Nhìn Vào Chính Mình
Càng
chú tâm vào những diễn biến trong tâm hồn mình, mỗi ngày ta càng nghiệm ra
những điều rất linh thiêng và mới mẻ. Chính những cảm nghiệm từ bên trong này
giúp ta càng trở nên bình lặng hơn, thâm trầm hơn trước những công việc và con
người, dần dần “ngộ” được tính chất phù vân của mọi sự, nhận chân ra những giá
trị sâu thẳm của đời sống tinh thần. Từ đó, bớt đặt nặng những lo toan tính
toán cho bản thân, bớt bám víu vào những lợi lộc, danh giá và tình cảm của
người đời, và mọi hình thức bề ngoài chỉ còn là những điều phụ thuộc.
1. Đời sống nội tâm
Với đời sống nội tâm
sâu lắng, tự nhiên ta biết lắng nghe chính mình. Những tiếng vang vọng từ trong
sâu thẳm mời gọi ta biết yêu chuộng những gì là chân thật; biết tạo cho mình
một phẩm cách cao quí và một bản lãnh vững vàng giữa những xáo trộn và thay đổi
của cuộc đời; biết mở rộng tâm hồn để đón nhận mọi biến cố và hoàn cảnh; biết
sống tương quan với mọi người trong tinh thần liên đới, kính trọng, yêu thương;
đồng thời cũng biết khôn ngoan và tinh tế trong mọi sự.
Với ý thức về cuộc
sống chiều sâu bên trong, thì những diễn biến linh thiêng giúp ta bớt dần đi
những ảnh hưởng của những chấn động bên ngoài như: vui-buồn, sướng-khổ,
hơn-thua, được-mất, thành-bại, vinh-nhục. Khi cuộc sống bên trong không còn bị
khống chế bởi những ham muốn và dục vọng, thì đời sống tinh thần bình an, tự nó
lớn lên và phát triển mỗi ngày sâu rộng hơn. Từ đó, cũng tan biến dần những bất
hòa và mâu thuẫn với chính mình, để hình thành một cuộc sống mới trong sự hợp
nhất với chính mình và hài hòa trong mọi tương quan.
Trong sự bình tâm như vậy, ta sẽ nhận thấy điều quan trọng đối
với ta hằng ngày không phải là làm điều mình muốn làm, cũng không phải là sống
như điều mình muốn sống. Chính những tác động linh thiêng bên trong mới nắm giữ
một vai trò điều hướng chân chính về những gì ta phải làm và phải sống. Trong
tâm hướng đó, người ta có kinh nghiệm về một Đấng đang ngự trị trong sâu thẳm
của lòng mình : “Người là bầu trời và cũng là tổ
ấm” (R. Tagore). Kinh
nghiệm này khiến người ta không còn muốn sống theo những hoạch định của riêng
mình như một cách “tiến thân” trong cuộc đời, nhưng sống “hiến thân” theo sự
thúc bách của tiếng gọi linh thiêng luôn sống động và biến chuyển từng giây
phút trong tâm hồn mình.
2. Nỗi thao thức và trăn trở
Niềm tin vào Chân Lý
khiến người ta không thể xao lãng về sự sống linh thiêng của tâm hồn mình. Đó
là lý tưởng cao vượt luôn mời gọi con người nỗ lực dấn thân trên đường tìm
kiếm. Con người của Chân Lý là con người luôn mang một nỗi thao thức và trăn
trở không ngừng để hoà nhịp vào SỰ SỐNG rất thiêng liêng đang tiềm ẩn trong
chính mình. Thao thức và trăn trở đó dần dần làm thành một khao khát mãnh liệt
thúc đẩy ta luôn muốn tha thiết được chìm sâu trong SỰ SỐNG để được triển nở và
biến đổi từng ngày. Điều đó hiển hiện trong thâm tâm như một thực tại huyền
nhiệm cuốn hút tâm trí ta, khiến ta dám gạt bỏ những điều tầm thường để say mê
xây dựng cuộc đời mình dựa trên những giá trị tinh thần.
Khi sống trong một
tinh thần tự do giữa mọi công việc, nghĩa là khi không còn mang nặng những kỳ
vọng; không còn dính bén vào những tình cảm thấp kém; không còn phụ thuộc vào
những đánh giá bề ngoài; không còn sợ lo trước những may rủi của vận mệnh… thì
quả thực ta cảm thấy một trạng thái thanh thản an nhiên lạ lùng, như bước vào
một thế giới mới vậy. Đây không phải là cảm giác phút chốc như những niềm vui
khác trong đời, nhưng là niềm vui an tĩnh tinh thần rất lắng đọng, sâu xa và
bền vững. Cảm nhận niềm vui thâm sâu này khiến ta dễ dàng xóa bỏ những niềm vui
nhỏ nhen tầm thường khác.
Con người thật ra rất
yếu đuối và giới hạn, nhưng con người cũng thật cao quí và lớn lao, là đỉnh cao
của sự sống mà Thiên Chúa đã đặt để Quyền Năng và Tình Yêu vô biên của Ngài
trong tận thâm tâm của mỗi người. Ý thức điều này, mời gọi ta hãy phát
huy cuộc sống toàn vẹn của mình trong mọi thời điểm. Trong nhiệm cục cứu độ, sự
sống của Đức Kitô Phục Sinh đã hòa nhập trong mỗi người chúng ta, và cũng đang
lan tràn trên mọi sự sống khác. Chính Thần Khí Ngài đang thúc đẩy ta cải tạo
cuộc sống cũ và tác tạo cuộc sống mới nơi chính mình. Ngài cũng chính là nguồn
lực vô song mà con người đã đánh mất hoặc quên lãng trong đời sống hằng ngày.
Khi quên mất sự sống vô biên của Thiên Chúa nơi chính mình, nhất là khi thiếu
lòng tin, con người chỉ còn trơ trọi với bản thân mình, cũng giống như Ađam
thấy mình thật trơ trẽn sau khi sai phạm. Và rồi từ đó với sức riêng mình, con
người chỉ còn lăn lộn với những phân rẽ và xung đột trong chính mình, với tha
nhân và ngoại giới.
Thật vậy, tất cả đều
tuỳ thuộc ở nơi con người: hạnh phúc hay đau
khổ, niềm vui hay nỗi buồn, cản trở hay thuận lợi ... đều nằm trong thái độ nội
tâm của con người. Sự
sống mới sẽ dâng tràn cho những ai ý thức và tích cực phát huy tận kỳ tính
trong sự chìm sâu
hoà nhập với nguồn lực trong chính mình, điều
mà Thánh Irênê đã từng nói: “Thiên Chúa đã làm người để con
người được làm Thiên Chúa” ; và “Vinh quang Thiên Chúa chính là sự sống của con người”. Đó
là điều mà Thiên Chúa muốn trao cho mọi người trong Đức Kitô. Ngài đã thực hiện
chương trình cứu độ là vì thế. Và Ngài đang tiếp tục thực hiện sự sống mới sung
mãn này cho những ai dấn thân trọn vẹn với
niềm tin sâu xa vào chính mình và vào Thiên Chúa. Hiệu
quả phát huy nguồn lực hệ tại ở lòng tin, mức độ sâu rộng còn tuỳ thuộc cơ
duyên của mỗi người. Vì đây không phải là điều mà con người tham vọng, nhưng
là điều mà con người trở
nên.
3. Thanh luyện tâm hồn
Khao khát thâm sâu của
cuộc sống tâm hồn là được sống hạnh phúc trong tình yêu với
Chúa, với mọi người, và với cả vạn vật chung quanh. Muốn đạt tới điều này con
người bó buộc phải trải qua con đường thanh luyện tâm hồn mình. Có cây cối nào
sinh hoa kết quả mà không phải trải qua gió sương, mưa nắng, đào xới, cắt tỉa …
Cũng vậy, cuộc sống mỗi con người là một cây
cao quí vô song mà Chúa đã trồng giữa lòng thế giới. Để phát sinh hoa trái
thánh thiện thì điều cơ bản của cuộc sống con người cũng phải là một cuộc thanh
luyện không ngừng để đón nhận Chúa và tha nhân hằng ngày.
Nói tới thanh luyện
thì ta cảm thấy xót xa, nhức nhối, do đó con người dễ phản kháng, phủ nhận. Cái
gì mà nó mơn trớn, ngọt ngào, thoả mãn tình cảm và ước muốn của mình thì mọi
người đều vui thích chấp nhận và cảm thấy sung sướng, kể cả những điều mà mình
chẳng biết nó sẽ đưa mình tới đâu. Nhưng
thật sự đó là những niềm vui tạm bợ, có khi là những lớp bụi trần dầy đặc thêm
cho tâm hồn, làm nặng thêm kiếp phù sinh, chứ chẳng đem lại điều gì cao đẹp.
Bởi vậy, bản thân mình là trận chiến gay go và lớn lao nhất, và
thanh luyện là sách lược cơ bản nhất để vô hiệu hoá mọi trở lực trong trận chiến
toàn diện này.
Thật ra có được hạnh
phúc trong tâm hồn cũng không phải là điều quá khó khăn, nhưng rồi cũng không
phải là dễ dàng và thô sơ như sự phát triển của một bản năng tự nhiên. Chỉ có tình
yêu thương chân thật mới đem lại bình an và hạnh phúc đích thật, nhưng nó đòi
hỏi sự tinh tế và nhạy cảm về chính mình trong mọi tương quan. Bởi vậy, trong
chính tình yêu thương luôn đòi hỏi một sự thanh luyện cao độ nhất.
4. Gặp gỡ Chúa hằng ngày
Cần có những kinh nghiệm nội
tâm qua những trăn trở và thao thức, nhờ việc tiếp xúc thân tình với Chúa hằng
ngày, ta sẽ có thể tự hoá giải những tâm trạng chưa ổn thoả của mình, biến nó
thành tích cực và niềm vui sống trong sáng, và rồi qua đó ta hiểu được thế nào
là cuộc sống rất huyền nhiệm, và phải thể hiện cuộc sống mình như thế nào để đi
vào kế hoạch của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Điều này không ai dạy ai được. Phải có
kinh nghiệm sống với Chúa thì mới có được tấm lòng để sống với mọi người và mọi
sự. Ta phải gặp được Chúa từ chính tâm hồn mình, nếu không thì mọi nổ lực và
giải pháp đều vô ích.
Điều quan trọng làm nên cuộc
sống không phải là những công trình, những thành tựu, những điều lớn lao và tốt
đẹp trước mặt mọi người, mà là sự gặp gỡ Chúa hằng ngày. Mọi cái rồi sẽ qua đi tất cả
chẳng còn lại gì. Chẳng ai và chẳng có gì là quan trọng đối với mình, bởi vì
chẳng có ai và cũng chẳng có gì có thể cho mình niềm vui và hạnh phúc đích
thật, chỉ là những nâng đỡ tạm bợ thế thôi. Điều cần thiết nhất là hãy tận dụng
mọi cơ hội và biến cố để sống với Chúa một cách sâu thẳm và trọn vẹn hơn.
Cần
nhận ra rằng, mỗi công việc, mỗi con người, mọi niềm vui hay nỗi buồn, thành
công hay thất bại… đều là những ĐIỂM HẸN mà Chúa vẫn đợi chờ ta mỗi ngày. Nhưng
rồi mỗi ngày có biết bao lần ta lỡ hẹn. Ta thường đến những điểm mình hẹn chứ ít khi đến những chỗ Chúa
hẹn. Ta gặp được rất nhiều điều hay lẽ phải, gặp được biết bao con người
và công việc đang cần đến ta, nhưng thật sự lại không gặp được chính Chúa. Đó
phải chăng là thất bại lớn nhất của một con người trong đời sống đức tin?
Nhưng
không sao… Chúa vẫn đứng đó, vẫn chờ vẫn đợi…ĐIỂM HẸN vẫn còn, NGƯỜÌ HẸN vẫn
một tình yêu theo năm tháng đợi chờ….
Lời nguyện
Lạy Cha! Sâu nhiệm và cao quí
thay
cuộc sống con người mà Cha đã tạo thành.
Cha muốn hoàn thành cách tốt
nhất
cuộc sống của con theo dự hướng của Cha,
nhưng nhiều khi con cứ lầm lì trong dự định của mình.
Cuộc sống Kitô hữu là một
hành trình hiến thân để hóa thân,
nhưng nhiều lúc con chỉ thích thủ thân, để rồi dần dần đưa tới hư thân.
Bản thân con chỉ muốn sống với
những gì mình muốn có
mà quên những gì mình đang có.
Tâm trí con chỉ muốn đạt tới những
gì mình muốn là
mà quên những gì mình đang là.
Ham thích những gì quá tự
nhiên, con đánh mất ý thức siêu nhiên.
Chạy theo những sự dưới đất, con quên mất ái mộ những sự trên trời.
Chỉ lo sống theo những nhu
cầu của thể xác,
con làm ngưng trệ những đòi hỏi bức thiết của đời sống linh hồn.
Chỉ chú tâm vào những công
trình và thành đạt,
con trở nên bệ rạc trong chính trái tim mình.
Xin Cha cho con biết nhìn vào
chính mình
biết chỉnh đốn lại đời sống con trong sự thật,
trong tình yêu và ân sủng của Cha.
Xin cho con biết nhìn ngắm
Đức Kitô mỗi ngày
để tìm thấy sự vẹn toàn của đời mình,
và kiện toàn cuộc sống của chính mình. Amen.
Lm.
Thái Nguyên