Những
Văn Kiện Đời Tu (Tập 1) – Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội
(catechesis.net)
October 26, 2018
PHẦN I: CÔNG ĐỒNG VA-TI-CA-NÔ II
HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ GIÁO HỘI
(Lumen gentium, 21-10-1964)
Sau khi
đã trình bày mầu nhiệm và cơ chế phẩm trật của Giáo Hội trong bốn chương đầu,
sang đến chương Năm, Công Đồng bàn đến ơn gọi nên thánh của hết mọi Ki-tô hữu.
Tất cả các tín hữu đều được gọi nên thánh, mỗi người tuỳ theo địa vị, bậc sống
của mình (số 41). Việc nên thánh bao hàm sự thực hành đức ái, và cách riêng là
thi hành các lời khuyên Phúc Âm dưới một hình thức nào đó (số 42).
Chính
trong bối cảnh đó mà Công Đồng bàn về các tu sĩ trong chương Sáu. Các tu sĩ
không thuộc về cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội song gắn liền với sự thánh hiến
của Giáo Hội.
Tuy tựa
đề của chương Sáu là “Các
tu sĩ” (De Religiosis),
nhưng cần phải hiểu danh từ này theo một nghĩa thần học hơn là pháp lý, bao gồm
tất cả những ai tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm với lời khấn hay “dây ràng buộc thánh khác”
(per vota aut alia sacra
ligamina: số 44). Bố cục của chương Sáu như sau:
– Số
43. Hàng ngũ những người tuyên giữ ba lời khuyên Phúc Âm trong Giáo Hội.
– Số
44. Bản chất thần học của đời tu trì: dâng mình cho Thiên Chúa để phụng sự
Người và đồng thời phục vụ sứ mạng của Giáo Hội. Vai trò “dấu chỉ và chứng tá” của
đời tu trong Giáo Hội: họ nhắc nhở chiều kích cánh chung, họ làm sống lại lối
sống tại thế của Đức Ki-tô, họ nêu cao giá trị siêu việt của Nước Thiên Chúa,
họ bày tỏ quyền năng của Thánh Thần tác động trong Giáo Hội.
– Số
45. Mối liên hệ giữa hàng giáo phẩm và hàng ngũ tu trì. Giáo Hội nhìn nhận và
phê chuẩn các bản Lề Luật của các Dòng. Giáo Hội đứng ra nhận lời khấn của các
tu sĩ và dâng hiến họ cho Thiên Chúa.
– Số
46. Giá trị cao quý của bậc tu trì. Họ kéo dài sự hiện diện của Đức Ki-tô giữa
lòng nhân loại ; họ thăng tiến các giá trị nhân bản và góp tay vào việc kiến
thiết một xã hội nhân đạo hơn.
– Số
47. Khuyến khích các tu sĩ hãy bền đỗ trong ơn gọi.
Chương
V:
Mọi
người đều được ơn gọi nên thánh trong Giáo Hội
Số 39
đã giới thiệu chủ đề đời tu rồi. Ở phần cuối lại nêu lên con đường ưu việt để
tiến đến sự thánh thiện Ki-tô giáo, đó là thực hành “các lời khuyên Phúc Âm”,
“với tư cách cá nhân hoặc trong những lối sống hay bậc sống đã được Giáo Hội
công nhận”. Số 42 trình bày chi tiết cái nhìn trên, bằng cách lần lượt làm nổi
bật “những đường lối hoặc phương thế” đặc biệt để hướng tới sự thánh thiện:
chứng tá tử đạo, trinh khiết hoặc độc thân tự nguyện hoặc “tuân phục người khác
vì Thiên Chúa”, “các lời khuyên” được nhìn từ bên trong cũng như bên ngoài của
bậc sống chính thức được công nhận.
(Sự
thánh thiện của Giáo Hội. Các phần tử của Giáo Hội đều được mời gọi nên thánh).
Chúng
tôi tin Giáo Hội, một mầu nhiệm được Thánh Công Đồng trình bày, là thánh thiện
cách bất khả khuyết. Thực vậy, Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, cùng với Chúa Cha và
Chúa Thánh Thần, được ca tụng là “Đấng
thánh duy nhất” (11),
đã yêu thương Giáo Hội như hiền thê mình và đã hiến thân để thánh hoá Giáo Hội
(x. Ep 5,25-26). Người kết hợp với Giáo Hội như thân thể Người và ban cho dư
đầy ơn Thánh Thần để làm vinh danh Thiên Chúa. Vì thế, tất cả mọi người trong
Giáo Hội – hoặc thuộc hàng giáo phẩm hoặc được hàng giáo phẩm dìu dắt – đều
được kêu gọi nên thánh, như lời thánh Tông Đồ dạy: “Ý muốn của Thiên Chúa là
anh em nên thánh” (1 Tx 4,3 ; x. Ep 1,4). Sự thánh thiện này của Giáo Hội luôn
được biểu lộ và phải được biểu lộ qua những hoa trái ân sủng mà Thánh Thần đã
kết sinh nơi các tín hữu. Sự thánh thiện ấy được diễn tả dưới nhiều hình thức
nơi tất cả những ai đang cố đạt tới đức ái trọn hảo trong bậc sống của mình
trong khi xây dựng kẻ khác. Đặc biệt hơn, sự thánh thiện đó tỏ lộ trong việc
thực hành các lời khuyên, quen gọi là lời khuyên Phúc Âm. Nhờ Chúa Thánh Thần
thúc đẩy, nhiều Ki-tô hữu thực hành các lời khuyên ấy với tư cách cá nhân hoặc
trong những lối sống hay bậc sống đã được Giáo Hội công nhận ; việc thực hành
đó mang lại và phải mang lại cho thế giới bằng chứng và một mẫu gương rạng ngời
về sự thánh thiện của Giáo Hội.
(Mọi
người được kêu gọi nên thánh).
(Nhiều
hình thức thực hành sự thánh thiện duy nhất: giáo sĩ, hôn nhân, những người
chịu vất vả và khổ đau).
(Đường
lối và phương tiện nên thánh: chứng tá tử đạo, trinh khiết, các lời khuyên).
(a. Lòng mến, hồng ân Thiên Chúa ban, cần
được tăng trưởng). “Thiên
Chúa là tình yêu, ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa, và Thiên
Chúa sống trong người ấy” (1 Ga 4,16). Thiên Chúa đã đổ tràn đức ái Người trong
tâm hồn chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần Người đã ban cho chúng ta (x. Rm 5,5) ;
cho nên ơn huệ thứ nhất và cần thiết nhất là đức ái. Đức ái làm cho chúng ta
yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân vì Người. Nhưng để đức
ái, tựa hạt giống tốt, lớn lên trong tâm hồn và sinh hoa trái, mỗi tín hữu phải
sẵn lòng lắng nghe lời Chúa và, với ơn Người, thực hành thánh ý Người ; phải
năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, năng tham dự các nghi lễ
phụng vụ, chuyên cần luyện tập các nhân đức. Thực vậy, đức ái là mối dây liên
kết của sự trọn lành, là sự viên mãn của lề luật (x. Cl 3,14 ; Rm 13,10), nên
đức ái chi phối mọi phương tiện nên thánh, làm cho chúng hình thành và đạt được
cùng đích (12).
Vì thế, đức ái đối với Thiên Chúa và tha nhân là dấu chỉ người môn đệ chân
chính của Chúa Ki-tô.
(b. Chứng tá tử đạo). Chúa
Giê-su, Con Thiên Chúa, đã tỏ tình yêu của Người bằng cách hy sinh mạng sống vì
chúng ta, nên không ai có tình yêu nào cao cả hơn người hy sinh mạng sống vì
Chúa và vì anh em (x. 1 Ga 3,16 ; Ga 15,13). Một số Ki-tô hữu ngay từ thời sơ khai
đã được gọi và sẽ còn được gọi mãi để làm chứng tình yêu ấy cách hùng hồn trước
mặt mọi người, nhất là trước mặt những kẻ bách hại mình. Qua việc tử đạo, người
môn đệ đồng hoá với Thầy mình, Đấng đã tình nguyện chấp nhận cái chết để cứu độ
thế giới và người môn đệ nên giống Người trong việc đổ máu; Giáo Hội coi việc
tử đạo đó như một ân huệ lớn lao và một bằng chứng cao cả về đức ái. Mặc dầu
chỉ một số ít được phúc tử đạo, nhưng tất cả mọi người phải sẵn sàng tuyên xưng
Chúa Ki-tô trước mặt mọi người và bước theo Người trên con đường thập giá giữa
những cuộc bách hại không hề thiếu vắng trong Giáo Hội.
(c. Trinh khiết). Sự thánh
thiện của Giáo Hội cũng được đặc biệt khích lệ bởi nhiều lời khuyên Chúa đã đề
ra trong Phúc Âm cho môn đệ noi theo (13).
Trong những lời khuyên ấy, nổi bật (eminet)
ân huệ cao quý được Chúa Cha ban cho một số người (x. Mt 19,11 ; 1 Cr 7,7) để
họ hiến trọn tình yêu không chia sẻ cho một mình Chúa cách dễ dàng hơn, trong
bậc đồng trinh hay độc thân (x. 1 Cr 7,32-34) (14).
Sự tiết dục hoàn toàn vì Nước Trời luôn được Giáo Hội đặc biệt quý trọng và coi
như dấu chỉ và động lực của đức ái, và như nguồn mạch đặc biệt sinh nhiều ơn
ích thiêng liêng trong thế giới.
(d. Thanh bần và tuân phục tự nguyện).
Giáo Hội cũng nhớ lời khuyên nhủ của thánh Tông Đồ thúc giục các tín hữu sống bác
ái và khuyên họ phải có tâm tình như Chúa Giê-su Ki-tô, “Đấng đã tự huỷ mình, nhận
lấy thân phận tôi tớ…, và vâng lời cho đến chết” (Pl 2,7-8), và vì chúng
ta, “Người
đã trở nên nghèo nàn, tuy Người vốn giàu sang” (2 Cr 8,9). Việc noi theo và làm
chứng đức ái cùng sự khiêm nhượng của Chúa Ki-tô cần được các môn đệ thực hiện
không ngừng. Thế nên Giáo Hội Mẹ vui mừng khi thấy trong lòng mình có nhiều con
cái nam nữ muốn theo sát gương Đấng Cứu Thế và biểu lộ rõ ràng hơn sự tự huỷ
của Người khi họ biết chấp nhận nghèo khó trong sự tự do của con cái Thiên Chúa
và từ bỏ ý riêng: vì Chúa, họ tự nguyện phục tùng một con người, hơn cả mức đòi
buộc của giới luật, trong những gì liên hệ tới sự trọn lành hầu nên giống Chúa
Ki-tô vâng lời cách hoàn toàn hơn (15).
(đ. Đòi hỏi của Tin Mừng đối với mọi người).
Vì thế, mọi Ki-tô hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh và nên trọn
lành theo bậc sống mình. Bởi vậy, tất cả hãy lưu ý điều khiển tâm tình mình cho
đúng đắn đừng để việc sử dụng của cải trần gian và lòng quyền luyến sự giàu
sang nghịch với tinh thần khó nghèo của Phúc Âm cản trở họ theo đuổi đức ái
trọn hảo, vì thánh Tông Đồ đã cảnh giác: ai sử dụng thế gian này, xin chớ dừng
lại đó, vì cục diện đời này sẽ qua đi (x. 1 Cr 7,31 ; bản Hy-lạp) (16).
Chương
VI: Các tu sĩ (số 43-47)
(Việc
tuyên giữ những lời khuyên Phúc Âm trong một bậc sống được Giáo Hội nhìn nhận)
(a. Một đoàn sủng được định chế hoá).
Những lời khuyên Phúc Âm về đức khiết tịnh tận hiến cho Thiên Chúa, về đức
nghèo khó và vâng lời, đều đặt nền tảng trên lời nói cùng gương lành của Chúa,
đã được các Tông Đồ và các giáo phụ, các tiến sĩ và các chủ chăn Giáo Hội
khuyên giữ. Các lời khuyên ấy là ân huệ thần linh mà Giáo Hội đã nhận lãnh bởi
Chúa mình và trung thành gìn giữ nhờ ơn Người. Theo sự hướng dẫn của Thánh
Thần, hướng dẫn cách thực hành, cùng thiết lập những lối sống cố định dựa trên
những lời khuyên ấy. Do đó, tựa như một cây đâm chồi nảy lộc um tùm và kỳ diệu
từ hạt giống Chúa gieo vãi trong cánh đồng của Người, thì cũng có nhiều lối
sống khác nhau, đơn độc hay cộng đồng, và dòng tu khác nhau mà phần sản nghiệp
dồi dào đem lại lợi ích cho các chi thể của Dòng cũng như cho toàn Thân Thể
Chúa Ki-tô (1).
Thực vậy, các Dòng ấy mang lại cho các chi thể những trợ lực bền bỉ trong một
đời sống vững vàng hơn, một học thuyết vững chắc giúp đạt đến trọn lành, một
mối hiệp thông huynh đệ trong đạo binh Chúa Ki-tô và một sự tự do được đức vâng
lời củng cố ; thế nên, họ có thể an tâm chu toàn và trung thành gìn giữ lời
khấn cùng hoan hỷ tiến bước trên đường đức ái (2).
(b. Đoàn sủng mở cho cả giáo sĩ lẫn giáo
dân). Xét theo thể chế của Giáo Hội do Chúa thiết lập và có phẩm
trật, bậc sống tu trì không ở giữa bậc giáo sĩ và giáo dân ; thực vậy, Thiên
Chúa kêu gọi một số tín hữu ở cả hai bậc giáo sĩ và giáo dân đến hưởng lấy ân
huệ đặc biệt trong đời sống Giáo Hội, và mỗi người một cách góp phần vào sứ
mệnh cứu độ của Giáo Hội (3).
(Bản
tính và tầm quan trọng của bậc tu trì)
(a. Bản chất thần học: tận hiến cho Thiên
Chúa, được Thiên Chúa thánh hiến). Người tín hữu tự buộc mình tuân
giữ ba lời khuyên Phúc Âm qua lời khấn hay qua những ràng buộc thánh khác tương
tự như lời khấn dòng ; như thế là họ hiến thân hoàn toàn (mancipatur) cho Thiên Chúa
chí ái để phụng sự và làm vinh danh Người với một danh hiệu mới mẻ và đặc biệt.
Nhờ phép Rửa Tội, họ đã chết cho tội lỗi và được cung hiến (sacratus) cho Thiên Chúa.
Nhưng để có thể thâu lượm dồi dào ơn ích của bí tích ấy, người Ki-tô hữu muốn
nhờ việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc Âm trong Giáo Hội, thoát ly khỏi những
ngăn trở có thể trì hoãn nhiệt tâm đức ái và tôn thờ Thiên Chúa cách hoàn hảo
và họ tận hiến (consecratur)
để phụng sự Thiên Chúa cách thân tình hơn (4).
Việc cung hiến đó càng trở nên hoàn hảo hơn khi việc Chúa Ki-tô hiệp nhất với
Giáo Hội, hiền thê của Người, bằng mối dây bất khả phân ly, càng được phản ánh
trong những mối dây ràng buộc chắc chắn và vững bền hơn.
(b. Dâng hiến cho Giáo Hội và cho sứ mạng
của Giáo Hội). Bởi vì những lời khuyên Phúc Âm đưa đến đức ái (5),
và nhờ đức ái, chúng kết hợp các tu sĩ cách đặc biệt với Giáo Hội và với mầu
nhiệm Giáo Hội, thế nên đời sống thiêng liêng của họ cũng phải mưu cầu lợi ích
cho toàn thể Giáo Hội. Do đó, mỗi người tuỳ sức và ơn gọi của mình, bằng kinh
nguyện hay bằng hành động tích cực, có bổn phận làm cho Nước Chúa Ki-tô ăn rễ
sâu và bành trướng trên khắp vũ trụ. Cũng vì lý do ấy Giáo Hội duy trì và nâng
đỡ đặc tính riêng biệt của các tu hội.
(c. Giá trị tứ diện của dấu chỉ và chứng
tá). Việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm thực là một dấu chỉ có
thể và phải lôi cuốn hữu hiệu tất cả mọi chi thể của Giáo Hội đến việc can đảm
chu toàn ơn gọi làm Ki-tô hữu. Thực vậy, Dân Thiên Chúa không đặt thành trì
vĩnh viễn ở đời này nhưng đi tìm một thành trì mai sau, nên bậc tu trì giải
thoát người tu sĩ bớt đi những lo lắng trần tục, tỏ lộ cách hoàn hảo hơn cho
mọi tín hữu thấy của cải trên trời đã có ngay dưới trần gian này, và làm chứng
rằng ơn cứu chuộc của Chúa Ki-tô đã đem lại một đời sống mới và vĩnh cửu, đồng
thời tiên báo sự phục sinh tương lai và vinh quang của Nước Trời. Hơn nữa, bậc
sống tu trì bắt chước cách chính xác hơn và thực hiện liên tục trong Giáo Hội
nếp sống Con Thiên Chúa đã nhận khi Người xuống thể để thi hành thánh ý Chúa
Cha và cũng là nếp sống Người đã đề ra cho các môn đệ theo Người. Sau cùng bậc
sống ấy đặc biệt cho ta thấy Nước Thiên Chúa vượt trên mọi sự trần thế và những
đòi hỏi của nước ấy cao cả biết bao ; nó cũng cho mọi người thấy quyền lực cao
trọng tuyệt vời của Chúa Ki-tô Vua và quyền năng vô cùng của Chúa Thánh Thần
đang hoạt động cách kỳ diệu trong Giáo Hội.
(d. Nhu cầu sống còn đối với Giáo Hội).
Vì thế, bậc sống được thiết lập do việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm tuy
không liên quan đến cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội, nhưng dĩ nhiên gắn chặt với
đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội.
(Tương
quan giữa giáo phẩm và bậc tu trì).
(a. Thực hành các lời khuyên. Tu luật. Các
Hội Dòng). Vì trong Giáo Hội, giáo phẩm có nhiệm vụ chăn dắt và dẫn
đưa Dân Thiên Chúa đến những đồng cỏ phì nhiêu (x. Ed 34,14), nên có nhiệm vụ
dùng các luật lệ mà hướng dẫn cách khôn ngoan việc thực hành những lời khuyên
Phúc Âm, vì đó là phương thế đặc biệt để cổ võ đức ái trọn hảo đối với Thiên
Chúa và tha nhân (6).
Ngoan ngoãn vâng theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, giáo phẩm đón nhận những
luật dòng do những nam nữ sáng lập viên lỗi lạc đề nghị và chính thức phê chuẩn
sau khi tu chính. Rồi với quyền hành của mình, giáo phẩm luôn có mặt để săn sóc
và bảo trợ những dòng tu được thiết lập khắp nơi nhằm xây dựng Nhiệm Thể Chúa
Ki-tô để các dòng tu ấy phát triển và sinh hoa kết quả theo tinh thần các đấng
sáng lập.
(b. Sự miễn trừ. Sự tuân phục của các tu
sĩ đối với các giám mục). Đàng khác, để đáp ứng cách hữu hiệu hơn
nhu cầu của toàn thể đoàn chiên Chúa. Đức giáo hoàng, vì có quyền tối thượng
trong toàn thế Giáo Hội và để phục vụ lợi ích chung, có thể tách bất kỳ dòng tu
hay tu sĩ nào khỏi quyền tài thẩm của các đấng bản quyền và chỉ đặt dưới quyền
duy nhất của người (7).
Cũng thế, có thể có những dòng tu và những tu sĩ được để lại hoặc giao phó cho
thẩm quyền riêng của các thượng phụ. Khi chu toàn phận vụ đối với Giáo Hội qua
cách sống đặc biệt của mình, các tu sĩ phải kính trọng và vâng lời các Giám mục
theo giáo luật vì phải tôn trọng quyền mục vụ của các ngài trong Giáo Hội địa
phương và vì cần phải có sự đồng tâm nhất trí trong việc tông đồ (8).
(c. Giáo Hội can thiệp qua phụng vụ).
Giáo Hội không chỉ phê chuẩn việc khấn dòng để đưa đời tu lên địa vị bậc sống
theo giáo luật, nhưng qua việc cử hành phụng vụ, Giáo Hội còn trình bày việc
khấn dòng ấy như một bậc sống tận hiến cho Thiên Chúa. Với quyền hành Chúa ban,
chính Giáo Hội nhận lời tuyên khấn của các tu sĩ ; qua lời kinh công cộng, Giáo
Hội xin Chúa ban ân sủng và trợ giúp họ, phó thác họ cho Thiên Chúa, chúc lành
thiêng liêng cho họ và kết hợp sự dâng hiến của họ vào hy lễ tạ ơn.
(Cần
phải trân trọng việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm).
(a. Các tu sĩ nối dài mầu nhiệm Chúa Ki-tô).
Các tu sĩ phải đem hết tâm lực làm cho Giáo Hội, qua con người của họ, thực sự
biểu dương Chúa Ki-tô ngày một hoàn hảo hơn cho các tín hữu cũng như các lương
dân: biểu dương Chúa Ki-tô đang cầu nguyện trên núi, hoặc đang loan báo Nước
Thiên Chúa cho dân chúng, hoặc chữa lành những kẻ đau yếu tàn tật, hay hoán cải
các tội nhân trở lại đời sống phong phú, hoặc đang chúc phúc cho trẻ em, ban ơn
lành cho mọi người, và trong mọi sự luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha, Đấng đã
sai Người đến (9).
(b. Phục vụ con người và thế giới).
Sau cùng, mọi tu sĩ nên biết rằng việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, tuy bao
gồm việc khước từ những của cải mà dĩ nhiên phải được quý trọng, nhưng sẽ không
làm ngăn trở việc phát triển đích thực nhân vị, trái lại do bản chất của nó còn
có lợi cho con người. Thực vậy, các lời khuyên Phúc Âm, đã được các tu sĩ tình
nguyện chấp nhận theo ơn gọi riêng của mình, góp phần không ít vào việc thanh
luyện tâm hồn và phát huy tự do thiêng liêng, và không ngừng khích lệ sống bác
ái nhiệt thành, nhất là có sức làm cho người Ki-tô hữu ngày càng nên giống đời
sống trinh khiết và khó nghèo mà Chúa Ki-tô đã chọn và Đức Trinh Nữ Mẹ Người đã
sống, như gương lành của bao đấng sáng lập dòng chứng tỏ. Không ai được nghĩ
rằng, vì tận hiến như thế, các tu sĩ trở nên xa lạ với mọi người và vô dụng đối
với xã hội trần thế. Vì dù đôi khi không trực tiếp phụ giúp người đồng thời với
mình nhưng tu sĩ lại hiện diện cùng họ cách sâu xa hơn trong lòng Chúa Ki-tô và
cộng tác một cách thiêng liêng với họ, để việc xây dựng xã hội trần thế luôn
đặt nền móng nơi Chúa và luôn hướng về Người, ngõ hầu những người xây dựng xã
hội trần thế sẽ không luống công (10).
(c. Khen ngợi các tu sĩ về công lao đóng
góp tốt đẹp). Vì thế, Thánh Công Đồng công nhận và khen ngợi nam nữ
tu sĩ sống trong tu viện, trường học, bệnh viện hoặc trong các xứ truyền giáo,
đang trang điểm Hiền Thê Chúa Ki-tô bằng tấm lòng khiêm tốn và kiên trung trong
sự tận hiến và quảng đại phục vụ mọi người dưới muôn vàn hình thức.
(Khuyên
nhủ kiên trì)
Mỗi
người đã được gọi tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm, hãy chuyên tâm sống bền đỗ
trong ơn thiên triệu Chúa đã gọi mình và hãy mãi mãi tiến bộ, để Giáo Hội được
thánh thiện hơn và Thiên Chúa Ba Ngôi duy nhất và bất phân được vinh hiển hơn ;
trong và nhờ Đức Ki-tô, Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch và nguyên uỷ cho mọi sự
thánh thiện.
(11) Sách
Lễ Rô-ma, Kinh Vinh
Danh, x. Lc 1,35 ; Mc 1,24 ; Lc 4,34 ; Ga 6,69 ; Cv 3,14 ; 4,27.30
; Hr 7,26 ; 1 Ga 2,20 ; Kh 3,7.
(12) Xem
thánh Âu-tinh, Enchir.
121,32: PL 40,288. – Th. Tô-ma, Summa
Theol. II-II, q.184 a.1. – Pi-ô XII, Huấn từ Menti
nostrae, 23-9-1950.
(13) Về
các lời khuyên nói chung, xem Ô-ri-giê-nê, Comm.Rom. x.14: PG 14,1275B. – Thánh Âu-tinh, De S.
Virginitate, 15,15: PL 40,403. – Thánh Tô-ma, Summa Theol., I-II, q.100,
a.2,c đoạn cuối ; II-II, q.44, a.4,3.
(14) Về
sự cao vời của đức khiết tịnh thánh hiến, xem Tê-tu-li-a-nô, Exhort. Cast. 10:
PL 2,925c. – Thánh Sýp-ri-a-nô. Hab.Virg. 3
và 22: PL 4,443. 13 và 461 St. – Thánh A-ta-na-xi-ô (?), De Virg.: PG 28,252tt. –
Thánh Gio-an Kim Khẩu, De
Virg.: PG 48,533 tt.
(15) Về
sự khó nghèo, x. Mt 5,3 và 19,21 ; Mc 10,21 ; Lc 18,22 ; gương vâng phục của
Chúa Ki-tô trong Ga 4,34 và 6,38 ; Pl 2,8-10 ; Dt 10,5-7. Các Giáo Phụ và các
vị sáng lập Dòng thường đề cập rất nhiều đến các nhân đức này.
(16) Về
việc thực hành công hiệu những lời khuyên mà không bắt buộc tất cả mọi người,
xem thánh Gio-an Kim Khẩu, In
Mt, bài giảng 7,7: PG 57,8tt – Thánh Am-rô-xi-ô, De Viduis, 4,23: PL
16,24tt.
(1) X.
Rosweyđô, Vitae Patrum,
Antwerpire, 1628. – Apophtegmata
Patrum: PG 55. – Pallađiô, Hist.
Lausiaca: PG 34, 995tt. – Đức Pi-ô VI, Tông hiến Imbratilem, 8-7-1924. –
Đức Pi-ô XII, diễn vãn Nous
sommes heureux, 11-4-1958.
(2) X.
Đức Phao-lo VI, diễn văn Magno
gaudio, 23-5-1964.
(3) X.
GL đ. 487 và 488,4. – Đức Pi-ô XII, diễn văn Annus sacer, 8-12-1950. – Đức Pi-ô XII, Tông
hiến Provida Mater,
2-2-1947.
(4) X.
Đức Phao-lô VI, xem diễn từ nói ở chú thích (2).
(5) X.
Th. Tô-ma, Summa Theol.,
II-II q.184, a.3 và q.188, a.2. – Th. Bonaventura, Opusc. XI. Apologia Pauperum, ch.
3,3.
(6) X.
Vaticanô I, lược đồ De
Ecclesia Christi, ch. XV và chú giải 48: Mansi 51, 549 tt và 619
tt. – Đức Lê-ô XIII, thư Au
milieu des consolations, 23-12-1990. – Đức Pi-ô XII, Tông
hiến Provida Mater như
trên.
(7) X.
Đức Lê-ô XIII, Hiến chế Romanos
Pontifices, 8-5-1881. – Đức Pi-ô XII, diễn văn Annus sacer, 8-12-1950.
(8) X.
Đức Pi-ô XII, như trên ; Đức Pi-ô XII, Tông hiến Sedes Sapientiae,
31-4-1956. – Đức Phao-lô VI, diễn văn Magno
gaudio, 3-5-1964.
(9) X.
Đức Pi-ô XII, Thông điệp Mystici
Corporis, 29-6-1943.
(10) X.
Đức Pi-ô XII, diễn văn Annus
sacer, như trên ; diễn văn Sous
la maternelle protection, 9-12-1957.