DÒNG SÔNG THANH TẨY (1)
(Tâm tình sống Mùa Chay)
Mùa chay – Mùa Sám hối. Sám hối trước tiên là trở về với Chúa từ
trong sâu thẳm của lòng mình, vì Chúa chính là đại dương của tình yêu, để càng
ngụp lặn trong nguồn cội, ta lại càng đón nhận được sức sống tuôn trào. Như vậy,
cụ thể của việc sám hối là thanh tẩy tâm
hồn mình. Thanh tẩy không chỉ là rửa sạch những bợn nhơ của tâm hồn, nhưng
còn chính là “thay đổi lối sống”, đúng hơn là “thay đổi não trạng” (metanoia),
để cho tinh thần của chúng ta (nous) được “đảo ngược” (meta) nhờ Thần Khí của
Chúa. Những kiểu cách suy nghĩ theo “tinh thần thế gian” ít nhiều đã nằm vùng
trong đầu óc chúng ta, nên cần đảo ngược lại theo “tinh thần của Chúa”.
Tội lỗi đã làm đảo lộn mọi sự trong đời sống con người, đảo lộn
sự hoà hợp giữa tinh thần, linh hồn và
thân xác; đảo lộn bậc thang giá trị sống… Sự đảo ngược của Thần Khí Thiên
Chúa là thiết lập lại trật tự ban đầu của việc tạo dựng, làm nên sự hài hòa và
thống nhất toàn thể thân-tâm. Khi bản thân còn bị phân rẽ và xáo trộn thì mọi sự
đều mờ tối, khiến mọi hành động của ta đều bị biến dạng, biến chất. Khi hợp nhất
với chính mình, ta mới có thể tiến đến sự hợp nhất với Chúa, và mọi sự đều sáng
lên. Kinh nghiệm ấy chính là dấu chỉ của sự sống đích thực mà ta phải nhận ra
trong đời sống đức tin, và phải òa lên vui sướng khi tìm lại được chân tính của
đời mình.
Hành vi sám hối trong sự thanh tẩy là nền tảng để xây dựng tòa
nhà thiêng liêng, để từ đó làm nên những tầng cao của đời sống thánh thiện. Muốn
vậy, ta phải bắt đầu bằng sự thực hiện một cuộc thanh tẩy toàn diện: từ bên
trong đến bên ngoài.
I.
THANH TẨY BÊN TRONG
Người ta
thích làm sạch đẹp cái bên ngoài, và thường dựa vào đó để yên tâm hoặc tự hào về
cái sạch đẹp bên trong tâm hồn. Biết rằng điều đó không trung thực, nhưng nó đã
trở thành lối sống của người đời, có khi đã trở thành một thứ văn hóa hay một
truyền thống mang tính tôn giáo. Chẳng hạn truyền thống rửa tay trước khi ăn của
người Do Thái được coi như một phương dược tôn giáo để thanh tẩy những
ô uế bên trong (x. Lc 11, 37- 41). Thế nhưng Đức Giêsu đã vạch trần sự thật:“Bên ngoài chén đĩa thì các ngươi rửa sạch,
nhưng bên trong thì các ngươi đầy những chuyện cướp bóc gian tà”.
Người
Việt ta vốn chuộng hình thức, ham sĩ diện, và trong xã hội hôm nay, nó trở
thành một thứ bệnh. Phải chăng vì vậy mà cuộc sống trở nên bát nháo, vàng thau
lẫn lộn, tình trạng nội tâm ngày càng hỗn độn, truyền thống đạo đức ngày càng
xuống cấp, tạo nên bao điều thị phi điên đảo. So với người xưa, có lẽ chúng ta đã kém xa. Câu
chuyện trong Cổ học tinh hoa sau đây cho ta một hình ảnh về việc thanh tẩy nội
tâm rất thi vị.
Rửa tai hay rửa lòng?
Theo truyền thuyết của Trung
Quốc, Vua Nghiêu nghe tiếng Hứa Do là người
tài giỏi nên xin nhường cả thiên hạ. Hứa Do từ chối, lui về ẩn ở núi Trung
Nhạc, phía nam sông Dĩnh Thúy.
Sau, vua Nghiêu lại tìm đến, cố mời Hứa Do làm tổng
quản cả chín châu. Hứa Do không muốn nghe chuyện nữa, bỏ ra bờ sông Dĩnh Thúy
rửa tai. Ngay lúc bấy giờ Sào Phủ đang dắt trâu xuống bờ sông, gặp Hứa Do đang
rửa tai, hỏi:
- Vì
việc gì mà anh phải rửa tai?
Hứa Do
thuật lại câu chuyện, Sào Phủ liền gò cổ trâu lại mà nói:
- Ta toan cho trâu uống nước đây, e
rằng lại bẩn cả miệng trâu.
Nói
xong, dắt trâu lên quãng sông trên cho trâu uống nước. Sau đó Sào Phủ lên tiếng:
- Anh
đã làm gì để đến nỗi vua Nghiêu biết anh là người hiền trong thiên hạ mà mời
anh ra làm vua?”
Có cả thiên hạ mà cố nhường
cho người khác là chuyện lạ. Người được nhường thiên hạ cho mà không nhận cũng thật
lạ. Nghe chuyện nhường thiên hạ mà cho là chuyện bẩn, phải đi rửa tai lại lạ
hơn. Không để cho trâu uống phải nước đã rửa tai ấy, sợ bẩn miệng trâu lại càng
lạ hơn nữa. Rửa tai là một hành vi biểu tượng của sự thanh tẩy để lòng không vướng
bận những cao vọng thường tình. Quả là một tâm hồn trong sáng.
Các cao
sĩ đã bàn rằng đây là câu chuyện thâm thúy bậc thượng thừa của người xưa. Cái
độc đáo không phải là Hứa Do rửa tai hay Sào Phủ dẫn trâu ngược dòng sông để
tránh cho trâu uống phải nước bẩn của danh lợi, mà ở câu hỏi bất thần của Sào
Phủ: “Anh đã làm gì...?”. Đến trong
sạch như Hứa Do chắc cũng sửng sốt xem lại cái gọi là trong sạch của mình.
1. Thanh tẩy cái “mình là”
Mong
muốn trở thành nhân vật tầm cỡ nào đó, hoặc mơ ước làm được điều gì đó thật lớn
lao, thường là tâm trạng phát xuất từ sự lẩn tránh cô đơn, lẩn tránh thực tại,
mà theo Krishnamurti là lẩn tránh cái đang
là. Mong muốn thế chỉ nuôi dưỡng và làm tăng thêm nỗi buồn và sầu khổ vốn
có.
Khi mong muốn làm tốt cho đời, có khi chúng ta cũng đồng
thời nuôi dưỡng tranh chấp và khổ lụy. Mong muốn nhiều khi đã trở thành tham
vọng. Tham vọng được biện minh là để có tiến bộ. Muốn tiến bộ thì phải thành
công, phải trở thành nhân vật nào đó. Tại sao ta phải nỗ lực để giành thế
thượng phong? Tại sao phải cố gắng hết sức để khẳng định mình, dù trực tiếp
hoặc thông qua một ý thức hệ hay quốc gia, hoặc ngay trong phạm vi tôn giáo? Sự
tự khẳng định mình như thế không phải là lý do chính cho sự xung đột và hỗn
loạn sao? Không phải tham vọng này là do sự thôi thúc lẩn tránh cái đang là sao?
Tại sao
chúng ta lại sợ hãi cái đang là? Chạy
trốn thì có ích lợi gì khi mà những gì chúng ta đang là luôn luôn hiện diện ở đó? Chúng ta có thể thành công trong
việc chạy trốn, nhưng những gì chúng ta đang
là vẫn ở đó, chỉ nuôi dưỡng thêm sự xung đột. Bản thân ta ngày càng trở nên
phức tạp và vô phương giải quyết, vì chúng ta không dám đối mặt với cái hiện
trạng mà mình đang là.
Cái đang là chính là “Chim ri làm tổ trong rừng sâu không cần
nhiều hơn một cành; chuột chũi đi uống nước sông không cần đầy hơn một bụng”
(Trang Tử). Sự phức tạp sẽ trở nên nghiêm trọng khi chim ri có tham
vọng đặt tổ trên nhiều cành và chuột chũi uống nước mãi quên ngừng.
Đối với
người lý tưởng hóa thì bình đẳng là một ý niệm; đối với người biết quan sát thì
nó là một sự kiện. Có sự bất bình đẳng thế này: anh khôn khéo hơn tôi, anh có
nhiều khả năng hơn, anh biết yêu còn tôi thì không; anh biết vẽ, biết sáng tạo,
biết suy nghĩ, còn tôi chỉ là kẻ bắt chước; anh giàu có còn tôi nghèo khổ. Sự
bất bình đẳng đó đang tồn tại, đó là một sự kiện, dù chúng ta có thích hay
không. Càng không thể cào bằng về năng lực, vì mỗi người mỗi khác theo thiên
hướng của mình, nhưng đáng buồn là ta biến nó thành sự bất bình đẳng trong thân
phận con người.
Chúng
ta không xem năng lực như là năng lực, mà dùng năng lực để chiếm quyền lực, địa
vị, danh giá, và rồi các thứ ấy trở thành danh phận. Và vì chúng ta quan tâm
đến danh phận nhiều hơn năng lực, chúng ta tiếp tục duy trì sự bất bình đẳng.
Không chỉ có sự bất bình đẳng ở bên ngoài mà rõ ràng còn có bất bình đẳng ở bên
trong. Tất cả điều này là sự thực. Chẳng có pháp chế nào xóa tan được sự bất
bình đẳng này. Nhưng nếu ta hiểu rằng, phải có tự do nội tâm để thoát
khỏi mọi quan điểm độc đoán, lúc đó bình đẳng sẽ có một ý nghĩa khác hẳn. Chỉ
khi ta xóa sạch được sự bất bình đẳng tâm lý mà mình đã tạo ra khi dựa vào danh
phận, chức tước, địa vị, khả năng… ta mới có thể tiếp nhận một sức sống mới.
Nói cách khác, nếu xóa tan được sự phấn đấu tâm lý để trở thành một ai đó, lúc
đó mới có thể có tình yêu.
Làm sao
một người đầy tham vọng biết được bình đẳng hay biết được tình yêu? Tất cả
chúng ta đều có tham vọng và chúng ta hay nghĩ rằng đó là sự thăng tiến. Từ
thuở nhỏ chúng ta được giáo dục để có tham vọng, để thành công, để trở thành ai
đó, và như thế trong tâm chúng ta đã ẩn tàng một sự phân chia bất bình đẳng.
Hãy
nhìn cách chúng ta đối xử với nhau, cách chúng ta kính trọng người này và khinh
miệt người kia. Nếu nhìn vào nội tâm mình chúng ta sẽ thấy rằng, chính
cảm thức bất bình đẳng này đã tạo ra nhiều thứ giai cấp, nên cũng tạo ra nhiều
thứ tranh chấp ngay trong tư tưởng. Bên trong thâm tâm chúng ta xây dựng sự bất
bình đẳng và lệ thuộc vào người khác, nên không còn tự do. Luôn luôn có sự phân
hóa giữa người với người, bởi vì mỗi chúng ta đều muốn thành công, muốn trở
thành ai đó.
Chỉ khi
nào chúng ta làm cuộc thanh tẩy nội tâm, chúng ta mới thấy mình chẳng là gì cả,
và trong tự do, chúng ta mới không lợi dụng sự bất bình đẳng để thăng tiến cá
nhân. Nhờ đó, sự hiện hiện của ta lúc nào cũng có thể mang lại bình yên và an
lành.
Chính
Chúa Giêsu đã đặt nền tảng cho sự bình đẳng này khi Ngài tuyên bố: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy,
vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em
cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là
Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ
có một vị lãnh đạo, là Đức Kitô.” (Mt 23, 8-11).
Khi tâm bình đẳng giữa mọi người và mọi việc, ta cảm thấy
bình an và thanh thản biết bao. Vì không còn đối chọi và tranh chấp trong chính
mình, không còn hố sâu ngăn cách giữa người với người, nên không còn phải lo toan,
phòng thủ, hơn thua, được mất… chỉ còn lại niềm vui rất thanh tịnh cho tâm hồn.
Lm. Thái Nguyên