GIỚI TRẺ TRUYỀN GIÁO

 

Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội với sứ mạng loan báo Tin Mừng (x. Mc 16,15). Giáo Hội từ hơn hai ngàn năm qua đã cố gắng thi hành sứ mạng này dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, bằng gương mẫu đời sống, lời giảng dạy và các Bí tích, để dẫn đưa mọi người đến với đời sống đức tin.

Có rất nhiều phương thế để loan báo Tin Mừng. Dù bằng phương thế nào, thì hoạt động của Giáo Hội bao giờ cũng phải đặt sứ vụ truyền giáo lên mức ưu tiên hàng đầu. Sứ vụ đó luôn bao gồm một lời công bố rõ ràng: “Trong Đức Kitô… ơn cứu độ được cống hiến cho mọi người, như một quà tặng của ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa; đó chính là nền tảng, là tâm điểm, và đồng thời là tột đỉnh của động năng việc rao giảng. Mọi hình thức hoạt động truyền giáo đều hướng tới việc rao giảng này, nó tỏ lộ và dẫn tới mầu nhiệm vốn được giữ kín từ bao thế hệ và đã được mặc khải trong Đức Kitô - tâm điểm của việc truyền giáo” (x. RM 44; EN 22).

Giới trẻ là thành phần năng động nhất mà các Đức Giáo Hoàng gần đây đều quan tâm rất nhiều, như Đức Bênêđictô XVI, Đức Gioan Phaolô II, Đức Phanxicô. Các ngài mời gọi các bạn trẻ hãy hăng say dấn thân vào sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Các bạn trẻ chúng ta hãy cùng nhau suy tư và nghiền ngẫm những lời tâm huyết của các ngài như là lời của chính Chúa Giêsu gửi đến cho chính bản thân mình.

1. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI

Nhân dịp ngày Quốc Tế giới trẻ 2013, tại thành phố Rio de Janeiro Brazil, Đức Thánh Cha đã khẩn thiết mời gọi giới trẻ hãy sống sứ mạng truyền giáo, với chủ đề: Hãy Đi Và Làm Cho Muôn Dân Trở Thành Môn Đệ” (Mt 28,19).

- Hãy dám ra khỏi mình theo tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa

Mở đầu Sứ điệp trên, Đức Thánh Cha lên tiếng như sau: “Các con thân mến, cha hạnh phúc vì thấy các con đang dấn thân vào sứ mạng truyền giáo, một sứ mạng đã vươn ra tới mọi ngõ ngách của thế giới, để làm cho Đức Kitô được biết đến, như là một món quà quý giá nhất mà các con có thể trao ban cho người khác...”

Để được như vậy, Đức Thánh Cha đưa ra phương cách: “Các con hãy để cho chính mình được dẫn dắt bởi tình yêu Thiên Chúa. Hãy để cho tình yêu đó giúp các con vượt qua mọi khuynh hướng khép kín lại nơi thế giới, nơi các vấn đề và thói quen của mình. Hãy can đảm để “đi ra” khỏi mình, “để đến” với người khác và chỉ cho họ thấy con đường gặp gỡ Thiên Chúa...”

“Cha muốn mỗi người trong các con hãy tự vấn chính mình: Tôi đã bao giờ có đủ can đảm để đề nghị một người trẻ lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội chưa? Tôi đã bao giờ mời gọi ai đó dấn thân vào hành trình khám phá niềm tin Kitô giáo chưa? Các bạn thân mến, đừng e ngại đề nghị một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô cho con người trong thời đại hôm nay. Hãy cầu xin sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ chỉ cho các bạn con đường để hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn, và để trở nên đầy sáng tạo trong việc loan báo Tin Mừng”.

- Cắm rễ sâu nơi Đức Kitô trong cầu nguyện

Đức Thánh Cha khuyên nhủ: “Khi loan báo Tin Mừng, chính các con lớn lên trong đức tin vì được cắm rễ sâu nơi Đức Kitô và trở thành những người Kitô hữu trưởng thành. Chúng ta không thể trở thành những tín hữu đích thực nếu không loan báo Tin Mừng. Việc loan báo Tin Mừng chỉ có thể là kết quả của niềm vui lãnh nhận từ cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Kitô và thấy rằng Ngài là viên đá sống động mà chúng ta xây đắp cuộc đời mình trên đó. Khi lao tác để giúp đỡ người khác và loan báo Tin Mừng cho họ, thì chính đời sống các con vốn bị phân tán vì quá nhiều hoạt động, sẽ tìm thấy sự hội nhất nơi Thiên Chúa”.

Tuy nhiên, để trở nên một nhà truyền giáo thì Đức Thánh Cha cho biết, trước hết phải trở nên môn đệ đích thực của Đức Kitô. Điều này đòi ta phải “lắng nghe sự mới mẻ trong lời mời gọi theo Ngài và cậy dựa vào Ngài... Môn đệ là người chú ý đến lời của Đức Giêsu; là người hiểu rằng Đức Giêsu là Thầy và là Đấng đã yêu thương chúng ta đến nỗi hiến mạng sống mình vì chúng ta. Vì thế, mỗi người trong chúng ta nên để cho mình được khuôn đúc bởi lời của Thiên Chúa mỗi ngày. Điều này làm cho ta trở thành bạn của Thiên Chúa, Đức Giêsu, và có thể dẫn những người trẻ khác đến và trở nên bạn với Ngài”.

Đức Thánh Cha khuyến khích các bạn trẻ hãy nhớ đến những quà tặng đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, để đến lượt họ cũng có thể trao ban cho người khác: “Hãy đọc lại lịch sử cá nhân đời mình. Hãy ý thức về những di sản tuyệt các con đã lãnh nhận được từ các thế hệ trước... Chúng ta đừng bao giờ quên mình là những mắt xích quan trọng trong một dây chuyền vĩ đại, nơi đó những người nam và người nữ đã thông truyền chân lý đức tin và họ cần chúng ta để có thể thông truyền nó cho người khác”.

Ngài còn nêu lên một xác tín thâm sâu rằng: “Phúc Âm Hoá luôn khởi đi từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Những người đã đến với Đức Giêsu và đã kinh nghiệm về tình yêu của Ngài, lập tức họ sẽ muốn chia sẻ vẻ đẹp và niềm vui phát sinh từ tình bạn có được với Đức Kitô. Càng biết về Đức Giêsu, chúng ta càng muốn nói về Ngài. Càng thưa chuyện với Đức Kitô, chúng ta càng khao khát để nói về Ngài. Càng để Đức Giêsu chiếm đoạt mình, chúng ta càng khao khát lôi kéo người khác về với Ngài...”.

Đức Thánh Cha cũng cho thấy thực tế là:Đối diện với những khó khăn của sứ mạng loan báo Tin Mừng, lắm khi các con dễ bị cám dỗ để từ chối như ngôn sứ Giêrêmia: “Ôi! Lạy Ðức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!”. Tuy nhiên đối với các con, Thiên Chúa cũng phán rằng: “Ðừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi” (Gr 1, 6-7). Trong việc loan báo Tin Mừng và làm chứng tá đức tin, nếu khi các con thấy mình không xứng đáng, thiếu khả năng và yếu kém, các con đừng sợ hãi gì! Việc loan báo Tin Mừng chẳng phải do sáng kiến của chúng ta và cũng chẳng tùy thuộc vào tài năng của chúng ta. Nó là một sự đáp ứng đầy tin tưởng và vâng theo lời mời gọi của Thiên Chúa, không dựa trên sức riêng của chúng ta, nhưng là dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa” (2Cr 4, 7).

“Vì thế cha mời gọi các con hãy bén rễ trong cầu nguyện và trong các Bí Tích…. Thời gian các con lắng nghe và thưa chuyện với Chúa Giêsu hằng hiện diện trong Mình Thánh sẽ trở nên nguồn lực mới mẻ Cho lòng hăng say mới trong việc truyền giáo”.

- Lãnh vực truyền giáo

Đức Thánh Cha nhấn mạnh hai lãnh vực mà người trẻ có thể dấn thân truyền giáo:

1)- Lãnh vực truyền thông xã hội, đặc biệt là Internet[1]:

Các con hãy đưa vào nền văn hóa của môi trường truyền thông mới này, những giá trị vốn làm nền tảng cho cuộc sống của các con. Các con là những người trẻ hầu như cảm thấy tự nhiên hợp với các phương tiện truyền thông mới mẻ ấy, các con có nghĩa vụ đặc biệt loan báo Tin Mừng trong đại lục kỹ thuật số này. Vậy các con hãy biết sử dụng phương tiện này một cách khôn ngoan, để ý đến cả những cạm bẫy chứa đựng trong đó, đặc biệt là nguy cơ nghiện nó, lẫn lộn thế giới thực tế với thế giới tiềm thể, thay thế cuộc gặp gỡ và đối thoại trực tiếp với con người bằng những tiếp xúc trên mạng”.

2)- Lãnh vực thứ hai là môi trường lưu động:

Ngày nay, ngày càng có nhiều bạn trẻ du hành, vì học hành, vì công ăn việc làm hoặc để giải trí. Các con đừng sợ làm chứng cho đức tin của các con cả trong những bối cảnh đó: thông truyền niềm vui vì gặp gỡ Chúa cho những người các con gặp, đó thực là một món quà quí giá”.

Ngài cũng gợi lại tượng Chúa Cứu Thế ở thành Rio de Janeiro đang mở rộng đôi tay và con tim cho tất cả mọi người: Các con chính là con tim và vòng tay của Chúa Giêsu! Các con hãy ra đi làm chứng về tình thương của Chúa, hãy trở thành những thừa sai mới, được tình thương và tinh thần hiếu khách linh hoạt! Hãy noi gương các nhà đại truyền giáo của Giáo Hội, như thánh Phanxicô Xaviê và bao nhiêu vị khác”.           

2. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Đức Gioan Phaolô II được biết đến như là một Giáo Hoàng của giới trẻ ngay từ những năm đầu triều đại Giáo Hoàng của ngài. Không chỉ là sự gần gũi, thân thiện với các bạn trẻ mà ngài còn là nguồn cảm hứng và động lực cho người trẻ vững bước trên hành trình đức tin giữa thời đại hôm nay. 

Ngài cũng chính là vị Giáo Hoàng đầu tiên có sáng kiến thành lập Ngày Đại hội Giới trẻ thế giới từ năm 1984 và tổ chức hai năm một lần ở nhiều châu lục khác nhau. Trong những dịp đặc biệt này, ngài đích thân hiện diện với giới trẻ, lắng nghe họ và cùng họ cầu nguyện. 

Tiếp đến, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được biết đến là người truyền lửa nhiệt huyết cho giới trẻ. Với lời tuyên bố mạnh mẽ: “Đừng sợ”, ngay trong bài diễn văn nhậm chức, ngài đã nói lên sự luôn tin tưởng và phó thác vào sự quan phòng của Chúa trong lịch sử và trong Giáo Hội. 

Với xác tín đó, ngài cũng đã mạnh mẽ kêu gọi các bạn trẻ: “Các con đừng sợ, hãy đi đến mọi ngõ phố, mọi nơi công cộng, giống như các tông đồ đầu tiên để loan báo Đức Kitô và Tin mừng cứu độ cho mọi nơi. Đừng xấu hổ vì Tin mừng. Đây là lúc phải rao giảng trên mái nhà… chính các con là những người hãy lên đường đến với mọi nơi và mời gọi mọi người đến dự bữa tiệc mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho dân Ngài” (tại Hoa Kỳ, 1993).  Hơn thế nữa, tại Roma năm 2011 ngài còn nói với các bạn trẻ: “Chúng ta đừng sợ hãi, vì Đức Kitô có thể thay đổi lòng con người. Người sẽ thực hiện những ‘mẻ lưới lạ’ vào chính lúc chúng ta không ngờ tới”

Cuối cùng, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II luôn xem giới trẻ là niềm hy vọng của Giáo Hội và mời gọi họ trở nên chứng tá của Đức Kitô trên cánh đồng truyền giáo. Ngài đã nói với giới trẻ năm 1985 rằng: “Công cuộc loan báo Tin Mừng cho thế giới vào những thập kỷ tương lai tuỳ thuộc vào các bạn. Các bạn hãy làm cho Giáo Hội tươi trẻ nhờ sự hiện diện thân thiện của các bạn”. Với những lời tâm huyết trên đây, Đức Gioan Phaolo II đã phó thác cho các bạn trẻ sứ mạng truyền giáo. Ngài mời gọi họ trở nên quảng đại cộng tác làm cho ánh sáng Tin Mừng được lan tỏa trong cuộc đời. 

Trong xã hội hôm nay, giữa nhiều xáo trộn, không ít các bạn trẻ đang khao khát tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, và điều này sẽ đến khi các bạn nhận ra Chúa – là nguồn hạnh phúc thật. Ngài không ngần ngại khẳng định: “Chính các bạn trẻ là tông đồ cho các bạn trẻ”. Thật vậy, các bạn sẽ trở nên tông đồ đích thực khi làm toát lên hình ảnh một Đức Kitô sống động trong cuộc đời các bạn. 

Bên cạnh đó, luôn ưu tư về tình trạng thiếu linh mục tu sĩ trong thế kỷ hiện tại, mỗi lần gặp gỡ các bạn trẻ, ngài đều kêu mời họ quảng đại dấn thân trên con đường dâng hiến, trở nên môn đệ Chúa Giêsu trong ơn gọi linh mục và tu sĩ. Những lời mời gọi đó khơi dậy ơn gọi trong các bạn trẻ và đã có không ít bạn đáp lại lời mời gọi đó. 

Một cách mạnh mẽ, Đức Gioan Phaolô II nói lên lời tâm huyết: “Để thay đổi thế giới, chúng con phải thay đổi cách sống. Trong cuộc sống hưởng thụ hôm nay, có biết bao cám dỗ đang vây quanh chúng con và làm cho chúng con thành nạn nhân của những truỵ lạc. Chúng con đừng sống một cách hời hợt, chung chung, nhưng hãy có đời sống nội tâm sâu xa. Chúng con hãy dùng thời giờ để cầu nguyện, để suy tư và sống trong sự thật, nhờ đó chúng con có được mối liên hệ thân tình với Chúa và với anh chị em mình” (tại Namur, 1985). 

Qua những dòng suy tư trên về Giáo Hoàng Gioan Phaolô II – vị Thánh của người trẻ, chúng ta cùng ý thức lại vai trò của mình trong Giáo Hội cũng như xã hội. Tương lai thế giới đang đợi chờ các bạn và chính các bạn là niềm hy vọng của Giáo Hội. 

3. Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới Năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các bạn trẻ hãy đi ra: “Các bạn trẻ thân mến, đừng để cho tính năng động của tuổi trẻ bị dập tắt trong bóng tối của một căn phòng khép kín trong đó cửa sổ duy nhất thông ra thế giới bên ngoài là máy tính và điện thoại thông minh. Hãy mở rộng cánh cửa của cuộc sống các bạn! Cầu xin cho thời gian và không gian của các bạn tràn ngập những mối quan hệ có ý nghĩa, những người thực, là những người các bạn chia sẻ kinh nghiệm thực và cụ thể của bạn về cuộc sống hàng ngày”.

Đức Thánh Cha hy vọng nhiều vào giới trẻ. Ngài nói: “Người trẻ là niềm hy vọng của sứ vụ truyền giáo. Con Người của Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng mà Người công bố tiếp tục thu hút nhiều người trẻ. Họ tìm cách hiến thân phục vụ nhân loại với lòng can đảm và nhiệt tâm. Có nhiều người trẻ đang cung cấp sự đoàn kết của họ chống lại các sự dữ của thế gian và tham gia các hình thức khác nhau của đấu tranh và hoạt động tình nguyện…. Đẹp thay khi thấy rằng các người trẻ đang là ‘những người rao giảng ngoài đường’, vui sướng đem Chúa Giêsu ra mọi nẻo đường, mọi quảng trường của thành phố, đến mọi ngóc ngách của trái đất!”. 

Trong Sứ Điệp Truyền Giáo Năm 2018, Ngài mời gọi: “Các bạn trẻ thân mến, tận cùng trái đất, đối với các bạn ngày nay, thật là tương đối và luôn dễ dàng lướt trong đó, đó là thế giới tiềm thể, kỹ thuật số, các mạng xã hội đang tràn ngập và xuyên qua chúng ta, xóa bỏ mọi khoảng cách, thu hẹp những khác biệt. Dường như tất cả ở trong tầm tay, tất cả đều gần kề. Nhưng nếu không có ơn can dự của cuộc sống chúng ta trong đó, thì dù có vô số các tiếp xúc, chúng ta sẽ không bao giờ đi sâu vào một cuộc sống hiệp thông thực sự. Sứ mạng truyền giáo cho đến tận bờ cõi trái đất đòi phải có sự hiến thân trong ơn gọi được Chúa ban cho chúng ta, Đấng đã đặt chúng ta trên trái đất này (x.Lc 9,23-25). Tôi dám nói rằng, đối với một người trẻ muốn theo Chúa Kitô, điều thiết yếu là tìm kiếm và gắn bó với ơn gọi của mình”.

Trọng tâm của sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội là sự lây lan của tình yêu, nơi đó niềm vui và lòng nhiệt thành được diễn tả bằng ý nghĩa mới khám phá và đầy đủ trong đời sống. Việc lan truyền của đức tin qua “sự thu hút” đòi hỏi những con tim biết cởi mở và biết đưa vòng tay ôm rộng vì tình yêu. (x.Sứ điệp Truyền giáo 2018). Như mọi người khác, người Công giáo cũng đang hiện diện tại mọi môi trường xã hội hôm nay. Chúng ta cũng làm ăn sinh sống trong mọi lĩnh vực: kinh doanh, sản xuất, buôn bán… với mọi hoàn cảnh từ thương gia đến kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, công nhân viên. Cũng làm việc, cũng mưu sinh, nhưng chúng ta làm việc với tinh thần khác: tinh thần công bình bác ái và phục vụ hy sinh.

Trong bài giảng chính thức của Ngày Quốc tế giới trẻ lần thứ 28 tại Brazil, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích chủ đề ra đi rao giảng Tin Mừng (Mt 28,19) trong ba từ: Hãy ra đi - không sợ hãi - để phục vụ: “Các con hãy ra đi, không sợ hãi, để phục vụ. Khi sống theo 3 lời này, các bạn sẽ cảm nghiệm được rằng người rao giảng Tin Mừng thì cũng được trở nên Tin Mừng. Ai thông truyền niềm vui đức tin, thì cũng nhận được niềm vui... Khi Chúa sai ngôn sứ Giêrêmia, Ngài ban cho ông quyền được “loại bỏ và phá đổ, phá hủy và san bằng, xây dựng và vun trồng” (Gr 1,10). Cả các bạn cũng như thế. Mang Tin Mừng là mang sức mạnh của Thiên Chúa để nhổ bỏ và phá hủy sự ác và bạo lực; để phá tan và đạp đổ những hàng rào ích kỷ, bất bao dung và oán thù; để kiến tạo một thế giới mới. Chúa Giêsu Kitô hy vọng nơi các bạn! Giáo Hội cậy dựa vào các bạn! Giáo Hoàng hy vọng nơi các bạn! Xin Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ chúng ta luôn tháp tùng các bạn với sự hịu hiền của Mẹ: Các con hãy ra đi và làm cho mọi dân tộc thành môn đệ!”.

Kết luận

Sứ mạng truyền giáo là nhiệm vụ bức thiết của Giáo Hội, như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Sứ mệnh của Chúa Kitô Cứu Thế được trao phó cho Giáo Hội vẫn đang còn nhiều dang d... Nhìn vào số đông nhân loại chưa biết Chúa cũng đủ cho thấy rằng sứ mệnh này mới chỉ đang ở những bước đầu tiên và chúng ta còn cần phải dồn hết mọi nỗ lực của mình cho công trình này” (RM 1).

Cánh đồng truyền giáo vẫn còn mênh mông bát ngát. Cần phải tận dụng mọi cơ hội để đưa Chúa Giêsu và Phúc Âm của Ngài đến cho mọi người. Hơn bao giờ hết, lời Chúa Giêsu vẫn vang lên trong tâm hồn mỗi người chúng ta hôm nay: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10, 2).

Riêng đối với Giáo Hội Việt Nam, thợ gặt bây giờ không thiếu, chỉ thiếu lửa hăng say nhiệt thành, thiếu đời sống hy sinh và cầu nguyện, thiếu khôn ngoan và đạo đức, thiếu tổ chức và đào luyện cũng như hợp tác với nhau. Vì quá thiếu nên tay nghề thợ gặt quá yếu. Lời cầu xin phải đi kèm với nỗ lực quyết liệt của chúng ta, chứ không thể khoán trắng cho Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục chúng ta qua Tông Huấn đầu tiên của Ngài: “Hãy lên đường, hãy lên đường cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Kitô…Tôi muốn thấy một Giáo Hội bị bầm giập, tổn thương và lấm lem trên đường dấn thân, chứ không phải là một Giáo Hội 'xanh xao vàng vọt' vì sống đóng khung và bám víu vào chu vi hàng rào an toàn của riêng mình… Tôi không muốn có một Giáo Hội chỉ lo cho mình phải là 'cái rốn của vũ trụ', và sau đó, kết thúc bằng việc bị giam cầm giữa một mạng lưới định kiến và thủ tục”; “…bao nhiêu người đang chết đói trước cửa nhà chúng ta, và Chúa Giêsu vẫn không mệt mỏi nhắc nhở chúng ta: "Chính anh em hãy cho họ ăn đi” (x. Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, s.48.49).

Giới trẻ là lớp người tràn đầy sinh lực để mở ra một sự sống mới cho chính mình và mọi người. Sự sống mới đó không ai khác là chính Đức Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Phúc thay cho bạn nào dám đầu tư toàn thể sinh lực của của cuộc mình cho Nước Chúa, vì đó chính là nguồn sống vô biên, là toàn thể ý nghĩa và giá trị mang tính vĩnh cửu cho cuộc đời mình. Sự đầu tư toàn thể này không chỉ dành cho ơn gọi tu trì nhưng cho mọi người trẻ trong chính môi trường xã hội và nghề nghiệp của mình, trong những tình huống cụ thể của đời sống gia đình và hoàn cảnh của mình, khi nghe được tiếng Chúa vang lên từ chính trái tim mình.

 

Lạy Chúa Giêsu! Ước chi con ý thức được ý nghĩa cao cả của đời mình là ra đi cho một sứ mạng – sứ mạng loan báo Tin Mừng – nối tiếp sứ mạng của Chúa, Đấng cứu độ trần gian.

Tuy nhiên, trước tiên con cần được Lời Chúa thanh tẩy, thấm nhuần và đổi mới bản thân con. Chỉ khi con trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn, Chúa Thánh Thần mới có thể thực hiện nơi con sứ mạng của chính Chúa, Đấng muốn hành động qua chúng con để đem lại niềm vui ơn cứu độ cho nhân loại. Amen.

 

Lm. Thái Nguyên


Tu Đức



[1] Sứ điệp nhân Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 43 ngày 24-5-2009.