HUYỀN NHIỆM
SỰ CHẾT TRONG SỰ SỐNG
Theo tiếng Latinh, người chết = defungi: là người đã
vĩnh viễn hoàn tất đời mình. Là người Kitô hữu, chúng ta đón nhận sự hoàn tất
đó với một tâm hồn bình an cao cả, vì mạc khải Kitô giáo đã cho biết rằng cái
chết như cánh cổng to lớn mở vào thánh điện an vui vĩnh hằng. Như thánh Phaolô
đã xác định: vào ngày cuối cùng, cái hư
hoại trong ta sẽ trở nên bất hoại, cái khả tử sẽ nên bất tử (x. 1Cor 15,
53).
Chúa Giêsu gọi giờ chết của Ngài
là giờ được tôn vinh. Sự tôn vinh Chúa Giêsu cũng chính là sự tôn vinh con người
trong ơn cứu chuộc: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi
mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.”
(Ga 12, 32). Để được tôn
vinh, con người cần phải thông phần vào sự chết với Chúa, dám chết đi con người
cũ tội lỗi, và dám hy sinh chính bản thân
mình (x. Ep 2, 14).
1.
Ý nghĩa và mục đích của sự chết
Chúng ta tin rằng Đức Kitô đã chiến thắng sự dữ là cái
chết, nhưng chúng ta cũng biết rằng, Ngài không chiến thắng sự dữ gây ra ở
trong ta. Nhờ Đức Kitô, trong hy vọng thì tất cả đã thành đạt, nhưng trong thực
tế, ta vẫn phải gánh lấy những khổ đau của thân phận làm người. Niềm tin và hy
vọng không diệt nổi bản năng sinh tồn, nhưng nó đem lại tâm tình đón nhận nhẹ
nhàng: “Tôi chết vui cũng như đã sống
vui”. Trong tâm tình đó R. Tagore đã cất lên:
“Ôi! Thần chết, ngươi làm cuộc đời tràn đầy lần cuối ... Những gì ta là, những gì ta có, những gì ta hoài mong, những gì ta yêu
thương, tất cả vẫn sâu xa bí mật trôi chảy về ngươi. Chỉ một ánh nhìn từ mắt
ngươi lần cuối là đời ta vĩnh viễn thuộc về ngươi. Hoa đã kết thành tràng, sẵn sàng chờ đợi tân lang. Sau
tiệc cưới, giai nhân sẽ rời nhà, một mình ra đi gặp tân lang trong đêm tối quạnh
hiu”[1].
Trong đoạn thơ khác, Tagore cảm
nhận như sau :
“Ban mai, ngước mắt
nhìn ánh sáng, trong phút giây, tôi cảm thấy mình không phải khách lạ ở thế
gian, và Người xa lạ không tên gọi, không hình thù, với dáng dấp mẹ tôi hiền từ,
đã giang tay ôm tôi vào lòng.
Lúc lâm chung
cũng vậy, Người lạ mặt ấy lại hiện ra như đã từng quen thuộc với tôi từ lâu. Bởi
yêu cuộc đời nên tôi cũng yêu cả sự chết. Khi mẹ giằng con ra khỏi bầu vú bên
này, con òa khóc, nhưng liền đó lại thấy nguồn an ủi ở bầu vú bên kia.
Ôi Thượng Đế,
kính lạy Người lần cuối. Như đàn hạc hoài hương, ngày đêm hối hả bay về tổ ấm
trên núi cao, xin cho đời tôi phiêu du tới quê hương vĩnh cửu ngàn thu”[2].
Quả là một cái nhìn đầy lạc quan và hy vọng, một sự cảm
nhận thâm sâu về thực tại vĩnh cửu. Từ đó, ai cũng muốn tin rằng, những đau khổ
ở đời này chẳng là gì so với vinh quang sẽ dành cho ta trong cõi vĩnh hằng (x.
Rm 8, 18). Tuy nhiên, không ai có thể đón nhận cái chết thể lý trong niềm hy vọng
phục sinh mà lại không mở rộng con tim để vượt qua cái chết cho chính mình vốn
đã hàm ngụ nơi cuộc sống này. Cần phải giải phóng mình khỏi những gì biến mình
thành tù nhân của chính mình, để có thể yêu mến cuộc sống hơn.
Yêu mến cuộc sống là điều không dễ dàng khi cuộc sống
đầy bi đát, tàn bạo, xung khắc... Khi đó người ta dễ nhìn vào những bất tất của
đời thường như một cái gì phi lý, không còn đáng sống. Nhưng nếu chết để mà chết
thì chẳng bao giờ là giải thoát. Nhờ Chúa Giêsu, cái chết đã trở thành một tiến
trình khai sinh sự sống. Tiếp nhận cái chết như một điều tự nhiên nhất để làm nảy
sinh điều siêu nhiên nhất : đó là sự phục sinh đời sống vốn đã được khắc họa
trong ta qua Phép Rửa. Trong sự xác tín đó, người Kitô hữu được định nghĩa cách
đơn giản là người “tận tình với sự chết,
nhiệt tình với sự sống”.
Sự sống không đơn độc như ta tưởng, vì sự sống đã kết
hôn với sự chết. Chết và sống là cặp bài trùng của cuộc hiện hữu nhân sinh. Cặp
bài trùng này buộc ta phải thường xuyên chiến đấu để đạt tới con người trưởng
thành, con người mới (x. Cl 4, 12). Con người mới không chỉ là con người nội
tâm vươn tới chiều kích linh thánh, mà cả con người bên ngoài, trong mọi quan hệ
với xã hội. Tất cả phải được liên kết, dựa vào sự soi sáng và sức mạnh của
Thánh Linh, để chống lại sức bành trướng của sự chết đang ngự trị trong thế giới
dưới nhiều hình thức.
Người ta chỉ sợ chết khi họ sợ sống. Chết chỉ là một
hình thức biến hóa: hết đời con sâu thì chào đời cánh bướm. Trong việc thao luyện
đời sống tinh thần, ta cũng có cảm nhận như vậy. Nếu ta biết chết đi cho quá khứ,
chết đi cho từng giây phút, ta sẽ gặp lại một sự sống phong phú và hòan mỹ hơn.
Nếu ta biết không ngừng giũ bỏ mọi sự, ta
sẽ được sống trọn vẹn và được phục sinh tại mỗi phút giây[3].
Thật ra, khi chưa hiểu biết đến ngọn nguồn, hoặc còn
mang nặng một cuộc sống vô thường thì người ta khó lòng hiểu về sự chết. Đời sống
tâm linh phải đạt tới một mức độ nào đó, thì tư tưởng mới vượt ra ngoài vòng
sinh tử, để coi cái chết là tự nhiên. Sống và chết là qui luật tuần hoàn và
phát triển của muôn loài muôn vật. Vạn vật tuy biến hóa, thay đổi hình dạng,
nhưng nguyên khí vẫn là một. Trong sự biến hóa, thì chết là để phát sinh sự sống
mới, vì: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất
mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được
nhiều hạt khác.” (Ga 12, 24). Như vậy:
- Chết là điều kiện nhất thiết để triển nở và thành
toàn.
- Chết là một sự
thay đổi cách thái hiện hữu ở một mức độ
sung mãn hơn.
Dựa theo qui luật tuần hoàn và phát triển trên, chúng
ta cảm nhận cách sâu xa khi Chúa Giêsu nói về sự sống con người: “Ai yêu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai
coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”. (Ga 12, 25).
Lời Chúa là chân lý và là sự thật, ai tin và thực hiện
như vậy sẽ được sống đời đời. Tuy nhiên, trước khi đề cập đến sự sống đời đời,
chúng ta hãy đề cập đến sự sống đời này. Vấn đề được đặt ra ở đây là:
- Tại sao tôi phải
chấp nhận chết đi để chờ mong một sự sống khác, nói là để sinh nhiều bông hạt?
Điều đó có ích gì khi chính tôi bị tan vỡ ? Chính tôi phải hy sinh và trở thành
vật hy hiến.
- Vì thế, tôi
không muốn chết đi như hạt lúa vô tri. Chẳng thà tôi chấp nhận trơ trọi một
mình, chẳng thà tôi chấp nhận cô đơn để tránh những phiền lụy đau thương và bất
ổn.
- Bằng mọi cách
tôi phải giữ lại những gì hiện có; sống như tôi hiện là. Đó là cách chắc chắn và
yên ổn nhất cho cuộc đời tôi. Thực tế cũng có biết bao người đã và đang chọn
cách sống như vậy, chẳng có gì phải đặt lại vấn đề.
Nhưng tiếc thay, đó cũng chỉ là cảm nghĩ của một cuộc
sống còn dày đặc vô minh và những phòng thủ xung quanh mình, chưa thể khai sáng
và khai thông được. Hoặc đó là một sự tránh né, không muốn đi sâu hơn vào huyền
nhiệm của sự sống qua sự chết.
Chúng ta biết rằng, cuộc sống này và mọi sự trong đó
chỉ là tạm bợ và tất cả sẽ qua đi, để hướng đến đích điểm của nó. Tiến trình
qua đi và hướng đến này được thực hiện bằng sự chết đi - sống lại liên tục
(theo từng chu kỳ) trong chính sự sống của vạn vật và con người, trên phương diện
vật chất cũng như tinh thần. Trong đó, định hướng thành toàn thì luôn luôn bền
vững, nhưng phương cách biến chuyển để thành toàn thì luôn thay đổi.
Vì thế, khi con người bám níu vào bất cứ điều gì thì
cũng sẽ tan biến theo điều đó. Con người
hữu sinh hữu diệt, hữu thân hữu khổ, bám níu vào những cái bất toàn để rồi
lao đầu vào cuộc sống hơn thua, bon chen, gom góp mọi thứ cho mình, kết cục
chính mình cũng đi vào hư vong.
2. Sự cao cả và linh thiêng của cái chết trong Đức Kitô
Chúa Giêsu đã đưa ra một chiều kích hiện sinh mới, mở
ra cho ta con đường tiến tới chân lý sự sống
bằng sự chết mà Ngài đã thực hiện. Chính sự tử nạn và phục sinh của Ngài
làm cho mọi cái chết trở thành Tin Mừng của sự sống. Thật ra, ai cũng muốn một
cuộc sống yên ổn và thuận lợi, an nhàn và êm ấm, tránh những tan tác đau
thương. Nhưng rồi qui luật nội tại của cuộc sống mà Thiên Chúa đã đặt để là một
tiến trình phát sinh và triển nở không ngừng. Vì thế, không thể chiếm giữ mãi
cho mình một tư thế yên hàn nào đó. Thái
độ buông bỏ, hy sinh, chết đi, chính là nhịp điệu của cuộc sống. Không đi
vào nhịp điệu này thì cuộc sống mới thực sự tan tác.
Đối với chúng ta: sống là trở thành, và trở thành là hủy
diệt cái đã thành hình để sáng tạo cái sắp hình thành. Tất cả sự cao trọng của
loài người là ở khả năng chịu hy sinh đau khổ để trở thành. Chính vì không dám hy sinh, không dám buông bỏ, không dám để mình
chết đi, nên người ta dễ rơi vào một lối sống cứng đọng và tăm tối. Sai lầm hơn
nữa khi có những người coi hy sinh là nhượng bộ; quên mình là một cách sống
vong thân; bằng lòng với thân phận bé nhỏ là hèn kém; sống mà không tranh đấu để
chiếm hữu và ngự trị là hèn nhát…
Nhưng tiếc thay, lúc người ta tưởng có được tất cả
cũng chính là lúc họ đánh mất tất cả: mất tư cách, mất nhân phẩm, mất tâm hồn
trong sáng và chân thật, mất lẽ sống làm người.
Quan sát, ta sẽ thấy rằng, con thú chỉ biết chăm lo
cho bộ lông của nó, vì đó là tất cả giá trị của nó. Con người thì không như thế:
bộ vó bên ngoài không phải là con người thật bên trong; bộ dạng cao sang không
phải là tính cách cao trọng; dáng vẻ đẹp không phải là tâm hồn đẹp.
Quan niệm lẫn lộn sẽ phải trả giá bằng những đau
thương của cuộc đời. Sẽ là một may mắn, một ân ban, một sự biến đổi tuyệt vời,
nếu ta nhận chân được cuộc sống hệ tại ở những giá trị tinh thần. Bằng sự từng
trải ta mới cảm nhận sâu xa rằng:
- Chỉ có sống khi biết
chết.
- Chỉ có sở hữu khi bằng
lòng trao hiến.
- Chỉ bắt đầu được khi
chấp nhận mất.
- Chỉ có nhận lãnh khi
biết cho đi.
Tâm
trạng và thái độ sẵn sàng chết đi cho chính mình là một lối sống tự do và hạnh
phúc nhất, vì chẳng còn lo sợ gì cho bản thân mình. Đó cũng là một mô hình tối
ưu cho sự hoàn thành chính mình trong chương trình Thiên Chúa. Như con ốc sên
chỉ có thể bò khi chui ra khỏi vỏ, con người chỉ thực sự sung túc và triển nở mọi
mặt khi quảng đại ra khỏi lớp vỏ của mình: ra khỏi những bận tâm, so đo, tính
toán xây đắp cho mình, để dám sống cho tha nhân và Thiên Chúa.
Niềm
vui cao độ phát xuất từ một sự hiến thân và quên mình như vậy, khiến ta biết
coi thường những cái vui thấp kém mà trước đây ta cứ khư khư chiếm giữ. Không
có niềm vui nào sâu thẳm cho bằng thấy mình được nên giống Chúa hơn trong hành
vi tự hiến, “Vì chính khi hiến thân là
khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”. Trong sự
hiến thân quên mình ta cảm nhận được hạnh phúc đích thực từ sự hiến mình trong
Đức Kitô. Do đó không lạ gì khi Thánh Phaolô đã mạnh mẽ tuyện bố: “Vì Người,
tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô”. (Pl
3, 8).
Từ đó
đưa đến một hiểu biết sâu xa rằng: sống
và chết là 2 hành vi trao đổi lẫn
nhau từng giây phút qua từng biến cố cuộc đời. Sống là chấp nhận chết để triển
nở và phát sinh :
- Một
hành vi khiêm tốn
là chết đi một phần tính kiêu ngạo.
- Một
hành vi can đảm
là chết đi một phần tính hèn nhát.
- Một
hành vi dịu dàng
là chết đi một phần tính hung bạo.
- Một
hành vi yêu thương
là chết đi một phần tính ích kỷ.
Còn cần
biết bao nhiêu cách thức chết khác nữa trong cuộc đời này, để làm thành sự sống
mới trong Đức Kitô. Con người tội lỗi chết dần đi thì con người đích thực giống
hình ảnh Chúa mới xuất hiện và lớn mạnh. Sự sống đời đời của chúng ta thoát
thai từ sự sống mới đó.
Tuy
nhiên, không được coi sự sống đời đời là một hình thức tiếp diễn sự sống này. Nếu
chỉ như vậy thì quả là chán chường và thậm chí chẳng còn ai ham muốn. Thánh
Ambrôsiô cho chúng ta hiểu rằng:
“Nếu không có sự tiếp sức của
ân sủng, sự bất tử sẽ trở thành một gánh nặng hơn là một mối lợi”. Thật
ra, trước đó thánh nhân đã từng nói:
“Không nên than khóc cái chết, vì đó là nguyên nhân cứu độ loài người”[4].
3.
Cùng chết với Đức Giêsu để được sống lại với Ngài
Dù sao đi nữa, hành vi chết dù trong thái độ tinh thần hay trong thân
xác cũng đều là hành vi của đau thương, tổn hại, mất mát và làm tan biến chính
mình. Không dễ dàng mà chấp nhận chết đi, dù biết rằng có một hiệu quả phi thường.
Chính Đức Giêsu cũng bị nao núng và dao động trước cái chết: “Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến và biết nói gì?” (Ga.12,
27).
Chúa Giêsu không ngần ngại thổ lộ với các môn đệ nỗi xao xuyến và sợ
hãi của mình trước cái chết nhục hình. Ngài không làm ra vẻ anh hùng trước sự
hy sinh cao cả đó, nhưng Ngài thật sự lo âu và phải bám níu vào Cha để tìm thấy
sức mạnh với lời van xin tha thiết: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính giờ này
mà con đã đến.” (Ga.12, 27).
Quả là lời cầu nguyện tuyệt vời! Chúa Giêsu
đã can đảm đi vào cuộc tử nạn, biến cái chết thành lời tôn vinh Thiên Chúa và lời
yêu thương con người. Đó là bản trường ca bất tận, để con người hiểu được thế
nào là tình yêu.
Điểm quan trọng ở đây là ngay trong giây phút đau thương rã rời, phải đối
mặt với cái chết, Đức Giêsu vẫn luôn tha thiết cầu nguyện với Cha, và Ngài dạy
chúng ta hãy học kinh nghiệm nơi Ngài: “Các con
hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”. (Lc.22,
40).
Cầu nguyện không phải là liều thuốc an thần hay
giảm đau, cũng không hẳn ngăn chặn được nao núng sợ hãi, nhưng cầu nguyện là
thái độ sống thực, sống tin yêu, phó thác. Khi cầu nguyện chúng ta không mong
Chúa đổi ý, cứu ta thoát khỏi đau khổ hay sự chết, nhưng cầu nguyện chính là gặp
gỡ Chúa với nỗi xao xuyến, giằng co của thân phận con người, mỏng giòn yếu đuối,
để từ đó ta an tâm bình thản hiến dâng vì xác tín rằng: “Chúng ta có sống là sống cho
Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc
về Chúa”. (1Cr 1, 12).
Chết không phải là nhảy vào khoảng không vô tận, nhưng là gieo mình vào
cánh tay Thiên Chúa Tình yêu. Trong Chúa Giêsu tử nạn và phục sinh, chúng ta vững
tin rằng rằng :
-
Hy sinh và từ bỏ là điều kiện để nhận lãnh.
- Đau thương và chia lìa là cách thức để nên tinh
ròng.
-
Tan biến hay mất đi là nhân tố của sự đổi mới.
- Chết là nguyên nhân xúc
tác để làm thành sự sống mới.
Dưới cái nhìn này, chúng ta vượt thoát khỏi sự vô minh và lầm lạc của
tâm trí để sống dưới ánh sáng của Chúa, Đấng luôn hướng ta về chính Ngài.
Bằng cuộc sống trong Chúa mỗi ngày, ta không còn phải lo sợ về cuộc sống
mình với những gì xảy ra trong đó, nhưng luôn an nhiên thanh thản trong mọi
tình huống, để sống trọn vẹn từng phút giây thật đẹp cho Chúa và tha nhân.
Chúng ta vững tin rằng, nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, sự sống vĩnh
cửu đang được hình thành trong từng giây phút sống.
Cũng cần nói thêm rằng, vĩnh cửu
không phải là một chuỗi tháng ngày nối tiếp nhau trong vô hạn, nhưng như một thời
điểm mãn nguyện tràn đầy. Trong thời điểm này, tính toàn thể bao bọc lấy chúng
ta, và chúng ta ôm choàng lấy tính toàn thể, như ngụp lặn vào đại dương của
tình yêu vô biên. Trong đại dương này, thời gian trước và sau không còn hiện hữu
nữa, chỉ còn một cuộc sống tròn đầy ý nghĩa, tràn ngập niềm vui[5]. Đó
là điều mà Đức Giêsu đã diễn tả: “Thầy
sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng, và niềm vui của anh em không ai lấy
mất được”. (Ga
16, 22).
Với tâm tình như thế, chúng ta sẽ nhẹ nhàng đón nhận mọi cái chết trong
đời, và cuối cùng đón nhận cái chết thân xác như một cuộc biến đổi và dâng hiến
hoàn toàn để đi vào sự phục sinh vinh hiển cùng với Chúa Giêsu, Đấng đã chiến
thắng sự chết và tội lỗi, đang đứng đợi chúng ta ở cuối con đường trần.
Lời nguyện
Lạy
Cha là Thiên Chúa toàn năng,
Đấng tác tạo muôn loài, và là sự sống muôn đời của con!
Con
thật hạnh phúc vì nhận biết, tin tưởng, yêu mến, và sống thuộc về Cha.
Dù
biết mình phải chết, nhưng chết trong niềm tin tưởng và yêu mến Cha,
lại là cơ hội diễm phúc để con được sống với Cha mãi mãi, là Đấng con hằng khao
khát.
Để
đón nhận sự sống trong sự chết, con cần phải chết đi con người cũ
và sống lại con người mới trong Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại vì con.
Đức
Kitô là hy vọng duy nhất của đời con, Ngài đang ở trong sâu thẳm của lòng con,
thân thiết hơn bản thân con, và đang dùng Thánh Thần của Ngài để biến đổi đời
con.
Ôi !
Lạ lùng quá, tình yêu bao la vô cùng của Cha trên cuộc đời đầy hư nát của con.
Con
chẳng có gì đánh đổi trước mầu nhiệm ân sủng lớn lao này,
chỉ biết ca ngợi lòng thương xót Cha trong từng giây phút đời con.
Xin
dẫn bước nhân loại chúng con về miền ánh sáng vô tận,
nơi Cha ngự trị vinh hiển cùng với Chúa Con và Chúa Thánh Thần muôn đời. Amen.
Lm. Thái Nguyên
[1] Rabindranath Tagore, Lời Dâng, NXB Đà Nẵng, 2001, bài số 91,
tr. 110
[2] Như trên, bài số 95 và
103, tr. 114 và 123.
[3] X. Anthony de Mello, Thức tỉnh, 1992, 181-182
[4] Bênêđictô, Spe salvi, số 10.
[5] Bênêđictô XVI, Spe
salvi, số 12.