Thánh Augustino: „Yêu thương
rồi hãy làm những gì bạn muốn!“
(Những câu nói nổi tiếng của
Thánh Augustino
do Marianne Ligendza tuyển tập)
Lời
nói đầu:
Cách
nay khoảng 1600 năm, tức vào năm 386, sự hoán cải của Aurelius Augustino đã diễn
ra. Đây là một sự kiện tâm linh vẫn còn chiếu sáng và ảnh hưởng tới thời đại
hôm nay.
Cuộc
sống của con người này (354-430) rất hấp dẫn nơi nhiều khía cạnh của nó, và là
nét điển hình trong sự mãnh liệt và tính chân thực của việc tìm kiếm: một cuộc sống đầy căng thẳng trong một thời
điểm bị thay đổi tận căn nơi tất cả các lãnh vực, tương tự như trong nhiều khía
cạnh của thời đại chúng ta.
Đây
là thời gian di tản của những đám đông: dân chúng với tâm trạng hết sức khác biệt
đã chia sẻ một môi trường sống giống nhau; sự mời chào thiên hình vạn trạng của
những giáo phái và các cộng đồng tôn giáo khác nhau, cũng như của thế giới dân
ngoại, và mô hình suy tư triết học lại hầu như có thể được gọi là đa nguyên. Sự
tan rã dần dần của đế quốc Rô-ma đã đạt đến cực điểm trong sự xâm lăng và tàn
phá thành phố Rô-ma của người Goth (410). Như vậy Ausgutino đã nếm trải sự điêu
tàn của một nền văn hóa; nhưng một nền văn hóa mới lại đã hửng sáng. Tính mềm dẻo
đối với các quan điểm văn hóa phương Tây của Ky-tô giáo thời Trung Cổ được đưa
ra: dưới thời hoàng đế Konstantin, thế giới Ky-tô Giáo có được sự tự do trong Đức
Tin (313), và dưới thời hoàng đế Theodosius, Ky-tô giáo đã trở thành quốc giáo
(391); tất cả nền phụng tự ngoại giáo đều bị cấm. Ausgutino – người có thiên
tài về tri thức, được trang bị với một trí khôn sắc bén, nhưng cũng là một con
người đầy sinh lực và mạnh mẽ, một người
ý thức về sự mâu thuẫn nội tại nơi bản tính của mình, và cũng là người
kiếm tìm. Ông sinh tại Tagaste của Numidien thuộc Bắc Phi (Tức Algeria ngày
nay); là Giáo sư của môn hùng biện và tu từ học, trước tiên tại Karthago và sau
đó là Rô-ma và Milan.
Một mặt,
ông không hề có thành kiến với những cám dỗ của cuộc sống này: ông yêu thích sự
sa hoa và những thú vui, và thường thích đi vào những hý viện và rạp xiếc.
Nhưng mặt khác ông lại là người đang tìm kiếm Thượng Đế ở bước khởi đầu. Trước
đây ông đã từng nghiên cứu triết học. Trong nhiều năm trời, ông là thành viên của
một giáo phái rất nổi tiếng, đó là giáo phái Manike, một giáo phái khá phổ biến
ở vào giai đoạn cuối của thời cổ đại Ky-tô giáo mà sự tiếp tục phát tán của nó
đã được nhìn thấy.
Một nỗi
khát khao cũng như một sự rối loạn lớn trong tâm hồn đã làm ông phải lo âu, nó
khiến ông phải kiếm tìm chân lý mà chỉ với nói ông mới có thể có được một điểm
dựa vững chắc cuối cùng. Ông cảm thấy bị giằng xé trong lòng và đau đớn giữa việc
kiếm tìm sự thành đạt, bước đường công danh, tiền bạc và sự tận hưởng vô hạn đối
với sự cảm thụ của ông nơi cuộc sống trần tục, và sự kiếm tìm một „cuộc sống
hoàn thiện“ thể hiện qua sự từ bỏ và tiết chế. Vào năm 32 tuổi, ông đạt tới điểm
sâu nhất trong cuộc đời của mình, ngay lúc ông cảm nhận được sự biến đổi nội
tâm như là một kinh nghiệm hoán cải được trình bày trong cuốn „Tự Thú“ của ông,
đây là cuốn sách tự truyện đầu tiên của văn học thế giới, nó miêu tả sự phát
triển nội tâm của một con người một cách tinh tế với nhiều sắc màu; nó miêu tả
một cách trực tiếp dựa trên phương pháp phân tâm học.
Dấu
chỉ đường cho ông ở đây là cuộc gặp gỡ với Thánh Ambrosio Giám mục thành Milan,
một con người hăng hái và đầy nỗ lực, thậm chí Ngài còn khiển trách cả hoàng đế,
nhưng cũng là một người tốt lành nhân hậu và có một đôi tai luôn rộng mở để sẵn
sàng lắng nghe mọi người. Tuy nhiên, cũng không được quên mối liên hệ của mẹ
ông – Thánh Nữ Monica – một nữ tín hữu đầy nhiệt thành, bà đã không hề tiếc thời
gian với con trai của mình, để cầu nguyện, lo lắng và tác động trên ông.
Vào
đêm Phục Sinh của năm 387, Ausgutino được lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy bởi Thánh
Ambrosio. Một năm sau đó, ông trở lại Bắc Phi và cùng với một số người thân
tín, dẫn dắt đời sống tu trì trong việc nghiên cứu tri thức và thực hành khổ chế.
Năm 391 ông được thụ phong Linh mục, và năm 395 ông được tấn phong để trở thành
Giám mục của Giáo Phận Hippo Regius – một điều vô cùng trái ngược với mong muốn
của ông, vì ông ưa thích hoạt động tri thức và cuộc sống thanh vắng hơn. Tuy
nhiên, ông đã rời bỏ „tháp ngà“ của mình và nhận lấy sự vất vả của chức vụ Giám
mục để giảng dậy, và để nói về công lý, điều mà mọi người lắng nghe trong những
mối quan tâm khác nhau của họ; để tham dự những cuộc hội thảo hay hội nghị của
các Giám mục. Ngài đã thực hiện điều đó với một sự hy sinh lớn lao; nhưng Ngài
cũng được các tín hữu kính yêu.
Thánh
Augutino đã để lại rất nhiều các tác phẩm; mà các tác phẩm „Tự Thuật“ và „Thành
Đô Thiên Chúa“ có lẽ là những tác phẩm có một sự ảnh hưởng sâu rộng nhất. Thánh
Nhân quan tâm đến những luồng Thần học khác nhau trong thời đại của mình, và là
người sống đồng thời với những Giáo Phụ vĩ đại nhất. Thánh Nhân qua đời vào năm
430 khi những kẻ phá hoại tấn công thành phố Hippo Regius.
Sự từng
trải lớn lao về cuộc sống chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ cuộc sống cũng
như toàn bộ các tác phẩm của Ngài: Tình Yêu Thiên Chúa. Ngài đã nhận ra được một sức mạnh dồn dập
trong con người của Ngài, nó thôi thúc Ngài tìm đến Thiên Chúa. „Yêu
thương rồi hãy làm những gì bạn muốn!“ – chính lời phát biểu nổi tiếng
này đã trở thành một châm ngôn có cánh. Chứa đựng trong đó là một sứ điệp được
cô đọng mà với nó cuộc sống của Thánh Ausgutino vẫn còn có giá trị đối với
chúng ta ngày nay.
Thánh
Ausgutino là một con người mang tính thời đại và thật ấn tượng. Trong cuộc sống
của Ngài, chúng ta tái khám phá ra một cách tròn đầy về những vấn đề khác nhau.
I.Tâm
hồn chúng con sẽ luôn khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa
Bạn sẽ chạy thế nào nếu như trên con đường
của bạn tràn đầy những cực khổ và gian khó? Sự bình yên thư thái không nằm ở
nơi mà các bạn kiếm tìm nó. Bạn tìm kiếm đời sống thánh thiện trong địa sở của
sự chết thì sẽ không thể thấy được nó, vì đời sống thánh thiện không có ở
đó!
Lạy Chúa, chúng con phải tìm kiếm Ngài như
thế nào đây? Vì lạy Thiên Chúa của con, khi chúng con kiếm tìm Ngài thì chúng
con tìm thấy được đời sống thánh thiện. Vâng, con muốn kiếm tìm Ngài để linh hồn
con được sống.
Bởi vì con người, chừng nào họ vẫn còn lưu
lại nơi thân xác phải chết này, họ vẫn còn đi xa khỏi Thiên Chúa, thì họ vẫn phải
bước đi trong Đức Tin chứ không phải trong sự ngắm nhìn. Và vì thế họ hướng tới
chính sự bình an – điều nối kết những con người phải chết với Thiên Chúa bất tử.
Không có ai mà lại không mong muốn có được
niềm vui; cũng vậy, chẳng có ai mà lại không mong muốn chiếm được sự bình an.
Vì thế, mỗi người đều kiếm tìm sự bình an thông qua sự chiến đấu, nhưng không
ai tìm kiếm sự chiến tranh thông qua sự bình an.
Chúng ta chưa được vào ở trong nước của sự
sống, nhưng vẫn còn ở trong miền đất của sự chết chóc. Trong đất nước của sự chết
chóc, Chúa chính là niềm hy vọng của con, con có phần trong miền đất của sự sống.
Tâm hồn chúng con sẽ luôn khắc khoải cho tới
khi được nghỉ yên trong Chúa; vì Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa.
Ai sẽ cho con thấy được sự nghỉ yên trong
Chúa? Ai sẽ cho con thấy được rằng Chúa đã đến trong lòng con để con quên hết
những sự xấu xa trong tâm hồn con, và lạy Chúa, Đấng là sự thiện duy nhất của
con, đã ôm con vào lòng?
Khi Thiên Chúa hạ sinh từ lòng Đức Trinh Nữ
Maria, tiếng các Thiên Thần đã vang lên: „Vinh
Danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dười thế cho người Chúa thương.“
Vì thế, bình an sẽ đi tới đâu trên trái đấy này nếu không nhờ Chúa Ky-tô, Đấng
đã được sinh ra? „Vì Ngài chính là sự
bình an của chúng con.“
Sự bình an đích thực của những cá nhân chỉ
có thể có được ở nơi Thiên Chúa, với Đức Tin trong thế giới này và bằng sự
chiêm ngưỡng nơi thế giới bên kia, trong sự đời đời.
Có một sự thiện hảo, nhưng sự thiện hảo ấy
lại độc nhất, và vì thế không bao giờ đổi thay, và đó là Thiên Chúa.
Đừng ngu ngốc mãi nữa hỡi tâm hồn tôi! Đừng
để cho tâm hồn bạn bị choáng váng bởi những tiếng ồn ào nơi thói gàn dở của bạn.
Hãy lắng nghe Lời đang gọi bạn: Hãy quay về!
Và ở đó là vùng đất của sự bình yên tinh tuyền; ở đó, Tình Yêu không bao giờ có
thể bị đánh mất khi nó không tự đánh mất chính mình.
Thật tốt cho tôi biết bao khi tôi lệ thuộc
vào Thiên Chúa, vì khi tôi không kiên định trong Ngài, tôi cũng có thể không ở
trong chính tôi. Nhưng Thiên Chúa thì ở lại trong chính Ngài và làm cho tất cả
nên mới.
Sự uể oải lôi chúng ta ra khỏi sự bình an.
Nhưng lạy Chúa, ở đâu có sự bình an mà không có Ngài? Sự tốt tươi muốn mang
danh nghĩa là sự phì nhiêu; nhưng Chúa là sự tràn trề vô tận.
Chúa đã gọi, đã kêu gào và đã xé nát sự
câm điếc của con; Chúa đã bừng lên, đã
chiếu sáng và xua đi sự mù lòa của con; con đã nếm thử và giờ đây con đói khát;
Chúa đã đụng chạm tới con, và con đã bừng cháy sự bình an của Ngài.
Đó là niềm vui trong Ngài, Lạy Chúa, Đấng
là Chân Lý: là sự sáng soi, niềm hạnh phúc của tâm hồn con, lạy Thiên Chúa của
con! Sự sống thánh thiện ấy hẳn nhiên là tất cả của cuộc sống này, chỉ mình
Ngài là Đấng Thánh; Niềm vui trong chân lý hẳn nhiên là tất cả.
Tôi đã hỏi tất cả mọi người rằng, liệu các
bạn muốn có được niềm vui trong chân lý hơn, hay trong sự lừa dối hơn? Không cần
phải suy nghĩ, họ trả lời rằng, họ yêu thích chân lý hơn, và khi họ nói mà
không cần phải suy nghĩ như thế, có nghĩa là họ muốn được nên thánh. Vì niềm
vui trong chân lý chính là cuộc sống thánh thiện.
Điều này chính là cuộc sống thánh thiện:
vui mừng trong Chúa, cũng như chỉ vui vì Chúa. Đó chính là cuộc sống thánh thiện
chứ không phải cái gì khác. Nhưng nếu niềm vui giữ lại một cái gì khác cho
mình, và đòi hỏi một niềm vui khác, thì đó không phải là niềm vui đích thực.
Tất cả đều đồng lòng với nhau trong niềm
mong muốn một cuộc sống thánh thiện, hoàn toàn giống như việc họ đồng lòng với
nhau khi trả lời cho câu hỏi, liệu họ có mong muốn niềm vui hay không; vâng, tất
cả muốn điều đó, và như vậy người ta gọi niềm vui là cuộc sống thánh thiện. Người
thì muốn kiếm tìm niềm vui ở đây, nhưng người khác lại muốn tìm kiếm nó ở chỗ
khác, nhưng niềm vui chỉ có một, tất cả niềm mong muốn đều đi đến một điều rằng:
để có niềm vui.
Tôi đã nghe thấy lời yêu cầu hãy hát cho
Chúa một bài ca mới. Con người mới thì hiểu biết bài ca mới. Bài ca mới là một
sự biểu lộ của niềm vui. Và khi chúng ta chú ý đến nó một cách đúng mực thì nó
là một sự biểu cảm của Tình Yêu. Như vậy, ai biết yêu cuộc sống mới, người ấy
cũng sẽ biết hát bài ca mới.
Một lúc nào đấy chính chúng ta sẽ được ở
trong Ngày Thứ Bảy, khi chúng ta đã hoàn tất và được tái tạo nhờ Ân Sủng và ơn
Thánh Hóa của Thiên Chúa. Lúc ấy chúng ta sẽ tung hô và nhận biết rằng, chỉ có
mình Ngài là Chúa. Nhờ vào sự tái tạo và thông qua sự vĩ đại của Ân Sủng, chúng
ta sẽ tung hô và chiêm ngưỡng đến muôn đời rằng, Thiên Chúa là tất cả trong mọi
sự.
Rồi đây niềm vui sẽ lớn lao và tròn đầy,
cũng như niềm hạnh phúc sẽ trở nên thành toàn khi niềm hy vọng không còn nuôi
dưỡng chúng ta bằng sữa nữa, nhưng là sự hiện thực với món ăn rắn đặc. Nhưng
lúc này đây, chính sự hiện thực cũng đã đến với chúng ta trước rồi, nó còn đến
trước cả khi chúng ta đến với nó nữa, chúng ta muốn nhảy mừng lên trong Chúa.
II.Niềm khát khao của bạn cũng chính là lời cầu nguyện của bạn.
Con đã yêu Chúa quá muộn màng, lạy Chúa là
Đấng Tuyệt Mỹ từ đời đời đến đời đời; con đã yêu Chúa quá muộn màng. Và xin
Chúa hãy nhìn xem, Chúa chờ đợi con ở bên trong cõi lòng con, nhưng con lại ở
bên ngoài cõi lòng mình, và con kiếm tìm Chúa tại đó.
Con trở thành điều bí ẩn quá lớn đối với
chính con, và con tự hỏi lòng mình: tại sao mi buồn, và tại sao mi làm ta buồn?
Nhưng nó đã không biết đường để trả lời con. Rồi khi con nói: „Hãy trông cậy
vào Chúa!“, nó cũng không làm như nó được nghe bảo.
Ai tìm kiếm Chúa sẽ được chiêm ngưỡng
Chúa, và ai được chiêm ngưỡng Chúa sẽ ca tụng Chúa. Lạy Chúa, con muốn tìm kiếm
Ngài, đồng thời con gọi Chúa. Con muốn kêu gào lên Chúa trong khi con đặt niềm
tin vào Chúa; vì Chúa được công bố cho chúng con.
Lạy
Chúa, theo lòng nhân hậu Chúa, xin hãy nói cho con được biết: Ngài là gì đối với
con, lạy Thiên Chúa và Thượng Đế của con? Hãy nói cho con nghe: Ta chính là sự
trợ giúp của ngươi! Hãy đoái nhìn, lạy Chúa, đôi tai lòng con đang đặt trước
nhan Ngài; Xin Chúa hãy mở đôi tai lòng con và xin hãy nói cùng con: Ta chính
là ơn phù trợ của ngươi. Con muốn chạy theo âm vang của Lời Ngài và muốn ôm chầm
lấy Chúa.
Ngài hạ
lệnh và chỉ thị cho những gì Ngài muốn. Vì vậy lạy Chúa, xin hãy chữa lành và mở
đôi tai của con để con có thể nghe thấy Lời Chúa. Xin hãy chữa lành cũng như mở
đôi mắt của con để con có thể nhìn thấy những dấu chỉ của Chúa. Xin hãy cất sự
mê muội khỏi con để con có thể nhận biết Chúa.
Lạy Chúa, Đức Tin của con kêu lên tới
Chúa. Chính Ngài đã trao ban cho con Đức Tin ấy; nhờ Đức Tin ấy Ngài đã tăng thêm sức mạnh cho con thông qua
nhân tính của Con Ngài, thông qua sứ vụ của Đấng Ngài sai đến.
Sự khát khao của bạn cũng chính là lời cầu
nguyện của bạn, và khi nó là một sự khao khát không ngừng, nó sẽ trở thành một
lời nguyện không ngơi. Bởi không phải vô cớ mà vị Thánh Tông Đồ nói: „Hãy cầu nguyện liên lỷ!“
Con khát khao biết bao, lạy Thiên Chúa của
con, con khát khao bay lên khỏi nơi thế trần này biết bao để được lên tới Chúa,
và con chẳng hề biết Ngài muốn con làm gì!
Khi bạn gặp nỗi khốn cùng, bạn đừng quyết
định trên điều mà bạn tìm kiếm; nhưng điều mà bạn tìm kiếm sẽ tự đi đến gần bạn.
Hãy tìm kiếm Đấng không bao giờ có thể ở cách xa. Ngài đã trao ban điều có thể
được cuốn hút từ bạn; nhưng Đấng ban điều ấy có bị lôi cuốn từ bạn không?
Con kêu cầu Chúa thế nào, lạy Thiên Chúa
và là Chúa con thờ? Chắc chắn con sẽ xin Ngài đi vào cõi lòng con khi con kêu
lên Ngài.
Hãy cầu nguyện trong lòng bạn! Nhưng trước
hết, hãy trở nên một đền thờ của Thiên Chúa; vì nơi đền thờ của mình, Chúa sẽ lắng
nghe những kẻ cầu nguyện.
Lạy Thiên Chúa các đạo binh, xin hãy làm
cho con quay về với Chúa, xin chỉ cho con thấy dung nhan Ngài, và chúng con sẽ
được cứu độ. Vì bất cứ nơi đâu tâm hồn con hỏi han thì cũng đều không có Ngài,
tâm hồn con người thuộc về những điều khổ đau; nó muốn bám chặt vào những điều
tốt đẹp nhất ngoài Ngài và cũng ngoài nó.
Sự thiện hảo chính là để tán dương con tim
của nó, nhưng chính nó không phải là sự cao ngạo thuần túy, mà là Thiên Chúa, Đấng
xuất hiện vì đức vâng lời, chỉ những điều khiêm tốn và hiền hậu của Ngài mới bền
vững.
Bây giờ, phải chăng các bạn muốn sự sống
rơi xuống với các bạn, chứ không muốn được bay lên với Chúa để được sống?
Lạy Chúa, khi Ngài đi ào ạt vào trong
chúng con, Ngài sẽ không ngụ lại, nhưng mở toang tâm trí chúng con; Chúa không
rắc gieo chính Chúa, đúng hơn, Ngài tập hợp chúng con lại với Ngài.
Lúc này đây chúng ta không thể nhìn thấy
được sự thiện hảo cuối cùng của chúng ta, đó là điều mà chúng ta phải tìm kiếm
trong Đức Tin, mà chúng ta cũng chẳng thể sống sự thiện hảo cho chính mình. Ơn
phù phù trợ của Đấng đã trao tặng cho chúng ta Đức Tin và Niềm Tín Thác trên
chính sự trợ lực của Ngài, sẽ phải đến với các tín hữu và những người đang nguyện
xin.
Lạy Thiên Chúa – Đấng là căn nguyên của
muôn loài muôn vật, trước hết xin Ngài hãy ban ơn để con biết cầu xin đức công
chính của Ngài. Hãy làm cho con được xứng đáng trong công việc của con rằng,
Ngài lắng nghe tiếng con. Sau cùng, xin hãy làm cho con thấy được niềm tự do
trong Ngài.
Từ khi con học biết Ngài, con đã không hề
lãng quên Ngài. Và nơi đâu con thấy được chân lý thì nơi đó con thấy được Thiên
Chúa của con – Đấng chính là Chân lý; và từ khi con học biết Chân Lý, con đã
không hề lãng quên nó.
Chúa chính là Chân Lý vượt trên tất cả mọi
chân lý.
Lạy Thiên Chúa, con chỉ yêu mến một mình
Ngài, con chỉ đi theo có mỗi mình Ngài, và con chỉ muốn phụng sự một mình Ngài,
vì chỉ một mình Ngài là có Đức Công Chính, Ngài là Thiên Chúa, và con không muốn
nấp dưới bất cứ sự công chính nào khác.
Con biết hỏi ai về nơi ở của Ngài, như thể
có một không gian và nơi chốn! Đủ rồi khi con biết rằng Ngài ở trong đó; vì con
giữ Ngài lại trong lòng kể từ ngày con nhận biết Ngài, và con thấy được Ngài ở
đó khi con nghĩ đến Ngài.
Lạy Thiên Chúa, Ngài ở đâu trong con, Ngài
sống ở chỗ nào nơi tâm hồn con? Căn phòng nào Ngài đã dọn sẵn cho mình? Căn
phòng nào Ngài đã cất xây cho mình? Ngài đã yêu thích sống nơi tâm hồn con;
Nhưng Ngài cư ngụ chỗ nào trong đó, mà lúc này đây con đang suy nghĩ về nó.
Xin Chúa hãy phán một lần với con: Ta hiện
diện nơi vũ trụ. Lẽ dĩ nhiên, khi Ta vui thì Ta vui tại nơi Ta hiện hữu. Vì sao
vậy? Vì Ngài hiện hữu trong vũ trụ, vậy phải chăng Ngài không ở trong Thiên
Chúa? Ngài hiện hữu khắp mọi nơi, nào có nơi đâu mà không có sự hiện hữu của
Ngài?
Hãy chiêm ngưỡng những sự vật đang trôi
qua và những sự vật khác đang tới, như vậy thế trần, từng phần một, đang đến với
cái toàn thể của Ngài. „Và Ta sẽ đến nơi đâu?“ – Lời phán như thế, và Lời chính
là Thiên Chúa. Ngài dựng nên ngôi nhà của Ngài tại đó, hãy trao hiến tất cả những
gì ngươi có ở đó, hỡi tâm hồn tôi.
Cái gì tuôn trào ra vẻ sang đẹp từ tâm hồn
được tạo nên bởi một nghệ sĩ, cái đó đến từ mỗi vẻ đẹp – và vẻ đẹp này ở trong
tâm hồn chúng ta, cả ngày lẫn đêm, tâm hồn chúng ta thở vắn than dài trong niềm
mong nhớ nó.
Nếu con không hiện hữu, lạy Thiên Chúa của
con, nếu con hoàn toàn và hoàn toàn không hề hiện hữu, thì Ngài cũng sẽ chẳng
có chỗ trong con để ngự trị.
III.Địa cầu bị gây thương tích bởi tội lỗi – Ơn giao hòa với
Thiên Chúa:
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin hãy
nhìn xem và lắng nghe con. Xin hãy đoái nhìn, xót thương và chữa lành con, lạy
Thiên Chúa của con! Trong ánh mắt Ngài con đã tự trở nên kẻ khó hiểu. Và đó là
chứng bệnh của con.
Ai đã tác tạo nên con? Phải chăng đó không
phải là Thiên Chúa của con, Đấng không chỉ tốt lành mà còn là chính sự Thiện Hảo
nữa? Tại sao con lại muốn điều xấu mà không muốn điều tốt lành?
Không sống tại nơi mà con người được tác
thành để sống: đó là sự dối trá.
Những kẻ yêu thích sống trong vòng sai
trái, thay vì muốn đi trên những con đường chân thật và ngay thẳng, phần lớn sa
vào sự lầm lạc rằng, họ muốn đo đạc tâm trí của Thiên Chúa – Đấng bất biến - bằng
tinh thần chật hẹp và khả biến của nhân loại.
Trong thẳm sâu, sự độc ác khởi đầu nơi những
con người đầu tiên để làm lạc hướng trong sự bất tuân một cách không giấu giếm.
Vì thế, sẽ chẳng có hành vi nào xấu xa nếu như không có một ý muốn xấu xa bước
tới. Nhưng phải chăng sự khởi đầu của một hành vi xấu xa lại có thể là một cái
gì khác ngoài sự kiêu ngạo?
Nó hệ tại rất nhiều ở chỗ con người ước muốn
điều gì. Vì nếu khi ước muốn của họ bị đảo lộn, thì những chuyển động nơi ước
muốn của họ cũng sẽ bị đảo lộn; nếu ước muốn của họ ngay thẳng, thì họ sẽ không
chỉ trở nên hoàn hảo mà còn đáng khen nữa.
Nguyên nhân thực tế của ước muốn xấu xa
không nằm ở nơi Hiện Hữu, nhưng nằm nơi Vô Hữu; cũng thế, ước muốn xấu xa không
thuộc về sự sáng tạo nhưng là một sự khuyết phạm.
Phải chăng nỗi khát khao và niềm vui là một
cái gì đó khác với sự ước mong mà nó xác định những điều chúng ta mong ước? Và
phải chăng nỗi sợ hãi và sự phiền muộn lại là một cái gì khác với một ý muốn mà
nó không tán thành với những điều chúng ta không mong muốn?
Sự ngạo mạn kiêu căng là điều thật tồi tệ
và xấu xa, với điều đó, người ta tìm cho mình một tấm áo bảo vệ bởi lời chạy tội
cho những lầm lỗi hiển nhiên, giống như những người đầu tiên đã làm điều đó, mà
một người trong họ đã nói: „Con Rắn đã cám dỗ tôi!“, và người kia thì nói: „Mụ
đàn bà đã trao cho tôi trái cấm“.
Như thế là đủ rồi nếu sự giầu sang không nằm
trên bước đường đi của con người; vì người ta không thể sử dụng nó cho việc gì
được. Cũng vậy, khi người giầu có coi khinh tất cả những gì có ở nơi mình, họ sẽ
chăm chú để từ đó có thái độ với tính kiêu căng của mình, và rồi họ trở thành
người nghèo của Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ lắng tai nghe họ; vì Ngài biết rằng,
tâm hồn họ đang hối hận ăn năn.
Sự cao quý của tâm hồn sẽ trở thành giả tạo
nếu nó bỏ quên chính nguồn cội của nó, vì nó cần phải bấu bám và trở thành,
cũng như muốn là nguồn cội riêng của nó.
Ai rời bỏ Thiên Chúa và ở lại trong chính
mình, điều đó có nghĩa là sự thích thú chính bản thân mình, dù người ấy không
hiện hữu trong hư vô, nhưng anh ta tiến đến gần sự hư vô.
Trong lúc con người tự hài lòng về mình, nếu
họ là ánh sáng riêng của mình, họ tự ngoảnh mặt đi khỏi thứ ánh sáng mà nhờ nó
họ trở thành ánh sáng cho mình. Như vậy họ đã nâng niu điều tồi tệ trong thầm
kín, trước khi họ trở thành chính điều tồi tệ.
Những giọt nước mắt của Phê-rô đã có lợi
cho ông, nhờ đó ông cảm thấy khó chịu, giống như tính tự kiêu đã làm cho ông tự
hài lòng về mình.
Giữa những điều thấp hèn, Thiên Chúa kiến
tạo nên ngôi nhà nghèo hèn của Ngài từ đất sét của nhân tính chúng ta, đến nỗi
nó trải dài đến chính chúng ta và bẻ cong tính kiêu căng, một tính nết cần bị
chinh phục trong khi chữa lành, và đưa nó đến gần với Tình Yêu.
Những người không có tính tự kiêu thì gây
thiện cảm, họ cảm thấy thiếu Thiên Chúa. Họ biết rằng, niềm Hy Vọng của họ
không căn cứ trên bạc vàng và không dựa trên những đồ vật mà nó vây quanh họ
trong lúc dư dật.
Chúa Ky-tô không hạ thấp chính mình. Ở đây
bạn cũng có một cái gì đó mà bạn có thể giữ lại cho mình. Chúa Ky-tô đã vâng phục.
Tại sao bạn lại tự cao tự đại?
Ngươi đã bị làm bẽ mặt bởi tính tự cao tự
đại của ngươi trong chính nỗi kinh hoàng của ngươi, và ngươi đã bị khuất phục bởi
ách của ngươi. Bây giờ ngươi mang cái ách đó và hãy mang vác nó một cách êm ái.
Vì ngươi đã hứa với Ta điều đó. Và như thế cái ách đó luôn hiện diện mà con
hông hề biết điều đó vì con sợ hãi trong việc lấy cái ách đó ra khỏi con.
„Con túng thiếu và nghèo nàn“, nhưng tốt
hơn nếu con khó chịu dưới cái thở dài não nề trong lặng lẽ và cầu khẩn lòng xót
thương của Chúa, cho tới khi con được giải thoát khỏi mọi lỗi lầm để tới được với
sự hoàn thiện, tới được sự bình an mà đôi mắt của sự kiêu ngạo không hề được
nhìn ngắm nó.
Những điều mang đến cho sự hiếu kỳ của
chúng ta hằng ngày bởi sự cám dỗ, phải chăng chúng không phải là những điều nhỏ
bé cỏn con và đáng coi thường? Nhưng ai có thể kể ra được việc chúng ta thường
sa ngã như thế nào!
Lạy Thiên Chúa của con, xin thương xót con
cùng. Những phiền muộn xấu xa của con vẫn còn tranh cãi với niềm vui tốt lành,
nhưng con không hề biết bên nào sẽ chiến thắng. Lạy Thiên Chúa của con, xin
thương xót con cùng.
Tất cả mọi sự ngông cuồng của sự ngông cuồng
và tất cả tính tự cao tự đại của sự kiêu căng giữ con lại và giật kéo con đến với
bộ cánh của thân xác con, và nói nhỏ vào tai con rằng: Bạn có muốn gửi chúng
tôi đi không? Và rồi chúng tôi sẽ ở bên bạn mãi mãi từ hôm nay cho tới muôn đời.
Từ hôm nay trở đi, bạn sẽ không bao giờ được làm những điều này cũng như những
điều kia nữa, không bao giờ nữa cho tới muôn đời! Nhưng đó là cái gì mà chúng sẽ thổi vào trong
tâm hồn con với „Những điều này và những điều kia“ – Lạy Thiên Chúa của con! Đó
là cái gì?
Đó là
cuộc chiến đấu cam go nhất và khốc liệt nhất, nơi cuộc chiến này, sự khao khát
nỗi đam mê và chính niềm đam mê thì trái ngược với ước muốn, đến nỗi sự kết
thúc của sự thù hằn sẽ không còn mang đến một cuộc chiến nữa.
Những
ai không có niềm Hy Vọng, thường không chú ý tới những lầm nỗi của mình, nhưng
lại chú ý nhiều hơn tới lầm nỗi của người khác. Họ không tìm kiếm những điều
làm cho họ trở nên tốt hơn, nhưng lại tìm kiếm những điều có thể gây thương
tích cho họ. Vì họ không thể nhận ra lầm nỗi của mình để xin được tha thứ,
nhưng lại sẵn sàng kết tội người khác.
Ôi lạy Chúa, Ngài có dư khả năng với cánh
tay hiền hậu được giơ lên để bẻ gẫy những
cái gai của sự thèm muốn mà chúng không có chỗ nơi Thiên Đàng của Ngài. Vì quyền
năng của Ngài không cách xa chúng con, và chúng con cũng không xa Ngài.
Ngày lại ngày, lạy Chúa, chúng con bị cám
dỗ, chúng con bị cám dỗ liên miên. Và điều gì thẩm tra chúng con hằng ngày nơi
lò tinh luyện, đó chính là cái lưỡi của con người. Với nó, Ngài cũng đòi hỏi
chúng con sự tiết chế. Lạy Chúa xin hãy ban cho chúng con những điều mà Chúa
đòi hỏi rồi sau đó hãy đòi hỏi những gì mà Chúa muốn.
Những lời đến từ miệng lưỡi của chúng con,
và những hành động mà thế giới hiểu được, sẽ nhốt sự cám dỗ nguy hiểm nhất lại
trong chính nó: đến nỗi chúng con có thể yêu mến lời ca tụng và nài xin sự tán
dương mình, để khoe mình ra trước những người khác trong sự huy hoàng.
Ai càng đòi hỏi nhiều khi họ nên, người ấy
càng trở nên ít đi khi họ là; vì ai tự lấy làm đủ với chính mình, người ấy tự
tách mình ra khỏi Đấng trở thành đầy đủ
đích
thực đối với họ.
Tất cả những gì phê phán chúng ta đều đứng
dưới chúng ta. Cái gì đứng dưới tinh thần con người, cái đó sẽ được xem là công
lý thuộc „thế gian“, vì thế gian bị gây thương tích bởi tội lỗi.
Tuyệt đối không có bản tính xấu, và điều xấu
tự nó không phải là cái gì khác ngoài sự khuyết phạm của sự thiện.
Con không tranh luận với Ngài, lạy Chúa,
Ngài là Chân Lý, và con không muốn là kẻ lừa dối của riêng con, đến nỗi tội lỗi
của con tự nói dối chính con. Vì thế, con sẽ không tranh cãi với Ngài. Vì „nếu
như Ngài muốn nhìn thấy những lầm lỗi, lạy Chúa: ai có thể đứng vững trước nhan
Ngài?“
Vì như có lời viết: „Mọi nẻo đường của
Chúa đều là chân thật và thành tín“, không sự bất công nào có thể trở thành Ân
Sủng của Ngài, và không điều xấu xa nào có thể trở thành đức công chính của
Ngài.
Xin bạn hãy nhớ rằng, Thiên Chúa muốn đổ đầy
mật ong trên bạn. Nếu trong bạn toàn là giấm chua, bạn sẽ đổ mật ong vào đâu?
Trước hết, bạn phải đổ hết những gì đang ở trong thùng ra. Bạn phải dọn dẹp
chính cái thùng đó. Bạn phải thu dọn nó cả khi cần đến một sự kỳ cọ đầy khó nhọc,
cho tới khi nó thích hợp với tất cả.
Đó là cuộc sống của chúng ta, hầu chúng ta
đến được với sự trưởng thành nhờ lòng ước mong. Cho đến lúc này chúng ta trưởng
thành trong sự khát khao nên thánh, như chúng ta gỡ bỏ nỗi nhớ nhung của tình
yêu thế gian. Tôi đã nói về điều đó một lần rồi, vào lúc cuối cùng của sự hư
không trống rỗng mà chúng ta cần phải đổ đầy nó: Bạn hãy trở nên hoàn toàn tốt
lành, và hãy trút đổ sự xấu xa đi!
Khi bạn muốn đổ đầy một cái bình chứa, và
bạn biết, Ân Sủng đang được mong chờ sẽ lớn lao như thế nào, thì bạn hãy kéo
giãn vòng tròn của cái bao hay của cái túi da ra. Bạn biết, bạn phải đổ vào đó
bao nhiêu, và bạn nhìn thấy sự chật hẹp của cái bình chứa. Bạn hãy mở rộng nó
ra để nó có thể chứa đựng được nhiều hơn nữa. Như vậy, Thiên Chúa sẽ nới rộng
tâm hồn bạn nhờ sự khát khao của bạn, và trong khi Ngài mở rộng nó, Ngài làm
cho nó có khả năng lãnh hội tốt hơn.
Khi con mới lệ thuộc vào Ngài với toàn bộ
bản tính của con thì sự đau khổ sẽ không ở bất cứ chỗ nào đối với con, và mọi nỗ
lực cũng như cuộc sống của con trước hết sẽ trở nên sống động một cách hoàn
toàn bởi Chúa. Ngài đổ đầy trên ai thì Ngài cũng đỡ nâng người ấy!
Lạy Chúa, những ham muốn vây quanh làm con
hoàn toàn khốn khổ, xin Chúa hãy giải thoát con nơi lòng thương xót đầy ân sủng
của Ngài, và nó thường diễn ra mà con không hề nhận ra nó; vì do thiếu thận trọng
nên con rơi vào hoàn cảnh đó, nó cũng thường diễn ra với những nỗi khổ đau, vì
con đã đã bắt đầu lo lắng về điều đó rồi.
Cuộc sống của chúng ta trong cuộc lữ hành
này không thể không có sự cám dỗ; vì sự tiến bộ của chúng ta cần phải có những
thử thách. Không ai có thể biết rõ về mình nếu người đó không bị thử thách.
Không ai được đội triều thiên chiến thắng nếu họ không chiến thắng. Người ta
không thể chiến thắng nếu người ta không chịu chiến đấu; và không ai có thể chiến
đấu nếu họ không có kẻ thù cũng như sự thách thức.
Không ai thích mang vác cái mà họ phải
mang, dẫu cho họ có thích mang vác nó. Vì dù cho họ có phải mang vác niềm vui
đi nữa thì họ cũng sẽ thích hơn nếu không phải mang vác nó. Trong bất hạnh tôi
khao khát hạnh phúc, trong hạnh phúc, tôi sợ hãi trước bất hạnh. Đâu là điểm
vàng giữa những điều ấy, tức nơi mà cuộc sống con người không bị cám dỗ?
Sự dữ không bị loại trừ để một bản tính mới
bước đến hay một cái gì đó của bản tính bị lấy đi, mà là để cho một bản tính đã
bị làm ra xấu và bị hư hại được chữa lành và được trở nên tốt hơn.
Chắc chắn có một sự tối tăm trong con người
của tôi mà tôi phải than vãn về nó; và nó thường che giấu để tôi không hề biết
có một sức mạnh ở trong chính tôi. Khi linh hồn tự tra vấn chính nó về những sức
mạnh riêng của nó, nó sẽ không sẵn sàng và dễ dàng để tin vào chính nó; vì cũng
như cái ở trong chính nó lại thường ở lại trong sự tối tăm cho tới khi sự trải
nghiệm mang ánh sáng đến cho nó.
Chân lý trao hiến chính bản thân cho những
điều mà bạn có được nhờ chân lý, và không có gì mà bạn che giấu sẽ bị mất. Và những
gì gây bệnh tật cho bạn sẽ lại trở nên phồn vinh, và chữa lành những gì làm kiệt
sức bạn.
Sự hèn yếu của con thì thật lớn, nhưng những
phương dược của Ngài thì còn lớn lao hơn hầu chữa lành những nỗi yếu nhược của
con. Ước gì chúng con vẫn có thể Tin, dù Lời của Ngài ở xa con người; và ước gì
chúng con sẽ không hy vọng vào chính mình, nếu như Con Thiên Chúa không trở
thành xác phàm và sống giữa chúng con.
Trong tất cả những gì mà con tìm kiếm và
chạy băng qua, con không thể thấy có được một nơi nào đó an chắc cho tâm hồn
con giống như khi ở trong Ngài; Ngài biết tất cả để thu hợp lại những gì mà con
xua tán, và Ngài không hề muốn một sự ra đi lại lạc mất từ chính Ngài.
Con nên nói gì từ nhân đức khôn ngoan? Đức
khôn ngoan nhận thấy điều tốt lành từ trong những điều xấu xa qua sự cảnh giác
hoàn toàn của nó, để nó không mắc phải lỗi lầm trong sự khát khao điều thứ nhất
và trong sự xa tránh điều sau cùng.
Phải chăng bạn muốn được giao hòa với
Thiên Chúa? Vậy bạn hãy học cho biết điều mà bạn phải làm với chính bạn, để bạn
được giao hòa với Thiên Chúa.
Con biết một cách hoàn toàn chắc chắn rằng,
con không bao giờ chắc chắn trước những vết thương mới, nếu như Ngài không tái
chữa lành cho con cũng như không tái cứu chữa những vết thương cũ của con một
cách không ngừng.
Chúng ta hoàn toàn dám cũng như hoàn toàn
không dám khẳng định rằng, chúng ta đang đi đến với một cuộc sống tốt lành. Sự
đáng mừng nằm nơi cuộc sống mà nó chỉ cầu xin sự tha thứ.
Con người được khen ngợi chỉ nguyên bởi điều
thiện, tức điều mà bạn đã trao hiến cho Thiên Chúa.
Tất cả niềm hy vọng của con đặt nguyên nơi
lòng thương xót lớn lao của Chúa. Ôi lạy Chúa, xin Ngài hãy ban tặng cho con những
điều mà Ngài sẽ đòi hỏi nó từ con, rồi sau đó Ngài hẵng đòi hỏi những điều Ngài
muốn.
Lãng quên Thiên Chúa có nghĩa là chết; lại
tìm kiếm Thiên Chúa có nghĩa là được tái sinh; ở trong Thiên Chúa có nghĩa là sống.
Tại sao bạn lại đứng trên chính bản thân bạn
nhưng lại không thể đứng? Bạn hãy thả mình vào Chúa! Ngài sẽ không tránh xa và
không làm bạn phải té ngã. Không, bạn hãy buông mình một cách thư thái trong
Ngài; Ngài sẽ đỡ nâng bạn.
Sẽ không được nói với bạn rằng: Phải rất nỗ
lực bạn mới có thể thấy được con đường mà trên đó bạn đạt tới được Chân lý và Sự
Sống. Nhưng sẽ được nói với bạn rằng: Ngươi là kẻ lười biếng, hãy đứng dậy! Con
đường tự đến với bạn và đánh thức bạn khỏi sự ngủ mê! Khi nó chỉ có thể đánh thức
bạn! Bạn hãy đứng dậy và hãy đi!
IV.“Thiên Chúa đã làm người vì bạn“
Thiên Chúa đã làm người vì bạn. Bạn sẽ chết
muôn đời nếu Thiên Chúa đã không sinh ra trong thời gian. Bạn sẽ không bao giờ
được giải thoát khỏi tính xác thịt – tức điều đã bị tội lỗi chinh phục – nếu
như Thiên Chúa đã không nhận lấy hình thể xác thịt. Bạn sẽ phải rơi vào sự bất
hạnh đời đời nếu như hành động của lòng khoan hậu này không được diễn ra.
Chúng con vững tin và tín cẩn tuyên xưng rằng,
Thiên Chúa Cha đã sinh ra Ngôi Lời, là chính sự Khôn Ngoan, với sự Khôn Ngoan
này mà muôn loài muôn vật được tạo thành: Đấng là Người Con Độc Nhất Của Thiên
Chúa, là Một Trong Sự Duy Nhất, là Đồng Vĩnh Cửu trong Đấng Đời Đời, là Đồng Tốt
Lành trong Đấng Thiện Hảo Nhất.
Lạy Thiên Chúa là Cha nhân hiền, Ngài đã
thương yêu chúng con biết bao, „Ngài đã không bảo vệ Con Độc Nhất của Ngài,
nhưng đã trao nộp Người Con Một ấy vì tội lỗi chúng con“. Ngài đã yêu thương
chúng con biết bao, vì Đấng, „Đấng đã không nhất quyết duy trì địa vị ngang
hàng với Thiên Chúa, nhưng vì chúng con đã vâng lời cho đến chết và chết trên
cây Thập Giá!“ Và chỉ mình Đấng „Đã vui lòng chịu chết“ có quyền „trao hiến
chính sự sống của mình, cũng như có quyền lấy lại nó.“
Đấng là Con Một Duy Nhất, chính Ngài là
con đường chắc chắn nhất đối với tất cả những ai lạc đường: Chúa Giê-su chính
là Thiên Chúa và đồng thời cũng là con người; với tư cách là Thiên Chúa, Ngài
chính là đích điểm mà chúng ta đi tới; với tư cách là con người, Ngài chính là
con đường mà qua đó chúng ta đi lên.
Có lẽ, một Lời trong „Lời Ban Sự Sống“ có
thể được hiểu là một Lời về Chúa Ky-tô và không phải là thân mình của Chúa
Ky-tô. Nhưng hãy nhìn xem, cái gì được viết tiếp theo trong bản văn: „Sự Sống
đã đến.“ Chúa Ky-tô chính là Lời Sự Sống.
Người ta đã chiêm ngưỡng „Lời Sự Sống“ với
đôi mắt để con tim được chữa lành. Nhưng chỉ với con tim người ta mới có thể
chiêm ngưỡng được Lời. Trái lại, với đôi mắt xác thịt, người ta chỉ nhìn thấy
xác thể. Tuy nhiên, có một khả năng để chiêm ngưỡng được Lời: Lời đã trở thành
xác phàm. Như vậy, trong chúng ta, con tim cần được chữa lành, với nó, chúng ta
có thể chiêm ngưỡng được Lời.
Vì lòng thương xót, Chúa Ky-tô đã từ trời
mà xuống. Không ai có thể lên trời được như Ngài, vì cũng như chúng ta sống
trong Ngài nhờ ân sủng. Với khả năng ấy, chỉ Chúa Ky-tô có thể xuống từ trời và
cũng chỉ mình Ngài có thể lên trời.
Con người đã bị sa ngã, nhưng Thiên Chúa
thì đi xuống. Con người đã bị sa
ngã một cách tội nghiệp, nhưng
Thiên Chúa tràn đầy lòng thương xót đã đi xuống. Con người sa ngã vì sự kiêu ngạo,
nhưng Thiên Chúa đi xuống với ân sủng.
Chúa Giê-su đã không từ bỏ Thiên Đàng khi
Ngài từ đó mà xuống; cũng thế, Ngài đã không lìa bỏ chúng ta khi Ngài trở về lại
Thiên Đàng. Điều đó được nói bởi một lý do duy nhất: vì Ngài là đầu của chúng
ta, còn chúng ta là thân thể của Ngài.
Con Một Duy Nhất của Thiên Chúa đã đến với
con người và đón nhận con người. Thông qua điều mà Ngài đã đón nhận, Ngài đã trở
thành con người, chịu chết nhưng sẽ phục sinh và lại lên trời, ngồi bên hữu
Chúa Cha và thực hiện lời tiên đoán của Ngài cho muôn dân.
Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và con người
phải có trong chính Ngài điều mà Thiên Chúa đã tạo nên cũng như điều mà con người
đã gây ra cho. Vì thế, nếu Ngài chỉ như là con người thì Ngài sẽ trở nên xa
cách với Thiên Chúa; cũng vậy, nếu Ngài chỉ như là Thiên Chúa thì Ngài sẽ trở
nên xa cách với nhân loại và không thể trở thành Đấng Trung Gian nữa.
Đấng Trung Gian được chỉ cho thấy các vị
Thánh Tổ, để các ngài được cứu thoát nhờ niềm tin vào nỗi đau khổ tương lai của
Ngài, cũng như chúng ta đã được cứu thoát nhờ niềm tin vào nỗi khổ đau trong
quá khứ của Ngài. Vì thế, với tư cách là con người, Ngài trở thành Đấng Trung
Gian; nhưng với tư cách là Ngôi Lời, Ngài sẽ không còn là Trung Gian nữa, mà
ngang hàng với Thiên Chúa, Thiên Chúa nơi Thiên Chúa, một Thiên Chúa duy nhất
cùng với Chúa Thánh Thần.
Trước kia con người bị bao phủ bởi cái xưa
cũ. Nhưng giờ đây, Đấng tái tạo công trình sáng tạo của Ngài đã đến. Ngài đến để
nung chảy khối bạc của Ngài và đúc nên những đồng tiền của Ngài.
Nếu chúng ta chiêm ngưỡng sự cao cả cũng
như thần tính của Chúa Giê-su, những điều tối cao ấy, tức sự lớn lao vượt lên
trết tất cả mọi thụ tạo của Con Thiên Chúa, chúng ta sẽ nghe thấy Ngài cũng như
những tiếng thở than, những lời cầu và sự tuyên xưng trong những chương của
Kinh Thánh.
Con Một Duy Nhất của Thiên Chúa đã trở nên
con cái loài người và làm cho con cái của nhân loại trở nên con cái Thiên Chúa. Ngài tiến sát tới
bên những kẻ nô lệ thông qua hình tượng nô lệ một cách hiển nhiên, và làm cho họ
được giải thoát, đến nỗi họ có thể chiêm ngưỡng thấy hình tượng của Thiên Chúa.
Chúa Giê-su đã đến, vậy chúng ta hãy chiêm
ngưỡng Ngài vì Ngài đang ở đó. Ngài không muốn ở lâu bên chúng ta, nhưng Ngài
đã không bỏ rơi chúng ta. Ngài đã đến nơi mà Ngài đã không bao giờ bị tách ra từ
đó; vì vũ trụ này được dựng nên nhờ Ngài, và Ngài đã hiện diện trong vũ trụ này
cũng như đã đến trong vũ trụ này để làm cho các tội nhân được nên thánh.
Ân Sủng nào của Thiên Chúa còn có thể lớn
lao và sáng tó tỏ hơn đối với chúng ta như Ân Sủng mà Ngài đã làm cho Người Con
Độc Nhất của Ngài trở thành con người và làm cho con người trở thành Con Thiên
Chúa?
Vì tiếng (Thánh Gio-an Tẩy Giả) của Lời
(Chúa Giê-su) đã công bố cho bạn, phải chăng tiếng đó không tự mình nói với bạn:
„Người phải lớn lên còn tôi thì phải nhỏ bé đi“? Chúng ta hãy bám chặt vào Lời!
Thật là khó để phân biệt Lời (Chúa Giê-su)
từ Tiếng (Thánh Gio-an Tẩy Giả). Vì thế, Thánh Gio-an Tẩy Giả đã bị xem như là
chính Đấng Messia. „Hãy san phẳng con đường của Chúa“ – Tiếng đã nói khi nó muốn
nói: Vì thế tôi là tiếng kêu để mở tâm hồn anh em ra với Ngài. Nhưng nếu anh em
không san phẳng con đường thì Ngài cũng sẽ không muốn bước vào.
„San phẳng con đường“ có nghĩa
là: hãy trở nên khiêm nhượng, các bạn hãy chọn sự sự khiêm nhượng của Thánh
Gio-an Tẩy Giả như một tấm gương để noi theo. Người ta coi Ngài như là Đấng
Messia, nhưng Ngài nói: Tôi không phải là Đấng mà người ta đang nghĩ tới; và
Ngài đã không tiếp nhận sự ngộ nhận của người khác bởi lòng kiêu căng.
Hãy chiêm ngắm! Kìa, những bàn tay và bàn
chân của Chúa đã bị đóng đinh, chân tay của Chúa đã bị đóng đinh chặt vào Thập
Giá đang được tôn thờ, về áo choàng của Chúa, bọn chúng đã bắt thăm. Hãy chiêm
ngưỡng!, Kìa, Chúa đang thống trị, Ngài chính là Đấng mà họ nhìn thấy đang bị
treo ở đó. Hãy chiêm ngưỡng! Kìa, Chúa đang ngự trên ngai nơi Thiên Đàng, Ngài
chính là Đấng mà họ đã khinh thường khi Ngài còn sống nơi trái đất.
Lạy Chúa Giê-su: Đấng Cao Cả đã bị lăng nhục,
Đấng Bị Lăng Nhục đã bị giết chết, Đấng Bị Giết Chết đã được phục sinh và đã được
tôn vinh để không đặt chúng con – những kẻ đã chết – vào trong thế giới của sự
chết nữa, nhưng để nâng chúng con lên tới sự phục sinh từ cõi chết của chính
Chúa.
Từ những yếu tố nơi chúng ta, không công
trạng nào xuất hiện trước khi Con Thiên Chúa chịu chết cho chúng ta. Vì thế,
lòng khoan hậu thì thật rất lớn lao vì không có những công trạng.
Thiên Chúa, sự sống của chúng ta, đã xuống
với chúng ta, và Ngài đã gánh lấy cái chết của chúng ta và đã giết chết nó bởi
sự dồi dào phong phú nơi sự sống của Ngài.
Khi ngày đã ngả về chiều, Chúa Giê-su đã
hy sinh sự sống của mình trên Thập Giá, để rồi lấy lại nó. Ngài đã vất bỏ sự sống
của mình không phải trái với ý muốn của Ngài. Ở đó, chúng ta cũng được góp phần
một cách tượng trưng. Vì cái gì đã treo Ngài vào cây gỗ, đó không phải là cái
gì khác ngoài cái mà Ngài đã tiếp nhận từ chúng ta.
Ngài không trì hoãn, Ngài kêu lên lời và
hành động; Sự chết và sự sống, việc xuống hỏa ngục và lên Thiên Đàng kêu lên với
chúng ta, vì thế chúng ta nên quay về với Ngài. Và Ngài đã từ biệt khỏi con mắt
chúng ta để chúng ta trở về với cõi lòng của riêng chúng ta, và ở đó chúng ta sẽ
lại thấy Ngài.
Khi Chúa Giê-su chịu chết, Ngài cũng ngay
lập tức giết chết ngay chính tử thần; nhờ đó chúng ta mới được giải thoát khỏi
cái chết trong chính sự chết của Ngài. Thân xác Ngài không bị mục nát. Nhưng
thân xác của chúng ta, vào ngày tận thế, chỉ sau sự mục nát, mới đạt tới được sự
không mục nát nhờ Ngài. Ngài không cần chúng ta trong việc cứu độ chúng ta,
nhưng trái lại, chúng ta sẽ không thể làm được điều gì nếu không có Ngài.
Trong thân xác, trong Chúa Ky-tô đã chết,
phục sinh và lên trời vinh hiển, Thiên Chúa muốn dựng nên cho chúng ta một mẫu
gương – đối với chúng ta, điều đó có nghĩa là: mầu nhiệm thân thể của Ngài – để
làm cho những chi thể được nên dũng cảm. Các chi thể đó sẽ đi theo Ngài đến nơi
mà Ngài đã đến đó trước họ.
Điều này là sự hy sinh của các Ky-tô hữu:
„Tuy nhiều, nhưng là một thân thể trong Chúa Ky-tô“. Giáo Hội cũng cử hành điều
đó nơi các Bí Tích của bàn thờ. Ở đây, Giáo Hội đã kinh qua sự kiện rằng, trong
Ân Sủng, tức điều được ban cho Giáo Hội, Giáo Hội được trao tặng cho chính
mình.
Lạy Chúa, đối với chúng con, trước con mắt
của Ngài, Chúa Giê-su đã trở thành Đấng Chiến Thắng và là của lễ hiến dâng; và
sở dĩ Ngài là Đấng Chiến Thắng là vì Ngài đã trở thành của lễ hiến dâng. Đối với
chúng con, trước con mắt của Ngài, Chúa Giê-su đã trở thành vị Linh Mục và là của
Lễ được hiến dâng. Được phát sinh từ Thiên Chúa Cha và cũng đang phụng sự Thiên
Chúa Cha, Chúa Giê-su đã làm cho chúng
con đang là những tôi tớ trở nên con cái của Chúa.
Chúa Giê-su Ky-tô của chúng ta sẽ đến. Và
rồi sẽ không cần những ngọn đèn nữa khi ở trong chính ngày ấy. Sau đó sẽ không
còn lời tiên báo nào nữa được đọc cho chúng ta nghe, cũng như sẽ không có cuốn
sách nào của các Tông Đồ được mở ra nữa. Chúng ta sẽ không cần đến các sách Tin
Mừng một lần nào nữa. Toàn bộ Kinh Thánh – tức điều được đốt lên trong đêm tối
của trần gian như một ngọn đèn để chúng ta không ở lại trong tối tăm - cũng sẽ
không cần nữa.
Thiên Chúa đã công bố Tin Mừng trên toàn
thế giới, và tất cả nên kín múc từ đó tùy theo khả năng của mỗi người.
Tình Yêu đối với Chúa Ky-tô sẽ là cái gì
đây nếu chúng ta sợ hãi trước sự trở lại của Ngài! Liệu chúng ta sẽ không đỏ mặt
vì xấu hổ chăng? Chúng ta yêu mến nhưng lại sợ hãi trước việc Người đến. Làm
như thế, phải chăng chúng ta đã thực sự yêu mến Ngài hay lại yêu mến tội lỗi của
chúng ta hơn? Vì thế, chúng ta phải căm ghét tội lỗi và yêu mến Chúa Ky-tô.
Chúa Giê-su – Người Con Độc Nhất được sinh
ra – đã trở nên sự khôn ngoan cũng như đức công chính và ơn cứu độ đối với
chúng ta; và Ngài được coi là quan trọng đối với chúng ta.
Dù nước có phủ kín trái đất này hay dù có
đại hồng thủy đi chăng nữa, chúng ta cũng vẫn được an toàn. Chúa Ky-tô không muốn
ngủ mê, Đức Tin cũng không muốn ngủ mê. Chúng ta hãy đánh thức Đức Tin khi nó
ngủ.
Các Tín Hữu sẽ nhận biết thân mình Chúa
Ky-tô nếu họ nghĩ đến một điều rằng, họ chính là chi thể của Chúa Ky-tô. Họ cần
trở thành chi thể của Chúa Ky-tô nếu họ muốn sống trong Thần Khí của Chúa
Ky-tô. Chi thể của Chúa Ky-tô chỉ có thể
sống nhờ Thần Khí của chính Ngài.
Như thế, con phải làm thật tốt để đặt toàn
bộ niềm hy vọng mạnh mẽ nhất của con trên Chúa Giê-su, vì chỉ nhờ Người mà Chúa
mới có thể chữa lành tất cả mọi nỗi yếu nhược của con, nhờ Người, „Đấng ngồi
bên hữu Chúa Cha và cầu bầu cho chúng con“. Ngoài Ngài ra, con sẽ phải rơi vào
cảnh tuyệt vọng.
Trước hết, Chúa Giê-su đã nói - bởi bạn sẽ
đến được nơi đó như thế nào khi mà chỉ sau này bạn mới đến được: Thầy là Đường,
là Sự Thật và là Sự Sống. Nơi Thiên Chúa Cha, Thầy ở lại trong Sự Thật và Sự Sống.
Thầy nhận lấy xác phàm và như thế Thầy là Đường.
Chúng ta cầu nguyện cùng Chúa Giê-su, nhờ
Người và trong Người. Chúng ta nói chuyện cùng với Người và Người nói với chúng
ta.
Chúng ta muốn thực hiện những gì mà Chúa
Giê-su truyền lệnh. Ngoài ra, nó sẽ là sự đòi hỏi quá đáng đối với những gì mà
Người đã hứa. Chúng ta muốn gỡ bỏ tất cả những gì cột trói chúng ta lại, tức những
điều ngăn cản chúng ta trở thành người bước theo Chúa ky-tô.
Đó là chuyện quá ít ỏi đối với Thiên Chúa
trong việc Ngài làm cho Con Một của Ngài trở thành người chỉ đường; Ngài làm
cho Con của Ngài trở thành đường để Người Con ấy dẫn dắt bạn trong cuộc hành
trình.
Khi nhà thơ Vergil có thể nói: „Một người
bị quấn hút bởi sự ham thích của mình“, thì đó không phải là sự cưỡng bức nhưng là sự phấn khởi; không
phải là bổn phận mà là niềm vui, thật có lý biết bao để chúng ta được phép nói
rằng, con người trở nên xúc động nơi Chúa Ky-tô, khi họ hân hoan trong Chân lý,
trong sự thánh thiện, trong Đức Công Chính và trong sự sống đời đời. Vì Chúa
Ky-tô chính là tất cả đối với họ.
Đó là buổi chiều hiến tế: sự đau khổ của
Chúa Giê-su, Thánh Giá của Ngài, của lễ hiến dâng, tất cả được trao hiến để cứu
độ chúng ta, của lễ hy sinh, của lễ làm hài lòng Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã biến
buổi chiều hiến dâng này trong sự Phục Sinh của Ngài thành Của Lễ Ban Mai. Tất
cả những ai có Đức Tin, hãy vui mừng vì Của Lễ này.
Lạy Chúa Ky-tô – Đấng đang ngồi bên hữu
Thiên Chúa; Lạy Chúa Con – Đấng đang hiện diện nơi cung lòng, phía bên hữu Chúa
Cha; xin hãy làm cho chúng con được thêm tin tưởng.
V.“Thông qua cuộc sống tốt lành, các bạn làm thay đổi mọi thời“.
Sự lắng nghe chính là nơi hạt giống của
Thiên Chúa được gieo vào. Sự hành động chính là hoa trái được phát sinh từ nơi
hạt giống đó.
Chân Lý ban tặng niềm vui. Nhưng trước hết
bạn phải chu toàn các bổn phận của mình, rồi sau đó bạn mới được đòi hỏi sự trả
công.
Hãy luôn nghĩ đến điều này rằng: người ta phải
yêu mến Thiên Chúa cũng như phải yêu thương đồng loại: yêu mến Thiên Chúa với
trọn thân xác và linh hồn cũng như với trọn ý nghĩ, và yêu mến người lân cận
như yêu chính mình. Người ta phải không ngừng nghĩ tới điều đó. Người ta phải tập
chú, phải thực hiện trọn vẹn và phải chu toàn điều đó.
Thực ra, chúng ta chưa thể đi tới được với
Thiên Chúa. Nhưng chúng ta có những người lân cận bên cạnh mình. Hãy nâng đỡ họ
và rồi hãy cùng họ đi đến với Đấng mà bạn khát khao để được ở lại bên Ngài cho
đến muôn đời.
Người đàn ông mà bọn cướp đã bỏ lại nửa sống
nửa chết bên vệ đường, ông đã bị vị Tư tế và nhà Thông Luật làm ngơ không thèm
nhìn khi họ đi ngang qua chỗ ông nằm, nhưng người Samaritano đang trong cuộc
hành trình thì lại tiến đến bên ông để giúp đỡ ông; Người Samaritano này chính
là người có lòng nhân ái một cách vẹn toàn.
Chúng ta cần thực hành những công việc của
lòng khoan hậu để chúng ta được giải thoát khỏi cảnh cùng quẫn, và nhờ đó đạt tới
được hạnh phúc, chứ không phải vì một nguyên nhân nào khác. Nhưng điều đó chỉ xảy
ra nhờ sự thiện hảo, và điều ấy có nghĩa rằng: „Hãy đến gần Thiên Chúa – Đấng
là sự tốt lành và thiện hảo của chúng ta.“
Một gia đình mà các thành viên của nó
không sống bởi Đức Tin, sẽ chỉ có thể vươn tới được sự bình an của thế gian
trong sự khát khao những sự vật và những khoản lợi mà cuộc sống tạm bợ cầu
mong; Trái lại, một gia đình mà các thành viên của nó sống bởi Đức Tin, sẽ khát
vọng những điều thuộc về đời đời, tức những điều được tiên lượng cho tương lai.
Người Ky-tô hữu nên làm gì? Sử dụng thế
gian nhưng không phụng thờ thế gian có nghĩa là gì? Phải chăng điều ấy có nghĩa
là, có tiền tài vật chất đấy nhưng cũng coi như không? Ai không có sự lo lắng tới
của cải vật chất, người đó sẽ chẳng hề sợ
hãi chi trong việc mong chờ ngày Chúa đến.
Giáo Hội am tường về hai cuộc sống mà
chúng được công bố, cũng như ủy thác cho Giáo Hội từ chính Thiên Chúa: Cuộc sống
của Đức Tin được diễn tả thông qua Thánh Phê-rô Tông Đồ; và cuộc sống của sự
chiêm nghiệm được diễn tả thông qua Thánh Gio-an. Vì thế mà có lời phán với một
người: „Phần anh, hãy đi theo Thầy!“; còn về người kia: „Nếu Thầy muốn để anh ấy
lại cho tới khi Thầy đến thì đâu có can hệ gì đến anh?“ Những hoạt động nào đã
hoàn thiện rồi, tức những hoạt động được hình thành bởi mẫu gương về sự đau khổ
của Thầy thì nên đi theo Thầy; nhưng sự chiêm nghiệm đang được bắt đầu thì nên ở
lại cho tới khi Thầy đến, và rồi chúng sẽ trở nên hoàn thiện.
Nếu thiếu vắng những ân sủng thì niềm an ủi
của Thiên Chúa lại ở đó. Thiên Chúa an ủi chúng ta trên đường; chỉ cần chúng ta
ý thức được rằng, chúng ta đang lữ hành trên đường. Vì toàn bộ cuộc sống này
cũng như tất cả những gì bạn cần, chỉ nên là một túp lều dành cho người lữ
hành, đừng nên là một ngôi nhà dành cho người cư trú lâu dài.
Trong cơn cùng quẫn nhất thời, Thiên Chúa
giúp đỡ bạn thông qua một con người: Nhưng Thiên Chúa mới là ơn cứu độ của bạn!
Thông qua một Thiên Thần, Thiên Chúa đến để giúp bạn: Ơn Cứu độ là chính Ngài.
Thiên Chúa trao ban sự giúp đỡ của Ngài cho cuộc sống tạm bợ này, bằng cách
thông qua người này để giúp đỡ người khác. Nhưng Thiên Chúa trao ban sự sống đời
từ một Đấng Duy Nhất.
Hãy cân nhắc: Trong cuộc lữ hành, bạn đã
đi được một đoạn đường rồi, và bạn còn có một đoạn nữa đang ở phía trước. Nếu bạn
dừng lại, thì bạn chỉ nên dừng để lấy sức cho mình thôi, nhưng đừng bỏ cuộc.
Chúng ta nên tận hưởng những đồ vật mang
tính tạm thời hơn nữa, như việc ăn uống chẳng hạn trên cơ sở chúng ta được xứng
đáng tận hưởng những của đời đời. Và chúng ta vẫn nên thực hiện điều đó phỏng
theo những người đã được biến đổi, tức những người sử dụng tiền của nhưng lại
khát khao tận hưởng Thiên Chúa, bởi không phải vì Thiên Chúa mà họ tiêu tiền,
nhưng họ tôn vinh Thiên Chúa vì tiền bạc.
Nếu bạn mong muốn gặp được vị quan tòa
nhân hậu, thì chính bạn hãy trở nên nhân hậu trước khi vị quan tòa đó đến. Hãy
tha thứ khi một ai đó làm một điều gì đó xúc phạm đến bạn, hãy cho đi với sự dồi
dào phong phú của bạn! Điều mà bạn cho đi có nguồn gốc từ Đấng nào? Đấng ấy chính là Thiên Chúa! Nếu bạn cho đi
những cái của chính bạn thì nó sẽ là sự hào hiệp. Nhưng khi bạn cho đi những điều
thuộc về Thiên Chúa, thì đó chính là sự hoàn lại.
Những quà tặng được Thiên Chúa yêu thích
nhất, đó là: Lòng Nhân Hậu, Sự Khiêm Nhượng, Lòng Thống Hối, Sự Bình An và Đức
Ái. Chúng ta nên ước ao để có được những tặng phẩm đó. Và rồi chúng ta sẽ được
phép trông đợi vị quan tòa đến mà không hề sợ hãi chi.
Người nghèo và những kẻ bị áp bức sẽ được
Thiên Chúa lắng tai nghe; điều này có nghĩa rằng, kẻ khiêm nhượng và thống hối
sẽ cần tới lòng khoan hậu của Thiên Chúa, chứ không phải là kẻ đã no đầy, tự đắc
và khoe khoang về chuyện mình chẳng hề thiếu thốn chi.
Thiên Chúa sẽ quy tụ những kẻ được tuyển
chọn lại bên mình để bảo vệ họ nơi pháp đình. Thiên Chúa sẽ làm cho những những
kẻ còn lại bị phân tán khỏi nhau. Điều gì sẽ trở nên rẻ mạt hơn và điều gì sẽ
trở nên chân thật hơn, đến nỗi không kẻ nào được phép trông đợi lòng khoan hậu
của Thiên Chúa, vì họ đã không hề muốn thực hành lòng nhân hậu nơi chính mình
trước khi vị Thẩm Phán đến? Nhưng kẻ nào đã luôn sẵn sàng để thực hành lòng
khoan hậu, kẻ ấy sẽ được xét xử với lòng khoan nhân.
Một người sẽ không được gọi là tốt lành dù
rằng người ấy hiểu biết về sự tốt lành nhưng lại thích nó. Như thế thì tại sao
chúng ta lại không nên yêu thích Tình Yêu ở ngay trong chính chúng ta, mà qua
đó chúng ta yêu thích tất cả mọi sự tốt lành, tức điều mà chúng ta yêu thích?
Chúng ta không kiếm tìm sự vinh quang của
chúng ta nơi Đấng mà chúng ta muốn làm hài lòng. Chúng ta không được phép tìm
kiếm vinh quang của chúng ta mà là được phép tìm kiếm ơn cứu độ của Ngài. Chúng
ta phải xây dựng một cuộc sống tốt lành để chúng không đi vào trong sự lầm lạc
khi chúng đi theo chúng ta. Chúng nên phỏng theo chúng ta khi chúng ta là những
người phỏng theo Chúa Ky-tô.
Nếu chúng ta thực sự yêu thích cái gì thì
rồi chúng ta cũng thích đi theo cái đó. Vì chúng ta không thể giới thiệu một thứ
hoa trái nào của tình yêu tốt hơn cho bằng một mẫu gương của sự phỏng theo.
Lạy Thiên Chúa chúng con, phúc thay kẻ yêu
mến Ngài, và yêu thương cả bạn hữu lẫn kẻ thù vì Ngài. Chỉ một mình người ấy sẽ
không bao giờ đánh mất Đấng mà người ấy yêu mến; vì tất cả Tình Yêu hiện diện
bên Đấng và trong Đấng không bao giờ bị thất lạc. Và chỉ mình Ngài là như vậy,
lạy Thiên Chúa chúng con.
Bạn hãy bám lấy những gì được yêu mến
trong Thiên Chúa – trong mức độ bao nhiêu mà bạn có thể - để cùng với bạn tiếp
tục đi tới Thiên Chúa, và hãy nói với chúng: Hãy để chúng tôi yêu mến Ngài,
Ngài đã sáng tạo nên tất cả những điều ấy và không xa cách chúng.
Một tâm hồn đang phụng sự Thiên Chúa đòi hỏi
sự thích hợp cho thân xác, và trong chính tâm hồn, một lương tri thèm khát sự
trung thành với Thiên Chúa cần tới Ngài cũng như những điềm đam mê khác. Vậy
thì một người không phụng sự Thiên Chúa, thử hỏi lý do nào mà trong người ấy vẫn
còn có thể có hiệu lực đối với đức công chính?
Nếu bạn không bao giờ chấm dứt việc sống
chân thành, thì bạn sẽ thực sự im lặng nơi miệng lưỡi của mình, nhưng cuộc sống
của bạn sẽ lớn tiếng kêu lên, và Thiên Chúa sẽ đặt đôi tai của Ngài bên trái
tim của bạn.
Nếu con người sống theo Chân Lý thì họ sẽ
không còn sống theo chính mình nữa, nhưng sẽ sống theo Thiên Chúa. Vì Thiên
Chúa đã phán: „Ta là Chân Lý!“
Trong nhân loại có nhiều người đã được
tham dự vào sự Khôn Ngoan. Họ được gọi là những nhà thông thái. Nhưng có nhiều
người không có được sự khôn ngoan ấy, người ta gọi họ là những kẻ khờ dại. Nếu
vì điều ấy mà người ta gọi họ là những kẻ khờ dại thì nó đã diễn ra một cách
sai lầm; Vì nếu họ cố gắng để có được sự Khôn Ngoan cũng như cầu xin để có điều
ấy, nếu họ tìm kiếm và gõ cửa, họ sẽ có thể được tham dự vào trong sự Khôn
Ngoan. Không phải tại bản chất mà nó bị khước từ mà là ở tại sự tắc trách.
Chúng ta nhận thấy rằng, toàn cõi đất này
thì tràn đầy các Ky-tô hữu, tức những người đặt niềm tin vào Thiên Chúa, họ đã
tự quay mặt đi khỏi sự uế nhơ xưa cũ của họ, và từ Niềm Hy Vọng ban mai, họ đã
quay lại với Niềm Hy Vọng về một thế giới mới. Thế giới mới ấy dù chưa ở trong
thực tế của nó, nhưng chúng ta đã chiếm hữu được nó rồi nhờ Niềm Hy Vọng.
Các Thánh Tông Đồ đã nhìn thấy Chúa hiện
diện trước mắt các Ngài trong xác thịt, và các Ngài đã nghe thấy Lời từ miệng
Chúa, và công bố những Lời ấy cho chúng ta; và như thế chúng ta cũng nghe nhưng
không thấy. Phải chăng chúng ta kém may mắn hơn những người đã được nghe và được
thấy Chúa? Những người đó thấy nhưng chúng ta thì không, nhưng chúng ta có sự
hiệp thông vì chúng ta có Đức Tin giống như họ.
Các ngươi bị ảnh hưởng bởi những điều xưa
cũ và đã không xây dựng ngôi nhà cho Ta. Các ngươi đã bị đặt trong những đống
điêu tàn. Để các ngươi được tái sinh từ đống đổ nát cũ thì các ngươi phải yêu
thương nhau!
Thiên Chúa đã xây dựng ngôi nhà; Chúa
Giê-su Ky-tô, Chúa chúng ta đã xây dựng ngôi nhà cho mình. Nhiều người cố gắng xây, nhưng nếu Chúa không
xây, “thì có cố xây cũng chỉ uổng công.“
Chính chúng ta là ngôi nhà của Thiên Chúa.
Trong Đức Tin, các Tín Hữu được đẽo gọt giống như những cây gỗ được đưa về từ
những cánh rừng, cũng giống như những viên đá được đưa về từ những mỏ đá. Nếu
các tín hữu được dậy dỗ, được lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy và được nuôi dưỡng, họ
sẽ có được sự mài giũa khó khăn trong đôi tay của những người công nhân và những
thợ thủ công, nhưng rồi họ sẽ trở nên nhẵn nhụi và trau chuốt. Nhưng họ chỉ trở
nên ngôi nhà của Thiên Chúa khi họ được liên kết với nhau nhờ Tình Yêu.
Họ là nhà của Thiên Chúa. Về phương diện ấy,
chính Chúa lại là ngôi nhà được xây lên cho chúng ta trên nơi thế gian này, để
ngôi nhà có thể được khánh thành trong thời điểm cuối cùng. Sự dựng xây ngôi
nhà tạo ra sự nỗ lực và công việc, sự khánh thành mang đến niềm hân hoan.
Tất cả những ai công bố Lời Thiên Chúa
trong Giáo Hội, họ đang cố gắng để dựng xây ngôi đền thờ của Thiên Chúa chúng
ta. Tất cả đều đang chạy, chúng ta đang làm việc cho tất cả, và chúng ta vẫn
còn đang tiếp tục xây dựng tất cả; cũng như tất cả đang chạy, đang lao động và
đang xây dựng trước mắt chúng ta. Nhưng „nếu Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả
cũng là uổng công.“
Khi cầu nguyện, Giáo Hội chứng thực rằng,
Giáo Hội không ở trong vinh quang lớn lao trên toàn thế giới, trong tất cả muôn
dân, mà trong cơn cám dỗ khốc liệt.
Các bạn nói: chúng tôi có những thời điểm
tồi tệ và thảm thương. Các bạn hãy sống cho công chính thánh thiện, vì nhờ vào
cuộc sống tốt lành, các bạn sẽ có thể thay đổi mọi thời đại. Một khi các bạn đã
làm biến đổi được mọi thời, các bạn sẽ không còn lý do để cằn nhằn nữa!
Hãy nói cho con biết, con nên đi tới đâu để
có thể được chiêm ngưỡng Ngài, và con cảm thấy hy vọng rằng, con sẽ đạt được tất
cả những gì mà Ngài được gọi đối với con, cũng như sẽ thực hiện trọn vẹn cho
con. Lạy Chúa, xin hãy đón nhận con, Ngài là Đấng mà bên Ngài con tìm nơi ẩn nấp.
Lạy Thiên Chúa là Cha nhân hiền!
Các bạn muốn ca ngợi Thiên Chúa ư? Các bạn
hãy trở nên chính điều mà các bạn muốn ngợi ca! Các bạn sẽ là lời ngợi ca của
Thiên Chúa nếu các bạn đi vào một cuộc sống thánh thiện.
VI.“Sự thiện hảo được tạo thành từ Thiên Chúa tốt lành“.
Tôi đã hỏi toàn vũ trụ về Thiên Chúa của
tôi, và chúng đã trả lời tôi: Tôi không là Ngài nhưng Ngài đã tác thành nên
tôi.
Hãy nhìn xem, Thiên Chúa đang ở đó; và hãy
nhìn, ở đó là những công trình mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên. Và Thiên Chúa là
Đấng tốt lành; Ngài vượt xa và vượt lên trên tất cả những gì mà Ngài đã sáng tạo
ra. Ngài chỉ tạo nên những điều thiện hảo. Và giờ đây các bạn hãy ngắm nhìn,
Thiên Chúa trình bày và làm đầy tất cả những điều ấy thế nào!
Tất cả những gì Thiên Chúa đã sáng tạo thì
Ngài đều sáng tạo trong sự khôn ngoan, và nhờ sự khôn ngoan mà tất cả được tạo
thành. Tất cả những gì hiểu biết về sự khôn ngoan, và tất cả những gì không hiểu
biết về sự khôn ngoan, đều thuộc vào sự tạo dựng của Thiên Chúa, chúng được
sáng tạo nên trong sự khôn ngoan và nhờ sự khôn ngoan.
Cánh tay của Thiên Chúa chính là quyền
năng của Ngài, và Ngài cũng hành động một cách hiển nhiên nơi sự khôn ngoan
không thể nhìn thấy.
Chúng ta hãy hỏi xem, Đấng nào đã sáng tạo
nên điều đó, và chúng ta được trả lời rằng, Đấng ấy là Thiên Chúa; Chúng ta hãy
hỏi xem, Thiên Chúa đã sáng tạo nhờ điều gì, và chúng ta sẽ được trả lời rằng,
Thiên Chúa đã sáng tạo thông qua Ngôi Lời của Ngài; Chúng ta hãy hỏi xem, vì
sao Thiên Chúa đã sáng tạo, và chúng ta sẽ được nghe câu trả lời rằng, vì Thiên
Chúa tốt lành.
Thiên Chúa đã không thể trao tặng nhân loại
quà tặng nào lớn lao hơn Ngôi Lời của Ngài, mà chính nhờ Ngôi Lời ấy Thiên chúa
đã tác tạo thế giới và làm cho Ngôi Lời trở thành đầu của nhân loại, và nhân loại
được hiệp thông với Đầu như những chi thể. Và như vậy Ngài sẽ trở thành một
Thiên Chúa trong tương quan với Thiên Chúa Cha và trở thành một con người trong
tương quan với nhân loại.
Vì chúng ta đã được sáng tạo thành con người
theo hình ảnh của Đấng Sáng Tạo chúng ta, tính đời đời của Ngài thì chân thật,
chân lý của Ngài thì bền vững đời đời, và tình yêu của Ngài thì chân thật và
vĩnh cữu, chúng ta nên nhờ vào tất cả mọi công trình của Thiên Chúa mà ngắm
nhìn hình ảnh của Ngài trong chính chúng ta.
Trước hết, đối với điều có thể nhìn thấy
thì vũ trụ là cái lớn nhất; nhưng đối với điều không thể nhìn thấy được, thì
trước hết, Thiên Chúa là Đấng lớn nhất; Vũ trụ là cái chúng ta nhìn thấy, còn
Thiên Chúa là Đấng chúng ta tin.
Bên ngoài, người ta chạy theo những đồ vật
mà chính họ đã nặn ra; và bên trong người ta từ bỏ Đấng đã tạo thành nên chính
họ, và như thế họ đã hủy hoại công trình mà Đấng Hóa Công đã tạo nên cho họ.
Trong thời gian dài, con đã không nhìn thấy
được nguồn gốc sâu xa nhất của tất cả những điều lớn lao nơi công trình sáng tạo
của Chúa cũng như sự tinh xảo của Chúa, lạy Thiên Chúa quyền năng, chỉ mình
Ngài „dựng nên những công trình kỳ diệu“.
Chẳng có nhà sáng lập nào tuyệt diệu cho bằng
thiên Chúa, chẳng có sự khéo léo tinh xảo nào hữu hiệu cho bằng Ngôi Lời của
Thiên Chúa, chẳng có nguyên lý nào tốt lành cho bằng sự thiện hảo đã được dựng
nên từ Thiên Chúa tốt lành.
VII.“Xin Chúa hãy yêu thương và hãy đốt lên trong lòng con!“
Sự nhớ nhung khôn nguôi của bạn chính là
giọng nói không ngừng của bạn. Bạn sẽ im tiếng khi bạn ngừng yêu. Tình yêu bị
nguội lạnh chính là ự lặng im của con tim.
Không có người nào mà không yêu. Người ta
chỉ cần tự hỏi xem người ta đang yêu cái gì thì biết được rằng người ta đang
yêu. Vì thế, chúng ta không được kêu gọi để chuyển giao Tình Yêu, nhưng được gọi
để chọn lựa điều mà chúng ta muốn yêu.
Tôi thiết ra nài xin các bạn: Hãy cùng yêu
với tôi! Hãy cùng chạy với tôi trong Đức Tin! Hãy để cho chúng ta mong ước Nước
Cha trên trời, làm cho chúng ta thở than và nhận ra quê hương đó; ở nơi đây,
chúng ta chỉ là những khách lữ hành.
Tinh Yêu chính là cái mà nhờ đó chúng ta
yêu mến. Chúng ta yêu cái gì? Chúng ta yêu mến sự thiện hảo khôn xiết tả, sự
thiện vàsự tốt lành, Đấng Tạo Hóa Tốt Lành của mọi sự thiện hảo.
Thiên Chúa đề nghị bằng những lời vắn gọn.
Ngài lớn tiếng gọi chúng ta: Các ngươi hay yêu mến ta và rồi các ngươi sẽ có
Ta. Các ngươi không thể yêu mến Ta nếu các ngươi không có Ta.
Chúng ta có thể có được niềm vui trong
lòng như thế nào nếu như nó ở xa chúng ta? Nhưng niềm vui thì không muốn ở xa.
Chính bạn làm cho nó xa bạn. Hãy yêu mến nó và rồi nó sẽ đến gần bạn. Hãy yêu mến
nó và rồi nõ sẽ cư ngụ trong bạn.
Thỉnh thoảng chúng ta yêu mến cái không
nên yêu. Nhưng ai yêu mến điều cần phải yêu, người ấy thù ghét một tình yêu sai
trái đối với điều đó.
Chính Thiên Chúa – vị Thầy của Tình Yêu,
đã đến với Tình Yêu tràn đầy. Ngài thi hành Lời của Ngài trên trái đất và chỉ
ra rằng, cả lề luật và các Ngôn Sứ đều lệ thuộc vào giới răn thứ hai, đó là giới
răn của Đức Ái.
Chúa Giê-su đã nói rất chính xác rằng, ở
đâu có Tình Yêu trọn hảo, tức Tình yêu mà chúng ta mắc nợ đối với người khác:
„Không có Tình Yêu nào lớn lao hơn Tình Yêu của người trao hiến sự sống của
mình cho người mình yêu.“
Tình Yêu mà Chúa Giê-su trao tặng chúng ta
làm cho chúng ta được nên mới, hầu chúng ta trở thành con người mới, trở thành
người thừa tự của Giao Ước mới, trở nên những danh ca của bài ca mới. Tình yêu
sáng tạo và quy tụ một dân mới từ tất cả nhân loại đang bị tản mát trên toàn
cõi đất, trở nên thân thể của vị hôn thê được tái hôn với Người Con Độc Nhất.
Có hai loại Tình Yêu đã xây dựng nên hai
„quốc gia“: Tình yêu chính mình, tức Tình yêu đi đến với việc coi thường Thiên
Chúa, xây lên quốc gia thuộc thế trần; Tình Yêu Thiên Chúa, tức Tình Yêu đi tới
với việc trao hiến chính mình dựng xây lên Nước Trời. Chính có tình yêu như thế
tự khoe trong chính mình rằng, họ ở trong Thiên Chúa.
Một mình ai đã gọi chúng ta trở lại từ cõi
chết của sự ngộ nhận để đến với sự sống, mà sự sống ấy không hề biết tới sự chết,
và đến với sự khôn ngoan, mà sự khôn ngoan ấy không cần tới ánh sáng nhưng lại
chiếu sáng vào trong cõi lòng của những tâm hồn nghèo khó, và sự khôn ngoan ấy
dẫn đắt tất cả mọi biến cố của vũ trụ kể cả việc những lá cây của một cây cỏ bị
rụng trong gió.
Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là Tình Yêu
tràn đầy và là sự ý thức chắc chắn của con. Với Lời của Chúa, Chúa đã gặp gỡ
trái tim con và con trở thành người yêu của Chúa. Nhưng cũng như bầu trời, trái
đất và tất cả những gì chất đầy nơi chúng, tất cả đều nói với con rằng, con cần
phải yêu mến Chúa.
Tình yêu dành cho Chúa là quá ít nếu bên cạnh
việc yêu Chúa, người ta vẫn còn yêu một cái gì khác, mà lại yêu nó không phải
vì Chúa. Lạy Chúa, xin hãy yêu thương tất cả những gì mà Chúa không ngừng đốt
cháy và không bao giờ làm chúng tiêu tan: Xin hãy đốt lên trong lòng con!
VIII.“Với môi miệng và giọng nói, với cuộc sống và hành động“:
Ý nghĩa về cuộc sống hiện tại của chúng ta
phải bị phán xét trên sự ngợi ca Thiên Chúa, vì niềm hoan hỷ nơi cuộc sống
tương lai của chúng ta chứa đựng trong sự ngợi ca Thiên Chúa; và không ai có thể
xứng đáng với cuộc sống đang đến nếu người ta không luyện tập để sống cuộc sống
ấy ngay từ lúc này.
Lạy Chúa, xin hãy đoái xem, này chúng con
là „đoàn chiên bé nhỏ của Chúa“. Xin Chúa hãy làm chủ chúng con! Xin hãy dang rộng
đôi cánh của Chúa, và chúng con xin được lẩn trốn dưới cánh tay Ngài. Chúa
chính là Đấng chúng con kính thờ.
„Hãy hát mừng Thiên Chúa một
bài ca mới.“ Tôi nghe thấy bạn đang hát. Nhưng cuộc sống của bạn không được làm
chứng chống lại miệng lưỡi của bạn. Hãy hát với tất cả giọng nói, hãy hát với tất
cả con tim, hãy hát với tất cả miệng lưỡi, và hãy hát với tất cả cuộc sống của
bạn.
Chúng tôi kêu mời các bạn hat ca ngợi khen
Chúa. Đó chính là cái khi mà tất cả chúng ta cùng hát „Halleluia“. Hãy ngợi
khen Chúa! Bạn hãy nó điều đó với những người khác và họ sẽ nói về nó với bạn;
và trong khi tất cả họ đòi hỏi nhau, họ thực hiện cho tất cả rồi, họ kêu gọi vì
mục đích ấy. Nhưng hãy hát ca với tất cả con tim: đừng chỉ ca ngợi Thiên Chúa bằng
miệng lưỡi và tiếng giọng của các bạn, nhưng với tất cả tâm hồn, với tất cả cuộc
sống và với tất cả mọi hành động của các bạn!
Chúa trao cho chúng con nhiều điều khi
chúng con xin Chúa những điều ấy; và điều mà chúng con đã lãnh nhận từ sự tốt
lành, chính là những điều mà trước hết chúng con đã cầu xin rồi, chúng con đã
lãnh nhận điều đó từ chính Chúa.
Con kêu gào lên Chúa, lạy chúa là Đấng
Chân thật, trong Ngài, từ Ngài và nhờ Ngài mà tất cả những điều có sự chân thật
được trở nên chân thật. Lạy Thiên Chúa Đấng Khôn Ngoan Thượng Trí, trong Ngài,
từ Ngài và nhờ Ngài mà tất cả những gì có sự khôn ngoan được trở nên khôn
ngoan.
Không tâm hồn nào có thể, không bao giờ có
một lúc nào đó mà nó sẽ còn có thể nghĩ ra được một cái gì đó tốt hơn là chính
Chúa, Đấng là sự thiện tối cao và duy nhất, trổi vượt và cao vời trên tất cả
muôn loài.
Sự xa hoa muốn được coi là tính hào hiệp.
Nhưng Thiên Chúa là Đấng ban tặng không hề tiết kiệm của tất cả mội sự thiện hảo.
Tính hám danh muốn sở hữu tất cả, nhưng chỉ có Chúa mới là Đấng làm chủ muôn
loài.
Sự ganh tỵ cố gắng tìm kiếm danh vọng nơi
quyền ưu tiên; cái gì sẽ có được thứ bậc của nó trên Ngài?
Tính kiêu căng bịa đặt vẻ uy nghi; nhưng
ôi lạy Chúa, chỉ có một Đấng ngự trên tất cả, Đấng ấy chính là Thiên Chúa. Sự
tôn sùng tìm kiếm uy quyền và vinh quang; Nhưng Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất và
Quyền Uy, Đấng trổi vượt trên tất cả và ngự nơi tối cao.
Sau cuộc sống lâu dài tràn đầy những nỗi vất
vả khổ đau một tâm hồn sẽ có khả năng để đạt tới được dung nhan của Thiên Chúa
và sẽ được cứu độ trong sự phô bày của ánh sáng không cần tới thân xác và trong
sự tham dự vào trong sự bất tử không hề đổi thay của nó, mà để đạt được điều
đó, chúng ta phải được thiêu đốt trong nỗi khát khao đầy yêu thương.
Ai có quyền hưởng niềm hoan hỷ hơn là
Thiên Chúa - Đấng khôn xiết tả? Sở dĩ Ngài là Đấng khôn xiết tả vì bạn không thể
nói về Ngài. Mặc dù bạn không thể nói hết về Ngài nhưng bạn cũng không được giấu
kín Ngài, bạn có thể làm gì khác được ngoài việc reo mừng? Như vậy, con tim sẽ
reo mừng mà không cần lời, và khoảng rộng không thể được đo đạc của niềm vui
nên nhìn thấy sự giới hạn nơi những âm tiết.
Lạy Thiên Chúa Đấng Tối Cao, Đấng Thượng
Trí, Đấng Quyền Năng, Đấng Nhân Hậu, Đấng Công Chính, Đấng Kín Nhiệm và Hiện
Có, Đấng Tuyệt Mỹ và Đầy Sức Mạnh, Đấng Bền Vững và Khôn Dò Thấu, Ngài là sự bất
biến và là sự khả biến của tất cả mọi sự. Ngài là Đấng không bao giờ mới cũng
không bao giờ cũ, nhưng Ngài làm cho tất cả nên mới.
Người ta hỏi rằng, họ nên hát mừng Thiên
Chúa như thế nào. Hãy hát mừng kính Ngài nhưng không được hát dở! Thiên Chúa
không muốn chúng ta xúc phạm đến đôi tai
của Ngài. Vậy hỡi an hem, hãy hát lên nào, nhưng hãy hát cho thật hay!
Chúng ta ca ngợi Thiên Chúa trong nhà thờ
khi chúng ta quy tụ lại cùng nhau. Khi một người ra đi và xả thân cho bổn phận
riêng của mình, người ấy có vẻ như đã chấm dứt việc ca ngợi Chúa. Nhưng thực
ra, người ấy không hề ngừng trong việc đi tới một cuộc sống tốt lành; và rồi
sau đó người ấy sẽ ca ngợi Chúa không ngừng.
Giờ đây chúng hãy cùng hát lên, đừng ca hát
với niềm vui của sự lặng yên trầm tư, nhưng với niềm ủi an trong nỗi khổ đau.
Như những người hành hương vẫn thường hát: hãy hát và hãy lên đường! Sự ca hát
an ủi bạn để bạn nỗ lực hơn và đừng yêu thích sự tức bực. Nào, hãy hát ca và
hãy lên đường!
Ca hát là công việc của người đang yêu; Giọng
ca của những ca sĩ này chính là sự hào hứng của một tình yêu thánh thiêng.
Lạy Thiên Chúa, chẳng có vật gì trên Ngài,
chẳng có điều chi ngoài Ngài, không có Ngài chẳng có gì hiện hữu! Lạy Thiên
Chúa, tất cả đều ở bên dưới Ngài, tất cả đều ở trong Ngài, chỉ với Ngài mà tất
cả được hiện hữu.
Lm
Đa-minh Thiệu – chuyển ngữ