nhường, hiền
hoà, trong sáng, thật thà, dễ thương… là những đức tính của người môn đệ đích
thực. Tuy nhiên, khi mời gọi ta phải hoán cải nên như trẻ nhỏ, Ðức Giêsu không đặt
nặng trước tiên những đức tính của chúng cho bằng một tấm lòng không tham vọng,
và sống lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa.
Tâm
lý chung, chẳng ai thích sống bé nhỏ, ai cũng ham làm lớn, có quyền cao chức trọng.
Con đường danh lợi quả là một cám dỗ tự nhiên và dai dẳng, dù trong tôn giáo
hay ngoài xã hội. Cái bả vinh hoa phù thế dễ làm ta loá mắt và có sức hút lạ
lùng. Con đường công danh lợi lộc và tham vọng quyền hành luôn làm đảo điên lòng
người, đánh mất sự chân thật và vẻ đẹp thiện hảo tự thâm tâm. Đang khi đó, "Con đường bé nhỏ là một sự năng động
của đức cậy, được gợi hứng bởi đức tin, dấn thân trong đức mến. Nó là sự diễn
tả điều cốt tuỷ của Phúc Âm…” [1].
Nói vắn tắt, đó là con đường tình yêu. Ai chưa cảm nghiệm được tình yêu thâm
sâu của Thiên Chúa trên đời sống mình, thì việc trở nên như trẻ nhỏ là điều xa
lạ, buồn cười (x. Ga 3, 4).
Sự thành
công và giá trị của con người không phải là lên cao trên bậc thang danh vọng mà
là xuống thấp trong tình yêu khiêm nhu phục vụ. Bình an và hạnh phúc của con
người không phải là mở rộng tầm ảnh hưởng và thế lực của bản thân mình, mà là
mở rộng tâm hồn để đón nhận mọi sự, và phó thác tất cả cho Thiên Chúa, Ðấng giầu
lòng thương xót. Sự nhận biết này quả là ngoại thường, vì nó giúp ta vượt lên
những tầm thường, phá tan bóng tối của cuộc đời vô thường, để sống cuộc đời phi
thường trong Chúa, Đấng mạc khải chân lý sống cho những tâm hồn bé nhỏ. Chính nhờ
đó mà thánh Têrêsa Giêsu đã khám phá ra con đường bé nhỏ thiêng liêng từ chính
Lời Chúa. Mọi kiến thức và hiểu biết khác chẳng đưa ta tới đâu, có khi còn
khiến ta bành trướng thêm cái “tôi” của mình. Sự nhận biết nền tảng cho mọi hiểu
biết là biết rằng mình thuộc về Chúa, và đó cũng chính là căn cơ cho việc hoán
cải.
Ta cũng
cần phân biệt việc nên như trẻ nhỏ hoặc con đường thơ ấu thiêng liêng với cách
sống ấu trĩ về phương diện thiêng liêng (infantilisme spirituel). Khi người lớn
mà còn có những cách suy nghĩ, phán đoán, nói năng, hành động như trẻ con, người
ta gọi đó là người ấu trĩ. Ấu trĩ về phương diện nhân bản hay thiêng liêng thì
cũng thế. Ngày xưa, các Tông Ðồ đã từng cảnh giác các tín hữu về tình trạng
này, khuyên họ vươn lên để tiến tới sự trưởng thành trong nhân cách của người
Kitô hữu (x.1Pr 2,2; 1Cr 3,2). Thành
Phaolô nói rõ “Thưa anh em,
về mặt phán đoán thì đừng sống như trẻ con ; về đàng dữ, sống như trẻ con thì
được, nhưng về mặt phán đoán thì phải là người trưởng thành” (1Cr 14,20). Còn hơn thế
nữa, tình trạng trưởng thành đó phải đạt “tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô” (Ep 4, 13).
Sự hoán
cải đích thực khi người ta hoàn toàn giã từ một quá khứ hay một lối sống lầm
lạc, để mở ra một lối sống mới. Câu chuyện hoán cải của Giakêu cho ta thấy thế
nào là niềm vui lớn lao trong ơn cứu độ của Đức Kitô. Không biết tên ông ta có
phải là Giakêu không, hay Luca có ngụ ý khi đặt tên đó cho ông. Vì Giakêu có nghĩa
là “người trong sạch”. Một người tội lỗi, làm giầu bất chính bằng nghề thu
thuế, làm tay sai cho ngoại bang, là người bị “hư mất”, bị loại trừ trong xã hội Do Thái, mà lại gọi là người trong
sạch, nghe có vẻ khôi hài. Nhưng rồi lạ thay, đó là điều mà ông sẽ trở thành,
nhờ sự chân thành hoán cải.
Sự hoán
cải có lẽ đã manh nha trong tâm hồn ông ngay từ lúc ông nghe biết về Đức Giêsu,
và tha thiết muốn gặp Ngài. Điều đó chưa thể hiện bằng lời lẽ công khai, nhưng
bằng hành vi công khai khi trèo lên cây cao bên vệ đường để nhìn Đức Giêsu đi
qua. Phúc Âm cho biết vì ông thấp người nên phải làm thế. Nhưng đường đường là
một quan chức thuế vụ, chức tước đâu phải nhỏ mà làm như thế. Nếu không có một
ước muốn hoán cải mãnh liệt thì ông đã không dám táo bạo trèo lên cây như vậy.
Đó là chuyện của trẻ con, không phải của người lớn, càng không phải của người
có chút ít địa vị. Trèo lên cây xem Chúa đi qua, tức là ông coi trọng Chúa hơn
danh giá của mình. Quả thật, Giakêu đã muốn "nên
như trẻ nhỏ" ngay từ bước đầu, dù có thể ông chưa nghe biết giáo huấn
này của Chúa.
Với
cái nhìn tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất, Đức Giêsu luôn đi bước trước để
khai mở. Ngài nhận ra tâm trạng và ước muốn hoán cải của Giakêu qua tính cách
bên ngoài của ông, nên Ngài cất tiếng gọi: “Giakêu
xuống mau đi, vì hôm nay Ta đến trọ nhà ông”. Giakêu thật sự náo nức, ngỡ
ngàng: “Ông vội vàng tuột xuống và mừng
rỡ đón rước Ngài”. Trong khi đó thì dân chúng xì xầm phê phán Đức Giêsu: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào”. Dân
chúng nói cũng phải thôi, một con người cao cả như Đức Giêsu mà lại đến cư ngụ
trong nhà người tội lỗi. Phán đoán và nhận định của của con người thường thiển
cận, hẹp hòi, kết án hơn là khoan dung, cản trở hơn là mở đường. Hơn nữa, họ
đâu biết rằng người tội lỗi là đối tượng số một của Đấng cứu độ.
Thế rồi Đức Giêsu vào nhà
Giakêu với thái độ thân thiết, chẳng đòi hỏi ông điều gì, cũng chẳng bắt ông
phải hoán cải hay bỏ nghề thu thuế. Nhưng ánh mắt, lời nói, thái độ của Đức Giêsu
đã thổi bùng lên ngọn lửa leo lét nơi Giakêu, và khiến lòng ông tan chảy. Bỗng
chốc Giakêu thấy mình được tự do thanh thoát. Những gì xưa kia trói buộc ông,
làm ông say mê, bây giờ trở nên vô vị. Vui mừng và sung sướng vì sự hiện diện
của Chúa, ông tự động đáp lại bằng tất cả tấm lòng: “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo,
và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi
xin đền gấp bốn”. Quả thực, hoán cải là kết quả của một cảm nhận về tình
yêu.
Lời
tuyên bố của Giakêu khiến ta nhớ lại lời của một người Biệt Phái lên đền thờ cầu
nguyện: "Con dâng cho Chúa một phần
mười thu nhập của con" (Lc 18,12). Tuy nhiên, giữa hai lời đó, một là
của người khoe khoang làm tròn nhiệm vụ, một là của người quảng đại vì được ơn
Chúa tác động, có sự khác nhau xa về động lực và ý hướng. Nơi Giakêu là một sự
hy sinh từ bỏ to lớn, vì đã cảm nhận được ơn thương xót, tha thứ, cứu độ.
Việc
gặp gỡ Chúa khiến Giakêu bị mất mát nhiều, trở nên nghèo hơn trước, nhưng ông cũng
được bình an và hạnh phúc hơn xưa nhiều. Đức Bênêđictô khẳng
định rằng: “Trở thành Kitô hữu không phải
là kết quả của sự lựa chọn đạo đức hoặc ý tưởng cao thượng mà là cuộc gặp gỡ
với một biến cố, một con người, đem lại cho đời sống mình một chân trời mới và
một hướng đi quyết định” (Verbum Dei 11). Có
lẽ bất cứ sự gặp gỡ đích thực nào với Chúa cũng khiến người ta muốn buông bỏ
những điều trái lẽ, muốn đền bù, muốn chia sẻ và trao dâng nhiều hơn nữa. Những
mất mát bên ngoài chẳng là gì. Nếu không dám mất đi cái gì, thì cũng chẳng thêm
được cái gì. Những cái mất đó là những cái đáng phải mất, đáng phải trút bỏ, để
sau khi trống trải thì Chúa mới có thể đổ vào sự sống mới. Đó là sự trao đổi giữa con người với Thiên Chúa,
không có sự trao đổi này thì sẽ không có sự biến
đổi nơi ta. Hơn nữa, Thiên Chúa còn “làm
gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới” (Ep 3, 20).
4. Trọng tâm hoán cải
Con người thành hình và triển nở trong thời gian qua rất nhiều lựa chọn. Có những lựa
chọn quan trọng, căn bản, làm nền tảng cho cuộc sống. Tôi sống
cho ai? Tôi sống để làm gi? Ai làm chủ trái tim và cuộc đời tôi? Những
lựa chọn căn bản này lại có một liên hệ chặc chẽ với những lựa chọn nho nhỏ hằng ngày. Những lựa chọn nho nhỏ này cho
thấy tính cách của ta có phù hợp với những lựa chọn căn bản
không, hay
lại nghịch lý và mâu thuẫn theo kiểu trống đánh xuôi kèn thổi ngược.
Một người đã chọn một lý tưởng sống cho mình
hoặc cam kết sống
lý tưởng đó cách công khai, nhưng
trong cuộc sống hằng ngày có những hành động và lối sống trái nghịch, thì sự lựa chọn đó chỉ là một ảo ảnh, có vẻ
thật nhưng không thật. Mọi suy nghĩ và hành động trong mọi sinh hoạt thường ngày biểu lộ các ước muốn đích thực của mình: “Vì kho
tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó”. (Mt 6, 21). Theo thánh Tôma: “Nhìn kỹ vào bất cứ hành động của một người, chúng ta sẽ khám phá ra người đó đang định hướng cuộc
sống trước mặt Chúa và đời sống vĩnh viễn như thế nào”.
Sự hoán cải chỉ đích thực
và sâu xa hơn khi ta có kinh nghiệm về
lòng nhân hậu của Thiên Chúa và kế hoạch của Ngài trên cuộc đời mình, qua những
hoàn cảnh và biến cố, để từ đó lựa chọn
Ngài là cùng đích, làm nền tảng cho mọi lựa chọn khác trong đời mình.
Cũng cần xác định lại rằng:
Kitô hữu là người mang hình ảnh và sự sống của Đức Kitô,
nên phải luôn nhìn ngắm Đức Kitô để khám phá ra mầu nhiệm cuộc sống làm người và làm con Thiên Chúa của
mình. Hoán cải đối với người Ki-tô hữu là tự
hỏi: “Tôi đã thực sự lựa chọn Đức Ki-tô? Tôi đã khám phá ra nơi Ngài tình
thương, kế hoạch và lối sống Chúa Cha dành cho tôi?” Câu trả lời sẽ được minh chứng qua hành động và
cách sống của mình hằng ngày.
Hoán cải không chỉ là quyết định thêm giờ cầu nguyện, phụng vụ hay các việc đạo
đức, hoặc chỉ thêm việc bác ái và sửa chữa vài tính xấu. Điều
hoán cải quan trọng là sự biến đổi tận gốc,
là sự tái sinh, là đổi mới trái tim (x. Ed 36, 25-29).
Khi tâm hồn còn mờ tối và
trái tim chưa được biến đổi, thì sợ rằng những việc lành bên ngoài chỉ là những
hành động nhất thời, và lối sống cũ lại bắt đầu. Tuy nhiên, dù chưa cảm mến
được gì thì những thay đổi tích cực bên ngoài cũng là bổn phận phải làm, và rất
cần thiết để trợ lực cho sự biến chuyển bên trong.
Chính Thánh Thần mới biến đổi chúng ta tận thâm tâm. Khi thánh hóa con
người, Ngài biểu lộ những khả năng, tính cách cao đẹp
nhất của mỗi người. Quyền năng đổi mới của Ngài làm ta trở
nên đồng hình đồng dạng với Đức ki-tô, nghĩa là ngày càng có tinh thần nghèo khó, trái tim trong sạch, tấm
lòng thương xót, khao khát sự công chính, biết xây dựng hòa thuận, can đảm chịu
đựng sự bách hại.
Mọi sự cao đẹp của con người đều là hồng ân của Thánh Thần tình yêu, không ai có thể tự ban cho mình. Cần phải nỗ lực hết mình,
nhưng không phải vì thế mà có thể nên công chính. Sự công chính không hệ tại
vào việc tuân giữ một số các luật lệ hay một số những hoạt động bác ái, đạo đức,
nhưng là đặt toàn thể cuộc sống mình hay buông mình dưới sự hướng dẫn và tác
động của Chúa Thánh Thần trên mọi phương diện.
5. Thời gian hoán cải
Hoán cải là để trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô”. Đây là một cuộc
hành trình thiêng liêng kéo dài suốt đời. Ta không thể hiểu và
sống sứ điệp Phúc Âm liên tục, nếu không có một sự thay đổi tư tưỏng và hành
động mỗi ngày cho phù hợp với ý Chúa hơn. Nhìn lại đời sống các môn đệ, ta thấy
sau khi Chúa sống lại rồi mà các ông vẫn chưa hoàn toàn hoán cải. Ngay cả lúc
Chúa sắp về trời, các ông vẫn còn hỏi Chúa đây có phải là lúc tái lập vương
quốc
Sự hoàn
thiện cũng giống như ta xây một ngôi nhà nhiều tầng. Xây tầng nào là xong tầng
đó, dù chưa hoàn bị vẫn là một thành quả. Nhưng việc hoán cải không chỉ dành
cho những tầng tiếp theo, mà vẫn phải bao trùm tất cả những gì ta có, những gì
ta là. Đó là hình ảnh xây nhà thiêng liêng bảy tầng mà thánh Têrêxa Giêsu nói
lên. Tuy vậy, thánh nữ vẫn cho thấy chính giá trị hoán cải cho phép ta đi vào
từng tầng một.
Còn
thánh Bonaventura lại chia hành trình nâng tâm hồn lên với Thiên Chúa thành bảy
cấp, cấp cuối cùng lại là Thập giá. Cứ tưởng là đạt tới chín tầng mây, ai ngờ thánh
nhân lại lôi ta trở lại, bắt ta nhìn vào Thập giá. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, tất cả đều do sáng kiến yêu thương của
Chúa. Hoán cải vừa là ân huệ của Thiên Chúa, vừa là nỗ lực của con người.
Trong
Năm Phụng vụ, thời kỳ sám hối khá dài, chiếm cả hai Mùa Vọng và Chay, và nhiều
dịp khác. Hằng tuần, ngày thứ sáu cũng mang ý nghĩa là ngày sám hối. Kinh
nguyện kitô giáo, nhất là kinh nguyện Phụng vụ, thường hay trở lại đề tài hoán
cải. Ðầu Thánh lễ mỗi ngày, Giáo Hội mời gọi ta sám hối. Cuối mỗi ngày, đầu Giờ
Kinh Tối, chúng ta cũng được kêu gọi sám hối. Ðó là những tiếng chuông theo
nhịp thời gian nhắc nhở cho ta hành vi quan trọng này. Sám hối và hoán cải phải
trở thành những việc làm thường xuyên trong suốt cuộc đời ta thì mới mong thấy
ngày hồng ân cứu độ.
Lm. Thái Nguyên