DÒNG SÔNG THANH TẨY (3)

 

I. THANH TẨY BÊN NGOÀI

Việc thanh tẩy nội tâm là điều thiết yếu, vì mọi hành động của con người đều bắt nguồn từ bên trong. Tuy nhiên, nó cũng phải gắn liền với việc thanh tẩy bên ngoài qua cách nói năng, làm việc, và mọi biểu hiện của nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân, ý, mà nhà Phật gọi là Lục căn. Nếu coi thường việc thanh tẩy bề ngoài, e rằng chúng ta lại rơi vào chủ nghĩa “duy tâm”, trở nên xa lạ với cuộc sống hiện tại, xa vời với những hoàn cảnh thực tế, xa xôi với những gì mình đang là. Sống siêu thoát như thế có nguy cơ bị “siêu vẹo”, nên cần có sự chống đỡ và hỗ trợ từ bên ngoài.

Biết rằng “Tướng tự tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”, nhưng cũng phải biết cách biểu hiện dung mạo và tận dụng hoàn cảnh để nói lên tấm lòng. Tu tâm nhưng cũng phải tu tướng. Bản tính con người là hồn và xác, có phần nội tại và ngoại tại, nên động tác của mỗi bên đều ảnh hưởng trực tiếp lên nhau. Chẳng hạn, khi chúng ta định chế hành động, thì chúng ta có thể định chế tư tưởng một cách gián tiếp được. Chúng ta không thể dùng ý chí để thay đổi cảm xúc, nhưng khi thay đổi hành động thì cảm xúc cũng khác đi do tư tưởng đã chuyển hướng từ hành động. Hoặc khi mất sự vui vẻ mà muốn lấy lại, thì chỉ cần tỏ ra một thái độ vui vẻ và hành động nói năng như là sự vui vẻ đã tới rồi vậy.

Trong một vỡ tuồng, anh chàng A. Dieudonné sau khi đóng vai Napoléon, anh ta thấy mình đổi khác. Những cử chỉ và dáng điệu của Napoléon mà anh bắt chước lâu ngày đã thâm nhiễm vào người anh. Trước kia anh là người nhút nhát, nhưng nay anh đã can đảm, quả quyết và tự tin hơn. Cuộc sống là như vậy, những tác động bên trong và ngoài đều góp phần để tạo nên một trạng thái mới tùy theo hướng tiêu cực hoặc tích cực. Vì thế, ta cần thanh tẩy tất cả những gì mắt thấy, tai nghe, miệng nói, mình làm.

1. Thanh tẩy điều mình thấy

Người xưa có câu: “Họa hổ họa bì nan họa cốt. Tri nhân tri diện bất tri tâm”. (Vẽ cọp vẽ da, khó vẽ xương. Biết người biết mặt không biết lòng). Chúng ta không thể đánh giá người khác thông qua hình thức bên ngoài. Không thể nhìn mặt mà bắt hình dong”.

Biết rằng “Trăm nghe không bằng một thấy”, nhưng thấy cái gì? thấy như thế nào? Phải thanh lọc cái thấy của mình bằng việc tìm hiểu ý nghĩa từ phía sau, đừng vội quyết đoán mà gây ra ân oán. Ngay cả Khổng Tử cũng đã mắc vào lầm lỗi đó. Câu chuyện như sau:

Thời Đông Chu bên Tàu, chiến tranh liên miên, dân chúng lầm than đói khổ... Thầy trò Khổng Tử trên đường từ Lỗ sang Tề cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi. May thay có một nhà hào phú đem biếu thầy trò một ít gạo. Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi đảm nhận việc thổi cơm. Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng "cộp" từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử liếc mắt thấy Nhan Hồi mở vung xới cơm cho vào tay và vốc vào miệng... Thấy vậy, Khổng Tử đau lòng và than: "Chao ôi! Học trò giỏi nhất của ta mà lại đi ăn vụng đốn mạt như thế này ư? Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!".

Khi dọn cơm lên, Khổng Tử nói: “Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn thầy trò ta lại có được bữa cơm... Thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ, nhớ đến cha mẹ... nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ... Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?". Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì. Còn Nhan Hồi chắp tay thưa: "Dạ thầy, nồi cơm này không được sạch." Khổng Tử hỏi: "Tại sao?"

Nhan Hồi thưa: "Khi con mở vung ra xem thử cơm chín chưa, chẳng may một cơn gió thổi vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi... nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì mất một phần ăn. Nên con đã mạn phép thầy và anh em ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và anh em... Bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau”.

Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời than rằng: "Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Suýt chút nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!"

Khổng Tử ít ra còn mở lòng để Nhan Hồi tỏ rõ sự tình. Còn chúng ta nhiều khi khép lại, ngầm đánh giá rồi mang nặng thành kiến suốt đời, không chịu tìm hiểu ý nghĩa sự việc, cũng chẳng cho người kia một cơ hội để giải thích. Có nhiều điều dễ làm ta lầm tưởng: thấy vậy mà không phải vậy. Cái ta thấy trước mắt chỉ là hiện tượng hay sự kiện bên ngoài, còn ý nghĩa và sự thật nằm ở bên trong. Có những nguyên nhân tiềm ẩn mà ta không thể biết ngay được, và người khác cũng không thể hoặc chưa thể nói ra được. Quyết đoán vội vàng những gì mình thấy khiến mình dễ trở nên mù tối, và có thể làm hư hại cả đời người khác. Điều này xảy ra không ít trong đời sống hằng ngày. Câu chuyện Quan Âm Thị Kính cũng là một giai thoại điển hình.  

2. Thanh tẩy lời mình nói

Cũng như tư tưởng là một sức mạnh tạo nên những hệ quả lớn lao, thì lời nói cũng có một tác dụng khôn lường trên đời sống con người. Tư tưởng thì thai nghén, còn lời nói thì sản sinh. Tư tưởng xấu còn có thể ngăn chặn, nhưng lời nói xấu thì không thể thu hồi (x. Cn 25, 11). Tư tưởng chỉ tác động trên chính mình, còn lời nói xâm nhập vào không gian và thời gian, tác động đến nhiều người, nhiều thế hệ.

Lời nói quả lợi hại vô cùng, với ba tấc lưỡi người ta có thể lập nên cơ đồ, nhưng cũng có thể làm tiêu tan sự nghiệp; có thể xây dựng tất cả, nhưng cũng có thể phá đổ tất cả. Tốt hay xấu cũng đều do cái lưỡi, “vinh hay nhục đều ở lời nói cả.” (Hc 5, 13).

Tạo nên môi trường tốt hay xấu, thuận lợi hay bất lợi, phần lớn đều do lời nói mà ra. Nếu cứ luôn phàn nàn hay bực bội về hoàn cảnh, con người, hay những tệ trạng, là ta cứ tự giam mình trong thế giới buồn chán. Cũng một lời gây bế tắc đời sống, mà cũng một lời làm đả thông cuộc sống. Tại sao ta không thể chọn một lối nói tốt hơn làm thay đổi tình trạng của mình và người khác?

Thật ra, tình trạng nào cũng là do tâm trạng mà ra, nhưng khi tâm trạng đang bị phủ lấp thì phải biết vận dụng lời nói để kích hoạt lên. Đừng diễn giải thành vấn đề, nhưng hãy nói về sự tiến bước; đừng đề cập những cản trở, nhưng hãy nói đến quyết tâm; đừng biện minh cho những tệ trạng, nhưng hãy nói về hoạch định mới.

Những rào cản cuộc sống có thể là một cơn bệnh, một sự nghèo túng, một trắc trở, một tai nạn, một thất bại, một sự xúc phạm... Dù vậy, cứ hãy để cho mình được thanh thoát vượt lên tất cả bằng những lời nói thanh cao, lạc quan, hy vọng và tin tưởng. Đó là điều mà Thánh Phaolô đã nói: “Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” (2Cr 12, 10).

Đặt vào trường hợp của Thánh Phaolô, đáng lý ta phải than trách về những hoàn cảnh xui rủi hay ác ý của người đời cứ đổ dồn lên mình. Đáng lẽ ta phải cảm thấy buồn tủi, chán ngán vì những gian nan thất bại cứ liên tiếp xảy đến. Đáng buồn hơn nữa là đang khi hết lòng sống cho mọi người, thì dường như bị mọi người phủ nhận, cô lập, tẩy chay, khinh thị, bất cần, nhất là đang hết lòng phụng sự Chúa thì dường như cũng bị Chúa lãng quên. Thánh Phaolô không tự nhủ mình cách tiêu cực và bi quan, nhưng tích cực và lạc quan dưới cái nhìn đức tin, và vì yêu mến Đức Kitô.

Dưới cái nhìn đức tin và quen sống cận kề bên Chúa, ta sẽ học biết cách hóa giải những sự kiện nặng nề ra nhẹ nhàng, để những khi đen tối ta vẫn tìm ra ánh sáng cho đời mình. Đừng nguyền rủa bóng tối nhưng hãy cất lời ca ngợi cho ánh sáng đến. Điều đó làm nên phép lạ từ nơi miệng lưỡi ta. Nếu muốn thay đổi thế giới chung quanh ta, thì hãy bắt đầu thay đổi lời ăn tiếng nói sao cho phù hợp với ý muốn tốt lành của Chúa. (x.1Tm 4, 12).

Chúa không bao giờ muốn ta lải nhải về những khó khăn và bất trắc của mình. Ngài không muốn ta phàn nàn hoặc phê phán về những tiêu cực của người khác. Ngược lại, Chúa muốn ta hãy dùng lời nói“để xây dựng, để khích lệ và an ủi.” (1Cor 14, 3).  Quả thật, “Lời nói mà không chủ ý làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn lên là lời nói hư không.” (Roland Dorgeles).

Thánh Phaolô còn khuyên nhủ: “Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương...” (Cl 4, 6). Những lời nói càng mạnh bạo, chua cay, gắt gỏng, càng chứng tỏ một lý lẽ yếu đuối và nông nổi, không có sức thuyết phục. Vì vậy, “Lời nhã nhặn, lời ôn tồn, tựu trung là lời mãnh liệt nhất.” (Glodden).

Trong mọi hoàn cảnh, hãy biết tự nhủ mình bằng những lời nói đầy tự tin và an vui. Tự nhủ mình bằng những lời tốt đẹp là phương thức tự kỷ ám thị để đưa đến những điều tốt đẹp. Dù không như ý mình muốn, nhưng lại như ý Chúa muốn, “gặp thời thế, thế thời phải thế”. Hoàn cảnh không may, cuộc sống không thuận lợi, thì cũng là một cơ hội giúp ta rèn luyện ý chí và nghị lực. Thật ra, xét cho cùng, chẳng có gì là cản trở nếu ta không tự mình cản trở mình. Tất cả chỉ là thách đố để khơi sáng lên cuộc sống mới.

Khi nói, ta cũng phải biết mình đang nói với ai, cần nói hay không đáng nói. Khổng Tử khuyên rằng: “Khả dữ ngôn nhi bất dữ chi ngôn, thất nhân. Bất khả dữ ngôn nhi dữ chi ngôn, thất ngôn” (Người nào đáng nói mà mình không nói thì mất người. Người nào không đáng nói mà mình lại nói thì mất lời). Mất cái nào cũng đáng tiếc, nhưng đáng tiếc hơn cả là mất chính mình khi nói những điều không cần nói, hoặc nói những cái không nên nói và không được phép nói, hoặc nói không đúng lúc, đúng thời, đúng nơi, đúng người. Sách Châm Ngôn viết: “Lời nói ra đúng lúc đúng thời khác chi táo vàng trên đĩa bạc chạm trổ.” (Cn 25, 11).

Cần nhìn ngắm Đức Giêsu, không chỉ để thanh tẩy lời nói, cách nói, mà còn đào luyện cho mình khả năng biết dùng lời nói để làm dịu nhẹ những cơn giận dữ, để tha thứ cho những ai xúc phạm, để cảm thông với ai lầm lỗi, để an ủi những ai sầu khổ, để nâng cao tinh thần người yếu đuối, để khen thưởng người thành công, để nhủ bảo người non kém.

Ai cũng đều muốn nghe những lời động viên, khích lệ, đặc biệt là lời khen ngợi đúng lúc. Các nhà khoa học đã làm một cuộc thí nghiệm đối với nước. Sự kết tinh hình dạng của nước có chịu ảnh hưởng của âm thanh bên ngoài. Tiến sĩ Masaru Emoto, giám đốc Viện Hado (tổ chức IHM) ở Tokyo, Nhật Bản đã tiến hành thí nghiệm sự biến hóa của nước dưới sự ảnh hưởng của âm thanh tác động bên ngoài và phát hiện: khi ông phát những ca khúc nổi tiếng của Mozart và Beethoven rồi dùng kính hiển vi quan sát, ông nhận thấy các tinh thể nước sẽ thuận theo những giai điệu đẹp đó mà không ngừng sản sinh ra những biến hóa đẹp mắt.

Nói những lời dễ nghe thì các tinh thể nước cũng tạo thành những hoa văn hết sức đẹp mắt. Khi nói những lời khó nghe thì các tinh thể nước lại chuyển động hỗn loạn, không có trật tự. Khi ta biết nói những lời yêu thương, khích lệ, tạo niềm vui hay gieo hy vọng cho người khác, ta cũng sẽ làm rung động tinh thần của người đó, gây sự phấn chấn, tăng thêm năng lượng, sáng lên thần sắc, và kết quả còn có thể là sự biến đổi sâu xa trong đời sống họ.

Lm. Thái Nguyên

 


Tu Đức