Câu Chuyện HIỆP NHẤT

(Linh Mục  ANPHONG TRẦN ĐỨC PHƯƠNG)

 

 

 

“XIN HIỆP NHẤT CHÚNG CON NÊN MỘT TRONG TÌNH YÊU CHÚA…”

 

Chuyện ngụ ngôn thời xưa kể lại có người Cha già muốn dạy các con bài học “HIỆP NHẤT”: “ĐOÀN KẾT THÌ SỐNG, CHIA RẼ THÌ CHẾT…”, cụ đưa cho các con một bó đủa đã cột lại làm một và bảo các con bẻ thử, mấy người con cố gắng cũng không thể nào bẻ gẫy bó đũa… Cụ liền bảo hãy tháo bó đũa ra và bẻ từng cái và thế là bó đũa bị bẻ gẫy dể dàng. Câu chuyện “Anh em nhà họ Điền” cũng dạy chúng ta bài học “HIỆP NHẤT”: “ĐOÀN KẾT THÌ SỐNG, CHIA RẼ THÌ CHẾT” .

 

Người Pháp chiếm đoạt Việt Nam và chia ra Ba Miền để dể cai trị. Hoa Kỳ khi muốn làm suy yếu sức mạnh của Miền Nam, để dể lũng đoạn và thực hiện ý đồ chính trị riêng tư, họ đã chia rẽ chẳng những Ba Miền, mà chia rẽ giửa các tôn giáo vốn rất bao dung và sống hòa đồng với nhau tại Việt Nam; từ đó  tạo nên những người “cuồng tín” luôn hô hào hận thù ,chia rẽ, thay vì từ bi, bác ái, hỷ xả, vị tha… gây nên cảnh “huynh đệ tương tàn,” ngay cả ở các Cộng Đồng Người Việt chúng ta ở hải ngoại, làm tiêu tán sức mạnh chung.

 

Trong Kinh Thánh Cựu Ước có kể câu chuyện anh em ruột thịt chia rẽ nhau: Vì ghen tức Cain giết em ruột của mình là Abel… (Sách Khải nguyên 4, 1-16). Sau đó là câu chuyện “Tháp Babel” (KN. 11, 1-9…) . Từ đó con người chia rẽ nhau “Không còn nói cùng một thứ tiếng” nữa… và cũng từ đó chiến tranh luôn xãy ra trên thế giới chúng ta, nhân loại không còn là một gia đình

yên vui, êm ấm, thuận hòa.

 

Trong bữa ăn cuối cùng với các Tông Đồ, Chúa Giêsu đã thiết tha cầu nguyện cho sự “HIỆP NHẤT”: “XIN CHO TẤT CẢ NÊN MỘT NHƯ CHA Ở TRONG CON VÀ CON Ở TRONG CHA” (Gioan. 17, 21-23). Trước đó Chúa Giêsu đã lấy hình ảnh “Cây Nho” để mời gọi mọi người hãy liên kết chặt chẻ với Chúa và với nhau: “Thầy là Cây Nho chúng con là ngành nho, ngành nào “Hiệp Nhất”cùng cây sẽ sinh hoa kết quả, ngành nào lìa cây sẽ khô héo đi…” ( Gn 15,5). Giáo hội Chúa được sánh ví như một “Thân Thể Mầu Nhiệm”. (Thơ Rôma 12,4…) Chúa Giêsu là Đầu và chúng ta là các Chi Thể. Tất cả đều sống tùy thuộc vào nhau, chia sẽ cùng một giòng máu yêu thương, cùng một tinh thần là sức sống trong Chúa Thánh Thần. Trong Lễ Thánh Thể, chúng ta cũng được chia sẽ cùng một  Tấm Bánh” (hiệp nhất do muôn ngàn lúa miến), cùng một  Chén Rượu” (hiệp nhất do trăm ngàn trái nho). Trước đó chúng ta đã tuyên xưng cùng một Đức Tin”, cùng một Phép Rửa”, và cùng cầu nguyện chung kinh Lạy Cha chúng con… ” rồi cùng chia sẻ dấu hiệu của sự  “Hiệp Nhất” yêu thương  bằng những cử chỉ chân thành ‘chúc bình an’ cho nhau.

 

Giáo hội luôn luôn mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện cho sự “Hiệp Nhất” trong gia đình Giáo hội, trong gia đình nhân loại ; đặc biệt trong  ‘Tuần Lễ Cầu Nguyện cho sự Hiệp Nhất’ vào giữa tháng giêng mỗi năm.

 

Hành trình trong cuộc sống là một cuộc ‘Đồng hành’. Chúng ta cùng đi với nhau, nâng đở nhau, dìu nhau đi (chị ngã em nâng) giữa bao khó khăn, thử thách của cuộc đời. Thiên Chúa luôn tôn trọng Tự do của con người. Chúng ta nên tôn trọng nhau để chung tay xây dựng hòa bình trên thế giới, trong gia đình, chúng ta mới được sống trong thanh bình, hạnh phúc của Tình yêu Thiên Chúa là Cha mọi người chúng ta.

 

Thánh Phanxicô khó nghèo đã dâng hiến cả cuộc đời để phụng sự Chúa và nhân lọai.  Ngài luôn dâng lời cầu nguyện và tận tâm , tận lực  gây dựng sự Hiệp nhất, Tình yêu thương và Hòa bình  trên thế giới , trong gia đình và giữa mọi ngừơi thuộc mọi màu da, chủng tộc, tôn gíao và văn hóa .  Bài ‘ Kinh Hòa Bình’ của Ngài rất nổi tiếng và đã  đựơc dịch cũng như phổ nhạc ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta  hãy luôn thành tâm cầu nguyện với Chúa cho chúng ta biết xóa bỏ hận thù, kỳ thị, tranh chấp, nghi kị, kết án lẫn nhau…để  trở nên những  ‘Khí cụ bình an của Chúa…Biết mến yêu và phụng sự Chúa  trong mọi ngừơi…biết đem yêu thương vào nơi oán thù…Đem an hòa vào nơi tranh chấp…’ ( theo bản dịch của  trong ban Thánh Ca ‘Kinh Hòa Bình’  của Cha Kim Long) .

             

 

 

 


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu