MẦU NHIỆM PHỤC SINH TRONG ĐỜI SỐNG

(Ga 20, 1-9)

 

Chúng ta hân hoan mừng ngày Đức Giêsu phục sinh. Ngài phục sinh sau khi chịu khổ nạn, chết trên thập tự và mai táng trong mồ. Đó quả là một biến cố vĩ đại, làm nền tảng cho niềm tin của chúng ta. Thánh Phaolô nói: «Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng» (1Cr 15,14); «Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người» (1Cr 15,17-19).

Niềm tin vào Chúa Phục Sinh là cả một chặng đường dài trong cuộc sống. Nói đến TIN là nói đến YÊU, hay trái lại cũng thế. Đó là cặp sóng đôi trong đời sống Kitô hữu.

Tình yêu mến, tương ứng nhưng lại khác biệt

Chúng ta cần có lòng mến thiết tha của bà Mađalena nhưng cũng cần có sự nhạy cảm để tin như Gioan. Nhờ lòng mến thiết tha mà Mađalena khám phá ra mồ trống trước tiên. Nhưng rất tiếc khi chỉ dừng lại ở mức độ tình cảm trong cơn hốt hoảng, Chị đã không có khả năng nhận ra ý nghĩa của các dấu chỉ, và trở nên buồn rầu, lo lắng, khóc lóc. Có thể chúng ta cũng sẽ như vậy khi đứng trước những lầm than, mất mát và đổ vỡ trong đời, chỉ còn lại nuối tiếc và đau thương của một tình cảm đã chôn vùi. Đời chúng ta lắm khi giống như ngôi mộ trống trải. Những gì chúng ta yêu quí nay chẳng còn. Chúng ta đôn đáo kiếm tìm điều đã mất trong nước mắt và đau khổ như Mađalena. Nhưng nếu xác Chúa Giêsu cứ nằm yên trong mồ để cho Chị thăm viếng, thì làm gì có chuyện Chúa Phục Sinh. Chị ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy xác Thầy trong mộ, nhưng chỉ gặp chính Đấng Phục Sinh ở ngoài ngôi mộ (Ga 20, 11-17), ở ngoài sự đau xót cho một quá khứ đã qua, ở ngoài sự bám níu vào một cách thế, một hình thức cố định nào đó. Mọi sự ràng buộc bên ngoài đều làm mất đi tự do chân chính trong tinh thần, mất đi ánh sáng của niềm tin và hy vọng vươn lên của một sự sống luôn mời gọi triển nở.

Gioan, người môn đệ Chúa yêu, cũng rất yêu Thầy, nhưng tình cảm của ông được đức tin hướng dẫn. Khi tin, người ta khám phá ra ý nghĩa của các biến cố, cũng giống như Gioan, ông khám phá ra ý nghĩa của cái chết bi đát trên đồi Canvê như một dấu chỉ của sự sống mới (Ga 12, 24); ông khám phá ra ý nghĩa của ngôi mộ trống và các tấm khăn đã được xếp gọn gàng như dấu chỉ của một trật tự mới (Mt 9, 17). Dấu chỉ chẳng làm cho tin nhưng giúp người ta bắt đầu tin. Vì thế, khởi đi từ các dấu chỉ hữu hình, đức tin vẫn là sự gắn bó vào cái vô hình. Khi quan sát kỹ những dấu vết để lại, Gioan nhận ra cách thức hành động của Chúa Giêsu trước đây và nhất là ông hiểu được Kinh Thánh, đồng thời nhớ lại những lần tiên báo phục sinh của Thầy.

Chúng ta cần ra khỏi tình cảm bi lụy của mình, ra khỏi tâm trạng buồn thương do tác động của hoàn cảnh bên ngoài, phải vượt trên cái thấy cách vật chất để thấy trong đức tin nhờ cái nhìn trầm tĩnh và sâu lắng hơn trước những gì xảy ra. Sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh luôn bao trùm mọi ngõ ngách của cuộc đời chúng ta, đừng đòi buộc Ngài phải hiện diện trở lại theo phương cách cũ của một thân xác hay chết, đừng bắt buộc Ngài phải hành động theo một khuôn khổ cố định và hạn hẹp theo lối nhìn của chúng ta. Cần phải mở lòng để đón nhận ơn cao cả này : “Phúc thay những người không thấy mà tin”(Ga 20, 24-29) : tin vào sự hiện diện và cách hành động rất mới mẻ và rất tuyệt vời trong mọi biến cố của cuộc đời chúng ta. Đức tin đó đem lại bình an và hạnh phúc biết bao.

Hành vi đức tin chính là việc Thần Khí hoạt động trong tâm hồn một con người để làm cho kẻ ấy vừa nhận ra một thực tại chất chứa mạc khải vừa nhận ra ý nghĩa của Lời quy hướng về thực tại đó. Nguồn gốc của mạc khải duy nhất lưỡng diện này (thực tại và Lời) là Thánh Thần. Chính Ngài cho tín hữu niềm xác tín rằng mình có lý để tin (Ga 16, 7-11). Đức tin khởi đi từ các sự kiện lịch sử mà nhiều nhân chứng đã “thấy”, nhưng sự chắc chắn dứt khoát của chúng ta rốt cuộc chỉ dựa vào chứng từ của Thần Khí trong chính tâm hồn mình mà thôi. Như vậy, đức tin là sự phối hợp nhịp nhàng của con tim và lý trí, dựa trên hoạt động của Chúa Thánh Thần trước dấu chỉ hữu hình để đạt tới một thực tại vô hình.

Con tim và lý trí

Dĩ nhiên, trong đời sống đức tin, ngoài việc hoạt động nền tảng của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mỗi người, thì trước tiên là con tim chứ không phải lý trí. Chính vì thế mà ta thấy Gioan luôn được đặt trổi vượt hơn Phêrô về lòng mến, trong bửa tiệc ly (Ga 13, 24), trong nhà thượng tế (Ga 18, 12-16), và rồi ông bỏ xa Phêrô trong khi chạy tới mồ (Ga 20, 3-4). Điều đó cho thấy rằng, dù trách nhiệm của mỗi người ra sao chăng nữa, thì tình yêu vẫn là cái dẫn tới niềm tin vào Chúa Giêsu hằng sống. Sau này chính Chúa Giêsu Phục sinh cũng đã mời gọi lòng yêu mến của Phêrô đến 3 lần trước khi giao quyền tối thượng cho ông trên đoàn chiên (Ga 21, 15-17). Chính tình yêu là động lực giúp khám phá hoặc đi mau hơn và xa hơn trong mọi diễn biến của cuộc sống. Chính tình yêu làm cho ta thực sự biết được chiều sâu của các biến cố.

Cái nhìn đức tin

Chúng ta cần có lòng tin để khỏi rơi vào sự thất vọng hay hoảng hốt trước những thất bại, đổ vỡ và mất mát trong cuộc đời. Là Kitô hữu, chúng ta vẫn có cái nhìn tự nhiên như mọi người, nhưng vẫn phải có cái nhìn đức tin. Ai biết nhìn sự việc bằng đức tin thì sẽ thấy mọi sự rất thanh thản và lạc quan. Có thể ví cái nhìn đức tin giống như người ta nhìn các sự vật trong đêm tối bằng ánh sáng của tin hồng ngoại, nên có thể nhìn thấy những điều mà mắt thường không nhìn thấy được.

Bằng cái nhìn đức tin, Thánh Phaolô khi đối diện với tình trạng nguy biến có thể kết thúc cuộc đời mình, Ngài đã suy nghĩ rằng sống hay chết đều tốt cả : “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi”(Pl 1, 21). Thánh Têrêsa cũng thế, sau khi nhìn những sự việc xảy đến trong đời mình bằng cặp mắt đức tin, đã kết luận rằng “Tất cả đều là hồng ân”. Tình yêu mến Chúa dạy cho người ta có cái nhìn đức tin. Dù bất cứ người tín hữu nào miễn có một lòng mến sâu xa vẫn có thể mau mắn nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh trong những biến cố của cuộc đời mình.

 

Đức Giêsu phục sinh đã chiếu một luồng sáng mới lên tất cả mọi sự. Thiết tưởng, việc đầu tiên mà chúng ta cần cố gắng và cũng là ơn đầu tiên mà chúng ta cần xin trong mùa Phục sinh là biết nhìn mọi sự bằng cặp mắt đức tin. Có như thế, trong tất cả mọi sự chúng ta mới đều có thể lạc quan cất lên tiếng hát đặc trưng của Mùa Phụng vụ này : Halleluia !+

 

Lạy Chúa, điều mà con khao khát và cầu xin hằng ngày là được yêu mến Chúa trên tất cả. Nhưng tình yêu mến đó mời gọi con phải có cái nhìn đức tin trong mọi sự, nhất là thấy được Chúa Phục sinh đang hiện trong mọi biến cố và trong từng anh chị em của con. Cái nhìn này đòi con phải xóa sạch những quá khứ ngổng ngang của con và của mọi người, để nhìn thấy đó như những chặng đường phải đi qua để thành hình một con người mới. Con không thể cứ ôm lấy cái xác đã chết để kêu gào, than van và nuối tiếc. Con không thể cứ trói buộc mình vào những tư tưởng, những hình ảnh, những con người của một thời đã qua để phê phán, than van và trách móc hoặc để dựa dẫm, khen ngợi và ca tụng. Nếu cứ như thế thì con vẫn chết trong quá khứ, đang khi Chúa đã Phục sinh trong hiện tại. Thật ra, tất cả đã được chôn vùi rồi, và giờ đây trước mắt là ngôi mộ trống. Ngôi mộ trống chẳng còn lại gì của quá khứ, nhưng có một vài dấu chỉ rất tinh tế đủ để cho con đọc ra sự hiện diện Phục sinh của Chúa và giải mã những điều huyền nhiệm trong cuộc đời mà Chúa đã làm nên cho con và cho mọi người. Như Gioan đã thấy và đã tin, thì xin cho con được bừng sáng lên niềm tin yêu hy vọng để thấy Chúa đang hình thành và làm nên những điều mới lạ trong con và trong mọi anh chị em; cho cõi lòng con rộng mở để thấy được nét mặt Chúa trên khuôn mặt kẻ khác. Đó chính là niềm vui và hạnh phúc của con trong đời sống hằng ngày, để con luôn phấn khởi ra đi cho một niềm tin, để được sống bên Chúa bây giờ và mãi mãi. Amen.

Lm. Thái Nguyên.

 

 

 

 


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu