CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC
“Hãy trỗi dậy lên đường! Đây
không phải là chốn nghỉ ngơi.”
(Mk 2, 10)
Còn biết bao điều linh thiêng cao quí đang
chờ đợi ta trên con đường phía trước. Đừng nặng lòng bởi những gì đã qua trong
quá khứ. Dù quá khứ đau buồn hay vui sướng, sáng ngời hay u ám, thành công hay
thất bại... thì cũng đã góp phần cho kinh nghiệm sống của mỗi người chúng ta.
Chỉ nhìn về quá khứ với những vẻ vang sẽ làm ta mê man trong hiện tại; hoặc chỉ
nhìn quá khứ với những đau thương sẽ làm ta chán nản và thất vọng về tương lai.
Cuộc sống đẹp ngời chỉ mở ra cho những
ai đang khao khát sống và sống hiện thực, sống tích cực; bình minh rực rỡ trong
ngày mới chỉ ban tặng cho những ai muốn phấn khởi lên đường; thiên nhiên bao la
và không gian vô tận chỉ dành cho những ai muốn say mê khám phá về Thiên Chúa,
con người và chính mình. Khung trời tươi sáng ở trong chính tâm hồn mình, đừng
che lấp nó bằng những phản ứng bâng quơ, u ám và vô hồn. Hãy mở lòng ra để đón
nhận cuộc sống mới bằng trái tim mới, với đôi mắt hồn nhiên đã gạn đục khơi
trong.
Xa rời dĩ vãng
“Dĩ
vãng chỉ là một mớ tro tàng” (Carl. Sandburg). Nếu ta luôn cay đắng và oán
hận về những gì đã qua, thì khác gì bới lại đống tro tàn. Tại sao lại cứ kìm
giữ mình trong cung cách đó ? Ai cũng có những bất trắc và khốn đốn xảy ra
trong quá khứ cho mình, nhiều khi rất đau thương và tan nát cõi lòng. Chúng ta
không giảm thiểu những tai ác đó, nhưng điều quan trọng là đừng để nó trở thành
một trở lực làm khép kín cõi lòng, nhưng hãy biến nó thành một trợ lực cho cuộc
sống hiện tại. Đừng bào chữa, đừng đổ lỗi, đừng hợp lý hóa và biện minh cho
thái độ tiêu cực của mình lúc này. Chấp nhất người khác hay nghịch cảnh thì chính
mình cũng trở nên như vậy, chẳng giải quyết được gì mà còn hạ bệ tính cách của
mình.
Hãy biết
nhìn mọi cái đã qua đều là kinh nghiệm - nhất thiết cần phải có trong đời mình
- để phong phú hóa bản thân, và chắc chắn đó cũng điều Chúa muốn, để chuẩn bị
cho ta trong hoạch định sắp tới của Ngài, mà không ai có thể biết trước. Chỉ
biết chắc rằng đó là hoạch định của tình yêu thương, luôn mở ra cho ta những
niềm vui bất ngờ, nếu ta biết đón nhận và vượt qua những chướng ngại với tâm
hồn bình an, tin tưởng và phó thác.
Trong Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy một
thái độ rất hay của vua Đavít (2Sm 12, 16-23): khi con ông bị đau nặng có nguy
cơ tử vong, thì ông đau buồn cực độ. Ông khóc lóc, ăn chay, nằm đất, không tắm
rửa, không cạo râu, không làm gì khác, chỉ biết van xin Chúa cứu chữa con mình.
Cuối cùng con ông cũng đã chết, triều thần không biết phải nói thế nào với
Đavít, vì sợ ông sẽ đau buồn đến tuyệt vọng. Nhưng lạ thay, khi biết tin con
mình đã chết, thái độ của ông làm cho tất cả mọi người kinh ngạc. Ông chỗi dậy,
đi tắm rửa, xức dầu thơm, thay quần áo, sai người dọn bữa ăn cho ông. Quần thần
thắc mắc vì sao thái độ của ông lại trái ngược như vậy? Ông đã trả lời: "Bao lâu đứa bé còn sống,
ta ăn chay và khóc lóc vì ta tự bảo: Biết đâu Đức Chúa sẽ thương xót ta và đứa
bé sẽ sống! Bây giờ nó chết rồi, ta ăn chay làm gì? Hỏi rằng ta còn có thể làm cho
nó trở lại được không? Ta đi đến với nó, chứ nó không trở lại với ta." (2Sm 12, 21-23).
Quả là một bài học sáng giá cho mỗi
người chúng ta trong đời sống đức tin. Thay vì tiếp tục cay đắng hoặc buồn
trách Chúa đã phụ lòng mình thống thiết kêu xin; thay vì đặt ra câu hỏi tại sao
Chúa lại làm như thế với tôi tớ Ngài, thì hãy biết đón nhận với tấm chân tình
và thái độ an vui của lòng tin, vẫn hy vọng ngay trong thất vọng, mạnh dạn đứng
lên sau những tang thương để khởi sắc lại cuộc sống của mình. Một con người
luôn đặt mình ở trước mặt Chúa thì không để mình rơi vào thái độ thường tình,
nông nổi, nhưng chọn lựa một cách thái hiện diện cao đẹp nhất ở giữa mọi người.
Nếu ta không rời bỏ quá khứ là tự trói
buộc mình cách vô lý, là đặt mình trong tình trạng u mê, là hư vô hóa hiện tại
và tương lai của mình, hoặc trong một mức độ tác hại thấp nhất đi nữa thì cũng
làm cho ta không còn khả năng đáp ứng một cách hào hứng trước những cung ứng
đầy tính sáng tạo và mới mẻ mà Chúa đang dành cho ta một cách rất riêng biệt.
Có một trình thuật Kinh Thánh khác,
phản ánh ngược lại với trường hợp của Đavít, đó là trường hợp của bà Lót. Khi
sắp hủy diệt thành Sôđôma, Chúa đã căn dặn trước rằng: "Ông hãy trốn đi để cứu
mạng sống mình! Đừng ngoái lại đằng sau, đừng dừng lại chỗ nào cả ...” (St 19, 17). Nhưng rồi vì
tò mò, hoặc vì tiếc nuối gia sản của một thời đã bao công sức làm ra, nên “Bà vợ ông Lót ngoái lại đằng
sau và hoá thành cột muối” (St 19, 26). Dĩ nhiên, đây là trường hợp bà Lót không nghe
lời Chúa, nhưng chúng ta muốn coi đó như một biểu tượng đầy ý nghĩa cho những
ai cứ muốn quay về quá khứ hay muốn làm sống lại dĩ vãng. Hậu quả của lối sống
đó khiến tâm hồn dễ bị cứng đọng và đóng băng, không còn khả năng linh động và
sức sáng tạo nhạy bén trước thực tại.
Tiến
bước và trở thành
Dĩ
vãng dù có thành hay bại, được hay mất, thì Khổng Tử cũng dạy ta rằng: “Thành sự bất thuyết; toại sự bất gián; ký
vãng bất cữu” (Việc đã thành chớ nói lại; việc đã xong chớ can gián; việc
đã qua chớ trách cứ). Đừng nặng lòng với những gì mình được hay không được, có
hay không có, cũng đừng so sánh đời sống mình với người khác, càng không trách
móc hay giận dữ ai đó đã gây tai hại cho mình. Sự căm phẫn và giận dữ chỉ làm
tổn thương chính mình mà thôi. Hãy rời bỏ những gì là thụ động làm phát sinh
những tư tưởng, lời nói và hành vi tiêu cực. Hãy đứng lên và quyết định trở
thành điều mà mình phải trở thành như Chúa thiết tha mời gọi (x. Mt 5, 43-48).
Đừng tìm cách tránh né và rút lui trong
mọi tình cảnh mà Chúa muốn ta vượt qua. Đã được lãnh nhận một cuộc sống trong
đức tin do lòng thương xót Chúa, chúng ta chỉ có đường tiến, không có đường lui.
Dù có lui cũng là để tiến. Bất cứ một sự lùi bước hay thất vọng nào đều là một từ
chối ân ban và lừa dối chính mình. Cứ mở rộng lòng để đón nhận tất cả những gì
Chúa ban cho ta trong mọi thời khắc, dưới mọi hình thức dù thuận lợi hay bất
lợi, để làm cho nó nên hoàn hảo nhất có thể được.
Đừng để quá khứ thống trị hiện tại và
xác định tương lai, cho dù đó là một quá khứ vẻ vang. Dựa vào đó để nêu cao
mình trong hiện tại là tự mãn một cách ấu trĩ; hoặc dựa vào đó để định giá cho
mình một tương lai thì quả là ảo tưởng. Giây phút nào thì ở trong giây phút đó.
Mỗi giây phút qua đi đều có những sự kiện riêng biệt và ý nghĩa thiêng liêng
của nó trong từng giai đoạn của cuộc đời mình tùy theo ý Chúa muốn. Không thể
lấy giờ phút này để xác định cho giờ phút khác. Mỗi khoảnh khắc luôn luôn mới
trước cái nhìn và cách thức hành động của Chúa trên cuộc đời ta, mời gọi ta
luôn thức tỉnh để nhận biết và hoàn thiện nó. Nếu không rời bỏ những cái cũ thì
Chúa không thể đem đến một cái gì mới được. Cuộc sống tự nó là một tiến trình
hoàn thành, “cho đến khi đạt tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên
mãn của Đức Ki-tô” (Ep 4, 13), không thể dừng lại ở
một chặng đường nào đó để thiết lập vị thế của mình.
Đồng ý rằng, cuộc đời ta hôm nay là đặt
trên nền móng những gì mình đã làm nên trong quá khứ, nhưng nếu chỉ thế thôi
thì quả là dang dở và lỡ làng. Nên nhận biết rằng, mọi dự phóng còn đang trên
con đường ở phía trước. Vì thế, không cứ mãi buồn thương về một quá khứ đau
thương, mà cũng không cứ mãi gặm nhấm hạnh phúc của một thời sung túc, để rồi
con đường tiến lên phía trước bị ngưng trệ, hoặc phải khệ nệ bước đi một cách
nặng nề vì chồng chất những dĩ vãng xa xôi, vì một vài biến cố hay vì một vài
người nào đó. Nếu như vậy, thì còn gì là “hưng phấn” của một cuộc đời tươi mới,
mà nó luôn đòi hỏi phải đổi mới trong tâm tư và nguyện vọng, trong phương hướng
và cách thức, trên mọi bình diện và dưới mọi chiều kích tương quan của cuộc
sống làm người.
Leo Buscaglia, một con người tràn đầy
sức sống và tình yêu, cũng đã nói lên tâm tình trên như sau: “Sống là một tiến trình năng động. Vì thế,
nó chào mừng bất cứ ai đón nhận lời mời để trở nên một thành phần năng động của
nó. Điều mà chúng ta gọi là bí quyết hạnh phúc chung qui chỉ là thái độ chúng
ta sẵn lòng chọn lựa sự sống”.
Thái độ hiện sinh
Ta không được phép quên quá khứ, cũng
không được phép lảng tránh tương lai. Nhưng ta phải luôn nhìn quá khứ và tương
lai trong qui chiếu đến hiện tại. Ở lại trong quá khứ hay mất hút trong tương
lai, tức hiện hữu “ở đó và lúc ấy” thay vì “ở đây và lúc này”, điều này sẽ cướp
mất sức sống của chúng ta. Quá khứ của ta nên được nhìn lại từ nhãn giới của
hiện tại. Bất cứ vấn đề gì còn tồn đọng, chưa giải quyết, ta phải giải quyết ngay một cách ổn thỏa.
Tương lai cũng thế, cần phải được phác họa trong bối cảnh thực tế của hiện tại.
Bất cứ điều gì xảy đến sẽ tùy thuộc phần lớn vào cách mà ta xây dựng trong hiện
tại này.
Tuy nhiên, con đường phía trước không
có nghĩa là con đường luôn tươi sáng và hoan lạc theo cái nhìn của thế gian,
nhưng nó được định hình theo đường lối của Thiên Chúa, có thể thế này, có thể
thế khác. Chúng ta hãy nhớ lại con đường phía trước của Chúa Giêsu là con đường
lên Giêrusalem, con đường tử nạn đau thương. Dù biết thế, Chúa Giêsu vẫn hiên
ngang tiến bước, và nói lên tâm nguyện của Ngài với các môn đệ rằng: “Thầy còn một phép rửa phải
chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12, 50).
Đó mới thật sự là con đường tươi sáng,
vì nó hoàn thành ý định của Thiên Chúa để đem lại ơn cứu độ cho loài người. Vì
thế, cần phải hiểu con đường phía trước theo kế hoạch của Thiên Chúa đặt định,
chứ không theo cách thức và tầm nhìn của nhân loại. Điều gì Chúa muốn, thì Ngài
sẽ ban ơn cho ta có đủ năng lực và khôn ngoan để hoàn thành. Có điều chúng ta
có dám tin tưởng và phó thác hoàn toàn cho Chúa định liệu không? Hay lại muốn
mở ra con đường phía trước theo toan tính của mình?
Lạy
Chúa, Chúa là Đường, để con tin tưởng bước đi.
Từng
chặng đường đi qua trong cuộc đời con đều được bao bọc bởi lòng từ bi và ân
sủng của Chúa.
Dù
có những thành công hay thất bại, đau thương đổ vỡ hay mừng vui hạnh phúc...
thì cũng đã qua rồi. Con không hối hận điều chi, cũng chẳng tiếc nuối điều gì.
Tất
cả đều phải được xảy ra như thế, để làm nên cuộc sống của con hôm nay, để con
biết ý thức thanh lọc và kiện toàn đời sống mình.
Điều
quan trọng trong giây phút này, là con phải tích cực và hăng say dấn thân trên
con đường đi tới, để góp phần xây dựng một thế giới mới, trước tiên ở trong
chính tâm hồn mình.
Cuộc
sống nào cũng là một ơn gọi hoàn thiện, là con đường chung cho mọi người để
tiến tới đích điểm là chính Chúa, nhưng lại cũng rất riêng biệt trong cuộc đời mỗi
người chúng con cho Chúa.
Xin
soi dẫn và đưa bước con đi. Với Chúa, con không còn phải đắn đo lo sợ gì. Amen.
Lm. Thái Nguyên