BA NHÂN ĐỨC ĐỐI THẦN
TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ
HỮU
III. ĐỨC MẾN
“Có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non,
mà không có đức mến,
thì tôi cũng chẳng là gì.” (1Cr 13, 2)
Mọi người
được sinh ra bởi tình yêu và cho tình yêu. Căn tính của con người là tình yêu.
Lề luật tối cao để triển nở cuộc sống toàn diện cũng là tình yêu. Con người nhờ
có lý trí nên vượt lên trên các loài thụ tạo, nhưng sống nhờ tình yêu hơn là nhờ
hiểu biết. Tình yêu trở thành nhu cầu thiết yếu
và động lực chính yếu cho mọi hoạt động của con người, làm cho con người trở
nên chính mình và đạt đến cùng đích đời mình. Đức Gioan Phaolô II xác định: “Con người không thể sống mà thiếu vắng tình
yêu. Họ sẽ không
hiểu họ là gì, sẽ cảm thấy cuộc đời họ là vô nghĩa, nếu họ không đón nhận mạc
khải tình yêu, không gặp gỡ tình yêu, không cảm nghiệm tình yêu, không đồng hoá
tình yêu, không mạnh dạn tham dự vào tình yêu”(RH 10).
Đức
Mến (ái đức) trong
tiếng Hán - Nôm với ý chính như sau:
Đức
(德): ơn. Mến
(爱): yêu thương.
Đức
Mến: ơn yêu thương.
Xét về
căn ngữ, Đức Mến có một lịch sử hình thành riêng từ Thánh Kinh. Để chỉ về tình yêu, Thánh Kinh Hipri sử dụng động từ
ahab và danh từ ahabah. Sách Đệ nhị luật dùng ahab và ahabah để diễn tả
tình yêu giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Bản Kinh Thánh Bảy Mươi đã dịch ahab, ahabah qua tiếng Hy Lạp
thành agapao, agape. Để nói về tình yêu, đặc
biệt là tình yêu nam nữ, người Hy Lạp xưa thường dùng từ Eros[1].
Từ Eros được nhắc đến hai lần trong Cựu Ước,
nhưng nó không còn xuất hiện nữa trong Tân Ước. Trong ba từ diễn tả tình yêu
trong tiếng Hy Lạp: Eros (έρως) Philia (φιλία)và Agape (αγάπη), các
sách Tân Ước chỉ dùng từ Agape, là một
từ rất ít dùng trong thường ngữ Hy Lạp. Còn từ Philia được thánh Gioan dùng để diễn tả tình bằng hữu giữa Đức
Giêsu với các môn đệ (Ga 21,15-18) và được thánh Matthêu dùng để chỉ tình yêu
gia đình hay huynh đệ trong cộng đoàn (Mt 10,37).
Dù chủ đề tình yêu đã được luận bàn sâu rộng trong văn
chương thế giới, cách riêng trong văn minh Hy Lạp và Rôma, nhưng vẫn còn điều
gì thiếu sót. Vì vậy, các tác giả Tân Ước phải chọn một danh từ mới là Agape (dùng 117 lần) và động từ Agapetos (dùng 137 lần) để diễn tả tình
yêu Thiên Chúa.
Tiếng
Việt cũng rất dồi dào từ ngữ để diễn tả về tình yêu, nhưng xem ra không có từ
nào tương đương với Agape (Hy lạp) hoặc
Caritas (Latinh) để biểu hiện như
danh hiệu của Thiên Chúa: “Deus Caritas Est”, (Thiên
Chúa Là Tình Yêu). Đó là danh từ duy nhất mà Tân Ước sử dụng
(agape/caritas) để diễn tả vừa bản tính Thiên Chúa, vừa là cách cư xử của Ngài
với con người, vừa là cách chúng ta phải cư xử với Thiên Chúa và tha nhân.
Sở dĩ chọn ra một từ riêng biệt, vì muốn nói lên sự độc
nhất vô nhị của tình yêu Thiên Chúa, mà không có thực tại nào trên đời có thể
so sánh. Chẳng hạn ta yêu ai là vì cảm thấy bị thu hút bởi điều gì tốt lành nơi
họ. Còn tình yêu Thiên Chúa không bị thu hút bởi điều tốt lành bên ngoài, nhưng
chính tình yêu Ngài đã dựng nên điều tốt lành, không chỉ qua việc tạo dựng, qua
việc trao ban sự sống, mà nhất là qua việc trao ban Con Một của Ngài (x. Ga
3,16). Ngài yêu thương con người như chính Con Ngài, và cho họ khả năng tiếp nhận
tình yêu ấy để yêu thương như Ngài.
2. Ý
nghĩa của tình yêu trong Đức Mến
Thiên
Chúa là Tình Yêu, nên“Tình yêu là điều
duy nhất có thể lấp đầy trái tim con người và giúp con người xích lại gần nhau
hơn. Khi chúng ta lãng quên Thiên Chúa, chúng ta đánh mất hy vọng và không thể
yêu thương người khác”[2].
Đức Mến không phải là thứ tình yêu thường tình được
diễn cảm theo bản năng, nhưng là tình yêu sâu đậm và bền vững bắt nguồn từ
Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương nhân loại chúng ta bằng một tình yêu thuần khiết,
vô giới hạn, cụ thể qua việc sáng tạo và cứu chuộc. Thiên Chúa đã ghi khắc tình
yêu của Người vào lòng mỗi người chúng ta, nhưng nó còn phải được tinh luyện hằng
ngày để đạt tới tầm vóc của Đức Kitô, Đấng đã hiến mình vì yêu.
-
Đức Mến theo Thánh Phaolô
Tất cả
14 thư của thánh Phaolô sắp theo thứ tự từ dài đến ngắn là giáo huấn súc tích về
Đức Mến. Tuyệt vời nhất là “Bài Ca Đức Mến” (1Cr 13,1-13). Bài ca này có ba đợt
sóng nối tiếp nhau:
- Đức Mến cao quí
hơn tất cả (1-3): không đức mến
thì mọi tài năng, công đức, ngay cả hy sinh mạng sống cũng thành không.
- Đức Mến là mẹ các nhân đức (4-7):
diễn tả một tâm hồn thật cao đẹp, gồm 8 điều không và 7 điều có:
+ 8 điều không: không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất
chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy
điều gian ác.
+ 7 điều có: nhẫn
nhục, hiền hậu, vui khi thấy điều chân thật, tha thứ, tin tưởng, hy vọng, chịu
đựng.
- Đức Mến tồn tại muôn đời (8-13). Đây
là tính cách trường tồn tuyệt đối, trọn vẹn tuyệt đối và ưu việt tuyệt đối của
tình yêu. Đức Mến là ngọn lửa nung nấu đức tin, là ánh sáng soi chiếu Đức Cậy,
để hướng đến đích điểm là Thiên Chúa Ba Ngôi.
Đức Mến
cao vượt hơn tất cả mọi hồng ân đặc sủng (1Cr 12, 31), cao hơn cả Đức tin và Đức
cậy (1Cr 13,3). Đức mến là nhân đức tóm kết mọi giới luật. Đức mến là tình yêu
Thiên Chúa cắm rễ sâu trong tim ta, giúp ta thống nhất các động cơ khác nhau,
thúc đẩy sự khát khao tìm kiếm Đấng mà ta yêu mến, và mời gọi ta biến tất cả
thành tình yêu của con thảo và huynh đệ (1Cr 13,4-6).
- Theo thánh Gioan.
Thánh Gioan xác quyết: “Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai
yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai
không yêu thương là không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga
4,7-8).
Thánh Gioan giải thích tiếp: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được
biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của
Người mà chúng ta được sống... Nếu Thiên
Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4,9-11). Như vậy, tình yêu trong Đức Mến là tình yêu gắn chặt làm
một giữa ta với Thiên Chúa và tha nhân, và mẫu mực tuyệt vời chính là Thầy
Giêsu: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy thương yêu nhau như
Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,35).
Không phải bất cứ thứ tình yêu
nào mà chúng ta muốn có, nhưng là tình yêu “như Thầy đã yêu thương”. Cuộc đời sẽ ảm đạm, u buồn, và tối tăm biết bao khi ta
không thể yêu thương được. Nhưng nếu yêu thương theo cảm tính, cảm hứng, yêu
không đúng hướng và đúng cách, không chân thật và sâu xa, hoặc yêu như mình muốn
yêu, thì chỉ gây thêm thống khổ và nghiệt ngã cho nhau. Vì thế, mô mẫu của tình
yêu là phải “yêu như Thầy.”. Đó chính
là tình yêu của Đức Mến: “Ðức Mến bảo đảm
thanh luyện và nâng khả năng yêu thương của con người lên mức hoàn thiện siêu
nhiên, trở thành tình yêu thiêng liêng” (GLCG 1827).
Thánh
Phanxicô Salê diễn tả về Đức Mến như sau:
Con người là sự hoàn mỹ của vũ trụ;
Tinh thần là sự hoàn mỹ của con người;
Tình yêu là sự hoàn mỹ của tinh thần;
Và Đức Mến là sự hoàn mỹ của tình yêu;
Bởi vậy yêu mến Chúa là cùng đích của
sự hoàn mỹ [3].
Đức mến là
chính sự hiện diện của Thiên Chúa trong ta. Ngài giúp ta sàng lọc những động cơ
thấp hèn và thúc đẩy ta vượt ra khỏi sự cuộn tròn trên
chính mình. Như tình mẫu tử, đức mến hướng ta đến người khác, một
cách nhẹ nhàng, nhưng cũng mãnh liệt để hiến thân cho những gì là thiện hảo.
2. Đức Mến trong mọi tương quan
- Với Thiên Chúa. Yêu mến Thiên Chúa vì chính Thiên Chúa, vì giá trị tuyệt
đối và sự tốt lành vô biên của Ngài (x. Mt 22,37), vì lòng nhân hậu của Ngài đối
với chúng ta (x. 1Ga 4,19). Yêu mến Thiên Chúa cũng chính là yêu điều Ngài yêu,
muốn điều Ngài muốn. Cụ thể là yêu mến Đức Kitô: “Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức
Kitô” (Pl 3,8).
-
Với chính mình. Đức Mến đòi ta phải yêu mình hơn yêu tha
nhân. Vì chính mình được Chúa yêu, nên ta phải yêu mình với tình yêu của Chúa.
Nếu không biết yêu mình, làm sao ta có thể yêu tha nhân “như chính mình”? Yêu mình không phải là chiều chuộng mình, mà là
yêu phần rỗi của mình, nên không ngại từ bỏ mình, vác thập giá, và hy sinh
chính mình. Tình yêu là hiệp nhất, nên yêu mình là cách thức và là căn nguyên hợp
nhất.
-
Với tha nhân. Yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân vẫn
là một tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa. Không phải chúng ta yêu tha nhân mà
chính Thiên Chúa yêu mến họ trong chúng ta. Tha nhân không phải là phương tiện
để yêu mến Thiên Chúa, nhưng là cứu cánh. Nên ta chỉ thực sự yêu tha nhân vì
chính họ, cũng là yêu mến Thiên Chúa trong chính tha nhân.
-
Với vũ trụ vạn vật.
Yêu mến Thiên Chúa khiến ta yêu mến muôn loài muôn vật trong vũ
trụ mà Ngài đã tạo thành (GS 37, 4). Mỗi người là một tổng thể hay một hợp thể
của toàn thể vũ trụ. Mọi sự ở trong ta và ta ở trong mọi sự. Bản thân, tha nhân,
vạn vật, tự bản chất đã liên kết làm một trong Thiên Chúa. (x.1Cr 3, 22-23).
Trong tương quan mầu nhiệm như vậy, nên bất cứ hành vi nào
ngược với Đức Mến đều là tội lỗi. Sự thánh thiện cũng vậy, không hệ tại ở các đặc
sủng hay hiện tượng thần bí, nhưng là sống Đức Mến ở mức độ cuối cùng. Vì thế, Đức Mến là “hồn” của
các nhân đức (x. 1Cr 3,1-3). Một công việc được đánh giá cao không dựa vào
thành tích lớn lao, nhưng dựa vào lòng mến.
Đức Mến là lý tưởng thiện toàn mà chúng ta
mỗi ngày phải từng bước xích lại gần hơn. Cần chấp nhận sự yếu đuối và thất bại
của mình mà không buồn phiền, thất vọng. Khi được đức mến chiếm hữu, ta sẽ tràn
đầy quyền năng của tình yêu: có thể làm bất cứ việc gì, đương đầu với bất cứ điều
gì, chịu đựng bất cứ cái gì, để đem lại thiện ích cho mình và tha nhân. Mọi sự
rồi sẽ qua đi, nhưng lời nói yêu thương, việc làm yêu mến sẽ tồn tại muôn đời.
-
Tình yêu và việc làm
Vấn đề được nêu lên:
Đức Mến cốt yếu ở “tình” hay ở “việc”? Thánh
Gioan khuyên: “Chúng ta đừng yêu thương
nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm”
(1Ga 3,18). Nhưng khi quá chú trọng đến công việc, ta lại quên nguồn gốc của nó
là tình yêu. Nếu người làm cha làm chồng mà quá bận rộn công việc, không còn giờ
bên vợ con, thiếu quan tâm và cử chỉ ân cần, hay nóng nảy, gắt gỏng, như vậy
ông có thật sự yêu vợ con? Vợ con có cảm nhận được tình yêu của ông?
Đức Mến phải chứng tỏ qua những công việc cụ thể (bao hàm
hành động, thái độ, cử chỉ, hành vi, ánh mắt, lời nói) nói lên lòng ưu ái. Tuy
nhiên, hành vi cốt yếu của Đức Mến là “yêu” chứ không phải “việc”. Mến Chúa là như thế, ưu tiên không phải là công việc
của Chúa, mà là chính Chúa. Ta có thể làm mọi việc bác ái, nhưng chưa chắc
đã có tình yêu. Vì thế, ngay những người tật nguyền, đau ốm, già yếu, dù không
còn làm được gì, nhưng họ vẫn có thể sống một tình yêu mến cao độ.
Cũng vậy, ta có thể ôm ấp hết mọi người trong con tim, cho
dù ta không thể giúp đỡ hết mọi người theo nhu cầu của họ. Mặt khác, khi nói đến
tâm tình, ta nên hiểu về ý chí chứ không phải là cảm xúc đơn thuần. Yêu
tha nhân không phải chỉ chứng tỏ qua những công việc bên ngoài, nhưng cốt yếu
là tâm tình. Chính tâm tình định hướng cho mọi công việc phải thực hiện như thế
nào.
- Đức Mến
và sự thật
Yêu mến
Thiên Chúa cũng chính là yêu mến sự thật (2Tx 2,10), vì Thiên Chúa là Đấng chân
thật, Ngài yêu thích tâm hồn chân thật (x. Tv 51,8). Sự thật là ánh sáng trao
ban ý nghĩa và giá trị cho tình yêu. Không có sự thật, tình yêu hóa thành cảm
tính, trở thành vỏ ốc trống rỗng, chỉ là sự lấp đầy những gì mình yêu thích. Đó
là nguy cơ lớn mà tình yêu phải đối mặt trong một nền văn hóa thiếu sự thật hay
chân lý. Vì khi đó “tình yêu” trở thành tế vật cho những xúc cảm và lập trường
chủ quan, một từ ngữ bị lạm dụng và nát vụn đến độ mang ý nghĩa đối nghịch.
Sự thật giải
thoát tình yêu khỏi sự hạn hẹp của chủ
nghĩa duy cảm, là thứ tước đoạt nội dung xã hội và tương giao của tình yêu.
Sự thật cũng giải thoát tình yêu khỏi thứ chủ
thuyết duy tín, tước đoạt ý nghĩa nhân văn và vũ trụ của tình yêu, ngăn chận
tình yêu có tầm nhìn nhân bản và phổ quát. Trong sự thật, tình yêu phản ánh niềm
tin vào Thiên Chúa, Đấng vừa là Agape - Tình Yêu, vừa là Logos - Lời Chân Lý. (DCE
3).
Đức Mến
là nền tảng mọi nhân đức, nên nó biểu hiện cốt lõi bên trong hơn là những hành
vi bên ngoài; biểu lộ tâm hồn hơn là với kiểu cách hành động. Tuy Đức Mến không
nói với chúng ta những gì phải làm cách cụ thể, nhưng điều cơ bản là nó giải
tỏa áp lực của tính duy ngã, thúc đẩy ta sống trung tín, công bằng tiết độ, nhiệt
tình, can đảm... “Như nước dập tắt lửa thế
nào thì Đức Mến cũng tiêu hủy tội lỗi như thế.” (Thánh Gioan Thiên
Chúa).
Trong tác phẩm Anh em nhà Karamazov của Dostoevsky có
đoạn như sau: “Bạn phải yêu thương tất cả
những gì mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên. Nếu bạn yêu thương tất cả mọi sự, thì bạn
cũng sẽ nắm bắt được mầu nhiệm có trong tất cả mọi sự”. Nhà danh họa Van
Gogh, đã nói một câu tương tự: “Cách thức
tốt nhất để nhận biết Thiên Chúa là yêu thương tất cả”.
Tình
yêu là một điều rất tự nhiên trong đời sống con người, ai chẳng muốn yêu và được
yêu, vì tình yêu đem lại niềm vui và hạnh phúc cho nhau. Tuy nhiên, khi đi vào
cuộc sống với những va chạm, tình yêu dễ bị lệch lạc, và nhiều khi mâu thuẫn
ngay trong chính mình. Tội lỗi đã làm hư hỏng từ bên trong con người, nên tình
yêu cũng dễ bị hoen ố và hư hoại.
Thông
điệp Deus Caritas est cho thấy: chưa
bao giờ hai chữ “tình yêu” bị lạm dụng như ngày hôm nay. “Yêu” là một từ ngữ được
sử dụng nhiều nhất, nhưng lại dễ gây hiểu lầm nhất. Có nhiều loại “tình” chỉ là
sự trá hình của tình yêu đích thực. Để biết yêu và đón nhận tình yêu đúng nghĩa
thì quả thực gian nan, trắc trở:“Đoạn trường
ai có qua cầu mới hay”. Để yêu thương thì phải chấp nhận đau thương. Tuy
nhiên, chiến thắng sau cùng vẫn là tình yêu. Tình yêu đem lại cho ta một sự sống
mới trong an bình và hạnh phúc, đưa ta tới một khung trời tươi sáng và hưởng kiến
Thiên Chúa sau đêm dài của thử thách và thanh luyện.
Chúng
ta không bao giờ gặp được tình yêu trong tình trạng đã tốt đẹp và sẵn có, nhưng
phải làm tăng trưởng mãi, vì là một tiến trình vươn tới sự hoàn thiện. Đã là tình yêu của Đức mến thì không mong chiếm hữu mà tìm thấy niềm vui trong sự trao ban. Tình yêu này vẫn tỏa lan khi người khác
không đáp trả, không biết ơn, không dễ thương, không xứng đáng.
- Tình mến của người Samari nhân hậu (Lc 10, 25-37).
Chúa Giêsu
làm nổi bật đức mến khi đưa ra dụ ngôn người Samari nhân hậu cứu giúp người Do
Thái bị trấn lột trên đường Giêricô. Đang khi thầy Tư tế và Lêvi cố tình né
tránh tình trạng dở sống dở chết của người anh em đồng đạo, thì người Samari
ngoại giáo lại tha thiết chú tâm đến nạn nhân. Anh ta làm tất cả những gì có thể
làm được để cứu người bị nạn, không sợ liên lụy hay hao tốn tiền của, dù nạn
nhân đó là người xa lạ và gần như là kẻ thù. Anh ta hành động vì tiếng nói của
con tim, bất chấp nguy hiểm. Còn thầy Tư tế và Lêvi thì hành động theo lý lẽ và
lề luật, lo vào đền thờ để dâng tiến hy lễ. Họ làm ngược lại lời Thiên Chúa mà
họ vẫn đọc: “Ta muốn tình yêu chứ không cần
hy lễ” (Hs 6,6).
Qua dụ ngôn, “Chúa
Giêsu dạy ta bắt chước người Samari nhân hậu, là biểu hiện của chính Ngài. Hãy
lên đường với trái tim; lắng nghe với trái tim; hành động với trái tim. Hãy đi
trên đường của trái tim. Hãy để trái tim tham dự vào mọi lời nói, cử chỉ, suy
nghĩ. Hãy mang theo trái tim trên khắp mọi nẻo đường. Con đường đi với trái tim
chính là con đường dẫn đến sự sống đời đời”[4].
- Tình
Mến của Phêrô (Ga 21,15-19)
Tình mến của
Phêrô rất gần gũi với chúng ta là những con người yếu đuối. Ông đã sẵn sàng từ
bỏ mọi sự để theo Thầy (x. Mt 4,18-20); mạnh dạn tuyên xưng đức tin (x. Mt
16,16); quyết sống chết với Thầy (x. Mt 26,33-35); rút gươm bảo vệ Thầy (x. Mt
26,51). Quả là một tình yêu không mạnh mẽ, nhưng ngay sau đó là yếu đuối, kém
tin, sai lạc, vấp phạm, nhát đảm, và sau cùng là chối Thầy. Khi nhận ra cái
nhìn tràn đầy tình thương của Thầy, ông đã ra ngoài “khóc lóc thảm thiết”. Dù hèn kém, dù thất bại ê chề, dù chẳng còn
ra gì, ông vẫn nhiệt tình yêu mến Thầy.
Gặp lại sau phục sinh, Chúa Giêsu lại nhìn ông và hỏi: “Simon Phêrô, anh có mến Thầy không?”. Ngài hỏi Phêrô đến ba
lần về tình yêu mến trước khi giao nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên cho ông. Dưới cái nhìn của thánh sử Gioan, thì
Chúa xây dựng Hội Thánh trên Đức Mến của thủ lãnh, của cộng đoàn. Chỉ với lòng yêu
mến, Phêrô mới hoàn thành trách vụ lớn lao. Đức mến cao trọng hơn tất cả là vì thế!
Chúa Giêsu không đòi hỏi gì khác ngoài tình
yêu là điều kiện tối ưu để Ngài giao trách nhiệm. Quả thật, “thế giới sẽ thuộc
về tay ai biết yêu mến!” (Gioan Vianey).
Tạm
kết
Chúng ta đã đào sâu ba nhân đức
Tin, Cậy, Mến. Cả ba nhân đức đều là ân ban của
Thiên Chúa và qui hướng về Thiên Chúa là cùng đích. Cả ba nhân đức đều bén rễ từ
ba nhu cầu căn bản của con người: nhu cầu
hiểu biết chân lý; nhu cầu tìm kiếm hạnh phúc; nhu cầu yêu thương và được yêu
thương. Nhu cầu thứ ba của Đức Mến mới là nhu cầu lớn nhất, thâm sâu nhất,
để có thể hoàn thành cuộc đời mình trong chương trình của Thiên Chúa.
Tuy là ba nhân đức với ba thái
độ sống khác nhau, nhưng cũng chỉ một thực tại sống động, tức là mối tương quan
tình nghĩa của con người đối với Thiên Chúa và với nhau. Cả ba nhân đức đều hợp thành một
tâm tình sống duy nhất, không thể tách rời:“Ðức tin mà không có đức cậy và đức mến, sẽ
không kết hợp trọn vẹn người tín hữu với Ðức Kitô, và không làm cho họ trở nên
chi thể sống động trong Thân Thể Ngài” (GLGH 1815).
Hãy nhìn về Đức Maria, Mẹ của
lòng Tin, Cậy, Mến. Cả ba phẩm tính này đã đúc kết nên sự duy nhất trong
toàn thể con người Mẹ, đã hòa nhập nên một trong trái tim Mẹ. Và cuối cùng với
đỉnh cao là Đức Mến trong sự sống muôn đời, “Mẹ đã trở thành nguồn suối của
lòng từ bi nhân hậu tuôn chảy từ Thiên Chúa cho nhân loại” (DCE 42).
Lm.
Thái Nguyên
[1] Eros
là tình yêu nhục dục theo bản năng, mang tính vị kỷ, chiếm đoạt. Kitô giáo
không phủ nhận tình yêu này, nhưng nó phải nằm trong tiến trình thanh lọc và
trưởng thành, để hướng đến tình yêu Agape, là tình yêu vị tha, dâng hiến, thì mới
phù hợp với phẩm giá con người. Quan niệm tình yêu của Kinh Thánh không tách lìa với
quan niệm tình yêu của nhân loại, nhưng mở
ra những chiều kích mới cho tình yêu. Tình yêu là một thực tại duy nhất, dù có nhiều chiều kích: đừng để các chiều kích hoàn toàn biệt lập, tình yêu sẽ trở
thành bức hí hoạ. Tình yêu hướng tới đời đời, là con đường luôn mở để vượt qua cái
“tôi” khép kín, là tình yêu hy sinh để gặp được chính
mình và Thiên Chúa (Lc 17, 33) (x. Deus veritas est, số 3-8).
[2] Đức Bênêđictô, Sứ điệp hướng về ngày Quốc Tế Giới Trẻ
2013.
[3] Françoir de Sales, traite
de l’amour de Dieu, x, 1.
[4] Đức Cha Ngô Quang Kiệt, Chia Sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật 15 Thường Niên C.