SÁM HỐI, “ĐẶC SẢN” MÙA CHAY

(xuanbichvietnam.net) Tháng Ba 6th, 2014.

Dẫn nhập

Người Việt Nam chúng ta có câu “mùa nào thức ấy”. Mỗi mùa, mỗi vụ, có những thứ trái cây phù hợp với thời tiết của mỗi miền. Mỗi nơi, mỗi vùng lại có những “đặc sản” khác nhau. Vào dịp đặc biệt, chẳng hạn như Tết cổ truyền, thường có cây mai, cành đào, bánh chưng … Nếu thiếu những thứ đó thì xem ra ngày Tết chưa được trọn vẹn. Năm phụng vụ của Giáo Hội cũng có các mùa khác nhau: Mùa Vọng – Giáng Sinh – Mùa Chay – Phục Sinh – và Mùa Thường Niên[1]. Mỗi mùa có nét đặc trưng riêng và có ý nghĩa thiêng liêng khác nhau, nhằm giúp tín hữu đi sâu vào mầu nhiệm Chúa Kitô và công trình cứu chuộc của Ngài[2]. Chúng ta đã bước vào Mùa Chay. Theo truyền thống, đây là “mùa làm việc lành phúc đức”[3], mùa mà Giáo hội mời gọi chúng ta hoán cải để trở về với Chúa là Cha nhân lành.

Trong ngày thứ Tư Lễ Tro, khi làm phép tro, chủ tế đọc: “Lạy Chúa, Chúa không muốn kẻ có tội phải chết, nhưng muốn họ ăn năn sám hối…”. Lúc được xức tro lên đầu, chúng ta nghe lời Chúa : “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,14)[4]. Do đó, trong mùa này, ngoài việc cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái, thì sám hốilà điều cần thiết và quan trọng, được coi như nét đặc trưng, mà nếu chưa thực hành, thì dường như Mùa Chay thánh chưa được trọn vẹn.

Thật ra, trong đời sống Đạo, người tín hữu Kitô được mời gọi xét mình và sám hối thường xuyên, cách riêng là mỗi khi nhận lãnh bí tích Hòa giải và Thánh thể. Nhưng Mùa Chay là mùa cao điểm để hoán cải, chúng ta được mời gọi thực hành việc sám hối, cải thiện đời sống, một cách tích cực hơn, thiết thực hơn và hiệu quả hơn. Chính vì thế, có thể nói, món “đặc sản”của Mùa Chay là ăn năn sám hối. Trong thực tế, hàng năm chúng ta từng tham dự các kỳ tĩnh tâm Mùa Chay, nhưng chúng ta hiểu thế nào về sám hối : Sám hối là gì ? Tại sao phải sám hối ? Đâu là sám hối đích thực và đâu là tiến trình để sám hối có hiệu quả? Có phải chỉ sám hối trong Mùa Chay thôi sao?

Dựa vào một số nhân vật và mẫu gương sám hối trong Kinh Thánh, bài chia sẻ này nêu lên một số điểm gợi ý, giúp chúng ta sống tinh thần của Mùa chay và dọn lòng đón nhận Bí tích Hòa giải. Cụ thể chúng ta bàn tới năm điểm sau đây.

1) Sám hối là gì?

2) Sám hối đích thực

3) Mẫu gương sám hối

4) Tâm tình và các bước thực hành sám hối

5) Mục đích của sám hối: đón nhận ơn Chúa

  1. SÁM HỐI LÀ GÌ?

Theo nghĩa thông thường, ăn năn sám hối là nhìn nhận mình có lỗi, cảm thấy hối hận và dốc lòng chừa bỏ. Sám hối, theo định nghĩa của Nho Giáo là :”Sám giả sám kỳ tiền khiên. Hối giả hối kỳ hậu quá” (Sám là ăn năn lỗi trước. Hối là chừa bỏ lỗi sau).  Vì thế, sám hối không chỉ là hối tiếc trước một việc làm sai trái đã qua, nhưng là thấy sai và quyết tâm sửa lại điều sai ấy. Theo định nghĩa này, nếu chỉ có “sám” mà không có “hối” thì tội vẫn còn đó.

Mùa Chay mời gọi ta sám hối, nghĩa là mời gọi chúng ta ăn năn và chừa cải những lỗi lầm xúc phạm tới Chúa và anh em. Cho nên, không thể có sám hối mà không có hoán cải. Tuy nhiên, “hoán cải” trong Kitô Giáo còn mang chiều kích siêu nhiên, không chỉ đòi ta nỗ lực diệt trừ tội lỗi, nhưng điều quan trọng là trở về cùng Thiên Chúa, để nhận ra tình yêu thương vô biên của Ngài. Từ đó, ta còn phải định hướng lại toàn bộ cuộc sống, chỉnh đốn lại những sai lầm đang làm lệch lạc cuộc sống tâm hồn. Vì thế, sám hối hay hoán cải nhằm mục đích để thay đổi đời sống nên tốt hơn. Đó mới là sám hối đích thật.

2. SÁM HỐI ĐÍCH THẬT

Ba yếu tố làm nên sám hối đích thực

a) Lý trí : Sám hối được diễn tả qua việc suy nghĩ về quá khứ tội lỗi

Tin Mừng Mattheu kể dụ ngôn “người Cha có hai người con”(Mt 21,28-29)[5]. Người Cha bảo người con thứ nhất ra làm vườn, lúc đầu anh ta đáp con “không đi”, nhưng sau anh ta “hối hận, nên lại đi”. Sự sám hối ở đây biểu thị một sự thay đổi trong tâm trí và trong suy nghĩ. Sự thay đổi này được minh họa sống động qua hành động của Người con hoang đàng. Sau nhiều ngày ăn chơi trác táng, anh ta đã “suy nghĩ”. Thánh Lu-ca thuật lại: “Bấy giờ anh ta hồi tâm  tự nhủ … (Lc 15,17).

b) Cảm xúc : Sám hối được diễn tả qua thái độ buồn phiền, than thở hoặc khóc lóc. Tin mừng thánh Luca kể dụ ngôn về hai người lên đền thờ cầu nguyện (Lc 18,9-14) : Người Pharisêu và người thu thuế. Người Pharisêu không xin gì cho mình, ông chỉ tạ ơn Thiên Chúa và kể công (ăn chay một tuần hai lần…). Cònngười thu thuế thì đứng xa buồn phiền, cúi đầu, đấm ngực, cầu xin cách đơn sơ: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Anh cảm thấy mình bất xứng, bất lực, chỉ biết cậy dựa vào tình thương tha thứ của Thiên Chúa.

c) Ý chí : Sám hối còn được thể hiện qua thái độ “quyết tâm trở về” với Chúa

Người con hoang đàng trong Tin Mừng Luca đã « quyết tâm quay trở về » (Lc 15,11-32) được thể hiện qua những động từ: đứng lên” – “trở về”…: « Thôi, ta đứng lên, trở về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha” (Lc 15,18).

Sự sám hối liên quan đến ý chí dẫn tới hành động dứt khoát và cương quyết qua ba việc làm cụ thể sau đây và được coi như là hậu quả của sám hối.

(1) Nhìn nhận và xưng tội trước mặt với Chúa

Người thu thuế đấm ngực mà rằng  ”Lạy Chúa, xin thương xót con, vì conlà kẻ có tội” (Lc 18,13). Còn đứa con hoang đàng thì nói,  ”Tôi đã phạm tội với trời” (Lc 15,21)

(2) Từ bỏ tội lỗi, đường lối cũ

Isaia 55, 7 : “Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang cómà trở về với Ðức Chúa – và Người sẽ xót thương -, về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ”.

(3) Thật lòng quay trở về cùng Chúa

Chỉ quay lưng với tội lỗi là chưa đủ, chúng ta cần phải quay trở lại với Thiên Chúa như thánh Phaolo đã chép trong 1 Tx 1,9 : ”Khi nói về chúng tôi, người ta kể lại chúng tôi đã được anh em tiếp đón làm sao, và anh em đã từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa thế nào, để phụng sự Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa thật”.

3. MẪU GƯƠNG SÁM HỐI

Mùa Chay là mùa đặc biệt dành cho sự trở về của người biết ăn năn sám hối. Ăn năn sám hối bắt đầu từ nội tâm, từ cõi lòng và rồi quyết tâm trở về với Chúa. Trong lịch sử cứu độ, có nhiều tấm gương của lòng sám hối, chúng ta nêu lên ở đây ba nhân vật tiêu biểu : Đavít, Phê-rô và Phao-lô.

a) Cựu ước : Vua Đavít

Sách Samuel quyển thứ hai kể về vua Ðavít phạm tội ngoại tình với Bát Seva, vợ của tướng Urigia. Sau khi phạm tội, vua Ðavít cố tình che đậy tội lỗi của mình. Nhà vua gọi Urigia đang ở ngoài chiến trường về nhà với vợ. Vua tính toán là khi Bát Seva có sinh con, thiên hạ sẽ nói đó là con của Urigia. Tướng Urigia không biết âm mưu đó của Đavit. Nên khi Đavít nói với Urigia là “hãy xuống nhà” (hiểu ngầm là để ‘ăn ở với vợ’), nhưng ông cứ ở lại trong Đền nhà vua. Cuối cùng, Đavit dùng thủ đoạn đẩy Urigia ra ngoài trận địa, vị tướng đã tử trận. Thiên Chúa sai ngôn sứ Nathan đến thức tỉnh lương tâm của nhà vua (2 Sm 12,1-15). Ý thức tội lỗi đã phạm, vua Ðavít liền sám hối, trở về với Chúa. Nhà vua thốt lên: Tôi đã đắc tội với Thiên Chúa (2 Sm 12,13). Vua tỏ lòng ăn năn sám hối về tội lỗi đã phạm. Điều đáng lưu ý ở đây là thái độ “khiêm tốn” của Đavít và ngài nhấn mạnh đã  ”đắc tội với Chúa”. Thánh vịnh 51 bộc bạch tâm tình sám hối và truyền thống cho rằng vua Đavit là tác giả.

“Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,

mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.

Xin rửa con sạch hết lỗi lầm

tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.

Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.

Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,

dám làm điều dữ trái mắt Ngài…”.

b) Tân Ước : Phê-rô và Phao-lô, hai vị thánh của lòng sám hối

+ Phêrô, vị tông đồ trưởng, thường xuyên ở bên Chúa Giêsu và được Ngài tín nhiệm trao gởi chìa khóa Nước Trời. Nhưng đời sống của ngài có những vấn vương tội lỗi. Tin Mừng thuật lại, chỉ sau phút tuyên xưng đức tin để đời : ”Thày là Đức Ki-tô” (Mc 8,29 ; Mt 16,16 thêm “Con Thiên Chúa hằng sống”), thì Phê-rô đã bị Chúa Giêsu quở là “Satan hãy xéo đi” (Mc 8,33), vì ông có ý ngăn cản Chúa Giêsu lên Giêrusalem chịu nạn. Trong trình thuật Thương khó, Phêrô ngủ trong vườn cây dầu lúc Chúa hấp hối (Mt 26,40). Ông rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ vị thượng tế (Mt 26,51). Tội lớn hơn cả, phải chăng là ba lần ông chối Chúa.

Chúa thức tỉnh ký ức của Phêrô bằng tiếng gà gáy và ánh mắt tha thứ nhân từ. Ông sám hối bằng những giọt nước mắt hối hận : “Phêrô ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Lc 22,62). Với những tội kể trên, Phêrô rõ ràng là người đã biết đến kinh nghiệm sa ngã và, theo Tin Mừng Luca, ông đã hối hận.

Sau biến cố Phục sinh, Phêrô đã khác hẳn. Ông được biến đổi trở nên mới mẻ và mạnh mẽ. Vì thế, kinh nghiệm đầu tiên mà Thánh Phêrô chia sẻ cho cộng đoàn Giáo hội sơ khai đó là kinh nghiệm sám hối. Ngài nói với những người đầu tiên trở lại: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Ðức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2,37)[6]. Sau khi đã ăn năn sám hối, thánh Phêrô đã thể hiện vai trò tông đồ trưởng với tinh thần trách nhiệm cao và đã chu toàn sứ mạng thủ lãnh Giáo hội Công giáo. Để rồi cuối cùng chịu đóng đinh tại Rôma làm sáng lên hình ảnh của một niềm tin bất khuất vào Con Thiên Chúa hằng sống. Nhờ sám hối Phêrô đã nên thánh.

+ Phao-lô, trước khi là tông đồ nổi tiếng, đã là một người khét tiếng trong dư luận cộng đoàn tín hữu sơ khai. Khi còn thuộc nhóm Pharisiêu, Phaolô kiêu ngạo, cứng lòng và bách hại các tín hữu. Khi nghe đến tên ông thì mọi người phải chạy trốn. Ông là kẻ bách hại đạo Chúa Ki-tô trước bất cứ ai. Ông ghét đạo đã đành, lại còn tự nguyện xin lệnh đi bắt tất cả những người theo Đạo nữa. Sách Công vụ kể : “Ông Saolô vẫn còn hằm hằm đe doạ và giết chóc các môn đệ Chúa, nên đã tới gặp thượng tế xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Ðamát, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giêrusalem” (Cv 9, 1-2). Quả thật, Phaolô cũng là người trải qua kinh nghiệm tội lụy.

Với biến cố trên đường Đa-mát và nhờ ăn năm sám hối, Phao-lô được đổi mới hoàn toàn. Ngài có được kinh nghiệm sống trong tình yêu lòng nhân từ và tha thứ của Ðấng đã quật ngã mình trên đường bách hại Đạo Chúa. Với kinh nghiệm được biến đổi, Thánh Phaolô cho rằng sám hối là “lột bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới” (Ep 4,22). Và với Ngài, con người mới đã được biến đổi trong ân sủng : “ Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi (2 Cor 5,17). Theo ngài, sám hối là hòa giải, là làm hoà với Thiên Chúa (x. 2 Cr 5,18). Được tình yêu của Chúa chiếm hữu và biến đổi, Phaolô trở thành Tông đồ dân ngoại. Ngài đã đi nhiều nơi thành lập nhiều cộng đoàn. Giáo Hội được mở rộng và phát triển nhờ sự dấn thân loan báo Tin Mừng của thánh nhân[7]. Có người nhận định rằng Phaolô đã trở nên mẫu người không ai theo kịp về việc xây dựng Giáo hội. Tung hoành ngang dọc trên những cánh đồng dân ngoại để mỗi ngày đem về cho Chúa các tâm hồn. Cuối cùng, cũng tại Rôma, Phaolô đã bị tử đạo vì Đức Ki-tô để làm chứng cho tình yêu và hiến mạng sống vì Tin mừng. Nhờ sám hối Phaolô cũng đã nên thánh.

Mùa Chay là mùa ăn năn sám hối để được làm hòa với Thiên Chúa. Làm hòa với Thiên Chúa thì chúng ta được Thiên Chúa thứ tha mọi tội lỗi. Chúng ta không thể có sám hối đích thực, nếu chúng ta không có ơn Chúa, nếu chúng ta thiếu sự khiêm nhường. Đó chính là tâm tình phải có để có thể ăn năn sám hối đích thực.

4. TÂM TÌNH VÀ CÁC BƯỚC THỰC HÀNH SÁM HỐI

Để việc sám hối có hiệu quả tốt nhất, xin gợi lên tâm tình phải có khi đi vào sám hối đích thực và năm bước thực hành cụ thể.

a) Tâm tình sám hối đích thật

+ Xác tín vào lòng thương xót của Chúa

Ba nhân vật nêu trên, tiêu biểu cho lòng ăn năn sám hối, giúp chúng ta xác tín vào lòng thương xót và sự thứ tha của Thiên Chúa. Tâm tình ăn năn sám hối nơi các ngài khác với mặc cảm tội lỗi. Chính vì thế, khi được tha thứ rồi, các ngài không còn mang mặc cảm tội lỗi nữa, không xa Chúa nữa. Trái lại, trong tâm tình sám hối và xác tín vào lòng thương xót của Chúa, các ngài sống với Chúa và làm chứng cho tình thương của Chúa. Xác tín như thế, thánh Phao-lô khẳng định :  ”Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi » (Gal 2,20).

+ Thái độ khiêm nhường

Ngạn ngữ Latinh viết: “con người là sai lầm” (errare humanum est). Nhưng rất tiếc là có những người không có khả năng nhận ra được sai lầm,  thậm chí còn cho rằng mình không thể phạm sai lầm. Thánh Phê-rô dạy : ”Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho người khiêm nhường” (1 Pr 5,5). Còn thánh Phao-lô thì cảnh giác cho những ai tưởng mình lúc nào cũng đứng vững : “Ai tưởng mình đang đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã” (1 Cr 10,12). Chúng ta chỉ có thể hoán cải thật sự, nếu biết xác tín vào lòng thương xót của Chúa và có lòng khiêm nhường. Tâm tình đó dẫn ta đến việc thực hành việc sám hối đích thực như sau.

 b) Gợi ý năm bước thực hành sám hối[8]

+ Bước 1 : Xin ơn Chúa Thánh Thần để ý thức về tội lỗi của mình.

Trong cầu nguyện, chúng ta ý thức và nhận ra tội lỗi của mình đã xúc phạm đến Chúa và anh chị em.

+ Bước 2 : Hối hận vì những điều xấu mình đã làm.

Sau khi đã ý thức về những lầm lỗi của mình, chúng ta cảm thấy đau buồn và thật lòng hối hận về những thiếu sót và lỗi lầm ấy.

+ Bước 3 : Gặp gỡ Thiên Chúa trong nội tâm.

Noi gương các thánh, khi lỡ phạm tội, chúng ta đến gặp gỡ Chúa, xin Ngài tha thứ và thanh tẩy. Giai đoạn này Chúa cho chúng ta cảm nghiệm được tình yêu và lòng thương xót của Ngài.

+ Bước 4 : Xưng thú tội lỗi.

Tin rằng Chúa sẽ tha thứ và ban lại cho chúng ta niềm vui và sự bình an, chúng ta hãy lướt thắng sự ngại ngùng trong việc xưng tội. Giai đoạn này rất cần thiết, vì nó biểu lộ sự chân thực của lòng ăn năn sám hối.

+ Bước 5 : Quyết tâm sửa đổi đời sống.

Được Chúa tha thứ, chúng ta quyết tâm bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới. Giai đoạn này đòi hỏi sự chiến đấu với chính mình.

Năm bước thực hành sám hối trên đây giúp chúng ta dễ dàng đến với Chúa để đón nhận lòng thương xót của Ngài.

5. MỤC ĐÍCH CỦA SÁM HỐI :

ĐÓN NHẬN ƠN CHÚA

Mỗi lần đến với bí tích Hòa giải  Thánh thể là mỗi lần chúng ta được mời gọi sám hối để đón nhận ơn Chúa.

a) Bí tích Hòa giải

Trước mặt Chúa, chúng ta là những con người yếu đuối, là tội lỗi. Thánh Gioan viết: “Nếu chúng ta nói chúng ta không có tội thì chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta  (1Ga 1,8). Khiêm tốn và thật lòng ăn năn hối cải, đi xưng tội và quyết tâm canh tân đời sống Chúa sẽ tha thứ và chúc lành.

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong bài Giáo lý về Bí tích hòa giải, ngày 19.02.2014 vừa qua, đã khích lệ chúng ta đừng xấu hổ khi phải xếp hàng vào tòa giải tội và xưng tội. Ngài đề nghị mỗi người hãy xét mình xem: “Cách đây hai ngày, hai tuần, hai năm, hai mươi năm hay bốn mươi năm”, chúng ta chưa xưng tội, thì “đừng ngại và đừng để mất thêm một ngày nữa. Hãy đi gặp linh mục. Chúa Giê-su nhân lành, qua linh mục, sẽ đón tiếp bạn”. Đức Thánh Cha kết thúc với xác tín này: “Mỗi lần chúng ta đi xưng tội, Thiên Chúa ôm chúng ta trong vòng tay Ngài và Thiên Chúa mở tiệc ăn mừng”[9]. Vì thế, chúng ta được mời gọi sám hối, không phải chỉ trong Bí tích hòa giải, mà mỗi lần tham dự thánh lễ, là mỗi lần chúng ta thực hành việc sám hối để đón nhận ơn Chúa.

b) Bí tích Thánh Thể

Trong thánh lễ, ít nhất có hai lần, chúng ta tỏ lòng sám hối trước mặt Chúa và một lần chúng ta nhìn nhận mình là kẻ bất xứng.

+ Lần thứ nhất trong thánh lễ (Kinh Thú Nhận)

Khởi đầu thánh lễ, Giáo hội mời gọi sám hối qua lời Kinh Thú Nhận, để tín hữu chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn của Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Kinh Thú Nhận mà chúng ta đọc lúc đầu lễ không phải chỉ là “hình thức”, nhưng đó chính là một hành động sám hối. Tôi là kẻ có tội và tôi thú nhận tội lỗi mình, thánh lễ đã bắt đầu như thế ”[10]. Vì thế, nếu chúng ta đọc chậm rãi với tâm tình khiêm tốn và cầu nguyện, chúng ta sẽ cảm thấy ý nghĩa sâu xa của Kinh này, giúp ta chuẩn bị tâm hồn đón Chúa như thế nào.

Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng

và cùng anh chị em.

Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm

và những điều thiếu sót: lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.

Vì vậy tôi xin Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh các Thiên thần, các Thánh và anh chị em khẩn cầu cho tôitrước tòa Thiên Chúa, Chúa chúng ta.

Chúng ta đọc chung kinh này với cộng đoàn tham dự thánh lễ, nhưng lại dùng đại từ “tôi” chứ không phải “chúng tôi”: “Tôi thú nhận … Tôi đã phạm tội … Lỗi tại tôi”. Điều đó nhấn mạnh đến lỗi của cá nhân xúc phạm đến Chúa và anh em. Kinh này gợi lên bốn điều chúng ta phải sám hối: phạm tội 1) trong tư tưởng – 2) lời nói – 3) việc làm – 4) và những điều thiếu sót.  

+ Lần thứ hai (phần Phụng vụ Thánh thể)

Sau khi chuẩn bị lễ vật và trước lời kêu mời “Anh chị em hãy cầu nguyện để lễ vật của tôi…”, thì chủ tế cúi mình đọc thầm:  “Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận chúng con đang hết lòng khiêm nhường thống hối, xin cho của lễ chúng con dâng trước tôn nhan Chúa hôm nay được đẹp lòng Chúa”[11]. Mặc dù đọc “thầm”, nhưng vì ngài là đại diện cộng đoàn tín hữu, nên dùng công thức là “chúng con”… Và ngay sau đó, với tư cách cá nhân, ngài đọc lời nguyện trong lúc rửa tay: “Lạy Chúa, xin rửa consạch hết lỗi lầm. Tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy”[12]. Để của lễ dâng đáng được Thiên Chúa nhậm lời, linh mục chủ tế, thay mặt cộng đoàn và chính ngài biểu lộ thái độ khiêm nhường thống hối.

+ Lần thứ ba (trước lúc rước lễ)

Trước khi rước lễ, chúng ta tuyên xưng : “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh” (Lc 7,7). Đây là lời khiêm tốn của viên đại đội trưởng xin Chúa chữa lành cho đầy tớ của ông được Tin Mừng thuật lại. Như viên đại đội trưởng kia, từng người chúng ta (xưng là “con” chứ không phải “chúng con”) khiêm nhường nhìn nhận mình tội lỗi, bất xứng, xin Chúa biến đổi để linh hồn chúng ta nên trong sạch hầu được xứng đáng đón rước Chúa ngự vào tâm hồn.

Chúng ta đi lễ với lòng khiêm nhường, như những kẻ tội lỗi, cần đến lòng thương xót của Chúa. Đó cũng chính là lời giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài Giáo lý về Bí tích Thánh thể ngày 12.2.2014 : “Chúng ta đi tham dự thánh lễ vì chúng ta cảm thấy mình là tội nhân, cần đến lòng thương xót của Chúa …  Chúng ta đi lễ bởi vì chúng ta là những kẻ tội lỗi và vì chúng ta muốn nhận được sự tha thứ từ Thiên Chúa, muốn được can dự vào công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu, và sự tha thứ của Ngài”[13].

Kết luận

Mùa chay là Mùa sám hối. Mùa trở về với Chúa. Gương các nhân vật Đavít, Phê-rô và Phao-lô mời gọi chúng ta khiêm tốn trở về với Chúa trong từng ngày sống. Đức HY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận viết: “Nhìn quá khứ để than vãn: vô ích. Nhìn kết quả để kiêu căng: nguy hiểm. Nhìn quá khứ để rút kinh nghiệm cho hiện tại:khôn ngoan” (ĐHV 885). Mùa chay là dịp thuận tiện để nhìn lại mình. Tôi là ai? Tôi có nhìn quá khứ để than vãn? Tôi có nghĩ mình chỉ như người thu thuế, như vua Đavit, Phê-rô và Phao-lô, nhìn nhận sự yếu đuối mỏng giòn, khiêm nhường sám hối, cậy trông vào lòng thương xót của Chúa và cầu xin Ngài biến đổi không?

Mùa Chay là mùa cao điểm của ơn phúc. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để canh tân đời sống, nhờ đó mà mỗi ngày chúng ta nên hoàn thiện hơn. Ngoài ba việc thực hành thông thường trong Mùa này, là cầu nguyện, ăn chay và bác ái, chúng ta được mời gọi ăn năn sám hối vì những thiếu sót lỗi lầm của mình để nhận ơn tha thứ của Chúa. Không thể có ăn năn sám hối nếu không có ơn Chúa giúp. Không thể có sám hối thật nếu không đến với Chúa qua bí tích hòa giải và không làm hòa cùng anh chị em. Xin Chúa giúp chúng ta ý thức Mùa Chay là hành trình chiến đấu thiêng liêng để mỗi ngày chúng ta được đổi mới và nên thánh[14].

Mùa Chay 2014

Lm Gioan B. Nguyễn Văn Hào


[1] Mùa Thường Niên được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn I: từ lễ Chúa Giê su chịu phép rửa đến trước thứ Tư lễ Tro đầu Mùa Chay. Giai đoạn II: từ sau lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống cho đến hết Chúa Nhật lễ Chúa Kitô Vua.

[2] Mùa Vọng là mùa trông chờ Chúa đến. Mùa Giáng Sinh mừng kỷ niệm biến cố quan trọng trong lịch sử cứu độ, Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Mùa Thường Niên giúp chúng ta đào sâu về sứ vụ của Chúa Cứu thế giữa trần gian, những lời Ngài nói và những việc Ngài làm. Lễ Phục Sinh là cao điểm của Năm Phụng Vụ, có Mùa Chay (kéo dài 40 ngày) để chuẩn bị tâm hồn.

[3] Trong mùa Chay, Giáo Hội mời gọi tín hữu thực hành ba việc quan trọng, là “cầu nguyện”, “ăn chay” và “bác ái”.

[4] Đây là Lời Chúa trích từ những câu đầu tiên của Tin Mừng theo thánh Mác-cô. Trước hết, Mac-cô nói về sứ mạng của Gioan Tẩy giả là “kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”  (Mc 1,4). Đức Giê-su, cũng theo Mác-cô, bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai với lời kêu gọi: “Thời kỳ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy ăn năn sám hối  tin vào Tin Mừng” (Mc 1,14)

[5] Mt 21, 28-29 : « Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho. Nó đáp: Con không muốn đâu! Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: Thưa ngài, con đây! nhưng rồi lại không đi ».

[6] Với thánh Phêrô, sám hối là bước đi thứ nhất của hành trình lãnh nhận Thánh Thần. Đó là kinh nghiệm bản thân và cũng là gương sáng của Phêrô: “Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã trao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên (1 Pr 25,3)

[7] Nếu có dịp đi hành trình theo bước chân thánh Phao-lô (tới đảo Sýp, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy-lạp, Rô-ma) chúng ta sẽ cảm nhận rõ nhiệt huyết truyền giáo của thánh nhân như thế nào.

[8] Sách Giáo lý nêu lên năm việc phải làm khi xưng tội : Một là xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng. Hai là xét mình. Ba là ăn năn dốc lòng chừa tội. Bốn là xưng tội. Năm là đền tội (x. số 1450, 1460, 1491).

[9] Trích từ bản văn tiếng Pháp trong Catéchèse du Pape François sur le sacrement de la réconciliation du 19 février 2014 : « Que chacun réfléchisse… Il y a deux jours, deux semaines, deux ans, vingt ans, quarante ans ? Que chacun fasse le compte, mais que chacun se dise : quand est-ce que je me suis confessé pour la dernière fois ? …  Mais moi, je vous dis : chaque fois que nous nous confessons, Dieu nous serre dans ses bras, Dieu fait la fête ! Avançons sur ce chemin ! Que le Seigneur vous bénisse ! » (x. Zenit.org : Rome, 19 février 2014 ).

[10] Trích từ bản văn tiếng Pháp trong Catéchèse du Pape François sur l’Eucharistie du 12 février 2014(‘L’eucharistie incite à l’ouverture aux autres’) : « Le ‘je confesse’ que nous disons au début n’est pas ‘pour la forme’, c’est un véritable acte de pénitence ! Je suis pécheur et je le confesse, c’est ainsi que commence la messe » (x. Zenit.org : Rome, 12 février 2014 ).

[11] Câu này trích từ thánh ca của A-da-ri-a trong lò lửa (x. Đn 3, 39-40).

[12] Đây chính là lời trích trong lời sám hối của vua thánh Đavít (x. Tv 51,4).

[13] Trích từ bản văn tiếng Pháp trong Catéchèse du Pape François sur l’Eucharistie du 12 février 2014(‘L’eucharistie incite à l’ouverture aux autres’) : ”… Si l’un de nous ne sent pas qu’il a besoin de la miséricorde de Dieu, ne sent pas qu’il est pécheur, il vaut mieux qu’il n’aille pas à la messe ! Nous allons à la messe parce que nous sommes pécheurs et que nous voulons recevoir le pardon de Dieu, prendre part à la rédemption de Jésus, à son pardon (x. Zenit.org : Rome, 12 février 2014 ).

[14] Lời nguyện nhập lễ Thứ Tư Lễ Tro: ”Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần”.

 


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu