Những Khó khăn và Thử thách trong việc Cầu nguyện

(dongten.net) 24/06/2012

Lm. Antôn Ngô Văn Vững, S.J.

Cầu nguyện là một điều cao quý nhưng đồng thời cũng là một công việc khó nhọc, vất vả. Chúng ta can đảm đi vào cầu nguyện để tìm Chúa như một người nỗ lực đào xới vì biết trong thửa ruộng có chôn giấu một kho tàng.

Cầu nguyện là trường học kiên nhẫn, bền đỗ và đau khổ. Nghĩa là trường học yêu mến. Theo nguyên tắc tu đức cổ truyền: “Không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa mà không phải chết.” Trong cầu nguyện, chúng ta cũng phải chết cách nào đó mới có thể tìm gặp Thiên Chúa. Cầu nguyện thật khó khăn vì mọi công việc hữu ích đều đòi hỏi cố gắng. Nhưng việc cầu nguyện còn khó hơn, vì ma quỷ biết giá trị của việc cầu nguyện, nên nó tìm mọi cách để phá hoại, để ngăn cản. Bởi đó, chúng ta cần phải hiểu những khó khăn của việc cầu nguyện và tìm cách đối phó.

“La prière vaut ce que vaut le motif qui la fait faire” (I. Hausherr S.J. )

“Giá trị của cầu nguyện tùy thuộc vào nguyên động thúc đẩy cầu nguyện.”

Các khuyết điểm thường gặp trong việc cầu nguyện.

1- Lo ra, chia trí

Chia trí vì thiếu sức khỏe, mệt nhọc, bận các công việc sinh nhai khó tránh. Thánh Bênêdictô cho rằng, chia trí chỉ có tội khi nào chúng ta cố ý, nghĩa là vô lễ với Chúa.

2- Khô khan.

Chúng ta phụng sự Chúa vì an ủi hay không?

- Sự thử thách cho thấy là không có Chúa chúng ta khổ sở thế nào. Phải biết nương tựa vào Chúa.

- Hình phạt vì chúng ta phạm tội mất lòng Chúa. Xem xét có phải lỗi của chúng ta không. Kiên nhẫn chờ đợi. Cầu nguyện chân thành hơn, mặc dầu không thấy gì. Mặc dầu khô khan có thể là hậu quả của tội, nhưng nó không phải là tội. Tội là khi chúng ta muốn làm điều xấu.

- Chán nản: Như Chúa Giê-su trong vườn cây Dầu.

1. Những sự chia trí (Les Distractions)

Một khó khăn thường gặp trong cầu nguyện là sự lo ra chia trí. Chúng ta phải học cầu nguyện mặc dầu chia trí và cả với sự chia trí nữa. Vì việc cầu nguyện đòi hỏi nhiều sự chú ý, mà sự chú ý nhiều khi cũng tùy thuộc sức khỏe, nên tình trạng sức khỏe cũng cần thiết cho sự cầu nguyện.

Nguyên tắc đơn giản là bao lâu ý thức về sự chia trí thì cứ trở lại với Chúa và đối tượng của việc cầu nguyện.

“Khi tâm hồn con phiêu bạt, thì cứ từ từ đưa nó trở về điểm khởi hành, nhẹ nhàng dẫn nó về với chủ của nó và cả khi con không làm gì khác hơn là giữ lại con tim mình và đưa nó đến gần Chúa, thì giờ cầu nguyện của con cũng đã được sử dụng tốt đẹp” (Thánh Phanxico Salesio).

Cầu nguyện khi gặp khô khan là cầu nguyện như Chúa Giêsu ở vườn cây Dầu, để thực hiện thánh ý Cha. Nếu chúng ta biết sử dụng, thì các việc chia trí có thể góp phần vào việc tiến bộ của linh hồn:

(1) Nếu chúng ta biết khiêm tốn nhận thấy trước Thiên Chúa rằng: kho tàng ở đâu thì lòng trí ở đó. Nếu tâm hồn chúng ta cứ liên lỉ hướng về những tư tưởng trần tục, vô ích hay cả xấu xa nữa thì chúng ta phải kết luận rằng chúng ta ít tiến bộ trong đàng thiêng liêng.

(2) Nếu chúng ta tập thói quen, lợi dụng các sự chia trí bằng cách cố gắng tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi thụ tạo và mọi thụ tạo trong Thiên Chúa, và hiểu rằng không có một tư tưởng nào, dầu trần tục đến đâu mà không thể nuôi dưỡng lòng khao khát Thiên Chúa và việc cầu nguyện của chúng ta. Chuyển mọi sự thành cầu nguyện là nghệ thuật của các thánh. Cũng nên ghi nhớ chân lý này: khi ý hướng chúng ta đã được dâng lên cho Thiên Chúa ngay từ đầu của việc cầu nguyện, thì nó chi phối tất cả sự cầu nguyện này và làm cho nó có giá trị, nếu người ta không cố ý lo ra. Vì chính Thiên Chúa cũng biết chúng ta khó cầm lòng cầm trí.

Dầu vậy, một việc cầu nguyện chia trí không nuôi dưỡng lòng mộ mến sự nhiệt thành của chúng ta và không giúp chúng ta hăng say hướng về sự thiện. Trình bày về những sự chia trí, nguyên do và nội dung cho cha linh hướng là một điều hữu ích không những cho việc cầu nguyện mà cho cả đời sống thiêng liêng nữa.

(3) Khi thấy khó cầu nguyện vì thiếu chất liệu, chúng ta có thể dùng một đoạn sách, đọc chậm rãi và cố gắng nghiền gẫm, để có một vài tư tưởng. Đó là điều thánh nữ Têrêsa Avila thường làm: “thường khi và trong nhiều năm, tôi chỉ biết trông cho hết giờ hơn là chuyên tâm cầu nguyện. Chú ý nghe tiếng đồng hồ hơn là được an ủi. Lắm lần tôi muốn thà chịu bất cứ hình phạt nào, dầu khó nhọc đến đâu, còn hơn là sự cố gắng mà tôi phải làm để trầm tĩnh mà cầu nguyện… Cuối cùng, Thiên Chúa đã đến giúp tôi, và như tôi đã cố gắng hết sức, thì tôi cảm nghiệm được bình an hơn, nhiều an ủi hơn” (Vie, c. 8).

“Tôi trải qua hơn mười bốn năm mà không có thể suy niệm cách nào khác hơn là bằng cách đọc, và chắc phải có nhiều người ở trong trường hợp nầy.” (Chemin de la perfection).

(Đọc: Gương phúc III, 48, 49).

2. Sự khô khan (la séchesesse)

Cũng như sự lo ra, chia trí làm ngăn trở việc suy nghĩ bằng cách phân tán sự chú ý, thì sự khô khan lâu dài cũng làm tê liệt mọi hoạt động của tâm hồn, làm cho nó ra nặng nề bất động. Do đó, cần phải biết nguyên nhân của sự khô khan tai hại để tìm phương thuốc chữa trị.

(1) Trước tiên, trình trạng khô khan có thể là dấu hiệu của một sự nguội lạnh, thiếu khao khát Thiên Chúa và yêu mến những của cải thiêng liêng. Nếu trong ngày sống, chúng ta bỏ quên việc cầm trí, tĩnh lặng mà mải mê chạy theo công việc trần thế, thì tâm hồn, không thể nhạy cảm trước tiếng nói của Thiên Chúa và ra mờ tối trước các thực tại thần linh.

(2) Khi linh hồn đã cố gắng trong sạch trước mặt Chúa và trung thành với việc cầu nguyện mà vẫn thấy khô khan, thì đó có thể là mưu chước của ma quỷ để làm chúng ta nản lòng. Đối với một số người, giờ cầu nguyện là nơi tập hợp của những cơn cám dỗ và những tư tưởng xấu xa, để làm cho linh hồn thay vì gặp Chúa, nguồn an ủi, lại có thể bị ma quỷ lôi kéo vào buồn chán thất vọng.

(3) Nhưng tình trạng khô khan cũng có thể còn là một sự thử thách của Thiên Chúa. Đây là điều mà thánh I-nha-xi-ô nhắc đến trong các quy luật phân định thần loại. Chúng ta nên ghi nhớ rằng trong khoa sự phạm của Thiên Chúa, để huấn luyện các linh hồn, có sự an ủi và sự buồn chán. Vì những sự phức tạp này, thường rất khó biết nguyên nhân của sự khô khan, nên cần phải được hướng dẫn bởi một người giàu kinh nghiệm và biết nhận định cách khách quan. Nếu thực sự chúng ta đã cố gắng hết sức để loại bỏ nguyên nhân khô khan mà tình trạng ấy vẫn kéo dài thì việc cầu nguyện tốt nhất là thúc giục một hành vi đức tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa, với một lòng khao khát kêu van ân sủng Chúa như người hành khất đến nhờ của bố thí.

“Cầu nguyện là khiêm tốn đứng trước Thiên Chúa và trình bày cho Người những nhu cầu của chúng ta một cách đơn sơ, như người hành khất phơi bày các ung nhọt của mình, và nhờ thế, kêu gọi lòng từ tâm của kẻ qua đường cách mạnh mẽ hơn là phải nhọc công thuyết phục họ về nhu cầu của mình.” (St. Vincent de Paul).

Chúng ta nên nhớ rằng chúng ta đi cầu nguyện:

- Để tuân hành ý muốn Thiên Chúa, để chúc tụng tôn vinh Người. Có thể chỉ cần giữ thinh lặng trước thánh nhan Người với tất cả lòng kính cẩn.

- Nhờ sự trung thành vào những lúc khô khan mà chúng ta biểu lộ tình yêu vô vị lợi đối với Thiên Chúa, nhờ thế chúng ta xứng đáng được ơn cầu nguyện. Những người bạn đích thực được nhận ra trong những ngày tai ương và đau khổ.

- Một lời nguyện rất đơn sơ, khiêm tốn như một lời nguyện tắt được lặp lại không ngừng có thể đẹp lòng Chúa và nhiều công phúc hơn những việc cầu nguyện lâu giờ và đầy vui thích.

(4) Cũng có thể là Chúa muốn dạy bảo chúng ta điều gì đó Người muốn mời gọi chúng ta nói ít hơn và nghe nhiều hơn. Người muốn chúng ta lặng yên hiện diện trước Người cách bình an, để Người hành động trong chúng ta; để Người thông ban các tâm tình, ý muốn của Người cho chúng ta, sửa chữa những gì sai lệch trong ta; để chiếm hữu các cơ năng và điều khiển chúng. “Tôi nghĩ rằng việc cầu nguyện tốt đẹp nhất cốt ở việc quỳ gối thinh lặng và để Chúa Giê-su thâm nhập vào linh hồn ta.” (P. William Doyle, SJ)

(5) Cuối cùng, nhiều khi cũng cần nhớ lại lời khuyên của cha Alexis Hanrion SJ, một linh mục thánh thiện: “Con biết điều sách Gương Phúc dạy khi chúng ta gặp buồn khổ, bất lực không thể cầu nguyện, thì phải làm những công việc bác ái khiêm tốn nhất. Đó là phương thế mà chúng ta luôn tìm tới. Khi Thiên Chúa lẩn trốn chúng ta trong việc kinh nguyện, chúng ta sẽ tìm thấy Người trong đức ái.”

 


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu