ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI
(Sống Mầu Nhiệm Giáng
Sinh)
“Ánh
Sáng chiếu soi trong bóng tối” (Ga 1, 5)
Cho đến nay
các sử gia vẫn chưa xác định được Chúa Giêsu sinh ra vào ngày tháng nào. Nhưng
Giáo hội đã chọn ngày 25 tháng 12 để cử hành Lễ sinh nhật của Đức Giêsu vì hai
lý do:
-
Đây là ngày mà mặt trời chiếu sáng nhất và là
ngày dài nhất trong năm.
-
Xưa kia, ngày này là lễ mừng Thần Mặt trời của
người Rôma ngoại giáo.
Làm như thế, Giáo hội muốn chúng ta hiểu
rằng Chúa Giêsu chính là mặt trời đích thực đã đánh tan tối tăm của tội lỗi và
gian tà.
Lễ Giáng sinh được cử hành vào ban đêm cho
thấy ý nghĩa cao vượt : Chúa Giêsu là Ánh Sáng, Ngài sinh xuống trần gian như
ánh sáng bừng lên trong đêm tối.
. Đêm tối tượng trưng cho sự dữ, tội lỗi,
bất hạnh, buồn sầu.
. Ánh sáng tượng
trưng cho sự lành, thánh thiện, hạnh phúc, vui mừng.
Khi sinh xuống trần gian Chúa Giêsu mang
lấy trên mình tất cả những gì là tăm tối của loài người, để ban lại cho loài
người ánh sáng của Thiên Chúa.
Đọc phúc âm của Gio-an
chúng ta gặp tiếng "sự sáng", "ánh sáng" tới 21 lần, tiếng
"bóng tối" tới 7 lần, và nghe Chúa Giê-su tự xưng là ánh sáng tới 12
lần. Ngài còn dạy môn đồ phải trở thành ánh sáng soi muôn dân thiên hạ (12, 36).
Vậy
thế nào là "ánh sáng"? Sách Sáng thế viết rằng: vào thuở thái
sơ vũ trụ hồng hoang, bóng tối bao trùm muôn vật, khi Đấng Tạo hoá dựng nên ánh
sáng, thì cảnh hoang loạn mới chấm dứt. Như vậy theo quan niệm của Gio-an,
ánh
sáng giúp loài người biết dùng trí óc mà tìm hiểu căn nguyên của mình trong dĩ
vãng, tiền đồ của mình trong tương lai, lại biết dùng ý chí mà chế ngự tình dục
hoang loạn ở trong lòng mình.
Ánh sáng đã chiếu soi, nhưng bóng tối là
sự dữ vẫn luôn hoành hành trên thế giới, trong từng quốc gia, từng cộng đoàn,
từng gia đình, như bức tường chắn ngang giữa con người với Thiên Chúa và với
nhau. Ánh sáng đã chiếu soi trong bóng tối, nhưng bóng tối cứ vẫn là bóng tối,
khi lòng người cứ đóng kín phủ che, che khuất cuộc đời và che khuất cả lương
tri: bóng tối của dục vọng, của phân chia, của thù hằn ghen ghét, của tham lam và
tranh chấp bạo tàn, của thế lực và tranh giành ảnh hưởng... Không
phải chỉ bóng tối của cõi đời thế tục, mà còn là bóng tối trong cõi chốn tu
trì. Không phải chỉ bóng tối của quyền hành xã tắc, mà còn là bóng tối của giáo
hội phẩm hàm.
Ngôi
Lời là ánh sáng chiếu soi mọi người (Ga 1, 9), nhưng tiếc thay mọi người lại
hay chọn bóng tối, vì bóng tối dễ chịu hơn, đồng lõa hơn (Ga 3, 19). Bóng tối ở
ngoài tôi và bóng tối ở trong tôi. Hãy can đảm xóa tan bóng tối bằng cách thắp
lên trong lòng mình một ngọn nến từ Ánh sáng của Ngôi Lời Thiên Chúa là Sự
Sống, là Tình Yêu và Ơn Cứu Độ.
Ngôi
Lời Thiên Chúa là Ánh sáng ban Sự Sống.
“Chính
nhờ Ngôi Lời mà vạn vật được sinh thành... Những gì được tạo thành nơi Người
thì đó là sự sống và sự sống là ánh sáng cho nhân loại" (Ga 1, 3).
Qua ánh sáng Nhập Thể, Ngôi Lời mang lấy nhân tính, con người khám phá ra nguồn
gốc sự sống của mình. Không chỉ là sự sống thể chất và tinh thần, mà còn là sự
sống thần linh, sự sống bất diệt. Mọi sự sống đều thuộc về Thiên Chúa, mọi
người đều sống nhờ Ngài và sống cho Ngài. Mọi tác hại đến sự sống con người
trên mọi phương diện đều làm phân hoại sự sống của Thiên Chúa. Bất cứ ai làm
phân hoại sự sống của Thiên Chúa đều làm hủy hoại sự sống của chính mình. Sự
sống để lan tỏa chứ không phải để kềm chế, để khai mở chứ không phải để bít kín,
để triển nở chứ không phải chôn vùi. Bất cứ quốc gia nào, cộng đoàn nào, gia
đình và cá nhân nào không để cho sự sống lan tỏa, triển nở và rộng mở đều là
đồng lõa với bóng tối sự chết.
Hòa bình chân chính và hạnh phúc chân thật
chỉ có khi sự sống của mọi người được bảo vệ, nâng cao và phát triển không
ngừng, nhất là sự sống tinh thần. Vươn tới sự sống tinh thần, đương nhiên người
ta biết phát huy sự sống thể chất. Sự sống tinh thần làm cho người ta biết khao
khát sự sống thần linh. Vươn tới sự sống thần linh, con người đang đi vào quỹ
đạo của Thiên Chúa để hoàn thành sự sống cao vượt nhất của chính mình. Thực tế,
thân phận làm người cho thấy tính chất pha trộn lẫn lộn của sự sống chứ không
hẳn là leo thang lên từng cấp bậc. Tuy nhiên, sự sống con người vẫn là một bao
gồm duy nhất phát xuất từ chính Thiên Chúa, không tách biệt, không phân chia. Dưới
sức mạnh Thần hóa của Ánh Sáng Ngôi Lời Nhập Thể, song song với nổ lực quyết
liệt của con người, thì sự sống mỗi ngày trở nên cao vượt hơn, tinh ròng hơn,
thanh khiết hơn để được hòa nhập với sự sống của Thiên Chúa, là đích điểm của
sự sống thành toàn nơi con người.
Ngôi Lời Thiên
Chúa là Ánh Sáng Cứu Ðộ.
Khi sự sống khởi thuỷ do Thiên Chúa ban bị hư hao vì tội lỗi, Ngôi Lời
Thiên Chúa đã tự nguyện sinh xuống trần gian để cứu độ nhân loại. Tội lỗi nô lệ
hóa con người, trói buộc và kềm hãm con người trong bóng tối sự chết. Ánh Sáng
Cứu Độ của Ngôi Lời Nhập Thể đã chiếu
vào bóng đêm sự chết để ban lại cho con người sự sống đích thật và tự do chân
thật, bằng cách mời gọi con người tiếp nhận ánh sáng để trở nên con Thiên Chúa,
không
phải đứa con của lớp áo nghi thức bên ngoài mà là đứa con được sinh ra bởi
Thiên Chúa từ sự sống bên trong.
Ánh Sáng Cứu độ là sức mạnh giải phóng đưa ta ra khỏi sự tù túng và yếu
nhược của bản thân: một bản thân luôn dễ dàng toan tính theo lối qui kỷ, được
bao bọc bằng sĩ diện, và dầy đặc những hành động phủ lấp.
- Vì tù túng nên người ta ham mơ những
thành tích và những điều mới lạ để tránh né bản thân và đồng thời yên tâm về chính
mình. Càng hơn nữa, người ta ham thích làm nên những kỳ tích và những công
trình để tỏa ra ánh sáng của bản thân mình, và rồi được tỏ vẻ dưới cung cách xuề
xòa để gây nên cảm tưởng trước cái nhìn của người khác là mình hòa đồng và vẫn khiêm
nhu khi làm nên những việc “cao trọng”.
- Vì yếu nhược mà cho mình mạnh mẽ,
nên càng cạnh tranh và gây ảnh hưởng dưới mọi hình thức qua mọi công việc. Càng
yếu nhược hơn nữa khi cậy dựa vào thanh thế và khả năng riêng mình để thi hành
chức vụ, mà thiếu sự hiệp thông, lắng nghe và cộng tác với người khác. Hóa ra
những gì mình làm nên không phải vì ích lợi chung mà chỉ để củng cố bản thân
mình. Mọi hành động phát xuất từ sự tù túng và yếu nhược bản thân không thể làm
triển nở nhân cách mà còn gây hư hại khó lường cho mình và tha nhân, tạo nên một
quan niệm lệch lạc về đời sống tinh thần. Ngày nào chưa phơi mình ra để đón nhận
Ánh Sáng Cứu Độ, ngày đó ta đang còn sống dưới ách nô lệ và xiềng xích của bóng
đêm tội lỗi. Không có tự do của con cái Thiên Chúa, thì mọi hành động chẳng còn
ý nghĩa và giá trị gì.
Tội, chính là từ chối tự do để trở nên cao
cả, là từ chối hành động để trở nên vĩnh cửu, là từ chối Ánh Sáng Cứu Độ để trở
thành thần linh. Chỉ có tội khi không có tự do, và chỉ khi có tự do ta mới
thoát khỏi sự kềm tỏa của tội. Ai cũng thấy mình có vẻ tự do khi hành động,
nhưng hành động lại không tự do chút nào, nhất là khi tâm ý đã bị vọng động. Bà Eva có vẻ tự do khi đưa
tay hái “trái cấm”. Nhưng đó lại là một hành động bị động từ bên trong, đã bị
nô lệ hóa bởi lòng ham muốn, đã bị kềm tỏa bởi lòng kiêu căng.
Chỉ trong sự sống mật thiết với Chúa, cuộc
sống ta mới trở nên tự do hơn, và triển nở tươi sáng trong cuộc sống của Ngài.
Chỉ trong sự kết hợp sâu xa với Chúa mới đem lại cho ta sự giải thoát khỏi bóng
tối tăm của sự dữ để có thể nhận lấy Ánh Sáng Cứu Độ, bởi vì tội lỗi chỉ xâm nhập
khi vắng bóng sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, Đấng đang hiến mình cho ta.
Ngôi Lời
Thiên Chúa là Ánh Sáng Tình Yêu.
Máng cỏ luôn
làm cho chúng ta bùi ngùi xúc động, vì đứng trước máng cỏ là đối diện với một
Tình Yêu: một Tình Yêu không lùi bước trước sự khép kín của con người. Chúa là
Đấng ba lần Thánh, bởi vì Ngài là Tình Yêu khôn cùng. Bởi vậy, thánh nhân và tội
nhân cũng chỉ có mỗi khác biệt là tình yêu. Người ta trở thành tội nhân bởi vì
yêu chưa đủ, và trở nên thánh nhân bởi vì yêu đến cùng.
Nơi máng cỏ
ta bắt gặp một Tình Yêu khiêm tốn. Thiên Chúa đã cúi mình xuống để xin được
trao tặng cho con người. Đấng Vô Hạn đã chấp nhận giới hạn, Đấng Tuyệt Đối đã
muốn thành tương đối, Đấng Bao La đã muốn nên nhỏ bé. Ngài đã “tự hủy” mình đi
để trở nên gần gũi thân thương với con người. Chúa đã hóa ra người nghèo khó để
cho ta nên người giàu có. Ai hiểu được ý nghĩa của máng cỏ, người đó hiểu được
ý nghĩa của thập giá. Mầu nhiệm Giáng Sinh cũng là Mầu nhiệm Thập Giá : mầu nhiệm
Tình Yêu. Mầu nhiệm Giáng Sinh khởi đầu “tiến trình tự hủy” để Thiên Chúa có thể
trao ban hoàn toàn chính mình trong mầu nhiệm Thập Giá, và để trao ban liên tục
trong mầu nhiệm Thánh Thể. Mầu nhiệm nào cũng là lòng thương xót Chúa, kêu gọi
lòng thương xót của con người, trước khi con người kêu cầu được xót thương. Mầu
nhiệm nào cũng biểu hiện tính cách và đường nẻo của Thiên Chúa là Tình Yêu trong
đời sống nhân loại và trong chính tâm hồn mỗi người. Ai thấu cảm điều đó sẽ thấu
rõ được tất cả. Bởi vì tất cả đều nằm trong nhãn giới của tâm hồn mình. Có điều,
để cho mình hòa nhập vào ánh sáng tình yêu Chúa, đòi ta cũng phải đi vào tiến
trình tự hủy như Đức Giêsu: dám “xóa mình” để thoát khỏi vô minh và vọng tưởng,
mà chúng như bức tường che chắn Ánh Sáng Tình Yêu.
Qua hang đá
Belem, Thiên Chúa trở nên đáng yêu và mời gọi con người đi vào Tình Yêu bằng
con đường đơn sơ, bé nhỏ. Tình yêu khiêm tốn rất nhẹ nhàng, không làm cho người
khác choáng ngợp, không ban bố một cách cha chú, nhưng biết gõ cửa và chờ đợi.
Tình yêu nâng cao phẩm giá, làm cho người mình yêu trở nên sáng giá, và làm cho
mình càng trở nên đáng yêu.
Từ nguồn yêu
thương sung mãn của Thiên Chúa, “tất cả chúng ta lãnh nhận hết ơn này đến ơn
khác". Tình yêu thương ấy như nguồn suối dào dạt tưới gội cuộc sống ta khỏi
những lấm láp và hôi tanh bụi đời. Tình yêu thương ấy là ánh sáng soi đường ta
đi giữa những đêm tối đức tin, là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn ta giữa những cơn lạnh
giá của tình đời. Hãy phơi mình dưới Ánh Sáng Tình Yêu của Đức Kitô. Hãy mở
toang các cánh cửa của tâm hồn để thu nhận ánh sáng đó. Có nhiều cánh cửa lòng còn
đang bị khóa lại, đó là những cánh cửa của cơ chế phòng vệ: phân biệt và kỳ thị,
đam mê và ích kỷ, tự ái và hờn giận, kiêu căng và ngạo mạn, quyền hành và áp chế…
Hãy mở tâm hồn ra để cho mình được yêu thương và được chiếu sáng. “Ai yêu thương anh em mình thì ở trong ánh
sáng” (1Ga 2, 10).
Không thể chấp nhận một đường lối tu đức khắc kỷ gò mình dưới một thứ kỹ
luật trật tự vô hồn. Không thể có được một thứ linh đạo khắc khổ chèn ép bản
thân mình và người khác theo một ước lệ hay hình thức vô nghĩa. Mọi sự triển nở
đều phải được khơi động bằng tình yêu để tiến tới tình yêu. Đó là tình yêu gặp
gỡ, trao ban, tự hiến; một tình yêu của sự tự do chân thực. Chính vì đó mà mỗi
cử chỉ yêu thương đều có giá trị vô biên, vì khi đó người ta ở trong ánh sáng của
Ngôi Lời Thiên Chúa, và nhờ vậy người ta biểu hiện chính Thiên Chúa. Thiên Chúa
đã một lần nhập thể trong thế gian này, và Ngài còn đang tiếp tục nhập thể
trong ta, khi ta để cho Ngài hóa thân thành Ánh Sáng Tình Yêu trong mỗi động
tác của mình, nhờ đó mọi người xung quanh tiếp tục đón nhận Ánh Sáng ban Sự Sống,
Ánh Sáng Cứu Độ của Ngôi Lời Nhập Thể.
“Giữa giá rét mùa đông, xin cho con gặp Chúa.
Giữa những long đong và bấp bênh của phận người,
xin cho con gần Chúa.
Giữa cảnh nghèo khó và trơ trụi, xin cho con thấy
Chúa ở với con và hiểu con.
Lạy Chúa Giêsu nằm trong máng cỏ, xin cho con cảm
được sự bình an của Chúa ngay giữa những lo âu hằng ngày.
Xin cho con đón lấy cuộc đời con với bao điều
không như ý.
Và cuối cùng, xin cho con dám sống như Chúa vì
Chúa đã dám sống cho con”. (Lời nguyện Manna).
Lm. Thái Nguyên