DẤN THÂN PHỤC VỤ

THEO TÁC ĐỘNG CỦA THÁNH THẦN

 

 

Sự dấn thân phục vụ của Kitô hữu khác với mọi người ở chỗ là phục vụ theo chương trình của Thiên Chúa, trong tình yêu mến Đức Kitô và Giáo Hội, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Ý thức thân phận mỏng giòn yếu đuối của mình, người phục vụ biết luôn đặt mình trong Chúa. Trong tâm thế đó, chúng ta vững tin vào lời Chúa Giêsu hứa với các môn đệ trong Phòng Tiệc Ly xưa, là Ngài sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban Đấng Bảo Trợ đến, để ở với tất cả những ai yêu mến và sống theo đường lối Người.

Chúa Thánh Thần là tác nhân chính yếu trong mọi hoạt động của sứ vụ, để giúp chúng ta biết hợp nhất với Đức Kitô và hướng về Thiên Chúa Cha. Vì thế mà người phục vụ cần phải gắn bó mật thiết với Chúa Thánh Thần, mà trước tiên là nhận ra sự hiện diện và tác động của Ngài.

1. Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.

Như lời hứa của Chúa Giêsu, sau phục sinh, đến lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần xuống trên các Tông Đồ. Và họ bắt đầu ra đi thực hiện sứ vụ mà Chúa Giêsu mong muốn. Ngay từ những ngày đầu, trong Giáo Hội, các tín hữu đã nhận thấy sự hiện diện của Chúa Thánh Thần (x. Cv 2,1-4). Chính Chúa Thánh Thần thúc đẩy các Tông Đồ khai mở việc truyền giảng Phúc Âm cho các dân tộc. Khi bị ngược đãi và bách hại bởi những người Do Thái quá khích, các tín hữu vẫn chuyên cần cầu nguyện trong Thánh Thần. Họ sống với nhau với lòng đơn sơ, đồng tâm nhất trí, trong tâm tình chia sẻ...

Xem lại trình thuật của sách Công vụ về việc Philipphê đến rao giảng tại một làng xứ Samaria và rửa tội cho một người Êtiôpia do sự thúc đẩy của Thánh Thần. Lại nữa, chính trong nhóm người được phục vụ cũng có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Trước khi làm phép rửa cho gia đình Cornêliô, Phêrô và tùy tùng đã thấy Thánh Thần cũng ngự xuống trên họ giống như ngày nào đã ngự xuống trên các Tông Đồ dịp lễ Ngũ Tuần.

Nhờ Thánh Thần, mọi thành phần trong Giáo Hội được liên kết với nhau nên một. Cho đến nay, thời hậu Công Đồng Vatican II, Giáo Hội vẫn đầy dẫy những dấu chỉ hoạt động của Chúa Thánh Thần, để từ đó luôn mở rộng cánh cửa tòa nhà Giáo Hội, cho muôn dân thấy về mình, và cũng để mời gọi đi vào đời sống đức tin Công Giáo. Việc rao giảng đòi phải kèm theo một đời sống chứng nhân hết sức sống động. Do vậy, người phục vụ cũng phải gắn kết với những ơn ban của Thánh Thần.

Khi nói về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, ta phải hiểu rằng Ngài đã hiện diện nơi con người mọi nơi và mọi thời, mọi nền văn hóa, mọi tôn giáo... Từ đó, ta cần tránh tâm thức giành lấy độc quyền Thánh Thần cho riêng mình, hoặc một nhóm người của mình, hoặc chỉ giới hạn trong Giáo hội của mình. Hãy để Thánh Thần “muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3, 8). Nhiệm vụ của chúng ta là đặt mình dưới sự hiện của Thánh Thần để lắng nghe, vâng theo và thực thi ý Người.

Thánh Phaolô với kinh nghiệm về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần đã không ngừng khẳng định về các ơn ban và hoa trái tốt đẹp của Người trong đời sống tín hữu. Chỉ nhờ Thánh Thần, con người mới có thể theo gương Chúa Giêsu mà gọi Thiên Chúa là “Ábba, Cha ơi !”.

Chỉ trong Thánh Thần, con người mới có thể thiết lập tương quan liên vị với một Thiên Chúa Ba Ngôi. Như thế, ngay trong đời sống tự nhiên, con người cũng đã nhận ra Chúa Thánh Thần, huống chi trong đời sống thiêng liêng, họ càng khám phá ra rằng, nếu không có Thánh Thần, họ không thể hướng về Thiên Chúa trong tâm tình của người con thảo được.

Tóm lại, từ lời hứa của Chúa Giêsu, người tín hữu nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần ngay trong đời sống Giáo Hội suốt hơn 2000 năm qua. Chính Thánh Thần là mối dây tình thương kết nối con người với nhau. Quan trọng hơn hết, chỉ nhờ Thánh Thần, con người mới có thể nhận ra và tôn thờ Thiên Chúa cho phải đạo. Vậy thì đâu là những tác động của Chúa Thánh Thần trong đời sống người Kitô hữu nói riêng và con người nói chung?

2. Tác động của Chúa Thánh Thần

Trước tiên, Chúa Thánh Thần giúp con người tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi. Lại nữa, chỉ trong Thánh Thần, con người mới có thể xác tín vào mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc của Chúa Giêsu Kitô – Ngôi Hai Thiên Chúa. Đức tin tinh tuyền mà các Tông Đồ truyền lại cũng chính là đức tin của Giáo Hội cho đến ngày nay. Người phục vụ phải giữ gìn truyền thống sống động của đức tin thì mới có thể giới thiệu đức tin của mình cho người khác. Tin vào Thiên Chúa cũng là tin vào Giáo Hội – Thân Mình mầu nhiệm của Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc loài người.

Niềm tin mà chúng ta đón nhận trong Giáo Hội cần phải được đi vào đời sống đạo bằng những cử hành phụng vụ. Chỉ trong Thánh Thần, con người mới có thể thờ phượng Thiên Chúa cho đẹp lòng Ngài. Bắt đầu mỗi nghi thức phụng vụ, Giáo Hội luôn mời gọi con cái mình mở lời cầu xin Thiên Chúa là Cha – Con và Thánh Thần ban ơn giúp sức. Cũng nhờ tác động của Thánh Thần, con người mới có thể lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Cử hành Thánh Thể cũng là cử hành mầu nhiệm đức tin, nên không thể tách rời Thánh Thần ra khỏi những cử hành sống động của Hội Thánh được.

Sóng đôi với việc cử hành phụng vụ, con người đi vào đời sống qua những mối tương quan với người khác trong môi trường sống của mình. Khi đó, Chúa Thánh Thần “sẽ dạy các con mọi điều ”. Thật thế, chính Thánh Thần thúc đẩy chúng ta sống yêu thương người khác như chính mình, và còn yêu thương ngay cả những người thù ghét mình. Để có thể sống yêu thương như thế, việc cầu nguyện không thể thiếu trong đời sống Kitô hữu. Cũng chính Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta, và không ngừng “sửa lại mọi sự trong ngoài” của chúng ta.

Chúng ta cần học biết lắng nghe và nhận ra hành động của Chúa Thánh Thần trong tận thâm sâu cõi lòng mình, bằng tự do nội tâm, sống thật với lòng mình, và bằng việc dám chết cho cho ý riêng mình mình để Thánh Ý Thiên Chúa được thể hiện.

3. Người phục vụ gắn bó với Chúa Thánh Thần

Sau khi đã nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và những tác động của Ngài trên nhân loại và trong vũ trụ, người phục vụ cần gắn bó mật thiết với Chúa Thánh Thần trong mọi hoạt động đời mình. Chỉ khi gắn bó với Thánh Thần, ta mới ham phục vụ tận tình. Nhờ ơn Thánh Thần thúc đẩy, ta mới có nhiệt huyết tông đồ.

Phục vụ con người ngày nay không dễ, nhất là phục vụ qua việc gặp gỡ, đối thoại và rao giảng. Ngày nay, người ta ít còn chú ý đến những thực tại thiêng liêng, mà chỉ quan tâm nhiều đến những thực tại hiện hữu quanh mình. Nếu không có nhiệt huyết phục vụ, chúng ta sẽ dễ chán nản khi có cảm giác rằng chẳng còn ai chú tâm nghe mình, vì họ chẳng còn tin ai là người công chính, dù một người cũng không (x. Rm. 3,10 ). Nhưng, trong Chúa Thánh Thần, ta nhận ra mình còn phải sống những gì mình rao giảng. Khi đó, việc phục vụ tận tình mới minh chứng cho con người thời đại những chân lý yêu thương mà Thiên Chúa vốn đã phú bẩm sẵn nơi lòng con người. Và qua đời sống của những chứng nhân – thầy dạy của chính mình, người đời mới nhận ra chúng ta đang phục vụ tận tình vì lòng yêu mến họ.

Chúa Thánh Thần là chính Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho con người. Tình Yêu đó thể hiện nơi công cuộc sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa. Tình Yêu đó cũng là chính hoạt động quan phòng khắp hoàn vũ. Nhờ gắn bó mật thiết với Chúa Thánh Thần là nguồn mạch Tình Yêu tuyệt đối, tình yêu của chúng ta được thể hiện cách sâu xa và tinh tế hơn trong sự phục vụ.

Hơn nữa, khi biết gắn bó với Chúa Thánh Thần, chúng ta mới biết phục vụ trong sự tôn trọng tha nhân. Thế giới ngày nay đề cao nhân quyền cách triệt để, đòi hỏi được tôn trọng tự do và bình đẳng trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Nhưng qua đó, chúng ta cũng nhận ra những điều thái quá trong quan niệm và cách hành xử của con người ngày nay. Điều đó dẫn đến những tâm thức sống không cần đến Thiên Chúa nữa. Tuy nhiên, trong Thánh Thần, người phục vụ ý thức rằng, tôn trọng tha nhân là đón nhận chính họ trong tình yêu Chúa. Chỉ trong Thiên Chúa, con người mới đáng trân quý và đáng được tôn trọng cách xứng hợp. Chính cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô minh xác điều này. Trong Thánh Thần, bằng sự dấn thân phục vụ của mình, chúng ta cũng minh chứng cho thế giới thấy mình đang sống những giá trị tự do và bình đẳng huynh đệ một cách sâu xa.

Tóm lại, chúng ta gắn bó với Chúa Thánh Thần để phục vụ như Chúa Giêsu, Đấng là mẫu gương phục vụ tuyệt hảo để đem lại những thiện hảo cho đời. Dẫu biết rằng bước đường dấn thân phục vụ còn nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh con người muốn gạt Thiên Chúa ra bên lề cuộc sống của họ, nhưng người phục vụ vẫn có một niềm vui sâu xa vì ý thức rằng mình phục vụ chính Chúa (x. Ep 6, 7), Đấng không ngừng tái tạo và đổi mới con người để đem lại cho họ sự sống mới.

4. Giáo huấn từ Lời Chúa

a. Phục vụ là tạo môi trường thuận lợi để Chúa Thánh Thần hoạt động

Ngôn sứ Isaia tiên báo Thiên Chúa muốn trao ban Thánh Thần cho tất cả mọi người (x. Is 44,3). Nhiều nơi trong Thánh Kinh cho chúng ta thấy rằng Chúa Thánh Thần thường hoạt động trong môi trường có tình yêu thương (x. Rm 5,5; 1 Ga 4,12-13 ). Do đó, mọi Kitô hữu, cách riêng là những người có sứ mạng phục vụ Tin Mừng phải tạo ra môi trường đó cho Chúa Thánh Thần hoạt động. Chúng ta không phải chỉ trang bị cho mình những khả năng cần thiết để phục vụ, mà điều quan trọng hơn là phải nuôi dưỡng cho mình một trái tim sống động và những phẩm chất của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Khi nhìn vào sự phục vụ của chúng ta, người ta không chỉ muốn nhìn thấy một con người ân nhân mà còn muốn thấy rõ dáng vẻ một con người đang yêu mãnh liệt, yêu sáng tạo, yêu không mệt mỏi. Chính tình yêu Chúa thúc đẩy chúng ta bắt nhịp cầu yêu thương đến với tha nhân. Khi nhịp cầu tình người chạm đến người được phục vụ, môi trường tình yêu ấy là điều kiện thuận lợi cho Chúa Thánh Thần hiện diện và hoạt động (x. Rm 5,5 ). Bấy giờ, người được phục vụ không chỉ nhìn thấy trái tim tình người nơi người phục vụ mà họ còn cảm nghiệm được trái tim Chúa, tạo nên mối tình thiêng liêng mà họ khát khao tận đáy lòng.

Theo Thánh Phaolô, chính lúc đó, nhờ Thánh Thần, họ có thể kêu lên Chúa Cha bằng tiếng Abba, và tin nhận Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa. Chính sự hiện diện của Chúa Thánh Thần làm sáng lên khuôn mặt khả ái của Thiên Chúa Ba Ngôi. Và vì thế, người phục vụ và người được phục vụ nối kết chặt chẽ với nhau trong tình yêu nhờ Chúa Thánh Thần (x. 1Cr 12,4-11 ), và cả hai có sức nối kết mãnh liệt các anh chị em khác. Chính lúc người được phục vụ đón nhận Chúa Thánh Thần là lúc cuộc sống họ tràn đầy hoan lạc, họ cảm nhận được nguồn bình an đích thực (x. Rm 14,17 ), họ được thúc đẩy hướng đến một đời sống thánh thiện (x. Rm 1,4), để đạt được sự sống vĩnh cửu (x. Rm 8, 11).

Nơi người được phục vụ, Chúa Thánh Thần không dừng lại ở đó, mà Ngài còn thúc đẩy họ bắt nhịp cầu yêu thương đến những anh chị em chung quanh họ, và tiếp tục biến họ thành chứng nhân trung thành của Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi giữa xã hội đầy hận thù, ghen ghét. Từ đó, họ có đủ nghị lực và khả năng làm chứng cho Chúa Giêsu Tình Yêu như chính Chúa Thánh Thần là Đấng đã làm chứng cho Đức Giêsu Tình Yêu (x. 1Ga 5,6) hầu dẫn đưa các tín hữu đến chân lý vẹn toàn (x. Ga 16, 13).

b. Phục vụ trong Thánh Thần là phục vụ trong tinh thần hợp nhất (1 Cr 3, 5 – 17)

Có thể nói, phục vụ là thái độ nền tảng, chi phối toàn bộ cuộc sống của con người thuộc về Thánh Thần, Đấng tự hiến cho sự kết hợp giữa Chúa Cha và Chúa Con, cũng như kết hợp mọi người trong Thiên Chúa. Theo Thánh Phaolô, khi nào ta còn ghen tương, cãi cọ, tranh chấp, tệ hơn nữa là nói xấu và hạ bệ lẫn nhau, đó là lúc ta còn để cho tính xác thịt chi phối. Bao lâu còn sống theo tính xác thịt, con người không thể lắng nghe và buông theo Thánh Thần. Sự chia rẽ còn nằm ở chính bản thân mình thì mình không thể sống hòa hợp với Chúa và mọi người.

Nhiều khi sự chia rẽ nằm ngay trong Giáo Hội, phát sinh từ khuynh hướng tôn sùng lãnh tụ. Ở giáo đoàn Côrintô, một số tôn sùng Phaolô, số khác Apôllô, v.v... Trong một số các giáo xứ ngày nay vẫn có những phe nhóm, nhóm theo linh mục này, nhóm theo linh mục kia. Trong các Nhà Dòng cũng có khi như thế, nhóm theo bề trên này, nhóm theo bề trên kia. Đôi khi, chính những người lãnh đạo trong Giáo Hội lại chia rẽ nhau, vì qua phục vụ nhằm tìm uy tín và ảnh hưởng cho riêng mình. Đó là những bài học nhức nhối, để ta biết ý thức đừng bao giờ phục vụ vì mình, mà vì Chúa. Người phục vụ trong Thánh Thần là như thế, chỉ vì sự hợp nhất trong đức tin, trong tình mến. Ngay chính việc mình làm nên cũng không phải do mình, mà cuối cùng đều do Chúa: "Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên". Đừng quên rằng " từ khởi sự cho đến hoàn thành, đều nhờ bởi ơn Chúa". 

c. Để phục vụ, phải luôn lắng nghe Thánh Thần (Rm 8, 14 – 17)

Bất cứ ai dấn thân trong việc phục vụ, nếu biết lắng nghe tiếng nội tâm cũng sẽ thấy như  "đụng chạm" tới Chúa Thánh Thần. Đặc biệt khi có dịp tiếp xúc với các tâm hồn chân thành và nhậy bén trong lãnh vực thiêng liêng, càng thấy rõ ràng hơn sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần. Cũng chính vì vậy, công việc phục vụ tuy gặp khó khăn nhưng lại rất hứng thú, vì chính trong những khó khăn, ta lại cảm được bàn tay Thần Linh, khi ẩn khi hiện, nhưng luôn gần gũi để uốn nắn, dẫn dắt và tăng sức.

Càng có đời sống nội tâm sâu xa ta càng dễ bắt được làn sóng của Thánh Thần và để Người dẫn dắt. Nương theo sự dẫn dắt này, ta dám đi đến những nơi mình không muốn, làm những điều mình không thích, và do đó, trở nên rất linh động và can trường. Cuộc đời của các ngôn sứ, các thánh Tông Đồ, các nhà đại truyền giáo là như vậy. Và đó là ý nghĩa lời Chúa nói với thánh Phêrô: "Khi ngươi còn trẻ, ngươi tự mặc áo lấy và ngươi đi nơi ngươi muốn. Nhưng khi đã về già thì ngươi giang tay để người khác choàng áo cho và dẫn ngươi đi nơi ngươi không muốn" (Ga 21,18).

Già trẻ đây không tính về tuổi tác, nhưng về sự trưởng thành trong đời sống thiêng liêng, và người khác ở đây không ai khác hơn là Thánh Thần, Đấng không chỉ thúc đẩy mà còn lôi kéo những ai dám buông mình cho Ngài. Chính vì vậy mà người tông đồ trở nên can đảm và tích cực hơn trước, không còn dựa theo sự khôn ngoan của loài người, nhưng dựa trên sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Nhưng không phải tất cả mọi tiếng nội tâm đều là tiếng Chúa Thánh Thần. Cũng có tiếng của tư lợi, tiếng của danh vọng, tiếng của ảo tưởng, và cả tiếng của thần dữ tìm cách đánh lừa người tông đồ để lái đi theo đường khác. Vì vậy, sống theo tiếng Chúa Thánh Thần đòi hỏi một cuộc hành trình thiêng liêng có thể tóm lại trong ba nấc chính:

-          Tự do nội tâm: Đời Kitô hữu trước tiên là cuộc hành trình thanh luyện để có được sự tự do nội tâm. Nếu không có tự do nội tâm, người phục vụ sẽ không nghe thấy Tiếng Huyền Nhiệm, mà chỉ nghe thấy tiếng huyền thoại. Phải để cho lòng mình được tự do thanh thản trước tất cả mọi thụ tạo, không ham hố, không dính bén, không đòi sở hữu, không bị lung lạc trước những lợi lộc, danh giá, quyền hành.... Vì tất cả đều có thể trở thành ngẫu tượng của lòng mình. Đừng sợ mất mát để dám từ bỏ tất cả, vì thật ra ta chẳng mất gì cả, mà sẽ tìm lại được tất cả trong Chúa một cách trung thực và bền vững.

-          Thành thực với lòng mình: Tất cả mọi hoạt động trong việc phục vụ chỉ nhắm có một mục đích duy nhất: đem Chúa đến cho người khác; để Chúa được tôn vinh, hay nói theo khẩu hiệu của thánh I-Nhã: "ad majorem Dei gloriam". Tuy nhiên, cũng phải luôn cảnh giác, lắm khi nói là vì Chúa, nhưng tình thực là vì những lý do khác. Vì vậy, cần phải thành thực với lòng mình: dám nhìn thẳng mặt các động cơ thúc đẩy làm căn nguyên cho các lựa chọn và hành động; luôn luôn trở về nội tâm để dò hỏi lòng mình và gọi mỗi căn nguyên với chính tên của nó.

-          Chết cho chính bản thân: Chính vì có can đảm nhìn thẳng sự thật để khỏi tự dối mình mà chúng ta dần dần tiến từ đời sống của người tông đồ: từ bước đầu, mình là trung tâm điểm để chuyển sang bước thứ hai mà Chúa Giêsu là trung tâm điểm. Dù vậy, đời sống phục vụ của chúng ta vẫn là một cuộc chiến đấu liên lỉ và gay go để đưa mình ra ngoài, và đưa Chúa Giêsu vào trong, tận trung tâm cuộc sống và mọi hoạt động. Cuộc chiến này đòi ta dám chết cho chính bản thân mình. Chỉ khi chúng ta dám chấp nhận chết cho chính mình mới có thể phục vụ tha nhân một cách đích thực và hữu hiệu, theo kế hoạch của Thiên Chúa, nhờ Đức Kitô, trong Chúa Thánh Thần.

-

Lời nguyện

Lạy Chúa Thánh Thần!
Ngài là Tình Yêu thông hiệp giữa Chúa Cha và Chúa Con,
và là tình yêu liên kết giữa con người với Thiên Chúa.

Đời sống phục vụ của con
là đời sống của Chúa trong con,
là đời sống của con trong Chúa.

Xin cho con luôn sẵn sàng để buông mình theo ân sủng,
để hành động theo sự soi sáng và thúc đẩy của Chúa.

Xin cho con biết sống vì tình yêu, để con yêu vì cuộc sống,
biết yêu những gì tốt đẹp, biết ghét những gì xấu xa,
biết vượt qua những gì tăm tối,biết khai đường mở lối vươn lên.

Xin cho con biết đưa tình yêu vào cuộc sống,
biết đưa cuộc sống vào tình yêu,
để từng giây phút con yêu làm nên cuộc đời con sống,
hòa nhập cả hai nên một: sống là yêu, yêu là sống.

Vì con hiểu rằng, Thiên Chúa Hằng Sống,
cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu.

Xin tình yêu Chúa bao phủ trái tim con,
để mọi sự phát xuất đều do tình yêu Chúa,
không làm gì mà không phải bởi tình yêu. Amen.

 

Lm. Thái Nguyên


Tu Đức