TẾ NHỊ

 “Hãy thận trọng trong mọi sự (2Tm 4,5)

 

TẾ NHỊ  khéo léo, tinh tế, nhã nhặn trong đối xử.

Có những điều người ta thể hiện rất khôn nhưng không khéo nên dễ gây đụng chạm, đổ vỡ. Có những điều người ta rất thông thạo nhưng không tinh tế sẽ làm mất hòa khí và gây ra mặc cảm cho người khác. Có những điều cần phải nói lý lẽ nhưng nếu không nhã nhặn sẽ biến thành việc tranh chấp, hơn thua.

Tế nhị là trang sức làm đẹp nhân cách con người, phát xuất từ tấm lòng hiền hậu và đức khôn ngoan. Sự hiền hậu làm cho người ta trở nên dễ thương và đức khôn ngoan giúp người ta biết cẩn trọng trong mọi sự. Sự dễ thương làm cho mình được mọi người đón nhận, và sự cẩn trọng giúp ta tránh được những tai hại và bất lợi cho mình cũng như cho người khác. Như vậy tế nhị biểu hiện một tâm hồn sâu sắc và tinh tế, gây nên sự tín nhiệm và luôn được mọi người quí chuộng. Thiếu tế nhị chứng tỏ một tâm hồn sơ sài, qua loa và thô thiển, khó lòng mà triển nở một nhân cách tốt đẹp từ một tâm hồn như thế.

Thật ra cũng khó mà tế nhị đối với những người có lối sống vô tình và bất chấp. Chúng ta chỉ dễ dàng tế nhị đối với những ai mà mình quí trọng. Tuy nhiên, sự tế nhị mà còn bị điều kiện hóa  thì không còn khách quan và chân thực, vì nó gây ra sự phân biệt đối xử, đi ngược lại tinh thần Phúc âm : “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?”(Mt 5, 46-47). Chúa Giêsu nói lên điều này cho thấy rằng sự nhận biết Chúa phải nâng cao phẩm cách người môn đệ, nhưng thực ra bản chất của cuộc sống làm người đã tiềm ẩn một định hướng cho sự vươn cao tỏa rộng của nhân cách (Kn 1, 26), mà sự tế nhị là một trong những nhân cách cao quí đó. Dù những người khác như thế nào đi nữa thì sự tế nhị trong tâm hồn ta mời gọi sự tế nhị trong tâm hồn họ, và khi mình lên cao được một chút thì người khác cũng bắt đầu trở mình. Thật sự, mình không có khả năng để thay đổi người khác, nhưng có khả năng thay đổi chính mình nhờ sức mạnh của đời sống tâm linh. Khi mình được biến đổi thì gây ảnh hưởng xúc tác đến sự biến đổi của người khác. Cái gì tốt lành thì phát sinh sự tốt lành. Cho dù cuộc sống đầy dẫy những hỗn độn, vàng thau lẫn lộn, nhưng rồi cái gì đẹp thì người ta vẫn nhận ra cách nào đó. Điều quan trọng không phải là để người khác nhận ra, nhưng bản chất của những hành vi cao đẹp tự nó nâng cao phẩm cách và hoàn hảo hóa cuộc sống con người trong sự hổ tương và liên đới.

TẾ NHỊ trong lời nói

Người ta dễ sai lỗi nhất trong lời nói. Thường thì “đa ngôn đa quá”. Danh gia Delarme khuyên rằng “Hãy suy nghĩ những điều bạn nói, nhưng đừng nói tất cả những điều bạn nghĩ”. Lời nói tế nhị luôn biết nhường bước, dành lại một khoản trống cho tâm tư người nghe.

 Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”, không cần phải gặp mặt, chỉ cần nghe lời nói đã hiểu được con người. Đứng trước một sự việc có nhiều cách nói. Cách nói tùy thuộc vào giọng điệu và ngôn ngữ mà mình sử dụng. Giọng điệu và ngôn ngữ lại tùy thuộc vào tấm lòng và sự khôn ngoan. Với tấm lòng hiền hậu thì sự tế nhị trong lời nói có một giọng điệu nhẹ nhàng. Với sự khôn ngoan thì sự tế nhị giúp người ta biết chọn lựa những ngôn ngữ chuẩn mực. Tất cả những điều này kết hợp trong một sự hài hòa cho người ta nhận thức được cái gì cần nói, điều gì không nên nói, chưa nên nói, hoặc nói như thế nào để người khác có thể chấp nhận. Biết rằng sự thật là như thế, nhưng thiếu tế nhị trong lời nói thì sự thật sẽ bị phủ nhận dễ dàng. Dĩ nhiên có những trường hợp phải nói thẳng như Chúa Giêsu đã từng làm đối với những người lòng chai dạ đá (Mc 15, 7; 23, 13-29). Có khi phải nói như thế, nhưng đừng quên rằng Chúa Giêsu có điểm rất khác biệt với chúng ta, Ngài nắm bắt chân lý một cách tường tận về phương cách và nội dung về điều mà Ngài muốn nói, đồng thời Ngài thấu suốt tâm can người đối diện và qua đó Ngài muốn mạc khải một cách phổ quát điều gì đó với tính cách là Thầy dạy chân lý, còn chúng ta thì không, hoặc chỉ một phần thôi. Vì thế, ngoài những trường hợp khác thường thì sự tế nhị mời gọi ta biết trân trọng và khiêm tốn trước mọi người, “coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12, 10). Người khác chỉ có thể đón nhận lời nói của chúng ta sau khi đón nhận chính con người của chúng ta trong một tâm thế như thế.

Để thấy rõ điều trên, chúng ta nhìn thoáng lại câu chuyện đàm thoại giữa Chúa Giêsu và thiếu phụ Samari. Ngài mở đầu câu chuyện bằng cách xin nước uống một cách tế nhị và khiêm tốn, dù biết rằng đời sống bà này lôi thôi, chẳng tốt đẹp gì. Đứng trước Chúa Giêsu, người thiếu phụ đã có sẵn thành kiến và ác cảm về người Do Thái nên đã trả lời một cách khiếm nhã. Chúa Giêsu vẫn nhẹ nhàng và khéo léo hướng câu chuyện từ nước uống vật chất đến nước hằng sống, chứ không đả động gì đến mầm mống tranh chấp giữa hai dân tộc mà bà vừa bực bội nói ra. Và cứ từ từ như thế, qua cách nói của Chúa Giêsu, bà nhận ra chân lý của cuộc sống và đón nhận con người Ngài như một ngôn sứ. Nếu không có sự tế nhị và khéo léo ôn tồn, nếu chỉ bằng những lý luận hiểu biết bên ngoài, chắc rằng Chúa Giêsu đã không chinh phục được lòng tin của bà ta. Nói năng một cách tế nhị không phải để mong chinh phục người khác theo ý mình, nhưng trước tiên là để tôn trọng một con người và sau đó là để cho sự thật và những gì cao đẹp được lên tiếng trong mỗi người chúng ta.

TẾ NHỊ trong thái độ

Thái độ cũng là một cách nói, có khi còn mạnh mẽ và nặng nề hơn cả lời nói. Mọi lời nói cũng chỉ là qui tụ về thái độ. Người ta nhận ra ý nghĩa chân thật của một thái độ nhiều khi rõ hơn là những gì chúng ta nói. Qua thái độ tế nhị, người ta hiểu vấn đề một cách ý nhị và thâm trầm hơn, người ta thấy mình được tôn trọng, yêu thương để phát huy nhân phẩm hơn. Chúng ta học được điều này nơi Chúa Giêsu, một thái độ hết sức tế nhị : khi đối diện với người phụ nữ ngoại tình (Ga 8, 2-11), Ngài đã hạ mắt nhìn xuống để chị không phải ngượng; Chúa cúi xuống để chị được ngước lên; Chúa yên lặng để phẩm giá làm người của chị được lên tiếng; và Chúa lên tiếng để đám đông nhận ra con người của họ nơi con người của chị .

Đối với Chúa, thái độ trước tiên không phải là xét đến vấn đề tội lỗi, nhưng là vấn đề nhân phẩm phải được bảo vệ và phục hồi. Thái độ tế nhị như vậy là mở ra cho mình và người khác một cơ hội lớn lên trong đời sống tinh thần. Mọi thái độ khinh khi và làm nhục người khác đều là bất nhân, cho dù họ có hư hèn và bệ rạc đến đâu đi nữa. Giá trị đời sống của một con người không thể đánh giá qua một vài hành vi bất chính của họ. Nếu không, chính thái độ thiếu tế nhị của chúng ta mới là bất chính.

TẾ NHỊ trong việc làm

Sự tế nhị đòi hỏi ta hành động một cách vô kỷ, vô công, vô danh, vô lợi. Sự ham hố công danh lợi lộc khiến người ta hành động bất chấp, chẳng còn gì là tế nhị. Giúp đỡ người này mà muốn tỏ ra cho người khác biết (Mt 6, 3) ; cố gắng làm những việc tốt nhưng lại tỏ vẻ mình đạo đức (Mt 6, 2-6); nổ lực thực hiện những điều hay nhưng lại tỏ lộ mình tài giỏi (Lc 18, 9)… Tất cả những cái “tỏ ra”, “tỏ vẻ”, “tỏ lộ” sự cao quí của mình trong việc làm đều không chân chính và đánh mất ý nhị của tâm hồn. Tế nhị là một hành vi cao đẹp luôn đòi hỏi sự kín đáo, âm thầm, không có hậu ý, chỉ vì muốn tốt đẹp cho người khác mà thôi.

Trong tình yêu thương người ta lại càng tỏ ra tế nhị hơn để tránh gây phiền hà và nghĩ ngợi cho những người xung quanh mình. Có những cái được phép làm hoặc có quyền làm nhưng không nên làm; có những điều phải làm nhưng chưa cần làm. Trước mọi hành vi phải đo lường được hoàn cảnh, tâm trạng và phản ứng của người anh em mình, bởi vì có những điều hợp lý nhưng không hợp tình và hợp cảnh.

Như vậy, tế nhị là sự hiểu biết và đồng cảm của con tim trước khi lời nói, thái độ và hành động lên tiếng trong sự khéo léo, tinh tế và nhã nhặn.

Lạy Chúa, Chúa đã sống một cuộc đời thật đẹp về mọi phương diện, và mời gọi con biết nhìn ngắm để sống cuộc đời  mình. Thật ra ai cũng ham chuộng cái đẹp, nhất là cái đẹp của nhân cách, nhưng rồi những cái thô thiển bên ngoài làm mất đi cái đẹp bên trong của tâm hồn, làm cho cuộc sống trở nên tầm thường, thấp kém. Sống tế nhị với những người nói năng và hành động bất chấp quả là khó khăn. Nhưng con tin rằng, Chúa đang sống và đang làm triển nở trong con như thế nào thì Chúa cũng đang sống và đang hoạt động trong tâm hồn người khác như vậy. Mỗi người cần có thời gian, cần có biến cố để ơn thánh tác động dần dần. Bản thân con cũng vậy thôi. Điều đó mời gọi con có một sự hiểu biết và cảm thông sâu rộng với người khác, nhẫn nại với họ cũng như Chúa và người khác cũng đã từng nhẫn nại với con. Trong tâm tình như thế con sẽ đón nhận mọi lời nói và thái độ một cách bình thản hơn, đồng thời vẫn phát triển được nét thanh cao trong nhân cách của mình.

 

Lm. Thái Nguyên