TỪ TRÊN THẬP GIÁ
Bảy lời sau cùng của Chúa Giêsu trên Thập tự
1. “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ” (Lc 23,
34).
Câu nói đầu tiên của Chúa Giêsu trên thập giá là
lời tha thứ, lời của một trái tim chan chứa yêu thương. Chúa chịu chết để mong
xóa đi mọi tội lỗi của ta, để ta được nên tinh tuyền và thánh thiện nhờ tình
thương của Ngài (Ep 1, 4). Dù tội lỗi của chúng ta có lớn lao
đến mức độ nào chăng nữa thì cũng nằm trong tình yêu thương tha thứ của Ngài.
Trái
tim biết tha thứ là trái tim của TC : một trái tim kết nối và hiệp thông, một trái
tim của nhân nghĩa và chính trực, một trái tim của an vui và hòa bình
Chúa
tha thứ cho chúng ta cũng là mong chúng ta hãy biết tha thứ cho nhau (Lc 6, 37;
Mt 6, 14-15). Không có gì là không thể tha thứ được với một tâm hồn muốn sống
trong hạnh phúc yêu thương, như Chúa đã yêu thương ta.
2. “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23, 43).
Chúa
chết đi là để trao ban Thiên đàng cho người tội lỗi biết thật lòng ăn năn sám
hối. Chúa mong muốn cứu rỗi ta còn hơn chính ta mong muốn. Hãy nói lên tiếng
nói đón nhận Ngài từ chính con tim mình, để Ngài có thể trao ban cho ta tất
cả.
Dù
đang phải khốn khổ, nhưng người trộm lành vẫn biết hướng đến nỗi khốn khổ của
người bên cạnh. Tấm lòng nhân ái đó đã giúp ông nhận ra Chúa Giêsu, Đấng biến
nỗi đau thương của ông thành vinh phúc ngàn đời.
Một
cách nào đó Chúa cũng đang chịu đau thương cùng với chúng ta, bên cạnh chúng ta.
Đừng quay quắt với những nỗi đau của mình, nhưng hãy bước ra khỏi chính mình để
nhìn xuống với tâm tình cảm thông với anh em, và nhìn lên với tấm lòng cậy
trông vào Chúa.
Điều
quan trọng không phải là những lỗi lầm, nhưng sự nhận thức và thái độ phía sau
những lỗi lầm mới là đáng kể. Mọi sự đều tùy thuộc vào tấm lòng. Giữa những đau
thương ta cần có được tấm lòng chân thật và khiêm tốn như người trộm lành.
3. “Thưa Bà, đây là con
của Bà”.(Ga 19, 26).
Qua Thánh Gioan, Chúa trối phú ta làm con Đức
Maria, một người nữ tuyệt vời có một không hai trong nhân loại. Mẹ là kho tàng
thiêng liêng vô giá mà TC đã làm nên cho con người, là tình yêu thẳm sâu và cao
quí nhất của Chúa Giêsu mà Ngài trao lại cho ta. Hãy đón nhận ân ban bao la này
với lòng cảm mến chan chứa suốt cuộc đời ta.
Qua
Chúa Giêsu tử nạn, Mẹ sinh ra ta bằng máu lệ trong đau đớn nhục nhằn, trong
trái tim bị đâm thâu tan vỡ, để cho ta một đời sống mới trong vòng tay yêu
thương của Mẹ. Hãy phó thác tất cả cuộc sống cho Mẹ với lòng tin tưởng và tha
thiết mến yêu.
Từ nay,
trên con đường bước đi theo Chúa với những vui buồn có Mẹ có con, sướng khổ Mẹ
con chia sớt. Có Mẹ là có tất cả
những gì con mơ ước. Với Mẹ mọi sự
đều có thể. Nơi Mẹ mọi cái nơi con sẽ
được tinh luyện trong sáng. Vì Mẹ
con vui bước dấn thân sống cho mọi người. Trong
Mẹ con tiến vào cõi hạnh phúc ngàn thu cùng với Chúa Giêsu.
4. “Lạy
Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27, 46).
“Eli! Eli! Lamma sabacthani?”. Tiếng kêu
than này trong ngôn ngữ Do Thái phô diễn một mầu nhiệm kinh khủng về sự kiện : Thiên Chúa từ bỏ Thiên Chúa. Thiên Chúa dường
như đã không còn là TC nữa khi Ngài bị tước đoạt trần trụi vì tội lỗi chúng ta.
Kinh nghiệm bỏ rơi cho thấy Chúa Giêsu đang ở mức độ tột cùng của mọi nỗi cô
đơn : bị loài người từ bỏ không nói chi, nhưng dường như bị TC từ bỏ. Thiên
Chúa vẫn có đó như mặt trời vẫn soi sáng ở không trung, nhưng áng mây đen dầy
đặc của tội lỗi nhân loại đã che kín sự hiện diện của Ngài. Dù còn những người
thân yêu đứng bên cạnh, nhưng sự hiện diện của họ chẳng thể bù lấp phần nào sự
cảm nhận trống vắng TC trong tâm hồn. Điều đó cho hiểu rằng, khi con người đánh
mất TC là niềm ủi an duy nhất của đời mình thì tình trạng sẽ ra kinh khủng như
thế nào.
Trong
nỗi đớn đau và cô đơn khủng khiếp Chúa Giêsu đã đền tội cho 3 hạng người : hạng
người từ chối TC; hạng người nghi ngờ sự hiện diện của TC; hạng người lãnh đạm
với TC. Cả 3 hạng người này đều hiển hiện một cách nào đó trong lối sống của
mỗi người, và hậu quả bi thảm của nó mang tính cách nền tảng nhân sinh :
-
Khi từ chối TC, đời sống của con người trở thành hư vô, và mọi sự trong đó chỉ
còn phi lý và vô nghĩa, “cuộc đời đáng nôn mửa” (Jean Paul Sartre).
-
Khi nghi ngờ sự hiện diện của TC, con người trở nên nghi ngờ chính mình; không
thể thiết lập tương quan với TC thì tương quan với tha nhân chỉ còn là vá víu; ý
nghĩa và giá trị cuộc sống bị lung lay; bản thân con người dễ trở thành miếng mồi
ngon cho sự dữ hoành hành.
-
Khi đã lãnh đạm với TC thì cuộc sống và mọi cái trong đó đều trở nên trơ trọi.
Trong sự lãnh đạm đó, tình yêu không thể phát sinh, nên hạnh phúc cũng không
thể thành hình. Trong tâm trạng đó mọi cái đều trở nên vô hồn, hoang vu và
trống rỗng, và cuối cùng, con người là sự bế tắc cho chính mình. Chính vì thế
mà tiếng kêu than của Chúa Giêsu đã vang lên từ trong cô đơn sâu thẳm của lòng
người, cho con người và vì con người.
5. “Tôi khát” (Ga 19, 28)
Trong
đau đớn và tủi nhục, trong sầu thương và cô đơn tận cùng, Chúa Giêsu khao khát
tình yêu. Chúa muốn nhận chịu tất cả vì tình yêu. Dù biết rằng yêu là chấp nhận
tang thương, đổ máu, Chúa cũng vẫn tha thiết yêu cho tới cùng, vì con người là
chóp đỉnh công trình tình yêu của Ngài : “Vì Ngài mà muôn vật được tạo thành”.
Mỗi
người chúng ta nằm trong cơn khát của Chúa Giêsu. Tình yêu Ngài đã trút cạn cho
ta, nên Ngài khao khát chính ta. Ngài đang chờ trái tim ta mở rộng cho nỗi khao
khát của tình yêu Ngài. Lạ lùng thay ! một Thiên Chúa lại khát khao con người.
Đó là điều không thể tưởng, nhưng có thật, cũng giống như mầu nhiệm Chúa làm
người.
Thiên Chúa là Tình Yêu, mà Tình Yêu là cơn khát
khôn nguôi, là dòng chảy khôn xiết, là sức mạnh khôn lường, là sự da diết khôn
tả. Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô là như thế trong cuộc đời mỗi người chúng ta.
Có điều trớ trêu thay, nhiều khi chúng ta không dám tin là như vậy, nhưng thực
sự mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa là như thế. Hãy tin ! hãy cảm thụ cơn khát của
Chúa Giêsu trên thập giá từ chính trái tim mình, để ta không còn sống bâng quơ
và hững hờ trước ngọn lửa tình yêu đang bốc cao như thiêu đốt chính Ngài trong
cơn khát vô cùng.
6. “Mọi
sự đã hoàn tất” (Ga 19, 30)
Chúa Giêsu đã hoàn tất mọi sự theo ý
muốn của Chúa Cha trong kế hoạch cứu chuộc nhân loại. Ngài đã làm tất cả những
gì cần phải làm của một trái tim yêu thương đến tận cùng. Ngài đã hoàn tất để
chúng ta bước vào sự khởi đầu của một đời sống mới. Tuy nhiên một cách thiêng
liêng vô hình, mỗi linh hồn xa lạc vẫn còn là một đồi Canvê hành hình, mỗi tội
phạm vẫn là một Thập Giá mới treo thân Chúa não nề.
Con người và thập giá là hai hình ảnh
không thể tách rời trong cuộc sống nhân loại. Ngày nào con người còn là thập
giá còn. Con người không thể coi thập giá như sự đối chọi nghiệt ngã của đời
sống mình, nhưng phải coi như một sự tương tác để tồn tại và hình thành chính
mình trong một sự sống mới mà Chúa Giêsu đã làm nên. Con người và thập giá, tuy
không tương đồng tương ứng, nhưng tương khắc tương sinh theo cách thức của TC.
Chúa Giêsu đã rời khỏi thập giá để cho
ta bước lên, không phải thập giá của hận thù nhưng là thập giá của tình yêu, không
phải thập giá của người tử tội bị ruồng bỏ trong cô đơn nhưng là thập giá của
người công chính được ôm ấp vào lòng của TC. Đó là thập giá của niềm vui và ân
phúc, thập giá của chiến thắng và vinh quang, vì được hiến thân cho người mình
yêu. Theo ý nghĩa đó trong cuộc đời ta, nếu không có ngày thứ sáu thụ nạn, sẽ
chẳng bao giờ có Chúa nhật phục sinh; không có tủi nhục thì không có vinh
quang; không có chiến đấu thì không có chiến thắng; không có khao khát thì
không có no thỏa; không dám chết thì không thể sống lại. Chúa sẽ thực hiện và
bảo toàn mọi diễn biến đó trong cuộc đời ta, chẳng có gì phải lo sợ. Có ai lại
lo sợ khi mình đang được yêu.
7. “Lạy
Cha, con phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc, 23, 46)
Chúa Giêsu đã qui hướng mọi sự về Cha, đã trao
phó tất cả cho cha, và cuối cùng dâng trong tay Cha chính sự sống của mình. Rồi
“Người gục đầu
xuống và trao Thần Khí” (Ga 19, 30).
Tâm
tình hiếu thảo của Chúa Giêsu đã đạt đến mức độ tối hảo trong việc làm vinh
danh Cha. Tình thâm nghĩa thiết thật cao dày khôn sánh, đẹp quá tình nghĩa Cha
Con thật thắm thiết đậm đà. Cha được rạng rỡ nơi Con, Con được tôn vinh nơi
Cha, và Thánh Thần là Tình Yêu kết nối trong sự hiệp thông duy nhất. Nhiệm cục
cứu độ là công trình tình yêu của TC Ba Ngôi muốn kết hiệp mọi người nên một trong
sự sống Thần Linh Thiên Chúa bây giờ và
mãi mãi.
Nhờ
Chúa Giêsu, con xin phó thác cuộc đời con vào lòng thương xót của Thiên Chúa,
với tất cả lòng tin yêu, thờ lạy và cảm tạ đến muôn đời. Amen.
Lm. Thái Nguyên