Niềm vui đời linh mục
Thứ Năm Tuần Thánh là Ngày của các linh
mục, vì thế các vị giáo hoàng, cách riêng là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II,
thường gửi thư cho các linh mục vào Thứ Năm Tuần Thánh. Góp
phần vào ngày đặc biệt này, xin chọn hai thông tin để chúc mừng và cảm ơn các
linh mục.
1. Thông tin thứ nhất là cuốn sách của Đức
ông Stephen Rossetti, mang tựa đề Tại sao các linh mục hạnh phúc?Một nghiên cứu về sức khỏe tâm lý và thiêng liêng nơi các
linh mục (Why Priests Are Happy? A Study of the Psychological
and Spiritual Health of Priests, Ave Maria
Press, 2011). Đức ông Stephen Rossetti là chuyên viên có
tiếng về Tâm Lý, từng là viện trưởng Saint Luke Institute, nơi đào tạo và điều
trị bệnh tâm thần cho linh mục, tu sĩ. Hiện nay ông là giáo
sư mục vụ tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ. Tác phẩm nói trên là kết quả của những
công trình nghiên cứu tâm lý nơi các linh mục. Cụ thể
là hai nghiên cứu được thực hiện năm 2004 và 2009. Nghiên cứu năm 2004
thăm dò ý kiến của 1.242 linh mục dòng, nghiên cứu năm 2009 thăm dò ý kiến của
2.782 linh mục thuộc 23 giáo phận trên khắp nước Mỹ.
Theo những khảo sát trên, 90 – 92,4% các
linh mục cho biết họ rất hạnh phúc trong đời sống linh mục, và 80 – 88,9% cho
biết tinh thần họ rất tốt. Nếu đối chiếu kết quả này với nghiên cứu về đời sống
người dân Mỹ nói chung, sẽ thấy đây là kết quả hết sức
tích cực. Theo nghiên cứu năm 2009, thăm dò ý kiến 5.000 gia đình người Mỹ, chỉ
có 45% cho biết họ hài lòng với công việc của mình.
Cũng dựa trên những thăm dò ý kiến từ
các linh mục, nghiên cứu trên cho thấy những điều chính yếu đem lại hạnh phúc
cho đời sống linh mục là: (1) Cảm nhận sự bình an nội tâm; (2) Sống mối tương
quan với Thiên Chúa; (3) Nhìn đời sống độc thân như tiếng gọi của Chúa; (4)
Vâng phục giám mục và những vị có trách nhiệm; (5) Chuyên cần trong đời sống
thiêng liêng như cầu nguyện, đọc sách nguyện, lần chuỗi Mân Côi, đọc sách
thiêng liêng, lãnh bí tích Giải tội. Điều đáng nói ở đây là
những công việc trên không phải là lời khuyên của Đức giáo hoàng hoặc các nhà
đạo đức, nhưng là kinh nghiệm sống của đại đa số các linh mục cảm nhận đời linh
mục là hạnh phúc.
2. Thông tin thứ hai là về cha Tomáš Halík, người Cộng hòa Séc, được trao giải thưởng
Templeton năm 2014. Đây là giải thưởng danh giá, được thành lập từ năm 1972 và
đặt tên theo người sáng lập là Sir John Templeton
(1912–2008). Từ năm 1972 đến 2001, giải thưởng này mang tên Giải
Templeton cho sự tiến bộ về tôn giáo; từ năm 2001 đến nay, giải có tên gọi
làGiải Templeton dành cho sự tiến bộ trong nghiên cứu và những khám phá các
thực tại thiêng liêng. Về mặt tài chính, giải thưởng này
có trị giá lớn hơn giải Nobel vì người lãnh giải được trao tặng 1.100.000 euro,
tuy nhiên giá trị tinh thần của giải mới đáng kể.
Lãnh giải Templeton, cha Tomáš Halík được xếp chung với
những nhân vật danh tiếng trong lịch sử đương đại như Mẹ Têrêxa, Alexander
Solzhenitsyn, Tổng giám mục Desmond Tutu, Đức Đalai-Lama, Billy Graham. Cha
Tomáš được xem như khuôn mặt quốc tế với hơn
200 ấn phẩm và dịch ra nhiều thứ tiếng, được mời giảng dạy và thuyết trình về
Triết học và Tâm lý tôn giáo tại nhiều nơi trên thế giới, và đã từng lãnh nhiều
giải thưởng danh giá khác.
Điều lạ là vị linh mục
nổi tiếng này lại sinh ra và lớn lên trong bầu khí vô thần. Cha ông là một sử gia
về văn học và thuộc thành phần trí thức trong xã hội. Cha
Tomáš kể lại rằng, “Cả một bầu khí
nhân bản thế tục bao trùm. Chúng tôi cũng mừng lễ
Giáng Sinh nhưng không bao giờ đến nhà thờ. Kinh Thánh
cũng được nhắc đến trong giáo dục nhưng chỉ giống như các thần thoại Hi Lạp”.
Thế nhưng khi lớn lên ông lại say mê văn hóa Công giáo, nhất là những tác phẩm
Công giáo trong tiếng Anh: “Cha tôi là một sử gia về văn chương. Chính ông là
người xuất bản tác phẩm của nhà văn Karel Čapek, Cộng
hòa Séc, và Čapek lại rất gần với Chesterton. Cho nên trong
tủ sách của cha tôi, có đầy đủ những sách của Chesterton”. Nhờ đó Tomáš đọc và say mê các tác phẩm của Chesterton, Graham
Greene, John Henry Newman. Năm 18 tuổi, Tomáš nhận bí tích Rửa tội. Năm 1968, khi
chính quyền Cộng sản cởi mở hơn, ông đã sang Anh học ngành Triết lý tôn giáo
tại đại học
Ý nghĩ trở thành linh mục xuất hiện khi
quân Xô Viết tấn công Tiệp Khắc. Mặc dù say mê văn hóa Anh, ông quyết định trở
về Tiệp Khắc vì “Tôi phải làm điều gì đó lớn hơn cho cuộc đời mình. Tôi không thể chỉ sống cho nghề nghiệp, tiền của. Tôi phải hiến cuộc đời mình cho điều gì đó có giá trị cao cả hơn.
Và tôi nghĩ đó là một trong những bước đầu tiên dẫn tôi đến
quyết định làm linh mục”. Cha Tomáš đã học thần học và chịu chức “chui” năm
1978 ở Đông Đức.
Sau khi chính quyền Cộng sản sụp đổ, cha
Tomáš trở thành bạn của vị tổng thống mới là
Václav Havel, người từng tham gia nhóm trí thức của thân phụ cha Tomáš, và Václav Havel từng nhắc tới cha Tomáš như người có thể kế vị ông trong nhiệm vụ tổng
thống. Tuy nhiên cha Tomáš
không tham gia chính trị. Ông dành tất cả công sức cho
giáo xứ của mình ở đại học và đã gặt hái những hoa trái phong phú trong việc
Phúc-Âm-hóa. Trong những năm qua, cha đã rửa tội cho
1.000 người trẻ. Riêng trong năm 2014 này, ngài cho
biết có 105 dự tòng và nhà thờ của ngài lúc nào cũng đầy người. Bí quyết
của những thành công này, theo cha, là phải xây dựng một Giáo hội sống động với
những chương trình thiêng liêng, tĩnh tâm, những khóa học cho người Công giáo
cũng như ngoài Công giáo.
3. Tôi cố tình chọn một thông tin về các
linh mục trong quốc gia đứng đầu của thế giới tư bản, và một hình ảnh linh mục
từng sống trong chế độ Cộng sản. Để thấy dù sống ở đâu, linh
mục cũng phải đối diện với những khó khăn và thử thách. Trong chế độ Cộng sản thì đã rõ, chỉ nguyên chuyện tu chui và chịu
chức chui của cha Tomáš Halík đã nói
lên tất cả. Còn trong chế độ tư bản, dù bên ngoài hết sức tự do nhưng
các linh mục phải chịu một sức ép rất lớn của nền văn hóa thế tục, nền văn hóa
đi ngược lại những giá trị Phúc Âm và sẵn sàng nuốt chửng những ai không đi
theo nó.
Thế nhưng dù chủ nghĩa vô thần hay văn
hóa thế tục, vẫn không thể dập tắt tiếng gọi thầm kín mà mãnh liệt của Thiên
Chúa trong trái tim con người. Ơn
gọi Kitô hữu và linh mục đến với chàng thanh niên Tomáš Halík ngay giữa những cấm cách và bắt bớ tôn giáo. Hơn 90% linh mục ở Mỹ khẳng định các ngài đang sống hạnh phúc, mặc
cho các phương tiện truyền thông xã hội tìm mọi cách bêu xấu các linh mục.
Lý do là vì chọn lựa căn bản của các
linh mục. Nói theo cha Tomáš Halík, các ngài không chọn làm linh mục vì nghề
nghiệp hay tiền của, nhưng vì những giá trị cao cả hơn, những giá trị của Tin
Mừng, Nước Trời, phẩm giá làm người. Khi một người đã chọn và dám sống cho
những giá trị cao cả ấy, thì những khó khăn và thử thách bên ngoài lại càng
nung nấu quyết tâm mạnh mẽ hơn, mang lại niềm vui và hạnh phúc sâu xa trong tâm
hồn chứ không chỉ là niềm vui chóng qua và ồn ào bên ngoài.
Chọn lựa căn bản ấy được thốt lên một
lần trong ngày chịu chức và phải làm mới lại mỗi ngày, vì thế bí quyết hạnh
phúc chính là hằng ngày lớn lên trong tình bạn với Chúa Giêsu. Thứ Năm Tuần
Thánh là thời điểm các linh mục nghe lại và ghi nhớ những lời thân tình của
Thầy Giêsu: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ nhưng là bạn hữu, vì những gì Thầy
đã nghe biết nơi Cha của Thầy, Thầy đã tỏ cho anh em biết” (Ga 15,15). Để ở lại trong tình yêu của Thầy, nhờ đó “niềm vui của
Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 15,11).
Thiên Triệu