HÃY QUAN TÂM TỚI NHAU!

Như thông lệ, trước mỗi Mùa Chay, Đức Thánh Cha công bố một sứ điệp trong đó ngài đề nghị cho toàn Giáo Hội một vài điểm nhấn trong “hành trình đức tin” của người Kitô hữu để sống tinh thần mùa phụng vụ này hầu chuẩn bị mừng đại lễ Phục Sinh. Nói chung, ngài muốn giúp cá nhân và cộng đoàn kiểm điểm và tăng cường đời sống riêng về một mặt nào đó, trong chương trình chung ba điểm của mọi mùa chay, là cầu nguyện, thực hành bác ái và hãm mình đền tội. Như năm 2009, ngài mời gọi khám phá lại ý nghĩa kitô giáo của việc ăn chay; năm 2010, ngài chọn một câu trong thư Rôma của thánh Phaolô (Rm 3,22) để suy nghĩ về sự công chính trong Đức Kitô; qua năm 2011, ngài tập trung vào đề tài sự sống mới của ta trong Đức Giêsu chết và phục sinh, theo bản văn của thư Côlosê 2,12. Còn năm 2012 này thì sao?

I. Giới thiệu chủ đề

Sứ điệp mùa chay năm nay đã được Đức Hồng y Robert Sarah, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Cor Unum, giới thiệu trong một cuộc họp báo ngày 7/2/2012 tại Rôma.

Trong phần nhập đề của Sứ điệp, Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI viết:

Một lần nữa mùa chay cho chúng ta một cơ hội suy nghĩ về chính trọng tâm của đời sống Kitô hữu, là bác ái. Thực vậy, đây là thời thuận tiện để, nhờ sự trợ giúp của Lời Chúa và các Bí Tích, chúng ta đổi mới hành trính đức tin, trên bình diện bản thân cũng như cộng đồng. Hành trình này được đánh dấu bởi cầu nguyện và chia sẻ, thinh lặng và chay tịnh, trong khi hướng về niềm vui Phục Sinh”.

Ngay từ câu đầu tiên, Đức Thánh Cha cho biết ngài sẽ nói về bác ái, là nòng cốt cuộc đời theo Chúa Kitô. Nhưng đó mới chỉ là đề tài tổng quát thôi, hay một nửa đề tài thôi, nếu nói được như vậy. Nửa kia sẽ được nói rõ trong đoạn kế tiếp của phần nhập đề: đó là bác ái trong đời sống cộng đoàn Kitô hữu, được diễn tả qua đoạn thư Do-thái 10,24 như sau: “Chúng ta hãy quan tâm tới nhau, để khích lệ nhau sống bác ái và làm việc lành”.

II. Khai triển đề tài

Bản văn Dt 10,24 gồm hai “ý” (“chúng ta hãy quan tâm tới nhau” và “để khích lệ nhau, v.v.”), Sứ điệp của Đức Thánh Cha đã tách ý thứ nhất thành hai điểm khai triển (“quan tâm” và “tới nhau” hay “lẫn nhau”), còn ý thứ hai thì ngài dành nguyên cho điểm thứ ba. Cụ thể, bản văn Kinh Thánh được ngài khai triển thành ba phần (hoặc ba ý): 1/ Trách nhiệm đối với người anh em, 2/ Tính hỗ tương như một ân huệ (gift of reciprocity) và 3/ Cùng nhau tiến bước trong sự thánh thiện.

1. Chúng ta hãy quan tâm

Điểm này dài nhất, chiếm một nửa Sứ điệp.

Thế nào là quan tâm? Động từ “quan tâm” (Hy-lạp : Katanoein) được phân tích kỹ. Ở đây, nói chung là để ý tới, nhìn chăm chú, với thái độ ân cần, với thiện cảm, thiện ý, muốn cho người khác được điều lành. Sứ điệp viết: “Động từ mở đầu thúc dục chúng ta hãy chăm chú nhìn người khác, trước tiên là nhìn Chúa Giêsu, và chú ý tới nhau, đừng tỏ ra là người xa lạ với nhau, đừng dửng dưng về số phận của anh chị em mình. Trong thực tế, thái độ chúng ta thường là ngược lại, đó là thái độ dửng dưng, vô tư, phát sinh từ lòng ích kỷ và được che đậy bằng cái vẻ tôn trọng “đời tư” của kẻ khác. Ngày nay, tiếng Chúa cũng vang dội mạnh mẽ kêu gọi mỗi người chúng ta trở thành những người canh giữ anh em mình (x.St 4,9), thiết lập những quan hệ ân cần đối với nhau, quan tâm đến thiện ích của tha nhân và của mọi người” (1,#1).

Mở rộng đôi mắt trước nhu cầu của anh em. Quan tâm tới người khác bao gồm ước muốn cho họ điều thiện hảo về thể lý, luân lý và tinh thần. “Điều thiện là điều khơi dậy, bảo vệ và thăng tiến sự sống, tình huynh đệ và sự hiệp thông” (1,#2). Quan tâm tới anh em có nghĩa là mở rộng đôi mắt trước những thiếu thốn của họ. Để cảnh giác chúng ta về nguy cơ để cho lòng nên chai đá, Sứ điệp nêu hai thí dụ từ Tin Mừng Luca: dụ ngôn người Samari tốt lành (Lc 10,29-37) và dụ ngôn ông nhà giàu và anh Lazarô nghèo khổ (Lc 16,19-31) Cái gì làm cho người ta thiếu cái nhìn nhân đạo và yêu thương ? Đó thường là sự giàu có vật chất và tự cho mình là đầy đủ rồi, cũng như khuynh hướng đặt lợi ích và các vấn đề của mình lên trên mọi thứ khác (1,#2).

Sửa lỗi lẫn nhau. Đây là một khía cạnh của bác ái Kitô giáo dường như bị lãng quên mặc dù khía cạnh này có cơ sở trong Kinh Thánh và trong truyền thống Giáo Hội. Chẳng hạn Sách Châm ngôn 9, 8-9:  “Hãy khiển trách người khôn ngoan, con sẽ được họ thương mến. Hãy khuyên bảo người khôn, họ sẽ khôn hơn nữa. Hãy dạy bảo người công chính, họ sẽ hiểu biết thêm”. Chính Chúa Kitô đã truyền phải sửa lỗi cho anh em đã trót phạm tội (x. Mt 18,15). Thánh Phaolô, Galát 6,1: “Nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hòa mà sửa chữa người ấy ; và hãy tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ”... Truyền thống của Giáo Hội đã liệt kê việc khuyên bảo tội nhân vào số những hành động từ bi về tinh thần (Thương linh hồn bảy mối, ... thứ bốn răn bảo kẻ có tội...).

Đức Thánh Cha dạy: “Trong thế giới chúng ta bị thấm nhiễm xu hướng cá nhân chủ nghĩa, cần phải tái khám phá tầm quan trọng của sự sửa lỗi huynh đệ, để cùng nhau tiến bước về sự thánh thiện”  (1,#3). Và ngài nhắc nhở người sửa lỗi cũng như kẻ được sửa lỗi : «Tất cả chúng ta đều yếu đuối và bất toàn (x.1Ga 1,8), nên thật là một việc rất hữu ích khi chúng ta giúp đỡ kẻ khác và để cho kẻ khác giúp đỡ ta, để mọi người chúng ta có thể thấy rõ tất cả sự thật về bản thân, cải tiến đời sống mình và tiến bước ngay thẳng hơn trên con đường của Chúa (1#3).

2. Tính hỗ tương như một quà tặng

Để nói về tính hỗ tương trong đời sống Giáo Hội, Đức Thánh Cha lấy lại hình ảnh thân thể con người mà thánh Phaolô đã dùng để gọi Giáo Hội : Giáo Hội là, “nhiệm thể Chúa Kitô” mà chúng ta là chi thể (Ep 5,23.30 ; Cl 1,18.24). Trong một thân thể, mọi chi thể đều liên kết chặt chẽ với nhau, tham gia góp phần của mình vào lợi ích chung tùy theo chức năng riêng, liên đới với nhau trong điều lành điều dữ, điều tốt điều xấu xảy đến...Trong Giáo Hội, không có chuyện “sống chết mặc bay”, hoặc “đèn nhà ai nấy rạng”, hoặc “khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì  nào thấy ai !”,v.v. Trong Giáo Hội “các chi thể chăm sóc lẫn nhau” (1Cr 12,25). Mỗi người trong Giáo Hội phải ý thức và nói được rằng “tha nhân thuộc về tôi, cuộc sống, phần rỗi họ liên hệ tới cuộc sống và phần rỗi của tôi” (Sứ điệp, 2#2). Đó là tính hỗ tương. Và “quan tâm đến tha nhân trong tinh thần hỗ tương cũng là nhìn nhận điều thiện hảo mà Chúa làm nơi họ và cùng với họ cảm tạ vì những kỳ công ân phúc mà Thiên Chúa nhân lành và toàn năng tiếp tục thực hiện nơi các con cái của Ngài. Khi một Kitô hữu nhận thấy nơi tha nhận hoạt động của Chúa Thánh Linh, thì họ không thể không vui mừng vì điều đó và tôn vinh Chúa Cha trên trời (x. Mt 5,16)” (2,#2). Hiểu như thế thì tính hỗ tương là một đều may mắn cho tôi, -quả thực là một quà tặng của Chúa cho tôi.

3. Cùng nhau tiến bước trong sự thánh thiện.

Quan tâm lẫn nhau là để khuyến khích nhau tiến tới trong bác ái và các việc lành. Cách nói này (Dt 10,24) thúc đẩy chúng ta nhớ lại rằng mọi người trong Giáo Hội, dù ở bậc nào, đều được mời gọi nên thánh; vậy chúng ta hãy nghiêm chỉnh suy nghĩ về ơn gọi đó và về và hành trình liên lỷ của chúng ta trong đời sống thiêng liêng, trong khi chúng ta khao khát những ân huệ lớn hơn và một đức bác ái ngày càng cao và càng phong phú hơn (x. 1Cr 12,31-1 ;13).

“Sự quan tâm đối với nhau phải thúc đẩy chúng ta tiến đến một tình yêu thương ngày càng hữu hiệu hơn, ‘tựa ánh bình minh, rực rỡ thêm cho đến hồi chính ngọ’ (Cn 4,18), trong khi chờ đợi sống ngày không bao giờ tàn trong Thiên Chúa. Thời gian được ban cho chúng ta trong cuộc sống ở đời này thật là quí giá để nhận ra và chu toàn những việc lành, trong tình yêu Thiên Chúa. Như thế chính Giáo Hội tăng trưởng và phát triển để đạt tới sự trưởng thành trọn vẹn của Chúa Kitô (x. Ep 4,13). Lời chúng ta khích lệ nhau đạt tới tình yêu sung mãn và các việc lành nằm trong chính cái viễn tượng tăng trưởng năng động này” (3#1)

Lm Nguyễn Hồng Giáo tóm lược (nguoitinhuu.com)

 


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu