HUYỀN NHIỆM CON NGƯỜI

“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình.” (Stk 1, 27)

 

      

       Con người không những có giá trị hơn mọi tạo vật khác ở ý thức, mà vượt qua ý thức, còn một điều cao hơn, đó là giá trị tâm linh: “Nhân giả thiên địa chi tâm”. Cái tâm đó bao gồm cả Trời đất, như Mạnh Tử cũng đã nói:“Vạn vật giai bị ư ngã, phản thân chi thành, lạc mạc đại yên”.

       Sở dĩ con người ngày hôm nay mất quân bình, lạc lõng, chới với trong muôn ngàn đau thương khổ ải, đánh mất chính mình vì đã bị ly Tâm quá xa. Để tìm lại an bình đòi hỏi con người phải trở về với lòng mình, và qua lòng mình tìm về Đấng Tuyệt Đối là cứu cánh của con người toàm diện, như sách Mạnh Tử ghi: “Tận kỳ tâm giả, tri kỳ tính dã. Tri kỳ tính dã, tắc tri Thiên hĩ. Tồn kỳ tâm, dưỡng kỳ tính. Sở dĩ sự Thiên dã”.

Vì mang chiều hướng tâm linh và siêu việt, nên con người không chỉ là duy vật (matérialisme); không chỉ để sản xuất (homo faber), hay con vật xã hội (animal social) như Lévi Strauss chủ trương trong cuốn Anthrologie structural. Con người cũng không chỉ là con vật có lý trí (animal rational) của Aristote; cũng không chỉ là loài thụ tạo có lý trí (créatura rationale) kiểu Kinh viện hoặc của Descartes: “Cogito, ergo sum” : Tôi suy nghĩ, vậy tôi có. Nếu thế, khi tôi ngủ hay lúc còn còn bé thì tôi là gì? Do đó, con người cũng không phải là duy lý (rationalisme).

Khi nhận thức về con người, Pascal cũng đã rất lúng túng. Ông muốn đề cao giá trị của con người nên gọi con người là cây sậy biết suy tư (roseau pensant), nhưng rồi lại lưỡng lự phát biểu:  con người không phải là thiên thần mà cũng chẳng phải là con vật (ni ange ni bête). Đàng khác, con người cũng không phải là duy thần hay duy tâm (idéalisme) như một số triết gia Ấn độ và Phật giáo chủ trương.

Tất cả các thứ duy (-isme) đều là các chủ trương lệch lạc, cắt xén con người, và các thứ nhân bản đóng kín cũng là mất quân bình, phản tự nhiên. Những quan niệm như vậy dồn con người vào những thứ cực đoan, tuyệt hậu, tuyệt thông. Làm sao phải giải tỏa mối nguy đó để đem lại sự quân bình cho con người. Có quân bình mới đứng vững trong trời đất. Muốn thực hiện sự quân bình này, phải trả lại nguyên hình và nguyên trạng cho con người toàn diện với tất cả thể chất, sinh lý, tâm trí, ý chí, các tiềm lực và khả năng nội ngoại, cũng như cảm ứng tâm linh siêu việt trong một cuộc sống hài hòa và hợp nhất với trời đất. Kinh Dịch sẽ cho ta thấy được một lối sống quân bình và ý nghĩa sâu rộng của đời sống làm người.

I. CON NGƯỜI THEO KINH DỊCH

       Khi nói về con người, thuyết Quái đã ghi:“Tận kỳ tính dĩ chí ư mệnh”. Nhờ đó không những ta đạt độ âm dương hài hòa, mà còn tinh vi, linh động khôn lường, như kinh Dịch ghi: “Âm dương bất trắc, chi vị thần”[1]. Để đạt tới một cuộc sống quân bình và triển nở sâu rộng, ta phải sống đầy đủ các chiều kích của con người toàn diện như quẻ Kiền diễn tả, là phải biết “Tự thức” để được “chí thành như thần”, rồi “cùng thần tri hóa” đạt tới đỉnh Thái Hòa.

       Dịch lý trân trọng con người, đến nỗi đặt con người lên tằm mức cao vượt hợp với trời đất. Đây là đặc tính của Triết Đông. Triết đặt con người làm nền tảng mới thực là minh triết. Chính vì vậy mà Lão tử coi người lớn như trời đất, ông viết trong Thượng Thiên: “Cố đạo đại, Thiên đại, địa đại, nhân diệc đại. Vực trung hữu tứ đại, nhi nhân cư kỳ nhất yên. Nhân pháp địa đại pháp Thiên, Thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên”: Đạo lớn, Trời lớn, đất lớn, người cũng lớn. Trong vũ trụ có bốn cái lớn, mà người là một. Người theo phép đất, đất theo phép trời, trời theo phép đạo, đạo tự nhiên như thiên.

       Kinh Dịch không so sánh con người với trời đất, chỉ đặc biệt chú ý đến tương quan giữa con người với trời và đất. Tương quan này làm thành một bộ “tam tài” (ba ngôi): Thiên, Địa, Nhân. Phép tắc của trời đất làm mô phạm cho hành vi của người, nên đạo của trời (thiên đạo) cũng là đạo của người (nhân đạo). Trời với người còn có liên hệ mật thiết hơn nữa trong sự tương cảm và tương ứng với nhau (thiên nhân tương dữ). Chính trong tương quan đó mà con người có khả năng làm nên cuộc sống của mình theo ý trời.

       Để minh định điều trên rõ ràng hơn, ta thấy Dịch mở đầu bằng quẻ Kiền (trời) và kết thúc bằng quẻ Khôn (đất). Suốt trong 64 quẻ từ Kiền đến Khôn, con người đóng vai chủ động. Trời đất và mọi biến thiên trong đó như là sân khấu dàn dựng nên cho con người sinh hoạt. Dịch trình bày những diễn biến của luật tự nhiên trong trời đất và đưa ra những giải đáp cho vấn đề nhân sinh. Con người có thể phản ứng thuận, nghịch, hay tài chế thời cuộc để tự tạo mình thành hay không thành: quân tử, đại nhân, thánh nhân.

Sứ mệnh đó được diễn tả khá rõ trong 6 hào của mỗi quẻ Dịch:

                                 

          Theo Thượng và Hạ bộ Quái, hào 1 và 6 không dừng, vì hào 1 còn ẩn và hào 6 Thái quá, thái thì biến: “Vật cùng tất biến”. Hào 2 chỉ Địa; hào 3 và hào 4 chỉ Nhân; hào 5 chỉ Thiên. Bốn hào làm thành tượng chữ Nhân:       gồm 2 nét chữ nhị      nét trên chỉ     Thiên, nét dưới chỉ Địa, ở giữa là 2 nét bộ Nhân        đúng với quan niệm truyền thống của ta: “Con người đầu đội trời, chân đạp đất”. Tự bản chất, con người là sự thông giao với chính mình, với trời đất và toàn thể vạn vật. Tính thiết yếu này được diễn tả trong hào 5 quẻ Kiền và được lễ vận làm sáng tỏ: “Nhân giả kỳ thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỉ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí”[2]:

- Người là đức của trời đất, là sức mạnh, và cũng là thế lực đặc biệt của trời đất. Vì vậy mà nơi con người có một sức sống sinh động lạ thường, làm nên những điều kỳ diệu, nhất là khi biết tồn tâm dưỡng tính để đạt tới mức độ “chí thành như thần”.

- Người là giao hòa của âm dương[3], nên người là lý khí của muôn việc muôn vật trong trời đất. Nhờ đó, người có thể cảm thông, thấu biết bản tính của vạn vật và có khả năng lãnh đạo, làm chủ mọi trật tự. Đó là sứ mạng cao cả của con người. Với vai trò lãnh đạo, làm chủ, con người được gọi là Vương         có 4 nét: nét trên chỉ trời, nét dưới chỉ đất, nét giữa chỉ nhân, nét dọc chỉ Nhân nối kết, thống nhất Trời Đất: “Âm dương chi giao”.

- Người là hội tụ của quỉ thần. Quỉ thần không thuộc cõi hiện tượng mà thuộc cõi u linh siêu thức. Người tất nhiên không hoàn toàn thuộc cõi hiện tượng, và như quỉ thần, người còn thuộc cõi siêu thức, hội tụ được những đặc tính thần linh.

- Nhân là tú khí của Ngũ hành. Đạo theo nghĩa ban đầu là “đường đi”, là “hành”, cũng là ngũ hành, nói lên nguyên lý hoạt động và những sức mạnh thiên nhiên, do âm dương biến hóa. Nhân là tú khí của ngũ hành, cũng là tinh chất của Đạo, của Âm Dương. Ngũ hành còn có biểu tượng bằng 5 yếu tố: Thủy, hỏa, mộc, kim, thổ. Thổ là trung tâm (Người), còn 4 yếu tố kia hợp với tứ phương (Không gian): Bắc, Nam, Đông, Tây, ứng với tứ thời (Thời gian): Đông, Hạ, Xuân, Thu. Như vậy, người là Tâm vũ trụ như lễ Ký nói: “Nhân giả thiên địa chi tâm”: Người là tâm linh trời đất vạn vật. Cái tâm đó có sự ngời sáng và thấu suốt như nhật nguyệt: “Dữ nhật nguyệt hợp kỳ minh”. Minh Tâm chính là lối nhận thức trực giác, nền tảng của tri thức triết Đông.

Sở dĩ con người có thể minh như nhật nguyệt và “cùng thần tri hóa, đức chi thịnh dã”[4] là vì con người cùng chia sẻ sức vạn năng của tạo hóa, cùng tham dự bản chất âm dương với vạn vật, và cùng do nguyên lý của dịch biến hóa. Con người còn đặc biệt hơn muôn vật ở chỗ hội tụ sự linh diệu của thần linh, nhưng lại khác với thần linh vì có tú khí của vạn vật. Do đó con người có khả năng “tinh nghĩa nhập thần dĩ trí dụng dã”[5], có thể đi trước trời mà khám phá, phát minh, khai sáng và chế tạo thiên nhiên để sử dụng, và vâng theo thiên thời: “tiên thiên nhi thiên phất vi, hậu thiên nhi phụng thiên thì” (trời ở đây có nghĩa sự biến thiên trong trời đất).

       Đó là sự sâu thẳm và cao vượt của đời sống làm người, tạo nên ý nghĩa và giá trị của mọi hoạt động nhân sinh, làm cho con người đúng là con người, như Teilhard de Chardin đã viết: “Homosum – plus ego”[6]: Tôi là con người, nhưng tôi  còn phải vượt xa hơn chính tôi. Hoặc nói theo R. Tagore trong cuốn The Religion of Man dựa theo kinh Veda UpanishadVedanta ­ đã viết: “I am one with the Supreme, with the Deathless, with the Perfect” : “Tôi là một với Tuyệt đối thể, với Bất tử và với Toàn thiện”.

Con người là hình ảnh sống động của Trời, luôn luôn khắc khoải tìm về Siêu việt, tìm một sự sống hòa đồng, hợp nhất với Thượng Đế, để nhờ đó con người được thỏa nguyện ước vọng thâm sâu của mình nhờ mở rộng tới vô biên. Đó cũng là nỗi niềm khắc khoải của thánh Augustinô “cho tới khi nào được nghỉ yên trong Chúa”. Thiên Chúa đó không xa lạ gì với con người, nhưng nội tại trong chính con người như ngài đã viết: “Thiên Chúa ở thâm sâu trong tôi còn hơn chính tôi”.

       Kinh Dịch, nền tảng triết Trung Hoa, quả đã thu hút mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu rộng trên đời sống của các dân tộc Á Đông cũng như sự chú tâm rất lớn của thế giới Tây phương sau này. Triết lý nhân sinh này đã giúp con người nhận thức được ý nghĩa và giá trị lớn lao của đời mình trong tương quan với trời đất, để từ đó con người có thể vươn lên những tầm cao của đời sống làm người.

       Tuy nhiên, vì là công trình của con người, nên Kinh Dịch vẫn có những hạn chế, vẫn có những khiếm khuyết, vẫn có những vấn đề còn bỏ ngỏ chưa giải quyết tận căn. Để hiểu được con người một cách xác thực, trọn vẹn với tất cả thân phận và toàn thể vận mệnh của nó, thì phải dựa trên mạc khải của Thánh Kinh để trước tiên hiểu được cách chính xác Thiên Chúa như thế nào; Người đã tỏ mình và đã hành động ra sao. Không thể là một Thiên Chúa của những ý niệm hay những suy luận diễn dịch từ những hiện tượng và luật vận hành của thiên nhiên: một Thiên Chúa mà bản thể bàn bạc trong vũ trụ bao la; cũng không phải một Thiên Chúa được khám phá một cách độc đáo từ trực giác siêu nghiệm, nhưng là một Thiên Chúa mà hành động của Người được định hình ngay trong lịch sử nhân loại, và một nhân loại được đặt trong chương trình sáng tạo và cứu chuộc của Người.

II. THÁNH KINH CỰU ƯỚC[7]

1. Thiên Chúa

Thiên Chúa đã tỏ mình ra là Đấng tối cao duy nhất (x. Dnl 6, 4), chính Người là Đấng sáng tạo trời đất và là Thiên Chúa của mọi người[8] (x. Stk 1, 1-28), là nguyên ủy của toàn thể thực tại. Thực tại này phát xuất từ quyền lực của Lời sáng tạo. Điều đó có nghĩa là thụ tạo rất thân thiết với Người, chỉ vì Người đã muốn và đã sáng tạo chúng như thế.

Từ đó xuất hiện yếu tố quan trọng thứ hai: Thiên Chúa không những là đối tượng đáng khao khát và yêu thương của mọi hữu thể, mà Người còn là Đấng yêu thương con người hết mực (x. Hs 11, 1-11; 2, 21-22)[9].

Thánh Kinh trình bày cho ta thấy hình ảnh một Thiên Chúa siêu việt ngàn trùng, nhưng đồng thời lại là một con người yêu với một tình yêu đam mê. Trong ý nghĩa đó, sách Diễm Ca được giải thích như là những bản tình ca để diễn tả liên hệ giữa Thiên Chúa với con người, và liên hệ giữa con người với Thiên Chúa. Với cách thức đó sách Diễm Ca đã trở thành nguồn nhận thức và cảm nghiệm thần bí, nói lên sự kết hợp của con người với Thiên Chúa. Đó là giấc mơ nguyên thủy của con người được diễn tả qua hầu hết các tôn giáo và và các triết thuyết Đông – Tây. Nhưng sự kết hợp này không phải là sự tan biến, chìm sâu vào một đại dương vô danh của thần tính, nhưng là sự hợp nhất tạo nên tình yêu, trong đó cả hai: Thiên Chúa và con người ở lại trong tình yêu và hoàn toàn trở thành một. (x. 1Cr 6, 17).

2. Con người

Trong tương quan với Thiên Chúa

Hình ảnh về con người tự bản chất gắn liền với Thiên Chúa, Đấng dựng nên con người giống hình ảnh Ngài (x. Stk 1, 26tt). Con người là một tạo vật tự do, có mối dây liên lạc vững bền và thiết yếu với Thiên Chúa. Nguồn gốc của con người chỉ rõ điều đó. Phát xuất từ lòng đất, con người không bị giới hạn nơi đó. Đời sống của họ được liên kết với luồng sinh khí do Thiên Chúa thổi vào, vừa là một nhân vật lệ thuộc Thiên Chúa. Tôn giáo không nhằm bổ túc bản tính nhân loại đã vững chắc nơi họ rồi, nhưng tôn giáo đã thâm nhiễm vào chính cơ cấu của họ ngay từ đầu.

Cùng với hơi thở đã cấu tạo con người sống động, Thiên Chúa nối kết Lời Ngài vào đó, và Lời đầu tiên này mang hình thức mệnh lệnh (x. Stk 2, 16). Suốt cuộc sống, con người cứ tiếp tục liên kết với Đấng tạo hóa bằng sự vâng phục ý muốn của Ngài. Điều đó cần thiết cho con người chu toàn bổn phận mình, cho phép họ hiểu rằng, mình không phải là thần linh, nhưng tự căn bản lệ thuộc vào Thiên Chúa trong một mối dây liên hệ tương tự như con với Cha (x. Stk 5, 3). Tự do của họ thể hiện qua hình thức vâng lời Ngài, cũng là Luật đã được ghi khắc trong tâm hồn mỗi người chính là lương tâm, nhờ đó Thiên Chúa hằng sống đối thoại với tạo vật của mình.

Con người trước vũ trụ

       Thiên Chúa đặt con người trong một thế giới tạo vật tốt đẹp (x. Stk 2, 9), để họ vun trồng và gìn giữ như quản gia của Ngài. Ngài muốn con người làm chủ mọi sự, mọi loài, mọi vật (x. Stk 1, 26. 28-30; 2, 9;), nghĩa là vạn vật lệ thuộc và nằm dưới quyền cai trị của con người, nên không được thần hóa chúng.

       Việc Thiên Chúa ban cho con người quyền làm chủ vạn vật, giả thiết con người phải là biết làm chủ bản thân mình trước tiên, tức không để mình bị nô lệ bởi những ham muốn xấu xa và những dục vọng thấp hèn, nhưng vững vàng và kiên cường vươn lên sự thành toàn theo ý định của Thiên Chúa.

       Canh tác đất đai để phát triển cuộc sống, cũng là xây dựng xã hội trần thế thêm tốt đẹp hơn từ những gì đã được dựng nên cho con người. Tuy nhiên, công việc do bàn tay con người phải diễn tả công việc của Tạo hóa. Việc ngưng nghỉ vào ngày thứ bảy nói lên ý nghĩa đó: con người là chủ trái đất, là sự hiện diện của Thiên Chúa trên mặt đất này.

       Con người trong xã hội

Sự dị biệt căn bản về phái tính vừa là khuôn mẫu vừa là nguồn gốc nếp sống xã hội, mang tính cách bình đẳng và tương trợ lẫn nhau. Mỗi người nhận ra hình ảnh của chính mình nơi người khác. Mọi cuộc gặp gỡ với tha nhân đều nằm trong mối liên hệ đầu tiên đó, đến độ chính Thiên Chúa diễn tả giao ước ký kết với dân Ngài qua hình ảnh của hôn nhân (x. Hs 2, 21-22).

Dù trần truồng trước mặt nhau, nhưng người nam và người nữ vẫn không hổ thẹn (x. Stk 2, 25). Điều này cho thấy, mối liên hệ xã hội còn trong sáng, khi sự hiệp thông với Thiên Chúa còn toàn vẹn. Bởi đó, con người không sợ sệt Thiên Chúa, họ sống an bình với Ngài, Đấng thường dạo chơi thân mật trong vườn với họ như với bạn mình (x. Stk 3, 8).

Con người sa ngã

Lý tưởng của công cuộc tạo dựng mà ta phải luôn luôn qui chiếu, không thể đạt được nữa từ khi con người sa ngã. Vì nghe theo Thần Dữ nên đã lạm dụng tự do của mình chống lại Thiên Chúa, và muốn đạt tới cứu cánh của mình ngoài Thiên Chúa. Từ đó, con người phải đi từ hình ảnh “què quặt” của tội nhân đến hình ảnh lý tưởng của người Tôi Tớ Thiên Chúa. Đó là những điều kiện mới mà con người cụ thể đang sống.

Tội lỗi. Trình thuật của Thánh Kinh về việc sa ngã của của những con người đầu tiên cũng phù hợp với những kinh nghiệm sống của ta. Nếu nhìn sâu tận đáy lòng mình, con người cũng khám phá ra rằng mình đã hướng về sự dữ, và đã ngụp lặn trong muôn vàn sự dữ. Chính khi hướng chìu về sự dữ con người đã phá đổ mọi trật tự bên ngoài với mọi loại thụ tạo, và đồng thời cũng phá vỡ mọi hòa hợp bên trong nơi chính bản thân mình. Chính sự phân rẽ bên trong con người đã biểu hiện một cuộc chiến bi thảm giữa tốt và xấu, giữa ánh sáng và tối tăm. Hơn nữa, con người thấy mình không thể tự sức chiến thắng hữu hiệu những tấn công của sự dữ, và cảm thấy mình dường như bị xiềng xích trói buộc (GS 13). Tội lỗi đã làm suy giảm chính con người, và ngăn cản không cho con người đạt tới sự viên mãn.

Trở về. Đúng như Kinh Dịch đã đề thuyết, Thánh Kinh cũng cho thấy con người không lầm lẫn khi họ nhận biết mình cao cả hơn vũ trụ vật chất, và không coi mình như một mảnh vụn của thiên nhiên hay một phần tử vô danh trong xã hội loài người. Bởi vì nhờ nội giới, con người vượt trên mọi vật. Chính khi con người quay về với nội giới thâm sâu của lòng mình (Phản thân chi thành) mới gặp được Thiên Chúa, Đấng đang chờ đợi họ, và cũng nơi đó chính con người tự định đoạt về vận mệnh riêng của mình dưới con mắt của Thiên Chúa. Chính khi nhìn nhận mình có một linh hồn thiêng liêng bất tử, con người mới tránh được sự mê hoặc bởi một thứ ảo tưởng phát sinh do những điều kiện vật lý và xã hội. Nhìn nhận như thế là con người đã đạt tới chính chân lý sâu xa (GS 14).

Trí tuệ. Dự phần vào ánh sáng trí tuệ của Thiên Chúa, con người không chỉ đạt tới những tiến bộ lớn lao về khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật... nhưng còn khám phá ra chân lý sâu xa hơn. Trí khôn con người không chỉ giới hạn trong những hiện tượng, nhưng còn có thể thấu triệt thực tại siêu hình một cách thực sự chắc chắn, cho dù trí tuệ phần nào đã bị mờ tối và suy nhược do hậu quả của tội lỗi (GS 15).

Lương tâm. Vấn đề Tâm (Tận kỳ tâm tri kỳ tính) hay lương tâm cũng vậy, đó chính là lề luật Chúa được khắc ghi trong tâm hồn con người. Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa, và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ. Tuy nhiên, lương tâm nhiều khi lầm lạc vì vô tri bất khả thắng. Nhưng không nói như vậy khi con người ít lo lắng tìm kiếm điều chân và thiện, cũng như khi vì thói quen phạm tội mà lương tâm dần dần trở nên mù quáng (GS 16).

Tự do. Tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Nhưng con người chỉ đạt tới phẩm giá ấy khi con người biết giải thoát mình khỏi mọi kiềm tỏa của đam mê và biết chọn lựa điều thiện. Nhưng tự do của con người đã bị tội lỗi làm tổn thương, nên chỉ nhờ ơn Chúa trợ lực mới có thể thực hiện việc hướng về Thiên Chúa cách hoàn toàn sống động (GS 17).

Sự chết. Vì tội lỗi mà con người phải đau khổ và phải chết. Trước cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên cao đến tột độ. Con người không những bị đau khổ và suy nhược dần dần của thân xác hành hạ, mà hơn thế nữa, còn bị dày vò bởi nỗi lo sợ bị tiêu diệt đời đời. Con người hoàn toàn bất lực trước sự chết, nhưng Mạc Khải quả quyết rằng con người được Thiên Chúa dựng nên để đạt tới cứu cánh hạnh phúc sau những khổ cực trần thế này.Chính Đức Kitô sẽ tiêu diệt sự chết và mang lại cho con người sự sống vinh phúc mà con người đã đánh mất vì tội lỗi. (GS 18)

III. THÁNH KINH TÂN ƯỚC

1. Thiên Chúa

       Qua Tân Ước, Thiên Chúa không phải là một hình ảnh qua những ý niệm khai sáng của lý trí con người (triết học), không chỉ là sự nhận thức qua qui luật thiên nhiên tuần hoàn trong vũ trụ hay sự biến hóa của vạn vật (Kinh Dịch), cũng không chỉ là sự cảm nhận của một trực giác siêu linh của các nhà thần bí, các nhà sáng lập tôn giáo, các Guru (Thầy) với danh nghĩa là Đấng cứu độ (Ấn giáo), cũng không chỉ là một Thiên Chúa hiện diện và hành động qua lề luật, qua các biến cố, hay qua các ngôn sứ (Cựu Ước), mà còn là một Thiên Chúa chính danh, đích thực, cụ thể, sinh động: một Thiên Chúa đã làm người ở giữa mọi người là chính Đức Giêsu Kitô, nên: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” (Ga 14, 8-9). Chính Ngài là nguyên nhân tác thành, kiểu mẫu và mục đích của sự sáng tạo vũ trụ vạn vật, và đặc biệt là con người, chóp đỉnh công trình tạo dựng của Thiên Chúa.

       Đó là một Thiên Chúa hữu hình nằm ngay trong một giai đoạn lịch sử của con người. Người ta không thể hình dung ra một Thiên Chúa nào khác ngoài Đức Giêsu Kitô, Đấng đã thực sự trở nên một con người giữa chúng ta, giống chúng ta mọi sự ngoài trừ tội lỗi. Ngài đã liên kết với nhân loại đau khổ, và đã sống tận cùng kiếp người để trở nên mô mẫu của đời sống làm người. Các dụ ngôn nói về người mục tử đi tìm con chiên lạc; người cha nhân hậu… là những cách giải thích bản thân và hành động của chính Ngài.

       Tình yêu Thiên Chúa đã đạt đến mức tuyệt đỉnh, khi Đức Giêsu tự hiến chính mình trên thập giá để nâng con người lên và cứu độ họ. Đó là tình yêu trong hình thức triệt để nhất. Chính vì vậy mà thánh Gioan đã định nghĩa “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 8). Và cũng từ đó, cách thức Thiên Chúa yêu trở thành tiêu chuẩn cho tình yêu con người[10].

  2. Con người

         Chính Đức Kitô mới là hình ảnh tròn đầy, vẹn toàn, sung mãn của Thiên Chúa, và là mô mẫu mà mọi người phải trở nên.

       Thực vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Col 1, 15), chính Ngài là con người hoàn hảo đã trả lại cho con cháu của Ađam hình ảnh của Thiên Chúa đã bị tội nguyên tổ làm sai lệch. Bởi vì nơi Ngài, bản tính nhân loại đã được mặc lấy chứ không bị tiêu diệt, nhờ vậy mà bản tính chúng ta đã được nâng lên tới một phẩm giá siêu việt (GS 22). Chính từ đó mà con người cũ tội lỗi bị xóa bỏ, và con người mới được thành hình nơi chúng ta. Con người mới này phải được tăng trưởng không ngừng bằng cách để cho hình ảnh độc nhất là Đức Kitô chiếm đoạt.

       Thánh Phaolô cho rằng hình ảnh Thiên Chúa nơi con người là hình ảnh mà Chúa Kitô đã lập lại nơi những người kết hợp trong Ngài bởi đức Tin và phép Rửa. Hình ảnh này sẽ thêm lên nhờ đời sống kết hợp với Ngài và sẽ đi đến viên mãn trong giờ cánh chung (x. 1Cor 15, 46-49)

       Đức Giêsu Kitô là mẫu mực mà Thiên Chúa đang chờ đợi nơi tất cả mọi người. Ngài chính là điểm Omega của vũ trụ và nhân loại, sự hiệp nhất giữa thực tại Thiên Chúa và thực tại hoàn vũ trong Ngôi vị.

       Người Kitô hữu khi trở nên giống hình ảnh Con Chúa là Trưởng Tử, họ nhận được những hoa trái đầu mùa của Thánh Thần. Nhờ Thánh Thần, toàn thể con người được canh tân theo đúng hình ảnh Đấng Sáng Tạo nên mình, từ nội tâm cho tới khi “thân xác được cứu rỗi” (Rm 8, 23). Được dự phần vào mầu nhiệm phục sinh, được đồng hóa với cái chết của Đức Kitô, họ tiến lên đón nhận ngày sống lại trong vinh quang. Chính nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, mà bí ẩn về đau khổ và sự chết được sáng tỏ (GS 22). Đó là tính chất cao cả của mầu nhiệm con người, mầu nhiệm được Mạc Khải Kitô giáo soi sáng cho các tín hữu.

       Những điều nói trên không phải chỉ có giá trị cho các tín hữu, nhưng cho tất cả những ai có thiện chí được ơn thánh hoạt động một cách vô hình trong tâm hồn. Vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người, và vì ý định của Thiên Chúa là muốn cứu độ tất cả. (GS 22).

 

 

     Lạy Chúa, Chúa cao cả, nên dựng nên con người cũng cao cả.

     Có mấy khi con ý thức được rằng, con được dựng nên cho Chúa, để rồi con biết sống kết hiệp với Chúa liên lỉ, và mỗi ngày vượt qua chính mình để trở nên giống Chúa hơn.

     Con vẫn lần mò dưới mặt đất để tìm kiếm chính mình, mà nhiều khi quên cội nguồn của mình là trên trời để tìm kiếm chính Chúa.

     Xin cho con biết ngước lên, biết nhìn ngắm Đức Kitô, Đấng là mô mẫu của đời sống làm người, để nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, con biết nỗ lực hoàn thành cuộc đời mình một cách sâu rộng nhất theo căn tính của mình. Amen.

 

Lm. Thái Nguyên



[1]Không lường được âm dương gọi là thần” .Âm dương dùng để giải thích mọi hiện tượng trên thế gian. Tuy nhiên, vẫn có cái không thể cắt nghĩa được bằng âm dương. Đó là cái ý nghĩa tối hậu, cái tại sao cuối cùng, là thần, là thiêng liêng, không thể lường được.

[2] Con người là đức của trời đất, giao hòa của âm dương, hội tụ của quỉ thần, tinh khí của ngũ hành.

[3] “Âm dương là khí, hễ có khí thì có lý, hễ có lý thì có khí. Muôn vật, muôn việc trong gầm trời này đều ở âm dương mà ra”.[3] Lý là nguyên lý tác thành và sinh tồn. Khí là nguyên lý bản chất và cơ cấu hình hài. Âm dương được gọi cách vô định là Đạo: “Nhất âm, nhất dương chi vị đạo”. Đạo là trật tự, tuần hoàn, toàn thể, trách nhiệm và đại hiệu năng.

[4] Cái biết cuộc sinh hóa đến cùng tột như thần linh, đó là đức cực thịnh vậy.

[5] Hiểu rõ nghĩa tinh vi đến chỗ thần diệu để sử dụng tối đa.

[6] Genèse d’une pensée, Paris, grasset, 1961, p. 237.

[7] Bênêđictô XVI, Deus caritas est, số 9-10.

[8] Có 2 điều khẳng định trong khẳng định độc đáo này : 1) Tất cả các thần thánh khác không phải là Thiên Chúa. 2) Tổng thể thực tại nơi cúng ta đang sống đều thuộc về Thiên Chúa, do chính Người sáng tạo.

[9] Hôsê và Edêkien đã đặc biệt diễn tả đam mê của Thiên Chúa đối với dân Người bằng những hình ảnh tình ái táo bạo, bằng hôn ước và hôn nhân. Vì thế việc thờ tà thần được xem như là ngoại tình và đĩ điếm.

[10] Bênêđictô XVI, Deus caritas est, số 12

Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu