TÌNH YÊU VÀ SỨ VỤ: 4. CHỨNG
NHÂN CHO TÌNH YÊU NHƯNG KHÔNG
(daminhvn.net) ngày 10 Tháng mười một 2013
Lời Ngỏ: Nhân dịp Tĩnh tâm Tu viện Rất thánh Mân Côi từ ngày 20.8 -26.8.2013, với tư cách là một người Anh Em Đa
Minh, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP. đã chia sẻ những thao thức của ngài về sứ vụ của những người Đa Minh qua
các đề tài:
- Chứng nhân cho Tình yêu vô
biên
- Chứng nhân cho Tình yêu nhưng không
- Sứ vụ loan báo Tin Mừng
- Tu sĩ Đa Minh đối diện với sứ vụ loan báo Tin Mừng
******
CHỨNG NHÂN CHO TÌNH YÊU NHƯNG KHÔNG
Nghèo khổ tự nó không có giá trị gì cả và chẳng ai mong muốn nó... Thật là một nỗi đau và nỗi nhục cho nhân loại hôm nay khi hàng triệu người vẫn còn bị cái nghèo đọa đày. Việc đẩy lùi nghèo khổ không phải chỉ là Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, mà còn là một đòi hỏi của niềm tin Kitô giáo.
Có hợp lý không để khấn giữ khó nghèo khi mọi người khác trong thế giới tìm cách thoát ra khỏi sự nghèo khổ ? Bên cạnh đó, nền văn hóa của chúng ta tập trung vào việc chiếm hữu và tiêu thụ hàng hóa vật chất cách điên cuồng. Có nghĩa gì không để chọn trở thành người nghèo ? Rõ ràng là, không ai chọn nghèo khổ vì chính nó cả.
Theo truyền thống, trong số những lý do được đưa ra cho sự lựa chọn khấn khó nghèo, xoay quanh những mối nguy hiểm của sự giàu có và những của cải vật chất đối với đời sống thiêng liêng của con người. Người ta chọn trở nên nghèo để giải thoát mình khỏi những gánh nặng và bận tâm của việc sở hữu và quản lý của cải vật chất. Khó nghèo được xem như một hình thái của đời sống khổ chế nhằm vun trồng các giá trị của sự siêu thoát, đơn sơ và tín thác vào
sự quan phòng của Thiên Chúa. Khó nghèo nhắm đến việc giải thoát con người khỏi sự huyên náo và bóng bẩy của tiền bạc và của cải để đặt mình cho việc chiêm ngắm những điều thiêng liêng
và vĩnh cửu.
I- Một Tình yêu Nhưng không
Trong truyền thống Kitô giáo, sự chọn lựa khó nghèo tự nguyện bắt nguồn từ chính gương mẫu đời sống mà Đức Giêsu Kitô để lại cho chúng ta. Khi Đức Giêsu đến ở giữa chúng ta, Ngài đã quyết định được sinh ra, sống và chết như một người nghèo. Sự khó nghèo của Ngài không chỉ ở bình diện sở hữu nhưng căn bản là ở bình diện hiện hữu. Nhìn thoáng
qua, người ta có thể nói rằng lối sống của Đức Giêsu như một người nghèo là một phương thế cho sứ vụ lữ hành truyền giảng Tin mừng của Ngài. Hơn nữa, lối sống nghèo phải làm cho lời rao giảng của Ngài trở thành đáng tin trong mắt nhìn của những kẻ nghe Ngài. Nhưng, vẫn còn có cái gì hơn thế nơi sự khó nghèo của Đức Kitô.
Thật hữu ích khi chúng ta nhìn lại nhận thức của thánh Phaolô về sự khó nghèo của Đức Kitô. Trong thư gửi tín hữu Philiphê, thánh Phaolô trình bày Đức Kitô như một người nghèo đến tận cùng. Thánh nhân minh họa điều này trong thánh thi về sự hủy mình ra không
của Đức Kitô (2: 6-11). Trong thánh thi
này, sự tự hủy của Đức Kitô hoàn toàn là một sự chọn lựa cá vị. Việc Ngài “hủy mình ra không” và “tự hạ mình” là những hành động tự nguyện. Chẳng có gì cho thấy Ngài bị áp đặt làm như thế. Ở đây thánh
Phaolô diễn tả sự “hủy mình ra không” thật lạ lùng của Đức Kitô. Ngài vét rỗng tất cả những gì thuộc về Ngài như hữu thể “vốn dĩ là Thiên Chúa”, không chỉ bằng việc “trở nên giống phàm nhân” nhưng còn hơn thế, đó là “mặc lấy thân nô lệ”. Như sự thể hiện tột cùng của khó nghèo, Đức Kitô đã tự mình từ bỏ thiện hảo lớn lao nhất, là chính sự sống của Ngài. “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” “Trong thế giới thời thánh Phaolô
chỉ có các thần linh mới được cho là sống mãi mãi. Do đó, đặc quyền không thể bị hư nát là đặc ân chỉ được dành riêng có các thần linh. Tuy nhiên, Đức Kitô đã không
biến vị thế này thành mối lợi riêng của mình. Ngài đã không đòi hỏi để hành xử như Ngài đáng được như vậy. Trái lại, Ngài đã đón nhận một cách thế hiện hữu vốn không phải của Ngài bằng việc chấp nhận thân phận của một nô lệ, một tình thế bao gồm đau khổ và cái chết.”
Động lực thúc đẩy Đức Kitô tự khước từ hoàn toàn không
gì khác hơn là tình yêu. Thánh Phaolô nhận ra rằng cái chết của Đức Giêsu được thúc đẩy bởi ý muốn của Chúa Cha. Thiên Chúa “cũng chẳng tha Con Một Ngài, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8:32). Nhưng, trong việc này, Thiên Chúa đã hành động vì tình yêu.
“Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng.Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi.” (Rm 5:6-8). Rõ ràng, tình yêu của Thiên Chúa vén
mở trong sự kiện này, hoàn toàn
là nhưng không; tình yêu ấy không chỉ là cho không nhưng còn là không được yêu cầu và không xứng đáng đối với phận người chúng ta. Trong một thư khác, thánh Phaolô viết ngắn gọn nhưng có sức thuyết phục hơn về sự tự nguyện khó nghèo của Đức Kitô. “Anh em biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có
lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú
quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó
vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2
Cr 8:9).
Tóm lại, sự khó nghèo của Đức Kitô, trên hết là một mạc khải của tình yêu nhưng không của Thiên Chúa cho con người và thế giới. Nó là tình
yêu tự quên mình và tự hạ mình. Nó là một tình yêu không giữ lại gì nhưng hiến trao vì lợi ích của người khác. Ý nghĩa khó nghèo mà người tu sĩ tuyên khấn cũng không kém gì điều đó. Lời khấn khó nghèo được hiểu là một cách biểu lộ tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, caritas, một món quà thuần túy được trao ban nhưng không. Những gì mà các tu sĩ nam nữ từ bỏ cách tự do, qua lời khấn khó nghèo, thì
khác nhau từ nơi này đến nơi khác. Không có một thước đo phổ quát được chấp nhận về ý nghĩa thế nào là khó nghèo đối với người tu sĩ. Nó luôn luôn là một cái gì đó được xác định trong một bối cảnh cụ thể. Nhưng cũng giống như nhau, các tu sĩ được mời gọi để sống lời khấn khó nghèo như là một “phương tiện và dụng cụ” của tình yêu nhưng không của Thiên Chúa.
Thánh Phalô đã sống khó nghèo như thế trong cuộc sống riêng của Ngài và trong tác vụ như là một tông đồ. Ngài đã nêu gương về một tình yêu quên mình và tự hạ, thúc đẩy ngài từ khước ngay cả trong việc chấp nhận những gì ngài đáng được hưởng như việc tài trợ về tài chánh từ những người được hưởng nhờ tác vụ của ngài. Thay vào đó, thánh nhân đã
kiếm sống bằng chính đôi tay
của mình. Gương mẫu của ngài mời gọi chúng ta biết tránh bận tâm đến tư lợi trong những mối tương quan và công
việc với những người mà chúng ta phục vụ, ngay cả khi những điều đó là hợp pháp và là đặc quyền của chúng ta. Đây là một thách đố lớn lao phải đáp ứng. Một mặt, trong nhiều nền văn hóa, người ta có khuynh hướng biếu nhiều món quà vật chất cho những vị hướng dẫn tinh thần và các mục tử, các tu sĩ đến độ làm cho họ bị hư. Mặt khác, trong nhiều xã hội, hầu như mọi thứ đều được chuyển thành hàng tiêu dùng, hay hàng hóa được bán theo giá cả. Không có gì là cho không cả. Trong cả hai trường hợp, một phản chứng của tình yêu nhưng không là cực kỳ quan trọng.
II- Chia sẻ vì Tình yêu
Sự khó nghèo của Đức Kitô không chỉ là “tự hủy” nhưng đồng thời cũng là trao ban chính mình vì tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với chúng ta. Sự tự hủy của Ngài đồng thời cũng là sự hiến dâng tất cả những gì Ngài là và
Ngài có cho
Thiên Chúa và cho thế gian. Điều này làm cho tình yêu nhưng không trở thành tích cực - đó là quà tặng chính bản thân.
Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi ở Giêrusalem là một minh hoạ về sự am hiểu cách tích cực về sự khó nghèo của Đức Kitô (x. Cv 4:32-25). Nhiều thành viên của cộng đoàn đó, xét
về mặt kinh tế, là những người nghèo. Hẳn là một số người trong họ có nhiều hơn những gì họ cần, do đó, họ đã từ bỏ và bán đi những thứ mình có vì nhu cầu của cộng đoàn. Họ đóng góp những tài sản mình có chung với nhau và đem phân phát tuỳ theo nhu cầu của mỗi người trong cộng đoàn. Vì họ chia sẻ với nhau bất kỳ thứ gì họ có, nên trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn. Họ làm phong phú lẫn nhau bằng chính sự khó nghèo của mỗi người. Chứng kiến đời sống chia sẻ của họ, dân ngoại đã thốt lên : “Nhìn xem họ thương yêu nhau là chừng nào”. “Làm sao mà những người Kitô hữu lại thương yêu nhau một cách nhanh chóng như thế.” Người ta đã hiểu việc chia sẻ căn bản giữa các Kitô hữu với nhau là tình yêu – đó là một sự diễn tả của tình yêu nhưng không.
Cũng thế, lời khấn khó nghèo trong thời đại của chúng ta, phải có nghĩa là sự chia sẻ yêu thương với người khác bất kỳ cái gì mình có.
Trên thực tế, hình thức phổ biến nhất của lời khấn khó nghèo, cho tới nay, vẫn là việc để mọi sự làm của chung và chia
sẻ chung
với nhau. Không có ai giàu hơn cũng không có ai nghèo hơn người khác, nhưng mỗi người được cung cấp tùy theo nhu cầu của mình. Điều này giải thoát người tu sĩ khỏi sự ghen tỵ, tranh giành và chia rẽ vì lợi nhuận kinh tế của người này hơn người khác. Nó giúp họ phát triển một sự lệ thuộc lành mạnh vào Thiên Chúa và sự phụ thuộc lẫn nhau trong cộng đoàn. Lời khấn khó nghèo
trong thực tế trở thành việc chia sẻ của cải trong sự phục vụ tình yêu của Chúa và tha nhân. Sự chia sẻ của cải như thế vượt lên trên phạm vi của những của cải vật chất. Điều này bao gồm việc chia sẻ trách nhiệm, năng khiếu, tài năng, khát vọng, kinh nghiệm thiêng liêng và ân sủng, lý tưởng tông đồ và công tác từ thiện.
Nghèo khó như là sự chia sẻ làm cho sự thực hành lời khấn khó nghèo trở nên tích cực và năng động. Sự chia sẻ chuyển đổi trọng tâm của người tu sĩ thành khả năng biết trao ban một cách tự nguyện cho người khác bất kỳ cái gì họ có và họ là. Khó nghèo bắt nguồn từ cuơng vị quản gia, khi ý thức rằng chỉ có Thiên Chúa mới là chủ của mọi sự và chúng ta không là gì khác hơn là người quản lý những quà tặng của Thiên Chúa. Một cách tích cực, nó làm cho các tu sĩ nam nữ trở thành những quản gia có trách nhiệm về những tài nguyên vật chất mà họ nắm trong tay để nhằm tới việc cải thiện cuộc sống của những người bị tước đoạt và thiếu thốn. Sự khó nghèo dẫn tới sự đơn giản. Nó thúc đẩy người tu sĩ sống một lối sống đơn giản để họ có nhiều hơn để chia sẻ. Thông qua các giá trị của việc chia sẻ, người tu sĩ có thể lớn lên trong tinh thần siêu thoát và lướt thắng tiềm năng gây chia rẽ của của cải vật chất ngay trong cộng đoàn của họ, cũng như giữa họ và những người mà họ phục vụ.
Sự chia sẻ là một phản chứng đối với đặc tính tích lũy của nền văn hoá hiện nay. Nó là một lời phê phán về sự tham lam, thích tích trữ và bủn xỉn. Nó là một giá trị nhằm điều chỉnh lại việc sử dụng phung phí và
theo đuổi cách quá độ những của cải vật chất nơi những kẻ giàu có, không chú ý tới những nhu cầu và những đau khổ của người nghèo và tổn thất của sự cân bằng sinh thái. Sự chia sẻ là một minh chứng xác thực của tình yêu nhưng không - một tình yêu cho đi cách quảng đại và không mong chờ sự đáp trả.
III- Liên đới với người Nghèo
Điều thật mỉa mai là ở ngay giữa sự giàu có của thế giới, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo lại tiếp tục bị mở rộng thêm. Vô số người là nạn nhân của sự nghèo đói, của bạo lực tàn nhẫn, của sự đàn áp và bóc lột cách bất công. Mọi chuyện không trở nên tốt hơn đối với nhiểu người nghèo trên thế giới. Nếu lời khấn khó nghèo có
nghĩa là trao ban của cải và bản thân vì sự sống của người khác, thì những người tuyên khấn khó nghèo không thể làm gì khác hơn là dành sự quan tâm cách đặc biệt tới người nghèo. Người tu sĩ được kêu gọi biểu lộ tình yêu nhưng không của Chúa đối với người nghèo. Họ được kêu gọi sống liên đới với người nghèo. Sự liên đới này có nghĩa là một sự cam kết gấp đôi.
Trước hết, điều đó có nghĩa là cam kết nhìn sự vật với nhãn quan của người nghèo. Điều này đòi hỏi người tu sĩ phải đi tới với người nghèo, để tiếp cận với họ, để bước vào thế giới của họ và để biết và hiểu số phận đau thương của họ. Nó sẽ có nghĩa là học để thấy sự việc từ quan điểm của người nghèo, dưới ánh sáng của những kinh nghiệm và đấu tranh, hy vọng và ước mơ của chính họ về một thế giới mới và tốt đẹp hơn. Một cách nghịch lý, người nghèo, ngoài thân phận yếu đuối của họ ra, lại có rất nhiều thứ để dạy người tu sĩ : khó nghèo là gì và trở nên nghèo khó
nghĩa là gì, bao gồm cả ý nghĩa của việc tin, hy vọng yêu thương có ý nghĩa gì. Những người giàu có và quyền lực trên thế giới này có nhiều điều để học từ những người thiếu thốn và yếu kém ngay bên lề xã hội chúng ta.
Thứ đến, sống liên đới có nghĩa là nên một với người nghèo trong nỗ lực chiến thắng bất công, đàn áp, bóc lột, và xem đó như là chính nghĩa của Chúa. Nó đòi hỏi việc lắng nghe “những tiếng kêu khóc” của người nghèo và nối kết họ trong những nỗ lực của họ để gióng lên tiếng nói và biểu hiện ở nơi công cộng “niềm vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng” của họ. Đau đớn thay những nỗi thống khổ này thường không được những người nắm vai trò chủ chốt và có quyền quyết định trong xã hội của chúng ta lắng nghe và đoái hoài tới. Sống khó nghèo còn
là liên đới với người nghèo trong những đấu tranh và hành động của họ nhằm thay đổi số phận, không chỉ vì sự tốt đẹp của họ nhưng còn vì công ích của cộng đồng và xã hội mà họ thuộc về nữa.
Không có câu trả lời dễ dàng là làm như thế nào để sự cam kết gấp đôi này được hình thành cách cụ thể trong thực tế. Việc này đòi hỏi một tiến trình phức tạp, nhưng rõ ràng là nó
phải được xác định một cách cụ thể trong mỗi trường hợp tùy theo từng bối cảnh đặc biệt. Chính những tu sĩ đôi khi có thể nghi ngờ về vai trò của sự liên đới với người nghèo trong việc sống lời khấn khó nghèo của mình. Trong sự chọn lựa này, có thể họ không nhận được sự nâng đỡ cần thiết từ người khác. Họ có thể bị những kẻ có thế lực tra vấn, bách hại hoặc gạt ra bên lề vì sự cam kết của họ dành cho người nghèo. Nhưng họ chỉ có thể được an ủi bằng niềm tin trong tâm
hồn rằng trở nên liên đới với người nghèo là một phần chủ yếu của việc làm chứng cho tình yêu nhưng không của Thiên Chúa; chỉ khi ở với và ở giữa người nghèo, lời khấn khó nghèo mới tìm thấy đích đến và sự diễn đạt cao quí nhất của tình yêu nhưng không.
Tóm lại, lời khấn khó nghèo là một chứng từ về tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Nó là sự tham dự vào sứ vụ của Thiên Chúa, đó là tình yêu của Ngài tuôn tràn trên thế giới một cách tự do và quảng đại.
IV- Nhìn lại cách thế cầu nguyện
Tuần tĩnh tâm là thời gian thuận lợi để chúng ta nhìn lại bản thân, nhìn lại công tác mục vụ, mối tương giao với giáo phận, với đồng nghiệp, với giáo dân, với xã hội, với nhà cầm quyền các cấp. Cái gì được, cái gì chưa, cái nào thành công, cái nào thất bại và trong tương lai nên chọn giải pháp nào?
Đây cũng là thời gian ân sủng để nhìn lại mối tương quan đối với Chúa: ta đã sống lý tưởng linh mục như thế nào, ta đã thi
hành giáo huấn của Chúa ra sao? Đặc biệt, đây là cơ hội để chúng ta cùng
nhìn lại cách thế cầu nguyện. Nếu được phép giản lược, chúng ta có thể giản lược thế giới cầu nguyện sâu thẳm vào mấy điểm sau đây:
* Cầu nguyện: Cố gắng vươn lên của con người
- Khẩu nguyện
- Tâm nguyện
* Cầu nguuyện : Hành động của Thiên Chúa.
- Hố thẳm im lắng
- Lắng nghe Chúa nói
và để Chúa dẫn đường
1- Cố gắng vươn lên của con người
Giống như trong các tương quan và giao tiếp giữa người với người, việc cầu nguyện của chúng ta thường bắt đầu ở cấp độ âm thanh. Nó đòi hỏi phải nói, trình
bày, đối thoại, thân thưa với Chúa. Do đó, cầu nguyện thường được định nghĩa như cuộc nói chuyện thân tình với Chúa. Ở bước đầu, nội dung cầu nguyện chủ yếu mang tính chức năng. Chúng ta đến với Chúa trong cầu nguyện vì chúng ta cần xin Ngài một điều gì đó. Khi cầu nguyện, chúng ta đặt giãi bày với Chúa những bận tâm và nhu cầu của chúng ta. Do đó đối với nhiều người, cầu nguyện thực tế chỉ là cầu xin Chúa điều gì đó hoặc là cám ơn Chúa vì những ân huệ đã nhận lãnh. Lời cầu nguyện của chúng ta chủ yếu là những lời cầu khẩn và tạ ơn.
Trong khoảng gần nửa thế kỷ vừa qua, tại Việt Nam, thánh ca phát triển rất mạnh, cả về phẩm lẫn lượng. Ít có tôn giáo nào và ít nơi nào trong Giáo hội Công giáo mà phong trào thánh ca
phát triển mạnh như tại VN chúng ta. Thánh ca đã phong phú hóa các buổi cầu nguyện cũng như thánh lễ. Trong tuần chầu lượt và các lễ lớn, nhiều xứ còn có thêm đội trắc, đội kèn, đội trống… Tất cả những cái đó đã tạo nên một bầu không khí Lễ Hội.
Tuy nhiên, bầu không khí Lễ Hội đó chỉ giúp phát triển khẩu nguyện và hình thức cầu nguyện tập thể, nhưng nhiều khi không những không tạo bầu khí thuận tiện cho cầu nguyện cá nhân, mà rất có thể còn phương hại đến tinh thần cầu nguyện đích thực. Nếu không biết nội tâm hóa lời kinh và tiếng hát trong kinh nguyện, chúng ta có nguy cơ vụ hình thức, dừng lại ở những náo nhiệt bên ngoài mà chưa đi vào tâm tình cầu nguyện. Rất có thể sẽ bị Chúa cảnh cáo: “Dân này thờ Ta bằng môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta”.
Đã đến cần bổ túc cầu nguyện tập thể và khẩu nguyện bằng hình thức cầu nguyện mang chiều kích cá vị hơn. Chúng ta biểu lộ những niềm vui và những nỗi đau của mình; chúng ta hát lên những lời ngợi khen và cảm tạ Chúa; chúng ta hướng về Chúa để thờ phượng và tôn thờ Ngài. Chúng ta bày tỏ với Ngài tình yêu của chúng ta, trong thinh lặng, âm thầm, nhưng với trọn tâm trí.
Với trọn niềm tin yêu, chúng
ta âm thầm hướng về Chúa trong suy
tư và hồi niệm sâu xa. Chúng
ta thực hành tâm nguyện. Cầu nguyện trở thành hành động nâng tâm trí lên với Chúa và kết hợp, tâm sự với Ngài. Hơn nữa, chúng ta cũng học để hướng lòng về Đức Chúa với những cảm xúc lớn nhỏ. Chúng ta học tập để dần dần đi tới cảm nguyện. Vào thời điểm này, cầu nguyện có thể được định nghĩa như là nâng tâm hồn lên với Chúa.
Tuy nhiên, trong tất cả tiến trình này,
chính chúng ta vẫn đóng vai trò tích cực và chủ động trong sự thông hiệp. Chủ yếu là chúng ta nói với Chúa, và Chúa là người lắng nghe chúng ta. Cầu nguyện hiểu như là việc nói với Chúa. Điều này không có gì sai cả, nhưng chưa đủ. Xét cho cùng, cầu xin Chúa cho những nhu cầu của chúng ta và của mọi người trên thế giới cũng là cách chúng
ta tuyên xưng tình yêu của Chúa dành cho chúng ta vậy. Có lẽ, đây là cách cầu nguyện của hầu hết mọi người, cả trong cầu nguyện riêng cũng như cầu nguyện chung. Thậm chí cả khi chúng ta thực hành tâm nguyện và cảm nguyện, thì lời cầu nguyện của chúng ta vẫn chủ yếu là việc làm của con người. Đó là chúng ta nghĩ về Chúa và hướng về Chúa với những bài ca tiếng hát hay tâm tình cảm xúc. Tóm lại, cầu nguyện vẫn diễn ra phần lớn như hành vi của con người.
Nhưng, “cầu nguyện như những gì chúng ta làm” này mới chỉ là một nửa của cầu nguyện. Chúng ta cũng cần phải trau giồi một nửa kia của cầu nguyện để cầu nguyện của chúng ta toàn diện và trọn vẹn hơn. Nếu không, mối tương quan hiệp thông của chúng ta với Chúa mới chỉ có một chiều.
2- Một nửa khác của Cầu nguyện
Vậy thì một nửa kia của Cầu nguyện là gì ? Nó nhắm tới cầu nguyện như là hành động của Thiên Chúa. Nó qui chiếu tới điều mà Thiên Chúa
thực hiện hoặc chuyển đạt trong cầu nguyện. Nó nói đến việc mà Thiên Chúa cho xảy ra trong lúc
người ta cầu nguyện. Trong tình
yêu cũng như trong truyền thông, tha nhân phải chiếm vị trí trung tâm. Điều này cũng đúng trong cầu nguyện. Thiên Chúa và điều Ngài thực hiện cho chúng ta
trong cầu nguyện phải quan trọng hơn nhiều so với những gì tự chúng ta cố gắng làm khi cầu nguyện. Ví dụ, trong khi chúng ta có khuynh hướng nói thật nhiều với Chúa khi cầu nguyện thì Chúa lại quan tâm nhiều hơn đến việc để Ngài nói với chúng ta. Chính Ngài là Đấng muốn tỏ mình ra cho chúng ta nhiều hơn nữa.
Theo đó, vai trò của chúng ta khi cầu nguyện phải là lắng nghe nhiều hơn nữa tiếng của Chúa đang nói trong tâm hồn mình, dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, trong lời Kinh Thánh, trong những kinh nghiệm cá nhân cũng như qua các biến cố lịch sử. Điều này đòi hỏi chúng ta phải đợi chờ Chúa trong
thinh lặng, trong sự chú tâm tới cách thế Chúa biểu lộ sự hiện diện và tình yêu của Ngài cho chúng ta. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tĩnh lặng, “thụ động” và đón nhận Thiên Chúa trong cầu nguyện.
Đây chính là một nửa kia của cầu nguyện mà các Kitô hữu, nhất là linh mục, tu sĩ chúng ta cần trau giồi. Thật vậy, nếu muốn lớn lên trong đời sống tâm linh,
trong mối tương quan – tình yêu với Thiên Chúa, chúng ta phải cố gắng thực hiện “nửa kia của cầu nguyện”.
3- Những điểm hữu ích
Nhưng, tại sao chúng ta thất bại khi trau giồi thêm cho phần nửa kia của cầu nguyện này ? Sau đây
là một số điểm giúp đạt tời thành công trong việc trau dồi nó.
Tôi thiết nghĩ, trước tiên là vấn đề về cách chúng ta
quản lý thời giờ và năng lực khi cầu nguyện. Chúng ta có
khuynh hướng làm vội vã cho qua những khoảnh khắc hiệp thông với Chúa; chúng ta trở thành những diễn viên chính
trong cầu nguyện. Đáng lẽ ra không nên làm như vậy, nhưng thường xuyên lại xảy ra như thế. Thời gian và năng lực vốn hạn chế dành cho việc cầu nguyện, thế mà chúng ta lại dùng vào việc nói với Chúa về những mối bận tâm và chương trình riêng của mình, rồi hầu như không có thời gian và năng lực cho việc lắng nghe Chúa nói nữa. Nếu chúng ta muốn trau giồi nửa kia của cầu nguyện, chúng ta phải phân chia năng lượng và thời gian cầu nguyện thành hai phần.
Thứ đến, đó là vấn đề về thái độ cơ bản trong mối tương quan giao tiếp cá vị của chúng ta không
chỉ với Chúa nhưng còn với tha nhân nữa. Trong sự giao tiếp đó, chúng ta quan tâm hơn đến việc mình được người khác lắng nghe hay là để mình lắng nghe người khác nhiều hơn? Chúng ta có mong mỏi để nghe điều mà người khác đang cố gắng nói với chúng ta không? Nếu chúng ta cố gắng tích cực lắng nghe nhiều hơn điều mà người khác nói, chắc chắn chúng ta cũng sẽ khao khát để lắng nghe tiếng Chúa hơn nữa.
Thứ ba, đó là vấn đề của sự chọn lựa cách tiếp cận của chúng ta với Thiên Chúa khi cầu nguyện. Chúng ta đến với Chúa khi cầu nguyện vì lòng yêu mến hay vì nhu cầu của mình? Có cách
cầu nguyện vì nhu cầu, nhưng cũng có cách cầu nguyện vì tình yêu. Trong cách thứ nhất, cầu nguyện có nghĩa là sự giãi bày những nhu cầu của chúng ta với Chúa, còn trong cách thứ hai, cầu nguyện có nghĩa là bày tỏ tình yêu của chúng ta đối với Người. Chúng ta là bạn hữu của Đức Kitô và tình yêu của Ngài đối với chúng ta là
tình yêu của một người bạn.
Đức Giêsu đã gọi các môn đệ là bạn hữu, hẳn là vì Ngài đã cho các ông biết mọi điều Ngài nghe biết nơi Chúa Cha (Ga 15:15). Tình bằng hữu dẫn tới việc thổ lộ tâm tình với nhau. Nhưng thổ lộ tâm tình như thế chỉ có thể thực hiện được trong sự thinh lặng. Do
đó, khi việc cầu nguyện của chúng ta được thúc đẩy bởi tình yêu thì chúng ta được dẫn tới yên lặng và tĩnh mịch trong sự thâm giao với Chúa, để chú tâm vào Ngài, lắng nghe Ngài mạc khải.
4- Làm bạn với sự thinh lặng
Cuối cùng, chúng ta có thể trau giồi phần nửa kia của cầu nguyện nếu chúng ta kết bạn với sự thinh lặng trong đời sống cầu nguyện. Người ta phải học để biết tiếp nhận cũng như yêu mến sự thinh lặng. Thinh lặng diễn ra trong cầu nguyện bằng hai cách.
Cách thứ nhất, có nhiều khi chúng ta không biết phải nói gì trước sự hiện diện của người mà chúng ta yêu mến. Cũng thế, có những lần chúng ta cũng chẳng biết phải nói gì với Chúa trong khi cầu nguyện. Khi điều này xảy ra, chúng ta được mời gọi để đón nhận nó trong thinh lặng.
Có những lý do tốt đẹp sau đây. Trước hết, chúng ta cần thinh lặng để đi sâu vào nội tâm, để nghe được những nhu cầu và những khát vọng sâu thẳm nhất của mình. Thứ hai, thinh lặng giúp chúng ta nhìn sâu hơn vào thế giới để khám phá ra những nơi đang cần đến tình yêu cứu độ của Chúa. Thứ ba, thinh lặng thúc đẩy chúng ta tín thác vào Thánh Thần trong lời cầu nguyện của mình.
Về điều này, không có gì an ủi chúng ta hơn những lời sau đây của Thánh Phaolô: “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm
8:26-27). Trong cầu nguyện, chúng ta cần ẩn mình đi để Thánh Thần cầu thay nguyện giúp cho chúng ta và trong chúng ta.
Mặt khác, có những lần cầu nguyện, chúng ta phải đối diện với một Thiên Chúa dường như thinh lặng. Có những khi chúng ta chẳng nghe thấy gì cả và cũng chẳng nhận được gì từ nơi Ngài. Tuyệt đối chẳng có chi, ngoại trừ sự thinh lặng. Khi chúng ta bị buộc phải thinh lặng như vậy, chúng ta phải học để yêu mến nó. Tôi tin rằng sự thinh lặng như thế nhiều khi rất cần thiết để Lời của sự sống và khôn ngoan
được bén rễ trong tâm hồn chúng ta, để sự can đảm và sức mạnh của Thiên Chúa được đâm rễ sâu hơn trong cõi sâu thẳm nhất của chúng ta để chúng ta có thể làm được nhiều hơn nữa cho tha nhân.
Trong hố thẳm của thinh lặng và chiều sâu tâm linh, chúng ta sẽ gặp gỡ Thiên Chúa toàn năng, vô thủy, vô chung, nhưng đầy nhân hậu, yêu thương và thật gần gũi.
Sau cùng, một Thiên Chúa thinh lặng dạy chúng ta biết kiên trì trong việc cầu nguyện phát xuất từ tình yêu, tình yêu của Ngài cho chúng ta và tình yêu của chúng ta hiến dâng Ngài. Ngài dạy chúng ta biết mở lòng mình ra và trở nên ngoan ngoãn dưới sức mạnh sáng tạo của tình yêu Thiên
Chúa. Khi chúng ta hoàn toàn đi vào hố thẳm của thinh lặng, Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta một món quà tuyệt vời: một cơ hội họa hiếm để trở nên hoàn toàn nhạy cảm với tình yêu của Ngài và nhờ đó chúng ta được tái tạo. Chính khi chúng ta ngoan ngoãn nhất, khi chúng ta
phó thác chính mình cho Chúa trong cầu nguyện, đó là lúc chúng ta có kinh nghiệm sâu xa nhất về sức mạnh tình yêu của Ngài.