TỰ DO

 

    

Ý niệm về tự do

     Tự do là nền tảng hữu thể của con người: giết chết tự do, chính là giết chết con người. Tự do vừa là ước vọng sâu thẳm của con người, vừa là lẽ sống và lý tưởng tranh đấu của biết bao nhiêu thế hệ. Nhưng rồi trải qua bao nhiêu thế hệ, tự do đã từng bị bị lạm dụng như một bình phong che chắn những tham vọng đê hèn của con người, như một xích xiềng trói buộc và nô lệ hóa đời sống thể chất cũng như tinh thần con người. Tự do thật cao cả mà cũng thật bi đát, nó cho ta niềm vui và hạnh phúc, nhưng nếu không khéo, nó cũng đem lại cho ta những bất hạnh và khốn cùng. Ta chỉ cảm nghiệm được sự cao cả của hai chữ tự do khi thực sự là người trưởng thành, có bản lãnh và nội lực thâm hậu. Chính trong tự do, ta mới lớn lên trong nhân cách, đạo đức và chân lý. Do đó, tự do không phải là một dữ liệu có sẵn, nhưng là một nguồn mạch, một mầm móng, một sứ vụ phải hoàn tất cuộc đời trong một đường lối cá biệt, cá nhân, cởi mở, siêu nhiên. Tự do bao giờ cũng gắn liền với tinh thần liên đới và trách nhiệm. Không thể có thứ tự do bâng quơ, mơ hồ theo óc tưởng tượng của trẻ con.

     Để tránh mọi hình thức của chủ nghĩa duy tâm, của một thứ tự do tuyệt đối, cần phải tìm ra những giới hạn hợp lý của đời sống làm người:

-         Trước hết, đó là những giới hạn cá thể, vốn là những tiền định từ đầu: vấn đề sinh học, môi trường xã hội và văn hóa, cả những uốn khúc của nền giáo dục.

-         Sau đó là những giới hạn xã hội: sự tôn trọng quan điểm và những lập trường khách quan chính đáng, cũng như kính trọng không gian của người khác.

     Không thấy được những giới hạn của tự do nội tại và ngoại tại, thì chỉ còn lại sự phóng túng, buông thả. Đành rằng cái cao quí nhất của tự do là làm chủ: mong muốn được là chính mình, hoàn toàn có quyền định đoạt những gì phải làm và phải là. Nhưng cần nhớ rằng, mình không thể là một đề án và là mục đích cho chính mình, nhưng đang hướng về siêu việt và đang thể hiện chính mình trong một cấu trúc vĩ mô của toàn thể vũ trụ: một vũ trụ nhân linh nhưng đang được thần linh hóa. Theo nghĩa tôn giáo ấy thì con người được trao ban tự do để hành xử và điều khiển cuộc đời mình trong tương quan nhân vị và liên đới với toàn thể vạn vật (St 1, 28), nằm trong chương trình tình yêu và khôn ngoan nhiệm mầu vĩnh cửu của Đấng tạo tác. Như vậy, tự do chỉ thật sự phát triển trong đường lối của việc kiện toàn cái cao cả nhất của con người: đó là khả năng hiểu biết và yêu mến. Thực tế, con người rất dễ dàng hành động theo bản năng, theo lề thói của giai cấp hay giống nòi, mà vẫn luôn cho mình là tự do. Lúc đó, chính tiền bạc, danh vọng, giới tính hay thế lực đang sở hữu con người. Người ta hay ảo tưởng là mình tự do, khi người ta chỉ biết làm theo cái thúc đẩy của quyền lợi, của chiếm đoạt hay loại trừ: “Đó là nếm vị chiến thắng của tự do bằng cách thưởng thức hương vị của thú tính trong ta” (Zundel).

Tự do Kitô Giáo

     Công đồng Vatican cho ta một cái nhìn rất cao sâu và huyền nhiệm về tự do: “Tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Bởi vì Thiên Chúa đã muốn để con người tự định liệu, hầu con người tự mình đi tìm Đấng Tạo Dựng và nhờ kết hợp với Ngài con người tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc. Vậy phẩm giá của con người đòi họ phải hành động theo sự chọn lựa ý thức và tự do, nghĩa là chính con người được thúc đẩy và hướng dẫn tự bên trong, chứ không do bản năng mù quáng hay cưởng chế hoàn toàn bên ngoài. Con người sẽ đạt tới phẩm giá ấy một khi tự nhờ giải thoát khỏi mọi kiềm tỏa của đam mê, con người theo đuổi cùng đích của mình trong sự tự do chọn lấy điều thiện và khôn khéo cũng như thực sự tạo cho mình những phương tiện thích ứng. Tự do của con người vì bị tội lỗi làm tổn thương nên chỉ nhờ ơn Chúa trợ lực mới có thể thực hiện việc hướng về Thiên Chúa. (GS 17).

     Như vậy, tự do vừa là một hồng ân, vừa là một sứ vụ, là kết quả của một quá trình gian khổ để thành toàn. Tự do là trở nên như Thiên Chúa (Lv 11, 44.45; Mt 5, 48). Đó là một ơn gọi: một lời mời gọi siêu vượt trên chính mình, để thể hiện một thứ tự do hoàn toàn không hạn chế. Trong mọi lúc, sự tự do của chúng ta là một khả năng làm cho con người thành Chúa, mở ra cho con người tiếp cận với uy quyền của Thiên Chúa để đi vào cuộc đối thoại, làm cho chúng ta trở thành vĩnh cửu. Chúng ta phạm tội, là bởi vì luôn thiếu lòng ước vọng đó. Tội, chính là từ chối sự cao cả, chính là từ chối cho hành động trở thành muôn thuở, chính là từ chối trở thành thần linh. Thiên Chúa không giới hạn tự do của chúng ta khi Ngài cấm chúng ta làm điều ác, nhưng khi làm điều ác là chúng ta từ chối tự do. Ở đâu có tự do, thì ở đó mới có điều thiện. Điều thiện không phải chỉ cho bản thân và vì bản thân, nhưng còn là một trách nhiệm liên đới trong lẽ sống làm người, theo ý định của Thiên Chúa khi tạo dựng. Tự do Kitô Giáo là ở chỗ dám xả thân, dám đảm nhận trách nhiệm, chứ không phải khéo lẫn tránh.

     Như vậy, tự do đích thực phải được nhìn dưới hai chiều kích bất khả phân ly: ân huệtrách nhiệm. Do đó, cần phân tích, biện biệt và lựa chọn. Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Anh em đừng rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận định đâu là ý của Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12, 2). Người trưởng thành tâm linh là người biết dung hòa và giữ được sự quân bình cần thiết giữa tự do với trách nhiệm, sứ vụ và ơn gọi.

Tự do ngoại tại

     Tự do trước tiên là một thái độ sống, một cách thế hiện hữu, một hình thức thể hiện sứ mệnh làm người. Người có tự do phải là người có thái độ tự do, ý thức được giá trị cũng như giới hạn của nó, đồng thời biết luôn tôn trọng quan điểm của mọi người, và chấp nhận sự hiện diện của một tác nhân tự do khác.

     Tự do của người Kitô hữu tùy thuộc vào thái độ căn bản là không dính bén đối với mọi sự (1Cor 7, 29-31), và chấp nhận Đức Kitô làm chủ toàn bộ cuộc sống của mình. Ngài sẽ giúp chúng ta làm chủ mọi sự (1Cor 3, 21-23). Không còn gì là cấm kị đối với những ai sống trong tình yêu của Đức Kitô. Như Đức Kitô, người ta nhẹ nhàng vượt trên những định kiến và khuôn thước chật hẹp của xã hội, vượt trên cả những qui định và luật lệ tôn giáo mang nặng tính bảo thủ truyền thống và chữ nghĩa của một thời (Ga 4, 21-24); không khúm núm, quỵ lụy hay khiếp sợ trước bất cứ một quyền bính hay vũ lực nào (Lc 14, 32); không đóng khung mình vào một phạm trù, phe nhóm, khuynh hướng hay đảng phái nào; thanh thản đón nhận đau thương và tự nguyện hiến thân theo định liệu của Thiên ý (Mt 10, 38; Ga 12, 25).

     Theo ý nghĩa trên, con người chỉ được giải phóng hoàn toàn khỏi những quyến rũ ràng buộc khi biết chấp nhận làm tôi tớ phục vụ sự công chính (Rm 16, 17-18), khi “tuân giữ luật trọn hảo của tự do” là luật Chúa (Gcb 1, 25): luật này hệ tại ở chỗ chọn lấy điều thiện, dấn thân sống cho người khác, đào luyện mình nên người hoàn hảo theo hình ảnh Đức Kitô (GS 22).

Tự do nội tâm

     Tự do luôn bị đe dọa không những từ bên ngoài, nhưng quan trọng là từ bên trong do hậu quả của tội lỗi, vì không ngừng bị thúc đẩy bởi sự kiêu căng, tham lam và ích kỷ. Mong mỏi và khao khát điều gì thì sẽ trở thành điều đó. Ước vọng và ý hướng nội tâm quyết định trạng thái tự do hay nô lệ của mỗi người trong từng trường hợp. Tội hay phúc, nô lệ hay tự do đã hình thành ngay từ bên trong trước khi trở thành một hành vi luân lý bên ngoài (Mc 7, 23; Mt 5, 28).

     Tội biến chúng ta thành nô lệ (Ga 8, 34). Tự do có nghĩa là “Đức Kitô đã giải phóng chúng ta khỏi ách tội lỗi” (Rm 6, 15tt) và lề luật (Gl 5, 1), hình phạt cùng sự chết (Dt 2, 15). Bất cứ ý hướng và đường lối giải phóng nào, nếu không đưa con người vượt thoát nô lệ tội lỗi thì đều là giả hiệu, bởi vì sự trói buộc nội tâm cơ bản vẫn còn nguyên. Bởi vậy, Đức Giêsu nói: “Nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do” (Ga 8, 36). Tự do Đức Kitô ban là tự do trong sự thật: “Sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8, 32). Tự do nhờ thành thật bên trong chứ không phải nhờ làm ra vẻ giả tạo bên ngoài. Tự do không chỉ là “tự do khỏi…” mà còn là “tự do để …”:

-         Tự do khỏi những ràng buộc bởi chính mình, bởi người khác hay sự vật; tự do khỏi những thèm muốn, thói quen, khuynh hướng… riêng của mình (Rm 7, 18-24).

-         Tự do để dấn thân; tự do để hiến thân phục vụ; tự do để được sống cái ý nghĩa cao cả là con người và là con cái Thiên Chúa (1Ga 3, 1), vì “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2Pr 1, 4). Chính bản tính mới ấy làm cho ta thành người con tự do của Thiên Chúa (Rm 8, 21).

     Chúng ta muốn tự do khỏi cái gì? Tự do để làm gì? Ý hướng chân thật của câu trả lời sẽ cho thấy được mức độ của sự tự do nội tâm.  

Tự do siêu thoát

     Mọi người, mọi vật, mọi phương thế và cách thức trong cuộc sống này đều là tạm bợ, chỉ sống dựa dẫm vào đó thôi thì con người không thể vượt thoát khỏi chính mình để hướng tới một Hữu thể sung mãn. Ngay cả lề luật cũng có thể trở thành một bạo Chúa, làm nghẽn đời sống tinh thần: “văn tự thì giết chết” (2Cor 3, 6), như thấy rõ qua kinh nghiệm dân Do Thái. Khi còn bị trói buộc bởi lề luật thì người ta không thể hiểu thế nào là tự do (Mt 11, 18-19). Nhờ Đức Kitô, chúng ta không còn sống dưới chế độ của lề luật, mà là của ân sủng. Tự do không nằm ở chỗ có quyền làm tất cả những gì mình thích hay được phép, mà ở nội lực tự chủ bản thân và khả năng phục vụ Thiên Chúa cũng như tha nhân. Vì thế, “Tôi được phép làm mọi sự…nhưng tôi sẽ không để sự gì làm chủ được tôi” (1Cor 6, 12). Được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều có ích, hay mọi sự đều có tính xây dựng. Chân lý để biết sống cuộc đời mình là biết sống vì thiện ích và vì ơn cứu độ của ngưới khác (1Cor 1Cor, 23-33). Cần phải có lề luật, và phải vâng phục lề luật (Dt 13, 17), nhưng cũng cần phải sống lề luật với tinh thần mới, tinh thần của Đức Kitô (Gl 6, 2). Theo nghĩa này, “tội lỗi” là “phi luật” (anomía) (1Ga 3, 4).

     Tự do khỏi cả sự chết. Ai cũng đều phải chết. Tuy nhiên, sự chết thể lý có liên quan huyền nhiệm với tội lỗi. Còn sự chết thiêng liêng thì thánh Phaolô gọi là “lương bỗng mà tội lỗi phải trả” (Rm 6, 23), và cảnh cáo: “Nếu anh em sống theo xác thịt thì sẽ phải chết” (Rm 8, 13). Chính Đức Kitô đã giải phóng chúng ta khỏi sự chết theo hai phương diện ấy (Rm 6, 5-9; 1Cor 15, 20-22). Như vậy, sự chết có thể biến thành “tin mừng” như thánh Phaolô nói: đối với tôi chết là một thắng lợi (Pl 1, 21), bởi vì những ai thuộc về Đức Kitô thì chết là điều kiện để được sống. Thánh Phaolô đã hiên ngang thốt lên: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?”(1Cor 15, 54). Một khi không còn sợ gì nữa, thì người Kitô hữu có thể hành động với tinh thần tự do siêu thoát trên mọi thứ (Rm 8, 31-39).

Đức Kitô, đích điểm của tự do

     Tự do chân thực không phải là cái gì được ban sẵn cho tôi, nhưng phải học tập để có nó. Tôi chỉ có tự do khi tôi gặp được những con người tự do: những con người biết yêu bằng một tình yêu nhưng không và vô biên giới; cuộc đời họ đã trở nên một không gian, một sáng tạo, một bài ca, một hương vị mới ở ngay chính những thăng trầm của nó. Và Đức Kitô, Con Người tự do hoàn hảo nhất, đã giải phóng biết bao con người khỏi nội cảnh và ngoại cảnh nô lệ của họ. Đức Kitô chính là đích điểm của tự do mà mọi người đang hướng tới. Ngài là mẫu mực của mọi mẫu mực trong việc thể hiện tự do cách toàn mỹ giữa mọi tình cảnh và trạng huống trong cuộc đời, ngay cả trước sự chết (Ga 10, 18). Chỉ khi gặp gỡ Ngài, chỉ khi chìm đắm trong tự do của Ngài, tôi mới có thể làm cho cuộc sống tôi vươn lên trong triển vọng vô tận của tình yêu. Thật vậy “tôi đã không thể có tự do trong tôi, bởi tôi đâu được tự do từ chính tôi, trước khi có cuộc gặp gỡ kia với Ngài, Đấng đã cho tôi được sinh ra cho chính mình” (Zundel). Tôi chỉ được giải phóng trong sự gặp gỡ với Ngài, để thật sự trở nên cội nguồn những hành động của tôi, phá vỡ những tiền định bên ngoài để thiên định bên trong được hoàn thành. Lúc đó tôi mới có thể gặp lại tôi trong tự do của chính tôi, và lúc đó, tôi có thể nói như Thánh Augustino: “Cứ yêu đi, rồi làm những gì bạn muốn”. Bởi điều mà tự do của tôi muốn sẽ không phải là là một vùng trời vô định và vô hướng, nhưng là vùng đất thật sự nhân loại, ở đó giá trị cao quí nhất là sự ban tặng một tình yêu nhưng không vốn sản sinh ra kẻ khác cho một cuộc đời toàn vẹn và đầy trách nhiệm.

     Lạy Chúa, tự do đích thực là một tiến trình nhiêu khê và dài thăm thẳm. Con không thể tiến tới đích mà không phải trả giá nặng nề: bằng sự chết đi cho cái tôi tiểu kỷ của mình. Con chỉ thực sự tự do khi biết hy sinh chính tự do của mình, là điều mà con chỉ có thể học tập nơi Chúa, và cũng chỉ có sức mạnh của tình yêu Chúa ở trong con thì con mới có thể được chuyển thông và khai mở. Để sống tự do một cách thênh thang “vô chấp” như Chúa trong mọi lãnh vực của cuộc sống con người, con cần phải có một cuộc hành trình giải phóng nội tâm đích thực. Để sống tự do hiến thân như Chúa theo ơn gọi và sứ mạng đòi hỏi, con cần có một phương thức hữu hiệu để cắt tỉa và uốn nắn trái tim con như trái tim Chúa. Chỉ có tự do đích thực khi con luôn tỉnh thức và nhận biết rằng mình thuộc về Chúa trong mọi nơi mọi lúc. Xin thương ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ trong sự tự do đích thực của con cái Chúa, để Chúa được nhận biết và yêu mến. Amen.

 

Lm. Thái Nguyên


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu