TÌNH YÊU THẬP GIÁ (2)
Thập giá, tình yêu điên rồ
Thập giá của
Đức Kitô là một sự điên rồ khó hiểu nhất trong các sự điên rồ: “Phải, trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm
thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao
giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không
thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cor 1, 22).
Khi chết
trên thập giá, Chúa Giêsu cho thấy hai sự kiện tâm lý: một đàng kinh nghiệm bản
thân về cái độc ác và sự yếu đuối của con người, đàng khác chấp nhận không chút
phản loạn gánh nặng sự dữ, bởi vì Ngài biết mình đang thi hành một sứ mạng.
Ngài thành thật tùy thuộc những điều kiện sinh sống của con người, và như thế
Ngài tùng phục thành ý Chúa Cha, để hoàn thành kế hoạch cứu rỗi trong đau khổ.
Không phải đau khổ cứu rỗi, nhưng tình yêu cứu rỗi. Đau khổ tự nó không là gì
hết, chỉ có tình yêu mới có thể phát sinh sự sống từ đau khổ. Thập giá gắn liền
với Đức Kitô, vì ngay cả khi Ngài sống lại vinh quang thì các dấu vết thương
tích từ cuộc khổ nạn vẫn không bị xóa nhòa, vì nó là dấu chứng vĩnh cửu của một
tình yêu Thiên Chúa không phai nhòa qua muôn thế hệ.
Linh đạo Thập giá
Việc đào
luyện tu đức nào nào cũng phải cắm rễ sâu vào thập giá. Chỉ có một con đường theo Đức
Kitô là con đường thập giá mà thôi (Mt 16, 24). Vì thế, mọi tránh né cũng như
tìm cách che chắn cho bản thân mình khỏi việc đón nhận Thập giá đều là muốn phủ
nhận Đức Kitô trong cuộc đời mình. Tất cả những gì gọi là con đường tắt, cuối
cùng chỉ là ngụy biện, trống rỗng và tự lừa dối mình. Bởi vì đích điểm của cuộc
đời theo Chúa là đỉnh núi Canvê, nơi Chúa Cha đang chờ đợi ta như đã chờ đợi
chính Con yêu dấu của Ngài.
Thập
giá có nghĩa là bỏ mình và trần trụi. Bởi vậy không lạ gì, người đón nhận thập
giá cảm thấy mình bơ vơ trơ trọi như bị tước đoạt tất cả những gì mình đã từng
cậy dựa vào đó để làm nên cuộc đời mình. Thập giá được đón nhận làm rơi xuống
cái ảo tưởng và cho thấy sự thật về chính mình, cho mình thấy mình là ai giữa
những tạm bợ của cuộc đời này và đồng thời nhận ra lẽ sống chân thật.
Thập
giá gắn liền với hy sinh và giũ bỏ ý riêng để ý Chúa được hình thành và tác tạo
nên cuộc sống mới cho mình, không còn quay quắt với những nỗi đau thương và
những toan tính phàm tục của một sống dày đặc những vô minh lầm lạc.
Thập giá đòi phải sẵn sàng uống cạn chén đắng đến
giọt cuối cùng, có nghĩa là vâng phục đến chết, một sự vâng phục đưa đến tự do
chân thật để hoàn thành một cách cao đẹp nhất cuộc đời mình trong Đức Kitô.
Cám dỗ khỏi
Thập giá
Văn minh hưởng thụ và chủ nghĩa thực dụng của xã hội hôm nay
làm cho con người đặt nặng tính chất hiệu năng. Điều này tạo nên mối nguy cơ
cho đời sống tâm linh là muốn được “dễ dãi” “thoải mái”, chẳng phải hy sinh gì
mà kết quả thì rộng lớn trong mọi hoạt động và trong chính lối sống của mình.
Đó cũng là một thứ “tinh thần hảo ngọt” mà kết quả là ta tìm kiếm chính mình
nơi Thiên Chúa chứ không phải tìm kiếm Thiên Chúa nơi chính mình. Đó cũng là
mục tiêu chính yếu của ma quỉ trong việc cám dỗ Chúa Giêsu (Mc 1:12-13; Lc 4:1-13). Nó không ngăn chặn công việc cứu độ
của Ngài cho nhân loại, nhưng nó cho Ngài thấy không cần phải chịu đau khổ,
không cần phải vác thập giá và chết cách ô nhục nặng nề như vậy làm gì. Rồi
bằng một toan tính sâu độc, nó hướng Ngài đến một phương cách cứu độ “dễ dãi”
bằng quyền năng và sức mạnh có sẵn, bằng thái độ thỏa hiệp để đôi bên cùng có
lợi. Xem ra phương sách cứu độ đó có tác dụng rất hữu hiệu và thực tiễn, nhưng
rất tiếc đó là đường lối của ma quỉ, chứ không phải đường lối của Thiên Chúa
(x. Mt 16, 21-23). Đừng quên rằng, việc cứu độ không nhằm vào một sự toan tính
cách thế hay hiệu năng nhất thời, nhưng nhằm vào việc mạc khải tình yêu sâu
thẳm của Thiên Chúa trước tình trạng vong thân cực độ của con người do tội lỗi
gây ra, và nhằm vào tính cách toàn diện qua muôn thế hệ như một chân lý sống
duy nhất cho nhân loại.
Cơn cám dỗ thường xuyên đối với chúng ta
hôm nay, là tìm kiếm một Đức Giêsu không có Thập giá, là muốn một ‘thứ Kitô
giáo’ dễ dãi và hợp thời hơn, là khát khao một ‘thứ Tin Mừng’ không nhuốm nước
mắt. Cũng giống như Phêrô, ta muốn kéo Chúa Giêsu ra ngoài và can ngăn về
chuyện Ngài muốn tuyên bố quá rõ ràng về Thập giá. Nhưng rồi cần phải nhận ra
rằng, Tin Mừng của Chúa Giêsu là một thứ Tin Mừng khổ lụy, nghĩa là không phải
chỉ có rao giảng mà chủ yếu là thực thi, làm chứng (tử đạo trong cuộc sống hằng
ngày), nghĩa là chết đi cho bản thân mình để Chân lý và Tình yêu được tỏ hiện.
Nếu không như thế, thì Tin Mừng trở nên mơ hồ, thập giá trở thành món đồ trang
sức, và đạo lý cứu độ biến thành mớ lý thuyết để che chắn và làm bình phong cho
một số hạng người nào đó được yên thân an vị.
Nếu ta cố tìm một Đức Giêsu không có thập
giá, ta sẽ gặp Thập giá mà không có Đức Giêsu. Sự khôn ngoan và sức mạnh của
Thập giá chỉ được hiểu khi người ta đảm nhận và trực tiếp kinh nghiệm nó một
cách sâu xa, để từ đó không còn nhìn Thập giá như một chướng ngại, nhưng là một
cơ hội và cách thức thể hiện chính mình một cách cao độ nhất trong Đức Kitô,
tạo nên sự say mê và niềm thâm tín như thánh Phaolô:
.“Tôi đã
không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su
Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá”(1Cor 2,2).
. “Tôi mang trong thân mình tôi cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, ngõ hầu sự
sống của Chúa Giêsu cũng được tỏ hiện nơi thân xác chết dở của tôi” (2Cor 4,
10).
. “Tôi thông phần vào các sự thống khổ của Chúa Giêsu, để được đồng hình
đồng dạng với sự chết của Ngài, để làm sao đạt tới ơn Phục sinh từ cõi chết”
(Pl 3, 10-11).
Sống Hy lễ
Thập giá
Thập giá không phải là kết điểm của một con đường, nó là cổng
dẫn vào sự sống siêu vượt: thất bại chuyển hóa thành chiến thắng; chính chỗ mà
sự sống bị tước đoạt lại trở thành nơi mà sự sống được phục hồi[1].
Đời sống Kitô hữu chỉ được sắc nét khi tựa vào Thập giá. Đời sống tu sĩ, linh
mục càng trổ sinh hoa trái khi càng cắm rể sâu trong Thập giá, vì cuộc đời họ
là một của lễ hy tế, phát xuất từ Đức Kitô, Đấng “đã tự thể hiện mình là tư tế, là bàn thờ, và là con chiên bị sát tế”[2].
Chính bằng cách nhận làm của lễ hy tế mà Đức Kitô đã chiến thắng khải hoàn.
Cuộc chiến thắng này được trao ban cho tất cả những ai đồng chịu cùng một số phận như Ngài. Bởi vậy
mọi ân sủng lãnh nhận trong Giáo hội đều ẩn chứa một năng lực “Kitô hóa”. Thánh
Phaolô đã giải thích điểm này qua việc dùng các động từ cùng-đau-khổ, cùng-vinh-hiển
(Rm 8, 17), cùng-sống, cùng-chết, cùng-chịu-đóng-đinh (Gl 2, 19), cùng-được-mai-táng
(Rm 6, 4), cùng ngự trị (Ep 2, 6), cùng-hiển-trị (2Tm 2, 11-12). Vat. II
cũng đã xác định:
“Mọi chi thể phải nên giống Chúa Kitô
cho đến khi Ngài hình thành trong họ (x. Gl 4, 19). Vì thế, chúng ta được kết
nạp vào mầu nhiệm sự sống của Ngài, trở nên giống Ngài, cùng chết và cùng sống
lại với Ngài, cho đến khi cùng cai trị với Ngài. Đang khi còn là lữ hành trên
mặt đất, bước theo vết chân Ngài trong đau thương và bách hại, chúng ta cùng
thông hiệp với những đau khổ của Ngài như thân thể kết hiệp với đầu, hiệp với
sự thương khó của Ngài để được cùng vinh hiển với Ngài” (LG 7c).
Như thế có nghĩa là bao giờ Giáo
hội cũng sẽ phải sống và hoạt động trong những điều kiện khó khăn, đòi hỏi sự
thanh luyện, bởi vì công cuộc cứu độ bao giờ cũng tiến hành dưới dấu chỉ của
khó nghèo và bách hại. Đó là con đường mà Giáo hội phải dấn thân để dõi bước
theo Chúa Giêsu (x. LG 8c).
Đó là giáo thuyết soi sáng và là nền tảng
cho sự khổ hạnh Kitô giáo (x. Mt 16, 24). Mang trên mình cuộc khổ nạn của Đức
Kitô (2Cor 4, 10) không phải là chuyện đi tìm khoái lạc trong đau khổ, nhưng là
kết quả của sự khôn ngoan (mà thế gian coi là điên dại) của Thiên Chúa: phải
chết cho chính mình thì mới có thể sống lại với Đức Kitô. Hãm mình tức là chiến
thắng thế gian ở nơi chính mình. Con đường tám mối phúc thật không là gì khác
ngoài con đường thập giá. Đức Kitô không ngừng hấp hối ở trong Giáo hội, mãi
cho tới ngày cánh chung. Chính vì vậy mà Giáo hội không ngừng cộng tác vào việc
cứu độ thế gian bằng cách “hoàn tất những gì còn thiếu nơi các nỗi quẩn bách
Đức Kitô phải chịu..”(Cl 1, 24).
Quả thật, chúng ta có một khoa học tuyệt vời hơn
mọi thứ khoa học, đó là khoa học Thánh giá. Thánh giá là tiêu chuẩn để chọn lựa
và quyết định trong mọi trường hợp, chính trong tâm thái này mà tâm hồn ta vẫn
luôn được bình an và thanh thoát cả trong những nỗi ngặt nghèo. Nhưng rồi trong
thực tế, cuộc sống nhiều khi cũng làm ta giằn co và nhức nhối không nguôi do
những nỗi loạn từ chính tâm hồn mình giữa cái muốn mà không muốn, giữa cái làm
mà không làm, giữa cái cho đi và khước từ, giữa cái dấn thân và đòi hỏi, giữa
cái sống và cái chết... Bởi vậy, Thomas Kempis trong sách “Gương Chúa Giêsu” có
viết như sau :
-
Có rất nhiều kẻ muốn lên thiên đàng với Chúa Giêsu, nhưng
rất ít kẻ muốn vác Thánh giá với Người.
-
Nhiều kẻ ước ao được ơn an ủi của Người, nhưng ít kẻ muốn
chịu thử thách với Người.
-
Nhiều kẻ muốn dự tiệc với Người, nhưng ít kẻ muốn chịu
thiếu thốn với Người.
-
Nhiều kẻ muốn vui hưởng với Người, nhưng ít kẻ sẵn sàng
chịu sự gì khó với Người.
-
Nhiều kẻ muốn theo Chúa Giêsu đến bàn tiệc bẻ bánh, nhưng
ít kẻ dám uống chén đắng với Người.
-
Nhiều kẻ tôn sùng các
phép lạ của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu xỉ nhục với Người.
Lạy Chúa, phải được ơn sâu nhiệm biết bao để
có thể hiểu thấu. cảm mến và đón nhận trọn vẹn Thập giá Chúa trong cuộc đời
con, để con có thể tự hào như một ân ban mà không xót xa cắn đắng như một số
phận. Nhìn ngắm Thập giá Chúa, con hiểu được một cách thâm thúy những những nỗi
ô nhục và đau đớn trong cuộc đời con. Thập giá cần thiết biết bao để thanh tẩy
tâm hồn hồn con khỏi mọi vết nhơ. Thập giá cao cả biết mấy để kéo con lên khỏi
những thấp hèn. Thập giá yêu thương và khiêm hạ dường nào để giải thoát con
khỏi những oán ghét và kiêu căng ích kỷ. Thập giá tín trung và nhân hiền vô
lượng để con biết xa rời những đam mê và
ảo tưởng. Thập giá rạng ngời và nhân ái vô song để con vượt thoát những tối tăm
cạm bẫy và gian trá chia lìa. Thập giá Phục sinh và vinh hiển vô biên để con hy
vọng, tin tưởng và được yêu mến Chúa đến muôn đời. Amen.
Lm. Thái Nguyên
8/31/2006