LÊN THIÊN ĐÀNG

Thiên đàng hỏa ngục hai bên

Ai khôn thì dại, ai dại thì khôn

Đêm nằm nhớ chúa nhớ cha

Đọc kinh cầu nguyện giỗ cha linh hồn

Linh hồn phải nhớ linh hồn…

Đến khi gần chết được lên thiên đàng!

Đại ý câu vè của đám trẻ con chơi đùa dưới trăng ngày xưa mà không biết tôi nhớ lại có đúng không hay chỉ trại ra thế thôi, vậy mà nay tự nhiên nhẩm lại trong đầu cảm thấy vui vui. Đến khi gần chết …đã được lên thiên đàng thì lạ thật đấy.

Nhưng thiên đàng ở đâu nhỉ?

Dưới con mắt trần gian, thiên đàng được diễn tả như một cõi tiên bồng lạc cảnh có cửa vào và được thánh Phêrô giữ cửa. Trong thiên đàng thì có ngai tòa Thiên Chúa sáng lạn hào quang hương khói tỏa bay ngạt ngào, có các thiên thần bay lượn hát ca, có các thánh nhân đi ra đi vào hay quỳ phục ca tụng Thiên Chúa ‘chẳng hề ngơi’!...Lại cũng có các cấp bậc ghế ngồi cho các thánh lớn thánh bé, thánh tử đạo hay thánh trinh nữ…cứ y như phim thần thoại. Thiên đàng cứ hiện ra trước mắt con người với biết viễn cảnh hạnh phúc và tươi đẹp nhất mà trí tưởng tượng của hội họa có thể vẽ ra. Và rồi cũng từ những hình dung theo kiểu những con số như thế, nên khi nói về Chúa Ba Ngôi thì người ta lại gợi ra hình ảnh một cụ già phúc hậu cầm trái đất trên tay và vui vẻ với sản phẩm mình tạo ra, có một trung niên ngồi ‘bên hữu’ tay cầm cây thập tự là dấu hiệu của ơn cứu độ, phía trên là con chim bồ câu tỏa sáng tượng trưng câu chuyện ngày nào bên bờ sông Gióc-đan. Lại khi nói về Chúa Cha thì luôn có hình ảnh người đàn ông, vì chính Chúa Giêsu cũng gọi Ngài là “Cha” tức là đàn ông!

Thiên đàng là nơi thưởng công cho các thánh nhân nên được đặt ‘ở trên’ và chết thì lên thiên đàng. Hỏa ngục là nơi trừng phạt thì dĩ nhiên là phải cho ‘xuống dưới’ để phải xuống hỏa ngục. Thế thì còn luyện ngục là nơi thanh luyện linh hồn, chưa lên cũng chưa xuống thì phải ‘ở giữa’ thôi. Và cứ như cái suy diễn kiểu cân đo đong đếm như thế thì thiên đàng chắc là rộng lắm, vì cả hàng tỉ năm nay, biết bao con người đã chết được lên thiên đàng cả rồi thì lấy gì mà đếm được số nhân khẩu trong thiên đàng và đo sao được diện tích của nơi thiên cung phải rộng là bao nhiêu! Thế nhưng có một ông phi hành gia nào đó khi thám hiểm vũ trụ đã thắc mắc rằng không tìm thấy thiên đàng ở chỗ nào.

Hôm lễ Chúa Thăng Thiên, tức là Chúa lên trời, tôi đã chia sẻ với nhóm sinh viên Công Giáo về câu chuyện Chúa từ biệt các môn đệ để về nhà cha, nhưng có ý trách mấy ông thánh sử sao không viết thêm cái cảnh bin rịn kẻ ở người đi cho ướt át tí …làm cả hội hội trường cười rộ.

 

Thiên đàng hỏa ngục hai bên.

Theo Giáo lý Công giáo, Thiên đàng là ‘nơi chốn’ dành cho những ai đã được thanh tẩy, người chết trong tội lỗi không được phép vào. “Những ai chết trong ân sủng và tình bằng hữu của Thiên Chúa và được thanh tẩy hoàn toàn sẽ sống đời đời với Chúa Kitô. Họ đời đời giống Thiên Chúa, vì họ “nhìn thấy Ngài” mặt đối mặt. (Cf. 1Ga 3,2  hoặc 1Cr.13,12; Kh 22,4)” (Giáo lý Giáo hội Công giáo 1023). “Những ai chết trong ân sủng và tình bằng hữu của Thiên Chúa và được thanh tẩy không trọn vẹn, dù không được chắc chắn sự cứu rỗi đời đời, phải trải qua sự thanh tẩy sau khi chết, cũng sẽ đạt được sự thánh khiết cần thiết để bước vào sự vui thoả của Thiên Chúa.” (Giáo lý Giáo hội Công giáo 1054).

“Với uy quyền tông đồ của Ta, ta xác định rằng, theo sự an bài phổ quát của Thiên Chúa, những linh hồn của tất cả các thánh (...) và của tất cả các tín hữu khác đã chết sau khi lãnh phép Thánh Tẩy của Chúa Kitô, mà nơi họ không có gì cần được thanh tẩy khi họ chết, (...) hoặc nếu có gì cần được thanh tẩy sau khi chết thì họ đã hoàn tất công việc đó, (...) cả trước khi dược sống lại trong thân xác của họ và trước khi có phán xét chung, và sự thể đã như thế từ khi Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu chuộc chúng ta lên trời: những linh hồn đó đã, đang và sẽ ở trên trời, nơi Nước Trời và Thiên đàng, với Chúa Kitô, vì các linh hồn đó đã được nhận vào hội các thánh thiên thần. Từ khi có cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu Kitô, các linh hồn đó đã và đang xem thấy bản tính của Thiên Chúa bằng một cái nhìn trực quan và có thể nói là mặt giáp mặt, không qua trung gian của một tạo vật nào hết” (Bênêđictô XII: DS 1000; LG 49).

Sự sống toàn hảo như thế với Ba Ngôi cực thánh, sự hiệp thông về sự sống và tình yêu với Chúa Ba Ngôi, với Trinh Nữ Maria, các thiên thần và tất cả các thánh, được gọi là "thiên đàng". Thiên đàng là cùng đích tối hậu và là sự thực hiện những khát vọng sâu xa nhất của con người, đó là tình trạng hạnh phúc cao nhất và vĩnh viễn.

 Sống trên thiên đàng là "ở với Chúa Kitô" (Ga 14,3; Pl 1,23; 1 Tx 4,17). Những người được chọn thì sống "trong Ngài", nhưng họ vẫn giữ được, hay nói đúng hơn, họ tìm thấy ở đó bản sắc đích thực của mình, tên gọi riêng của mình (Kh 2,17). GLCG 1025

Bởi vì sống là ở với Chúa Kitô: đâu có Chúa Kitô thì ở đó có sự sống, có Nước Trời (Th. Ambrôsiô, Luc. 10,121).

Đó là giáo lý của giáo hội và là tín điều mọi Kitô hữu tuyên xưng. Tuy nhiên với người trần mắt thịt thì những điều chưa từng thấy như thế cũng khó biến thành một kinh nghiệm sống đức tin. Vả lại trình độ thần học của đại đa số giáo dân còn thiếu hụt quá nhiều nên chắc chắn họ sẽ hình dung ra thiên đàng, hỏa ngục, luyện ngục theo lối hiểu của họ đến độ ngây ngô.

Rất nhiều người, trong đó có tôi, và không chừng có cả bạn nữa, đã từng nghĩ hay vẫn còn đang nghĩ Thiên Đàng, Luyện Ngục và Hỏa Ngục là những nơi chốn (places) vậy:

• Thiên Đàng là một nơi trên trời cao, ở đó không có đau khổ, không có nước mắt mà chỉ có vui vẻ, hạnh phúc, hoan lạc, bình an và yêu thương. Ở trên Thiên Đàng các Thánh và các Thiên Thần suốt ngày suốt đêm chỉ ca hát, tán tụng và ngợi khen Thiên Chúa…Cứ hát thế thì những kỷ lục trần gian này thành đồ bỏ rồi.

• Luyện Ngục là một ‘trại chuyển tiếp’, một nơi tạm giam, nơi đây người ta phải chịu nóng nảy, chịu đau khổ, có cả cực hình nữa để chờ hễ mãn hạn thì được chuyển lên Thiên Đàng.

• Hỏa Ngục là một nơi sâu thẳm trong lòng đất, ở đó là nơi giam giữ đời đời những kẻ ác, những người không có passport vào Thiên Đàng hay Luyện Ngục. Nơi đây chắc xăng dầu vừa nhiều, vừa rẻ, cho nên satan và ma quỷ tha hồ dùng để thiêu đốt mà trừng phạt những thường trú nhân ở trong vương quốc của chúng.

Nếu bạn đã từng nghĩ như tôi hoặc vẫn còn đang nghĩ Thiên Đàng, Luyện Ngục và Hỏa Ngục là những nơi chốn như thế thì sai rồi! Bạn cứ mở cuốn Toát Yếu Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo do Đức Giáo Hoàng Benedicto đương kim soạn thảo ra mà xem (số 209, 210, 212) thì sẽ thấy quan niệm về Thiên Đàng, Luyện Ngục và Hỏa Ngục như là những NƠI CHỐN thì phải đi học giáo lý lại thôi!

 

Thiên đàng trong tôi.

Cứ theo định nghĩa của giáo hội thì thiên đàng là tình trạng hạnh phúc tối thượng và vĩnh viễn để các thánh nhân được chiêm ngắm Thiên Chúa diện đối diện, thì tự nhiên tôi đã cảm thấy mình đang ở thiên đàng rồi. Trong thánh lễ, vị chủ tế thường chào “Chúa ở cùng anh chị em” là ý tưởng từ cái tên của Đấng Emmanuel (Thiên Chúa ở cùng chúng ta), thì quả tình là chúng ta đã có thiên đàng rồi. Ơn cứu độ được thực hiện trong Đức Kitô đã giao hòa đất trời để mang trời vào đất và đưa đất vào trời. Đặc biệt trong thời gian trước khi về với Cha, những tâm tư của Thầy Chí Thánh càng lộ rõ một tình yêu siêu việt hơn là Ngài sẽ “ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận cùng thế giới”. Không chỉ là ở cùng mà còn trở nên sự sống, nên huyết mạch cho mỗi con người khi tiếp nhận Thánh Thể là mình máu Ngài như lương thực nuôi sống bản thân. Cuộc sống con người quyện lấy cuộc sống Thiên Chúa như hồn với xác, như đất với cây cỏ, như nước với giòng sông… Nếu như thiên đàng là nơi có Chúa, thì chung quanh tôi với những va chạm hằng ngày, trong những sự kiện xảy đến…đâu đâu cũng lộ ra hình ảnh một Thiên Chúa yêu thương hiện diện. Ngay cả trong những lúc con người thất vọng nảo nề hay khổ đau cùng cực, thì lời Chúa, tức là sự hiện diện của Chúa cũng kề bên : Hãy đến với Tôi, hỡi những anh em đang mang ách nặng nề, Tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho. Tình yêu đó không giới hạn trong một không gian nhỏ bé, sự hiện diện đó không ràng buộc trong một yếu tố vật lý, nhưng chan hòa trong từng ngóc ngách của kiếp nhân sinh, bởi Thiên Chúa vui thích ở giữa con cái loài người.

Thiên đàng đã ở trong tôi, Thiên Chúa ở cùng tôi. Cảm nghiệm được điều đó thì hạnh phúc cho cuộc sống hiện tại biết bao. Tôi sẽ sống như Chúa sống, tôi sẽ cư xử với nhau như với Chúa, tôi sẽ làm việc cùng với Chúa, tôi buồn phiền đau khổ cùng với Chúa, tôi thờ phượng và tin yêu cùng các thánh nhân và tôi biết mình không lạc lõng khi gắn bó đời mình với một thiên đàng ngay tại trần thế. Nói gọn nhẹ thế nhưng đường vào thiên đàng chắc không phải đường cao tốc. Người có kinh nghiệm nhiều nhất về thiên đàng đã tâm sự rằng phải đi qua cửa hẹp, phải vác thập giá, phải từ bỏ mình…nhưng rồi người ấy cũng bật mí rằng ai sắm cho mình cái căn cước có đóng dấu Tình Yêu đỏ chót, kèm theo túi hành trang càng nhỏ càng tốt, trong có đựng lòng tin (chỉ nhỏ bằng hạt cải), sự phó thác (vì người lo cho anh em) và tâm hồn thanh khiết (không vướng bụi thế trần)…Lúc đó chẳng phải là mình phải tự đi vào thiên đàng mà có người cõng trên lưng hoặc chở vào trên cánh phượng hoàng.

Chúa ở với chúng ta (Dominus vobis cum), nhưng chúng ta có chấp nhận để cho Chúa ở cùng hay cứ tìm cách loại trừ Ngài để bám víu vào một thiên đàng không có Chúa?

 

jtrinhan

 


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu