BA NHÂN ĐỨC ĐỐI THẦN
TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ
HỮU
II. ĐỨC CẬY
“Chính Đức Kitô, Đấng ban cho chúng ta
niềm hy vọng đạt tới
vinh quang” (Cl
1, 27).
“Đức
Cậy” còn gọi là đức “Hy Vọng”, bao hàm ý nghĩa trông mong, trông chờ, trông đợi. Hy vọng là một điều kiện cho sự tồn
tại của con người. Người nào hay tập thể nào chỉ biết bám níu vào quá khứ sẽ trở
nên già cỗi, cổ hũ, và bị thời gian đào thải, vì đi ngược dòng lịch sử. Dù rằng
tương lai không phải lúc nào cũng dành cho ta những điều tốt đẹp, nhưng đời sống
tốt đẹp vẫn là điều khát mong của mọi người trên đời này.
Tuy
nhiên, mọi hy vọng trên đời này chẳng có chi bền vững, vì tất cả sẽ qua đi, chẳng
còn lại gì, cả mạng sống mình cũng thế. Vì thế, trong ta nảy sinh niềm khát vọng
lớn lao hơn, là làm thế nào để giữ được những điều thiện hảo mà ta đang có hoặc
sẽ có, nhất là làm thế nào đạt tới sự viên mãn trường tồn. Đó là hy vọng sâu thẳm
nhất của con tim, và là niềm hy vọng Kitô giáo.
Ý nghĩa từ “cậy” trong tiếng Việt không được hay lắm. Sở dĩ nó được gọi
là nhân đức vì được dùng để chuyển dịch từ ngữ thần học Tây phương: Spes (Latinh); Hope (Anh); Espérance (Pháp).
Từ ngữ “trông cậy” chưa đủ làm rõ nghĩa, nên ngày nay người ta dùng từ “Hy Vọng”
(Spes) mà chính Công Đồng
Vat. II đã dùng để gợi lên tâm tình tích cực trong nhân đức này.
Đức Cậy (vọng
đức) trong Hán - Nôm với ý chính như sau:
Đức
(德):
ơn; Cậy (
Đức
Cậy: ơn
tin tưởng, phó thác.
Thuật
ngữ “Đức Cậy” có gốc trong Hy văn. Theo thánh Phaolô, có ba yếu tố cấu thành đời sống
mới của Kitô hữu trong đức cậy là: elpis (ελπίς), elpizô
(ελπίζω): cậy trông, hy vọng (1Tx 1,3; Rm 4,18) đi kèm với hupomonê (υπομονη): sự kiên nhẫn, bền chí.
Ngoài thư 1Ga 3,3, ta còn gặp từ elpis
nơi Cv (8 lần), thư Dt (5 lần), 1Pr (3 lần), và từ hupomonê dùng trong
Kh (7 lần). Niềm cậy trông gắn liền với hupomonê (kiên nhẫn) trong gian
khổ, thử thách (2 Cr 6,3-4; 2Tm 3,10) như dấu chứng của người tôi tớ trong Tin
Mừng (2Cr 12,12).
Bản
Kinh Thánh Bảy Mươi dùng động từ elpizô để dịch nhiều từ Hipri: qawah
(chờ đợi, hy vọng), batah (tin cậy vào), yahal (chờ đợi), hakah
(mong chờ chắc chắn), hasah (tin tưởng vào). Tất cả đều có nghĩa chung
là đặt niềm trông cậy, hy vọng vào một ai đó. Đối với dân ngoại, niềm hy vọng của
họ đặt vào các vị thần linh để mong đón nhận những thiện hảo vật chất, còn hy vọng
của chúng ta mang chiều kích thiêng liêng, được cắm rễ và xây dựng trên chính
Thiên Chúa.
2. Niềm hy vọng của chúng ta
Niềm hy vọng Kitô giáo vượt trên tất cả mọi thứ cân đo đong đếm liên
quan đến các sự vật trần thế. Đó là niềm hy vọng mà Thiên
Chúa ban tặng trong Đức Kitô, Đấng qui tụ mọi người tin vào vương quốc Ngài.
Vương quốc đó đã khai mào và thực sự hiện diện trên trần gian (Mt 12, 56; Lc
11, 20), sẽ được hoàn thành viên mãn ngày thế mạt lúc Đức Kitô quang lâm. Đó là
Vương quốc của những kẻ được chọn để đón nhận sự sống vĩnh cửu (Ga 5, 24; 6, 47-68;
Cv 15, 46).
Sách Giáo Lý xác định như sau:“Đức Cậy là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta trông mong Nước Trời và
sự sống vĩnh cửu như hạnh phúc đời mình, khi tin tưởng vào các lời hứa của Đức
Kitô và nương tựa vào ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần chứ không dựa vào sức
mình” (GLCG 1817). Trên nền tảng đó, ai không biết đến Thiên
Chúa, dù người ấy có bao thứ hy vọng, thì cuối cùng cũng là vô vọng (x. Eph
2,12). Niềm hy vọng vững vàng, bất chấp mọi thất vọng chỉ có thể là Thiên Chúa
- Đấng là nguồn mạch sự sống và đã yêu thương ta “đến cùng” (x Ga 13,1; 19,30).
Quả thật, chính Thiên Chúa là nền tảng của hy vọng,
chứ không phải bất cứ thần linh nào. Đó là Đấng có diện mạo con người và là Đấng
đã sống và chết vì yêu thương chúng ta. Nước Ngài không phải là một đời sau tưởng
tượng nhưng hiện diện bất cứ nơi nào Ngài được yêu thương và bất cứ khi nào
tình yêu của Ngài đến được với chúng ta. Chỉ tình yêu Ngài mới ban cho chúng ta
khả năng kiên vững ngày qua ngày, mà không đánh mất đi nhiệt tình của niềm hy vọng
trong một thế giới không hoàn thiện tự bản chất. Đồng thời tình yêu của Ngài bảo
đảm cho sự hiện hữu của sự sống “đích thực” mà ta vẫn trông đợi. (Spe Salvi
31).
Niềm hy
vọng của Kitô hữu là sự thông phần vinh quang của Đức Kitô, Đấng đã chết và sống
lại vì chúng ta (Rm 5, 8-9). Ngài là niềm vui ơn cứu độ (Rm 5, 9-10; 1 Tx 5,8),
là sự sống vĩnh cửu (Rm 5,17. 6, 22; 1Cr 15, 22), Đấng sẽ biến đổi thân xác ta
phù hợp với thân xác vinh quang của Ngài (Pl 3, 20-21). Niềm hy vọng đó không chỉ cá nhân, mà cho toàn thể dân Chúa và toàn thể
vũ trụ (Rm 8,19-22); không chỉ hướng về tương lai mà còn ngay trong hiện tại,
lúc này và ở đây “hic et nunc” (1Cr 13,12), vì sự sống mới và ánh sáng cứu độ
đã bừng lên (2Cr 4,6). Trong ý
nghĩa đó, thánh Phaolô cất cao lời kêu gọi: “Hãy vui mừng
vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân” (Rm 12,12).
Thật vậy,“Cánh cửa mịt mù tăm tối của thời gian, của tương
lai, đã được mở toang. Ai có niềm hy vọng thì sống khác hẳn; vì người có niềm
hy vọng đã được ban cho hồng ân một cuộc sống mới” (SS 2). Cuộc
sống mới đó cho ta đầy tràn niềm vui và lòng tín thác, vì biết rằng cuộc đời mình
không do số mạng mù quáng định đoạt, nhưng nằm trong bàn tay quan phòng của
Thiên Chúa là Cha nhân lành, Đấng muốn cho chúng ta được hạnh phúc, và chu cấp
những phương thế để đạt tới cứu cánh đó. Cuộc phục sinh của Đức Kitô cho ta biết
chắc tiếng nói cuối cùng là Sự sống, Tình yêu, chứ không phải Tội lỗi hay Tử thần
(x.1Cr 15,15-28.54-58). Dựa vào niềm tin tất thắng đó, ta sẵn sàng “trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng”
của mình (x.1Pr 3,15).
Từ đó,
ta biết tội nghịch với Đức Cậy là sự tuyệt
vọng: là không hy vọng Chúa sẽ ban ơn cứu rỗi cho ta. Tội tiếp đến là tự phụ: là cậy dựa vào công sức của mình
mà không dựa vào ơn Chúa. Ngược lại, là tội ỷ
lại vào ơn Chúa mà không làm gì cả, khiến ta mất nhân cách và trách nhiệm,
mà còn vô hiệu hóa các năng lực của tâm hồn mình. Thánh Tôma gọi đó là tội chống
lại Thánh Thần, vì coi thường hoạt động và giúp đỡ của Ngài. Trong mọi hoàn cảnh, mỗi người phải hy vọng
sẽ được ơn Chúa giúp “bền đỗ đến cùng” (x.Mt 10,22) để được hưởng sự sống đời đời.
Cũng
như Đức Tin là cuộc hành trình đầy cam go và thử thách, thì Đức Cậy cũng là con
đường có nhiều gian nan và trắc trở. Chúng ta cần dựa vào Tin Mừng để để làm lớn
mạnh Đức Cậy của mình bằng những tâm tình sau đây.
-
Không thất vọng (Ga
16, 29-33)
Các môn đệ vui mừng thưa với Thầy: “Giờ đây chúng con nhận ra Thầy biết hết mọi sự … Vì thế chúng con tin
Thầy từ Thiên Chúa mà đến”. Tuy nhiên, Chúa Giêsu báo trước
cho biết sẽ đến lúc họ bỏ Ngài mà trốn. Sự thật đã xẩy ra như thế, họ không chỉ
bỏ trốn, mà còn phủ nhận và phản bội. Dù biết rõ sự hèn nhát và phản trắc của
những kẻ thuộc về mình, Chúa Giêsu vẫn không trách cứ hay bắt bẻ họ lúc đó,
cũng không bắt tội và kết án họ sau đó, mà vẫn yêu thương họ đến cùng. Ngài yêu
họ với tất cả sự yếu hèn của họ. Nhìn biết họ thế nào, Ngài yêu họ thế đó. Ngài
không thất vọng về họ, vì Ngài không kỳ vọng quá mức về họ.
Không
những thế mà Ngài còn an ủi, khích lệ họ: “Thầy
nói với anh em những điều ấy để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian,
anh em sẽ phải gian nan khốn khó, nhưng can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”.
Tình thương của Thầy thật sâu thẳm, không nghĩ tới việc mình bị tổn thương do sự
bất trung của họ, nhưng nghĩ đến việc họ bị tổn thương vì sa ngã. Tình thương
đó còn cao vượt hơn nữa khi Ngài vẫn tin tưởng họ, giao sứ mạng cho họ, để họ
hành động thay Ngài.
Trước tình yêu vô biên của Chúa, ta không còn lý do nào để
không hy vọng vào Ngài. Cuộc đời ta dù có sa lạc, sa ngã, hay bất trung, bất
tín, thì Chúa vẫn đón nhận, đỡ nâng, và tìm cách tái tạo thành con người mới,
miễn ta đừng nản chí, buông xuôi. Vòng
tay Chúa luôn rộng mở, lòng ta đừng khép lại; sự sống Chúa luôn lan tỏa, ta đừng
tự chận đứng mình; Chúa luôn khơi lên niềm hy vọng, dù tình trạng nào ta cũng đừng
thất vọng, nhưng càng cậy trông.
-
Cậy dựa vào Chúa (Mt
6,25-34)
Chúa
Giêsu kêu gọi chúng ta hãy cậy dựa vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, đừng
lo lắng quá đến vật chất, của ăn, mạng sống... Quá lo lắng về vật chất khiến ta
mất lòng cậy trông và hy vọng vào Thiên Chúa, và rồi bao nhiêu cũng chẳng vừa. Thực tế có một mối nguy là khát
vọng sâu xa có thể biến thành tham vọng vô đáy, khiến con người
hành động bất chấp và gây nên bao thảm họa cho nhau. Trong cuốn Quê hương và Giáo Hội (tr. 253-255), Đức
Cha Nguyễn Thái Hợp có nhận định như sau:
“Từ khi có chủ trương đổi mới,
Việt Nam đã đạt những thành tựu kinh tế quan trọng, nhưng rồi kéo theo đó bao
nhiêu thảm trạng. Kinh tế tăng trưởng nhanh đưa đến kết quả thê thảm là hình
thành một xã hội rạn nứt, giả dối, tàn nhẫn, phi chuẩn mực. Đời sống gia đình
ngày càng mục rã; con người như điên loạn, yêu cuồng sống vội, chụp giựt, buông
thả, cắm đầu hưởng thụ, sẵn sàng đánh đổi mọi sự để có nhiều tiền hơn. Bên cạnh
đó, hiện tượng giả dối lên ngôi: bằng cấp giả, thông tin giả, báo cáo giả, danh
hiệu giả, thành tích giả, hàng hóa giả, thậm chí, sữa, bánh, thực phẩm và thuốc
cũng bị làm giả”.
Tại sao một xã hội có truyền thống tôn trọng nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, mà ngày nay đầy
những thứ giả dối như vậy? Đó phải chăng là hậu quả của một xã hội vô thần: chỉ biết gia tăng kinh tế mà không biết gia
tăng lòng đạo đức; chỉ biết tôn thờ
khoa học kỹ thuật mà không biết tôn thờ Thiên Chúa; chỉ biết cậy dựa vào quyền
lực và của cải vật chất mà khước từ sự cậy dựa vào Đấng Toàn Năng? Có
thể tâm hồn và nhân cách Kitô giáo chúng ta cũng đang bị tục hóa trong một xã hội
như vậy.
Kinh
lạy Cha chúng ta đọc xin cho lương thực hằng ngày dùng đủ, nhưng thực tế thì
chúng ta vẫn mơ ước và làm mọi cách để được giàu có. Khi giàu có rồi, ta cậy dựa
vào tiền của, coi tiền của là tất cả, “tiền
là tiên là phật…”. Sự giàu có khiến ta dễ xa rời Thiên Chúa và xa lìa tha
nhân. Tiền của lên ngôi sẽ lần hồi chiếm địa vị ưu tiên trong lòng người và
thay thế cho Thiên Chúa. Có nguy cơ là chúng ta hy vọng vào Chúa để được đời
này chứ không phải để được đời sau. Thánh Phaolô đã cảnh giác: “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ
vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15,19).
Qua
sứ điệp Mùa Chay năm 2011, Đức Bênêđictô XVI cho thấy: “Việc coi trọng tiền bạc quá
đáng không những làm ta xa lìa tha nhân nhưng còn làm cho con người mình trở
nên trống rỗng, bất hạnh, sống ảo tưởng, vì đã thay thế Thiên Chúa bằng các của
cải vật chất. Làm sao ta có thể hiểu được lòng nhân từ của Thiên Chúa nếu tâm hồn
ta đầy tự mãn và những dự phóng riêng của mình, tưởng mình có thể đảm bảo tương
lai cho mình?”.
Thật
ra, chúng ta có thể chiếm đoạt được mọi cái như mình muốn, nhưng sau đó thì
sao? Ta hãy nhớ lại dụ ngôn người phú hộ,
ông ta nói với chính mình rằng: “Hồn ta hỡi,
mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm…nhưng Thiên Chúa bảo ông ta:“Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng
ngươi...” (Lc 12,19-20).
Kinh
nghiệm thực tế cho ta thấy: “Khi tiền bạc đi vào cửa trước thì hạnh phúc lẻn
ra cửa sau”. Tiền bạc có thể mua được mọi thứ nhưng không mua được sự sống
đời đời. Sự sống đời đời chỉ dành cho ai sống cuộc đời mình với lòng cậy trông
vào Chúa.
-
Lòng cậy trông khiêm hạ và kiên trì (Mt 15,21-28)
Đây là
câu chuyện người đàn bà Canaan xin Đức Giêsu cứu con mình khỏi quỷ ám. Bà là
người ngoại giáo, có lẽ đã nghe nói về một Đấng Messia, nên bà cất bước đi tìm
Ngài và đặt tất cả hy vọng vào Ngài. Nhưng rồi không dễ, niềm hy vọng đó gặp phải
thử thách nặng nề:
- Trước
tiên là nạn kỳ thị của người Do Thái. Họ khinh rẻ và loại trừ dân ngoại, vì tự
hào mình là dân Thiên Chúa.
- Tiếp theo các môn đệ tỏ ra bực dọc: “Xin Thầy bảo Bà ấy về đi, vì Bà ấy cứ theo
sau chúng ta mà kêu mãi!”. Đức Giêsu cũng từ chối bằng câu nói lạnh lùng: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc
của nhà Israel”.
- Cuối
cùng, Chúa Giêsu so sánh bà với chó: “Không
nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”.
Rõ ràng
bà bị xỉ nhục đến tột độ! Tưởng như lòng hy vọng của bà đã lịm tắt. Nhưng lạ
thay! Người phụ không cảm thấy mình bị xúc phạm, mà lại nhẹ nhàng đón nhận thân
phận thấp hèn của mình: “Thưa Ngài, đúng
thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Câu
trả lời của bà thật hiền lành và khiêm tốn, khiến Chúa Giêsu đã ra tay cứu chữa.
Đời sống
ta cũng sẽ trải qua những chặng đường thử thách, vì Chúa muốn thanh luyện và kiện
toàn lòng tin của ta, để ta nên xứng đáng hơn với ân huệ sẽ lãnh nhận. Hơn nữa,
Chúa luôn có ý định nhiệm mầu trong mọi thử thách đời ta. Chính nhờ thử thách,
mà nét đẹp cao quí của tâm hồn người phụ nữ ngoại giáo đã được bộc lộ, như một cách
mời gọi thay đổi não trạng hẹp hòi và cái nhìn trịch thượng của các môn đệ cũng
như dân chúng.
Có khi cơn thử thách đời ta cũng trĩu nặng vô vàn, tưởng
chừng như sụp đổ tất cả những gì mà ta hy vọng nơi Chúa. Nhưng cũng giống như
trường hợp người phụ nữ trên: Chúa đẩy sự thử thách lên cao độ, nhưng Ngài vẫn
đứng đó, vẫn không rời xa hay ngoảnh mặt bỏ đi. Ngài vẫn chờ đợi sự đáp trả cuối
cùng của lòng tin yêu và hy vọng của ta. Chúa chẳng bao giờ để ai thất vọng về
Ngài, vì Ngài là Hy Vọng lớn nhất của nhân loại chúng ta,“và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Ngài” (Mt 12,21).
- Loan
truyền niềm hy vọng
Khi bị bắt đưa ra tòa để tra hỏi, Phaolô đã mạnh dạn tuyên xưng: “Và giờ đây tôi bị đưa ra toà chính là vì hy
vọng điều Thiên Chúa đã hứa cho cha ông chúng tôi... chính vì niềm hy vọng đó
mà tôi bị người Do thái tố cáo” (Cv
26, 6-7).
Niềm vui đời Kitô hữu là được sống trong niềm hy vọng nhờ lòng Chúa thương
xót. Niềm hy vọng đó phải được loan truyền cho mọi người, nhất là những người
còn nằm trong bóng tối sự chết. Thánh Phaolô khuyên nhủ:“Vì Chúa hứa ban sự sống hiện tại cũng như tương lai cho người có lòng
đạo đức... vì mục đích ấy mà chúng ta phải vất vả, phải chiến đấu” (1Tm
4,8-10).
Đức Hồng Y
Phanxicô Xaviê đã xác tín về đức Hy Vọng như sau: “Người hy vọng là người cầu nguyện. Ðối tượng của lời cầu nguyện cũng
là đối tượng của niềm hy vọng. Người hy vọng là cộng tác viên của Thiên Chúa.
Ngài tìm họ để hoàn tất việc tạo dựng và cứu chuộc của Ngài... Có hạng “công
giáo đợi chờ”, khoanh tay đợi niềm hy vọng đến. Có hạng “công giáo thụ động”,
“trốn tránh, vô trách nhiệm”. Họ chỉ biết “nhìn lên” để kêu cứu, mà không biết
“nhìn tới” để tiến,”nhìn quanh” để chia sẻ, gánh vác. Niềm hy vọng đang ở giữa
họ, mà họ không hay! Không thể quan
niệm được một Kitô hữu không mê say đem hy vọng ngập tràn thế giới”. Quả thật,
loan truyền niềm hy vọng là loan báo Tin Mừng, vì Tin Mừng chính là niềm hy vọng
được cứu rỗi nhờ Đức Kitô. Có biết bao người xung quanh ta mong có được niềm hy
vọng đó, họ muốn thấy nó được tỏ lộ trong đời sống chúng ta như dấu chỉ đích thực
của niềm Hy Vọng.
Tạm kết
Cuối
cùng, chúng ta hãy nhìn ngắm Đức Maria như một mẫu gương sáng ngời của niềm Hy
Vọng. Mẹ đã đón nhận niềm hy vọng, nuôi dưỡng niềm hy vọng, sống niềm hy vọng,
tuyên xưng niềm hy vọng, loan truyền niềm hy vọng. Dấu chỉ lớn lao nhất của những
hy vọng trên là khi đến hồi viên mãn, Mẹ được đưa về Trời cả hồn lẫn xác. Việc
Mẹ được vinh hiển trên Thiên quốc đoan quyết với chúng ta rằng, Đức Kitô sẽ ban
sự sống đời đời cho những ai đặt niềm hy vọng nơi Ngài. Đức Maria đã trở thành ánh
sao hy vọng, và là niềm hy vọng cho chúng ta sẽ được cùng với Mẹ một
ngày kia trên quê hương thiên quốc.
Sống trên đời này, chúng ta gặp nhiều thử thách về Đức Cậy:
có những điều quá buồn làm tinh thần chúng ta suy sụp; có những cái quá cực làm
chúng ta ngã quỵ; có những thứ quá đau làm chúng ta điêu đứng; có những việc
quá lo làm chúng ta chán nản; có những tình cảnh quá sợ, làm chúng ta bồn chồn
thao thức... Trong cuộc đời của Đức Mẹ cũng thế, Mẹ cũng gặp những điều quá buồn (Mt 1,18-19; Ga 19,25-30); những cái quá
cực (Lc 2,7) những thứ quá đau lòng (Lc 2,34-35; Ga 19,31-34); những việc quá
lo (Lc 2,46); những tình cảnh quá sợ (Mt 2,16)... Thế nhưng Mẹ đã nương tựa
vào Thiên Chúa để sẵn lòng đón nhận tất cả và hiến dâng tất cả cùng với Con
mình, đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Nhờ đó, Mẹ lại trở thành Hy Vọng cho
chúng ta: Salve Regina…et Spes nostra! Lạy Nữ vương...(nguồn sống vui) và
Hy Vọng của chúng con!
Ta cũng hãy dùng lời tự tình
của thánh Têrêxa làm lời ngỏ với chính tâm hồn mình: “Hy vọng đi, hồn tôi hỡi, hãy hy vọng! Bạn không biết ngày nào và giờ
nào. Hãy tỉnh thức, mọi sự qua đi nhanh chóng, vì quá nóng lòng nên bạn hoài
nghi điều chắc chắn và cảm thấy quá dài khoảng thời gian vắn vỏi. Hãy nhớ rằng,
bạn càng chiến đấu, càng chứng tỏ tình yêu đối với Thiên Chúa, và càng vui sướng
hơn, một ngày kia với Ðấng lòng bạn yêu mến, trong niềm hạnh phúc và say mê bất
tận” (Tự Thuật
15, 3).
Lm. Thái Nguyên