KHÁM PHÁ CHÍNH MÌNH [1]

 

“Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con” (Augustino)

 

Theo hệ thống Cửu loại (L’Ennéagramme), mỗi người đều nằm vào một trong chín loại cá tính (đây là một phương pháp để khám phá ra chính mình). Bên cạnh những nét tích cực, mỗi loại cá tính bao gồm những nét tiêu cực bởi xung năng (compulsion), như một sức đẩy không thể cưỡng lại. Nó đâm rễ trong ý niệm mình có về bản thân, và tác động sâu đậm trên đời sống toàn diện, làm thành một phong cách và lối ứng xử nhất mực. Nó như một loại “tội nguyên tổ” đang hoạt động ẩn tàng, đối nghịch với sự trung thực nơi con người (Rm 7, 14-23); như một mãnh lực của sự dữ trói buộc con người, mà ta cần lôi ra ánh sáng thì mới mong thoát thân.

Việc phân loại tính tình dưới đây tiết lộ cho mỗi người những điểm tích cực và tiêu cực nơi cá tính của mình, đồng thời nêu lên cách thế giúp ta tự giải thoát khỏi “xung động” của bản thân, để hình thành một nhân cách sung mãn theo mẫu gương Đức Giêsu.

Để khám phá chính mình đòi ta phải có lòng trung thực và can đảm chấp nhận sự thật, kèm theo khả năng tự phê và tinh thần sám hối. Điều quan trọng là cần nhìn ngắm Chúa Giêsu trong mỗi loại cá tính để biết hóa giải những vấn đề nội tâm. Như vậy ta có thể đổi mới đời mình để sống dồi dào trong ơn cứu độ của Chúa (x. Ga 10, 10).

I. CHÍN LOẠI CÁ TÍNH

1. Loại Một

Mẫu người cầu toàn, bị thúc thẩy bởi nhu cầu muốn hoàn hảo trong mọi sự, nên tránh né sự bất toàn, dồn nén cơn phẫn nộ chứ không để lộ nỗi bất bình. Luôn muốn hoàn thành mọi việc mỹ mãn, nên rất ghét những việc làm tắc trách. Đây là loại người cẩn thận, cân nhắc kỹ lưỡng, nên đầy chi li và tỉ mỉ. Vì đặt nặng sự toàn hảo nên cũng nặng đòi hỏi, khiến luôn thất vọng và bất mãn với chính mình, cũng như với người khác, và dễ thành kẻ cố chấp.

Loại Một đã lớn lên với ý nghĩ là người khác chỉ chấp nhận mình khi mình vô tì tích. Vì quan trọng hóa các chi tiết, nên “thấy cây mà không thấy rừng”, thường chậm chạp trong quyết định, luôn phàn nàn không đủ giờ, cảm thấy mình ngập tràn công việc nên luôn căng thẳng, bẳn gắt, cáu kỉnh, dễ đi tới bất mãn và bị trầm uất.

Ưu điểm của loại Một là luôn cố gắng hoàn thành công việc cách tối ưu, sẵn sàng hy sinh tất cả cho nhiệm vụ, luôn cải tiến công việc và có sức thuyết phục. Có tính trung thực và thẳng thắn, đặt nặng sự công bình và bình đẳng. Con người thực tế và chu đáo, sống có lý tưởng và nguyên tắc hẳn hoi.

Cạm bẫy của loại một là ý niệm về sự toàn thiện đã trở nên một ám ảnh, đòi hỏi mình và người khác phải thực hiện cho kỳ được, nhưng rồi thực tế làm gì có sự hoàn thiện tức khắc nơi mình hay nơi người khác, khiến họ rơi vào sự phẫn nộ, trở nên cứng cỏi, bất nhẫn.

Gương Chúa Giêsu. Những ưu điểm của loại Một bắt gặp nơi Đức Giêsu về chủ nghĩa lý tưởng của Ngài, như một nhà cải cách. Đối với Ngài, thế giới không ăn khớp với kế hoạch của Thiên Chúa, nên mời gọi: “Anh em hãy nên hoàn thiện...” (Mt 5, 48), và dám thách thức: “Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội” (Ga 8, 46). Đòi hỏi như thế, nhưng Ngài lại rất mực khoan dung, đầy lòng yêu thương tha thứ, cụ thể là trong trường hợp người phụ nữ ngoại tình (Ga 8, 8-11). Loại Một chủ trương hoàn hảo, nhưng lại không biết rằng sự hoàn hảo lớn lao nhất là lòng đại lượngkiên nhẫn.

Chiếc bẫy của chủ nghĩa lý tưởng mà loại Một mắc vào thì Đức Giêsu đã tránh được, khi Ngài chấp nhận người khác trong cá tính của họ. Sự hoàn thiện mà Ngài nêu lên làm mẫu gương là lòng nhân từ (x. Lc, 6, 35-36), và điều kiện cần nhất để cải thiện thế giới là kiên nhẫn chịu đựng sự bất toàn (x. Lc 6, 29; Mt 5, 41). Đây là tính lạc quan của Chúa Giêsu mà loại Một phải học lấy để hóa giải tình trạng quá khích của mình, và xác tín rằng rốt cuộc sự thiện sẽ thắng.

Người khác sẽ cải thiện khi biết mình được yêu thương và được chấp nhận trong cá tính của mình. Từ đó, nhóm một mới ngộ ra rằng, không phải vì tôi hoàn hảo mà người khác mới chấp nhận và yêu mến tôi. Thiên Chúa đã yêu tôi vô điều kiện, và mời gọi tôi biết trở nên tấm lòng của Ngài, để tôi tìm được sự bình an, dù còn khối những cái trục trặc trên đời, nhưng cũng đầy những điều tốt đẹp đáng vui mừng.

Nhận biết và hoán cải. Loại Một chỉ thoát khỏi cạm bẫy khi nhận biết sự thánh thiện là một tiến trình tăng trưởng, tiệm tiến chứ không thể ngay tức khắc. Từ đó, họ mới biết khoan hòa với mình và biết hợp tác nhẹ nhàng với mọi người, và thấy rằng mọi sự đều sinh ích trong chương trình quan phòng của Thiên Chúa.

Ngoài ra, loại Một còn phải học nơi Đức Giêsu để biết nhìn mọi sự trong một qui mô rộng lớn, chứ không để mình bị ách tắc bởi những chi tiết. Đừng đòi hỏi hiệu năng theo tiêu chuẩn, cách thức và cái nhìn hạn hẹp của mình, nhưng biết rằng mọi đóng góp cải tiến của mình đều được lồng vào kế hoạch yêu thương phổ quát của Thiên Chúa. Với tâm tình đó, họ vứt bỏ mọi ưu tư lo lắng thái quá, để sống bình anthanh thản.

2. Loại Hai

Mẫu người phục vụ: bị thúc đẩy bởi sự ham muốn được yêu mến và quí trọng nên hết lòng phục vụ, tránh né nhu cầu bản thân, chỉ lo tìm thỏa mãn nhu cầu của người khác. Tự cho mình là người biết hy sinh, xả kỷ, và che giấu ước vọng được yêu mến. Đây cũng chỉ là chiến lược để chiếm đoạt tình cảm, biến người khác thành kẻ lệ thuộc mình, che giấu sự ích kỷ luồn cúi thúc đẩy. Loại Hai mang tâm trạng thiếu thốn, chỉ mong sở hữu được người khác nên luôn lo làm hài lòng họ, và rồi dễ bị tổn thương nặng nề khi không được đáp trả.

Ưu điểm của loại cá tính này là nhiệt tình, tận tâm, tế nhị, niềm nở, nhạy cảm trước những nhu cầu và lợi ích của tha nhân, nên sẵn sàng phục vụ nồng hậu và rất khéo xử sự để vui lòng mọi người.

Cạm bẫy của loại Hai chính là ý tưởng về sự phục vụ: họ nghĩ mình đã từ bỏ hoàn toàn đang khi trong thực tế họ còn lệ thuộc sự tán thưởng, lòng biết ơn và sự quí mến của người khác. Rất ghét người ích kỷ, nhưng mình còn ích kỷ hơn. Sự từ chối cần đến người khác khiến họ thành người kiêu ngạo, coi mình là trung tâm, sinh ra ganh tị và tranh thủ độc chiếm.

Gương Chúa Giêsu. Loại Hai gặp được nơi Đức Giêsu, mẫu gương phục vụ (Mc 10, 44). Ngài biết đáp lại những nhu cầu thiết thực của tha nhân, trở nên người cận thân của kẻ khốn khó (Lc 10, 30-37), cứu giúp cho cả người không nài xin (Lc 7, 11-15), phục vụ cả trong ngày Sabat (Mc 2, 27). Nhưng Đức Giêsu thoát khỏi cạm bẫy của loại Hai là phục vụ để chiếm được tình thương mến của tha nhân: Ngài đã giải tán dân chúng sau khi cho họ một phép lạ, và đòi các môn đệ phải chèo thuyền qua bờ bên kia (Mt 14, 22); giải tán họ xong, Ngài lên núi một mình mà cầu nguyện (Mt 14, 23); Ngài đã từ chối kẻ được chữa lành đòi đi theo Ngài (Mc 5, 18); Ngài chẳng hề ràng buộc ai, đến nỗi nhiều môn đệ đã bỏ Ngài ra đi (Ga 6, 66). Ngài có hỏi Phêrô ba lần: “Anh có mến Thầy không?” Điều đó không có nghĩa là tìm kiếm tình cảm về những gì Ngài làm cho ông, nhưng nói lên ước muốn hiệp thông. Loại hai phải ý thức được chân lý nền tảng này: tình yêu đích thực cuối cùng là sự hiệp thông hơn là một cử chỉ phục vụ.

Nhận biết và hoán cải. Để thoát khỏi cạm bẫy, loại Hai phải thấy sự thánh thiện là do ân sủng Chúa ban. Không có cách nào tranh thủ được tình yêu của Thiên Chúa, vì đó là quà tặng nhưng không. Ngài yêu ta trước khi ta làm được bất cứ việc gì. Vì yêu mà Ngài gọi ta hiện hữu và đích thân đến cứu độ. Hãy tin vào tình yêu nhưng không của Thiên Chúa đối với mình, và cho phép mình xác tín là người xứng đáng được yêu với con người của mình, hơn là hệ tại ở những gì mình làm được. Tất cả lịch sử cứu độ hệ tại vào những gì Thiên Chúa làm cho con người. Điều quan trọng là loại Hai biết nhìn nhận nhu cầu của bản thân, và biết rằng mình không bao giờ có thể chiếm lấy tình yêu người khác bằng cách chỉ biết cho đi. Chỉ trong khiêm nhường, họ mới yêu mến người khác mà không tìm chiếm đoạt; tôn trọng tự do mà không thúc ép, để rồi cho nhận cách hài hòa, khiến cuộc sống được tự nhiên triển nở.

3. Loại Ba

Mẫu người hiệu năng, bị thúc đẩy bởi nhu cầu sáng tạo và phải thành công, nên đặt nặng những kỳ tích, tránh né thất bại, không chắc thì không làm. Cho rằng giá trị đời sống là do thành công, nên phải có tài tổ chức và biết lên kế hoạch, đòi hỏi người khác cũng phải như thế, và không chấp nhận được sự bất tài. Vì coi sự nghiệp là tất cả, nên họ dám hy sinh tất cả, không để tình cảm lấn át mục tiêu, cũng không để cho người khác thăm dò những phản ứng ở chiều sâu, nên luôn mang mặt nạ. Họ tin vào những hình ảnh mà họ muốn vẽ lên và vai tuồng mà họ muốn diễn để giật dây người khác, dùng người khác như những viên đá lót đường cho công danh của mình. Loại Ba lẫn lộn nhân cách và sự thành công, lầm lẫn giữa căn cướcvai trò.

Ưu điểm của loại Ba là tài tổ chức, điều khiển, lãnh đạo nên luôn năng nổ, hoạt bát và linh lợi. Biết khéo léo thu hút những người khác bằng tài ăn nói để đưa họ vào mục tiêu của mình. Loại Ba cũng là những vị cố vấn và linh hướng đại tài, giúp người khác xây dựng cuộc đời theo những mục đích có giá trị, khuyến khích họ khám phá ra lẽ sống và hành động phù hợp với sự xác tín của mình.

Cạm bẫy của loại Ba là ý tưởng về tính hữu hiệu, chỉ đo lường giá trị cuộc sống qua thành công, nên sử dụng người khác như bàn đạp để tiến lên, không còn để ý đến những đau khổ của tha nhân. Vì đặt nặng thành công và dư luận về mình, nên che đậy tất cả những gì gây trở ngại. Điều đó thúc đẩy họ đi tới sự dối láo, lừa lọc, thủ đoạn. Rốt cuộc, họ chỉ còn là những cỗ máy đè nén tình cảm, luôn đeo mặt nạ, và rồi thất bại sẽ chận đứng cuộc đời họ. 

Gương Chúa Giêsu. Loại Ba nhìn thấy nơi Chúa Giêsu là gương mẫu cho những ai làm việc để thành công. Suốt đời, Ngài chỉ có một mục đích là xây dựng Nước Trời. Để đạt điều đó, Ngài đã thu thập đồ đệ, tổ chức thành nhóm mười hai, cắt đặt vai trò và trách nhiệm, sai đi từng hai người một. Ngài có tài thu phục, khéo léo ăn nói, tính cách hấp dẫn, hành động thu hút.

Đức Giêsu vượt thoát cạm bẫy của loại Ba là dám chấp nhận thất bại trên con đường thực hiện sứ vụ. Trên Thập giá, Ngài ghi nhận sự thất bại toàn bộ những gì Ngài đã bỏ công xây dựng (x. Mt 27, 46), để chỉ còn biết phó thác mọi sự trong tay Cha (x. Lc 23, 46). Cái chết của Ngài nói lên sự từ khước và hy sinh những sáng giá mà mình muốn hoặc người ta ham chuộng, để đạt tới những giá trị siêu vượt như Cha muốn. Ngài cho nhóm Ba thấy rằng: đừng bao giờ hy sinh sự liêm chính cá nhân, viện cớ là để đạt được mục tiêu; đừng vì thành công mà đi nước đôi kẻo trở thành kẻ lừa gạt chính mình và người khác, đồng thời can đảm xuất hiện trước mặt người khác bằng con người thật của mình.

Nhận biết và hoán cải. Loại Ba cần đặt mình trong tầm nhìn và kế hoạch của Thiên Chúa, để khám phá ra rằng, mình được hạnh phúc khi biết hành động phù hợp với đường nẻo của Ngài, biết tương đối hóa kế hoạch riêng, để tùy vào kế hoạch của Thiên Chúa. Có những thất bại mà lại là thành công theo ý muốn của Chúa, Đấng có thể biến sự dữ thành sự lành. Đặt Thánh ý Chúa trên hết sẽ là liều thuốc thần diệu chữa lành tính háo thắng, tự phụ, khoe khoang, để sống thành thật, và có thể vui mừng trước sự thành công của tha nhân. Đó mới là những thành công đích thực và sâu xa, làm triển nở sự sống tâm hồn.

4. Loại Bốn

Mẫu người loại Bốn sống trổi vượt, tránh né sự tầm thường, bị thúc đẩy bởi nhu cầu muốn sống cho đến cùng những tình cảm của mình, và điều quan trọng là họ phải nổi bật. Do đó, mẫu người này thích sống lập dị, coi mình là duy nhất, khó tỏ ra tự nhiên và bộc phát, nên rất ghét những ai tự nhiên hơn họ. Đời họ không bao giờ có thể thoải mái, vì thích đóng kịch và đồng hóa mình với các nhân vật sân khấu. Ngoài ra, họ luôn có vẻ tự tôn và xa cách ngay cả khi tỏ ra vồn vập thân thiện. Họ thường có nụ cười hay bộ điệu khác lạ để tỏ ra mình độc đáo, và hiểu đời hơn người. Loại này còn có xu hướng nhai đi nhẩm lại những đau buồn của quá khứ, nên thường rầu rĩ, dễ chán nản và thất vọng. Với tính nhạy cảm nên họ dễ bị tổn thương, dù người khác chẳng có ý gì.

Ưu điểm của loại Bốn là dễ thu hút người khác, nhờ có duyên, vẻ lịch thiệp, tính độc đáo, lòng trắc ẩn và cảm nhận sâu sắc. Họ thường là những nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, họa sĩ, nên có óc sáng tạo về mọi cái. Dù tính tình lập dị, khó hiểu nhưng lại khiến người khác coi sự hiện diện của họ là một ân huệ cho đời.

Cạm bẫy của loại Bốn là ý tưởng về tính trung thực, nhưng lại hay thổi phồng những tình cảm bi lụy, luôn muốn biểu lộ mọi tâm tình sâu sắc của mình, nhưng thực ra họ chỉ không ngừng nhắc lại quá khứ buồn thương. Từ đó họ có cảm tưởng là mình bị tách riêng, bỏ rơi, không được ai biết đến, khiến rơi vào sự chán nản, cô đơn, và rồi tìm mọi cách để được người khác yêu chuộng và chân nhận giá trị bản thân mình. Cảm tưởng đó càng khiến họ có xu hướng tự đề cao, hãnh diện về những nhận thức cao siêu và độc đáo của mình, đâm ra ganh tị với những ai có lợi thế hơn mình. Thay vì thán phục ân huệ nơi người khác, họ lại gièm pha, oán ghét.

Gương Chúa Giêsu. Loại Bốn sẽ tìm thấy nơi Chúa Giêsu gương mẫu của những người không được người khác hiểu mình. Ngài vẫn than phiền với các môn đệ là họ không hiểu Ngài. Điều này cho thấy cảm tính sâu xa nơi Ngài: một trái tim luôn rung động trước những đau khổ của của tha nhân, điển hình qua câu chuyện bà góa thành Naim (Lc 7, 13); trước ngôi mộ của Ladarô (Ga 11, 35); xót thương người đàn bà còng lưng (Lc 13, 10-17); .v.v... Ngài cảm nhận cách sâu sắc những hiểu lầm, ganh ghét, và phản ứng vô tâm, vô tình của quần chúng, và nhiều hơn nữa ngay những người lãnh đạo tôn giáo đầy tính nệ luật và cố chấp. Cuối cùng, Ngài còn cảm nghiệm nỗi khổ kinh hoàng trong vườn Dầu, và nỗi bi thảm của nhục hình thập giá, do sự thiếu hiểu biết hoặc ác tâm của con người.

Chúa Giêsu vượt thoát khỏi cạm bẫy của loại Bốn là không để mình chìm đắm trong u sầu, cũng không để sự buồn tẻ thất vọng xâm chiếm trái tim mình, để rồi than phiền và mong ngóng sự cảm thông hay thương tình của người khác. Trái lại, chính Ngài lại đỡ nâng bạn bè và chuẩn bị cho họ đối đầu với tang thương (x. Mc 47, 27; Lc 22, 32), và giữa những tai biến, Ngài cho thấy ngày chiến thắng khải hoàn, nên khi loan báo cho các môn đệ ngày thụ nạn thì cũng tiên báo ngày Phục sinh (x. Mc 8, 31). Ngài không tránh né, cũng không thụ động chờ ngày thụ nạn, nhưng khao khát để chịu “phép rửa” đó để mở ra con đường sự sống cho mọi người (x. Lc 12, 50).

Thay vì chua chát nhắc lại những chống đối, nghi kỵ, hiểu lầm, ác ý của người khác, Ngài đã sẵn sàng đối mặt trong thái độ hoàn toàn tự do thanh thản (x. Ga 12, 35). Khi không đánh động được trái tim, Ngài cố gắng thuyết phục trí tuệ của họ, và trước sự tăng cường hoạt động của các đối thủ, Ngài càng nỗ lực giảng dạy hơn nữa ngay tại trung tâm Giêrusalem. Chính vì nhân loại mà Chúa Giêsu đương đầu với đau khổ và cái chết. Ngài sẵn sàng thí mạng vì yêu thương chứ không đóng kịch để thấy mình là vượt bậc. Ước muốn của Ngài là truyền đạt một tôn giáo đầy tính sáng tạo và cảm tính, để những ai bước theo Ngài thì cũng sống như vậy. Bằng cách đó, Ngài ban lại cho thế giới sự hăng hái mà hình như quá thường xuyên bị đánh mất. 

Nhận biết và hoán cải. Khi coi trọng sự kết hiệp với Chúa, loại Bốn mới thoát khỏi cạm bẫy, và khám phá rằng, những kinh nghiệm của đời mình là một phương tiện để lớn lên và xích lại gần Ngài, nhưng đòi phải sống đầy đủ giây phút hiện tại trong bổn phận và trách nhiệm, vì chỉ thực sự gặp Ngài ở đó. Và chỉ ở đó, họ mới tẩy bỏ được xu hướng bi kịch hóa đời mình, để chấp nhận cuộc sống dù có vẻ tầm thường, nhưng luôn lạ thường, và đầy sự thu hút trong sự hiện diện của Chúa ở mọi khoảnh khắc đời mình. Từ đó, họ mới đạt tới sự quân bình tính khí, và trở nên chính mình một cách độc đáo thật sự chứ không giả trang trong ảo tưởng.

5. Loại Năm

Mẫu người hà tiện, tránh né sự trống rỗng, bị thúc đẩy bởi nhu cầu muốn hiểu biết tất cả, nên chú tâm làm sao tích lũy thật nhiều kiến thức. Đối với họ, sống là tư duy, là hiểu biết, hơn là đi sâu vào những tương quan với người. Cũng vì luôn chìm đắm trong tư tưởng của mình nên sống có vẻ “siêu”, không ý thức đến hiện tại bao nhiêu, dễ quên đi những người vừa gặp. Họ sống một mình, chỉ làm việc cho bản thân, không quan tâm gì đến nhu cầu của tha nhân, nên từ chối mọi dấn thân trong xã hội. Họ sợ mất yên tĩnh và uổng phí thời giờ sức lực, nên chỉ quan sát mà không đi sâu vào các biến cố; bỏ công tìm hiểu sự việc mà không hề nhúng tay vào. Đây cũng là loại người im lặng, tỏ ra mình còn khôn ngoan và hiểu biết hơn nhiều về những gì mình nói lên.         

Ưu điểm của loại Năm là những người quan sát tinh tế, chăm chú lắng nghe, và thu nhận tất cả trong ký ức, nên trước khi nói một điều gì, họ đã thận trọng nắm bắt thực trạng, và qua đó đánh giá thật sát. Tha thiết với nội tâm, nên họ thường tiết kiệm thời giờ để nghiên cứu tìm tòi và làm việc một mình, và vì đặt nặng ý nghĩa của cuộc sống nên không buông lời chỉ trích, trái lại còn thích đưa người khác vào trách nhiệm để biết tự quyết và hành động. Đối với họ, mọi sự đều lý thú và đang được tìm hiểu, nên có tính dí dỏm, đôi chút khôi hài trào phúng để châm chích.

Cạm bẫy của loại Năm là lòng tham về kiến thức, chỉ biết gom góp mà không bao giờ chia sẻ hiểu biết của mình cho ai, và trở thành kẻ hà tiện. Vì đóng kín trong tư tưởng, nên dễ trở thành nhà tư tưởng xa xôi, mơ hồ, dễ đi tới ảo tưởng và cuồng vọng. Vì thiếu tính cộng đồng và sống giữ kẽ, nên họ mang vẻ lãnh đạm, thờ ơ, khó gần gũi, và cũng thiếu bình tĩnh. Vì quá đề cao kiến thức nên dễ đi tới chỗ cuộn tròn mình lại trong thế giới của ảo giác.

Gương Chúa Giêsu. Loại Năm dễ đồng hóa với Chúa Giêsu khi Ngài nhấn mạnh phải đặt cuộc đời mình trên nền tảng sự khôn ngoan của tình yêu. Chắc chắn Ngài đồng ý với Socrate rằng: “Một cuộc đời thiếu vắng tư duy thì không đáng sống”. Bản thân Ngài cũng không ngừng suy gẫm mọi sự dưới ánh sáng của Thiên Chúa đang chiếu soi trong lòng, dành giờ cầu nguyện trước khi chia sẻ với môn đệ (x. Ga 15, 15). Cuộc đời ngài được xây dựng trên chân lý một cách cụ thể mà Ngài khám phá ra qua “những dấu chỉ thời đại” (Lc 12, 56), để thấy sự can thiệp của Thiên Chúa trong những biến cố. Ngài cũng nói lên tính cách của loại Năm khi răn dạy: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” (Mt 7, 1). Ngài cũng thích sử dụng những hình thức biểu tượng và loại suy, khiến người ta phải suy nghĩ bằng hình ảnh (x. Mc 8, 15; Lc 12, 35; Ga 4, 34). 

Dù là người có khuynh hướng suy tư, nhưng Chúa Giêsu thoát khỏi cái bẫy của loại Năm, khi Ngài khởi đầu công việc rao giảng bằng việc thành lập một nhóm bạn bè và sống thân thiết chan hòa với họ, chia sẻ tất cả những khám phá thâm sâu (x. Ga 15, 15). Dù Ngài thường tách mình riêng ở những nơi hoang vắng nhưng lại sẵn sàng rời khỏi đó khi họ cần đến (x. Lc 1, 35-38). Sư phạm của Ngài mang tính tiệm tiến, tuần tự và cụ thể sống động từ những sinh hoạt đời thường, hay những câu chuyện dưới hình thức dụ ngôn.

Trọng tâm giáo huấn của Ngài là tình yêu: phải trở thành người anh em của mọi người, nhất là của những ai đang thiếu thốn (x. Lc 10, 30-37). Điều quan trọng không phải là hiểu biết tình yêu, nhưng là sống tình yêu. Ngài là nhà hiền triết, muốn mọi người thông đạt tư tưởng của mình, nhưng vẫn luôn kiên nhẫn; là người chuẩn mực có nguyên tắc nhưng luôn uyển chuyển thích nghi; là người trí thức, uyên bác về mọi điều, nhưng lại luôn biểu hiện tính cách bình dân; là bậc thầy của thiên hạ nhưng luôn gần gũi, thân thương với mọi tầng lớp, Ngài lại còn hạ mình rửa chân cho các môn đệ.

Nhận biết và hoán cải. Chỉ tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa mới giúp loại Năm thoát khỏi sự co cụm và ảo tưởng. Người khôn ngoan không phải là người tích lũy nhiều kiến thức, nhưng là người khám phá ra chân lý sống. Để sống khôn ngoan, ta phải biết hiện diện với tất cả mọi người, mọi sự, để khám phá ra mọi nơi sự mạc khải của Thiên Chúa là chính tình yêu của Ngài. Nước Chúa ở ngay trung tâm cuộc sống hiện tại mà mỗi người phải tích cực tham dự, chứ không phải bàng quan đứng nhìn. Khi không sống với tất cả, người ta có nguy cơ đánh mất tất cả. Khi gắn bó với tha nhân và dấn thân vào những gì đang diễn ra, loại Năm sẽ khám phá ra ý nghĩa mầu nhiệm của sự sống là “mầu nhiệm hiệp thông” với mọi người trong Chúa. Khi đó, sự hiểu biết của họ mới siêu thoát, vượt xa mọi kiến thức sách vở để trở nên sự hiểu biết do chính tay Chúa viết ra trong trái tim con người.

6. Loại Sáu

Mẫu người luật lệ, tránh né sự lệch lạc, bị thúc đẩy bởi nhu cầu muốn được an toàn, nên nhìn đời qua những luật lệ và nguyên tắc, hết mình chu toàn nhiệm vụ, không chấp nhận bất cứ sự cẩu thả nào. Loại Sáu cho rằng, chỉ có trật tự và quyền bính mới bảo đảm cho một thế giới tốt hơn, nên vấn đề lớn nhất là thành thật đối với tập thể.

Từ nhỏ, chắc hẳn họ phải sống trong một gia đình quá khuôn khổ, hoặc phải khép mình dưới những đòi hỏi nặng nề của thầy cô, nên loại Sáu nhìn cuộc sống thật cay nghiệt: chỉ còn là quyền bính và vâng phục. Họ bám vào luật lệ và cơ chế để tìm sự an toàn trong đó. Vì quá thận trọng và tỉ mỉ nên họ luôn do dự, không thể quyết định được điều gì, vì rằng: “không quyết định chi hết cũng là một quyết định”, để tránh không bị một bất trắc nào. Nhưng rồi vấn đề lớn của họ là sự bất an, thiếu tự tin, luôn có một cái gì đó để lo lắng sợ sệt: sợ tương lai, sợ những vấn đề mới, sợ mọi thay đổi... Đối với họ, cuộc đời đầy nguy hiểm, nên phải luôn cảnh giác, đề phòng, và cách tốt nhất để đối đầu là tấn công, bởi vì “Tiên hạ thủ vi cường” (kẻ ra tay trước là kẻ mạnh), bằng cách nhân danh quyền bính, lề luật, truyền thống để phủ lấp mọi sáng kiến và thay đổi.

Ưu điểm của loại Sáu có dáng người nghiêm chỉnh, tính thẳng thắn, hiếu khách, nồng hậu với bạn bè. Đây là những người biết sống trung thành, có tinh thần cộng đoàn và trách nhiệm cao, sẵn sàng hy sinh tất cả cho nhóm, nên thường đảm nhận những chức vụ điều hành, và luôn tuân theo chỉ thị.

Cạm bẫy của loại Sáu là ý tưởng về một sự an toàn, nên luôn đặt mình trong sự tuân phục lề luật và quyền bính, rơi vào óc nệ luật: cứng nhắc, coi việc giữ luật như một cứu cánh, khiến mình phải luôn áy náy chu toàn, đâm ra sợ sệt. Như vậy, tương quan với Thiên Chúa chỉ còn là tuân theo các chỉ thị; ơn cứu độ chỉ còn là quyết chí vâng phục tối mặt các điều luật. Đó là cái bẫy tự công chính hóa lấy mình.

Gương Chúa Giêsu. Loại Sáu tìm thấy nơi Đức Giêsu một gương mẫu về sự thẳng thắn và hết mình đối với tập thể. Ngài đã dồn hết mọi tâm huyết và sức lực để phục vụ đời sống tôn giáo và dân tộc, sẵn sàng chết để qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi (x. Ga 11, 49-52). Ngài chu toàn mọi việc theo Kinh thánh đã tiên báo, và coi mình như là người tôi tớ trung thành, hết lòng phụng sự Thiên Chúa, hết tình sống chết cho bạn hữu (x. Ga 15, 13). Không những Ngài không hủy bỏ lề luật mà còn làm cho nên trọn (x. Mt 15, 18). Không ai có thể tìm được chứng cớ gì để chứng minh là Ngài có tội.

Đức Giêsu thoát khỏi cạm bẫy của loại Sáu khi Ngài coi luật lệ chỉ là phương tiện, giữ “tinh thần” chứ không ai giữ “từ ngữ”. Điều quan trọng là sống thân tình với Chúa, để từ đó người ta biết sống với mọi người và mọi sự. Chính vì vậy, mà Đức Kitô đã giải thoát ta khỏi ách nô lệ của lề luật để đem lại tự do cho ta (x. Gl 5, 1). Thiên Chúa không mạc khải Ngài như một quan tòa, nhưng như một người Cha đầy yêu thương.

Từ “Tôn giáo” trong tiếng Latinh là “Religare”: “buộc lại”. Buộc lại với Thiên Chúa chứ không buộc vào lề luật, vì lề luật không thể cứu độ, mà chỉ là công cụ hỗ trợ cho việc sống mến Chúa yêu người. Chúa Giêsu đã bao lần đả kích nhóm Biệt phái và Luật sĩ vì sự “lộn sòng” này: làm cho tôn giáo trở nên hình thức và sự trói buộc, khiến con người không còn có thể lớn lên trong tự do, và bình an của Thiên Chúa; lại còn cho rằng sự công chính do mình làm nên nhờ tuân giữ lề luật, chứ không do ân sủng (đức tin). Như vậy, lề luật biến thành Thiên Chúa, và con người không còn lối thoát.

Nhận biết và hoán cải. Loại Sáu vì quá sợ sệt sự sai lạc mà đánh mất tự do thể hiện chính mình, khiến họ quá dè dặt, không còn dám hành động và trao đổi, hoàn toàn bị câu thúc vào cơ chế. Để thoát khỏi sự giam hãm của an toàn giả tạo, họ phải học biết tín nhiệm vào Thiên Chúa là nền tảng của sự an toàn đích thực; là đá tảng kiên vững để họ thoải mái xây dựng đời mình và can đảm thực hiện những dự phóng. Cần xác tín rằng, mình từ Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về với Ngài, ngoài Ngài ra không có thứ thần minh nào khác khiến ta phải sợ sệt. Và rằng, tôn giáo không phải là một mớ luật lệ để cầm giữ con người, và quyền bính là để phục vụ chứ không phải để khống chế.

7. Loại Bảy

Mẫu người muốn sống thoải mái, tránh né đau khổ, bị thúc đẩy bởi nhu cầu muốn hạnh phúc. Họ là những người lạc quan, thích lạc thú, chỉ ưa chuộng những gì dễ chịu, thoải mái, sung sướng, nên có nhiều tưởng tượng và lắm phương kế để đạt cho bằng được. Vì ham chuộng cuộc sống dễ dãi nên có cái nhìn nông cạn về cuộc sống; chẳng bao giờ nhận ra nỗi khổ và sự bất hạnh của những người xung quanh. Họ khó lòng thực hiện những dự án, vì làm việc rất tùy tiện, luôn chậm trễ, và không chịu được những khó khăn nhọc nhằn, chỉ thích tán ngẫu và ngồi lê với bạn.

Ưu điểm của loại này là luôn tìm thấy sự thích thú trong cuộc sống, biết tạo bầu khí hồn nhiên và vui nhộn. Có khiếu giảng hòa những tình thế căng thẳng và tươi cười hồn nhiên, nên dễ mến đối với tha nhân. Nhờ tính lạc quan, nên giúp mọi người tin rằng “mọi cái sẽ xuôi chèo mát mái”. Họ luôn nhìn ra khía cạnh tích cực của cuộc sống, cũng như dễ thấy cái tốt nơi mọi người mọi vật, nên dễ có những tương quan thân thiện.        

Cạm bẫy của loại Bảy là bị thu hút bởi lạc thú, và khó chấp nhận đau khổ, không hề biết đến tiết độ, nên rơi vào sự buông thả. Họ mất nhiều sức lực để tránh những gì khó nhọc, và chỉ tìm những gì ưa thích, nên bực bội và gay gắt trước trở ngại đòi họ phải vượt qua, để rồi phớt lờ nhiệm vụ phải thi hành. Khi săn tìm thú vui mọi nơi, loại bảy đã không sống thực tế, cứ phải lo tránh né phiền toái bằng mọi giá, đang khi đó tình yêu đích thực chẳng lo tránh né một điều gì, trái lại muốn đảm nhận tất cả để sống cho tất cả.

Gương Chúa Giêsu. Loại Bảy gặp được nơi Đức Giêsu, một con người lạc quan, vui vẻ với bạn bè: như ở tiệc cưới Cana; như khi thầy trò ăn uống nơi nhà Giakêu; như khi hóa bánh ra nhiều cho mọi người no nê; như khi bênh vực các môn đệ về việc không phải ăn chay (x. Mt 19, 15), đến nỗi kẻ thù tố cáo Ngài là tay ăn nhậu. Ngài còn ví Nước Trời như tiệc cưới kéo dài thiên thu (x. Mt 22, 2), như ngôn sứ Isaia đã loan báo: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: thịt thì béo, rượu thì ngon.” (Mt 25, 6). Phong cách sống của Đức Giêsu chứng tỏ Nước Thiên Chúa đang đến. Cần phải mừng vui với nhau về những ân huệ Chúa ban cho dân Ngài.

Đức Giêsu vượt qua cạm bẫy của lọai Bảy khi Ngài tiếp cận với vấn đề đau khổ một cách thực tế. Ngài không ngần ngại đón lấy mọi đau khổ và sẵn sàng hy sinh chính bản thân mình, và tuyên bố rằng: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16,24). Thực tế, đau khổ là cái giá phải trả để mưu cầu một ích lợi lớn hơn, và như vậy nó không còn là điều dữ nữa. Đức Giêsu đã vượt qua đau khổ và cái chết là để mạc khải tình yêu Thiên Chúa, để cứu chuộc, để làm chứng cho lòng cậy trông, để ban lại sự sống mới. Ngài đau khổ cho một chính nghĩa, và chiến thắng vinh quang chỉ dành cho những ai có chính nghĩa. Quả thực, Đức Kitô Phục sinh là nền tảng niềm vui ơn cứu độ của người Kitô hữu, nhưng qua đó ta phải dấn thân hoàn toàn, để khi cùng chết với Ngài, ta cũng sẽ cùng sống với Ngài (x. Rm 6,8); để khi cùng chịu đau khổ với Ngài, ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Ngài (x. Rm 8,17).

Nhận biết và hoán cải. Chỉ khi nhận ra ơn gọi đồng sáng tạo, loại Bảy mới thoát khỏi cạm bẫy. Bởi vì đồng sáng tạo là đồng lao cộng khổ với Thiên Chúa trong thế giới, để Ngài có thể làm nảy sinh điều tốt đẹp nhất. Cũng vậy, niềm vui Nước Trời trong tương lai sẽ đến mới thực sự trọn vẹn, và phương tiện duy nhất để chuẩn bị cho niềm vui đó là sẵn sàng với phút hiện tại. Hiện tại có thể đau thương, đen tối, đầy đe dọa, nhưng cần thiết để triển nở một tương lai. Làm sao có thể sinh nhiều bông hạt, nếu hạt giống không chịu mục thối đi? (x. Ga 12, 24). Làm sao người mẹ có thể sinh con mà không muốn chịu đau đớn? (x. Ga 16, 21). Thánh Phaolô cho biết: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời.” (2Cr 4,17). Và hơn nữa: “Chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân…” (Rm 5, 3-4). Đó cũng là nét đẹp rạng ngời của đời sống Kitô hữu, mà nhóm Bảy thường quên mất.

8. Loại Tám

Mẫu người mạnh mẽ, bị thúc đẩy bởi nhu cầu chỉ dựa vào chính mình, muốn tự chứng tỏ mình là mạnh mẽ, và tránh cảm thấy mình yếu đuối, lệ thuộc, nên họ coi khinh sự yếu hèn, và muốn loại trừ mọi dấu hiệu yếu kém. Vì tự hào mình là người mạnh, nên sẵn sàng đương đầu với mọi thách thức, thẳng tay uốn nắn những lệch lạc và sửa chữa những bất công; không để ai trội hơn mình, cũng không để ai bắt chẹt mình điều gì. Họ từ chối lắng nghe và chỉ muốn áp đặt tư tưởng của mình nên dễ tấn công, hạ bệ, đè bẹp người khác mà không hề hối hận. Đối với họ, sống là phải luôn đối đầu với thế giới đầy những tai ác và phải kiểm soát mọi sự, nên hòa hoãn là nhu nhược, nhượng bộ là hèn nhát. Từ đó mà phát sinh tham vọng quyền hành và thống trị, mang nặng tính hiếu chiến và khiêu khích.

Ưu điểm của loại Tám là can đảm, sẵn sàng bênh vực người khác với bất cứ giá nào; có tài phát giác và tố giác những ai lạm dụng quyền bính; thẳng thắn, quyết đoán, cương trực, vững vàng và không mảy may sợ sệt điều gì; coi thường dư luận và bất chấp mọi sự khi hành động. Đây là những người luôn tràn đầy sức sống và phấn khởi trong mọi việc mình làm.

Cạm bẫy của loại Tám là ý tưởng về công bằng, khiến họ trở nên cực nhạy để bảo vệ quyền lợi và phẩm giá, tự khẳng định mình cách quá đáng, rơi vào sự ngạo nghễ: họ nói thẳng thừng với tha nhân không chút tình thương, và thường bị đẩy đến tính ích kỷ, độc tài, thống trị, ham hố quyền lực để mong khống chế người khác. Họ quan niệm cuộc sống như một sự phấn đấu tranh giành quyền lực, và điều chính yếu là “thắng được người khác” chứ không hòa giải hòa hợp.

Gương Chúa Giêsu. Loại Tám bắt gặp nơi Đức Giêsu là người hùng, khi Ngài dẹp tan đám buôn bán nơi Đền thờ (x. Ga 2, 13-17). Các môn đệ không khỏi ngạc nhiên trước trận lôi đình của Ngài vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa. Ngài không ngần ngại đối đầu và lên tiếng trước những bất công, cũng như kịch liệt chống lại những thói giả hình của nhóm Biệt phái và Kinh sư bằng những lời lẽ nặng nề (x. Mt 23). Ngài ghê tởm trước trò hề và chủ trương của những người cho mình là hoàn toàn, để  rồi hình thành một tầng lớp tách biệt khỏi quần chúng, chỉ lo phục vụ bản thân, tạo ra bất công và đưa đẩy người ta vào con đường sai lạc trong đời sống đạo. Đối diện với sự ác trong xã hội, dù không chút thế lực chính trị, Ngài vẫn lên tiếng mạnh mẽ, thà chết chứ không làm thinh. Làm thinh trước sự ác chẳng khác nào đồng lõa. Phải chăng thánh Phaolô đã căn cứ vào đó để khuyên nhủ tín hữu: “Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối, phải vạch trần những việc ấy ra mới đúng.” (Ep 5,11-13).

Đức Giêsu vượt khỏi cạm bẫy của loại Tám, khi Ngài hành động theo lý trí nhưng với cả con tim: đương đầu chống tội lỗi nhưng lại bênh vực người đàn bà ngoại tình (x.Ga 8, 3-11); loại trừ bất công nhưng lại tự ý đến dùng bữa cách thân tình ở nhà kẻ thu thuế (x. Lc 9, 1-10). Khi Ngài tấn công vào các kinh sư và biệt phái là nhằm vạch trần một “giai cấp thống trị”, một “cơ chế bất công”, chứ không nhằm vào những cá nhân, và như vậy phẩm giá con người vẫn được tôn trọng. Hơn nữa, đường lối và sức mạnh của Ngài là ở chỗ bất bạo động (x. Mt 26, 52), dùng sự dịu hiền đối lại tính hung hăng. Việc đánh đuổi những người buôn bán trong Đền thờ chỉ là hành động biểu trưng cho thấy tầm quan trọng của tính cách thờ phượng Thiên Chúa, đồng thời bộc lộ bản thân Ngài như chính Đền thờ sẽ được xây dựng lại bằng sự tự hiến (x. Ga 2, 19).

Nhận biết và hoán cải. Loại Tám coi khinh sự yếu hèn, nhưng chính sự yếu hèn của Thập giá biểu lộ sức mạnh cứu độ, đúng như lời thánh Phaolô: “Gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ.” (1Cr 15,43), Ông cũng khẳng khái nói lên rằng: “Tôi rất vui mừng và tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi” (2 Cr 12, 9). Chính yếu đuối giúp con người nhận ra tội lỗi mình và biết nỗ lực cậy trông vào Chúa (x. 2Cr 11, 30).

Cũng trong đường lối đó, Đức Giêsu đã kêu gọi các môn đệ trở thành chứng nhân của mình, để can đảm làm chứng cho chân lý, dám chấp nhận mọi hậu quả, nhưng không cưỡng lại sự đàn áp. Tính chất bạo động của loại Tám có giúp người khác hoán cải không, hay chỉ là nói lên tính hiếu thắng và sự phô trương thanh thế của mình? Loại Tám chỉ thoát khỏi cạm bẫy khi khám phá ra lòng thương xót Chúa, để từ đó họ biết cảm thương: dịu hiền với ai yếu đuối, và khoan dung với cả kẻ thù.

9. Loại Chín

Mẫu người hòa hoãn, bị thúc đẩy bởi nhu cầu muốn “dĩ hòa vi quí”, nên tránh né mọi xung đột, luôn ưu tư đến sự yên tĩnh nội tâm cũng như sự hòa hợp chung quanh. Đối với họ, không có gì quan trọng bằng sự bình an. Vì muốn tránh căng thẳng và sợ đụng chạm, nên để nhúng tay vào việc gì, họ phải được người khác tác động và khích lệ. Với họ, mọi sự đều tương đối, chẳng có gì quan trọng hay giá trị lớn lao. Từ đó, có khuynh hướng rề rà, chậm trễ, hay quên, cũng như thái độ thiếu sự nồng hậu, lừ đừ, không muốn thay đổi gì khác, chỉ muốn sống yên ổn theo lề thói và bám víu vào những gì quen thuộc. Có thể ngồi không hằng giờ mà không làm gì.

Ưu điểm của loại chín là dễ chịu, hiền lành, quảng đại, kiên nhẫn, vô tư, đầu óc khoáng đạt. Luôn đề cao sự hòa hợp, hòa giải, nên làm cho cuộc sống hài hòa; coi trọng sự thanh thản nên làm giảm đi tốc độ chạy đua của thế sự. Nhờ biết lắng nghe, bình tĩnh, chờ đợi, ngồi lại và chịu đựng, nên họ thường là những trọng tài tốt, có khả năng hóa giải mọi xung đột và những tình thế phức tạp.

Cạm bẫy của loại Chín là ý tưởng về sự hèn kém, tự giảm giá trị mình và không nhận ưu điểm nào, chẳng yêu mình mà cũng chẳng yêu ai, chỉ thích sống ung dung nhàn hạ, dễ trở thành kẻ lười biếng. Từ đó, coi nhẹ cuộc sống và thiếu can đảm thi hành phận vụ; không nhận ra những khả năng mà mình thực sự có, nên luôn có cảm tưởng bất lực. 

Gương Chúa Giêsu. Loại Chín bắt gặp nơi Đức Giêsu về sự kiên nhẫn, chờ đợi, như dụ ngôn cỏ lùng (x. Mt 13, 25-30). Nước Thiên Chúa cũng đập theo nhịp điệu của vũ trụ, cũng giống như hạt lúa gieo xuống đất phải có thời gian để nó đâm rễ, đâm bông, kết trái (x. Mt 13, 4-9). Loại Chín không phải là thiếu kiên nhẫn, mà là sự uể oải. Nhịp độ của Thiên Chúa hay lòng cậy trông không phải là thái độ “chờ sung rụng”, nhưng là biết tích cực hành động phù hợp với hoàn cảnh và tình thế đòi hỏi. Thánh Phaolô nói mạnh mẽ: “Ai không làm thì đừng ăn” (2 Tx 3, 7-10); hoặc như lời thiên sứ đã trách các tông đồ sau khi Đức Kitô thăng thiên: “Sao còn đứng nhìn trời?”.

Nhận biết và hoán cải. Để thoát khỏi cạm bẫy, loại Chín cần nhận ra Thiên Chúa đã yêu mình bằng tình yêu vô điều kiện, để từ đó biết đón nhận và đáp trả tình yêu trong cuộc sống. Cần ý thức rằng, chính bản thân mình là quà tặng đặc biệt của Thiên Chúa cho thế giới: một thế giới đang chờ đợi mình làm một cái gì đó để góp phần. Cần khám phá thực tại và đời sống nội tâm, nhưng sau đó phải làm chiếu tỏa trên người khác.

Loại Chín phải biết dựa vào sức mạnh của Thánh Thần để trở nên sinh động và tích cực, can đảm thi hành phận vụ của mình mà không chần chừ, ái ngại, rề rà. Cần đơn sơ đi vào đời sống cộng đoàn để cảm nhận được sự hiện diện và sức sống của Ba Ngôi. Ai không biết đến sự hiệp thông giữa người với người, thì không biết đến đời sống của Thiên Chúa (x. Ga 17, 1-11). Đó là những phương cách cụ thể giúp loại chín ra khỏi sự uể oải và khô cằn của mình, cho họ có khả năng yêu thương và đối thoại, khiến họ hăng hái và phấn khởi vận dụng hết mọi khả năng để sống sung mãn và sáng tạo.

II. NHỮNG HỌA ĐỒ TÓM KẾT

Vì muốn phát triển triệt để ưu phẩm của mình, nên chủ thể của mỗi loại tính tình đều chối bỏ hay tránh né điều ngược lại với ưu phẩm đó, như hình 1 dưới đây:

      

       Ở hình 1 ta thấy các xu hướng của chín loại cá tính. Khi các xu  hướng này phát triển ngày càng mạnh mẽ thì rơi vào cạm bẫy (hình 2). Những cạm bẫy hình thành là vì người ta có khuynh hướng cực đoan muốn tuyệt đối hóa những giá trị tương đối, để rồi đến mức độ nào đó khi có sự đụng chạm và đổ vỡ, người ta lại vùi mình vào các đam mê (hình 3), như một thức cưỡng lực chi phối và điều khiển họ.

 

       Để tái tạo bản thân và làm triển nở một nhân cách quân bình, đòi hỏi mỗi loại tính tình phải có một sự xác tín đúng đắn (hình 4). Sự xác tín đó sẽ xóa mờ dần những đam mê, tạo nên phương hướng và cái nhìn mới từ trong tâm hồn, dần dần hình thành một lối ứng xử mới mà ta gọi là các đức tính (hình 5).

      

Lời Nguyện

Lạy Chúa! Huyền nhiệm thay đời sống con người mà Chúa đã tác tạo và làm nên một cách riêng biệt, độc đáo, nhưng cũng rất phức tạp và gay go để triển nở một cách sống vẹn toàn.

Chính từ chỗ đó mà con thấy mình được kêu gọi góp phần với Chúa để đồng sáng tạo nên cuộc đời mình. Chính từ chỗ đó mà con ý thức được ý nghĩa cao sâu của tự do, vai trò, trách nhiệm, sứ vụ và ân ban của mình trong mọi tương quan của đời sống.

Điều đó cho con khám phá và cảm nhận không ngừng quyền năng siêu việt và tình thương vô biên của Chúa tập trung trên cuộc đời con và mọi người, như một kỳ công tuyệt diệu mà Chúa muốn thể hiện cùng với chính con.

Dường như mỗi người chúng con đã được định hình theo một loại cá tính nào đó khi sinh ra trong cuộc đời này, cho dù không hoàn toàn như thế. Xem ra mỗi cá tính có vẻ mặc nhiên, cố định, nhưng rồi luôn tiềm tàng một năng lực chuyển biến lạ thường, tùy cách vận dụng của mỗi người theo một đường hướng, cách thế, và tâm thái khác nhau dưới một ảnh hưởng nhất định nào đó của xung năng bên trong và hoàn cảnh bên ngoài, cũng như dưới lăng kính thuộc bản ngã của mình.

Nhưng rồi, tất cả mọi tính khí và tính cách đều có thể được điều động, điều chỉnh, điều phối, điều hòa, để làm cho cuộc sống trở nên cân đối, quân bình và triển nở tươi đẹp hơn theo định hướng của Chúa cho sự tiến hóa tinh thần. Nhờ đó mà chúng con đạt tới tầm vóc trưởng thành sung mãn nơi Đức Kitô, Con Chúa, Đấng là mô mẫu cho sự thành toàn của chúng con.

Cuộc sống vẫn là một khám phá không ngừng về chính mình và tự canh tân chính mình trong tình thương và ân sủng của Chúa, và nhờ đó con cũng bắt gặp sự hiện diện của chính Chúa trong chính mình.  Điều đó thú vị biết bao cho cuộc đời con đang trong tiến trình hoàn thành để sống tận hiến cho Chúa một cách trọn vẹn hơn, và để sống cho sứ vụ  như một dụng cụ hữu hiệu và sinh động trong bàn tay Chúa.

Con xin đồng thanh cùng với mọi người dâng lời chúc tụng và cảm tạ Chúa đến muôn đời. Amen.

 

Lm. Thái Nguyên



[1]Trình bày tóm kết lại từ Chín loại cá tính  theo Maria Beesing, o.p., Robert Nogosek, c.s.c., Patrick O’Leary, s.j.  trong cuốn L’Ennéagramma, bản dịch Pháp ngữ của Jean-Pierre Bagot, Desclée de Brouwer, 1992.

 


Tu Đức