(daminhvn.net)
ngày 13
Tháng mười 2013
Lời ngỏ: Nhân dịp tĩnh tâm Tu viện Rất Thánh Mân Côi từ ngày 20-26.8.2013, với tư cách là một người Anh Em Đa Minh, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP. đã chia sẻ những thao thức của ngài về sứ vụ của những người Đa Minh qua loạt đề tài:
1: Sứ vụ của Tình yêu
2: Tái phát xuất từ Tình yêu
3: Chứng nhân
cho Tình yêu vô biên
4: Chứng nhân
cho Tình yêu nhưng không
5: Sứ vụ loan báo Tin Mừng
6: Tu sĩ Đa Minh đối diện với sứ vụ loan báo Tin Mừng
**********
1.
SỨ VỤ CỦA TÌNH YÊU
Trở thành tu sĩ là tự nguyện thực hiện một cam kết tình yêu với Thiên Chúa. Đời sống tu trì tự bản chất là một ơn gọi để yêu thương, do đó cũng như toàn bộ cuộc đời của Đức Giêsu, sứ vụ tiên quyết của các tu sĩ là loan báo vương quốc tình yêu của Thiên Chúa: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”(Ga
20,21). Tất cả những suy tư dưới đây để xoay quanh chủ đề tình yêu là sứ vụ hay mọi sứ vụ trong đời tu đều phát xuất từ tình yêu. Và nói cho cùng, sứ vụ đó không gì khác hơn là loan
báo Tin Mừng cho anh chị em đồng loại.
1- Ơn gọi tình yêu
Đời tu là một lời mời gọi bước theo Đức Kitô để trở thành chứng nhân cho tình
yêu vô biên, mà mình đã lãnh nhận và cam
kết trao ban cho tha nhân. Nghi thức tuyên khấn nói rõ ý tưởng căn bản này. Trước khi tuyên khấn, chủ tế công khai hỏi các khấn sinh: quý anh chị xin gì với Chúa, với Giáo hội và cộng đoàn. Câu trả lời của các khấn sinh bộc lộ khát vọng sâu thẳm của người tu hành cũng như của tất cả các Kitô hữu: xin tình yêu
của Chúa và của anh chị em.
Trở thành tu sĩ là cam kết làm người lữ hành của tình yêu, với ước nguyện sâu xa được trở nên chứng nhân của Đấng là tình yêu, bởi vì theo
thánh Gioan “Thiên Chúa là tình yêu, và bất cứ ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa và Ngài ở trong người ấy” (1Ga 4,16). Từ đó, câu
kết luận hiển nhiên sẽ là: yêu thương chính là sứ vụ của tu sĩ nói riêng và của tất cả các Kitô hữu nói chung. Hơn nữa đây là một lời mời gọi từ muôn thuở, thật độc đáo và bất khả thay thế.
Cuộc đời và hoạt động của một số nhân vật trong Kinh
Thánh giúp chúng ta hiểu rõ hơn lời mời gọi này. Ngôn sứ Giêrêmia có cảm nghiệm hết sức đặc biệt về sứ vụ này, một sứ vụ không những ông chẳng hề mơ tưởng hay nguyện xin, mà hơn nữa đã gây hãi hùng, khiếp sợ và khốn khổ cho bản thân ông. Nhưng Thiên Chúa lại quả quyết với ông rằng đây là một ơn gọi đặc biệt, hiện hữu ngay từ trong lòng mẹ. Nó ẩn chứa một tình yêu nhưng không và một thứ chọn lựa thần thiêng mang dáng dấp tiền định: “Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng / Trước khi cho người thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi / trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi/ Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr. 1,4-5).
Tác giả phần thứ II của sách Isaia lại dùng ơn gọi từ trong lòng mẹ này để diễn tả phẩm tính “người Tôi Trung” được Thiên Chúa tuyển chọn từ muôn thuở để đi tiên phong và nêu gương cho muôn người tiến tới: “Đức Chúa đã gọi tôi từ trong lòng mẹ / lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi (…). Giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng. / Người là Đấng đã nhào nặn ra tôi / từ khi tôi còn trong lòng mẹ / để tôi trở thành người tôi trung… / Thế nên tôi được Thiên Chúa trân trọng / và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi”.
Khi hiện ra với Zacaria trong đền thờ Giêrusalem, sứ thần của Thiên Chúa cũng lấy lại những hình ảnh ở trên để trình bày con
người và sứ vụ vô tiền khóng hậu của Gioan Tẩy Giả. Sứ thần nói: “Ngay khi
còn trong lòng mẹ, em đã tràn trề Thánh Thần (…). Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Elia, em sẽ đi trước nhan Chúa, để làm cho
lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ ngịch lại hướng về nẻo chính đường ngay và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón rước Chúa” (Lc 1,15-17).
Trong thư gửi giáo đoàn Galat, thánh Phaolô cũng đã dùng chính những hình ảnh này để minh chứng sứ mạng Tông đồ dân ngoại của mình: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ và đã gọi tôi nhờ ơn sủng của Người. Người đã đoái thương mạc khải Con của Người cho tôi để tôi loan báo
Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại” (Gl 1, 15-16).
Theo truyền thống Do Thái, các kinh sử nổi tiếng thường mở trường dạy học và các đồ đệ thường chọn lựa sư phụ hay môn phái
mình ưa thích để theo học. Tin Mừng Nhất lãm nêu rõ nét độc đáo
trong tương quan thầy trò nơi mái trường của Đức Kitô. Chính Đức Giêsu đã quả quyết rõ rệt vai trò chủ động của Ngài trong việc tuyển chọn môn đệ: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em và cắt cử anh em để anh em ra đi,
sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15, 16). Mọi sáng kiến và đề nghị đến từ Thiên Chúa. Do đó, Đức Giáo chủ Phanxicô có lý
để kết luận rằng “không phải sáng kiến, cho dù mục vụ đến đâu chăng nữa, không phải những cuộc gặp gỡ hay các kế hoạch – cho dù rất hữu ích – bảo đảm thành quả, nhưng chính là sự trung tín với Đức Kitô”.
Trải qua bao ngàn
năm lịch sử những lời Thiên Chúa mời gọi ngôn sứ Giêrêmia,
Isaia, Gioan Tẩy giả, Phaolô Tông Đồ… một cách nào đó đã được sử dụng để diễn tả mối tương quan mầu nhiệm giữa Thiên Chúa với toàn thể Dân Chúa ngày xưa và ngày nay. Chúa yêu thương và mời gọi mỗi người một cách đặc biệt. Trong con mắt và trong chương trình của Thiên Chúa mỗi người chúng ta có một vai trò
và một chỗ đứng bất khả thay thế. Từ ngày 11-9 năm 2001 đến nay người ta nói nhiều đến cái vân tay. Để làm visa
vào Hoa Kỳ và các nước tiên tiến… bó buộc phải lấy vân tay. Cái
vân tay tiu tiu này nào có quan trọng và nhiều nhặn gì đâu, thế mà cho đến nay hơn 7 tỉ người trên thế giới vẫn chưa thấy cái nào giống cái nào. Nếu cái vân tay tiu tiu và chẳng là cái thá gì mà Chúa đã nâng niu
và hết sức chăm chút để làm sao mỗi cái một vẻ, mười phân vẹn mười và không có sự trùng lập… thì Ngài còn chăm sóc và yêu thương mỗi con người, mỗi tâm hồn đến đâu?
Ngay trong những hàng đầu tiên của thông điệp “Thiên Chúa là tình yêu”, Đức Giáo chủ Biển Đức XVI đã xác định: “Chúng ta đã tin vào tình yêu
Thiên Chúa: Kitô hữu có thể diễn tả quyết định căn bản của đời mình như thế. Trở thành Kitô hữu không phải do kết quả của một chọn lựa luân lý hay một lý tưởng cao đẹp nào khác, mà
là gặp gỡ với một biến cố, một con người; một cuộc gặp gỡ đem đến cho cuộc sống một chân trời mới và qua đó một hướng đi có tính quyết định. Tin Mừng theo thánh
Gioan diễn tả biến cố này bằng những từ ngữ thâm sâu: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì … được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Khi chọn lựa vị thế trung tâm của tình yêu, đức tin Kitô giữ lại phần nòng cốt của niềm tin Do Thái, đồng thời đem lại cho nó một chiều sâu và một chiều rộng mới.… Bởi vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước (x Ga 4,10), do đó, tình yêu bây
giờ không chỉ là một “giới răn”, mà là lời đáp trả hồng ân tình yêu qua đó Thiên Chúa gần gũi với chúng ta”
Kể từ khi Thiên Chúa, Đấng do tình yêu thúc bách, đã sai Con
yêu dấu của Ngài đi vào trần gian để cứu chuộc con người, thì tất cả những ai đã lãnh nhận hồng ân yêu thương của Ngài phải trở thành chứng nhân tình yêu
giữa lòng nhân loại. Trong Kinh Thánh, hồng ân luôn gắn liền với trách nhiệm và sứ vụ. “Vì thế, yêu thương là công tác phục vụ mà Giáo hội luôn luôn phải thực hiện nhằm xoa dịu những nỗi đau và nhu cầu của con người, kể cả các nhu cầu vật chất”.
Ơn gọi Đa Minh đồng thời là một hồng ân và một sứ vụ. Sứ vụ này không gì khác hơn là dấn thân loan báo “Thiên
Chúa là tình yêu”. Đó chính là nội dung của chia sẻ, suy nghĩ và cầu nguyện của chúng ta trong tuần này.
2- Sứ vụ phát sinh từ Tình yêu
Sứ vụ yêu thương của tất cả các Kitô hữu đều xuất phát từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba
Ngôi, Đấng là tình yêu (1 Ga 4:16). Do tình
yêu nhưng không và vô bờ bến, Thiên Chúa đã “ban Con Một cho nhân loại, để ai tin vào Con của Người thì … được sống muôn đời”. Vì thế sứ vụ của Giáo hội thực ra chỉ là loan báo và
cố gắng tiếp tục thực hiện những gì Thiên Chúa đã thực hiện và đang hoàn thành để tình yêu của Ngài vươn ra toàn thế giới..
Khi “thời gian tới hồi viên mãn” (Gl 4:4) Thiên Chúa trong tình yêu đã sai Con của Ngài đến ở giữa chúng ta (x.
Ga 3:16). Đức Giêsu là Đấng được Chúa Cha “sai đến”. Ngài
là “ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người (…). Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào
danh Ngài, thì Ngài cho họ trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,9.12). Như vậy, sứ vụ thuộc về căn tính của Đức Giêsu và của Giáo Hội mà Ngài đã thiết lập.
Đức Giêsu “lập Nhóm Mười Hai để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3,14). Cuộc đời của người môn đệ Đức Kitô đã được gắn chặt với sự vụ: Chúa gọi là để sai đi. Nếu tất cả các Kitô hữu đều phải tham dự vào sứ mệnh của Thiên Chúa, thì do lời khấn các tu sĩ Đa Minh được tham dự một cách đặc biệt hơn. Sứ vụ này được thực hiện do tình yêu thương Thiên Chúa ban cho chúng ta và hợp nhất chúng ta với Đức Kitô, rồi sai chúng ta đến với người khác để chúng ta mang lại hoa trái (Ga 15:17). Cùng với thánh Phaolô chúng ta phải hô to rằng: “Tình yêu của Đức Kitô thôi thúc chúng tôi (…). Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2
Cor 5, 14-15). Chính tình yêu ấy thúc đẩy chúng ta không những phải ra khỏi tháp ngà hẹp hòi, thế giới ích kỷ, cuộc sống an nhàn, mà nhiều khi còn
phải rời bỏ quê cha đất tổ để tìm kiếm tha nhân trong tình yêu và loan
báo Tin Mừng cứu độ cho họ.
Hơn bao giờ hết, tu sĩ Đa Minh chúng
ta cần đào sâu căn tính truyền giáo của mình để không chỉ mãn nguyện với công tác mục vụ giáo xứ cổ điển mà thôi. Trong
Lời nguyện phong chức, Đức Giám mục khẩn cầu: “Xin cho các
thầy trở nên cộng tác viên tốt của hàng Giám mục chúng con, để Tin Mừng do cac thầy loan báo, nhờ ơn Thánh Thần, sinh hoa kết quả trong lòng người ta và
vang dội đến tận cùng trái đất”. Thật vậy, dưới tác động của Thánh Linh, Đấng là khởi nguyên của mọi ơn gọi và đặc sủng, cuộc sống linh mục tự bản chất là một sứ vụ, cũng như cả cuộc đời của Đức Giêsu là sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ. Phải chăng mỗi người chúng ta cần có cùng tâm
nguyện và niềm hăng say của thánh Phaolô thuở xưa để có thể nói lên: “Thật vậy, đối với tôi,
rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt
buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý
làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là
một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao
giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành
cho tôi” (1 Cor 9, 16-18). Và vì Tin Mừng, ngài đành chấp nhận trở nên mọi sự cho mọi người, hầu chinh phục được nhiều người hơn.
Bằng nhiều cách thế khác nhau, Thiên Chúa luôn đi trước Giáo hội và các nhà truyền giáo trong việc yêu thương con người, bởi vì Thiên Chúa hiện diện trong sứ vụ yêu thương ngay từ khi sáng tạo. Chúng ta thường nghĩ rằng những truyền thống tôn giáo khác với Do Thái
giáo và Kitô giáo chỉ là những cách thế, những nỗ lực, và sự phấn đấu của con người để gặp gỡ Thiên Chúa. Nhưng có lẽ chúng ta sẽ đến gần sự thật hơn khi chúng ta
nhận ra rằng những truyền thống đó, cho dù có những giới hạn nhất định, cũng là những cách thế và phương tiện mà Thiên Chúa,
trong tình yêu khôn tả của Ngài, đã sử dụng để tiếp cận với con người. Phải chăng chúng ta được mời gọi khám phá mầu nhiệm và vẻ đẹp muôn màu của tình yêu Thiên Chúa đối với con người, vượt trên những gì chúng ta vốn quen lặp đi lặp lại theo lối mòn của truyền thống?
Công đồng Vatican II
xác quyết rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa
không những bao hàm tất cả những ai nhận biết Đấng Tạo Hóa, mà còn nới rộng tới những ai vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa một cách rõ rệt, nhưng tìm kiếm Ngài với tâm hồn chân thành và dưới sự hỗ trợ của ân thánh Chúa cố gắng sống một cách chính trực theo sự hướng dẫn của lương tâm. Văn phòng cho những người không thuộc về Kitô giáo (1984) đã đúc kết và khai triển những giá trị tích cực của các tôn giáo khác: Các nghị phụ của Công đồng xác quyết rằng, trong truyền thống tôn giáo không Kitô giáo, có những điều chân thiện” (LG.16), những yếu tố quí báu, tâm
linh và nhân bản (GS. 92), những truyền thống chiêm niệm (AG.9), các hạt giống của Ngôi Lời (AG.11,15), một tia sáng của Chân lý chiếu soi mọi người (NA.2).
Đóng góp đặc biệt nhất của giáo chủ Gioan Phaolô II cho nền thần học về các tôn giáo có lẽ là xác quyết sự hiện diện tích cực của Thánh linh trong đời sống tâm linh của tín đồ các tôn giáo khác. Ngay trong thông
điệp đầu tiên Đấng Cứu độ nhân loại (1979), ngài tự vấn: Phải chăng một vài lần niềm tin kiên cường của tín dồ các tôn giáo khác mà thực sự niềm tin này cũng phát xuất từ Thánh Thần chân lý, Đấng tác động ngay cả bên ngoài ranh giới hữu hình của Nhiệm tích- làm cho người Kitô hữu phải hổ thẹn, bởi vì thường xuyên nghi ngờ chân lý do Thiên Chúa mạc khải và được Giáo hội loan truyền”“
Trong thông điệp Chúa
Thánh Thần (Dominum et vivificantem) (1986),
Đức Gioan Phaolô II tái xác nhận hoạt động phổ quát của Thần khí từ trước biến cố cứu độ của Đức Giêsu Kitô và ngay ở bên ngoài phạm vi của Kitô giáo: “Không thể nào tự giới hạn nơi hai ngàn năm
sau cùng, kể từ biến cố Giáng sinh của Đức Giêsu. Cần phải ngược dòng thời gian, ôm
choàng tất cả hoạt động của Thánh linh từ trước biến cố Đức Kitô ngay từ khởi thủy trong toàn thế giới và đặc biệt trong lịch sử cứu độ của Cựu ước. Thực vậy tác động của Thánh linh được thể hiện ở mọi thời, mọi nơi và trong mọi người, theo chương trình cứu độ phổ quát, qua đó hoạt động của Thánh linh được nối kết chặt chẽ với mầu nhiệm nhập thể và cứu thế (...). Tuy
nhiên chúng ta cũng phải nhìn xa hơn và rộng hơn, khi biết rằng gió muốn thổi đâu thì thổi (Ga 3,8). Công đồng Vatican II, chú trọng đặc biệt ở đề tài Giáo hội, nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Thánh
linh cũng hoạt động ở bên ngoài thân thể hữu hình của Giáo hội. Công đồng công nhận Thánh linh hoạt động nơi tất cả tâm hồn thiện chí (GS.22) chứ không chỉ nơi các Kitô hữu mà thôi »(số 53).
Với ơn gọi và sứ vụ trở thành con người loan báo Tin Mừng đó, chắc chắn chúng ta cần đặt lại một số tiêu chuẩn hoạt động, cách thế sống, đường quản trị và chọn lựa mục vụ: tu sĩ Đa Minh sẽ không thể chỉ là một nhà giáo, một nhà lãnh đạo, một mục tử, một người chỉ huy hay ra lệnh, mà trước hết và trên hết phải là một con người của Tin Mừng, một người được sai đến với người khác, sống toàn tâm toàn ý cho người khác trong tình yêu và trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ cho họ. Cũng như Chúa Giêsu hôm xưa, phải chăng tu sĩ Đa Minh hôm nay cũng phải tất tưởi ngược xuôi lên đường tìm những con chiên lạc? Dĩ nhiên, hôm nay chẳng ai hiểu câu nói “bỏ 99 con chiên không lạc” để lên đường đi tìm một con chiên lạc theo nghĩa đen. Thách đố hôm nay không phải chỉ một mình người mục tử đi tìm con
chiên lạc, mà làm sao “tất cả 99 con chiên không lạc” ý thức sứ vụ loan báo Tin Mừng và dấn thân cho sứ vụ đó.
3- Trở thành những người Truyền giáo ngày nay
Nếu loan báo Tin Mừng trước hết là gắn liền với Thiên Chúa và
với những gì Ngài thực hiện cho thế gian vì yêu thương thì nguồn lực thiêng liêng đầu tiên của những người truyền giáo là kinh nghiệm cá nhân của họ về tình yêu của Thiên Chúa. Họ phải cảm nghiệm được Thiên Chúa trong những đường lối mầu nhiệm của chính Ngài đã chạm tới họ một cách cá vị, đã ấp ủ họ trong tình yêu của Ngài và làm cho họ trở thành người được Ngài tuyển chọn. Không có kinh nghiệm nền tảng về Thiên Chúa thì người thừa sai sẽ rất khó có thể đến với người khác trong yêu
thương. Hơn thế nữa, họ cũng có thể rất khó để nhận ra tình yêu của Thiên Chúa luôn sống động và đang hoạt động trong cuộc đời của người khác nữa. Vì thế, sứ vụ trước hết là vấn đề chúng ta được Thiên Chúa yêu thương nhiều biết chừng nào!(xem phụ lục số 5).
Khi Thiên Chúa chiếm chỗ nhất trong sứ vụ, thì trước tiên chúng ta cần Phúc âm hóa chính bản thân, phải trở thành những con người của Tin Mừng, thấm nhuần tinh thần Bát Phúc.
Thiên Chúa và công việc của Ngài phải chiếm vị trí trung tâm
trong cuộc sống, suy nghĩ và hoạt động của chúng ta.
Chúng ta luôn được mời gọi trở nên nhạy cảm hơn trước sự linh ứng, hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa trong thế giới hôm nay. Có thể nói, người thừa sai hôm nay phải là những con người tâm linh. Nếu không, không những chúng ta khó nhận diện những dấu chỉ thời đại, mà hơn nữa có nguy cơ nghĩ rằng sứ vụ trước hết hệ tại những chương trình, kế hoạch và khả năng nhân loại, nghĩa là những gì chúng ta
làm, hơn là những gì Thiên Chúa thực hiện ngang qua chúng ta.
Không phải vô lý khi nhiều người cho rằng người loan báo Tin Mừng hôm nay cần đặt nền nơi chiêm niệm và đời sống tâm linh.
Chiêm niệm giúp chúng ta cắm rễ sâu trong Thiên Chúa và mài gũa nhận thức của ta về tình yêu bao la
của Thiên Chúa đối với nhân loại và thế giới. Hơn nữa, chiêm niệm thúc đẩy chúng ta tham gia vào hoạt động của Thiên Chúa như trong câu nói rất hay của cha Yves Congar, OP “vì thế tôi có thể ở nơi mà Thiên Chúa
chờ đợi tôi, là cầu nối giữa hoạt động của Thiên Chúa và thế giới”.
Đây phải là lý do tại sao ngày nay người ta nhấn mạnh đến vai trò của chiêm niệm trong sứ vụ. Như Đức Gioan Phaolo II đã viết : “Một nhà truyền giáo mà không
có kinh nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa qua kinh nguyện cầu nguyện và chiêm niệm, thì sẽ có ít ảnh hưởng thiêng liêng hay thành công về mặt truyền giáo. Đây là một suy tư rút ra từ thừa tác vụ linh mục của riêng tôi và, như tôi đã
viết nơi khác, sự tiếp xúc của tôi với các đại diện những truyền thống thiêng liêng không Kitô giáo, nhất là của Á Châu, đã củng cố tôi trong xác tín rằng tương lai của công cuộc loan báo Tin Mừng tùy thuộc phần lớn vào việc chiêm niệm.”
Nhân ngày Thế giới Loan báo Tin Mừng năm 2011, Đức Giáo chủ Biển Đức XVI viết: “Thế giới ngày nay đang
cần những người nói với Thiên Chúa để có thể nói về Thiên Chúa… Anh
chị em hãy thông truyền cho mọi người niềm vui Đức tin cùng với lòng nhiệt thành hăng hái đến từ cuộc sống được Chúa Thánh Linh thúc đẩy, vì chính Chúa canh tân mọi sự (…). Hãy tỉnh thức, sẵn sàng để nhận diện khuôn mặt của Đức Kitô và chạy đến với anh chị em của chúng ta với tin vui: Chúng
tôi đã nhìn thấy Chúa”.
Vì tham dự vào sứ vụ của Thiên Chúa bằng việc trở thành cầu nối cho hành động yêu thương của Ngài trong thế giới, nên nhân đức căn bản nhất đối với các nhà truyền giáo là đức ái Kitô giáo. Chỉ có một đức ái duy nhất, đó là yêu Chúa và yêu con người. Cả hai điều đó tạo thành một hoạt động duy nhất của tình yêu Thiên Chúa. Nhà truyền giáo được gọi để trở thành một người biết yêu thương. Chỉ người biết yêu mới có thể chia sẻ một cách có hiệu quả tình yêu của Thiên Chúa đối với người khác. Điều này giả định rằng người đó phải hướng tới và được biến đổi nhờ tình yêu vô điều kiện của Chúa dành cho
nhân loại và thế giới.
Dĩ nhiên đức ái là hồng ân của Thiên Chúa, nhưng để ân sủng này có hiệu lực trong cuộc sống của chúng ta, nơi chúng ta cần phải có một khả năng tương ứng để yêu thương, tình yêu này được gọi là tình bạn. Theo thánh
Tôma Aquino mối tương quan tinh yêu giữa chúng ta với Thiên Chúa mang bản chất “tình yêu - bằng hữu”. Đức ái là tình yêu bằng hữu của Thiên Chúa dành cho chúng ta và tình yêu bằng hữu của chúng ta dâng
lên Thiên Chúa. Đức Giêsu yêu thương và gọi chúng ta như là “bạn hữu” của Ngài và đòi chúng ta “yêu thương nhau” (“như Ngài đã yêu thương chúng ta”) như bạn hữu (Ga 15:14-17).
Do đó, theo cha Quirico Pedregosa, “kết bạn với” người khác chính là “trái tim của sứ vụ”. Bằng tình yêu bằng hữu của mình, các nhà truyền giáo có thể lôi kéo nhiều tâm hồn đến với Đức Kitô, hơn là bất kỳ điều gì khác!
4- Thi hành sứ vụ yêu thương tại Á châu
Đức cố Giáo chủ Gioan Phaolô II ca ngợi chương trình cứu độ kỳ diệu của Thiên Chúa tại châu Á và hy vọng trong ngàn năm thứ ba này có thể thu hoạch một mùa gặt bội thu về niềm tin nơi lục địa mênh mông này. Nhưng ngài cũng ý thức rằng tại lục địa Á châu “đang đặt ra một cách khẩn thiết vấn đề gặp gỡ giữa Kitô giáo với các nền văn hóa và tôn giáo rất lâu đời ở địa phương”. Cũng chính tại lục địa quê hương của Đức Giêsu, Giáo hội còn phải đối diện với tình trạng bất công xã hội, hố phân cách giàu nghèo và các thể chế chính trị độc tài hay thiếu dân chủ. Đặc biệt, so với các vị giáo tổ khác, Đức Kitô là vị giáo tổ ít được nhận biết nhất và có ít tín đồ nhất nơi quê hương của mình. Vấn đề đối thoại vừa là một nhu cầu cấp bách, vừa là một thách đố gay gắt nhất.
Trên tất cả, việc đối thoại đòi hỏi một sự cởi mở để học hỏi lẫn nhau. Người ta hỏi một thừa sai đã có 49 năm loan báo Tin Mừng tại Nhật Bản một lời khuyên dành
cho sẽ loan báo Tin Mừng tại Á châu. Cha chỉ đưa ra một câu trả lời ngắn gọn: “Đi truyền giáo không phải để dạy dỗ nhưng là để kiên nhẫn học hỏi”. Phải chăng đây cũng là một điều kiện tất yếu và trước hết của đối thoại? Phải chăng chúng ta phải kiên nhẫn nghiên cứu điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị và tôn giáo của vùng đất này để khám phá chương trình cứu độ mà Đức Kitô muốn thực hiện nơi quê hương của Ngài?
Chính Đức Giêsu là mẫu mực tuyệt vời nhất. Tin Mừng cho chúng ta
thấy khi Con Thiên Chúa được sai đến với chúng ta vì tình yêu dành cho thế gian (ở trong sứ vụ) (Ga 3:16) Ngài đã biểu lộ sự tôn trọng lớn lao đối với sự khác biệt của chúng ta. Ngài “trở thành xác phàm” và “cắm lều giữa chúng ta” (Ga
1:14). Ngài “đã vét rỗng chính mình”
và “trở nên giống phàm nhân” (Pl 2:6-7); Ngài đến “không phải để được người ta phục vụ , mà để phục vụ” chứ (Mc 10:45) và
Ngài đã “hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga
15:13). Thực sự, Ngài đã đi một chặng đường dài để đón nhận sự khác biệt của chúng ta. Trong cuộc sống và cả cái chết, Ngài hoàn toàn “trút bỏ” địa vị ngang hàng
Thiên Chúa để hiến dâng trọn vẹn chính mình cho loài người chúng ta. Bằng hành động đón nhận một cách yêu thương sự khác biệt của chúng ta, Ngài đã cứu chuộc chúng ta và
trao tặng sự sống cho thế giới.
Cũng như Thày ngày xưa, tại Châu Á huyền bí và phức tạp này,”nơi mà dân chúng được thuyết phục do đời sống thánh thiện hơn là do lý lẽ trí thức”, chúng ta chỉ thực hiện công tác loan
báo Tin Mừng cách tốt nhất bằng chính đời sống chứng nhân. “Một ngọn lửa chỉ được cháy lên bằng cái gì đã bén
lửa”. Cách thế hiệu quả nhất của người Kitô hữu để chia sẻ niềm tin của mình với những người châu Á khác đó
là thái đố yêu thương, khiêm tốn, chân thành, thấm đượm đức tin, đức mến. Những nhà truyền giáo bị thách thức để trở thành những chứng nhân đáng tin cây về tình yêu Thiên Chúa. Lời chứng tốt nhất mà họ có thể đưa ra đó là phẩm chất của những hành động yêu thương và những mối tương quan của họ đối với tất cả những ai mà họ gặp gỡ.
Để canh tân các sứ giả Tin Mừng để phục vụ công cuộc Tân Phúc âm hóa tại châu, Sứ điệp Hội nghị toàn thể lần thứ X của Liên Hội đồng giám mục Á châu đề nghị một số chiều kích cơ bản sau đây:
1. Gặp gỡ cá nhân với Đức Giêsu Kitô. Để có thể chạm đến cái hồn của châu Á và trở thành sứ giả mới của Tin Mừng, chúng ta cần có một đức Tin sống động, được xây dựng trên nền tảng cuộc gặp gỡ sâu xa, cá vị và có sức biến đổi, với con người sống động của Đức Giêsu Kitô. Chính cuộc gặp gỡ này biến đổi bản thân chúng ta,
làm cho ta trở nên môn đệ của Ngài trong lời nói và
việc làm.
2. Say mê sứ vụ. Nếu chúng ta có mặt là để thi hành sứ vụ, thì chúng ta cần phải có niềm say mê sứ vụ. Lời Thánh Phaolô: “Tình
yêu Ðức Kitô thôi thúc chúng tôi” (2 Cr 5,
14) Chân phước Gioan Phaolô II khẳng định: “Một ngọn lửa chỉ có thể được thắp lên bởi chính một vật đang cháy lửa… (chúng ta) phải cháy lửa tình yêu Chúa Kitô và lửa nhiệt thành mong ước làm cho Đức Kitô được nhiều người nhận biết hơn, yêu mến hơn, bước theo sát Người hơn” (EA, số 23). Sứ vụ Tân phúc âm hóa đòi hỏi phương pháp, ngôn ngữ, cách thế và nhiệt thành mới.
3. Tập trung vào Nước Thiên Chúa. Linh đạo của sứ giả Tân Phúc âm hóa tập trung vào Nước Thiên Chúa, nhưng không tách thế giới của chúng ta khỏi Triều đại của Thiên Chúa, đời sống vật chất khỏi tôn giáo, cũng không làm cho
đời sống đức Tin xa lìa nghĩa vụ làm thay đổi đời sống chính trị và kinh tế xã hội.
4. Quyết tâm hiệp nhất. Như Chúa Giêsu, những nam nữ thừa sai Tân Phúc âm hóa cần phải sống và cổ võ sự hiệp thông. Quả thật, linh đạo hiệp thông chính là linh đạo của Tân Phúc âm hóa. Vì thế đây phải là phương châm của chúng ta: “hiệp thông vì sứ vụ” và “sứ vụ vì hiệp thông” (EA, số 25). Các
sứ giả Tin Mừng sẽ gặt hái kết quả hữu hiệu khi sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu, với nhau và với mọi thụ tạo.
5. Công cuộc Tân Phúc âm
hóa kêu gọi lấy tinh thần đối thoại thúc đẩy cuộc sống hằng ngày và chọn tương quan hòa hợp chứ không đối đầu. Đặc trưng của đối thoại là khiêm tốn nhận ra sự hiện diện kín đáo của Thiên Chúa
trong cuộc tranh đấu của người nghèo, trong sự phong phú về văn hóa của nhân dân, trong sự đa dạng về truyền thống tôn giáo và trong thẳm sâu cõi lòng mỗi người. Đối thoại trở thành nền tảng cho nền linh đạo hiệp thông nhằm canh tân sứ giả Tin Mừng.
6. Hiện diện khiêm hạ. Chúng tôi tin rằng mỗi người châu Á đều dự phần và đồng hành trong cuộc hành trình tiến đến Nước Thiên Chúa, và
tin rằng những cánh đồng truyền giáo là những thửa đất có sự hiện diện và hoạt động lạ lùng của Thánh Thần Thiên Chúa. Trên cánh đồng truyền giáo bao la tại châu Á, chứng từ lặng lẽ nhưng hùng hồn của đời sống Kitô hữu đích thực đòi phải biết hiện diện trong khiêm hạ, biết sống đối thoại, trong đó bao gồm cuộc sống cầu nguyện và “chiêm niệm”. Đó là yêu cầu đặt ra cho các sứ giả mới của Tin Mừng, hoạt động giữa những nền văn hóa đề cao sự bỏ mình và quý trọng cầu nguyện. Sự hiện diện khiêm hạ phải được thể hiện bằng nếp sống giản dị và liên kết với người nghèo.
7. Vai trò ngôn sứ của người truyền giáo. Trở nên ngôn sứ là trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, nhận diện những nghịch lý tại châu Á và tố cáo bất cứ những gì làm suy yếu, hạ thấp giá trị và tước bỏ phẩm giá của con cái Thiên Chúa. Những sứ giả mới của Tin Mừng phải bảo vệ phẩm giá làm người của tất cả mọi người, nhất là của phụ nữ, trẻ em và những người không có đủ điều kiện sống cho ra con người trong xã hội châu Á chúng ta. Qua việc tố cáo bất công, những sứ giả mới của Tin Mừng loan báo tình
yêu của Thiên Chúa, “những điều quan trọng hơn trong Lề Luật” tức là là công
bình, lòng nhân từ và thành tín
(Mt 23, 23), và tình yêu được Chúa
Giêsu dành ưu tiên cho người nghèo.
8. Liên đới với những nạn nhân. Hội nghị đã lưu ý con số các nạn nhân của quá trình toàn
cầu hóa, của bất công, của thảm họa hạt nhân và thiên
tai, của những cuộc tấn công do những kẻ cực đoan và khủng bố gây ra, con số ấy đang gia tăng từng ngày. Chúa Giêsu đứng về phía nạn nhân của các thảm họa và bất công. Người liên đới với những ai bị xã hội loại bỏ. Liên đới và xót thương những nạn nhân và tất cả những ai bị gạt ra ngoài lề xã hội phải trở thành chiều kích chính yếu của linh đạo Tân Phúc âm
hóa.
9. Chăm sóc tạo thành. Hội nghị cũng đã lưu ý việc lạm dụng thiên nhiên vì lợi ích kinh tế thiển cận và ích kỷ. Con người là nguyên nhân chính đã góp phần làm cho trái đất nóng lên và khí hậu thay đổi, khiến người nghèo và người bị bóc lột phải hứng chịu những tác động bi đát hơn nữa. Quan tâm đến sinh thái, bảo toàn công trình tạo dựng và trách nhiệm với các thế hệ tương lai là yếu tố cơ bản trong linh đạo hiệp thông.
10. Can đảm sống đức Tin và tử đạo. Từ buổi đầu Kitô giáo có mặt đến nay, mảnh đất Á châu đã thấm máu đào của các vị tử đạo. Nếu ngày nay chúng ta được mời gọi hãy đem sự hy sinh cao cả mà làm chứng cho đức Tin, chúng ta sẽ không từ nan. Tuy nhiên, không thể manh động, khiêu khích… để trở thành cuồng tín và “tử vì dại”.
Sứ vụ Tân Phúc âm hóa đòi hỏi các nhà thừa sai mới phải phúc âm hóa bản thân, sống hoán cải sâu sắc, phải thay đổi tầm nhìn cũng như phải nên giống Đức Kitô trong tâm tư và thái
độ, phó thác nơi Chúa, theo chân Chúa Giêsu từ trong tư tưởng, tình cảm đến hành động.
5- Tâm sự của một cựu linh mục.
Trên tờ Records của giáo phận Perth, Australia, có đăng lời tâm sự của một cựu linh mục, một nhà thần học sau gần 20 năm trong thiên chức linh mục, nay đã hoàn tục. Bài tâm sự này là một lời cảnh báo cho tất cả chúng ta không nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện hằng ngày.
“Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô. Tôi xác quyết rằng dù sống hay dù chết, dù tù đày, bắt bớ, dù khốn cùng, quẫn bách. Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô”.
Tôi đã nhiều lần gân cổ, mặt đanh lại khi hát những câu hát trên. Cứ tưởng như là chỉ cần gào to lên như vậy thì tôi sẽ đời đời sống trong lòng mến của Thiên Chúa. Thật ra, cũng không hoàn toàn là vô lý. Thật sự, đúng là tù đày, bắt bớ, khốn cùng, quẫn bách đã không
tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa. Nhưng, đơn giản là vì những thứ ấy không xảy ra trên đất nước tự do này. Ai dám
bỏ tù tôi, ai dám kỳ thị tôi, ngược đãi tôi vì tôi
là người Công giáo, tôi kiện lên họ tới Tối Cao Pháp Viện chứ chơi à.
Tuy nhiên, đã có một thứ nhẹ nhàng hơn, êm ái hơn đã không chỉ tách tôi mà thực sự là “bứng” tôi hoàn
toàn khỏi lòng mến của Thiên Chúa: một đời sống bận rộn và thiếu sự cầu nguyện.
Năm 1972, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ thần học ở Rôma, tôi đã nổi như cồn với tác phẩm đầu tay “Tiếng thở dài”. Cuốn sách trình bày những suy tư thần học về ý nghĩa của sự đau khổ trong kiếp nhân sinh này, đã được bề trên, các linh mục và anh
chị em giáo dân đón nhận nhiệt liệt. Có những người viết thư cho tôi cho biết họ tìm lại được đức tin sau khi đọc cuốn sách đó. Họ tìm lại được lòng trông cậy vào Chúa và khen nức nở các ý kiến của tôi. Mỗi khi có chuyện không như ý, theo lời khuyên trong cuốn sách, họ cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, con biết Chúa hằng yêu thương con. Con phó thác mọi sự trong tay Chúa. Nhưng, lạy Chúa, qua chuyện không vui này, Chúa muốn nói với con điều gì ?
Khốn nạn thân tôi, trong khi khuyên người ta cầu nguyện, tôi càng ngày
càng ít dành thời gian cho việc cầu nguyện. Tôi miệt mài trong các thư viện, cố viết hay hơn nữa, nhiều hơn nữa. Tôi tưởng tôi đã gặp được Chúa trong những suy tư thần học, cho nên tôi
xao lãng đời sống cầu nguyện, tôi đã không thực hành chính những điều tôi nói và viết hằng ngày trên bục giảng và trong các tác phẩm của tôi. Có lẽ, tôi đã cho rằng cầu nguyện chỉ là hình thức cấp thấp dành cho những người bình dân. Siêu đẳng như tôi thì không cần. Càng ngày tôi cũng càng ít có giờ cho giáo dân và càng ngày tôi càng
bướng bỉnh và kiêu căng với các đấng bề trên. Chuyện gì đến cũng đã đến. Tôi không muốn sa vào những phân tích vụn vặt. Điều tôi muốn nói với các bạn sau nhiều năm suy tư, sau những đêm dài không ngủ và trong sự hối tiếc chân thành của tôi là sự thật đơn giản này: Những hiểu biết sâu hơn về Thiên Chúa, nhiều hơn về Thiên Chúa không giúp giữ tôi trong lòng mến của Ngài. Chính đời sống cầu nguyện đơn sơ mà mẹ tôi tập cho tôi từ ngày còn bé mới giữ tôi lại trong tình yêu
thương của Thiên Chúa.
Chẳng vậy, mà trong Phúc âm biết bao nhiêu lần chúng ta gặp câu này: “Sau đó, Người lui vào một nơi thanh vắng mà cầu nguyện”. Chính Chúa Con mỗi ngày còn cần đến sự cầu nguyện ở nơi thanh vắng để hiểu được ý Chúa Cha. Chúng ta là ai, tư cách gì, mà đòi có thể biết được ý Chúa qua trí
khôn, qua sự xét đoán nông cạn của mình trong cái náo nhiệt, bận rộn của cuộc sống quay cuồng chung quanh.
Chẳng vậy, tất cả các lần Đức Mẹ hiện ra, Mẹ đã không nói gì nhiều hơn là lặp lại tiếng kêu gọi khẩn cấp hãy cầu nguyện đó sao. Chúng ta cũng nhìn thấy điều này nơi các Thánh mà
chúng ta hằng tôn kính. Chính sự cầu nguyện đã giúp các
Ngài nên Thánh
Tôi đặc biệt mong muốn lặp lại ở đây những điều Đức Thánh Cha
Gioan Phaolô 2 đã viết trong cuốn “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng”.
Việc cầu nguyện vừa là tìm tòi
Thiên Chúa, vừa là mặc khải Thiên Chúa. Nơi việc cầu nguyện của ta, Thiên Chúa tỏ rõ Ngài là Đấng Sáng Tạo và là Cha, là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa Cứu Thế, là Thần Khí “dò thấu mọi sự, cả đến những gì sâu xa nhất của Thiên Chúa” (1 Cr 2, 10), cũng như dò thấu những gì bí mật của tâm hồn. Trong việc cầu nguyện, trước hết, Thiên Chúa tỏ ra Ngài
là tình thương xót, nghĩa là một Tình yêu đi tới gặp con người đau khổ. Tình yêu này nâng đỡ, vực dậy và mời gọi chúng ta hãy tin tưởng”.
Trên tất cả mọi sự, tôi nhận rõ rằng chính việc thiếu một đời sống cầu nguyện đã giết chết ơn gọi Linh mục trong tôi”.
___________
[1] Phanxicô, Thánh lễ với các giám mục, linh mục và tu sĩ trong Đại hội Giới trẻ thế giới lần XXVIII.
[2] Biển Đức XVI, Deus caritatis est, 1.
[3] Ibidem, số 19.