SỐNG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI
(Tâm tình sống Mùa Vọng)
Hôm nay là ngày cứu độ” (2Cor 6, 2).
Suy
nghĩ một chút, ta thấy giây phút hiện tại ít được quan tâm, ít thấy có giá trị,
bởi vì hiện tại thật nhỏ nhoi, thật dòn mỏng giữa hai thực thể khổng lồ là quá
khứ và tương lai. Tùy theo tuổi tác và tính khí, con người ta ít nhiều ôm đồm
những giấc mộng tương lai hay gánh nặng quá khứ hơn là chú tâm sống giây phút
hiện tại. Tuổi trẻ thường muốn sống cuộc đời trong mơ, muốn thực hiện ngay
những “dự phóng” còn chưa khô mực, trong khi đó người già thích ngồi “đánh
bóng” những kỹ niệm xa mờ. Ta thường đánh mất hiện tại bằng cách giam hãm mình và người khác trong quá khứ,
hoặc triệt buộc mình và người khác trong một tương lai mịt mù. Khi chưa có, ta
khao khát mãnh liệt, khi vừa qua đi ta lại muốn níu kéo lại. Giây phút hiện tại
có thể nắm bắt được thì ta lại lơ là, không để cho nó hoàn tất những gì phải
làm, không để nó sản sinh những gì phải có, để rồi cứ miệt mài theo cách nghĩ
và lối sống sẵn có của mình.
1. Tầm quan trọng
Ngay từ xa xưa một số
triết thuyết ngoại giáo cũng đã từng chủ trương sống cái hiện tại. Theo
Aristippe, thủ lãnh trường phái Cyrênê, cần nắm bắt và tận hưởng khoái lạc
trong hiện tại. Khoái lạc hiện tại cũng là mục tiêu của phái Epicure. Horace đã
tóm tắt ý tưởng này trong câu nói thời danh: Cape diem : hãy tận hưởng
giây phút hiện tại. Đến thời Phục hưng, Ronsard cũng diễn tả điều đó qua câu
thơ:
Hãy ngắt những bông
hồng cuộc sống
Chờ đợi làm chi đến ngày mai.
Cuối cùng A. Gide cũng đề xướng “Hãy
có một tâm hồn rộng mở trước tất cả những gì mà giây phút hiện tại đưa tới”.
Nhưng rất tiếc là ông cũng như những chủ thuyết trên chỉ toan tính và cởi mở
trước những khoái lạc nhục dục. Tuy nhiên, tự chúng cũng hàm ngụ phần nào sự
thật. Ngay như Séneque, một triết gia ngoại giáo, cũng đã nhận xét rằng: lầm
lẫn chung của tất cả chúng ta là không làm hay làm không tốt những gì phải làm
ngay trong lúc này.
Mở ra trang
Tin Mừng của Đức Kitô, ta gặp được công thức sống giây phút hiện tại ở cuối bài
giảng trên núi (Mt 6, 34): “Đừng lo về
ngày mai. Ngày mai sẽ lo cho ngày mai”. Thánh Phaolô đã xác định với chúng
ta: “Lúc này là lúc thuận tiện. Hôm nay
là ngày cứu độ” (2Cor 6, 2). Các thánh đã sống tuyệt hảo giây phút hiện tại
theo gương Chúa, Đấng chỉ có hiện tại, không có quá khứ hay tương lai. Thiên
Chúa phán cùng Ngôi Con: “Hôm nay Ta đã
sinh ra con”. Hôm nay là của Chúa, giây phút hiện tại này là vĩnh cửu. Lúc
hấp hối, Thánh Têrêsa đã nói: “Tôi chỉ
thấy giây phút hiện tại, quên hết quá khứ và cảnh giác tương lai”.
Quá khứ đã qua, tương lai thì chưa biết, chỉ có hiện tại nằm trong tầm tay
của chúng ta, sẵn sàng giúp ta dàn trải tư tưởng và hành động trong cuộc sống,
hầu cảm nhận nét bút kỳ diệu của Thiên Chúa trên những đường cong trong cuộc
đời mình. Khi mời gọi chúng ta sống tỉnh
thức, Chúa Giêsu muốn chúng ta sống triệt để giây phút hiện tại, nghĩa là tập trung toàn bộ năng lực cho sự phát khởi
cao đẹp nhất của một tư tưởng, một hành vi, một thái độ, một tâm tình, một phản
ứng với tất cả sự đáp ứng tích cực. Bởi đó, việc đầu tiên trong chương trình sống của
người Kitô hữu hằng ngày phải là: đong đầy trong yêu thương những giây phút
hiện tại đi qua trong đời.
2. Ý nghĩa vĩnh cửu của giây phút hiện tại
Khoảnh khắc
hiện tại không phải một phần mảnh thời gian nhưng là một lối mở vào vĩnh cửu,
vì chính trong giây phút hiện tại là thời điểm mà ta gặp được Chúa, nhận ra ý
Chúa và hiện diện trước Chúa. Sống trọn vẹn từng khoảnh khắc nối tiếp nhau như
thế là vĩnh cửu hóa giây phút hiện tại, đưa ta vào đời sống của Thiên Chúa. Dù có bị hoạt động cuốn hút, tâm
hồn vẫn ở với Chúa trong một sự đổi mới liên tục, trong sự trầm lắng sâu xa với
mình Ngài. Nhờ vậy, ta có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi mỗi biến
cố và trong mọi hoàn cảnh. Điều đó giúp ta hiểu được rằng, tại sao các thánh có
thể làm nhiều việc, giải quyết mọi khó khăn, đảm nhiệm nhiều trách vụ nặng nề
mà vẫn không đánh mất chính mình, và không ngừng “trở thành mọi sự cho mọi
người”. Vì vậy, thánh Gioan Thánh giá, khi kêu gọi tẩy não trí nhớ, chẳng muốn
nói điều gì khác hơn là hãy sống hiện tại và thoát khỏi quá khứ.
Biết rằng, trong các
bí tích, Thiên Chúa tự hiến cho ta một cách đặc biệt hơn, nhưng mọi khoảnh khắc
hiện tại đều trao ban Thiên Chúa cho ta. Nên hiện tại, một cách nào đó, cũng là
bí tích thường hằng, là dấu chỉ sự hiện hữu tiềm mặc của Thiên Chúa, nên mọi
lãng phí thời gian đều là phạm thánh.
Hành trình về Đất hứa
trong sa mạc khi xưa đã làm cho dân Do Thái kêu trách Thiên Chúa và luyến tiếc
thời kỳ nô lệ ở Ai Cập thế nào, thì cuộc hành trình giữa sa mạc đời hôm nay
cũng dễ tạo nên cho ta một thái độ như thế khi đứng trước những tình cảnh hiện
tại thật gay go. Kinh nghiệm lịch sử Israel và kinh nghiệm đời mình cho chúng
ta một xác tín rằng, cần tin cậy vào Lời
Chúa hơn là tin vào cảm nghĩ và quyết định của riêng mình. Phải chấp nhận sống
theo điều mình tin, chứ không phải theo những gì mình thấy. Niềm tin thế chỗ
cho cái nhìn, nhiều khi cho cả lý luận.
Khi không sống trọn vẹn niềm tin trong giây phút hiện tại, ta dễ dàng xuôi theo
những lý giải và phương cách của người đời, coi hiệu năng của công việc quan
trọng hơn là hiệu lực của Lời Chúa. Và cứ thế, chương trình của Thiên Chúa tiếp
tục gẫy đổ, hiện tại biến thành hư vô, ý Chúa trở thành ý đồ của con người.
Hồng ân Chúa cũng vậy, không thể đón nhận một lần thay cho tất cả. Ân ban ngày
nào là của ngày đó, lúc nào là của lúc đó. Mỗi giây phút đều mới mẻ, nên đòi
hỏi con người phải đặt mình vào hiện tại để được đổi mới không ngừng theo sự
tác động của Thánh Thần.
3. Tâm thái của lẽ sống hiện tại
Lẽ sống hiện tại đòi hỏi một tâm thái xứng
hợp của con người trong tiến trình hòa nhập để sống trọn vẹn cho Chúa trong
từng giây phút diễn biến nội tâm cũng như ngoại tại. Đó cũng chính là phẩm chất
của đời sống tâm hồn trong niềm tin, cậy, mến.
a. Tin Tưởng
Thiên Chúa luôn ở THÌ HIỆN TẠI. Vì thế,
phải tin rằng, lúc này, Thiên Chúa đang hiện diện thực sự nơi biến cố. Đức tin
nối kết tâm hồn với bản chất của Thiên Chúa, và đem lại cho ta trọn vẹn Thiên
Chúa nhờ biết rộng mở tâm hồn. Đức tin nói lên một tâm hồn khao khát Chúa, và
chỉ thỏa mãn phần nào cơn khao khát đó nhờ sống mỹ mãn giây phút hiện tại với
Chúa. Đức tin là một lộ trình thiêng liêng càng ngày càng làm cho cuộc sống với
Chúa trong giây phút hiện tại đạt tới mức độ lạ lùng, giống như nữ tu Élisabet
: “cảm nhận cũng như không cảm nhận...
ngày sáng cũng như đêm đen”. Không phải là không còn cảm nữa, nhưng cảm một
cách khác. Không theo thói cảm thường tình, nhưng trong cảm nhận “như thấy Đấng
vô hình” trong mọi giây phút.
Đức tin giúp ta hiệp nhất với Thiên Chúa
trong khoảnh khắc hiện tại, thanh lọc hóa cái nhìn ấu trĩ và non nớt để có thể
gặp Ngài nơi mọi sự với những góc độ khác nhau. Đức tin là sức mạnh vô biên vì
nó nối kết và chạm đến quyền năng vô hạn của Thiên Chúa để làm nên mọi sự, phục
hồi mọi tệ trạng, đổi mới mọi tình trạng cho con người ngay hôm nay, giờ phút
này.
b. Hy Vọng
Giũ bỏ gánh nặng quá khứ và dẹp đi những
lo lắng tương lai, hy vọng đặt ta vào hiện tại tìm kiếm Thiên Chúa. Thánh
Têrêsa đã viết: “Nếu đôi lúc ta thất
vọng, chính là vì ta nghĩ đến quá khứ hay tương lai. Vì thiếu hy vọng, biết bao
lần ta tự chuốc lấy đau khổ vô ích mà Thiên Chúa không hề muốn xảy ra cho ta”.
Niềm hy vọng tháo gỡ khỏi lòng những trói
buộc của quá khứ. Quá khứ thường ám ảnh tâm hồn và đè nặng lên hiện tại, và rồi
dần dần nó đầu độc lương tâm mà lương tâm không hề hay biết. Tâm lý học hiện
đại đã nhấn mạnh đến ảnh hưởng độc hại này. Những kỷ niệm hay những xáo trộn và
đổ vỡ từ thuở thiếu niên cứ âm thầm gậm nhấm đời ta, đánh mất dần khả năng cảm
nhận về những điều mới mẻ trong giây phút hiện tại nơi mình và người khác.
Những khuynh hướng bị dồn nén, những tình cảm bị cấm kỵ hay bị thất đoạt như
dòng nước ngầm, lâu lâu lại trào dâng như cơn lũ nhận chìm đời ta. Để sống và
sống dồi dào trong giây phút hiện tại, cần phải dứt khoát chôn vùi một quá khứ
nghiệt ngã. Lời Chúa mời gọi: “Hãy để kẻ
chết chôn kẻ chết” (Mt 8, 22).
Bằng lòng sống từng ngày, bước đi trong
tín nhiệm, đặt tay mình trong tay Chúa, ta sẽ tìm được ân sủng tương ứng với
từng giây phút sống trong mọi công việc. “Điều
chạm tới trái tim Chúa và đưa tới chiến thắng, đó là hy vọng kiên vững”
(Gioan Thánh giá). Chính nhờ hy vọng mà ta dũng cảm đương đầu với khổ đau và
đặt tương lai trong tay Chúa. Hy vọng và tín nhiệm, cả hai ảnh hưởng hổ tương
cho nhau, giúp ta có được thái độ bình tâm nghiêm túc trong giây phút hiện tại,
để có thể nói như Laurent: “Chuyện gì
phải đến, sẽ đến ! Phần tôi, tôi luôn hành động vì yêu thương”.
Niềm hy vọng đưa ta vào hiện tại sau khi
đặt quá khứ và tương lai vào lòng thương xót Chúa. Sống hy vọng trong từng giây
phút hiện tại giúp ta biết mở lòng đón nhận mọi thực tại, biến hữu hạn thành vô
hạn trong sự sống của Thần Linh không ngừng trải rộng trong mọi thời khắc.
c. Yêu Thương
Yêu thương là tự hiến, như Thiên
Chúa đã tự hiến cho chúng ta qua Đức Giêsu Kitô. Trong sự tự hiến, con người từ
bỏ mình hoàn toàn, nó phải “chết đi” trong từng giây phút thì mới có thể sống trọn
vẹn cho Chúa. Tình yêu mời gọi ta nên một với Chúa: một ý chí, một con tim, một
ước muốn, một hành động... Khi ý chí còn bị lung lạc, con tim còn bị chao đảo,
ước muốn còn qui kỷ, hành động còn bung xung, thì không thể nói tới yêu thương.
Vì yêu thương, trước tiên là sự sống của tâm hồn hòa nhịp vào sự sống của Thiên
Chúa. Để từ đó ta có thể đi vào trong sự hòa hợp với mọi người và mọi sự trong
từng khoảnh khắc một cách chân thực và trong suốt.
Mỗi khi tiếp xúc với tha nhân là mỗi lần
ta hiện diện trước Thiên Chúa, vì nơi mỗi con người đều mang dấu ấn thần linh,
là nơi Thiên Chúa ngự trị, ngay cả khi họ đánh mất những nét tương đồng với
Thiên Chúa. Buồn thay nhiều khi tha nhân trở thành một bức màn che chắn Thiên
Chúa, thay vì phản ảnh dung nhan sáng ngời của Ngài. Dù sao đi nữa thì mọi tiếp
xúc với tha nhân trong hiện tại đòi ta phải vét cạn mọi ảo tưởng về bản thân
mình để có một thái độ hiện thực của lòng yêu mến. Mọi quan hệ với tha nhân,
tuy thật bình thường, nhưng luôn là cơ may tuyệt vời để sống giây phút hiện tại
với Chúa và hoàn tất điều Ngài muốn thực hiện nơi ta.
Kết
luận
Tóm lại, sống
cuộc đời mình là tập trung toàn tâm toàn ý vào những gì mà hiện tại đem đến,
loan báo và đòi hỏi; là sống hôm nay, cho hôm qua và ngày mai, một hôm nay
thường bị hiểu lầm, một hôm qua cần được tước bỏ và một ngày mai còn ngoài tầm
tay.
Tình yêu của ta chỉ tuyệt đối, nếu ở mỗi
khoảnh khắc ta sống trọn vẹn lời kinh sau: “Ôi
lạy Chúa, xin cho con sống tình Ngài thiên thu trong sự toàn hảo của phút giây
hiện tại”. Nếu sự toàn hảo không hiện hữu trong mọi khoảnh khắc, thì cũng
không thể sống sự hiệp nhất trọn vẹn với Chúa trong tình yêu. Dĩ nhiên, đây là
lý tưởng sống của đời Kitô hữu, nhưng nó cũng là tiến triển thực sự trong hành
trình thiêng liêng mỗi ngày. Đó không phải là sự hoàn hảo do chúng ta muốn làm
nên, nhưng là điều mà Thiên Chúa đòi hỏi và muốn làm nên ngay từ trong Cựu Ước (Lv
11, 44) và mạnh mẽ hơn nữa trong Tân Ước (Mt 5, 48).
Với Thánh Têrêsa, ta có thể kết luận:
Ai có khoảnh khắc hiện tại là có Thiên Chúa
Ai
có khoảnh khắc hiện tại là có tất cả...
Lm Thái Nguyên