BÌNH AN TRONG ĐỜI TU
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Tôi có một anh bạn thân, anh ta là dự
tòng và rất có thiện cảm với đạo Công Giáo của chúng ta. Mới có ý định theo đạo
mà anh ta đã siêng năng đi lễ rồi. Trong cuộc trò chuyện với anh tại sân nhà thờ
nọ, tôi chủ động bắt chuyện với anh, tôi hỏi anh: “anh đi lễ như vậy thì anh cảm thấy ấn tượng nhất là phần nào trong
Thánh lễ?” Anh bạn trả lời: “mình ấn
tượng nhất chính là các lần chào chúc bình an của linh mục với giáo dân và ngược
lại”. Câu đó là: “Bình an của Chúa ở
cùng anh chị em”, sau đó cộng đoàn đáp: “và ở cùng cha”. Anh bạn nói tiếp: “mình rất thích và cảm động vì lời chào chúc đó có một ý nghĩa sâu xa
là cầu xin Thiên Chúa ban bình an của Người xuống trên ta”; “Sau lễ, mình ra về
và hạnh phúc vì đã đón nhận được sự bình an của chính Thiên Chúa”.
Thật vậy, người được Chúa ban bình an của
chính Chúa thì khác xa với sự bình an giới hạn theo lối hiểu của con người.
Qua bài viết này, tác giả muốn chia sẻ về
sự bình an đích thực trong đời tu, để thấy được đâu là bình an thật và đâu là
bình an giả tạo. Tuy nhiên, cũng nên làm một cuộc nhận thực về trạng thái bình
an của con người trong xã hội hôm nay.
Vì thế, trước khi đi vào vấn đề trọng
tâm của bài viết, xin được sơ qua về thứ bình an theo quan điểm của con người,
đồng thời cũng làm toát lên sự bình an của Chúa, và, như một cách phân danh để
thấy được đâu là sự khác biệt giữa bình an của người đời và bình an của Chúa
trong đời tu.
1.
Bình an theo lối hiểu của
con người
Cuộc đời của con người luôn phải đối diện
với đủ mọi khó khăn do mình gây ra, hoặc do người khác mang lại, và đôi khi
cũng do thiên nhiên nữa. Rồi trong kiếp người, chúng ta luôn phải đối diện với
sinh, lão, bệnh, tử... Bình an của con người lúc này chính là làm sao cuộc đời
không gặp những chuyện bất trắc như ốm đau, bệnh tật, thay vào đó là có một sức
khỏe tốt, một cuộc sống an nhàn bên con cháu.
Khi tham gia giao thông đường bộ, đường
sắt, đường thủy hay đường hàng không... người ta mong được an toàn trên suốt lộ
trình, không xảy ra tai nạn giao thông. Bình an ở đây chính là mong cho được đi
đến nơi, về đến chốn mà không xẩy ra tai nạn.
Trong khi xây dựng các công trình, chúng
ta thường thấy người ta treo những tấm panô với hàng chữ: “an toàn là trên hết”; hay “an
toàn là bạn, tai nạn là thù”. Bình an trong lãnh vực này chính là mong sao
cho công trình từ khởi sự cho đến hoàn thành không có điều gì cản trở hay thoát
khỏi dấu vết của tại nạn.
Rồi trong cuộc sống, những trận cuồng
phong bão tố, gây nên lụt lội, những trận sóng thần, những ngọn núi lửa, ô nhiễm
môi trường và nguồn nước, những bệnh dịch tràn lan... Con người lo sợ thiên
nhiên cướp đi mạng sống bất cứ lúc nào... Bình an trong hoàn cảnh này chính là
mưa thuận gió hòa, môi trường trong lành...
V...V...
Nói chung, bình an theo kiểu con người chính
là mong sao được cơm no áo ấm, mạnh khỏe, được làm ăn phát đạt, được an nhàn
thư thái, được may mắn, an toàn, và cuối cùng là được sống lâu...
2.
Sự bình an đích thực đang mất dần trong xã hội
hôm nay
Nhìn xa hơn khi vượt qua khuôn khổ đời tư hay gia đình, để mở tầm
nhìn ra xã hội mà chúng ta đang sống hôm nay, hầu thấy được xã hội hiện thời là
một xã hội văn minh, tiến bộ, nhưng là thứ văn minh của sự chết.
Trên thực tế đã chúng minh cho chúng ta thấy rất rõ. Nhiều người rất
giàu, có quyền hành, địa vị cao, ấy vậy mà vẫn không thấy niềm vui và hạnh phúc
đâu cả, mà chỉ thấy buồn phiền và lo lắng. Họ có thể là những người bất an khi
trong nhà có quá nhiều tiền. Họ có thể là những người không vui khi ngày nào
cũng phải lo củng cố địa vị và nơm nớp lo sợ bị truất phế, “mất ghế”.
Trong khi đó, hình ảnh của những người nghèo cũng không khỏi khắc
khoải, lo âu đối chọi với cuộc sống lay lắt qua ngày.
Có những người chỉ mong có được gói mì tôm đáng giá 2.000 đồng để
ăn cho đỡ đói cũng không ra; hay lại có những người bị con cái đánh và đuổi ra
khỏi nhà để sống vật vờ nơi gầm cầu, xó chợ đây đó chỉ vì: “tại sao ông bà không nghe lời tôi”; “ông bà không làm theo ý của
tôi...”. Một sự ngược đời, làm đảo lộn đạo đức gia phong đang diễn ra không
ít trong thời buổi kinh tế thị trường hôm nay...
Có những bạn trẻ lại bị chính những người tưởng chừng như “má ấp môi kề” yêu thương đùm bọc sẽ là
những người chung lưng đấu cật để cùng nhau xây dựng tổ ấm. Nhưng thực tế, nhiều
người đã vỡ mộng. Đây đó, chúng ta thấy có những nhát dao chí tử để kết liễu cuộc
đời của người yêu. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy không ít những đôi tình nhân
vì yêu nhau quá, nên không ngần ngại tìm đến cái chết để kết liễu cuộc đời khi
bị áp lực phản đối của gia đình, công việc hay học hành.
Lại có những hạng người làm ăn rất an nhàn, đồng lương quá hậu
hĩnh, nhưng họ lại là những người dính vào vòng lao lý khá nhanh, bởi vì họ
chính là những: gái mại dâm, trùm ma túy, tướng cờ bạc...
Cuối cùng, trong đời sống thường ngày, chúng ta thấy ngày càng xuất
hiện nhiều căn bệnh mới mà hiện nay chưa có thuốc đặc trị... khiến cho con người
không khỏi hoang mang...
Như thế, thế giới và con người ngày hôm nay luôn nơm nớp những sợ
hãi, lo âu, thất vọng, bi đát và chán trường.
3.
Bình an của Đức Giêsu
Bình an của Đức Giêsu chính là sự bình
an nội tâm. Bình an này không phải là thứ bình an hào nhoáng bên ngoài, cũng
không được phủ lên nó một sự thành đạt,
quyền bính hay danh dự ngoại tại... Bình an này cũng không phải không có
ốm đau, bệnh tật... Bình an của Đức Giêsu chính là bình an ngay trong những thiếu
thốn, thử thách, mất mát, bệnh tật và cả cái chết... tức là bình an ngay trong
những điều tưởng chừng như mâu thuẫn: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi
những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hi Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng
tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục
không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1,22-23). Nhận được bình an của Chúa, người
thụ hưởng sẽ cảm thấy: “tâm bất biến giữ
dòng đời vạn biến”.
Thật thế, Đức Giêsu
không nói: “chúc các con bình an”;
hay: “các con ở lại bình an”, không!
Ngài không nói như vậy. Nhưng trước khi từ biệt các môn đệ để lên đường chịu
khổ nạn, Ngài nói: “Thầy để lại bình an
cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như
thế gian ban tặng” (Ga 14, 27). Rồi sau khi phục sinh, Ngài cũng trao ban
chính bình an đó cho các môn đệ.
Bình an của Đức Giêsu chính là bình an
sâu thẳm bên trong tâm hồn. Vì thế, bình an này không dừng lại ở bên ngoài, mà
còn đi xa hơn để tiến tới tận căn là cõi lòng, tâm hồn người lãnh nhận.
Nếu Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ
bình an, rồi chuẩn bị lên đường chịu chết, thì người đón nhận nó cũng phải hướng
đến cuộc khổ nạn của chính mình khi đón nhận sự bình an từ Chúa. Chúng ta đừng
trở nên giống Phêrô, một Phêrô mới tuyên tín: “Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa" (Lc 9, 21), rồi sau khi nghe thấy Đức Giêsu loan báo sẽ tiến lên
Giêrusalem để chịu nạn chịu chết, ông đã không ngần ngại cản Thầy đừng có đi.
Phêrô chưa đón nhận được bình an của Đức Giêsu thực sự, ông còn “rất đời”. Nếu ông đã có bình an của
Chúa thì ông sẵn sàng đi theo Chúa, đặt bước chân của mình vào bước chân của
Chúa, để cùng vui mừng, ưu sầu và lo lắng vì ơn cứu độ của con người mà Thầy
mình đang thi hành. Đàng này, ông đã hiểu sai và cũng hành động sai khi cản Thầy
của mình đừng có đi để chịu chết...
Như vậy, bình an mà Đức Giêsu trao ban
cho các môn đệ chính là Ngài; hay nói cách khác, Ngài chính nội dung, là nguồn
cội của bình an. Vì thế, Ngài ban cho các ông bình an là Ngài ban chính Ngài
cho các ông. Bình an của Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ và mong muốn các ông
đón nhận cũng như sống trong cuộc đời của mình mặc cho cuộc sống um sùm, rối
ren, bon chen và sô bồ, thì người môn đệ của Chúa vẫn cứ: “gạn đục khơi trong” để sống trung thành với ơn gọi, sứ mạng Chúa
trao.
4.
Bình an trong đời sống
thánh hiến
Nói đến
đời sống thánh hiến, người ta thường nói: “cha,
thầy, sơ có được bình an, hạnh phúc không?” Tại sao thế? Thưa! Bởi vì đơn
thuần chỉ vì chúng ta là những người đi theo Đức Giêsu cách gần gũi hơn cả. Mà
gần Chúa thì không lẽ gì không có bình an. Không lẽ gì lại là một “ông thánh, bà thánh buồn!”. “Thánh mà như vậy thì là một vị thánh đáng
buồn”. Khi nói về tâm hồn của những người có Chúa, tức là có bình an của
Chúa, đức Hồng y Fx. Nguyễn Văn Thuận nói: “...
Càng gian truân con
càng vui tươi như Gioan và Phêrô bị đánh đập ở hội đường ‘ra về vui vẻ vì được
xứng đáng chịu sỉ nhục vì danh Chúa’; như Phaolô: ‘Tôi tràn đầy vui tươi giữa
những thử thách của tôi’" (ĐHV 536).
Nếu
không có bình an, chúng ta cần xem lại mục đích đời tu của mình đặt ở đâu? Có bị
sai đường trệch lối không?
Quả
thật, nếu nói hạnh phúc là điều cần thiết, thì bình an là điều không thể thiếu
trong tân hồn của người hạnh phúc. Chính Đức Giêsu đã thấy được tầm quan trọng
của nó, nên đã trao ban bình an của người cho các môn đệ trước lúc từ biệt các
ông để chịu chết và ngay sau khi phục sinh.
Nếu
trong xã hội, con người không có bình an thì sẽ trở thành hỗn loạn và xã hội,
gia đình sẽ bị rối beng. Con người sẽ cắn xé nhau vì miếng cơm manh áo, hay nói
đúng hơn vì cái bụng.
Trong
đời tu cũng thế, nếu không có sự bình an, cá nhân sẽ cảm thấy nặng nề, mệt mỏi
và nhiều lúc so đo tính toán thiệt hơn... Nhất là người không có bình an thì sẽ
cảm thấy cô đơn ngay trong lòng cộng đoàn, sẽ cảm thấy bất hạnh khi lựa chọn
con đường đi tu, sẽ mất niềm hy vọng vào tương lai mai hậu. Như thế thì còn đâu
hình ảnh một “Cộng đoàn: nơi tha thứ, chốn
an vui?”.
Không
có bình an, đời tu sẽ đặt để những mục đích của cuộc đời lung tung và làm đảo lộn
giá trị.
Trong
xã hội văn minh tiến bộ như hiện nay, nó đã đem lại cho con người nhiều thành
quả tích cực trong đời sống. Tuy nhiên, nó cũng không ngừng phân rẽ hay nói
đúng hơn, nó đang thách đố chúng ta về “niềm
vui và hạnh phúc thật”. Nếu một người có bình an của Chúa thực sự, thì họ: “Thành
công, cảm ơn Chúa; thất bại, cũng cảm ơn Chúa, vui tươi mãi... Chính là lúc đó
Chúa muốn thử xem ta làm vì Chúa hay vì ý riêng ta. Vui vẻ, can đảm lúc thất bại
khó khăn hơn hân hoan lúc xuôi may; hạng anh hùng này ta đếm được đầu ngón
tay (x. ĐHV 537).
Là người sống đời thánh hiến, chúng ta lựa chọn đời
sống độc thân, dâng hiến cuộc đời cho Chúa, từ bỏ mọi sự, ngay cả tình cảm
chính đáng là tình yêu đôi lứa, để đi theo Chúa, sống độc thân vì Nước Trời là
để thể hiện một điều gì đó vượt lên trên những thực tại của trần gian.
Khi lựa chọn đời tu như thế, chúng ta được mời gọi
đến với con người, không phân biệt địa vị giai cấp... không hẳn là để chữa trị
những căn bệnh thể lý, hay thay đổi đời sống hoặc có hoài bão làm thay đổi những
diễn biến của thiên nhiên, ổn định hòa bình thế giới, hay cục diện của cuộc đời
họ..., Không! Chúng ta được mời gọi đến để trở nên những biểu tượng tinh thần
cho những biến cố này. Trở thành biểu tượng của niềm hy vọng cho con người vì một
ngày mai tươi sáng hơn. Trở thành “niềm
vui của Tin Mừng”.
Chúng ta được mời gọi trở nên những người thầy
khôn ngoan, dẫn đường chỉ lối cho người ta thấy được đâu là hạnh phúc và niềm
vui thực sự, đâu chỉ là tạm bợ chóng qua... Và, chúng ta sẽ trở thành những người:
“Ðức Kitô là Ðấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng
anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của
anh em " (1Pr 3,15).
Khi trở thành những người hướng dẫn như thế, chúng
ta sẽ đem yêu thương, thứ tha, an hòa vào những nơi tranh chấp, để loại trừ hận
thù, nghi nan và thất vọng. Đem niềm vui, cậy trông vào những nơi tối tăm, để
loại trừ ưu sầu và thất vọng.
Làm được điều đó, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc
và bình an, đồng thời nhiều người cũng được an bình.
Đã đến lúc, chúng ta nên ngồi lại để hồi tâm xem
mình đã có bình an hay chưa?
Nếu có rồi thì tạ ơn Chúa và tiếp tục hân hoan tiến
bước trên con đường đó. Nếu chưa, ta xem tại đâu? Tại ta đi sai đường hay tại
ta chưa có tâm tu?
Chúng ta có thực sự lựa chọn đời tu vì mục đích là
làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn không, hay chỉ vì những mục đích “rẻ tiền” như danh vọng, hình thức, hòa
nhoáng bề ngoài, hoặc mong đạt được chức vị và cố gắng thế thủ hay như một nghề
để trục lợi cho cá nhân?.
Để kết thúc bài viết, xin được mượn lời của thánh
Phaolô để cầu chúc cho chúng ta và cũng mong cho chính mình được ơn bình an
đích thực của Chúa: “Ước gì ơn bình an của Ðức Kitô điều khiển
tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng
ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân” (Cl 3, 15).