NHỮNG ĐIỀU TUYỆT DIỆU NƠI ĐỨC MARIA (2)
“XIN VÂNG” (Lc 1, 38)
Trong đời sống mỗi người, chỉ có một sở hữu quyết định
duy nhất và tuyệt đối là của mình, đó là ý chí. Sức khỏe, quyền bính, giàu
sang... tất cả đều có thể bị tước đoạt, nhưng ý chí thì dứt khoát thuộc về
chúng ta. Vì thế, ở đời chẳng có gì quan trọng, ngoại trừ những cái chúng ta
quyết chí làm.
Đồng sàng dị mộng
Sự kiện hai tên trộm cướp cùng bị đóng
đinh với Đức Giêsu cho ta hiểu tấn kịch về ý chí. Cả hai đều là tội phạm đáng
chết, nhưng họ đang phẩm uất trước khổ giá họ phải chịu. Bất chợt, tên bên hữu
nghe được Chúa Giêsu nói lời tha thứ cho bọn lý hình “vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Lời yêu thương của Chúa
đã đánh động tâm hồn anh ta, tình yêu trong con tim bừng sáng lên, khiến anh ta
biến đổi hoàn toàn. Anh ta không còn căm phẫn và phảng kháng nữa, nhưng quyết
định chấp nhận khổ hình, đồng thời nói cho tên tội phạm bên trái, đang
chống chọi với bản thân và đang thách thức Chúa Giêsu, biết rằng: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà
cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng,
vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái! " (Lc 23, 40-41).
Trong thái độ đó, anh ta đã qui phục
Chúa, với tâm tình Xin Vâng, và hoàn toàn phó thác, anh cất lời cầu khẩn Chúa
Giêsu :“Xin Ngài nhớ đến con khi Ngài về
vương quốc” (Lc 23, 42), và Chúa Giêsu đã hứa bảo đảm Thiên đàng cho anh ta
(c.43). Lạ lùng thay! tên trộm dữ trở nên người trộm lành chỉ bằng một quyết
định của ý chí, một ý chí bắt đầu từ con tim đã được lay động do hiểu thấu được
lòng thương xót Chúa.
Hai tiếng “Xin Vâng” của Đức Mẹ
Dưới chân thập giá, Đức Mẹ chứng kiến sự
trở lại của người trộm lành, Đức Mẹ vui mừng vì thấy anh ta vâng
theo ý Chúa. Lời thứ hai của Đức Giêsu phán thưởng Thiên Đàng cho kẻ
trộm biết vâng theo ý Chúa, nhắc nhớ về lời thứ hai của Đức Mẹ đã nói cách đó
ba mươi năm trước, khi Mẹ thưa tiếng “Xin Vâng” đáp lại lời truyền tin của sứ
thần (x. Lc 1, 38), để làm Mẹ của Đấng giờ đây đang hấp hối trên thập giá.
Đó là một trong những tiếng “Fiat” trọng
đại trên thế giới, để mọi cái được thành sự theo ý Thiên Chúa. Tiếng thứ nhất
được phán ra khi Chúa sáng tạo: “Fiat
lux” hãy có ánh sáng[1].
Tiếng thứ hai do Đức Mẹ thốt ra, nói lên
sự đón nhận hoàn toàn điều mà Thiên Chúa muốn thực hiện nơi Mẹ cho công cuộc
cứu độ của Ngài: “Fiat mihi secumdum
verbum tuum” Tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” (Lc 1, 38).
Tiếng thứ ba được phát ra từ chính Đức
Giêsu trên thập giá: “Fiat voluntas tua”
: Xin vâng ý Cha” (Mt 26, 42).
Tiếng “Xin Vâng” nào trên đây cũng là nền
tảng linh thiêng để phát khởi công trình tình yêu của Thiên Chúa trên hoàn vũ,
cho con người và vì con người.
Tiếng “Xin Vâng” của Đức Mẹ đã hóa giải
một cách kỳ diệu những điều nan giải. Chỉ có quyền năng Thiên Chúa mới giải
quyết được vấn đề: vừa đồng trinh vừa sinh con; con Mẹ vừa là người vừa là
Thiên Chúa; chương trình cứu độ với bao nhiêu giao ước đều bị sụp đổ, nay được
thực hiện nơi Mẹ.
Tiếng
“Xin Vâng” của Đức Mẹ rất âm thầm lặng lẽ, trong một thôn xóm quạnh hiu, trong
căn nhà nhỏ bé, trong khung cảnh hoang vắng, trong tình cảnh nghèo hèn, trong
sự tĩnh lặng và trầm mặc nội tâm. Có lẽ chính trong những điều kiện như vậy mà
Chúa đã đến với Đức Mẹ, cũng một cách kín nhiệm và lặng lẽ âm thầm. Việc Chúa
khởi đầu bao giờ cũng nhỏ bé, nơi những con người nhỏ bé. Hành động của tình
yêu bao giờ cũng kín đáo, nhẹ nhàng, thâm trầm. Chúa chẳng bao giờ làm điều gì
ầm ĩ, rùm beng, muốn phô trương trước mặt thiên hạ để cho người ta phải kính nể
oai danh Ngài. Lạ thay! sự sống thần linh của Chúa như dòng nước êm đềm, uyển
chuyển thấm vào lòng đất tâm hồn, tới tận chỗ thấp nhất, sâu nhất, nơi cung
lòng Đức Maria.
Tiếng “Xin Vâng” với lòng yêu mến cao vời
và sự khiêm hạ tột cùng của Mẹ không những đã hứng lấy tràn trề sự sống mà còn
chứa đựng chính Đấng ban sự sống. Mẹ đã trở nên dòng suối đầu nguồn của sự sống
nhiệm mầu cho tất cả sinh linh. Ôi, diệu kỳ thay, chỉ có hai tiếng “Xin Vâng”
nơi một con người tầm thường để Chúa làm nên điều phi thường. Mẹ đã góp phần
vào ơn cứu độ thế giới, không phải qua việc hoàn thành công trình của mình,
nhưng là dâng hiến bản thân mình, sẵn sàng phục vụ cho sáng kiến của Thiên
Chúa. Ca ngợi Mẹ Maria chính là để ca ngợi lòng ưu ái nhân hậu vô biên của
Thiên Chúa trên đời sống của Mẹ.
Hai tiếng “Xin Vâng” trong cuộc sống chúng ta
Những điều cao trọng Chúa đã thực hiện
nơi Đức Mẹ thì Ngài cũng sẽ thực hiện nơi chúng ta, tùy theo hoàn cảnh và ơn
gọi của mỗi người. Cũng như Đức Mẹ, hãy để cho Chúa toàn quyền sử dụng cuộc đời
ta theo thánh ý Ngài.
Điều quan trọng nhất trong mọi việc chúng
ta làm không phải là làm cái gì và làm như thế nảo, mà trong mọi sự phải được
làm theo ý Chúa. Bí quyết sống hạnh phúc là đừng đòi hỏi mọi việc phải xảy ra như ý muốn
của ta. Mà hãy làm sao để mọi việc được xảy ra như ý Chúa. Thực tế, ý
Chúa bao gồm nhiều hiện trạng khác nhau nơi mỗi người, nhưng trước tiên, bao
giờ cũng mời gọi ta phải từ bỏ mình. Đó là khởi đầu của thập giá trên con đường
theo Ngài (x. Mc 8, 34).“Thiên Chúa tính
giá trị con người theo giá trị thập giá mà chúng ta đón nhận” (Fulton J.
Sheen).
Đón nhận không phải là đành chịu vậy,
nhưng muốn chịu vậy để nói lên tình yêu, muốn phó thác hoàn toàn cho ý Chúa
định liệu. Phần nhiều những khổ cực và tai họa của chúng ta là do sự kiện chúng
ta chống đối thân phận của mình vì tham vọng. Chống đối và tham vọng như vậy
đưa đến kết quả là ta dễ dàng chỉ trích bất cứ ai cao sang vinh dự hơn mình,
như thể họ cướp lấy những điều tốt đẹp của ta. Cần xác tín rằng: Nếu Chúa muốn
cho ta làm việc gì, thì cho dù cả thế giới đứng lên phản đối, việc đó vẫn hoàn
thành. Nhưng nếu đạt được vinh dự đó mà đánh mất chân lý và khiêm nhường, thì
vinh dự đó sẽ trở thành giấm chua mật đắng.
“Xin Vâng” ý Chúa theo ý muốn của mình
thì dễ quá, chẳng còn gì phải nói, vì lúc đó Thiên Chúa chỉ còn là công cụ của
con người. Chính vì muốn sử dụng Thiên Chúa theo ý của con người, nên thập giá
trở thành một tai ương; thế giới trở nên bãi chiến trường; bạo lực và khủng bố
tiếp tục gia tăng, bởi vì nội tâm con người đã trở nên hổn loạn, bị giằng co và
xâu xé không ngừng. Chỉ khi nào ý Chúa được thể hiện thì hòa bình mới được tái
lập, thập giá mới trở thành Thánh giá.
Dù muốn hay không muốn, thập giá vẫn là
những đau khổ hằng ngày đè nặng trên đời sống con người. Nhưng“Bi kịch diễn ra trên thế giới không hệ tại
có đau khổ, mà tại lãng phí đau khổ. Thanh gỗ chỉ nổ lách tách khi quăng nó vào
lò lửa. Người trộm chỉ nhận ra Thiên Chúa khi bị thảy vào lò than thập giá.
Cũng vậy, chỉ khi đau khổ, nhiều người mới khám phá ra tình yêu” (Fulton J.
Sheen)
Mọi loài, mọi vật ca ngợi Chúa theo cách
thức riêng của mình, như được diễn tả trong Thánh Ca Đanien 3, 57-88. Còn chúng
ta, mỗi
người ca tụng Chúa bằng chính sự nhẫn nhục và chịu đựng những thử thách trong
đời mình. Hãy nhìn vào hiện tại, hãy để mặc dĩ vãng cho phép công bình
của Chúa, và để tương lai cho công cuộc an bài của Ngài.
Làm sao có thể tạo nên một tác phẩm khi
cây bút không theo ý muốn người cầm bút. Cũng vậy, chỉ vì chúng ta từ chối để
Chúa hành động trong chúng ta, nên chúng ta vẫn là chúng ta, vẫn trơ trọi với
chính mình, không thể trở thành một tuyệt tác như Chúa muốn. Chúng ta thường
mắc phải sai lầm tai hại là tin rằng điều chúng ta làm nên mới đáng kể, trong
khi cái đáng kể thực sự chỉ là để Chúa hành động trong chúng ta. Chúa phái sứ
thần đến với Đức Maria, không phải để bảo Mẹ làm cái gì đáng kể, nhưng là chấp
nhận việc Ngài muốn làm nơi Đức Mẹ. Chính vì thấy điều lớn lao Chúa đã làm nên,
mà Đức Mẹ đã cất lời ca ngợi: “Đấng Toàn
Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1, 49).
“Xin vâng” hay vâng phục
Cả cuộc đời Đức Mẹ đã “Xin Vâng” theo ý
Chúa, thì cả cuộc sống Đức Giêsu cũng là để thi hành ý muốn của Chúa Cha và
hoàn tất công trình của Người (x. Ga 4, 34). Vậy, bước theo Đức Kitô chính là
tiếp tục thực hiện ý Chúa Cha trong cuộc đời mình: nghĩa là cố gắng làm những
gì mà Đức Kitô sẽ làm nếu như Ngài sống trong hoàn cảnh hiện tại của ta. Xác
quyết rằng cả đời ta là để thực hiện chương trình mà Ngài đã dự định cho ta, và
đó là lẽ sống của đời ta. Vì thế, vâng phục không phải là để hoàn thiện con
người của mình, mà là tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô trong thế giới hôm nay.
Trong sự vâng phục của ta hôm nay, Đức Kitô tiếp tục hành động để loan báo Nước
Trời và làm cho nước đó được thể hiện. Đó là ý nghĩa của nhiệm thể Chúa Kitô,
mà mỗi người chúng ta là chi thể hợp nhất với Ngài trong ý muốn và hành động.
Đức
vâng phục trong đời tu cũng thế, nó không phải là một phương thế để tập sống
khổ hạnh, không phải là lý do để các bề trên dựa vào đó mà buộc bề dưới làm
theo, cũng không phải chỉ để tạo nên trật tự chung, nhưng sâu xa hơn nhiều. Nó
nằm trên bình diện liên hệ trực tiếp giữa Thiên Chúa và con người. Người tu sĩ
khấn vâng phục là làm cho mình nối dài sự hiện diện và sứ mạng của Đức Kitô
giữa trần gian (Ep 4, 11-13), và
đức vâng phục đó phải được thực hiện trong khuôn khổ của cộng đoàn, bởi vì cả
cộng đoàn cũng như từng phần tử của cộng đoàn cũng đều là sự hiện diện của Chúa
ở giữa trần gian. Thực ra, trong đời tu, mọi người đều phải vâng phục :
Bề trên cũng phải vâng phục như bề dưới, kẻ nắm quyền cũng phải vâng phục như
người thuộc quyền. Mọi người đều phục vụ và đều vâng phục : vâng phục kẻ phục
vụ với quyền bính, và vâng phục kẻ phục vụ không có quyền bính, bởi vì người ra
lệnh cũng như kẻ thi hành lệnh đều nhắm tới ý Chúa.
Vâng phục - cách thể hiện nhân phẩm cao nhất.
Vâng
phục là tự thực hiện chính mình bằng tự do dấn thân trong ơn gọi và sứ mạng. Trong
sự vâng phục chúng ta rèn luyện bản thân để làm cho ý Chúa trở thành ý mình, đó
là cách thể hiện nhân phẩm cao nhất. Người có gia đình thì lệ thuộc vào
nhau để sống cho Chúa, còn người khấn vâng phục thì lệ thuộc vào Chúa để sống
cho nhau, qua các trung gian bề trên. Sự lệ thuộc nào cũng là do chúng ta tự do
lựa chọn để phát triển cuộc đời mình. Chính vì tự nguyện vâng phục, mà người ta
biết cởi mở tâm hồn mình ra với Chúa và với người khác trong tinh thần lắng
nghe, đón nhận và tin cậy lẫn nhau. Nhờ sự cởi mở này mà chúng ta mới có thể
đọc thấy sự thật: sự thật của con người chúng ta, và sự thật của thế giới mà
chúng ta đang sống, để chúng ta biết sửa chữa những cái hư hao cũ kỹ nơi con
người mình, đồng thời nhận ra những dấu
chỉ thời đại và nghe được những tiếng gọi mới của Chúa để mạnh dạn dấn thân vì
Nước Trời.
Mẹ Maria chẳng hiểu hết những gì Mẹ xin
vâng, nhưng vì tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa Mẹ đã đón nhận tất cả, lấy ý
Chúa làm ý mình. Thánh Giuse cũng cũng đã sống tuyệt diệu hai tiếng “Xin Vâng”
trong cuộc đời Ngài. Tiếng “Xin Vâng” của Các Ngài đã làm nên tiếng “Xin Vâng”
của Chúa Giêsu. Trong Chúa Giêsu, chúng ta nối tiếp tiếng “Xin Vâng” của Ngài
để chương trình tình yêu của Thiên Chúa được hoàn tất trong đời sống mình.
Lạy
Mẹ Maria, mặc dù thiên sứ đã cho Mẹ một lời giải thích trước khi Mẹ nói tiếng
“Xin Vâng”, nhưng rồi mầu nhiệm vẫn là mầu nhiệm. Cũng như biết bao biến cố
tiếp tục diễn ra trong cuộc đời Mẹ sau này cũng thế, “vì đường lối của Thiên
Chúa không phải là đường lối của con người”, nhưng điều quan trọng là Mẹ đã
“ghi nhớ những điều ấy và suy niệm trong lòng”. Mẹ đã tin, đã yêu, nên mọi cái
trở nên nhẹ nhàng và ổn thỏa hơn, vì Mẹ biết được tất cả đều là đường nẻo Chúa.
Có nhiều điều con không thể hiểu bằng tâm tâm trí, mà chỉ bằng con tim.
Xin
cho con đừng tìm cách thể hiện mình, nhưng tìm cách thể hiện công trình của
Chúa; đừng tìm cách trổi vượt bản thân, nhưng biết xóa mình đi để Chúa lớn lên
trong con từng ngày.
Xin
Mẹ dìu dắt con vươn lên trong cuộc sống tin yêu, biết mở rộng tâm hồn để nhận
ra những bước chân Chúa đang đến trong đời con qua từng biến cố, sự việc và con
người.
Xin
cho con biết âm thầm lặng lẽ, để sống cuộc đời mình, biết can đảm đón nhận
thương đau để tình yêu Chúa lên ngôi và tỏa sáng.
Cuối
cùng, xin đặt con vào tâm tình của Mẹ để con biết sống cho một mình Chúa, không
còn ham muốn bất cứ điều gì khác, ngoài điều Chúa muốn. Amen.
Lm. Thái
Nguyên
[1] Từ “Fiat” (fiere) ở thể thụ động, cho thấy
mọi sự được diễn biến và thành hình theo ý muốn tác động của Thiên Chúa.