NIỀM
VUI TRONG ĐỜI
“Vui lên anh em!” (Pl 4, 4)
Đâu
phải Tết đến mới vui, Xuân về mới đẹp. Niềm vui và cái đẹp luôn giàn trải trong
vũ trụ vạn vật, được Thiên Chúa phú bẩm cho đời sống con người mọi nơi mọi lúc.
Tuy nhiên, phải có tâm hồn đơn sơ, trong sáng, ta mới cảm nhận thâm sâu về tất
cả mọi niềm vui và cái đẹp trong đời sống hằng ngày. Vì “kho trời chung mà vô tận của mình riêng”.
Thiên
Chúa sáng tạo và cứu độ là để thông chia cho con người niềm vui và hạnh phúc của
Người. Chính vì vậy mà Thánh Phaolô đã kêu gọi: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh
em!”(Pl 4, 4). Thánh Phêrô cũng đã nói: “Mọi
âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em”(1Pr 5, 7).
I. Ý NGHĨA
“Vui”
là một trạng thái tình cảm mà trong đó con người đạt được sự hài lòng, mãn
nguyện. Niềm vui làm cho cuộc sống ta phấn khởi, gia tăng nghị lực và thêm sức
sáng tạo, khiến ta mở rộng trái tim để yêu thương, đón nhận và chia sẻ.
1. Niềm vui
Trong
tiếng Việt, chữ “niềm” trong cụm từ “niềm vui” được dùng để nhấn mạnh trạng
thái tình cảm này là một trạng thái của nội tâm hơn là trạng thái của ngoại
cảnh. Trên thực tế, không bao giờ tồn tại những cảnh vật vui tươi đối với một
người đang buồn, mà cũng không có chuyện gì thật sự đáng buồn đối với một người
đang vui: “Người buồn cảnh có vui đâu bao
giờ”.
Quả thật, niềm vui đến từ bên
trong. Niềm vui là trạng thái tinh thần của hạnh phúc, trong niềm vui con người
sẽ bắt đầu hiểu được giá trị bên trong của mình và đặt mình vào trong vạn vật,
trong mọi tương quan và liên đới với mọi người. Thừa nhận niềm vui là một quyết
định “thuận theo dòng chảy”, là sự biết
ơn đối với cuộc sống, với tất cả những thách thức và cơ hội mà cuộc sống mang lại,
hơn là đặt ra các điều kiện để được hạnh phúc.
Từ đó nhìn vào thực tế cuộc sống,
ta có những phân biệt: niềm vui nhất thời và niềm vui bền vững; niềm vui đúng đạo
lý và niềm vui trái đạo lý. Ngoài ra còn có một niềm vui thượng thặng, siêu việt,
là niềm vui đời Kitô hữu.
2. Niềm vui nhất thời
Niềm
vui nhất thời là niềm vui phụ thuộc vào những điều kiện bên ngoài. Ta vui khi mua được một món
hàng giá rẻ, nhưng nếu sau đó lại phát hiện ra là hàng dỏm, niềm vui ấy sẽ tan
nhanh như bọt nước. Thay vào đó sẽ là sự giận dữ, tức tối. Cũng vậy, ta vui khi
gặp người bạn ban đầu rất dễ thương, nhưng dần dần thấy thương không dễ, tính
khí bất thường, nên phải thay thế bằng nỗi buồn ly biệt. Ta vui khi thấy mình
giỏi hơn người này, nhưng lại buồn khi thấy dở hơn người kia…
Khi những điều kiện thỏa mãn
không còn nữa, thì niềm vui của ta sẽ nhanh chóng biến tan. Mà thực tế trong đời
này không bao giờ có được những điều kiện bền vững, không thay đổi. Tất cả đều
liên tục xoay chuyển và không trường tồn, nên hầu hết những niềm vui của chúng
ta có được trong cuộc sống đều mong manh, tạm bợ. Vì những tâm trạng buồn vui dựa trên
các điều kiện, nên có bao nhiêu niềm vui thì cũng có bấy nhiêu nỗi buồn chực sẵn,
chẳng bao giờ có được niềm vui thực sự. Niềm vui đích thực là niềm vui không bị
điều kiện hóa, không nằm trong sự ham muốn chiếm hữu hay những toan tính nắm bắt
thời cơ. Cũng vậy, niềm vui không nằm trong sự chiến thắng người khác bằng
sức mạnh hay khả năng của mình. Niềm vui đó không mấy chốc sẽ biến thành nỗi
buồn, vì vẫn nằm trong vòng tranh chấp hơn thua, thành bại. Chỉ có niềm vui
thật sự khi chiến thắng chính mình, khi xa lìa được những tật xấu, khi thoát ly
khỏi những ràng buộc, khi có tự do nội tâm để hành động.
3. Niềm
vui bền vững
Niềm vui bền vững là niềm vui
không dựa trên các điều kiện, không bị tác động hay lệ thuộc vào những hoàn cảnh
bên ngoài: đó là niềm vui của tình yêu. Chỉ cần ta mở lòng yêu thương thì tự
nhiên có niềm vui. Đó là niềm vui hồn nhiên, đơn sơ, chân thành, nhẹ nhàng,
thanh thoát, không đòi hỏi, không chiếm hữu, không toan tính, không đặt điều kiện.
Niềm vui bền vững chỉ phát xuất
từ một tâm hồn tràn ngập yêu thương. “No man
truly has joy unless he lives in love” = Không
ai thực sự vui vẻ nếu không sống yêu thương” (Thánh Tôma Aquinô). Niềm vui bền vững phát xuất
từ lòng yêu thương chân thật, vô vị lợi. Điều này không phải là kết quả của sự
cố gắng rèn luyện hay nỗ lực tu tập, mà đơn giản chỉ là những hệ quả tất yếu của
một tâm hồn luôn đong đầy yêu thương.
Cũng từ
những trải nghiệm trên, ta thấy mọi niềm vui của con người có thể được phân
thành hai loại cơ bản: một loại giúp con người nâng cao giá trị của mình, còn
một loại lại làm cho phẩm giá của con người bị hạ thấp. Niềm vui có sự phân
biệt rõ ràng: đích thực và giả tạo, chân chính và bất chính, tội lỗi và thánh
thiện, cao thượng và thấp hèn, xây dựng và phá hủy… Nói cách khác, có sự phân
biệt niềm vui đúng đạo lý và niềm vui trái đạo lý. Trong niềm vui đúng đạo lý,
con người càng được mãn nguyện bao nhiêu thì càng thánh hóa được bản thân và
tha nhân bấy nhiêu. Ngược lại, với niềm vui trái đạo lý, con người càng thỏa
mãn càng bị tha hóa trong nhân cách.
II.
NIỀM VUI ĐÚNG ĐẠO LÝ VÀ TRÁI ĐẠO LÝ
1. Niềm
vui đúng đạo lý[1]
Niềm vui đúng đạo lý là niềm vui xây dựng
trên nền tảng: chân, thiện, mỹ, nghĩa là vừa đúng đắn (chân), vừa tốt lành
(thiện), vừa đẹp đẽ (mỹ). Đây cũng là ba giá trị nhân bản mà mọi người đều khát
khao hoặc ngưỡng vọng. Trong sự vươn đến chân, thiện, mỹ, cho dù một bước tiến
bé nhỏ cũng có thể đem đến cho con người sự hài lòng to lớn. Điều này giải
thích tại sao bất cứ ai cũng có thể tìm thấy những niềm vui tuyệt diệu khi nắm
bắt được một vài tia sáng của chân lý, trải nghiệm được một vài ý tưởng thánh
thiện, hay thực hiện được một vài hành động đẹp đẽ.
- Thứ nhất là niềm vui do trải nghiệm cái đúng đắn (chân). Chỉ
cần sống tốt với bổn phận làm người, niềm vui tự nhiên xuất hiện. R. Tagore cũng nói lên như thế:
Tôi nằm ngủ và mơ thấy cuộc đời là Niềm vui.
Tôi thức giấc và
nhìn thấy cuộc đời là Bổn phận.
Tôi hành động
và, ô kìa, Bổn phận chính là Niềm vui.
Ai cũng
có thể cảm nhận về điều đó. Chỉ cần hành động theo đúng sự thật, niềm vui tự
động dâng tràn. Chính sự thật sẽ giải thoát chúng ta khỏi những nhiễu nhương,
muộn phiền. Dĩ nhiên, sự thật nào cũng đòi phải trả giá, nhưng giá đó làm nên
giá trị nhân cách để khôi phục lại hình ảnh Thiên Chúa nơi con người đã bị mê
hoặc bởi sự giả trá. Riêng với những người có đức tin tôn giáo, mỗi khi chứng
nghiệm được một sức mạnh của tâm linh, một điều kỳ diệu của đức tin hoặc nhận
thức được một nội dung của giáo lý cao siêu, đều thấy cả trí tuệ lẫn tâm linh
mình phấn khởi lạ thường. Đó là những trải nghiệm hồn nhiên và có ý nghĩa về
niềm vui dưới ánh sáng chân lý.
- Thứ hai là niềm vui do trải nghiệm cái tốt
lành (thiện). Mỗi khi làm được một việc thiện, giúp ích cho tha nhân, lòng
chúng ta thấy vui sướng nhẹ nhàng. Thánh Tôma Aquinô cũng đã định nghĩa: Sự vui sướng là trạng thái an tĩnh của tâm
hồn sau khi đã đạt được mục tiêu, tức là điều thiện (quies appetitus in fine:
I-II, 34,2,2m).. Việc
thiện càng sâu, niềm vui càng lớn; việc thiện càng nhiều, niềm vui càng rộng.
Tâm hồn càng hướng thiện thì càng mở rộng phạm vi hành thiện. Chính việc hành thiện
là sức hút mãnh liệt để cảm hóa nhân tâm và cải hóa xã hội. Gốc gác con người
là tính bản thiện, nhưng vì không hành thiện nên đời sống ngả nghiêng, khiến
cho sự ác xâm nhập càng thêm đảo điên.
- Thứ ba, niềm vui do trải nghiệm cái đẹp đẽ
(mỹ). Có biết bao cái đẹp trong cuộc sống con người, từ thiên nhiên
vạn vật cho đến những tác phẩm nghệ thuật do con người làm nên. Chúng ta tìm
thấy niềm vui này ngay cả khi nhìn ngắm một cánh hoa. Mọi cái đẹp đều cho ta nhận
ra kỳ công tuyệt mỹ của Thiên Chúa ngay trong cấu trúc cơ thể và khả năng tâm
trí của con người. Ở mức độ cao hơn trong đời sống tinh thần, niềm vui ấy còn
sâu rộng hơn khi có một tính cách đẹp, một lối ứng xử đẹp, một cử chỉ đẹp trong
sự khiêm tốn, hiền hòa, bao dung, tha thứ, nhất là lấy tình thương đáp trả hận
thù. Đó là sự trải nghiệm cái thẩm mỹ, cái trác tuyệt trong nhân cách, và ai
cũng đầy niềm vui khi thấy được cái đẹp tinh tế đó nơi mình hay người khác.
Trên
thực tế, ba giá trị chân, thiện, mỹ thường xuất hiện đồng thời. Chẳng hạn, thái
độ bao dung đem lại an hòa vừa là một lối hành xử đẹp, tốt lành và đúng đắn. Niềm
vui có mặt trong mọi giây phút khi lòng ta luôn thanh tịnh, không bị vọng động
bởi những xao động và tác động bên ngoài. Một tâm hồn như vậy càng gặp những
thử thách qua những nghịch cảnh càng cảm nhận được những niềm vui thanh khiết,
vì những cái khắc nghiệt ấy của cuộc đời là cơ hội để trui rèn và làm sáng lên những
giá trị nhân bản rất chân thật, tốt lành và thánh thiện nơi chính mình. Những
giá trị đó làm cho thế giới loài người trở nên sinh động và đáng yêu.
Những con
người của niềm vui trong chân, thiện, mỹ, cũng là những người góp phần tốt nhất
cho việc xây dựng hòa bình thế giới. Vì nơi họ, sự an bình trong tâm hồn tự
động lan tỏa trong mọi môi trường sinh hoạt của xã hội, như hương trong hoa,
như men trong bột. Như vậy, dù không là Kitô hữu, họ cũng đã sống tốt mối phúc
thứ bảy, và đáng được gọi là con Thiên Chúa.
2. Niềm
vui trái đạo lý
Những
niềm vui trái đạo lý là những cái vui không phù hợp với ba giá trị căn bản của
nhân loại tính. Đó là những cái vui không đúng đắn, chẳng tốt lành, mà cũng
chẳng đẹp đẽ. Niềm vui nào cũng nằm trong sự chọn lựa giữa cái xấu và cái tốt.
Ai cũng có tự do để chọn lựa niềm vui, như lời bài hát của Trịnh Công Sơn:
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Chọn những bông hoa và những nụ cười…
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Cùng với anh em tìm đến mọi người…
Và như thế tôi sống vui từng ngày
Và như thế tôi đến trong cuộc đời
Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi
Tự do để
lựa chọn, nhưng chọn cái gì, chọn như thế nào, tâm ý của mình và đối tượng ra
sao… Chính vì vậy mà tự do vừa cao quí vừa bi đát do cách chọn lựa của con
người. Thiên Chúa chỉ dựng nên những điều tốt, nhưng con người đã làm nên những
điều xấu bằng sự tự do quá đà, vượt giới hạn, làm phá đổ trật tự hài hòa mà
Thiên Chúa đã đặt để. Đời mất vui khi con người mất đi sự tự do làm chủ chính
mình, để mình bị lôi kéo theo thất tình
lục dục:
- Thất tình là bảy trạng thái tình cảm:
mừng (hỷ), giận (nộ), buồn (ai), vui (lạc), thương (ái), ghét (ố), sợ (cụ). Chúng
đều là những trạng thái dễ bị kích thích, gây nên bấn loạn khi con người chịu
những tác động từ bên ngoài mà không có sự chủ động an định nội tâm. Những niềm
vui thất tình phát sinh và tồn tại dựa vào lục
dục, nên chúng chỉ là những hưng phấn giả tạm do sự thỏa mãn các ham muốn
tâm-sinh lý trong bản năng vô thức của con người. Nói cách khác, những niềm vui
này bắt nguồn từ những “xung lực phát ra
từ những tổ chức thể chất” và là sự thỏa mãn những đòi hỏi thể chất trong
tâm thần của con người[2].
- Lục dục là sáu loại ham muốn phát
xuất từ lục căn. Lục căn bao gồm:
mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý (nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, và ý), là sáu
cơ quan tối trọng trong đời sống mỗi người. Nếu con người biết làm chủ lục căn, sử dụng chúng vào những việc
đúng đạo lý, thì lục dục sẽ trở thành sáu phép mầu để thông thiên đạt địa.
Ngược lại, nếu ta không làm chủ được lục căn, thì lục dục sẽ trở nên mù quáng [àm
thành“sáu ngã đường tà” khiến con người chỉ còn tìm vui trong tội lỗi.
Nếu vui
vì mắt được nhìn thấy những sắc đẹp và đem lòng ham muốn thì đó là cái vui của nhãn dục. Nếu vui do tai được nghe những
lời tâng bốc, gièm pha, xu nịnh, gây hiềm thù, thì đó chỉ là cái vui của nhĩ dục. Nếu vui do mũi được ngửi những
mùi hương tạo nên sự kích thích thân xác thì đó là cái vui của tỹ dục. Nếu vui do lưỡi được nếm những
thức ăn ngon, đó chỉ là cái vui của thiệt
dục. Nếu vui do thân được thỏa mãn cảm giác của xác thịt, đó chỉ là cái vui
của thân dục. Và nếu vui do tư tưởng
được thỏa mãn những suy nghĩ càn quấy, phóng túng, đó chỉ là cái vui của ý dục.
Cái vui
của ý dục là môi trường dung dưỡng những cái vui của mọi loại dục vọng khác.
Đằng sau khả năng nhận thức sinh lý học của các cơ quan thể chất còn có khả
năng nhận thức tâm lý học của những bản năng vô thức tương ứng. Những ham muốn
do bản năng vô thức mới là phần đáng sợ nhất của lục dục.
Đối với
những ham muốn do bản năng vô thức, con người không thể kiểm soát và chế ngự
chúng bằng ý thức hay lý trí, nhưng phải bằng một quá trình tu tập lâu dài. Tuy
nhiên, bản tính con người vốn mỏng dòn, yếu đuối, không thể chỉ dựa vào sức lực
và khả năng của mình để tu tập. Việc tu tập nào cũng không thể thành, nếu chỉ
là nỗ lực đơn thuần của con người, nhưng nhất thiết phải có ơn trên độ trì. Không
ai có thể tự phụ mình đã đạt tới niềm vui đạo lý nếu không nằm trong Thiên ý. Bản
chất niềm vui trước tiên là một ân ban từ trong tâm, và chỉ dành cho ai biết
khiêm tốn đón nhận. Không có gì cao đẹp trong đời sống con người mà chỉ là nhân
bản thuần túy; cũng không có gì cao quí nơi vạn vật mà chỉ là tự nhiên đơn
thuần, nhưng tất cả đã được nâng lên một bình diện cao hơn và mang tính cách
linh thánh nhờ sự cứu chuộc của Đức Kitô. Vì thế mà niềm vui đạo lý được bao
hàm trong niềm vui đời Kitô hữu: là một thực tại siêu nhiên ngay trong những gì
xem ra rất tự nhiên, do tình yêu Thiên Chúa đã đổ tràn trên cuộc sống của con
người.
III. NIỀM VUI ĐỜI KITÔ HỮU
Niềm
vui đời Kitô hữu trước tiên là một ân ban được làm con cái Thiên Chúa. Đó
là niềm vui khai mở mọi niềm vui. Biết rằng, bước theo Chúa là
từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà đi theo, nhưng đó lại là sự “hãnh diện” của
đời Kitô hữu (x. Gl 6, 14), và là con đường đi lên làm triển
nở nhân cách vẹn toàn. Hơn nữa, sau thập giá còn là vinh quang dành cho những
tâm hồn quả cảm.
1. Niềm vui được làm con Thiên Chúa
Niềm
vui đời Kitô hữu trước tiên là hoa trái của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho chúng
ta trở nên con cái Thiên Chúa, cảm nghiệm và hưởng nếm được sự tốt lành của
Người, và gọi Người là “Abba”, Cha ơi (x. Rm 8,15). Niềm vui là dấu chỉ Thiên
Chúa đang hiện diện và hành động nơi chúng ta.
Niềm
vui đời Kitô hữu cũng là niềm vui đúng đạo lý, nhưng lại mang tính siêu vượt,
vì còn là niềm vui của con cái Thiên Chúa, được xác lập bởi mối liên hệ sung
mãn với Đức Kitô, là đời sống
trong Đức Kitô. Đức Kitô đã
không ngừng hiện diện trong Chúa Cha, nên chúng ta cũng không ngừng hiện diện
trong Đức Kitô, Đấng cứu độ duy nhất cho toàn thể nhân loại. Niềm vui lớn lao
duy nhất vượt trên mọi niềm vui, chính là niềm vui ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đem
đến cho chúng ta, qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Và Bát phúc chính là
bí quyết phát sinh niềm vui bất tận cho đời Kitô hữu mà Chúa Giêsu đã công bố. Vì
thế“Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần
thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12). Từ đó chúng ta
nhận thấy rằng:
-
Niềm vui đời Kitô hữu cũng đặt cơ sở trên sự thật, nhưng là sự
thật phát xuất từ Thiên Chúa: là sự thật trên mọi sự thật, được mạc khải qua
Đức Giêsu Kitô, chứ không phải sự thật của những triết thuyết hay giáo thuyết
nào khác. Mọi sự thật do con người tìm kiếm hay trải nghiệm có thể bất túc hay
bất toàn. Sự thật tuyệt đối chỉ có nơi Thiên Chúa, Đấng Toàn Chân, mà mọi sự
thật đều qui hướng về.
-
Niềm vui đời Kitô hữu cũng đặt cơ sở trên sự thiện, nhưng không
chỉ là sự thiện luân lý mà còn là sự thiện trên mọi sự thiện, sự thiện nơi
Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự thánh thiện, Đấng ban cho chúng ta được thông
phần bản tính Thần Linh của Người trong Đức Kitô (x. 2Pr 1, 4). Sự thiện tuyệt
đối chỉ có nơi Thiên Chúa, Đấng Toàn Thiện, mà mọi sự thiện đều qui hướng về.
-
Niềm vui đời Kitô hữu cũng đặt cơ sở trên cái đẹp, nhưng là cái
đẹp bắt nguồn từ Thiên Chúa. Người đã thể hiện cái đẹp siêu phàm của tình yêu Người
qua Đức Giêsu, Đấng đã chết vì tội lỗi nhân loại chúng ta, vì “không có tình yêu nào cao đẹp cho bằng tình
yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15, 13). Cái đẹp
tuyệt đối chỉ có nơi Thiên Chúa, Đấng Toàn Mỹ, mà mọi cái đẹp phải qui hướng
về.
Tự bản chất, niềm vui người Kitô hữu
vượt trên tất cả, vì là niềm vui của con cái Thiên Chúa. Nơi nào có Thiên Chúa,
ở đó có niềm vui thực sự, vì “Chỉ Thiên
Chúa mới đem lại sự thỏa mãn” (Tôma Aquinô). Niềm vui của đời Kitô hữu không chỉ vượt xa hẳn
những lợi lộc vật chất và sự thỏa mãn trần tục, không chỉ là niềm vui thỏa đáng
cho khát vọng thâm sâu, mà còn vì mọi niềm vui hôm nay đều hướng đến niềm vui
vô tận là chính Thiên Chúa, Đấng là suối nguồn hạnh phúc muôn thuở của con
người.
2. Niềm vui trong Chúa
Niềm
vui trong Chúa được phác họa qua cuộc đời Thánh
Phaolô, như là nhà vô địch và là sứ giả của niềm vui, cho dẫu rằng ngài đang
trải nghiệm sự thất vọng và đang trong tình trạng bị giam cầm. Ngài viết “vì đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là
một mối lợi” (Pl 1, 21), nên ngài có thể giữ niềm vui ngay cả khi ngài
trong tù, khi bị đánh đập, hoặc là khi bị đặt trong những tình trạng nguy hiểm.
Đó là niềm vui trong Chúa, không phụ thuộc vào bất cứ hoàn cảnh nào bên ngoài.
Từ những trải nghiệm đó, ngài đã phấn khích các
Kitô hữu một cách mạnh mẽ: “Vui lên anh
em” (Pl 4,4).
Chính
vì được gặp gỡ Chúa, ở bên Chúa, sống trong Chúa, cảm nếm ngọt ngào được tình yêu Chúa, nên người Kitô hữu vui ngay cả khi họ đang đói khát, mệt
mỏi, đau đớn, cô đơn, tù đày, bị ngược đãi hoặc bị đối xử tàn nhẫn. Quả thật, “Vui mừng là một trong những đặc tính của
sự thánh thiện” (P. Faber).
Niềm
vui trong Chúa không phải từng lúc, từng nơi, mà là niềm vui không ngơi như một
dòng chảy qua mọi tình trạng của cuộc sống. Càng biết khiêm tốn nép mình
trong Chúa thì niềm vui còn nằm ngay trong những khía cạnh tiêu cực của cuộc đời.
Ta có thể vui ngay trước những lời chê bai, phê bình chỉ trích của người khác,
bởi vì điều quan trọng là sự thật về bản thân mình. Thánh Têrêsa rất vui khi
người ta phê phán tiêu cực về Ngài, và Ngài rất sợ những lời khen lao ca ngợi của
người khác. Vì thế mà Ngài luôn xin ơn được người đời khinh chê.
Chính
Chúa cũng đã bị cáo gian, bị hiểu lầm, bị phủ nhận, bị chụp mũ…. huống chi cuộc
sống yếu hèn của mỗi người chúng ta, ai lại không lầm lỗi. Vì thế, có bị chê
bai, cười nhạo đi nữa cũng là chuyện thường tình. Ta cũng có thể vui trước những
yếu đuối và lầm lỗi của mình. Thánh Têrêsa nói rằng: “Em còn rất nhiều yếu đuối và bất toàn, nhưng em rất vui. Đối với em, sa ngã hằng ngày cũng chẳng hệ
gì, vì nhờ vậy mà em thấy mình yếu hèn và
biết nương tựa vào Chúa hơn”.
Để niềm
vui trong Chúa được lớn thêm mỗi ngày, ta cần đào sâu tinh thần lạc quan, tin
tưởng và phó thác:
- Vui với cái nhìn lạc quan
Mọi diễn
biến trong cuộc sống thường không đơn giản, không như ta mong muốn mà có khi
còn ngược lại. Điều quan trọng là tâm trạng và phản ứng của mỗi người như thế
nào trước mỗi tình cảnh. Điều đó tùy thuộc góc độ nhìn và cách thế nhìn vấn đề
của mỗi người: “Hai người cùng nhìn ra
song cửa. Kẻ thấy bùn đen, kẻ thấy sao” (F. LangBridge).
Đối với
người có cái nhìn lạc quan thì biết rằng mọi sự có thể do con người tạo nên,
nhưng tất cả đều nằm trong sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Vì thế, trước
những bóng tối người ta vẫn thấy ánh sáng; trước đám mây u ám người ta vẫn thấy
bầu trời trong lành.
Chúa
Giêsu đầy lạc quan khi Ngài trình bày dụ ngôn về Nước Trời giống như hạt cải gieo trong ruộng (x. Mt 13, 31),
hay như nắm men vùi trong bột (x. Mt 13, 33). Như Chúa Giêsu, người Kitô
hữu luôn lạc quan khi nhìn sự việc, cho dù xem ra có nhiều điều trắc trở. Sống
tinh thần lạc quan không có nghĩa là như con Đà Điểu chui đầu vào đống cát để
tránh né nguy hiểm đang xảy ra, nhưng là luôn giữ quân bình nội tâm giữa những
khó khăn hằng ngày.
Người
lạc quan là con người thực tế, biết mình cần phải làm gì để góp phần giải quyết
vấn đề một cách tích cực hơn theo khả năng của mình, chứ không làm ngơ mặc tình
cho cuộc sống dun dủi, đẩy đưa, may nhờ rủi chịu.
Tuy
nhiên người lạc quan có những khi cũng phải biết chấp nhận sự giằng co giữa lý
thuyết và thực tế. Lý thuyết bao giờ cũng đẹp, nhưng thực tế thì bản thân mình
và cộng đoàn còn phải phấn đấu vươn lên từng ngày. Người lạc quan không ảo tưởng,
vì biết rằng chẳng ai và chẳng cộng đoàn nào là hoàn hảo. Cuộc sống không có sự
hoàn hảo đúng nghĩa mà chỉ có hoàn hảo hơn mỗi ngày. Vì thế, ta vẫn vui trước
những khó khăn, những thiếu hụt và giới hạn của mình, của người khác. Như vậy
người lạc quan cũng là người khôn ngoan:“Người
khôn ngoan là người không buồn về những gì mình không có, nhưng biết vui về những
gì mình đang có” (Epidetus).
- Vui với
lòng tin tưởng
“Tin tưởng là sức mạnh của cuộc đời”
(Léon Tolstoi). Sở dĩ người ta lạc quan là vì người ta tin tưởng: tin vào Chúa
và tin vào chính mình, nghĩa là tin vào quyền năng và lòng thương xót Chúa đi
đôi với nỗ lực của chính mình. Nhờ đó người ta luôn có cái nhìn tích cực trước
mọi hoàn cảnh và sự việc: biết tìm kiếm những gì tốt đẹp trong những cái dở
dang; biết thu lượm những cái nguyên vẹn trong những gì đổ vỡ; biết khai thông
một lối nhỏ trên lộ trình bế tắc; biết sáng tạo và tận dụng mọi khả năng của
mình để biến khó khăn thành cơ hội...
Bà
Magarita, thân mẫu của Cha Don Bosco, mỗi tối bà thường đem các con ra trước
sân nhà, giơ tay chỉ lên bầu trời và nói: “Chỉ
khi nào màn đêm buông xuống, chúng ta mới có thể nhìn thấy những vì sao lấp
lánh trên trời”.
Suốt
đời Cha Don Bosco đã ghi nhớ lời khuyên dạy đầy khôn ngoan của mẹ. Đó là những
tia sáng hy vọng đã thắp lên, nhờ đó Cha Don Bosco đã trở nên thầy dạy, là nhà
giáo dục đức tin cho giới trẻ, nhất là các học sinh nghèo, những người bị đẩy
ra bên lề xã hội. Với tâm hồn lạc quan và tin tưởng, ngài đã huấn luyện các học
sinh của ngài cởi bỏ cái nhìn bi quan để khám phá những điều tốt lành chung quanh,
tin vào khả năng của mình và hướng nhìn tương lai với niềm hy vọng. Cũng như
người thanh niên nọ mỗi sáng vừa thức dậy, anh ta mở toang cửa sổ, hít thở
không khí trong lành của ngày mới và mỉm cười cất tiếng hát: “Đây là ngày Thiên Chúa dựng nên, chúng ta
hãy vui mừng hoan hỉ”.
Cho
dù trước mắt có những tình cảnh éo le và những thảm trạng không ngừng xảy ra,
nhưng Thánh Phaolô nói rằng, chúng ta bước đi bằng lòng tin, chứ không phải bằng
mắt (x. 2Cor 5, 7). Lòng tin mở ra một chân trời mênh mông cho lẽ sống làm người
và làm con cái Thiên Chúa: tin mình được cứu độ, được tha thứ, và được yêu
thương vô cùng. Thật vui mừng biết bao!
Thiên
Chúa cao cả không phải vì Ngài “toàn năng”, nhưng vì Ngài “toàn ái”. Ngài siêu
việt vì Ngài là “Tình yêu tuyệt đối”. Với đức tin, mắt phàm biến thành mắt thần,
nghị lực biến thành dũng lực. Người có đức tin trông thấy những điều mà kẻ khác
không trông thấy, làm được những cái kẻ khác không thể làm được. Đức tin là điều
kiện tiên quyết, cần và đủ để phép lạ xảy ra (x. Lc 7, 50; 8, 48). “Con có tin không?”, đó là câu hỏi của
Chúa Giêsu trước khi Ngài làm phép lạ để cứu chữa bệnh nhân, để rồi sau đó Ngài
kết thúc bằng câu: “Đức tin con đã cứu
con”. Chúa Giêsu không thể làm gì được cho con người khi họ không có lòng
tin (x. Mc 6, 5-6).
Thánh
Têrêsa cũng đã xác quyết “Chúa Giêsu có
thể làm được mọi sự; lòng trông cậy làm được những phép lạ”. Và Thánh nữ
cho biết rằng: “Điều xúc phạm đến Chúa
Giêsu và khiến Thánh Tâm Ngài phải sầu khổ, đó là lòng thiếu tin tưởng vào Ngài”.
Ngay
cả đối với các trọng tội, Têrêsa cũng không hề thất vọng: “Con cảm thấy dù lương tâm con có đầy những tội ác tầy trời con có thể
phạm, con cũng không mất lòng cậy trông tin tưởng... Không gì có thể làm con sợ
hãi, vì con biết phải xử làm sao với tình yêu và lòng thương xót Chúa. Con biết
muôn vàn tội lỗi con sẽ tiêu tan trong nháy mắt như một giọt nước rơi vào giữa
lòng than hồng”.
- Vui
trong sự phó thác
Lạc
quan, tin tưởng gắn liền với tinh thần phó thác. Đó là đỉnh cao của niềm vui.
Phó thác theo ý Chúa muốn chứ không theo ý mình muốn. Vì chỉ có Chúa mới thấy
những gì tốt đẹp nhất cho cuộc đời mình. Luôn nhớ rằng, mọi công việc ta làm là
của Chúa, thành công hay thất bại của ta cũng chính là thành công hay thất bại
của Chúa. Chúa chỉ cần ta cố gắng hết mình. Phần còn lại, chính Chúa sẽ hành động,
cứ phó thác hết cho Ngài.
Ngay
cả anh chị em lương dân cũng biết: mưu sự
tại nhân, thành sự tại Thiên. Tài năng cỡ nào đi nữa mà Trời không muốn thì
con người cũng đành bó tay. Cho nên người quân tử theo Nho giáo xem ra rất lạc
quan, vì luôn sống theo thiên mệnh: làm hết sức, nhưng cũng phó thác hết mình.
Khi
ta đã sống tận tình, thì dù cuộc sống có còn nhiều tăm tối, nhiều cái trì trệ,
dở dang từ bản thân cho tới cộng đoàn, từ con người cho tới công việc, thì
chúng ta cứ hãy an tâm phó thác hoàn toàn cho quyền năng và lòng thương xót
Chúa. Cũng có đôi khi Chúa muốn để tình trạng yếu kém như thế là để chúng ta biết
dựa vào Chúa, chứ đừng dựa vào mình theo sự khôn ngoan của loài người. Thánh
Têrêsa cho đó là một ân ban lớn lao. Điều nguy hiểm khi con người chỉ cậy dựa
vào sức mình, đó mới chính là vực thẳm đáng sợ nhất.
Trong
sự cậy dựa vào Chúa, qua thư gởi chị Céline, Têrêsa viết : “Quả thực, em không luôn trung tín đâu, nhưng
không bao giờ em nản chí, em phó thác mình trong tay Chúa Giêsu. Như hạt sương
nhỏ, em chìm sâu vào tận đài ‘Hoa Đồng nội Cực Thánh’, và nơi đó em tìm lại được
những gì đã mất, và còn hơn thế nữa”.
Thánh
Nữ còn dám quả quyết: “Dù em có thấy lửa
tình yêu như tắt lịm trong lòng, em vẫn cố ném vào đống tro tàn những cọng rác
nho nhỏ và em tin chắc thế nào rồi lửa cũng bùng cháy lại”.
Quả
là một sự tin tưởng và phó thác hết mình, một sự liều lĩnh hoàn toàn trong tình
yêu, để Têrêsa có được niềm vui ngay trong mọi hoàn cảnh khốn khó. Phó thác
không phải là thái độ nhắm mắt đưa chân, nhưng là can đảm bước qua trong sự liều
lĩnh để tiến tới tình yêu. Liều lĩnh trong tình yêu đối với người đời thì quả
thật nguy hiểm, nhưng đối với Thiên Chúa lại là một sự an toàn. Trong mọi tình
huống, Chúa luôn là niềm vui khôn tả cho cuộc đời chúng ta, chỉ có điều chúng
ta có dám phó thác cuộc đời mình cho Chúa đề Ngài hành động?
Người
sống trong niềm vui là người luôn biết mở nụ cười. Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ, không chỉ bổ thân xác mà bổ đời
sống tinh thần, không chỉ bổ cho mình mà còn bổ cho mọi người chung quanh. “Nụ cười là sức mạnh lớn nhất của thế giới. Ở
đâu không có nụ cười, ở đó sự sống kể như đã tắt. Ở đâu có nụ cười, ở đó cuộc sống
trở nên phong phú” (Zundel).
Nụ cười
chính là sức mạnh của Thiên Chúa trao ban cho những tâm hồn thuần khiết. Hãy cười
lên! nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ, nụ cười ngọt ngào của tình yêu, nụ cười hân
hoan của cuộc sống trong Chúa mỗi ngày.
IV. PHƯƠNG SÁCH ĐỂ DUY TRÌ NIỀM VUI MỌI NGÀY
1. Lời Chúa
Lời Chúa chính là “sách
lược” hữu hiệu để người Kitô hữu vẫn giữ được niềm vui khi đối mặt với mọi tình
huống. Bởi vậy, “Gặp được lời Chúa, con đã nuốt vào, lời Ngài làm cho con hoan
hỉ, làm vui thoả lòng con” (Gr 15,16). Nhờ vậy mà người Kitô hữu có thể:
-
Vui trong khốn
khó: “Trong thế gian, anh em
sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga
16,33).
-
Vui trong
thử thách: “Anh
em hãy cho mình là chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều (Gc
1,2-3).
-
Vui trong yếu
đuối: “Tôi
cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt
nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr
12,10).
-
Vui trong thiếu
thốn: “Cứ xin
đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga
16,24).
-
Vui trong bất
hạnh: “Tang tóc họ, ta biến
thành hoan hỷ, và sau cảnh sầu thương, sẽ cho họ được an ủi vui mừng” (Gr
31,13).
-
Vui trong
châu lệ: “Lệ có rơi khi màn đêm
buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo” (Tv 30,6).
-
Vui trong
đau buồn: “Bây giờ anh em đau
buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của
anh em, không ai lấy mất được” (Ga 16, 22).
-
Vui trong
phấn đấu: “…vì tên của anh em được
ghi trên trời” (Lc 10,20).
-
Vui trong
Thánh ý Chúa: “Thánh ý Ngài là gia
nghiệp con mãi mãi, vì đó là hoan lạc của lòng con… mệnh lệnh của Ngài vẫn làm
con vui thỏa” (Tv 119,111-143).
-
Vui cả khi bị
ngược đãi: “vì Nước trời đã dành cho họ.” (Mt 5, 12).
2. Niềm vui hiến trao
Niềm
vui đời Kitô hữu không phải là niềm vui riêng mình, nhưng tự bản chất là niềm
vui trao ban, chia sẻ, để mọi người được vui trong niềm vui của Thiên Chúa. Niềm
vui trong Chúa chính là niềm vui luôn khơi sâu nới rộng, luôn được dàn trải và
vươn xa tới mọi người. Chẳng ai gặp gỡ và đón nhận Đức Giêsu mà có thể ngồi yên
trong vị thế của mình, nhưng rất hăng say nhiệt tình để đem lại niềm vui sống
cho anh chị em mình.
“Ơn gọi của Giáo Hội là mang lại niềm vui cho
thế giới, một thế giới buồn phiền và âu lo trước bao nhiêu hiểm họa và đe dọa
của sự dữ, chưa biết đặt niềm tin vào đâu. Vì thế, niềm vui là một chứng từ
quan trọng cho vẻ đẹp và tính đáng tin của đức tin Kitô giáo”[3]. Chính
niềm vui đời Kitô hữu mở ra cho tình yêu Thiên Chúa được lan tỏa và sống động
trong nhân loại.
Đời
Kitô hữu không thể hạnh phúc nếu những người xung quanh mình không hạnh phúc.
Niềm vui thu vén và hưởng thụ cho cá nhân mình không phải là niềm vui đời Kitô
hữu. Chính vì vậy mà chúng ta rất vui khi ra khỏi bản thân của mình để đi đến
với tha nhân trong từng cảnh ngộ của họ với tâm tình yêu thương, phục vụ, chỉ
cho họ thấy kho tàng quý giá là chính Chúa Giêsu, Đấng chính là niềm vui bất
tận trong tâm hồn mỗi người.
Trong ý
nghĩa đó, Đức Bênêđictô XVI đã tha kêu gọi chúng ta: “Hãy đến với những ai đang đau khổ, những ai đang tìm kiếm, và
mang lại cho họ niềm vui mà Chúa Giêsu muốn trao ban. Hãy mang niềm vui ấy đến
cho gia đình các con, trường học của các con, nơi làm việc của các con và cho
bạn bè của các con, ở bất cứ nơi đâu các con sống. Các con sẽ thấy niềm vui ấy
lan truyền như thế nào. Các con sẽ nhận được gấp trăm: niềm vui cứu độ cho
chính các con, niềm vui được thấy Lòng Thương Xót của Thiên Chúa hoạt động nơi
các tâm hồn. Và khi các con đến gặp Chúa vào ngày sau hết, các con sẽ nghe Chúa
nói: “Tốt lắm, đầy tớ tốt
lành và trung tín của Ta, hãy vào hưởng niềm vui cùng chủ ngươi!” (Mt 25,21)[4].
Niềm
vui hiến trao của đời Kitô hữu phác họa lại niềm vui của Mẹ Maria: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, tâm trí tôi
hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi” (Lc 1,46-47). Mẹ đã tận
hiến hoàn toàn cho ý định cứu độ của Thiên Chúa, nên Mẹ chan chứa vui mừng. Mẹ
được kêu cầu là “Đức Bà làm cho chúng con vui mừng” vì Mẹ đã
ban cho nhân loại chúng ta Chúa Giêsu. Tiếp nối tâm tình và tính cách của Đức
Maria, Mẹ chúng ta, người Kitô hữu làm cho thế giới được hân hoan vui mừng
trong ơn cứu độ của Thiên Chúa, và đón chờ ngày hoan lạc trong Chúa muôn đời.
Lời Nguyện
Lạy Chúa!
Xem ra thú vui thì rất nhiều,
còn niềm vui chẳng có bao nhiêu.
Con nhận biết không có niềm vui ngoài Chúa,
chỉ có niềm vui trong Chúa.
Chính trong Chúa mà niềm vui lại dâng tràn,
Vì Chúa là suối ngàn của niềm vui.
Con muốn gạn lọc bản thân mình
khỏi những đam mê phàm tục,
khỏi những thú vui phàm hèn,
để giữ một tâm hồn thanh tịnh
với những niềm vui thanh khiết.
Xin đừng để con quá tính toán lo toan,
nhưng luôn nhẹ nhàng và thanh thoát,
sống thật vui với Chúa, với mọi người.
Chúa là niềm vui bất tận cho đời chúng con,
Xin cho con chẳng cần tìm kiếm gì ngoài Chúa. Amen.
Lm. Thái Nguyên
[1] Trong phần này chúng tôi tóm tắt và khai triển theo: http://tamgiaodongnguyen.com/VanUyen/NiemVuiCaoDai.htm
[2]
D. Stafford-Clark, Freud Đã Thực Sự Nói Gì?, tr. 151.
[3] Sứ điệp của Đức
Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXVII.
[4] Như trên.