BÔNG SEN VÀ THẬP GIÁ
Sinh ra đời, ai chẳng ước
mơ hạnh phúc ? Ông Trời đã đặt sẵn trong
tâm hồn mỗi người ước vọng hạnh phúc. Ai sẽ chỉ cho ta con đường tốt nhất để đạt
hạnh phúc ? Trên đường kiếm tìm hạnh phúc
cho nhân loại, Ðức Phật và Ðức Giêsu đã vẽ ra những nẻo đường rất mới lạ. Những nẻo đường đó có thể tìm thấy nơi những
biểu tượng Bông Sen và Thập Giá. Nhìn Bông
Sen, người ta liên tưởng tới Ðức Phật nhập Niết Bàn. Nhìn Cây Thập Tự, ta nghĩ tới giờ cao điểm Ðức
Giêsu hoàn thành công cuộc cứu thế. Ngày
tết, nhìn lên Bông Sen và Thập Giá, con người như trở về nguồn và tìm thấy con đường
dẫn tới hạnh phúc cho chính bản thân và gia đình. Cả Bông Sen và Thập Giá
đều là những biểu tượng và dấu chỉ cho biết con người phải vượt lên chình mình
và trả giá mới thấy rõ bộ mặt thật của hạnh phúc. Biết bao kẻ thù đang rình rập phá hoại hạnh
phúc con người. Ðức Phật và Ðức Giêsu đều
xuất hiện để tìm cách vạch mặt chỉ tên những kẻ phá hoại hạnh phúc con người. NHẬN DIỆN KẺ PHÁ HOẠI HẠNH PHÚC Ðau khổ là một thực tế
không ai có thể chối cãi. Ðức Phật đòi
chúng sinh phải nhìn nhận sự thật đó, nếu muốn được giải thoát. Ðức Phật cho biết vì không thông hiểu Tứ Diệu Ðế
(Bốn Sự Thật Cao Quý), nên con người phải trải qua nhiều kiếp luân hồi trong vòng
sinh tử. Tứ Diệu Ðế là : Khổ Ðế (Sự Thật
về Khổ), Tập Ðế (Nguồn Gốc của Khổ), Diệt Ðế (Ðoạn Diệt Khổ) và Ðạo Ðế (Con Ðường
Diệt Khổ).[1] Con đường thoát khổ chủ yếu nằm trong chánh
kiến hay nhận thức chân chính. Vô minh là
nguyên nhân chính gây ra đau khổ. Quả thực,
“việc chấm dứt các lậu hoặc (àsava) chỉ có thể xảy ra nơi những người thấy và biết
như thế.”[2] Kinh Thánh cũng mạc khải
mọi đau khổ trần gian bắt nguồn từ sự vô minh dầy đặc trong lòng ông bà nguyên
tổ. Vì muốn thoát cảnh vô minh và trở nên
tinh khôn như các thần, ông bà đã ăn trái cấm.[3] Sự vô minh ấy đã gây một hậu quả vô cùng khốc
liệt, đến nỗi tất cả nhân loại đã bị xiềng
xích trong vòng nô lệ và phải chết. Ðể
phá tan vô minh và tăm tối trần gian, Ðức Giêsu đến như “ánh sáng chiếu soi
trong bóng tối.”[4] Người
“đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này : làm chứng cho sự thật”[5] bằng cái chết trên thập giá. Nhờ đó, mọi người mới nhận biết Người là “sự
thật sẽ giải phóng các ông.”[6] Thập giá đã trở thành biểu tượng sự giải thoát. Còn ai đau khổ bằng Chúa chịu đóng đinh trên
thập giá ? Nhưng đó lại là con đường giải
thoát khỏi đau khổ. Trong khi Ðức Phật tìm
con đường giải thoát ở ngoài đau khổ, Ðức Giêsu lại lấy chính khổ hình thập giá
làm con đường cứu rỗi. Bình thường, nhìn lên
thập giá, không ai có thể thấy con đường giải thoát. Thập giá thường được coi là biểu tượng đau khổ.
Thực tế, không bao giờ đau khổ lại có thể trở thành mục tiêu hay giấc mơ của Ðức
Giêsu. Người không bao giờ khuyến khích
hay cổ võ đau khổ. Trái lại, Người đã đi
khắp nơi để cứu con người khỏi bệnh tật, mù lòa, câm điếc, đói khát, quỷ ám, chết
chóc v.v., Theo Ðức Phật, tất cả
loài người đều đang trầm luân trong bể khổ.
Người đặt tin tưởng hoàn toàn vào khả năng trí huệ, một khả năng có thể
vạch trần nguyên nhân sinh đau khổ và tìm một con đường tự giải thoát. Ðức Phật không có ý nói càng trí thức, càng ít
đau khổ. Trái lại, Người còn tìm cách giải
thoát khỏi tri thức. Thực tế, chỉ vì khả năng tri thức, con người là con vật đau
khổ nhất trần gian. Theo Ðức Phật, chỉ có
con đường trí huệ, tức là nhận thức chân chính, mới giúp con người giải thoát khỏi
bể khổ. Ðức Giêsu cũng tin tưởng
vào khả năng con người trên con đường giải thoát. Nhiều lần Người đề cao sức mạnh đức tin nơi
con người. Người kêu gọi họ vận dụng tất
cả khả năng để vác thập giá theo Người.
Nhưng đồng thời, Người cũng khẳng quyết cả đức tin và khả năng đó đều là
ân sủng của Thiên Chúa.[7] Con người không thể tự giải thoát hoàn toàn,
“vì không có Thày, anh em chẳng làm gì được.”[8] “Ơn cứu độ, tự do, công lý và hạnh phúc đến tự
niềm tin vào những lời hứa của Thiên Chúa và từ niềm hy vọng chúng ta đặt nơi lòng
thương xót và ân sủng, hơn là từ những công nghiệp chúng ta đạt được do sức riêng.”[9] Ðó là điểm khác biệt giữa
Ðức Phật và Ðức Giêsu. Những khác biệt đó
không thể trở thành đối kháng, vì nó nằm sâu trong niềm tin. Sự tương kính không vì thế mà bị suy giảm, nhưng
càng trổi bật. Không phải vì khác biệt,
hai vị không gặp gỡ nhau trên con đường phục vụ nhân loại. Những đau khổ trên trần
gian thuộc đủ loại. Có những thứ đau khổ
do đồng loại, ví dụ những người ưu phiền, đói khát, bị bách hại, loại bỏ, ăn hiếp,
nhất là nghèo đói. Khi đụng đầu với những
vấn đề nghiêm trọng và nan giải đó, Ðức Phật vẫn tìm được con đường giải thoát
chúng sinh khỏi duyên sinh. Con đường tìm
thấy ngay trong lòng người. Ðó là Tứ Diệu
Ðế và Bát Chánh Ðạo. Có những đau khổ hoàn
toàn không lệ thuộc con người. Những thiên
tai chẳng hạn. Cả cái chết cũng có thể
coi như một hiện tượng thiên nhiên. Ðứng
trước đau khổ, Ðức Giêsu kêu gọi mọi người tỉnh thức. Nhưng Người cũng muốn họ thấy sức mạnh trổi bật
nằm ngay trong niềm tin. Chỉ trong niềm
tin của con người, Thiên Chúa mới ra tay hành động. Một khi Thiên Chúa đã ra tay, còn mãnh lực nào
có thể hơn Người ? Ðây cũng lại là vấn đề không gặp đối kháng nơi
những giáo huấn của Ðức Phật. Chúa và Phật
đề cập cùng một vấn đề, nhưng phương cách nằm trên hai bình diện khác nhau. Cả hai vị đều không muốn
môn đệ quên lãng hay chối bỏ thực tại đau khổ trong cuộc sống. Các ngài đều muốn giúp mọi người thoát khỏi cảnh
trầm luân. Con đường giải thoát nằm ngay
trong chính lòng người. Một bên cho đó là
trí huệ. Một bên gọi là đức tin. Nhưng trước tiên, muốn được giải thoát, con
người cần phải đạt tới tình trạng vô ngã hay từ bỏ chính mình. Thoát ra ngoài vòng ái ngã, nguyên nhân chính
của khổ đau, con người mới có thể sống hạnh phúc. Cũng như vạn vật, cái ngã chỉ do duyên hợp và
sẽ biến hoại. Nói tóm, “việc hủy mình
ra không cho thấy một điểm gặp gỡ căn bản cả trong Kitô giáo (Lc 1:38) lẫn Phật
giáo (arhant; bodhisattva). Cao điểm của
kinh nghiệm huyền bí, phát sinh từ sự an tịnh trong Phật giáo và trong giáo huấn
của thần học Kitô giáo, đều nổi cộm như một vấn đề đầy thách đố cho công cuộc đối
thoại.”[10] Ðức Phật đáng được tôn kính vì đã có một chiêm
niệm thần linh đầy sức mạnh cứu thoát chúng sinh.[11] Trong tình trạng tịnh diệt hư không, Ðức Phật
đã tìm được con đường nhập Niết Bàn cho chính mình và nhân loại. Khi chịu treo trên thập giá, Ðức Giêsu đã kéo
toàn thể nhân loại lên vinh quang Thiên Chúa. CON ÐƯỜNG TÌM HẠNH PHÚC Sau khi sinh ra nơi bể
khổ đầy bóng tối này, cả Ðức Phật và Ðức Giêsu đều muốn tìm một giải pháp tích
cực cho hạnh phúc con người. Giải pháp đó
là Bát Chánh Ðạo và Bát Phúc. Bát Chánh Ðạo mở ra con
đường tám hướng giải thoát : chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp,
chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Quan trọng nhất và dẫn đầu là chánh kiến. Quá trình giác ngộ tối thượng bắt đầu với chánh
tri kiến và chấm dứt với giải thoát tri kiến.
Giải thoát tri kiến cũng đồng nghĩa với sự giác ngộ hoàn toàn. Nhờ nhận thức giác ngộ ba bản chất hay đặc tính
của đời sống, tức vô thường, khổ và vô ngã,[12] con người có thể giảm thiểu
thái độ ngã mạn, từ bỏ thái độ chấp thủ : “cái này là của tôi,” “cái này là tôi,”
“cái này là bản ngã của tôi.”[13] Vì, theo Ðức Phật, không thể có một thực thể
thường hằng và không thay đổi, kể cả cái ngã.
Diệt ngã là nẻo đường đi đến Niết Bàn. Tóm lại, “sự giác ngộ
trong Phật giáo không phải là một cái gì huyền bí hay siêu nhiêu. Nó chỉ là sự chuyển hóa toàn diện về tri thức,
tình cảm, thái độ và cách cư xử. Giác ngộ
do đó có thể đạt được hay chứng nghiệm ngay trong đời sống này khi các nỗ lực
chân chánh của cá nhân được đầu tư hay thực hiện đúng mức.”[14] Một nỗ lực lớn lao như thế có thể giúp con người
đạt tới sự giải thoát và hạnh phúc mà chẳng cần đến một trợ giúp nào, như Kitô
giáo. Từ đó, con người sẽ hạnh
phúc và làm cho người khác hạnh phúc ngay trong đời sống hiện tại. Sẽ không còn cảnh tham lam, keo kiệt, lo âu,
sợ hãi, ích kỷ, hận thù, lười biếng, phá hoại, khủng bố v.v. Trong Bát Chánh Ðạo chữ “chánh” hay “chính” được
lặp lại liên tục, mục đích “chỉnh” con người nên ngay chính hơn. Nhờ đó, cuộc sống chỉ còn là an tịnh, trong sạch,
vị tha, vô ngã, vô úy, độ lượng, khoan dung, hạnh phúc v.v. Những điều tốt đẹp ấy sẽ
được thực hiện thế nào trong Bát Phúc của Ðức Giêsu ? Bát Phúc nhằm công chính hóa con người. Bát Phúc là bản tóm lược Tin Mừng. Dĩ nhiên, công chính của Bát Phúc không giới
hạn trong phạm vi luân lý, nhưng nhằm giúp con người nên trọn lành như Thiên Chúa
là Cha trên trời. Nếu chỉ giới hạn Bát
Phúc trong phạm vi tự nhiên, người ta sẽ không thể hiểu được những đòi hỏi quá
gắt gao như vậy. Nói khác, Bát Phúc thuộc phạm vi siêu nhiên. |
Phúc thứ tư và tám đều
hướng về sự công chính. Từ trong tâm hồn
đến ngoài thực tế, nếu lấy sự công chính làm lẽ sống, con người sẽ được giải
thoát hoàn toàn khỏi những điều gian tà.
Hơn nữa, phải khao khát Thiên Chúa một cách mãnh liệt, người ta mới có
thể chịu đựng nổi những cơn bách hại khủng khiếp của bọn người độc ác. Khác với Phật tử, Kitô hữu phải quy hướng tất
cả về Thiên Chúa. Nếu không có ân sủng và
tình yêu Thiên Chúa, con người không thể trở nên công chính và tham dự đại tiệc
trong Nước Thiên Chúa. Niềm vui đó chỉ có
trong những tâm hồn trong sạch, quảng đại và khoan dung. Sống trong mối tương quan với đồng loại, con
người phải chọn một thái độ. Thái độ đó
phản ánh mối tương quan sâu xa với Thiên Chúa.
Sở dĩ có thể có lòng từ bi đối với tha nhân, vì Kitô hữu biết chính mình
đã được Thiên Chúa xót thương quá nhiều.
Lòng từ bi đối với tha nhân chẳng qua chỉ là cách đáp đền phần nào tấm lòng
quảng đại của Thiên Chúa. Sở dĩ mối tương
giao chiều ngang với tha nhân hài hòa , vì Thiên Chúa nâng con người lên hàng
thân hữu với Chúa. Càng sống mật thiết với
Chúa, càng dễ hòa hợp với anh em. Càng sống hài hòa với anh em, càng dễ nhận ra
Thiên Chúa là Cha đầy lòng yêu thương và trở nên nghĩa thiết với Người. Tất cả các mối phúc này
cũng như các mối phúc khác đều bắt nguồn từ mối phúc đầu tiên, đó là “phúc cho
ai có có tâm hồn nghèo khó.”[15] Có nghèo khó, mới thấy mình cần đến và lệ thuộc
vào Thiên Chúa. Con người hay của cải vật
chất không còn là điểm tựa hay mối hy vọng cho người nghèo nữa. Họ thoát xa những ma lực trần thế và bám víu
một mình Thiên Chúa mà thôi. Nhờ đó, họ
trở nên công chính như Thiên Chúa. Người
nghèo mơ ước thời đại Thiên Sai chóng tới để được Thiên Chúa cứu vớt. Trong thực tế, người
nghèo vẫn chịu trăm bề đau khổ . Họ cần
nhẫn nhục mới qua cơn thử thách. Ðó là điểm
nhấn trong mối phúc thứ hai : “Phúc cho ai hiền lành.”[16] Mối phúc này đồng nghĩa với mối phúc thứ nhất. Ðó là nhân đức quan trọng có tính cách quyết định
sự thành công trong cuộc đời. Quan trọng
đến nỗi Ðức Giêsu đã coi như một gia bảo trối lại cho các môn đệ. Ðộng lực giúp họ có thể kiên tâm chịu đựng không
nằm trong những hứa hẹn trần gian, nhưng là “đất hứa,” một biểu tượng niềm hy vọng
thiên sai. Cuộc đời có thể đem lại những
đắng cay, sầu muộn, nhất là khi bị những người giàu có và thế lực đàn áp. Lúc đó, họ chỉ còn biết tìm đến Thiên Chúa là
nguồn an ủi duy nhất. Cuối cùng Thiên Chúa
sẽ cứu xét hoàn cảnh của họ và mau chóng đẩy mạnh vương quốc thiên sai tới giai
đoạn chót để thỏa mãn mọi khát vọng của họ.
Giữa bể khổ trần gian,
Bát Phúc vẫn là những điều thực tế và có thực, mặc dù là luôn thách đố và đi ngược
với những quan niệm thường tình về hạnh phúc.
Bát Phúc gieo niềm hy vọng lạ lùng, mới mẻ và mạnh mẽ. Bát phúc có khả năng vượt qua những thử thách
lớn lao nhất, đến nỗi vì Chúa, chúng ta có thể tìm thấy niềm vui và thanh thoát giữa những đau khổ cùng cực. Thánh Phaolô đã dùng cả cuộc đời để mạnh mẽ làm
chứng : “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Kitô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách,
hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ?
[...] Nhưng trong mọi thử thách ấy,
chúng ta toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta.”[17] Nói khác, nhờ quyền lực Thánh Linh, chúng ta có
thể lướt thắng tất cả.[18] Tóm lại, trên đường tìm
hạnh phúc, Kitô hữu luôn phải nhớ tới chiều dọc lên tới Thiên Chúa. Kitô hữu
sống trong tương quan ba chiều giữa bản thân – Thiên Chúa – tha nhân. Tất cả tương quan chiều ngang đều phản ánh tương
quan chiều dọc. Con đường dẫn tới hạnh
phúc vừa siêu nhiên vừa thực tế. Dầu
sao, đó là vấn đề hoàn toàn thuộc về niềm tin Kitô giáo. Trong khi đó, nhờ Bát Chánh Ðạo, Phật tử chỉ
cần biết đến tương quan chiều ngang giữa mình và tha nhân. Phật tử chủ động và tự lập trong việc giải
quyết các vấn đề trong tương quan đó. KẾT LUẬN Nhìn bên ngoài, Phật tử
và Kitô hữu đều phải cố gắng như nhau trên đường tìm hạnh phúc. Có nhiều điểm giống nhau trong tâm hồn và những
nỗ lực bên ngoài. Tất cả đều diễn ra
trong cuộc sống hiện tại. Niềm tin siêu
nhiên không làm tất cả thay cho Kitô hữu.
Cũng không phải vì Bát Chánh Ðạo là một chuyển hóa tự nhiên, Phật tử không
cần một cố gắng nào hay cứ đợi thiên nhiên làm việc. Không thể ở thế thụ động hay tiêu cực mà tìm được
hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là thứ rớt
từ trên trời xuống. Không thể nằm gốc cây
chờ sung rụng ! Công đồng Vatican II nhìn
nhận có những giá trị cứu độ trong Phật giáo.[19] “Cuộc gặp gỡ trong lịch sử cho thấy cả Phật
Giáo và Kitô Giáo đều quyết tâm xây dựng hòa bình và công lý trên thế giới, đều
có kinh nghiệm thần bí, truyền thống chiêm niệm và những trao đổi về đời sống đan
tu. Cuộc đối thoại về đạo lý đánh giá hành
trình cứu độ có một chiều sâu hiện sinh trong Phật Giáo. Ðức Phật và Ðức Kitô đều là những vị gương mẫu,
vì cả hai là những vị sáng lập các phong trào cách mạng trong bối cảnh các tôn
giáo truyền thống. Trong khi Ðức Kitô
rao giảng ơn cứu độ như một ân huệ Chúa Cha ban nơi vương quốc Thiên Chúa bao
trùm khắp vũ trụ, hình như Ðức Phật chỉ dạy cho nhân loại cách giải thoát bằng
sức mạnh riêng. Cho dù chủ trương vô ngã,
sự cứu độ trong Phật giáo cũng bị ảnh hưởng bởi việc chối bỏ cái tôi một cách
triệt để.”[20] Dù là Phật tử hay Kitô
hữu, chúng ta cương quyết bước theo Ðức Phật hay Ðức Giêsu để tự giải thoát khỏi
tham sân si. Thật vậy, dưới cái nhìn của
Công đồng Vatican II, “Phật giáo, theo nhiều tông phái khác nhau, lại nhìn nhận
sự thiếu sót căn bản của cuộc đời thay đổi này và vạch ra con đường cho những
người thành tâm tin cậy, hoặc đạt đến chỗ giải thoát toàn vẹn hay giác ngộ hoàn
toàn, bằng những cố gắng riêng mình hoặc bằng trợ lực của ơn trên,”[21] để đạt tới cứu cánh cuộc đời.
Ngay từ bây giờ, nếu chúng ta bắt đầu
nghe theo tiếng gọi của các ngài, Bát Chánh Ðạo hay Bát Phúc sẽ là những con đường
giải thoát và dẫn đưa gia đình cũng như dân tộc chúng ta tới bến bờ hạnh phúc. Hạnh phúc thực sự không
lộ diện qua những đường nét quyến rũ mùa xuân.
Hạnh phúc không có mặt nơi những canh bạc thâu đêm hay những điệu nhảy
quay cuồng điên loạn. Trong những ngày
vui đầu năm, nếu có giây phút nào dừng lại suy nghĩ, mới thấy hạnh phúc có một
chiều sâu và bề dầy rất lớn. Dù là Phật
tử hay Kitô hữu, chúng ta cũng phải trả giá cho hạnh phúc của chính mình. Theo Phật hay Chúa, con người đều mong tìm thấy
hạnh phúc. Nhưng mỗi vị dẫn theo một đường. Có thể tìm thấy nhiều điểm giống nhau. Nhưng cũng có những dị biệt. Tùy niềm tin và ý chí, con người có thể có những
lựa chọn riêng cho mình. Mỗi một lựa chọn
đều hàm ẩn và dẫn tới một hướng giải thoát cho cuộc đời hạnh phúc. Phải vượt lên trên những thử thách và đau khổ
hôm nay, mới có thể thấy dung nhan Hạnh Phúc đang ẩn dấu giữa những thách đố bất
tận đó. Hạnh Phúc đó là chính Thiên Chúa. đỗ lực, Xuân Ðinh
Hợi [1] Kinh Ðại
Niết Bàn, Trường Bộ, 16. [2] Tương Ưng,
XII-23. [3] St 3:1-24. [4] Ga 1:5. [5] Ga 18:37. [6] Ga 8:32. [7] Ga
15:5. [8] Ga 15:5. [9] Pinckaers, S., O.P., The Pursuit of
Happiness - God's Way : Living the Beatitudes, New York : Alba House, 1998:27. [10] Dictionary
of Fundamental Theology, ed. by Latourelle, R. & Fisichella, R., Buddhism, Fuss, M., New York :
Crossroad, 1995:87. [11] x. ibid. [12] Trung Bộ
Kinh I, 313-315, 510-511. [13] Tương Ưng Bộ
Kinh IV, 82. [14] Thích Nữ Huệ
Liên, Ðạo Phật : Bản Chất và Con Ðường
Giác Ngộ, tr. 11.www.buddhanet.net, [15] Mt 5:3. [16] Mt 5:4. [17] Rm 8:35-37. [18] x. Pinckaers, S., O.P., The Pursuit of
Happiness - God's Way : Living the Beatitudes, New York : Alba House, 1998:35. [19] x. Nostra Aetate [20] Dictionary of Fundamental Theology,
ed. by Latourelle, R. & Fisichella, R., Buddhism,
Fuss, M., New York : Crossroad, 1995:87. [21] Nostra Aetate, số 2. |