ĐỨC ÁI GIAO HÒA
“Đức ái tha thứ tất cả, tin tưởng
tất cả,
hy vọng tất cả, chịu đựng tất” cả (1Cor 13, 7).
Điều quan trọng nhất trong đời sống đạo của người Kitô hữu là thể hiện Đức
Ái, nhưng cơ bản của đức ái lại là sự giao hòa. Không thể biểu hiện tình yêu
trong sự bất hòa, và cũng không thể giao hòa nếu thiếu tình yêu. Sự thờ phượng chẳng có ý nghĩa gì, việc ăn
chay hãm mình và cầu nguyện chẳng có giá trị chi, nếu cứ để tâm hồn còn ngổn
ngang bởi những mối bất hòa và xáo trộn bởi những điều bất thuận (Mt 5, 24).
Không thể giao hòa bên ngoài nếu không
giao hòa từ bên trong, cũng như không thể giao hòa với người khác nếu chưa giao
hòa với chính mình. Nơi lòng mình có nguồn gốc của sự dữ và cũng là nguồn
mạch của mọi sự lành. Nơi đó có sự hiện diện của Thiên Chúa tình yêu, nhưng ma
quỉ cũng không ngừng gieo rắc sự thù hằn ghen ghét . Nơi đó là địa đàng của
bình an, nhưng sự dữ có thể gây đổ nát tang hoang. Đức ái giao hòa là một ân
ban siêu vượt của chính Đức Kitô mà chúng ta cần đón nhận và phát huy mạnh mẽ
để đi vào sự sống hiệp thông.
Đức
Kitô, tình yêu giao hòa
Đức Kitô đến để giao hòa chúng ta với nhau
và với Chúa Cha. Ngài là sự giao hòa và là sự bình an của chúng ta, vì “trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã giao hòa thế
gian với chính Ngài...” (2Cor 5, 19). Đức Kitô đã hàn gắn lại tất cả những
gì đổ vỡ, qui tụ lại những gì tan tác, hiệp nhất lại những gì phân rẽ. Đức
Giêsu đã chịu chết để thu họp tất cả con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi
(Ga 11, 52). Ngài đã mang lấy gánh lỗi lầm của chúng ta, và trở thành giống như
chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi (Dt 4, 15). Trong tư cách là nhà hòa giải,
Đức Giêsu là Pontifex tối cao, là
nhịp cầu nối kết không chỉ các cá nhân đang chia rẽ nhau, mà nhất là Ngài còn
hiệp nhất lại những gì đã phân rẽ bên trong mỗi người.
Tin Mừng cho thấy hình ảnh một Đức Giêsu
không ngừng tìm kiếm và cứu vớt những gì lạc mất, đến độ Ngài tự nguyện đến
dùng bữa tại nhà Giakêu. Hơn nữa, Đức Giêsu được tiếng là thường giao du với
những người tội lỗi và những người thu thuế (Mt 11, 19). Ngay cả trong cơn đau
đớn quằn quại của Ngài trên cây thập giá, Ngài cũng đã giao hòa kẻ trộm bằng
việc đón nhận và bảo đảm thiên đàng cho anh ta (Lc 23, 43). Tình yêu giao hòa
là hành động thần linh mà chúng ta chỉ học được từ Đức Kitô, Đấng đang thần
linh hóa mọi hành động của chúng ta cho công cuộc cứu độ của Ngài.
Sự
bất hòa ngay trong con người
Bao lâu tình yêu giao hòa của Đức Giêsu chưa
rực sáng lên trong tâm hồn ta như một tình yêu hoàn toàn trong suốt thì bấy lâu
vẫn có thể có những chia cắt, những thỏa hiệp, và phân sáp vùng ảnh hưởng nội
giới. Đó là điều mà Chúa Giêsu hay trách những người Pharisêu: quanh co với
những đòi hỏi của chân lý, vừa theo Chúa vừa lo cho mình được thành công ở đời,
tạo nên tâm thái mâu thuẫn và đối chọi trong chính mình. Thân phận tạo vật mỏng
dòn của chúng ta, cũng như ảnh hưởng dai dẳng của các lỗi lầm đã phạm là những
đồng lõa sâu xa với ma quỉ. Hơn nữa, trong ngôi nhà nội tâm của chúng ta, ma
quỉ thường tìm ra rất nhiều căn phòng dành cho riêng nó.
Chính vì con người đã bị phân rẽ ngay bên
trong chính mình, nên cũng phân rẽ với người khác. Nguyên nhân không gì khác
ngoài tội lỗi và sự dữ đã ăn sâu vào trong mỗi người. Tội lỗi làm tan rã chính
mình và chia cắt với mọi người. Trong tội lỗi, người ta không chỉ đoạn tuyệt
mình khỏi Thiên Chúa, đoạn tuyệt mình khỏi người khác, mà còn đoạn tuyệt mình
với chính mình nữa. Sự xung đột giữa người với người chỉ chấm dứt khi mà sự
xung đột bên trong bản thân mỗi người chấm dứt.
Từ kinh nghiệm riêng của mỗi người, ai
cũng biết rằng cõi lòng mình là một bãi chiến trường của những xung đột. Chúng
ta muốn tránh sự dữ, thế nhưng nhiều khi lại làm cớ cho sự dữ. Chúng ta muốn
làm điều tốt nhưng chúng ta lại bị lôi kéo bởi điều xấu. Chính Thánh Phaolô còn
có lần thốt lên: “Khốn cho tôi ! Ai sẽ
kéo tôi ra khỏi tấm thân hay chết này ? Xin tạ ơn Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô
Chúa chúng ta” (Rm 7, 24).
Chúng
ta vẫn thường nói về những cơ chế của tội lỗi trên thế giới, những cơ chế của
bất công, của sự phân biệt đối xử... Nhưng những cơ chế ấy phát xuất từ đâu ?
Chúng ta dễ quên những cơ sở hạ tầng của tội lỗi bên trong chính mình. Những cơ
chế bên ngoài của tội lỗi sẽ chỉ biến mất nếu những cơ chế tội lỗi đồn trú bên
trong bản thân của chúng ta bị giải thể. Đức ái giao hòa của Đức Kitô chỉ lan
tỏa và mang lại bình an cho nhân loại khi mỗi người chúng ta kiên quyết nhờ vào
ơn Chúa, để nỗ lực thống nhất đời sống nội tâm của mình. Thống nhất nội tâm là
một sự hòa điệu thâm sâu của toàn thể con người khi được cuốn hút hoàn toàn trước vẻ đẹp rạng ngời của
tình yêu Thiên Chúa, để chỉ còn lại một ước muốn và hành động duy nhất trong
tình yêu đó mà thôi. Đúng như lời tác giả Thánh vịnh đã diễn cảm kinh nghiệm từ
nội tâm: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
hồn tôi mới được nghỉ nghơi yên hàn” (Tv 62, 2).
Sống
đức ái giao hòa
Sống
cộng đoàn là nỗ lực tìm những phương cách để tạo nên một thế giới an bình xung
quanh mình, một thế giới đã được hòa giải trong chính mình làm thành một tâm
thái an tịnh giữa những nhiễu nhương của cuộc sống hằng ngày. Nhờ đó, ta có một
khoảng cách trước mọi diễn biến của hoàn cảnh đưa tới. Khoảng cách này làm cho
mọi trắc trở, phiền toái, chống chọi của người khác, ngay cả những thất bại và
đổ vỡ bên ngoài cũng không chạm đến tâm của chúng ta, không làm chúng ta bức
xúc mà phát sinh phản ứng. Tất cả những cái đó chỉ tạo nên nhận thức ở trong
trí chứ không gây xáo trộn ở trong tâm. Chỉ
khi cởi mở với những thực tại, ta mới nếm cảm được sự ung dung tự tại. Chỉ
trong trạng thái đó chúng ta mới có thể sống đức ái giao hòa như Thánh Phaolô
đã nêu lên: Đức ái thì nhẫn nhục... không
nóng giận, không nuôi hận thù... Đức ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy
vọng tất cả, chịu đựng tất cả (1Cor 13, 4-7). Tâm tình đó liên kết, bắc
cầu, tạo điều kiện để Thánh Thần có thể hiệp nhất mọi người trong chân lý.
Khi sống đức ái giao hòa ta sẽ được Thánh
Thần thúc đẩy để khám phá và tác tạo thêm nữa những mối dây liên kết giữa mọi
người để vượt thắng những cuộc xung đột và chia rẽ. Nhờ vào kinh nghiệm thống
nhất đời sống mình, ta biết cách giúp người khác loại bỏ những hệ thống tự vệ,
trao đổi thật sự về những vấn đề và nhu cầu, tìm ra lời hay lẽ phải để diễn tả
sự chia sẻ thực tâm của mình, tránh được mọi hình thức phê phán gây tổn thương,
mọi hiềm khích hoặc mọi buồn phiền. Nếu ai biết lắng nghe sự thật, thì đều có
khả năng vượt lên chính mình, vượt qua những nghi kỵ và hiểu lầm cũng như những
xúc phạm cố tình, để có thể tha thứ và giao hòa với nhau trong đức ái. Vì tất
cả đều nhận ra rằng, không có gì quan
trọng hơn sự hiệp thông giữa người với người. Chính sự hiệp thông ấy mới
dẫn đến đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, là kết quả của tình yêu giao hòa phải
trả bằng giá máu của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Kitô
hữu, sứ giả giao hòa
Có lẽ tội lớn nhất của thế giới chúng ta
chính là việc con người dần đánh mất cảm thức về tội lỗi. Đây là căn bệnh mà
chúng ta cần được giúp đỡ và chữa trị. Đức Giêsu cung ứng cho chúng ta sự chữa
trị đó khi Ngài giao hòa chúng ta với chính mình, với nhau và với Thiên Chúa. Trong
tư cách là Kitô hữu, chúng ta là những là những sứ giả của sự giao hòa này.
Sống trong thời buổi đầy tranh chấp và bạo lực, chúng ta cần phải trở thành
những điểm nối kết và qui tụ, trở thành những con người xây dựng và kiến tạo
hòa bình. Điều cần là chúng ta luôn nhận biết rằng, mình đang mang trong thâm
tâm những mầm móng của tội lỗi và ích kỷ, nên chúng ta cần được giao hòa ngay
cả khi chúng ta đem lại sự giao hòa cho người khác.
Mẹ Giáo hội cung cấp cho chúng ta một
phương thế để đón nhận sự giao hòa và niềm bình an ấy: đó là bí tích giao hòa.
Việc đào luyện tu đức của ta phải nhắm đến việc nhìn nhận tội lỗi và sự dữ ở
bên trong chúng ta, và việc đặt mình qui phục lòng thương xót và sự thiện hảo
của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Giáo hội hết sức nhấn mạnh tầm quan trọng
của Bí Tích Giao Hòa. Nhờ bí tích này, chúng ta nhận lãnh không chỉ sự thứ tha
tội lỗi mà còn nhận lãnh sức mạnh của ơn Chúa để có thể phá tan những cơ chế
tội lỗi bên trong mình.
Mỗi Kitô hữu đều có bổn phận trở nên những
chứng nhân của lòng thương xót Chúa dành cho mọi người. Lòng thương xót Chúa
luôn lớn lao hơn bất cứ tội phạm nào của con người và quảng đại hơn cả sự sẵn
sàng của con người trong việc kêu xin Ngài tha thứ. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô
II trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng “Reconciliatio
et Penitentia”, đã phát biểu như sau:
“Đời sống tu đức và mục vụ của người linh mục,
cũng như đời sống của những anh chị em tu sĩ và giáo dân, muốn cho thực sự có
chất lượng và sinh động, cần phải là một đời sống lãnh nhận Bí tích Giao Hòa
thường xuyên và đầy ý thức”.
Chúng ta cần phải khiêm tốn và thành thực
ý thức về sự dữ ở bên trong và bên ngoài bản thân mình. Cần phải biết luôn hòa
giải với chính mình, với người khác, và với Thiên Chúa. Phải tự biết làm cho
mình trở thành nhịp cầu bắc qua các con nước dữ, trở thành những sứ giả của hòa
bình và hòa điệu trong một xã hội vẫn còn nhiều xâu xé tan nát bởi bạo lực, và
ngay trong cộng đoàn của mình, nơi mà hằng ngày vẫn xảy ra những tranh chấp, đố
kỵ, bất hòa... đánh mất niềm vui ơn cứu độ của chính mình và người khác.
Lạy
Chúa, làm sao con có thể sống đức ái giao hòa khi trong con còn ngổn ngang
những bất hòa. Bên trong con còn bị phong tỏa thì làm sao bên ngoài có thể tiến
bước. Tiến trình tu đức cho con biết rằng, từ bên trong phải từng ngày thanh
lọc bản thân mình khỏi sự dữ, khỏi những tâm ý gian tà, khỏi những toan tính
mưu mô, khỏi những đam mê và ước muốn vị kỷ...; từ bên ngoài phải thanh luyện bản
thân mình khỏi những hoen ố của lối sống phàm tục, khỏi những náo động và tranh
chấp hơn thua, khỏi những ảnh hưởng của dư luận đàm tiếu đầy những ngộ nhận...
Kinh nghiệm sống với Chúa cũng cho con biết rằng, chỉ khi nào hiệp nhất với
Chúa mỗi ngày sâu xa hơn thì con mới mong hiệp nhất với chính mình, và có thể
mang đến tình yêu giao hòa với mọi anh em. Chúa đã phải đổ máu để làm hy tế
giao hòa cho nhân loại, thì xin cho con cũng biết cúi xuống để chấp nhận những
nhục nhằn đau đớn, như một điều kiện nhất thiết để trổ sinh hoa trái của Đức Ái
Giao Hòa là an bình và niềm vui cho cuộc sống trong từng ngày. Amen.
Lm Thái Nguyên