HUYỀN NHIỆM CỦA TÌNH BẠN (2)
Những tính cách trong tình bạn
- Tính cách
yêu thương và tự do trong tình bạn
Theo ngôn từ học Tây phương, chữ “ami” trong
tiếng Pháp có gốc từ chữ “amicus” trong tiếng La tinh, bắt nguồn từ chữ “amara”
có nghĩa là yêu thương. Trong tiếng Anh, bạn là “friend”, hay tiếng Đức là
“freund”, cả hai bắt nguồn từ nghĩa ngữ cũ là “frijon” cũng là yêu thương, có
nguồn gốc Ấn-Đức Prâi : che chở, ý nhị, yêu thương. Đó cũng là nguồn gốc của
các chữ “free” và “frei” : tự do. Như vậy, tự do và tình yêu cùng gặp
nhau trong tình bạn. Đã là tình yêu thì không thể thiếu tự do, và người
ta chỉ thực sự tự do khi hành động trong tình yêu.
Như
thế, tình bạn không bị ràng buộc, không bị độc chiếm, không khép kín và cũng
không bắt buộc đáp trả. Mình sống cuộc đời của mình và biết rằng mình có người
thương yêu. Những gì mình làm cho bạn là làm với tất cả tự do và tình thương,
không bị áp lực bởi bất cứ lý do nào.
Người bạn thân chính là người đồng hành. Với
bạn đồng đồng hành, con đường dễ đi hơn và tôi cảm thấy được che chở, được an
toàn. Dù vậy, người bạn đồng hành này không cho tôi khép kín lòng mình lại.
Đương nhiên là người bạn đi cùng hướng với tôi, nhưng cũng như tôi, người bạn
ấy cũng chuộng tự do. Cả hai không co cụm lại với nhau, nhưng cùng đi, cùng học
hỏi, cùng trao đổi và khám phá thế giới bên ngoài.
Tình yêu và tự do cùng tồn tại với nhau không
phải là chuyện dễ. Tình yêu tự nhiên thường có khuynh hướng chiếm giữ, ghen
tương, bám níu, dựa dẫm và đòi hỏi theo ý mình. Đó là những cách thái lệch lạc
cần phải thanh lọc trong tình bạn, nếu không, tình bạn sẽ trở nên tầm thường,
nặng nề, ngột ngạt, và cuối cùng đi đến thất bại. Yêu thương bạn hết mình nhưng
đồng thời cũng phải tôn trọng bạn hết sức. Dù thân thiết tới độ nào chăng nữa
cũng phải để cho nhau một khoảng cách, và tuyệt đối không xâm phạm đến những gì
riêng tư trên phương diện vật chất cũng như tinh thần.
- Tính cách
trí thức và ý nhị trong tình bạn
Phải có tính cách trí thức trong tình bạn,
nghĩa là thấy, hiểu một cách tinh tế những vấn đề của nhau và biết dừng lại
đúng lúc. Nhờ vậy, đôi bên đều cảm thấy thoái mái trong những gì phải sống cho
nhau, và những gì phải sống cho riêng mình. Biết trân trọng đời sống riêng
mình, thì mới biết tôn trọng cuộc sống riêng của bạn. Mỗi quan hệ bạn bè đều có
liều lượng tình yêu và tự do thích ứng theo cung cách của họ. Không phải mối
quan hệ bạn bè nào cũng thân thiết như nhau, nên tính cách thân thiện cũng khác
nhau.
Tình bạn đích thực được nhận biết qua tự do
nội tại. Tôi có thể nói những gì mình cảm nhận mà không quá e dè. Tôi có thể đi
theo con đường mình cảm thấy tốt nhất mà không cần phải giải thích hay rào
trước đón sau. Hãy để cho nhau một khoảng không gian tự do, để họ còn hình
thành một cuộc sống theo ơn gọi rất riêng của mỗi người theo Thiên ý, và do
những tác động thiêng liêng từ bên trong thúc đẩy.
- Tính cách
phê bình và xây dựng trong tình bạn
Tuy nhiên, để cho nhau tự do không có nghĩa là
không dám bình phẩm những sai trái và lầm lỗi của nhau. Nếu như thế thì không
phải là người bạn đích thực. Không có sự tích cực phê bình xây dựng cho nhau,
không dám quyết liệt đả phá những tiêu cực nơi bạn, không dám nói mạnh trước
những tệ trạng của bạn thì tình bạn không còn lý do để tồn tại, bởi vì yêu
thương không còn, và tự do cũng không có. Lúc đó không còn che chở nhau cho
khỏi sự dữ nữa, mà là che chắn cho nhau khỏi sự lành.
Phê bình và xây dựng là món quà tình thương
trao tặng người bạn thân yêu của mình. Đã là tình bằng hữu thâm sâu thì cũng
phải tin tưởng mạnh mẽ vào lòng chân thành của nhau, để có thể chấp nhận mọi
phê bình mà không cảm thấy bị xúc phạm. Mục đích của phê bình là muốn cho bạn
mình trở nên tốt hơn, cao đẹp hơn, nhưng lời lẽ và tính cách phê bình cũng phải
tế nhị, thâm sâu, bình thản, nhẹ nhàng và uyển chuyển tùy lúc, nhưng cũng không
thiếu cương quyết tùy trường hợp, để có hiệu quả thiết thực và phát sinh an vui
cho bạn mình.
Tình yêu và tình bạn
Trước
hết cần phân biệt tình bạn và tình yêu nam nữ. “Tình yêu giữa người nam và người nữ không xuất phát từ suy tư và ý
chí, nhưng thống trị con người trọn vẹn” (Bênêđictô XVI). Người Hy lạp gọi
tình yêu đó là Eros (tình ái hoặc
tình yêu ham muốn, đam mê). Tình yêu này có thể làm cho con người si mê và muốn
chiếm giữ người khác dưới trướng của mình, từ đó phát sinh những hỗn loạn thể
lý và tinh thần nếu không được sở hữu trọn vẹn. Nếu chỉ dừng lại đó thôi, hướng
tiến cao đẹp của tình yêu nam nữ sẽ bế tắc, đi vào ngõ cụt. Tình yêu hôn nhân
còn phải là tình bạn chân chính, càng ngày càng đi vào sự hòa hợp tinh thần sâu
rộng hơn. Hơn nữa, đó còn là tình yêu hy sinh dâng hiến trọn vẹn cho người mình
yêu.
Tình bạn được thiết lập trên nền tảng
thiêng liêng: tinh thần thì không biết các giới hạn của thể xác; tinh thần thì
cần khoảng không gian rộng lớn và tự do tự tại để hít thở nguồn sinh khí linh
thiêng. Người Hy lạp gọi tình yêu này là Philia.
Quan niệm tình bạn (philia) được Phúc Âm thánh Gioan sử dụng và đào sâu ý
nghĩa, để làm nổi bật quan hệ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài.
Đối với người Hy lạp, còn một loại tình
yêu thứ ba là Agape (bác ái vị tha),
là tình yêu trong sáng tinh tuyền, tình yêu thần thánh, chỉ yêu người khác vì
người khác, vì hoàn toàn muốn điều tốt lành cho người khác mà thôi.
Cả ba dạng thức tình yêu này thường
xuyên thấm nhập vào nhau. Tình yêu ham muốn (eros) có thể được một tia chớp của
tình yêu tinh tuyền chiếu sáng; tình yêu-tình bạn (philia) để lộ diện một tình
yêu trong ngần như món quà tặng từ trời ban xuống. Tình yêu bác ái (agape) như
chóp đỉnh của tình yêu bạn hữu, nghĩa là hoàn toàn ra khỏi cái Tôi đóng kín để
tự do dâng hiến, qua đó tìm lại được chính mình, và tìm được chính Thiên Chúa
(x. Lc 17, 33).
Đức Bênêđictô XVI trong phần thứ nhất
của Thông điệp “Deus caritas est” cho
thấy, Eros và agape thường bị người ta đặt đối kháng với nhau như là tình yêu
“ham muốn” và tình yêu “ban tặng” (amor concupiscentia – amor benevolentiae).
Trong thực tế, cả hai dạng tình yêu này không bao giờ tách biệt nhau. Khi cả
hai càng hợp nhất đúng đắn dưới mọi chiều kích khác biệt trong một thực tại
tình yêu duy nhất, thì bản chất chân thật của tình yêu càng tỏ hiện rõ ràng.
Tình yêu không phải là cảm xúc, cảm xúc đến rồi đi. Cảm xúc có thể là một tia
sáng khai mở diệu kỳ, nhưng tổng thể của tình yêu không phải như thế. Tình yêu
là một bước tiến vươn lên của sự thiện hảo, luôn được đặt trong tiến trình
thanh luyện và trưởng thành.
Để đạt được mức độ trưởng thành của
tình yêu, cần phải có sự góp phần của toàn thể con người bằng sự kết hợp mọi
khả năng của lý trí, ý chí và tình cảm để trở thành một hành động trọn vẹn của
tình yêu. Vì là một tiến trình vẫn luôn chuyển động, nên tình yêu không bao giờ
kết thúc và hoàn toàn được, nhưng chín dần, và nhờ đó luôn trung thành với
chính mình.
Tình bạn sẽ cao vượt khi đặt Thiên Chúa
là điểm đích tối hậu cho sự vươn lên của hai người. Thánh Augustinô nói rằng: “Người yêu thương bạn đích thực là người yêu thương chính Chúa đang ở
trong bạn mình”. Thánh nhân hân hoan ôm bạn vào lòng như ai đó đang nóng
lòng muốn đến với Chúa Giêsu. Nơi người bạn, họ gặp chính Chúa Giêsu và cũng là
gặp Thiên Chúa Ba Ngôi. Khi hai người bạn thương nhau, họ diễn tả tình yêu thần
thánh, một tình thương làm nền tảng cho sức mạnh tình yêu của họ.
Tình yêu đó vẫn trường tồn sau cái
chết. Gabriel Marcel đã diễn tã: “Yêu một
người… là bạn muốn nói: bạn, bạn sẽ không chết”. Như thế, tình bạn đã diễn
tả được kinh nghiệm chung của loài người: cái chết không tiêu hủy được tình
thương (x. Dc 8,6). Điều đó gợi lên khía cạnh căn bản của đức tin: chính trong
cái chết của Chúa Giêsu mà chúng ta được Ngài giải thoát, giải thoát khỏi tình
trạng đóng kín lòng mình, để đưa chúng ta trên con đường của sự sống và của
tình yêu đích thực.
Tình bạn thiêng liêng giữa nam nữ
Đối với nhiều người, tình bạn nam nữ quả thật đáng
nghi ngại, dễ bị biến thái thành tình dục hơn là tình bạn. Dù vậy, vẫn có những
tình bạn danh tiếng như Phanxico Assisi và Clara, giữa Phanxico Sale và Gioana
Santan, Gioan Thánh Giá và Têrêsa Avila, v.v…Tình bạn đã làm cho cuộc đời họ
nên phong phú. Trong những tình bạn như thế, đương nhiên là có tính chất mạnh
mẽ của eros (tình yêu ham muốn). Eros nối kết họ lại, làm cho họ hưng
phấn, làm sinh động quan hệ của họ nhưng không dẫn đến tình dục. Chính vì từ
chối hành vi tình dục mà các tình bạn này có sức quyến rũ. Họ sống phấn khởi và
lấy cảm hứng từ nhau.
Cha Teilhard de Chardin (Nhà Thần học và là
Khoa học gia) đã tự nhận, khi có được người bạn nữ, ông mới bắt đầu thức tỉnh
và thực sự hình thành con người mình. Ông nói rằng: “Bất cứ cái gì được phát
triển trong con người tôi đều dưới ánh nhìn và ảnh hưởng của người phụ nữ”
Cha Chardin có tình thâm giao với ba người đàn bà, và tình bạn đã giúp ông trở
nên nhạy cảm với vấn đề phát triển nhân tính, đồng thời cũng làm cho ông đầy
tràn khởi hứng và năng lực sáng tạo.
Anselm Grun cũng cho thấy rằng: “Trong
truyền thống thiêng liêng Kitô Giáo có rất nhiều tình bạn thiêng liêng giữa đàn
ông đàn bà. Tình bạn này không đi ngược lại với tình thương mà họ có với Chúa.
Ngược lại họ thấy lòng thương Chúa lớn mạnh hơn khi họ quan hệ mật thiết với
một người bạn nam hoặc nữ. Trao đổi đời sống thiêng liêng với bạn hữu giúp họ
chắp cánh trên con đường đến với Chúa”. Ông cũng cho thấy Têrêsa Avila rất thân
thiết với Cha Gracian cũng như với Gioan Thánh Giá, nhờ vậy đã khơi lên trong
lòng bà tình bạn đối với Chúa. Bà đã gặp được Chúa qua một con người mà bà có
thể giao tiếp thân tình như bạn hữu. Bà không còn đơn độc trước những nguy biến
của cuộc đời. Bà đồng hành với bạn mình và cảm thấy được bạn mình thương mến.
Tình bạn đúng nghĩa là tình bạn làm cho mình
mỗi ngày có được tình yêu nồng thắm hơn với Chúa Giêsu trong Thánh Thể cũng như
trong đời thường, có cảm nghiệm thâm sâu hơn về những tác động linh thiêng mà
Chúa mời gọi qua từng sự việc, con người và biến cố. Thật vậy, tình bạn là một
quan hệ đồng chí hướng: “Yêu nhau không phải là ngồi nhìn nhau, nhưng nhìn
về một hướng” (Exupery). Tình bạn là một quan hệ trung gian để chuyển sang
tình bạn với Chúa Giêsu, và rồi chính tình bạn có được với Chúa Giêsu làm rọi
sáng và biến đổi các quan hệ trong tình bạn với nhau. Vì thế, Têrêsa Avila khuyên
các chị em như sau: “Tôi muốn khuyên những ai sống đời nội tâm…nên đi tìm
bạn để cùng trao đổi, tìm những người cùng chí hướng, cùng chung con đường lý
tưởng”.
Nhiều nhà huyền bí
cũng cho thấy rằng, tình bạn nam nữ giúp cho họ đến gần với Chúa, tìm được sự
hợp nhất thiêng liêng tràn đầy. William Johnston - chuyên gia về thần học huyền
bí – đã nói đến một hợp nhất thiêng liêng có thể có giữa tình bạn nam nữ mà
không cần diễn tả hợp nhất này về mặt tình dục thể xác. Đối với ông, tình bạn
nam nữ là con đường tiến đến khởi ngộ, nghĩa là tìm được con người đích thực
của mình. Rất nhiều người nghĩ con đường này mang tính cách cá nhân, dù vậy
truyền thống huyền bí chứng minh tình bạn giúp con người tìm được ánh sáng thần
linh. Chính Chúa Giêsu đã biến hình trên núi lúc Ngài cầu nguyện với các bạn
mình (x. Lc 9, 28).
Thật ra tình bạn thiêng liêng giữa nam nữ cũng
không đơn giản, phải rất cẩn thận, khôn ngoan, rõ ràng, và thẳng thắn để tránh
sự nhập nhằng đưa đến những nguy hại. Sẽ là một liều lĩnh và nguy hiểm cho
những ai thiếu trưởng thành về mặt tâm cảm. Phải biết rõ con người mình muốn
gì, đang ở mức độ nào, khi dùng những phương cách và đường lối để tăng triển
đời sống tinh thần. Một võ sĩ đạo chưa tới mức độ thượng thặng mà dám ngang nhiên
dùng loại đao kiếm nặng thì quả là liều mạng.
Nhìn ngắm Đức Giêsu sống tình bạn
Khi gọi đồ đệ của mình là bạn, Đức Giêsu tỏ lộ
cho ta thấy nét tinh túy của tình bạn. Ngài nói cho họ những gì Ngài nghe được
được từ Cha Ngài (x. Ga 15, 15). Ngài tin tưởng và mở lòng ra với họ; Ngài sống
gần gũi, thân thương, chia sẻ vui buồn, chịu đựng và kiên trì với họ; Ngài
khuyến khích, đỡ đần, bênh vực, che chở, nhắc nhở và dạy bảo họ mọi điều; Ngài
mời gọi họ tiến bước theo Ngài trong tự do và tự nguyện dấn thân phục vụ. Dù
biết Giuđa sẽ phản bội, Phêrô sẽ chối từ, các môn đệ bỏ trốn, Ngài vẫn đón nhận
họ đến cùng.
Đức Giêsu không những chỉ cho các đồ đệ tình
bạn của Người, nhưng hơn thế, Người làm cho họ trở thành bạn mình qua lời Người
nói và qua hành động yêu thương mà Người hiến mình vì họ cho đến chết, để chứng
minh rằng: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy
sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15, 13). Quả thật, chưa có một tình bạn
nào cao sáng và vĩ đại trên thế giới này bằng mối tình của Chúa Giêsu dành cho
các bạn Ngài.
Đức Giêsu cũng có những người bạn nữ thân thương,
và họ quan tâm lo lắng cộng tác với Ngài trong sứ vụ, đặc biệt là Maria
Macđala. Bà đã từng theo giúp đỡ Chúa Giêsu trên bước đường rao giảng Tin Mừng;
đã đau đớn cả tâm can cùng với Chúa bước lên đồi Canvê; đã hiện diện can trường
cùng với Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá Chúa; đã táng xác Chúa; đã ngồi khóc
ròng bên ngôi mộ Chúa; và cũng đã vui mừng chất ngất khi thấy Chúa phục sinh.
Bà đã sống tận tình với Thầy mình và cũng là người bạn chí thánh của mình. Sự
hiện diện của Bà tới giờ phút chót của Chúa Giêsu đã an ủi Ngài biết bao. Phải
chăng vì thế mà theo Phúc Âm Gioan, Chúa Giêsu đã hiện ra cho một mình Bà trước
tiên như để đáp lại mối tình thân mà bà đã dành trọn vẹn cho Ngài. Ngài đã gọi
tên bà, đó là dấu chỉ của sự thân tình giữa hai người bạn khi gặp lại nhau.
Chúa Giêsu còn dành cho bà một diễm phúc của tình bạn tâm giao, đó là người đầu
tiên loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Vui mừng và hạnh phúc biết bao trong tình bạn
!
Đích điểm và cốt tủy của tình yêu bạn hữu là
trở thành bạn của Đức Giêsu, sống với Người bằng tất cả tình yêu thương của lòng
mình. Như Đức Giêsu, trong tình bạn, chúng ta cũng phải sẵn sàng để chết ở mỗi
giây phút: phải từ bỏ những định kiến về nhau, cũng như tính muốn chiếm giữ và
mong chờ theo ý mình. Tình bạn tăng lên khi các hình ảnh mà chúng ta phóng
chiếu lên nhau mờ dần.
Đôi khi tình bạn cũng đi qua những giai đoạn
tối tăm, đau thương và trắc trở, tưởng chừng như sụp đổ. Để hòa hợp với nhau,
cẩn phải chết đi tính ích kỷ của mình, để mới có thể mở lòng ra đón nhận bạn
mình được. Chính vì vậy mà cái chết của Chúa Giêsu trở thành kiểu mẫu cho tình
bạn đích thực. Khi dám chết đi cho chính mình thì ta mới có khả năng mến chuộng
được chiều sâu thẳm của tình bạn.
Cũng như Chúa
Giêsu là bạn chí thiết của mỗi người chúng ta, đã trở nên nguồn sức mạnh và
hoan lạc của đời ta, để đến phiên ta cũng trở nên sức mạnh và niềm vui sống cho
các bạn hữu cách chung, và cho người bạn tâm giao cách riêng.
Lm. Thái Nguyên