NIỀM VUI MỖI NGÀY

 

 

      Đối với những người sống lạc quan, tin tưởng và phó thác thì cuộc sống mỗi ngày là một niềm vui, bởi vì cuộc sống tự nó là một ân ban và là một khám phá không ngừng về chính mình, về Thiên Chúa, về tha nhân và vũ trụ vạn vật. Biết rằng, bước theo Chúa là từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà đi theo, nhưng đó là con đường đi lên và triển nở của một nhân cách làm người và làm con Thiên Chúa không thể thiếu. Mỗi một sự từ bỏ và vượt qua chính mình lại phát sinh một niềm vui sâu lắng; đau khổ giúp con người lớn lên và mỗi chặng đường thập giá lại phát hiện một cảm nghiệm tâm linh và hạnh phúc thâm trầm. Thiên Chúa sáng tạo và cứu độ là để thông chia cho con người niềm vui và hạnh phúc của Ngài. Chính vì vậy mà Thánh Phaolo đã kêu gọi : “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!”(Pl 4, 4). Thánh Phêrô cũng đã nói : “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em”.

      Thật vậy, Kitô hữu là những người được đong đầy niềm vui, vì họ đang sống trong niềm hy vọng phục sinh, vì thế họ càng phải là những chứng nhân của niềm vui giữa cuộc đời này. Nhưng thực tế có như vậy không, thì còn phải xét lại.

      Đối với một tâm hồn càng khiêm tốn thì niềm vui còn nằm ngay trong những khía cạnh tiêu cực của cuộc đời. Vì thế, họ có thể vui ngay trước những lời chê bai, phê bình chỉ trích của người khác. Điều quan trọng là sự thật về bản thân mình. Thánh Terêsa rất vui khi người ta phê phán tiêu cực về Ngài, và Ngài rất sợ những lời khen lao ca ngợi của người khác. Vì thế mà Ngài luôn xin ơn được người đời khinh chê.

      Nhớ rằng chính Chúa đã từng bị cáo gian, từng bị hiểu lầm, từng bị phủ nhận, từng bị chụp mũ….Vả lại, mình có lầm lỗi đi nữa thì cũng là chuyện bình thường.

      Ta cũng có thể vui trước những yếu đuối và lầm lỗi của mình. Thánh Têrêsa nói rằng : “Em còn rất nhiều yếu đuối và bất toàn, nhưng em rất vui. Đối với em, sa ngã hằng ngày cũng chẳng hệ gì, vì nhờ vậy mà em thấy mình yếu hèn và biết nương tựa vào Chúa hơn”.

      Để niềm vui có thể lớn thêm mỗi ngày, ta cần đào sâu tinh thần lạc quan, tin tưởng và phó thác.  

LẠC QUAN

      Mọi sự trong cuộc sống vẫn diễn biến và xảy ra trước mắt ta, nhưng tâm trạng của mỗi người trước một tình cảnh thì lại khác nhau. Điều đó tùy thuộc cái nhìn và cách nhìn vấn đề của mỗi người trong cuộc sống hằng ngày. Đối với người có đức tin thì luôn có cái nhìn lạc quan và hy vọng, vì biết rằng mọi sự có thể do con người tạo nên nhưng tất cả đều nằm trong chương trình tình yêu và sự quan phòng của Chúa. Đức tin đặt để mọi sự trên nền tảng của quyền năng và lòng thương xót Chúa, cho nên trước những bóng tối người ta vẫn thấy ánh sáng, không thể vì một đám mây đen mà ta có thể quên mất cả bầu trời trong sáng.

      Ta thấy cái nhìn của Chúa Giêsu cũng đầy lạc quan khi Ngài trình bày dụ ngôn về Nước Trời: "Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình.Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được."(Mt 13, 31) Ngài còn lấy một hình ảnh khác : "Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men." (Mt 13, 33).

      Như Chúa Giêsu, phải tập cho mình tính lạc quan khi nhìn sự việc, đồng thời giữ được quân bình giữa những thăng trầm của cuộc sống. Tập cho mình tính lạc quan không có nghĩa là xây nhà trên cát hay như con đà điểu chui đầu vào đống cát để tránh né nguy hiểm đang xảy ra, nhưng là luôn giữ quân bình nội tâm giữa những khó khăn hằng ngày. Người có tinh thần lạc quan cũng là con người thực tế, biết mình cần phải làm gì để góp phần giải quyết vấn đề một cách tích cực hơn theo khả năng của mình, chứ không làm ngơ mặc tình cho cuộc sống dun dủi, đẩy đưa, may nhờ rủi chịu. “Chân lý thuộc về những người không chịu sống đời nhỏ nhoi”. Sự hiện diện của mình trong Chúa Kitô không cho phép mình sống tầm thường và thỏa hiệp với những điều thấp kém.

      Tuy nhiên người lạc quan có những khi cũng phải biết chấp nhận sự giằn co giữa lý thuyết và thực tế. Lý thuyết bao giờ cũng đẹp, nhưng thực tế thì bản thân mình và cộng đoàn còn phải phấn đấu vươn lên từng ngày. Người lạc quan không ảo tưởng, vì biết rằng chẳng ai và chẳng cộng đoàn nào là hoàn hảo. Cuộc sống không có sự hoàn hảo đúng nghĩa mà chỉ có hoàn hảo hơn mỗi ngày. Vì thế, phải biết chấp nhận những khó khăn và giới hạn của mình, của người khác cũng như của môi trường và trong hoàn cảnh cụ thể.

III. TIN TƯỞNG

      Tinh thần lạc quan tin tưởng còn được vun trồng bằng cái nhìn tích cực, biết tìm kiếm những gì tốt đẹp, biết đánh giá trị những khả năng của mình. Trái lại, nếu chỉ bận tâm đến những gì mình muốn có nhưng chẳng được, thì chẳng khác gì đổ tro tàn trên đống than nguội. Bà Magarita, thân mẫu của Cha Don Bosco, mỗi tối bà thường đem các con ra trước sân nhà, giơ tay chỉ lên bầu trời và nói : “Chỉ khi nào màn đêm buông xuống, chúng ta mới có thể nhìn thấy những vì sao lấp lánh trên trời”. Quả thật, suốt đời Cha Don Bosco đã không bao giờ quên được lời khuyên dạy đầy khôn ngoan của mẹ. Đó là những tia sáng hy vọng đã thắp lên, nhờ đó Cha Don Bosco đã là thầy dạy, là nhà giáo dục đầy lạc quan tin tưởng cho các học sinh nghèo, những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Với tâm hồn lạc quan sẵn có, cũng như lòng tin tưởng mạnh mẽ vào tình thương quan phòng của Chúa, cha Don Bosco đã huấn luyện các học sinh của Ngài cởi bỏ cái nhìn bi quan để khám phá những điều tốt lành quanh mình, tin tưởng vào khả năng của mình và hướng nhìn tương lai với niềm hy vọng.

      Như người thanh niên nọ mỗi sáng vừa thức dậy, anh ta mở toang cửa sổ, hít thở không khí trong lành của ngày mới và mỉm cười cất tiếng hát : “Đây là ngày Thiên Chúa dựng nên, chúng ta hãy vui mừng hoan hỉ”.

      Sự lạc quan tin tưởng được xây dựng trên nền tảng đức tin, tin mình được cứu độ, được tha thứ, được yêu thương vô cùng. Thiên Chúa cao cả không phải vì Ngài “toàn năng”, nhưng vì Ngài “toàn ái”. Ngài siêu việt vì Ngài là “Tình yêu tuyệt đối”. Bởi vậy, đức tin là con mắt thần, là sức mạnh vũ bão. Người có đức tin trông thấy những điều mà kẻ khác không trông thấy, làm được những cái kẻ khác không thể làm được. Đức tin cần để những phép lạ được thực hiện (Lc 7, 50; 8, 48), “Con có tin không?”, đó là câu hỏi của Chúa Giêsu trước khi Ngài làm phép lạ để cứu chữa bệnh nhân, để rồi sau đó Ngài kết thúc bằng câu . “Đức tin con đã cứu  con”. Chúa Giêsu không thể làm gì được cho con người khi họ không có lòng tin (Mc 6, 5-6). Thánh Têrêsa cũng đã xác quyết “Chúa Giêsu có thể làm được mọi sự; lòng trông cậy làm được những phép lạ”. Và Thánh nữ cho biết rằng : “Điều xúc phạm đến Chúa Giêsu và khiến Thánh Tâm Ngài phải sầu khổ, đó là lòng thiếu tin tưởng vào Ngài”.

      Lạc quan tin tưởng là trang sức thánh thiện của Têrêsa. Thánh nữ đã viết như sau : “Con không bước đi trên đường sợ hãi, con luôn biết tìm phương thế để được hạnh phúc, và biết lợi dụng những cảnh khốn cùng của con. Chính Chúa Giêsu đã khích lệ con bước đi trên đường này”.

      Ngay cả đối với tội lỗi lớn lao, Têrêsa cũng không hề thất vọng : “Con cảm thấy dù lương tâm con có đầy những tội ác tầy trời con có thể phạm, con cũng không mất lòng cậy trông tin tưởng...Không gì có thể làm con sợ hãi, vì con biết phải xử làm sao với tình yêu và lòng thương xót Chúa. Con biết muôn vàn tội lỗi con sẽ tiêu tan trong nháy mắt như một giọt nước rơi vào giữa lòng than hồng”.

IV. PHÓ THÁC

      Lạc quan tin tưởng gắn liền với tinh thần phó thác. Lạc quan tin tưởng cho ta niềm hy vọng và phó thác cho ta niềm an vui. Phó thác theo ý Chúa muốn chứ không theo ý mình muốn. Vì chỉ có Chúa mới thấy những gì tốt đẹp nhất cho cuộc đời mình. Luôn nhớ rằng, mọi công việc ta làm là của Chúa, thành công hay thất bại của ta cũng chính là thành công hay thất bại của Chúa. Chúa chỉ cần ta cố gắng hết mình. Phần còn lại, chính Chúa sẽ hành động, cứ phó thác hết cho Ngài.

      Ngay cả người dân ngoại cũng biết quan niệm rằng : mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên : Hay giỏi cỡ nào đi nữa mà Trời không muốn thì con người cũng đành bó tay. Cho nên người quân tử theo Nho giáo là người rất lạc quan, vì luôn sống theo thiên mệnh : làm hết sức, nhưng cũng phó thác hết mình.

      Khi ta đã sống tận tình, thì dù cuộc sống có còn nhiều tăm tối, nhiều cái trì trệ, dở dang từ bản thân cho tới cộng đoàn, từ con người cho tới công việc, thì chúng ta cứ hãy an tâm, lạc quan, phó thác hoàn toàn cho quyền năng và lòng thương xót Chúa. Cũng có đôi khi Chúa muốn để tình trạng yếu kém như thế là để chúng ta biết dựa vào Chúa, chứ đừng dựa vào mình. Thánh Têrêsa cho đó là một ân ban lớn lao. Điều nguy hiểm khi con người chỉ cậy dựa vào sức mình, đó mới chính là vực thẳm đáng sợ nhất.

      Trong sự cậy dựa vào Chúa, qua thư gởi chị Céline, Têrêsa viết : “Quả thực, em không luôn trung tín đâu, nhưng không bao giờ em nản chí, em phó thác mình trong tay Chúa Giêsu. Như hạt sương nhỏ, em chìm sâu vào tận đài ‘Hoa Đồng nội Cực Thánh’, và nơi đó em tìm lại được những gì đã mất, và còn hơn thế nữa”. Thánh Nữ dám quả quyết : “Dù em có thấy lửa tình yêu như tắt lịm trong lòng, em vẫn cố ném vào đống tro tàn những cộng rác nho nhỏ và em tin chắc thế nào rồi lửa cũng bùng cháy lại”.

      Quả là một sự tin tưởng phó thác hết mình, một sự liều lĩnh hoàn toàn trong tình yêu, để Têrêsa có được tất cả trong mọi hoàn cảnh khốn khó của đời sống mình.

      An vui, hạnh phúc trong đời không thiếu, chỉ thiếu sự lạc quan tin tưởng và phó thác để phát sinh an vui và hạnh phúc.

 

Lm. Thái Nguyên

7/8/2006


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu