Bắt Đầu Lại
“Chỗi Dậy Đi, Đừng Sợ”
(Mt 17,7)
Bắt đầu lại không có nghĩa là bỏ quên ngày hôm qua, hoặc lãng quên những lỗi lầm và thiếu sót của
mình, cũng không tìm quên một biến cố
đau thương trong đời, nhưng là cố gắng làm
tốt hơn những gì mình đã làm, sống
tốt hơn những gì mình đã sống.
Bắt đầu có khi đòi ta phải đổi phương
hướng hay phương cách, nhưng sự thường là dừng lại để ngẫm nghĩ, rồi tiếp bước
trên cùng một con đường, nhưng với những bước chân mạnh mẽ và vững tin hơn.
Bắt đầu không có
nghĩa là ta không còn gục ngã nữa, không còn thua cuộc, nhưng có thể ngày mai
ta lại ngã, lại thua. Ta cố gắng rồi lại thất
bại; cố công rồi lại thất vọng;
cố sức rồi lại thất thoát, nhưng ta không hề thất chí.
Bắt đầu lại không
có nghĩa là không còn sầu đau, không còn những giọt lệ nghẹn ngào trong đêm,
nhưng dầu thế nào đi nữa, ngày mai khi thức dậy, ta vẫn mỉm cười và vui tươi
bắt đầu lại.
Bắt đầu lại trong
ngày mới không chỉ là làm mới một cái gì đó, nhưng điều quan trọng là làm mới
lại bản thân mình: “Không ngừng làm mới bản thân là cách tốt nhất để chúng
ta luôn sống với các giá trị và mục đích của đời mình... Mọi ý chí chiến thắng,
mọi ý chí tiến thủ sẽ khô cằn và tàn lụi, nếu không được liên tục làm mới” (Lombardi).
“Cám ơn
đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương!” (Kahlil Gibran).
Khởi đầu ngày mới, ta hãy vui mừng cảm
tạ Chúa, vì biết mình còn sống đây là ân ban lớn lao nhất, để ta có thể bắt đầu
lại tất cả với Chúa và trong Chúa. Hãy biết quý trọng mỗi khoảnh khắc của đời
mình để biết sống trọn vẹn từng giây phút.
Khởi đầu ngày mới, ta không màng đến những phiền muộn của hôm qua, vì những
gì thuộc về quá khứ thì chẳng thể nào thay đổi được. Có thay đổi được gì là do
chính tâm tình và thái độ sống của ta hôm nay.
Khởi đầu ngày mới, ta hãy cẩn trọng gìn giữ tâm
hồn trong sáng và bình an, say mê làm việc và dấn thân phục vụ, đừng để dục
vọng và đam mê quấy động tâm hồn mình.
Khởi đầu ngày mới, ta hãy đối diện với mọi thử thách bằng tất cả lòng can
đảm và tự tin, quyết vượt qua mọi trở ngại bằng tất cả nỗ lực của mình. Đừng lo
sợ những thất bại, vì qua đó như một cách thức Chúa muốn rèn luyện và uốn nắn
ta, cho ta biết cách để làm nên cuộc sống phong phú và toàn diện hơn.
Khởi đầu ngày mới, ta hãy mở rộng tâm hồn để đón nhận mọi tình cảnh bất
trắc có thể xảy ra, mà không than van, trách cứ. Trong mọi trường hợp, hãy mở
rộng trái tim mình để bao dung, tha thứ, hoà nhập và sớt chia những vui buồn
với những người xung quanh, vì nơi họ, Chúa đang chờ đợi ta.
Khởi đầu ngày mới, ta không cao vọng
về mình, không kỳ vọng về người,
không thất vọng về mọi trắc trở,
nhưng hy vọng nơi tất cả, vì nhận
biết rằng Chúa đang có mặt trong tất cả.
Khởi đầu ngày mới, ta hãy khám phá và học hỏi những điều mới lạ, cần thay
đổi lối sống rập khuôn, thói quen máy móc, kiểu cách hình thức, để biết đáp ứng
và sáng tạo trước lời mời gọi của Chúa trong từng hoàn cảnh và biến cố.
Khởi đầu ngày mới, ta hãy biết tạo niềm
vui cho mình, và biết rằng chẳng có niềm vui nào bằng niềm vui
của tâm hồn sạch tội và luôn biết kề cận bên Chúa.
Cuối cùng, hãy sống một ngày mới như ngày sau cùng đẹp nhất của cuộc đời mình.
Muốn vậy, ta hãy sống với tất cả niềm tin vào lòng thương xót
Chúa. Niềm
tin là nguồn năng lượng mạnh mẽ nhất trong việc tạo ra những điều tốt đẹp nhất trong
cuộc sống. Ngược lại, niềm tin bị giới hạn cũng sẽ hạn chế mọi sự triển nở.
Niềm tin thâm sâu sẽ mang lại tâm trạng tràn đầy sức sống khiến con người mạnh
mẽ hẳn lên. Nó giúp chúng ta khơi dậy những tiềm năng lớn lao đang ẩn sâu trong
con người, và định hướng cho những năng lực ấy phát huy sâu rộng, để hiện thực
hóa một cuộc đời cao đẹp như ý Chúa muốn.
Ðức tin luôn mời gọi chúng
ta nhìn vào những thất bại và đổ vỡ như một khởi đầu mới. Ðức tin mang lại cho
chúng ta đôi mắt để nhìn xuyên qua tăm tối và thấy được ánh sáng của niềm hy
vọng. Ngay những trang đầu của Sách Thánh, Thiên Chúa đã dẫn đưa chúng ta vào
cái nhìn hy vọng ấy. Sự sa ngã của ông bà nguyên tổ đã không phá vỡ chương
trình của Thiên Chúa, trái lại đã trở thành sự khởi đầu của một công cuộc đổi
mới kỳ diệu hơn.
Giáo hội đã không ngừng
cảm tạ Chúa vì không những Ngài đã tác tạo con người một cách diệu kỳ mà còn
tái tạo con người một cách diệu kỳ hơn. Toàn bộ lịch sử cứu rỗi là một chuỗi
những vấp ngã và chỗi dậy của con người đan xen với nhau. Tuyệt đỉnh của cuộc
tái tạo không ngừng ấy chính là cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Thánh
Phaolô đã đưa chúng ta vào luận lý của Chúa Giêsu khi nói: “Song những gì thế gian cho là điên
dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế
gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1Cr
1,27).
Lịch sử nhân loại sẽ
không đạt được ý nghĩa trọn vẹn nếu không có cái chết của Chúa Giêsu. Cuộc sống
con người cũng sẽ vô nghĩa nếu ở bên ngoài cái chết ấy. Trọng tâm của đời sống
đức tin chính là cái chết ấy. Biểu trưng cơ bản nhất của niềm tin chính là Thập
giá Chúa Giêsu. Do đó, người có niềm tin luôn được mời gọi đối chiếu và nhìn
vào các biến cố của cuộc sống dưới ánh sáng của Thập giá. Thất bại, thử thách,
khổ đau và ngay cả tội lỗi cũng được nhìn trong ánh sáng của mầu nhiệm Thập
giá. Tất cả đều là một khởi đầu mới. Hãy bắt đầu lại, hãy làm lại không ngừng,
hãy chỗi dậy và bước đi. Ðó là tiếng mời gọi của Thập giá mà Chúa Giêsu không
ngừng ngỏ lời với những người có niềm tin.
Cuộc sống hằng ngày của
ta không tránh khỏi những thất bại, trái ngang, bẽ bàng, có khi là những tai
ương, hoạn nạn, nhưng cứ hãy kiên trì và từng bước vượt qua.
Một trong những bí
quyết thành công của nhà phát minh vĩ đại Hoa Kỳ -Thomas Edison- cũng chính là
sự kiên trì trong đức tin mà không có bất cứ thất bại hay trở ngại nào có thể
bẻ gãy. Điển hình là tai họa vào đêm tháng 12 năm 1912, phòng thí nghiệm của
ông phát hoả, thiệt hại ước tính lên đến 2 triệu đô-la, và hầu như toàn bộ tài
sản của ông bị thiêu rụi trong trận hỏa hoạn đó. Sáng hôm sau, Thomas Edison
nhìn vào đống tro tàn và thốt lên: “Trong
tai họa có một giá trị cao cả, tất cả mọi sai lầm của chúng ta đã bị đốt cháy.
Cám ơn Chúa, chúng ta sẽ bắt đầu lại”. Ba tuần sau cuộc hỏa hoạn, Thomas
Edison đã cho ra đời chiếc bình ắc-quy đầu tiên trên thế giới. Từ đó, các phát
minh mới được liên tục hình thành, ông đã lãnh tất cả 1.097 bằng phát minh, trở
nên vị đại ân nhân của nhân loại. Khi người ta ca tụng ông như một thiên tài
bẩm sinh, ông trả lời một cách khiêm tốn: “Thiên
tài gồm 1% cảm hứng và 99% mồ hôi” - “Genius is one percent inspiration,
ninety-nine percent perspiration”[1].
Chỗi dậy
từ những sa ngã
Ngày
kia, có một thanh niên đến thưa với Thầy ẩn sĩ Sisot:
- Thưa
Thầy, xin Thầy cho con một lời chỉ giáo.
- Con muốn gì? cứ nói!
- Thưa Thầy, con phải
làm gì ? Con mới phạm một tội tầy đình và thật ghê gớm.
Nói xong, chàng thanh niên khóc nức nở. Thầy Sisot thản nhiên trả lời: “Nếu như thế thì hãy chỗi dậy đi”.
Chàng
thanh niên lắc đầu: “Con đã cố chỗi dậy
nhưng lại sa ngã và phạm đi phạm lại, con phải chỗi dậy bao nhiêu lần nữa?”
Thầy
Sisot cương quyết: “Con phải chỗi dậy sau mỗi một lần sa ngã cho đến khi nào
Chúa gọi con ra khỏi thế gian này”.
Câu trả lời của Thầy
Sisot cho chúng ta thấy cuộc đời là một cuộc chiến đấu liên lỉ. Lúc chúng
ta tưởng mình đã thành công lại chính là lúc chúng ta yếu đuối dễ sa ngã hơn
bao giờ hết. Con người chúng ta là như thế, nên điều quan trọng là tin
vào lòng thương xót Chúa để biết chỗi dậy sau mỗi lần sa ngã.
Austin O’Malley có lần
đã phát biểu: “Sự kiện bạn bị quỵ ngã là
một việc đáng chú ý, nhưng lượng thời gian bạn phải phấn đấu để chỗi dậy mới
thật đáng quan tâm”. Phấn đấu để chỗi dậy là tự cứu mình, là tự giải huyệt
đạo để khai thông năng lực và mở ra sự sống cho mình. Với thái độ tích cực, thì
sau vấp ngã sẽ là một sự khai sinh kinh nghiệm và sức sống mới cho ta. Ta thấy
mình phấn khởi và khôn ngoan hơn để tiếp tục dấn thân.
Tổng Giám Mục Dom
Helter Camara đã tâm sự như sau: “Không phải chỉ có một định nghĩa về thánh
thiện mà đã có cả hàng chục hàng trăm . Thế nhưng có một định nghĩa mà tôi
thích nhất: sống thánh thiện là phải
chỗi dậy ngay khi bị ngã, chỗi dậy với lòng khiêm nhường và vui mừng. Không
phải có ý nói là không bao giờ được sa ngã theo đàng tội lỗi, mà muốn nói lên ý
nghĩa là ta có thể nói: ‘Vâng lạy Chúa con đã sa ngã một ngàn lần, và nhờ ơn
Chúa giúp con đã chỗi dậy một ngàn lẻ một lần’. Tất cả ý nghĩa là như vậy. Tôi
thích suy nghĩ về điều đó”.
Thiên Chúa hằng yêu
thương ta ngay cả lúc ta là tội nhân, và Ngài sẽ rất đỗi vui mừng khi ta biết
chỗi dậy khởi sự lại đời sống mình. Chính Chúa Giêsu đã nói lên điều đó (x. Lc
15,7), chỉ tiếc rằng nhiều khi ta không dám tin hoặc quá hờ hững vô tình trước
sự mong đợi của Chúa.
Chuyện kể rằng: có
một vị thừa sai sống trên một hòn đảo nhỏ bên bờ biển Thái Bình Dương, một hôm
ngài ngạc nhiên vì thấy có một phụ nữ tiến bước về phía ngôi chòi của mình. Khi
tới nơi, cô ta đưa một bụm cát và lên tiếng hỏi: “Cha có biết đây là cái gì
không?”
- Vị
thừa sai chưa kịp đáp thì cô ta đã giải thích: “Đây là tội lỗi của con, nó
nhiều vô số như cát biển. Con làm thế nào để được tha thứ hết các tội lỗi này?”
- Vị
thừa sai nhìn chị và nói: “Con lấy cát ở bãi biển phải không? Vậy con hãy
mang nó về bãi biển. Xong rồi con hãy ngồi đó mà xem những con sóng đến cuốn nó
đi, chẳng còn lại gì. Đó là cách thức ơn tha thứ của Chúa hoạt động. Lòng
thương xót Chúa bao la như đại dương sẽ xóa sạch mọi tội lỗi con. Chỉ cần con
chân thành sám hối để bắt đầu lại thôi”.
Thiên Chúa không chỉ là Đấng nhân từ
chuyên tha thứ, nhưng Ngài còn là một nghệ nhân rất tuyệt vời trong đời sống ta
trên mọi phương diện. Nếu hình ảnh đời ta còn mờ tối, Ngài sẽ có cách làm rực
sáng lên. Nếu bức tượng đời ta còn loang lỗ, Ngài sẽ chạm trổ lại đẹp ngời. Nếu
bản nhạc đời ta còn những nhịp phách và hòa âm trắc trở, Ngài sẽ xếp đặt lại
thật hay. Nếu những vần thơ đời ta còn lủng củng, Ngài sẽ chải chuốt lại thật
hoa mỹ. Nếu tim ta tan vỡ, Ngài sẽ hàn gắn lại nếu ta giao cho Ngài tất cả
những mảnh vỡ.
Điều quan trọng là cứ tin tưởng, nương
tựa và phó thác mọi sự cho Chúa, thì đời ta sẽ không bao giờ là một thất bại
mãi mãi. Tất cả sẽ được thâu phục và chuyển hóa nhờ quyền năng và tình yêu vô
biên của Thiên Chúa.
Chỗi dậy
từ những thất bại
Thất bại cũng là chuyện
bình thường, chỉ là chưa thành công thôi. Không có sự thành công đích thực nào
mà không làm nên từ những thất bại ban đầu, và thất bại cũng là một phần quan
trọng của cuộc sống. Chính khi thất bại ta mới có cơ hội để bình tâm và từ tốn
nhìn lại bản thân mình rõ hơn. Nhìn lại mình là một bước chuyển hóa đáng kể, để
thói tự mãn, tính chủ quan, sự háo thắng rơi rụng bớt đi.
Thất bại dễ khiến ta
hoang mang, cảm thấy mình mất tất cả hay không được gì cả. Có thể có những mất
mát to lớn bên ngoài, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội để tìm lại được hay vẫn còn
nhiều ý nghĩa để sống. Hơn nữa, những gì ta đã gầy dựng bên trong như kinh
nghiệm, kiến thức, kỹ năng, những quan hệ và yếu tố thuận lợi... thì vẫn còn
đó, để đưa vào công trình kế tiếp. Tiếc thay có những thất bại vì thiếu năng
lực, còn non nớt, mà đã xông xáo theo kiểu “ngựa
non háu đá”, nhất là tự tin một cách vô căn cứ. Trái lại, có những thành
công chỉ do tình cờ, may mắn, thời cơ đưa tới, nhưng nếu không đủ khả năng và
bản lãnh thì cũng chẳng giữ được bao lâu.
Thất bại khiến ta cảm
thấy ê chề, bẽ mặt, vì ta mang sẵn mầm bệnh “sĩ diện”: muốn “lở mày lở mặt” với
thiên hạ, muốn tạo bề thế cho mình... để thấy mình sáng giá hơn mọi người. Có
thể ta đã lầm lẫn giữa phương tiện sống và mục đích sống. Thành công như vậy
cũng chỉ là thỏa thích được nổi nang,
thỏa mãn được tham vọng, hay thỏa thuê cái cảm xúc nhất thời theo thị
hiếu của xã hội, chứ không thỏa đáng
như một giá trị tinh thần đáng khâm phục. Thành công như vậy chỉ nhằm phục vụ
và củng cố “cái tôi” đáng ghét. Cảm giác sung sướng vì thành công như vậy cũng
sẽ qua mau, và để lại trong ta một nỗi cô đơn, hoang vắng, mà không có gì bù
đắp hay chia sẻ được. Thành công như vậy còn tệ hại hơn một thất bại.
Có những thành công
nhưng lại là thất bại khi phẩm chất thiêng liêng trong tâm hồn bị phá sản, mất
đi bình an, lòng thương xót, tính chân thật, đức khiêm nhường... Một kẻ sống
không có đạo đức mới chính là một kẻ thất bại thảm hại. Trái lại, sẽ không còn
là thất bại đúng nghĩa khi ta chiến thắng sự háo thắng của mình, vượt thắng
những bóng tối u sầu, thất vọng, để sống bình an, vững vàng, và tập trung nghị
lực để khởi đầu lại.
Chấp nhận thất bại là tâm lý rất quan
trọng để ta gần sát lại hơn với chính mình và mọi người mọi loài. Vượt qua được
tâm lý tổn thương và mặc cảm của cái tôi yếu đuối là đã biết vượt lên chính
mình. Thỉnh thoảng ta nên tự hỏi mình có cần đeo bám mãi sự thành công không,
nó có phải là điều kiện tiên quyết cho hạnh phúc của ta trong hiện tại không,
để ta thu hồi lại những năng lực tản mác vốn có thể tạo nên sự mạnh mẽ phi
thường trong ta. Đừng quên rằng, sự thất bại dù lớn lao đến đâu cũng chỉ là một
phần của cuộc sống, nó không thể làm phương hại đến những giá trị mầu nhiệm mà
ta đang nắm giữ trong tầm tay[2].
Hiểu
như trên ta mới biết nhẹ nhàng chỗi dậy từ những thất bại trong đời, nhất là
tin rằng Chúa đang kết dệt nên cuộc đời ta từ những thất bại, để ta biết mềm
mại và khiêm tốn hơn; để tàng trữ một năng lực thâm hậu hơn cho một kế hoạch
lớn hơn trong dự định nhiệm mầu của Chúa. Câu chuyện sau đây cho ta ngộ ra ý
nghĩa đó.
Abraham Lincoln đã kinh
qua hết thất bại này đến thất bại khác trong suốt 28 năm. Năm 1833, ông mắc
chứng suy nhược thần kinh và bị thua cuộc khi ra ứng cử chức vụ phát ngôn viên.
Năm 1848, ông bị thua cuộc tái nhiệm chức vào Quốc Hội và bị gạt bỏ chức nhân
viên đất đai (land officer) vào năm 1849. Năm 1854, ông bị thua trong cuộc bầu
cử vào Thượng Nghị Viện. Hai năm sau ông lại bị thua trong cuộc bổ nhiệm vào
chức phó tổng thống và một lần nữa thất bại trong cuộc bầu cử cho Thượng Nghị
Viện năm 1858. Tuy nhiên, lòng ông vẫn kiên định, bất chấp những thất bại. Năm
1860 ông đắc cử tổng thống và đi vào lịch sử là một trong những tổng thống vĩ
đại nhất nước Mỹ.
Ngoài ra, ta còn biết
Abraham
Lincoln đã phấn đấu quyết liệt suốt đời để không ngừng chỗi dậy từ những thất
bại và đau thương trong đời. Ông đã tận tụy dấn thân và hy sinh quên mình để
đem lại hòa bình, phúc lợi, và phẩm giá cho con người. Trong một ngày lễ Tạ Ơn,
ông đã phát biểu như sau: “Tất cả những
điều tốt đẹp chúng ta có ngày nay không phải do một người nào trên đời hướng
dẫn hay do bàn tay của con người làm nên. Tất cả những điều đó là những món quà
quý giá đặc biệt, mà Thiên Chúa Toàn Năng đã làm cho chúng ta”[3].
Cuối cùng ông đã có thể dâng hiến chính mạng sống mình cho một chính nghĩa vĩ
đại. Cuộc đời ông đã trở thành bản trường ca yêu thương và trở nên hy tế tạ ơn
Thiên Chúa.
Rõ ràng, thành công
không phải là thiếu vắng thất bại, trái lại, thất bại lại cần thiết để có một
thành công lớn hơn, có ý nghĩa và giá trị sâu xa hơn.
Bất
kể bao nhiêu lần thất bại, ta không bao giờ là một thất bại miễn là ta chỗi dậy
chỉ một lần nữa sau khi ngã xuống. Hơn nữa, như một người nhảy cao, ta không
bao giờ khám phá được trọn vẹn tiềm năng của mình cho đến khi ta đạt đến điểm
thất bại của mình. Như có người nói: “Nhắm
thấp, không thất bại, là tội ác”. Đừng quên, thất bại chỉ là một biến cố,
một hiện tượng, không phải là một con người. Qua mỗi biến cố thất bại, con
người lại khởi đầu khơi dậy tiềm lực của mình còn đang yên ngủ:
Tiềm lực còn ngủ yên
Trong quả tim mắc bệnh đập cầm chừng
Tiềm lực còn ngủ yên
Trong bộ óc mang khối u tự mãn
Tiềm lực còn ngủ yên
Trong lỗ tai viêm chai màng nhĩ…
Tôi muốn được làm tiếng hát của em…
Hát bài hát
Đánh Thức Tiềm Lực. (Nguyễn Duy)
Đã
có biết bao nhiêu người trở nên những bậc danh nhân, vĩ nhân, thánh nhân, vì đã
mạnh dạn chỗi dậy để có thể khơi dậy toàn thể tiềm lực, làm nên cuộc đời mới.
Mỗi biến cố dù họa hay
phúc, dù lành hay dữ, đều có một ý nghĩa nhất định trong đời, là một cách Chúa
ngỏ lời và tỏ mình cho ta. Ta cần nhìn lại biến cố của Phaolô (x. Cv 9,1-22) để
hiểu những biến cố trong đời mình.
Đang khi Phaolô hăm hở
đi lùng bắt các Kitô hữu trên đường Đamat, thì bỗng nhiên một luồng sáng từ
trời chiếu xuống bao phủ lấy ông, ném ông xuống đất. Chạm đất là chạm vào thực
tế của lý tưởng mà ông đang dấn thân, đòi ông đối diện với sự thật trước mắt,
mà ông đã nhắm mắt thi hành. Ánh sáng đó cũng đã làm cho ông bị mù, diễn tả sự
“vô tri” và “u mê lầm lạc” trên con đường mà ông đang theo đuổi. Ông không hề
biết Thiên Chúa, mà cứ tưởng như mình biết; ông cứ tưởng mình phụng sự Thiên
Chúa, nhưng lại đang đối địch với Ngài. Thật ra, ông có biết đến một Thiên
Chúa, nhưng đó là Thiên Chúa của lề luật, của một quan niệm hẹp hòi, và là một
hình ảnh được tô tạo, chứ không phải là Thiên Chúa thật.
Trước đây, Phaolô chỉ
làm những cái mà ông thích, thực hiện những điều mà ông muốn. Một con người
tung hoành ngang dọc, thế mà giờ đây không biết phải làm gì, làm như thế nào.
Khi ông ngã ngựa và chịu nằm sát đất thì Đức Kitô Phục Sinh mới lên tiếng để
chỉ cho ông phải làm gì. Từ đây, con đường ông đi sẽ đổi hướng, phương pháp ông
làm sẽ đổi cách, không còn nhằm vào điều mình muốn, nhưng nhằm vào điều Chúa
muốn.
Suốt
ba ngày sau khi ngã ngựa, Phaolô không nhìn thấy, cũng không ăn uống gì, giống
như người chết, và “chết rồi mới sống lại
với Chúa”. Khi được Khanania đặt tay chữa lành cho đôi mắt, ông cảm thấy
như một cái vảy bong rơi khỏi mắt. Cái vảy đó chính là sự hiểu biết phàm tục
của Phaolô đã che chắn ánh sáng tâm hồn ông, đã khiến ông đi tìm công danh sự
nghiệp bằng cách bách hại các Kitô hữu, cũng là bách hại chính Đức Kitô.
Nhờ Giáo hội, qua phép
rửa, Đấng Phục Sinh giải thoát Phaolô khỏi sự “u mê lầm lạc”, khỏi sự vô tri.
Bấy giờ ông mới nhận biết Đức Kitô và khám phá ra Thiên Chúa chính là Cha của
Ngài. Thần Khí của Đấng Phục Sinh đã tác
động mạnh mẽ trên Phaolô và thay đổi hoàn toàn con người của ông. Trái tim của
ông được Đức Kitô chiếm đoạt (x. Pl 3,12). Ông say mến Ngài (x. Gl 2,20), và
tình yêu Ngài đã biến ông nên “chứng nhân” hào hùng: “tông đồ các dân ngoại” (Rm 11,13).
Đúng như Phaolô viết: “Tình
yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi” (2 Cr 5,14). Trên đường rao truyền
sứ điệp tình thương và hy vọng của Chúa cho mọi người, Phaolô đã bị bỏ tù nhiều
lần; năm lần bị người Do Thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn;
một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển
khơi. Ông gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do
đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, nguy
hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Ông phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức
đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng (x. 2Cr
11,24-28).
Phaolô
còn bị chê bai về vóc dáng và ăn nói kém cỏi (x. 2Cr 11,6), bị chống báng và đả
kích từ nhiều phía, nhưng ông chẳng hề chùn bước. Một cách không lay chuyển,
ông đã luôn nhắm thẳng vào mục tiêu (x. Pl 3,14). Những vấn đề, những trở ngại
và những thất bại dọc đường đã thêm sức cho ông trong cuộc hành trình của mình.
Thái độ của Phaolô là: “Vì Thiên Chúa đoái thương giao cho chúng
tôi công việc phục vụ, nên chúng tôi không sờn lòng nản chí” (2Cr 4,1).
Thất bại lớn nhất của
Phaolô là không nhận ra một Thiên Chúa thật, và thành công lớn nhất của ông
cũng chính là nhận ra Ngài trong Đức Giêsu Kitô. Nhưng khi nhận ra Chúa rồi,
thì ông lại tiếp tục gặp những thất bại liên tiếp trong đời khi làm chứng cho
Ngài. Những thất bại đó càng làm sáng lên cuộc đời Phaolô, một con người say mê
Đức Kitô. Những thất bại vì Đức Kitô đã làm nên chiến thắng sau cùng của đời
ông, cũng là chiến thắng muôn đời. Không có cuộc chỗi dậy dứt khoát, không có
gian nan, đau thương và thất bại, không có khởi đầu lại, thì đời ta cũng chỉ là
bóng đêm, chẳng bao giờ có bình minh ló rạng. Cũng như Phaolô, tình yêu Đức
Kitô vẫn luôn thúc bách ta, vẫn gọi ta chỗi dậy (Cv 26,16) để làm nên cuộc đời
mới cho Chúa, cho bản thân và tha nhân.
Có lẽ không có cách nào
tốt hơn để khắc phục những cảm giác thất bại hơn là tìm hiểu xem Chúa muốn ta
làm gì. Ngài muốn ta đạt được một điều gì đó có giá trị, chứ không hành động
cách tùy tiện theo ý mình. Khi đặt ý Chúa lên trên hết, nội tâm ta chan hòa
nghị lực, ta dễ chỗi dậy trong mọi tình trạng, vì tâm hồn như vậy luôn có Chúa
ở cùng, chính Ngài sẽ nâng đỡ và làm ta nên mạnh mẽ (1V 19,1-8). Chúa muốn nói
với ta như đã từng nói với Giôsuê rằng, “Ta há không có dặn ngươi sao? Hãy mạnh dạn
và can đảm lên. Đừng sợ sệt; đừng chán nản, vì Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi
sẽ ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi” (Gs 1,9).
Giôna vì không theo ý
Chúa nên đã gặp phải tai họa, nhưng rồi trong tai họa Chúa vẫn gìn giữ ông.
Ngài vẫn theo đuổi ông dầu ông tìm cách tránh né Ngài. Khi cứu vớt Giôna, Chúa
mời gọi ông hãy chỗi dậy khởi đầu lại sứ mạng của mình (x. Gn 3,1). Đối với
chúng ta cũng vậy, việc cố né tránh Thiên Chúa khiến ta có thể gặp tai ương,
nhưng chính trong tai ương ta lại đối diện với Ngài. Cần nhận ra sứ mệnh của
mình trong chương trình của Thiên Chúa. Thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại
không phải là các tác phẩm nghệ thuật hay các công trình khoa học, mà là nhận
ra tính tha hóa, sự điên rồ trong chính bản thân mình, để bắt đầu lại trong
niềm tin tưởng và phó thác vào lòng thương xót Chúa.
Là
Kitô hữu, ta không thể ghi nhận và lượng giá thành công hay thất bại của mình
theo tầm nhìn của con người nhân loại. Một đời sống Kitô hữu “thành công” là hàng ngày
dấn thân bước theo Đức Kitô trên con đường thập giá, và phó mình cho Thần Khí
của Ngài dẫn dắt. Thánh Phaolô hiểu rõ dấn thân như vậy có ý nghĩa gì khi ông
viết: “Mỗi ngày tôi phải đối diện với cái chết” (1Cr 15,31). Con
người cũ của chúng ta chết đi thì Thần Khí Thiên Chúa mới làm cho ta chỗi dậy
trong cuộc sống mới. Chết đi và chỗi dậy là nhịp điệu của tâm hồn Kitô hữu, cho
tới giây phút cuối cùng để được biến đổi hoàn toàn trong Đức Kitô. Đó mới là sự
thành công đích thực mà Thiên Chúa muốn dành cho mỗi người chúng ta.
Là Kitô hữu, chúng
ta coi thường những thành công về sự nghiệp hay danh giá cho bản thân mình ở
đời này. “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này thôi, thì chúng
ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15,19). Nếu kỳ vọng
của ta nơi Đức Kitô là để được che chở và chúc phúc chỉ trong cuộc sống hôm nay
thôi, ta đã đánh giá quá thấp sức mạnh của Tin Mừng.
Cái nhìn hạn hẹp về cuộc sống Kitô hữu
như vậy sẽ không bao giờ đáp ứng những gì ta trông đợi. Nhờ lòng tin vào Chúa
Giêsu, ta đã được ban cho sự sống đời đời. Nói cách khác, quãng đời hiện tại
của ta phải được xét theo khuôn khổ thời gian vĩnh cửu. Những thử thách và gian
nan không ngừng của ta cũng phải được cân đo đong đếm dựa trên thời gian vĩnh
hằng, vì “Những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới
tồn tại vĩnh viễn” (2 Cr 4,18).
Ta đã được ban tặng một nhãn quan mới. Hãy
bắt đầu đặt lại cuộc sống mình trong bối cảnh đời đời để có thêm hy vọng và sức
mạnh trong mọi tình cảnh trái ngang. Hãy bắt đầu lại để vác thập giá với niềm
vui, để sống bình an và thỏa lòng nơi Chúa hơn. Hãy nếm trải thêm chiến thắng
mới (có thể đó là những thất bại trước mắt người đời) khi ta bắt đầu đánh giá
lại mọi lãnh vực trong đời sống theo một tầm nhìn trường cửu.
Lời nguyện của cha Karl Rahner sau đây
sẽ giúp ta rất an tâm và phấn khởi để luôn bắt đầu lại trong niềm tin yêu và hy
vọng vào Chúa[4]:
“Xin
giữ con để con phụng sự Chúa,
con phụng sự Chúa trong suốt đời con.
Dù khi mỏi mệt, dù khi chán chường,
xin giữ con luôn luôn phụng sự Ngài.
Xin giữ con để con được đổi mới,
đây đời của con sẽ mãi đẹp tươi.
Dù khi phản bội, dù khi lỗi tội,
xin giữ con khiêm cung về với Ngài.
Nguyện
xin Chúa giúp con bắt đầu và lại bắt đầu,
dù
khi thất vọng, dù khi mỏi mòn con vẫn cậy trông.
Nguyện
xin Chúa giúp con bắt đầu và lại bắt đầu.
Này
con chiến thắng,
này con chiến thắng,
tươi sáng hy vọng”.
Lm. Thái Nguyên