Văn Kiện Đời Tu (Tập 1) – Ad Omnes Personas Consecratas

(catechesis.net)

TÔNG THƯ

GỬI TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI TẬN HIẾN

THUỘC CÁC DÒNG TU VÀ TU HỘI ĐỜI

NHÂN DỊP NĂM THÁNH MẪU

(ad omnes personas consecratas, 22-05-1988)

Bức thư này là một bài suy niệm chứ không phải là một văn kiện đạo lý. Nhân dịp năm Thánh Mẫu (25-3-1987), Đức Gio-an Phao-lô II đã viết thông điệp “Redemptoris Mater” (Thân Mẫu Chúa Cứu Chuộc), trong đó Đức Ma-ri-a được giới thiệu cách đặc biệt như là người đi tiên phong trong cuộc lữ hành đức tin và trở thành mẫu gương cho hết mọi thành phần của Giáo Hội. Vào lúc sắp kết thúc năm Thánh Mẫu, Đức thánh cha gửi một bức thư dành riêng cho các người tận hiến, trong đó người mời gọi họ hãy nhìn lên Đức Ma-ri-a như mẫu gương của việc đáp lại tiếng Chúa gọi tham gia vào sứ mạng cứu độ của Chúa Ki-tô.

Bài suy niệm xoay quanh ba điểm căn bản : Cùng với Mẹ Ma-ri–a chúng ta hãy suy niệm mầu nhiệm của:

– 1. ơn gọi ;

– 2. việc thánh hiến ;

– 3. hoạt động tông đồ”.

Ba điểm đó được liên kết với ba mầu nhiệm :

– 1. Truyền tin,

– 2. Vượt qua,

– 3. Hiện xuống.

Nói đúng ra, phần lớn bức thư lặp lại tư tưởng tông huấn Hồng ân cứu chuộc”, nhấn mạnh đến việc thông dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Đức Ki-tô qua việc giấu ẩn” với Người (Cl 3,3). Về vai trò của Đức Ma-ri-a đối với đời tận hiến, thiết tưởng thông điệp Thân Mẫu Chúa Cứu Chuộc” nói rộng hơn ! Ngoài ra, cũng nhân dịp năm Thánh Mẫu, Đức Gio-an Phao-lô II còn viết tông thư Phẩm giá người phụ nữ” (Mulieris dignitatem), trong đó mối tương quan giữa Đức Ma-ri-a với các nữ tu được nhắc tới ở số 46.

————————————-

Cuộc đời của anh chị em

đã được giấu ẩn với Đức Ki-tô trong Thiên Chúa (Cl 3,3).

Anh chị em thân mến trong Đức Ki-tô !

I. NHẬP ĐỀ

Thông điệp Thân Mẫu Chúa Cứu Chuộc” đã giải thích ý nghĩa của năm Thánh Mẫu mà chúng ta đang sống cùng với toàn thể Giáo Hội, từ lễ Hiện Xuống năm ngoái cho đến lễ Mông Triệu sắp tới. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta đã cố gắng theo dõi giáo huấn của Công Đồng Va-ti-ca-nô II giới thiệu Đức Thiên Mẫu, trong hiến chế tín lý về Giáo Hội, như là kẻ dẫn đầu” toàn thể Dân Thiên Chúa trong cuộc lữ hành đức tin, đức mến và sự kết hợp hoàn toàn với Đức Ki-tô (x. GH 58, 63). Nhờ thế, toàn thể Giáo Hội nhìn thấy nơi Đức Ma-ri-a “hình ảnh” trọn hảo của mình. Điều mà Công Đồng, dựa theo truyền thống các giáo phụ, đã khẳng định cho toàn thể Giáo Hội như là cộng đoàn phổ quát của Dân Thiên Chúa, cần phải được những phần tử của cộng đoàn ấy suy niệm qua việc đối chiếu với ơn gọi riêng của mình.

Anh chị em thân mến, trong năm Thánh Mẫu này, chắc chắn nhiều người trong anh chị em đã cố gắng đổi mới ý thức về mối liên hệ giữa Đức Thiên Mẫu với ơn gọi riêng của mình trong Giáo Hội. Bức thư mà tôi gửi đến anh chị em nhân dịp năm Thánh Mẫu muốn cống hiến những bài suy niệm chung quanh đề tài này, cùng với những tài liệu mà Bộ Dòng Tu và Tu Hội Đời đã soạn (*). Đồng thời khi viết bức thư này, tôi muốn bày tỏ tấm lòng ưu ái của Giáo Hội dành cho anh chị em, ơn gọi của anh chị em và sứ mạng mà anh chị em đang thực hiện giữa lòng Dân Thiên Chúa, ở nhiều nơi và bằng nhiều cách. Tất cả những điều đó là một hồng ân trọng đại Chúa ban cho Giáo Hội. Và bởi vì Đức Thiên Mẫu, do phận được trao trong mầu nhiệm Chúa Ki-tô, luôn luôn hiện diện trong đời sống của Giáo Hội, cho nên ơn gọi và việc phục vụ của anh chị em ra như là phản ánh sự hiện diện của Mẹ. Vì thế, cần phải tự hỏi xem mối liên hệ như thế nào giữa hình ảnh” nói trên với những người tận hiến trong các dòng, hội dòng, tu hội đang cố gắng sống cuộc dâng hiến mình cho Đức Ki-tô.

II. CÙNG VỚI ĐỨC MA-RI-A,

CHÚNG TA HÃY SUY NIỆM

MẦU NHIỆM VỀ ƠN GỌI CỦA MÌNH

Vào dịp thăm viếng bà Ê-li-sa-bét, người chị họ của Đức Ma-ri-a đã khen ngợi người có phúc vì đã tin : “Hạnh phúc thay người tin rằng những lời của Chúa sẽ hoàn tất” (Lc 1,45). Những lời Chúa nói với Đức Ma-ri-a trong buổi Truyền Tin quả là khác thường. Khi chăm chú đọc bản văn của thánh Lu-ca, ta thấy những dòng đó chứa đựng chân lý về Thiên Chúa, rất hoà hợp với Tin Mừng và với Tân Ước. Trinh nữ Na-da-rét được dẫn vào mầu nhiệm khôn dò về chính Thiên Chúa hằng sống : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong bối cảnh đó, trinh nữ nhận được ơn gọi làm mẹ của Đấng Mê-si-a, và người đáp lại ơn gọi đó bằng lời vâng phục : Xin hãy xảy đến nơi tôi điều mà ngài đã nói” (Lc 1,38).

Khi suy niệm biến cố Truyền Tin, chúng ta cũng nghĩ tới ơn gọi của mình. Tiếng gọi của Chúa đánh dấu một khúc quặt trong mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa hằng sống. Một viễn tượng mới đã được mở ra trước mặt mỗi người, và cuộc sống Ki-tô hữu của anh chị em có một ý nghĩa mới và một chiều kích mới. Điều này có ảnh hưởng tác động đến tương lai, đến cuộc đời mà con người sẽ sống, đến sự lựa chọn và quyết định chín chắn của mình.

Ơn gọi luôn liên can trực tiếp đến một con người nào đó. Thế nhưng, cũng như đã xảy ra tại Na-da-rét trong ngày Truyền Tin, nó đồng thời cũng mang ý nghĩa của một sự vén màn” mầu nhiệm Thiên Chúa. Ơn gọi, -trước khi trở thành một sự kiện nội tại của con người, trước khi mang hình thù của sự lựa chọn và quyết định của con người-, đã gợi lên một sự lựa chọn về phía Thiên Chúa, đi trước sự lựa chọn và quyết định về phía con người. Đức Ki-tô đã nói cho các tông đồ điều đó trong bài từ biệt : Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16).

Sự lựa chọn đó thúc giục chúng ta – theo gương Đức Trinh Nữ Na-da-rét trong buổi Truyền Tin – tìm gặp mình trong mầu nhiệm hằng cửu của Thiên Chúa là tình yêu. Thực vậy, khi Đức Ki-tô chọn ta, khi Người gọi hãy theo tôi”, thì chính Thiên Chúa, thân phụ của Đức Ki-tô, đã chọn ta trong Người, theo như ta đọc thấy trong thư gửi các tín hữu Ê-phê-xô : Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ…, đã tiền định cho ta làm nghĩa tử… để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu”. Quả thế, Người cho ta biết thiên ý nhiệm mầu, tức là kế hoạch yêu thương mà Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô” (Ep 1,4-6.9).

Những lời trên đây có tầm phổ quát, nói lên việc Thiên Chúa từ muôn thuở đã chọn hết mọi người và mỗi người trong Đức Ki-tô, nói lên ơn gọi nên thánh là ơn gọi dành cho các nghĩa tử của Thiên Chúa. Đồng thời những lời ấy cũng cho phép chúng ta đào sâu mầu nhiệm của mọi ơn gọi, đặc biệt ơn gọi riêng của những người tận hiến. Như vậy, mỗi người trong anh chị em có thể nhận thức được thực tại thâm sâu và siêu việt mà mình đã cảm nghiệm, khi mình đi theo lời mời của Đức Ki-tô : Hãy theo tôi”. Lúc ấy những lời của thánh Phao-lô “Cuộc đời của anh chị em đã được giấu ẩn với Đức Ki-tô trong Thiên Chúa” (Cl 3,3) trở thành một sự thực gần gũi và trong sáng với ta. Ơn gọi của chúng ta được giấu ẩn trong mầu nhiệm vĩnh cửu của Thiên Chúa trước khi trở thành một sự kiện ở trong nội tâm ta, một tiếng xin vâng” của ta, một sự lựa chọn và quyết định của ta.

Cùng với Đức Ma-ri-a trong biến cố Truyền Tin tại Na-da-rét, chúng ta hãy suy niệm mầu nhiệm của ơn gọi, nó trở thành kỷ phần” của ta trong Đức Ki-tô và trong Giáo Hội.

III. CÙNG VỚI ĐỨC MA-RI-A,

CHÚNG TA HÃY SUY NIỆM

MẦU NHIỆM VỀ SỰ TẬN HIẾN CỦA MÌNH

Thánh Tông Đồ viết : “Anh chị em đã chết, và cuộc đời của anh chị em đã được giấu ẩn với Đức Ki-tô trong Thiên Chúa” (Cl 3,3). Từ mầu nhiệm Truyền Tin chúng ta hãy bước sang mầu nhiệm Vượt Qua. Những lời của thánh Phao-lô anh chị em đã chết” gồm tóm nội dung tư tưởng của thư gửi các tín hữu Rô-ma, khi thánh nhân trình bày ý nghĩa của bí tích tháp nhập chúng ta vào sự sống của Đức Ki-tô : Anh chị em không biết rằng khi được thanh tẩy trong Đức Ki-tô Giê-su thì chúng ta được thanh tẩy trong cái chết của Người hay sao ?” (Rm 6,3). Như vậy, lời trong thư Cô-lô-xê anh chị em đã chết” có nghĩa là “nhờ bí tích thánh tẩy, chúng ta (…) được an táng cùng với Người trong cái chết, ngõ hầu cũng như Đức Ki-tô đã phục sinh từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha thế nào, thì chúng ta cũng có thể sống cuộc đời mới như vậy” (Rm 6,4).

Thiên Chúa đã chọn chúng ta từ muôn thuở trong Thánh Tử rất yêu dấu của Người, Đấng Cứu Chuộc thế giới. Ơn gọi chúng ta làm nghĩa tử trùng hợp với chân lý hằng cửu về việc được giấu ẩn với Đức Ki-tô trong Thiên Chúa”. Ơn gọi này của các Ki-tô hữu được thực hiện dọc theo dòng thời gian nhờ bí tích thánh tẩy mai táng ta trong cái chết của Đức Ki-tô. Trong bí tích này, việc chúng ta được giấu ẩn với Đức Ki-tô trong Thiên Chúa” được khởi sự, và điều này được ghi khắc trong tiểu sử của từng người Ki-tô hữu. Được thông dự cách bí tích vào cái chết cứu độ của Đức Ki-tô, chúng ta cũng “được liên kết với Người trong sự phục sinh (x. Rm 6,5) ; chúng ta chia sẻ cuộc đời mới (x. Rm 6,4) tuyệt đối do Đức Ki-tô đã khai mào trong lịch sử nhân loại nhờ sự phục sinh của Người. Cuộc đời mới” trước tiên có nghĩa là sự giải thoát khỏi di truyền của tội lỗi, khỏi tròng nô lệ của tội lỗi (x. Rm 6,11).

Đồng thời – và trên hết – nó có nghĩa là “sự thánh hiến trong chân lý “ (x. Ga 17,17), nơi bộc lộ hoàn toàn viễn ảnh của việc kết hợp với Thiên Chúa, viễn ảnh của cuộc sống trong Đức Ki-tô. Và như vậy cuộc sống phàm nhân của ta được giấu ẩn với Đức Ki-tô trong Thiên Chúa” một cách bí tích và thiết thực. Tương ứng với bí tích là thực tại sống động của ơn thánh sủng, thấm nhiễm toàn thể cuộc đời chúng ta nhờ việc thông dự vào đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Những lời của thánh Phao-lô, cách riêng trong thư gửi tín hữu Rô-ma, cho thấy rằng cuộc đời mới”, được thông dự trước tiên nhờ bí tích thánh tẩy, gồm tóm khởi điểm của mọi thứ ơn gọi sẽ thôi thúc người Ki-tô hữu phải lựa chọn và quyết định trong suốt cuộc đời của mình. Thực vậy, trong hết mọi ơn gọi của người Ki-tô hữu đều phản chiếu một khía cạnh của việc thánh hiến trong chân lý”, mà Đức Ki-tô đã hoàn tất nhờ cái chết và phục sinh của Người và tóm lại trong mầu nhiệm Vượt Qua : “Vì họ mà con thánh hiến mình con, ngõ hầu chính họ cũng được thánh hiến trong chân lý” (Ga 17,19).

Tiếng gọi một người nào đó hãy thánh hiến trót đời mình được đặt trong mối liên hệ đặc biệt với việc Đức Ki-tô thánh hiến mình vì nhân loại. Nó phát sinh từ gốc rễ của bí tích thánh tẩy, gồm tóm sự thánh hiến tiên khởi và cơ bản của con người cho Thiên Chúa. Việc thánh hiến nhờ tuyên giữ ba lời khuyên Phúc Âm – bằng lời khấn hay lời hứa – là sự phát triển hữu cơ của việc thánh hiến khởi điểm nơi bí tích thánh tẩy. Việc tận hiến bao hàm một cuộc chọn lựa Thiên Chúa cách chín chắn cũng như một sự đáp trả tình thương của Đức Ki-tô. Khi trao phó bản thân cho Người hoàn toàn và không chia sẻ, chúng ta ước muốn đi theo Người”, dốc quyết tuân giữ khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục theo tinh thần của các lời khuyên Phúc Âm. Chúng ta ước muốn trở nên giống như Đức Ki-tô tối đa, hoà hợp cuộc đời chúng ta với tinh thần của các mối phúc trong bài giảng trên núi. Nhưng nhất là chúng ta ước muốn đạt tới đức ái, để cho nó thấm nhập vào hết mọi yếu tố của đời tận hiến và liên kết chúng ta thành một dây ràng buộc của sự trọn lành” (x. Cl 3,14 ; GH 44 ; DT 1.6 ; GL 573 §1 ; 607 §1 ; 701).

Tất cả những điều vừa nói đều được gói ghém trong tiếng chết đi” mà thánh Phao-lô đã dùng, cái chết bắt đầu từ bí tích thánh tẩy. Việc chết với Đức Ki-tô giúp ta thông dự vào sự phục sinh với Người, giống như hạt lúa mì gieo xuống đất chết đi” để sinh đời sống mới (x. Ga 12,24). Sự tận hiến qua các dây ràng buộc thánh xác định đời sống mới đó ; điều này chỉ có thể thực hiện được dựa trên việc giấu ẩn” tất cả những gì làm nên cuộc đời phàm nhân của chúng ta trong Đức Ki-tô : cuộc đời của chúng ta được giấu ẩn với Đức Ki-tô trong Thiên Chúa.

Nếu dưới con mắt người đời, việc tận hiến có thể ví được như là mất mạng sống mình”, thì đồng thời nó cũng là con đường thật thẳng để tìm lại mạng sống”. Thực vậy, Đức Ki-tô đã dạy : “Ai mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm lại được” (Mt 10,39). Dĩ nhiên những lời ấy biểu lộ tính cách triệt để của Phúc Âm, nhưng đồng thời không thể nào không nhận ra rằng chúng cũng nói tới con người, nói tới chiều kích nhân bản đặc thù của nó. Thực vậy, đối với con người dù nam hay nữ, thử hỏi có cái gì căn bản hơn là tìm được chính mình”, tìm được chính mình trong Đức Ki-tô, bởi vì Đức Ki-tô là tất cả sự sung mãn” (x. Cl 1,19 ; 2,9).

Những tư tưởng liên quan tới đề tài tận hiến con người qua việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc Âm giữ chúng ta ở lại liên lỉ trong lãnh vực của mầu nhiệm Vượt Qua. Cùng với Đức Ma-ri-a, chúng ta hãy tìm cách thông phần vào cái chết ấy, cái chết có sức mang lại đời sống mới” trong sự phục sinh. Cái chết trên thập giá quả thực là ô nhục, và là cái chết của chính Con mình ! Thế nhưng, chính ở đó, khi mà Đức Ma-ri-a đã đứng gần kề dưới chân thập giá không phải là ngoài chương trình của Thiên Chúa” (x. GH 58), phải chăng Mẹ đã chẳng hiểu ra cách mới mẻ những gì đã nghe được trong ngày Truyền Tin đó ư ? Chính ở đó, nhờ lưỡi gươm đâm thâu qua lòng bà” (x. Lc 2,35), nhờ việc tự huỷ mình trong đức tin” (x. TM 18), phải chăng Đức Ma-ri-a đã chẳng am tường hơn chân lý về chức làm mẹ của mình đó sao ? Chính ở đó, nhờ kinh nghiệm của Núi Sọ, phải chăng Người đã chẳng dứt khoát tự đồng hoá với chân lý là cần phải mất mạng sống mình” cách đau thương vì Đức Ki-tô và vì Phúc Âm hầu tìm lại mạng sống” đó sao ?

Chính trong việc tìm lại” chân lý về chức làm Mẹ Thiên Chúa, – được tỏ lộ từ lúc Truyền Tin, mà những lời của Đức Ki-tô nói từ trên thập giá được xen vào, tỏ cho thấy thiên chức làm Mẹ tông đồ Gio-an, Mẹ của con người : Này là con của bà” (x. Ga 19,26).

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy kiên trì trở về chiều sâu thẳm của mầu nhiệm Vượt Qua, bằng ơn gọi của chúng ta, bằng sự tận hiến của chúng ta. Chúng ta hãy đứng kề bên thập giá Đức Ki-tô, bên cạnh thân mẫu của Người. Chúng ta hãy học với Mẹ về ơn gọi của mình. Chính Đức Ki-tô đã chẳng nói rằng : Ai thi hành ý của Cha Thầy trên trời, thì Thầy coi kẻ ấy là anh chị em và là Mẹ” (Mt 12,50) đó sao ?

VI. CÙNG VỚI ĐỨC MA-RI-A,

CHÚNG TA HÃY SUY NIỆM

MẦU NHIỆM VỀ HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ

Những biến cố của lễ Vượt Qua dẫn chúng ta tới lễ Ngũ Tuần, ngày mà Thánh Thần chân lý” đến để dẫn đưa các Tông Đồ vào chân lý sung mãn (x. Ga 16,13) và, qua dòng lịch sử nhân loại, toàn thể Giáo Hội được xây trên nền tảng các Tông Đồ (x. GH 19).

Tại nhà tiệc ly chuẩn bị đón Thánh Thần, Đức Ma-ri-a mang “chức làm mẹ mới” đã trở thành kỷ phần” của mình dưới chân thập giá. Chức làm mẹ này cần phải tồn tại nơi Người, và đồng thời, từ Người như là hình ảnh” mà chuyển sang cho toàn thể Giáo Hội, được tỏ bày ra trước thế giới trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Tất cả những người hiện diện tại nhà Tiệc ly đều ý thức rằng, kể từ khi Đức Ki-tô trở về với Chúa Cha, cuộc đời của họ được giấu ẩn với Đức Ki-tô trong Thiên Chúa. Đức Ma-ri-a đã ý thức điều đó hơn ai hết.

Thiên Chúa đã đến thế gian, đã được Đức Ma-ri-a sinh hạ như là Con người”, ngõ hầu hoàn tất ý định hằng cửu của Chúa Cha, Đấng đã quá yêu thế gian” (x. Ga 3,16). Tuy nhiên, khi Ngôi Lời trở thành Đấng Em-ma-nu-en (Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta) thì Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng mặc khải rằng thế gian này “ở trong Thiên Chúa” (x. 1 Ga 3,24). Thực vậy, trong Người chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (x. Cv 17,28). Thiên Chúa đã ôm ấp mọi vật với quyền năng sáng tạo của Người, quyền năng đã được mặc khải nhờ Đức Ki-tô như là quyền năng tình thương. Cuộc nhập thể của Ngôi Lời, dấu hiệu khôn tả và bất diệt của việc Thiên Chúa ở trong” thế gian, đã mặc khải cho thấy tính cách siêu việt” của thế gian. Tất cả những điều ấy đã hoàn tất và kết thúc trong khung cảnh của mầu nhiệm Vượt Qua. Sự ra đi của Người Con, được sinh ra trước khi vũ trụ được tạo dựng” (x. Cl 1,15) đã gợi lên niềm trông mong Đấng có thể làm đầy mọi sự : quả vậy Thánh Thần Chúa tràn đầy vũ trụ” (x. Kn 1,7).

Những người cùng với Đức Ma-ri-a trong nhà Tiệc ly ở Giê-ru-sa-lem mong đợi lễ Hiện Xuống đều đã cảm nghiệm thời mới”. Dưới làn gió thổi của Thánh Thần chân lý, họ phải ra khỏi nhà Tiệc ly để hợp với Thánh Thần làm chứng cho Đức Ki-tô chịu thương khó và phục sinh (x. Ga 15,26-27). Vì thế họ phải tỏ bày Thiên Chúa, Đấng là tình yêu ôm ấp và thâm nhập thế gian ; họ phải thuyết phục mọi người rằng cùng với Đức Ki-tô, họ được kêu mời chết đi” trong quyền năng của cái chết của Người, để sống lại trong cuộc đời giấu ẩn với Đức Ki-tô trong Thiên Chúa.

Chính điều này làm nên cốt tuỷ sứ mạng tông đồ của Giáo Hội. Các tông đồ, những người đã ra khỏi nhà tiệc ly trong ngày lễ Hiện Xuống, đã trở thành nguyên uỷ của Giáo Hội, một Giáo Hội hoàn toàn tông đồ và được đặt trong tình trạng sứ vụ (= được sai đi). Trong Giáo Hội này mỗi người, ngay từ khi lãnh bí tích thánh tẩy và tiếp đó là bí tích thêm sức, đã lãnh nhận ơn gọi làm tông đồ, như Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã nhắc lại (x. TĐ 2).

Năm Thánh Mẫu đã được khai mạc vào lễ Hiện Xuống, ngõ hầu hết mọi người cùng với Đức Ma-ri-a cảm thấy được mời tiến vào nhà Tiệc ly, nơi khai mạc mọi nẻo đường tông đồ của Giáo Hội từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong số những kẻ được mời dĩ nhiên có cả anh chị em nữa, những người nhờ Thánh Thần tác động đã xây dựng trót cuộc đời và ơn gọi của mình trên nguyên lý của một sự tận hiến đặc biệt, một sự hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa. Lời mời tiến vào nhà Tiệc ly lễ Hiện Xuống có nghĩa là anh chị em phải canh tân và đào sâu ý thức về ơn gọi của mình dựa theo hai chiều hướng sau đây. Chiều hướng thứ nhất là củng cố việc tông đồ trong chính bản chất của sự tận hiến ; chiều hướng thứ hai là làm sống lại những công tác tông đồ đa dạng phát sinh từ sự tận hiến đó trong khuôn khổ của linh đạo và mục tiêu hoặc là của các cộng đoàn và hội dòng của anh chị em hoặc là của cá nhân mỗi người.

Anh chị em hãy tìm cách để gặp gỡ Đức Ma-ri-a trong nhà Tiệc ly lễ Hiện Xuống. Không có ai hơn Mẹ đã thấu triệt được chân lý về Thiên Chúa và về con người, về Thiên Chúa và về thế giới, được gói ghém trong những lời của thánh Phao-lô : Anh chị em đã chết, và cuộc đời của anh chị em đã được giấu ẩn với Đức Ki-tô trong Thiên Chúa”. Đó là những lời gồm tóm sự nghịch lý và đồng thời là cốt tuỷ của sứ điệp Phúc Âm. Anh chị em thân mến, những người đã tận hiến cho Thiên Chúa, anh chị em có những phẩm tính đặc biệt để có thể mang sự nghịch lý và sứ điệp Phúc Âm tới gần con người thời đại hôm nay. Anh chị em cũng có sứ mạng đặc biệt là nói cho hết mọi người – trong mầu nhiệm thập giá và phục sinh – rằng tất cả thế giới và toàn thể vũ trụ ở trong Thiên Chúa”, rằng chúng ta sống, cử động và hiện hữu” trong Người, rằng Thiên Chúa là tình thương ôm ấp hết mọi loài, rằng tình thương của Thiên Chúa đã được đổ xuống lòng ta nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban cho ta” (Rm 5,5).

Đức Ki-tô đã chọn anh chị em khỏi thế gian” và thế gian cần tới sự chọn lựa của anh chị em, cho dù lắm lần họ có vẻ thờ ơ với điều đó và không nhận ra tầm quan trọng của điều đó. Thế gian cần anh chị em được giấu ẩn với Đức Ki-tô trong Thiên Chúa”, cho dù đôi khi họ chỉ trích các hình thức nội cấm của đan tu. Thực vậy, chính nhờ sức mạnh của việc giấu ẩn” mà anh chị em có thể cùng với các Tông Đồ và toàn thể Giáo Hội nhận lấy cho mình sứ điệp lời nguyện tư tế của Chúa Cứu Thế : Lạy Cha, cũng như Cha đã sai con vào thế gian, đến lượt con cũng sai họ đi vào thế gian” (Ga 17,18). Anh chị em đã tham gia vào sứ vụ này, sứ vụ tông đồ của Giáo Hội (x. GL 574 §2). Anh chị em tham gia một cách riêng biệt, theo ân điển riêng” (x. 1 Cr 7,7). Mỗi một người trong anh chị em đều tham gia vào sứ vụ, và mức độ tham gia sâu đậm bao nhiêu là tuỳ theo cuộc sống của mình được giấu ẩn với Đức Ki-tô trong Thiên Chúa” tới mức nào. Chính đây là nguồn mạch cho hoạt động tông đồ của anh chị em.

Cái hình thức” cơ bản này của việc tông đồ không được thay đổi vội vàng, nghiêng chiều theo não trạng của thế gian (x. Rm 12,2). Tiếc thay anh chị em thường nghiệm thấy rằng thế gian yêu chuộng cái gì thuộc về nó” : Nếu các con thuộc về thế gian, hẳn thế gian đã yêu chuộng cái thuộc về mình” (Ga 15,19). Thực vậy, Đức Ki-tô đã chọn anh chị em khỏi thế gian, Người đã chọn anh chị em ngõ hầu thế gian nhờ Người mà được cứu độ” (x. Ga 3,17). Chính vì lý do đó mà anh chị em không thể nào khước từ việc giấu ẩn với Đức Ki-tô trong Thiên Chúa”, bởi vì đó là điều kiện không thể thay thế được để cho thế gian tin vào quyền năng cứu chuộc của Đức Ki-tô. Sự giấu ẩn”, phát sinh do việc tận hiến, biến mỗi người anh chị em thành con người đáng tin và trong sáng. Và điều đó không đóng cửa thế gian lại, trái lại nó mở cửa” thế gian đến với anh chị em. Thực vậy, như tôi đã viết trong tông huấn Hồng ân cứu chuộccác lời khuyên Phúc Âm tự bản chất nhắm tới việc đổi mới tạo vật : nhờ có chúng, thế giới sẽ quy phục và được hiến cho con người, ngõ hầu chính con người được tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa” (HA 9).

Việc tham gia vào công trình của Giáo Hội “được tăng triển sâu xa với Đức Ma-ri-a”, như là hoa trái đầu mùa của năm Thánh Mẫu, sẽ mang những hình thái và cách diễn tả khác biệt, tuỳ theo ơn gọi riêng của mỗi tu hội : các tu hội càng hoạt động trung thành với đặc sủng của mình bao nhiêu thì công trình vừa nói lại càng mang lại nhiều hoa trái bấy nhiêu. Bởi vậy :

1/ Các tu hội chuyên lo chiêm niệm”, chỉ bận tâm lo lắng cho một mình Thiên Chúa trong cô tịch và thinh lặng, liên lỉ cầu nguyện và hãm mình đền tội, luôn giữ một vị thế ưu việt trong Nhiệm Thể của Đức Ki-tô, cho dù nhu cầu hoạt động tông đồ có cấp bách mấy đi chăng nữa”, như Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã nhắc nhở (DT 7).

Thực vậy, khi nhìn lên Đức Ma-ri-a trong năm hồng ân đặc biệt này, Giáo Hội cảm thấy đặc biệt quan tâm và quý trọng truyền thống phong phú của đời chiêm niệm mà bao người nam nữ trung thành với đặc sủng này đã khai mở và nuôi dưỡng nhằm mưu ích cho cộng đoàn Giáo Hội và toàn thể xã hội. Đức Trinh Nữ Ma-ri-a chí thánh đã mang lại sự phong phú thiêng liêng dồi dào đến nỗi Người đã trở thành Mẹ của Giáo Hội và của loài người. Trong thinh lặng, trong việc chuyên chăm lắng nghe Lời Thiên Chúa và kết hợp mật thiết với Chúa Giê-su, người đã trở nên dụng cụ cứu độ bên Con mình là Đức Ki-tô Giê-su. Vì thế, tất cả các tâm hồn tận hiến sống đời chiêm niệm hãy phấn chấn lên, bởi vì Giáo Hội, và thế giới mà Giáo Hội rao giảng Tin Mừng, đã lãnh nhận không ít ánh sáng và nghị lực Chúa ban nhờ cuộc đời giấu ẩn và cầu nguyện của họ. Noi theo tấm gương người Nữ tì của Chúa, khiêm tốn, ẩn giấu và kết hợp liên lỉ với Thiên Chúa, họ hãy tăng trưởng trong lòng ái mộ ơn gọi của những tâm hồn chuyên lo chiêm niệm.

2/ Các tu sĩ chuyên về hoạt động tông đồ, truyền giáo hoặc các công tác bác ái từ thiện, tìm thấy nơi Đức Ma-ri-a một tấm gương mến Thiên Chúa và yêu con người. Khi trung kiên quảng đại dõi theo tấm gương ấy, họ sẽ tìm được giải đáp cho những đòi hỏi của nhân loại đang đau khổ vì thiếu xác tín, thiếu chân lý, thiếu cảm quan về Thiên Chúa ; hoặc những đòi hỏi của nhân loại đang lo âu vì bất công, kỳ thị, áp bức, chiến tranh, đói khát. Cùng với Đức Ma-ri-a, họ sẽ biết chia sẻ số phận của anh chị em mình và giúp đỡ Giáo Hội nhờ thái độ sẵn sàng phục vụ sự cứu thoát những con người mà Giáo Hội gặp trên đường đời.

3/ Những phần tử các tu hội đời, khi sống cuộc đời thường nhật giữa các thành phần xã hội khác nhau, tìm thấy nơi Đức Ma-ri-a một tấm gương và trợ lực để cống hiến cho những người mà họ chia sẻ điều kiện sinh sống ngoài đời, ý nghĩa của một cuộc đời hài hoà tốt đẹp, càng mở rộng đến Thiên Chúa bao nhiêu thì càng cao cả và vui tươi bấy nhiêu ; họ cống hiến chứng tá của một đời sống dùng việc lành để xây dựng những cộng đoàn xứng đáng hơn với con người ; họ cống hiến chứng tá là những thực tại thế trần được sống theo tinh thần Phúc Âm có thể mang lại sinh khí cho xã hội, biến đổi xã hội nên tự do và công bình hơn, giúp ích cho hết mọi con cái Thiên Chúa, Đấng là Chủ Tể của vũ trụ và là Đấng ban phát mọi ơn lành. Đó sẽ là bài ca mà con người có thể, cùng với Đức Ma-ri-a, cất lên để tán dương Thiên Chúa toàn năng và thương xót.

Với quyết tâm sống trọn vẹn sự tận hiến của mình, và nhìn lên tấm gương tuyệt vời của Thân Mẫu của Đức Giê-su và của Giáo Hội, người đã tận hiến vẹn toàn cho Chúa, chứng tá Phúc Âm của anh chị em sẽ tăng thêm hiệu năng, và do đó, mục vụ ơn gọi cũng sẽ được hưởng nhờ. Quả thực, hiện nay không ít tu hội đang thiếu ơn gọi và nhiều vùng trong Giáo Hội đang cảm thấy cần phải có thêm nhiều ơn gọi sống đời tận hiến. Năm Thánh Mẫu có thể đánh dấu một mùa làm sống dậy ơn gọi nhờ việc tín thác van nài Đức Ma-ri-a như người mẹ chăm lo những nhu cầu của gia đình, và nhờ sự tăng gia nơi hết mọi thành phần của Giáo Hội ý thức trách nhiệm cổ võ ơn gọi sống đời tận hiến.

V. KẾT LUẬN

Trong Năm Thánh Mẫu, hết mọi tín hữu được mời gọi hãy suy niệm về sự hiện diện của Đức Trinh Nữ và Thiên Mẫu trong mầu nhiệm của Đức Ki-tô và của Giáo Hội, dựa theo tư tưởng của Giáo Hội (x. GH 52-69). Bức thư này muốn khuyến khích anh chị em hãy suy niệm về sự hiện diện của Mẹ trong trái tim của mình, trong lịch sử của linh hồn mình, trong ơn gọi cá nhân và đồng thời trong các cộng đoàn dòng tu, hội dòng và tu hội đời.

Có thể nói được rằng Năm Thánh Mẫu đã trở thành thời kỳ của một cuộc “hành hương” đặc biệt theo bước của người đã dẫn đầu” toàn thể Dân Thiên Chúa trong cuộc lữ hành đức tin : Người đã đi trước hết tất cả mọi người và từng người một. Cuộc hành hương này mang nhiều chiều kích và lãnh vực : hàng quốc gia và thậm chí hàng đại lục tụ họp nhau tại các thánh điện kính Đức Ma-ri-a, đó là chưa kể đến việc từng người Ki-tô hữu có thánh điện nội tâm”, nơi mà Đức Ma-ri-a trở nên người hướng đạo trên đường đức tin, đức cậy và kết hiệp âu yếm với Đức Ki-tô (x. GH 63, 68).

Nhiều khi các dòng tu, hội dòng, tu hội, với những kinh nghiệm lắm khi cả hàng thế kỷ, cũng có những “thánh điện” của sự hiện diện của Đức Ma-ri-a, nơi gắn liền với linh đạo hoặc kể cả lịch sử hiện hữu và sứ vụ của Dòng trong Giáo Hội. Những nơi chốn” đó nhắc nhớ những mầu nhiệm riêng tư của Đức Ma-ri-a, các đức tính, các biến cố cuộc đời của Mẹ, các cảm nghiệm thiêng liêng hoặc việc tỏ lộ đặc sủng của vị lập dòng và rồi được chuyển thông cho cả cộng đoàn.

Trong năm nay anh chị em hãy cố gắng hiện diện tại các nơi chốn”, các thánh điện” vừa nói. Anh chị em hãy tìm ở nơi đó sức mạnh mới, những con đường dẫn tới việc canh tân đích thực đời tận hiến, canh tân những hướng đi và phương pháp làm việc tông đồ. Hãy tìm ở nơi đó bản sắc của mình giống như người quản gia, giống như người khôn ngoan biết rút ra những điều cũ mới từ kho tàng của mình” (x. Mt 13,52). Đúng thế, nhờ Mẹ Ma-ri-a, anh chị em hãy tìm sức sống thiêng liêng, hãy trẻ trung hoá với Mẹ. Hãy cầu nguyện cho các ơn thiên triệu. Sau cùng, hãy làm những gì Chúa dạy”, như Đức Trinh Nữ đã nhắc nhở ở Ca-na miền Ga-li-lê (x. Ga 2,5). Đó là điều mà Đức Ma-ri-a, hiền thê huyền nhiệm của Thánh Thần và Mẹ chúng ta, mong ước nơi anh chị em và vì anh chị em. Tôi mời anh chị em đáp lại lòng mong ước ấy bằng với một hành vi ký thác cộng đoàn : việc ký thác đó thực là đáp ứng lại tình thương của Mẹ” (TM 45).

Trong Năm Thánh Mẫu này tôi cũng hết lòng ký thác cho Mẹ từng người cũng như các cộng đoàn của anh chị em, và tôi chúc lành cho tất cả nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Rô-ma, cạnh đền thánh Phê-rô,

ngày 22 tháng 5 năm 1988,

lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống,

năm thứ mười tôi làm giáo hoàng.

Gio-an Phao-lô II

(*) Xem Các tu sĩ theo vết chân của Đức Ma-ri-a, Ed. Vaticana, 1987.

 


Tu Đức