SỐNG CUỘC ĐỜI MÌNH

“Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô” (Pl 1, 21).

           

Là Kitô hữu, nghĩa là đã được tác tạo thành con người mới, mang trong mình sự sống của Đức Kitô, nên tôi chỉ có thể hoàn thành sự sống của mình khi để Đức Kitô mỗi ngày lớn lên trong tôi, và nhờ đó tôi lớn lên trong Ngài.

Gắn bó và hiệp nhất với Đức Kitô

Không ai có thể sống cuộc đời mình trọn vẹn nếu thiếu liên kết chặc chẽ với Đức Kitô. Đó là điều mà Chúa đã tha thiết kêu gọi: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15, 4). Cuộc đời Kitô hữu sẽ khô héo và bị tiêu hủy nếu không còn gắn bó mật thiết với Đấng là sự sống của mình:  Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15, 6). Đức Giêsu đã sống chân lý đó trong cuộc đời của Ngài - trong sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa Cha - và Ngài đã cầu nguyện cho chúng ta được nên một với Ngài trong sự sống đó (Ga 17, 21-22). Sự cao cả của đời tôi tùy thuộc sự thấm nhập vào Đức Kitô đến mức độ nào. Cũng giống như khi cây càng lớn mạnh, nhánh càng vươn cao, thì rễ lại càng phải ăn sâu vào lòng đất để hút lấy sự sống.

Sống gắn bó với Chúa Kitô và hiệp nhất với Ngài không phải là siêu thoát khỏi thực tại trong một khung cảnh ngoại tại yên tịnh cho riêng mình. Nhưng trước hết, là nhìn thấy Ngài đang hiện diện trong gia đình, trong cộng đoàn, trong từng giây phút lịch sử của mọi biến chuyển trong cuộc đời, và trong cái nhìn đầy tin yêu đó, ta đồng hành với Ngài như một người bạn chân tình nhất, thâm sâu nhất. Trong sự tự do cao cả, Đức Kitô không bao giờ muốn thâm nhập vào ta bằng sức mạnh thần linh của Ngài (ngoại trừ một vài trường hợp rất riêng biệt trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa), nhưng Ngài chỉ nói lên bằng ước muốn của con tim ngập tràn tình yêu tha thiết của Ngài trong cuộc đời của mỗi người. Bất cứ ai cũng đều được ưu đãi trong tình yêu của Ngài, và mọi hoàn cảnh sống đều có thể được tận dụng như một cơ hội để mỗi người có thể lớn lên trong tình yêu đó. Không thể có hạnh phúc thật sự nếu như tôi không thao thức đáp trả cách mãnh liệt trước tiếng gọi tình yêu của Đức Kitô.

Đáp lại tiếng gọi tình yêu đó không phải là muốn làm những gì cho Chúa, nhưng là muốn ở với Chúa để cùng làm với Ngài trong mọi sự. Tất cả nét cao cả của đời tôi ở chỗ là dấu chỉ và là hiện thân của Đức Kitô. Lời Chúa phải thực sự là ánh sáng và sức mạnh trong tôi qua mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Hơn nữa, qua Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô trao ban chính mình Ngài cho tôi, tôi được hiệp nhất với Ngài trong sự sống thần linh. Sự sống ấy phải được lan tỏa một cách cụ thể qua lời nói, việc làm, trong mọi tương quan và hoạt động của đời tôi. Nếu chỉ là hành vi đức tin trong phụng vụ mà không có chứng tích trong đời sống thì hóa ra danh hiệu Kitô hữu của tôi chỉ là sự giả dối. Bí tích đâu phải là một thứ bùa phép ma quái, mà là ân sủng và sự sống của Đức Kitô được thông ban cho tôi do sự tự hiến của Ngài. Điều này đòi hỏi tôi phải tiếp nhận Đức Kitô một cách thâm sâu để làm thành sự sống của chính mình (Gl 2, 20). Thiếu sự sống chân thực của Đức Kitô trong mình, tôi chỉ còn là bóng ma trong cuộc đời, nghĩa là một sự hiện diện gây nên sợ hãi, bất an, hoang mang và hỗn loạn cho mọi người xung quanh mình. Nếu không như thế thì ít ra cũng phát sinh một bầu khí nặng nề hoặc trơ trọi, mất sinh động vì sinh khí Đức Kitô không có hoặc đã không còn.

Sống phong phú

Nếu tôi sống trong sự gắn bó mật thiết và sinh động với Chúa Giêsu, thì cách hành động của tôi và cả môi trường quanh tôi, chắc chắn sẽ được đổi mới: một sự đổi mới phong phú do Chúa làm nên trong tâm hồn tôi trước tiên, để rồi lan tỏa đến trong mọi người. Do đó, chỉ lo tìm kiếm hiệu năng theo ý hướng và cách thức của loài người là một lệc lạc, cho dù đó là một đòi hỏi của xã hội ngày nay. Chúa mời gọi tôi hãy sống phong phú theo cách sống của Ngài (Ga 10, 10). Sống hiệu năng, nghĩa là muốn làm những chuyện lớn lao cho riêng mình. Còn sống phong phú, đó là muốn làm những việc hèn mọn nhất cho người khác bằng tình yêu. Việc lo thu lượm được hiệu năng tối đa cho tôi thấy một tâm hồn nghèo nàn, nông cạn, không sao lấp đầy khoảng trống mênh mông của tâm hồn mình.  Việc sống phong phú cho tôi cảm nhận linh thiêng về cuộc sống mình và mọi người trong đường nẻo của Chúa. Trên con đường này, Đức Maria là mẫu mực và là một nâng đỡ cho cuộc đời tôi, vì hơn ai hết, Mẹ đã sống thật phong phú bằng cả máu thịt mình cho Thiên Chúa.

Phi thường trong những điều bình thường

Trong trật tự của tình yêu vô hình, đâu phải những cái bất thường là những cái quan trọng, mà là một đời sống được kết dệt từng ngày, là vĩnh cửu hình thành trong thời gian theo nhịp điệu của Thiên Chúa. Con người thường đánh mất vĩnh cửu, vì vĩnh cửu chỉ nảy sinh trong sự từ bỏ và bị tước bỏ. Phải học tiếp nhận và yêu mến những điều nhỏ nhặt, vì Thiên Chúa tưới gội cho mọi sinh vật, chứ nào dành riêng cho những đỉnh cao. Ngài tự biến mình thành kẻ thật bé nhỏ để có thể gặp gỡ mọi người, để chẳng ai phải sợ Ngài. Tôi phải biết yêu mến cái bình thường trong đời, và không nên ham thích quan tâm đến những gì bất thường, trỗi vượt. Đương nhiên, mọi hoạt động phải được tu chỉnh và canh tân liên tục, nhưng không có nghĩa là chú tâm đến những việc gây ấn tượng, và tạo nên bề thế cho bản thân mình qua những hoạt động đó. Những ai chỉ biết theo đuổi những cái bất thường thì sẽ làm cho cuộc sống của mình trở nên thất thường, nếu không dám nói là bất bình thường. Nội lực sâu xa và sự bình an chân thật chỉ phát xuất từ một cuộc sống bền bỉ trong sự điều hòa, nhịp nhàng của những bổn phận, nhiều khi rất lặng lẽ và âm thầm. Mọi ý nghĩa và giá trị lớn lao của cuộc sống đều nảy nở trên mảnh đất đời thường, khi nó được gieo trồng, chăm sóc và vun tưới một cách đều hòa. Kết quả phi thường là sự kết tinh từ những điều bình thường.

Điều bình thường trước tiên của đời tôi là hằng ngày phải có thời giờ để chìm sâu trong Chúa, đồng thời tập cho mình biết cách sống kết hiệp với Chúa thường xuyên trong mọi lúc. Cường độ của đời sống thuộc linh ít khi là cường độ của cảm giác mạnh làm ta rúng động cả châu thân. Thông thường, đó là cường độ của một đời sống không ngừng tự xác lập qua những hành động bình thường nhất. Đó là con đường của hoán cải chứ không phải của chinh phục, của khiêm tốn chứ không phải của chiếm đoạt, của sự “cô đơn tự chủ” chứ không phải hướng ra bên ngoài để tìm kiếm những tình cảm an ủi, và có những khi là của việc chấp nhận đau thương và thất bại chứ không phải của sự an nhàn và thành đạt. Đó là những nẻo đường mà Chúa muốn làm thành cuộc sống của tôi, vì thế trước khi yêu Chúa, phải để Chúa yêu tôi trước, cũng như trước khi hành động phải để cho Chúa hành động trước trong tôi. Để Thiên Chúa hành động, thái độ đầu tiên của tôi là sẵn sàng và phó thác cho tình yêu Thiên Chúa. Phó thác trọn vẹn cho hành động của Thiên Chúa nghĩa là dám từ bỏ mình trong sự tín nhiệm hoàn toàn vào Ngài. Trong mọi biến cố, phải để cho Lời Chúa và ý Chúa nhào nặn đời tôi như đất sét trong tay thợ gốm.

Đời sống thuộc linh

Nơi con người, Chúa yêu điều chưa có, mến cái phải nảy sinh. Vì thế, cầu nguyện không phải là hối thúc Thiên Chúa hành động hay van xin Ngài quan tâm đến tôi, mà chủ yếu là đặt mình trong tình yêu của Chúa. Cầu nguyện không phải là đặt ra những éo le của hoàn cảnh để bắt Chúa phải ra tay, cũng không phải là mong muốn phải thay đổi sự vật hay người khác, mà trước tiên là thay đổi chính mình, để đời mình có thể bén rễ trong sự thân tình ngày càng sâu xa hơn với Đức Kitô. Đời sống thuộc linh chính là cởi mở trước Thần Khí Đức Kitô, để tìm gặp Thiên Chúa nơi mọi sự và gặp lại mọi sự nơi Thiên Chúa.

Vì thế, đời sống thuộc linh phải thấm nhuần trọn vẹn đời tôi, phải kết thân với mọi thực tại của cuộc sống mình, một cuộc sống luôn được Thần Khí tác động và tưới gội. Căn tính của Kitô hữu thuộc chiều kích linh thánh, vì là con người của Thần Khí. Trong Thần Khí, trong trái tim Chúa Giêsu, tôi sống cuộc đời tôi trong sự tự hiến cho mọi người và vì mọi người. Trong sự tiến bước như vậy, tôi an tâm giữa mọi xáo trộn và bất trắc, vì tôi biết rằng mọi hành động của Thiên Chúa là luôn để tái tạo mọi sự nơi tôi trong tình yêu Người. Một khi tự vét cạn lòng mình vì tình yêu Thiên Chúa, tôi cũng sẵn sàng để mình bị tước bỏ, bị lãng quên, bị coi thường, không còn bám níu vào những thành công và thế giá bên ngoài, cũng như không còn ỷ lại vào những năng lực và ngay cả phẩm chất bên trong. Niềm hạnh phúc của tôi phát sinh khi chẳng còn dựa vào những gì mình làm nên cho Chúa, mà dựa vào những gì Chúa đã làm nên cho mình. Và như vậy, mỗi giây phút đời tôi lại được phục sinh trong tình yêu Chúa. Đó cũng chính là khao khát đích thực trong đời Kitô hữu, để sống cuộc đời mình trong sự sống vô biên của Thiên Chúa.

Lm Thái Nguyên


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu