THÁNH Ý CHÚA TRONG CUỘC ĐỜI (2)

“Thánh ý Ngài là gia nghiệp con mãi mãi,

      vì đó là hoan lạc của lòng con.” (Tv 119, 111)

 

 

 

Thánh ý Chúa - con đường hẹp

Để sống thánh ý Chúa mỗi ngày toàn vẹn hơn, ta phải trải qua lắm gian nan trên con đường hẹp. Thiên Chúa dạy dỗ con tim bằng đau khổ và chướng ngại, chứ không bằng những ý niệm và nhận thức suông. Điều này cũng giống như thanh sắt được người thợ rèn trui luyện nhiều lần trong lò lửa, nó phải chịu nung nóng và chịu nhiều nhát búa đập xuống cho tới khi nó trở thành cây dao hay thanh kiếm theo ý muốn của người thợ. Đây là kinh nghiệm đau thương và nóng bỏng từng ngày để sống theo ý Chúa, nhờ đó linh hồn mới hưởng nếm được Ngài như sự thiện hảo duy nhất của đời mình.

Để nắm vững tri thức này và có được sự thanh thoát, đòi ta phải ly thoát mọi sở hữu cá nhân. Vì thế, chỉ nhờ thập giá và những hãm mình liên lỉ, cả sự khổ chế và tước bỏ hằng ngày thì tình yêu tinh tuyền cho thánh ý Chúa mới được thiết lập trong tâm hồn ta. Việc này cứ phải tiếp diễn cho đến khi mọi cái đối với chúng ta như không có, hay có cũng như không, để Thiên Chúa trở nên tất cả trong mọi sự. Chính Thiên Chúa chiến đấu với mọi thứ cảm tính đặc trưng trong con tim ta, để dẫn ta đến với Ngài bằng sự trút bỏ hoàn toàn những gì mà ta còn cậy dựa vào đó. Trong những gì xảy ra, Chúa thường làm đảo lộn mọi dự tính của ta, thay vì tìm thấy thành công thì ta toàn thấy những khó khăn, lầm lẫn, trống rỗng và dại dột, để từ đó ta được thúc đẩy để nương tựa vào chính Ngài và chỉ cảm thấy hài lòng với Ngài mà thôi. Hạnh phúc thay khi chúng ta hiểu được tính nghiêm khắc đầy yêu thương của Chúa, để giành lấy chính mình ta cho Ngài.

Niềm vui của Chúa

Chúa vui biết mấy khi thấy ta được tự do thoát khỏi mọi khuynh hướng phàm tục, mọi thúc đẩy và lôi kéo của thế sự, để chỉ còn lại một tâm tình và ý hướng trọn vẹn sống cho riêng Ngài.

Chúa mừng biết bao khi thấy ta phải không ngừng thanh lọc bản thân mình khỏi những ý hướng thấp hèn, khỏi những ham muốn tầm thường, khỏi những cao vọng và hào nhoáng bên ngoài. Khi con tim chết đi đối với mọi sự, và mọi sự đều đã chết đối với nó, thì ta mới thực sự thuộc về Chúa.

Thánh ý Chúa mời gọi ta hãy chắp cánh bay lên vùng trời xanh tươi sáng, đừng bằng lòng với những ngõ ngách tối tăm; hãy biết đói khát những sự trên cao, đừng tìm no lòng với những điều dưới đất; hãy để tâm hồn mình được vươn cao, nới rộng, trải dài, đừng phỉ chí toại nguyền với “nắm tro” tạm bợ. R. Tagore cũng đã diễn đạt tâm tình này như sau:

“Dù chiều xuống dần, ra hiệu cho lời ca bặt tiếng;

Dù bạn bè mi đã ngon giấc trong tổ ấm và mi đã mệt nhoài;

Dù hãi hùng đang bao trùm đêm tối, và bầu trời mây phủ kín;

Song, chim của ta ơi, lắng nghe lời ta nói:

Đừng vội khép cánh ngừng bay chim nhé.

...................................................................

Mi không nuôi hy vọng, không bận lo âu.

Mi không sầu, không oán cũng không than.

Mi không nhà, không hang, không tổ.

Mi chỉ có đôi cánh riêng tư và bầu trời bao la.

Chim của ta ơi, lắng nghe lời ta nói:

đừng vội khép cánh ngừng bay chim nhé”.

Thật vậy, trái đất này không phải là nơi ta tìm sự yên nghỉ, thượng giới trường cửu mới là nơi nghỉ yên. Sự sống của chúng ta không thuộc về đời này, nên cứ phải bay lên mãi cho tới cõi sống vĩnh hằng. Ý Thiên Chúa chính là sự sống đó, đang nẩy mầm và lớn lên trong ta từng ngày, là toàn bộ gia nghiệp của đời ta. Toàn tâm toàn ý để sống thánh ý Chúa làm cho mỗi giây phút trong đời ta trở thành sự toàn hiến cho Thiên Chúa.

Những tác động thần khải

Ngoài việc hết lòng sống theo Thánh ý Chúa trong từng giây phút hiện tại và đón nhận mọi sự cố xảy ra trong đời, thì còn một loại thứ ba là “những tác động thần khải”, mà Chúa muốn mời gọi ta thực hiện như một bổn phận trong những bổn phận. Loại bổn phận thứ ba này xem ra vượt trên mọi luật lệ, hình thức hay qui tắc, đòi một sự dấn thân và hy sinh sâu rộng hơn để Chúa làm nên một điều gì đó trên đời sống cộng đoàn. Thay vì để cho ta có một uy tín và sáng giá do những tiến triển trong đời sống thiêng liêng, thì Chúa lại giữ ta trong sự âm thầm và nhỏ bé tầm thường dưới mắt người khác; thay vì để cho ta được trỗi vượt phẩm chất trong đời sống tâm linh, thì Chúa lại muốn để ta ở trong bóng tối. Ta sẽ tìm được bình an sâu thẳm trong sự hư vô của mình. Nếu muốn hành động một cách khác với ý Chúa, ta sẽ tự lừa dối mình, và tâm hồn sẽ phát sinh những bấn loạn.

Ta dễ dàng bị cám dỗ để làm những việc nổi nang hơn người khác, cân xứng với tài đức của mình, mà quên rằng Chúa muốn đặt ta ở vị trí nào trong từng giai đoạn của cuộc đời. Chiến đấu trong đời sống thiêng liêng cũng giống như chiến lược binh bị nơi sa trường, nếu thủ thế sai cứ điểm và chiếm cứ sai vị trí là chuốc lấy thảm bại. Trong “những bổn phận linh hứng” đòi ta phải biết hành động ở trong tư thế mà Chúa muốn, thì mới đạt tới niềm vui ơn cứu độ cho mình và tha nhân.

Điều trên cho thấy mỗi người chúng ta nên bằng lòng với những bổn phận trong bậc sống và trong ơn gọi theo từng hoàn cảnh của mình, theo sự an bài và quan phòng của Chúa, bởi vì chỉ có Chúa mới thấy một cách toàn bích những hệ quả sâu rộng trong đời sống cộng đoàn cũng như trên cuộc sống của toàn thể nhân loại, trong sự liên đới mật thiết với nhau trong chương trình tình yêu của Ngài, và Ngài đã muốn một cách rất riêng lẽ trong tính cách hiện diện của từng người, để phối hợp nó một cách nhịp nhàng, ăn khớp trong toàn bộ với nhau dưới sự thống nhất và hợp nhất rất linh động của Chúa Thánh Thần.

Ý Chúa nhiệm mầu, nhưng lại giản đơn

Chúng ta đừng quá mong mỏi những hiệu quả bên ngoài mà quên những chuyển động âm thầm bên trong, kẻo điều ta mong không phải là điều Chúa mong. Nơi người khác cũng vậy, không nên xét theo những tiêu chuẩn và những thành quả bên ngoài để lượng định hoặc đánh giá. Việc Chúa làm nơi mỗi người là những điều sâu xa hơn nhiều, trong một tiến trình đang chuyển động theo kế hoạch của Ngài, chứ không chỉ như những gì người ta muốn thấy. Có ai thấy được những trăn trở, thao thức và vươn lên quyết liệt của một tâm hồn đang hết lòng sống cho Chúa, đang khi bên ngoài là những hoàn cảnh bất lợi như bóng tối vây quanh, che chắn đi ánh sáng rất tinh tế mà Chúa đang thắp lên nơi họ. Chỉ có chìm sâu trong cầu nguyện ta mới có được cái nhìn và tâm tình rất tinh tế của Chúa trong đời sống của từng con người mà Chúa đang làm nên.

Nhìn vào cuộc sống của những người thánh thiện, ta cũng thấy rằng, họ cũng chỉ biểu lộ ra bên ngoài những gì rất bình thường như nơi những người khác. Họ chu toàn những bổn phận tôn giáo và bậc sống có vẻ như cùng một cách thức như mọi người, chẳng có gì hấp dẫn hay đặc thù, và mọi thứ hầu như đi theo một tiến trình bình thường. Những gì là độc đáo nơi họ thật khó mà nhận biết, hay đúng hơn, nó tùy thuộc vào ý muốn của Chúa trên cuộc đời họ. Ý muốn đó tạo cho họ một sự làm chủ bản thân trong sự dâng hiến hoàn toàn cho Chúa định liệu. Họ chỉ đơn giản lo chu toàn bổn phận mình như không còn gì tồn tại ngoài Thiên Chúa và điều phải làm trong hiện tại, cũng chẳng đắn đo lo ngại về những hậu quả trước cái nhìn và đánh giá của người khác. Họ dám đón nhận mọi sự mà chẳng đếm xỉa gì đến sự bất lợi cho bản thân hay ý riêng mình, chỉ kiên nhẫn chờ đợi sự chuyển động của thánh ý Chúa trong tâm hồn mình. Nếu Chúa muốn gì khác hơn thì chính ngài sẽ linh hứng cho họ một cách nào đó.

Như một dụng cụ trong tay Ngài

Để sống thánh ý Chúa trong cuộc đời, ta cũng phải giống như tấm vải để vẽ, không cần nghĩ gì hay không cần phải cố gắng tìm hiểu Thiên Chúa muốn vẽ gì trên mình, vì ta tin vào Ngài và muốn phó thác hết cho Ngài, và chỉ chú tâm hoàn toàn vào điều mà Ngài muốn ta làm. Càng biết dấn thân vào những công việc nhỏ bé, tầm thường, âm thầm và kín đáo, thì Thiên Chúa lại càng thêu dệt nên những điều ngoạn mục trong cuộc đời ta. Điều này cũng giống như khúc gỗ đang được đục đẽo, cắt gọt nhỏ lại để dần dần hình thành một tác phẩm nghệ thuật. Không phải vì ta ham thích được như vậy, nhưng vì Chúa muốn như thế. Diễm phúc biết bao khi ta thấy mình đang được tác tạo để trở nên một kỳ công của Thiên Chúa.

Hoạt động của Thiên Chúa luôn mới mẻ cho những ai sống theo thánh ý Ngài. Con đường Ngài dẫn chúng ta đi, không ai lường trước được, và ta cũng chẳng cần tìm biết mình đi đâu. Điều quan trọng là đặt trọn tin tưởng vào Ngài, sẵn sàng phó mình cho Ngài trong mọi đường nẻo, dù tươi sáng hay tối tăm mịt mù. Những hoạt động của Ngài cũng không có giới hạn, với nguồn lực và khả năng không bao giờ cạn. Hôm qua Ngài làm như thế này, hôm nay Ngài làm thế khác. Cũng cùng một công việc được áp dụng cho những thời điểm khác nhau, với những phương cách khác nhau tùy theo hoạt động của Thánh Thần.

Đức Giêsu Kitô luôn là mẫu mực hoàn hảo cho chúng ta trong việc sống theo Thánh Thần. Cuộc sống của Ngài đang tiếp diễn, và điều còn phải hoàn tất thì đang thực hiện nơi mỗi người chúng ta trong từng thời điểm. Mỗi người nhận lấy một phần sự sống thần linh này, nhưng trong mỗi người, Đức Giêsu Kitô đều khác nhau, dù vẫn chỉ là chính ngài. Hãy để cho Thiên Chúa hành động bằng cách làm theo điều Ngài muốn. Đó là Tin Mừng và cũng là toàn thể Kinh Thánh.

 

 

Lạy Chúa, sống theo thánh ý Chúa là sống bằng một đức tin tinh tuyền, hay nói ngược lại cũng thế. Khi sống như thế, con có cảm giác mình bị tước mất sự sống bình thường, hay nói đúng hơn một cách nào đó bị chết đi về mặt thể lý cũng như tâm linh.

Nhưng con tin rằng, dưới lớp vỏ sự chết, Chúa đang thực hiện thành công những chương trình của Chúa trong cuộc đời con. Chính vì để cho ý Chúa được thực hiện, để cho đời sống đức tin sống động mà Chúa muốn cho những ai khao khát yêu mến Chúa được nhận chìm vào dòng nước của vô số đau thương, khốn khó, yếu đuối và thất bại.

Dù đau khổ có đôi khi làm con đánh mất cảm thức về sự hiện diện của Chúa, nhưng rồi con cảm thấy như có một chiếc neo vô hình giữ con bám chặc vào Chúa. Chúa vẫn ẩn mình và có những khi chơi trò “Trốn tìm” với con, làm cho tâm hồn con hoang mang, chới với. Nhưng rồi Chúa vẫn có đó ngay trong tâm hồn con, ngay trong chính sự sống của con, cũng như Giacóp đã ngạc nhiên thốt lên: “Quả thật, có Đức Chúa ở nơi này mà tôi không biết.” (St 28, 16). Chúa đang sống tận tình cho con mà con đâu có biết; Chúa đang bao bọc con trong trái tim Chúa mà con nào có hay.

Xin cho con biết sống trong cung lòng sâu thẳm vô hình của Chúa, và nhờ sức mạnh ở nơi đó, đời sống con vươn lên, đâm cành, trổ lá, nở hoa và kết trái. Dù chúng vô hình đối với con nhưng lại là niềm vui và thức ăn bổ dưỡng cho người khác.

Xin cho con biết cho đi bóng mát, hoa thơm, trái ngọt cho anh chị em con, mà đừng để ý đến hương vị của mình.

Xin cho con một trái tim rộng mở, để những ai đến với con đều nhận được cùng một nguồn sống sẽ được biểu lộ ra trong sự lớn lên với diện mạo riêng của họ.

Xin cho con trở nên tất cả cho mọi người, nhưng về phần con, sẵn sàng chấp nhận tất cả những gì xảy đến.

Xin cho con cứ vui lòng với Chúa để ở lại trong nhà tù tối tăm và chật hẹp trong cái kén của con, như con sâu bé nhỏ, cho đến khi nào sức nóng của ân sủng sưởi ấm con và làm cho mọc cánh để bay vào sự sống thần linh, trong yêu thương tuyệt hảo bất tận là chính Chúa.

Xin cho con đừng tìm kiếm gì ngoài Chúa, mà biết tìm kiếm Ngài trong chính Ngài mà thôi. Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên con xin phó thác hoàn cuộc đời con và mọi sự cho Ngài. Vì lạy Chúa, Ngài là gia nghiệp muôn đời và là hạnh phúc tuyệt đối của đời con. Amen.

Lm.Thái Nguyên.


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu