CHIÊM NGẮM MẦU NHIỆM
GIÁNG SINH
“Ngôi Lời đã
trở nên người phàm, và cư ngụ giữa chúng ta.”
(Ga 1, 14)
Chúa đã làm người, và
đã sống trọn kiếp người, trở nên mô mẫu của việc làm người cho mọi người. Chính
nhờ đó mà tôi biết sống cuộc đời mình trong chính cuộc đời của Ngài. Tuy nhiên,
khi mô phỏng cuộc sống mình theo tính cách của ngài, tôi thấy có những vấn đề
được đặt ra, không phải chỉ mang tính thách đố, mà còn là vấn đề tự bản chất
làm người.
Nhìn ngắm Đức
Giêsu, tôi thấy Ngài có quá nhiều lợi thế đối với một con người bình thường. Từ
xa xưa, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Ngài xuất thân từ một dòng tộc vương giả.
Các tiên tri liên tục loan báo về Ngài, dân tộc Irael luôn được tinh lọc để đón
chờ Ngài. Ngài được sinh ra trong những điều kiện quá tốt: được chọn quê hương,
đất nước, dân tộc, cha mẹ, anh em, bạn hữu… được thụ hưởng một di sản tinh thần
quá ư lớn lao và tuyệt diệu từ Thánh Giuse và Đức Maria. Ngài được sống trong
một bầu khí gia đình quá đạo đức và thánh thiện. Ngay từ đầu, phẩm chất và tính
cách của Ngài đã được phú bẩm trong sự thành toàn siêu vượt. Nơi Ngài, mọi cái
đều tuyệt hảo.
Về phần tôi, bị
sinh ra như một “định mệnh”, và như là một sự nhất thiết. Đành rằng được sinh
ra làm người là một sự cao quí nhất, nhưng để trở nên con người cao quí nhất
còn phải cần những điều kiện tốt nhất. Kết quả của việc sinh ra tôi có thể là
từ tình yêu, nhưng tôi chẳng được chọn lựa gì khác ngoài những điều kiện hạn
chế bó buộc, không như tôi mong muốn. Sự tự do của tôi chỉ đến sau sự hiện hữu
của tôi, và tôi chỉ có tự do trong sự hiện hữu đó. Cuối cùng tự do cũng là một
định mệnh trong sự an bài, buộc tôi phải đón nhận. Tôi không có cách chọn lựa
nào tốt hơn để thực hiện cuộc sống làm người ngoài tâm trạng và tình cảnh mà
tôi đã được đặt để.
Điều này phát sinh
một áp lực nội tâm, khiến tôi cảm thấy nặng nề trong kiếp người: sống điều mình
phải sống, chứ không sống như điều mình tha thiết muốn sống; sống trong những
điều kiện non kém và trong một cấu trúc chật hẹp (nội tâm cũng như ngoại giới)
đã được thiết định, chứ không sống như một bản chất phong phú để luôn chủ động và
sáng tạo.
Tuy nhiên, cái
nhìn này đã được hoá giải khi tôi chiêm ngắm Mầu Nhiệm Giáng Sinh. Thật ra Đức
Giêsu được chọn tất cả, nhưng Ngài chọn cái gì và chọn như thế nào? Tôi thấy Ngài chọn bước xuống làm
người hèn yếu, chọn cha mẹ quê mùa, chọn gia đình vô danh, chọn nơi chốn sinh
ra tồi tàn, chọn cuộc sống nghèo hèn, chọn hoàn cảnh bấp bênh, chọn môn đệ yếu
kém, chọn con đường thập giá, chọn chén đắng ô nhục, và cuối cùng, chọn cái
chết bi thảm (x. Pl 2,
6-8).
Để thi hành một
sự mệnh cao cả đầy những khó khăn bất trắc, mà Chúa Giêsu lại toàn chọn những
điều bất lợi cho mình. Những lựa chọn này bao quát toàn thể cuộc sống con
người, tới mức độ kém nhất. Có ai được tự do hoàn toàn mà lại lựa chọn như thế
không?
Nếu là tôi, tôi
sẽ chọn bước lên để làm người sáng giá, chọn cha mẹ và gia đình quyền thế, chọn nơi chốn cao sang để sinh ra,
chọn hoàn cảnh thuận lợi nhất để sống cao vượt, chọn phương tiện tốt nhất để
tiến thân, chọn danh dự, địa vị và quyền lực để thi hành sứ mạng, chọn sự an
toàn và chắc chắn cho bản thân để thành công rực rỡ, chọn môn đệ tài đức để nối
nghiệp, và cuối cùng, chọn chiến thắng và vinh quang trước mặt người đời.
Đó là những
chọn lựa đương nhiên khi một con người có hoàn toàn tự do để lựa chọn. Nhưng
suy cho kỹ, sự chọn lựa như thế chẳng nói lên điều gì khác hơn trong thân phận
làm người. Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy rằng những chọn lựa dễ dãi chẳng đưa
người ta tới đâu, mà còn tạo thêm những nguy cơ khó lường. Ma quỉ đã từng cám
dỗ Chúa Giêsu chọn con đường rộng rãi đó để hoàn thành sứ mạng. Nhưng rồi Ngài
đã chọn con đường hẹp, con đường chẳng ai muốn đi, nhưng lại là con đường của
tình yêu: yêu Cha và yêu nhân loại.
Chỉ ai đã yêu sâu
đậm mới hiểu được sự chọn lựa của Đức Giêsu. Còn bình thường, người ta sẽ chọn
lựa theo kiểu “khôn ngoan thế gian”, vì nó đem lại nhiều lợi lộc và sung sướng trước
mắt. Nhưng có ai biết đâu, phía sau của chọn lựa này chẳng có ý nghĩa gì, mà
trái lại, chỉ chất đầy thêm tham vọng, và tạo thêm sự trống rỗng cho một sứ
mệnh. Người ta chỉ chọn lựa kiểu đó khi cuộc sống còn non nớt, cạn cợt, không cảm
nhận được điều gì sâu xa, và cũng chẳng hề biết đến một “định mệnh” siêu việt
của đời mình.
Hơn nữa, có ai
biết được phía sau sự chọn lựa đó là cái gì? Có những điều chắc chắn nhưng lại
không chắc chắn; có những cái thuận lợi nhưng rồi lại bất lợi; có những thành
công nhưng rồi lại là những thất bại não nùng. Tâm ý ban đầu có thể rất tốt,
nhưng con đường thênh thang sẽ dẫn người ta đến đâu? Mục đích cao cả, thì
phương thế thực hiện cũng phải phi thường. Phương thế thấp kém chỉ nói lên mục
đích thấp hèn.
Lạ lùng thay Mầu nhiệm Chúa làm nguời! và lạ lùng hơn nữa khi Ngài muốn
làm người một cách nhỏ bé, đơn sơ, nghèo hèn. Mầu nhiệm Giáng Sinh tuyệt vời,
chính là ở cách chọn lựa của Chúa, và đó cũng chính là bài toán thần kỳ giải
đáp mầu nhiệm của cuộc đời con người, không như là một định mệnh, một sự nhất
thiết, mà là một huyền nhiệm từ mầu nhiệm của Tình yêu Chúa làm người. Chính
cách chọn lựa của Chúa mở ra một cách thế hiện diện hoàn toàn mới cho con
người. Đang khi:
-
Con người muốn chọn sự đề cao
để bước lên, còn Chúa lại chọn sự hạ mình để bước xuống.
-
Con người muốn vượt thoát tình trạng của chính mình, còn Chúa lại chọn đi vào thực trạng của con người.
-
Con người muốn sống khác với những gì mình là và sống trội hơn với những gì
mình có, còn Chúa lại chọn thể hiện những gì con người là và sống kém
hơn với những gì con người có.
-
Con người muốn làm chủ và sở hữu mọi điều, còn Chúa lại chọn làm tôi tớ và từ bỏ chính mình.
-
Con người không muốn sống cái “định mệnh” giới hạn của mình, còn Chúa lại chọn
thể hiện cái “định mệnh”
giới hạn của con người.
Như vậy những
gì con người muốn chọn thì Chúa lại không chọn. Không phải
Chúa muốn sống lập dị với mọi người, hoặc phủ nhận những chọn lựa chính đáng
của con người, nhưng Chúa muốn sống tận cùng cái “định mệnh” của kiếp người.
Điều này cho tôi khám phá ra mầu nhiệm làm người và làm con Thiên Chúa trong
Đức Kitô.
Chúa đã đến để sống và để hoàn thành “định mệnh” của tôi
trong Ngài: không phải một định mệnh ngặt nghèo, nhưng là một định
mệnh mang tầm vóc siêu việt như chính Ngài; không phải một định mệnh nhất thiết,
mà là một định mệnh tự do trong sự tự nguyện, tự hiến vì tình yêu, trong sự
hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa. Bởi vậy mầu nhiệm Giáng Sinh là mầu nhiệm “Thiên Chúa ẩn mình”. Qua đó, tôi nhận
diện được huyền nhiệm đời sống làm người của tôi, cũng là huyền nhiệm của Ân
Sủng, huyền nhiệm của Tình Yêu cứu độ.
Chân lý mầu
nhiệm Chúa làm người nhắc nhở tôi rằng:
- Chúa đã một
lần giáng sinh trong cuộc đời tôi, Ngài đã bước xuống lòng tôi.
- Từ đó Ngài ở trong tôi và âm thầm sống cuộc đời của tôi;
- Ngài thật sự đảm nhận trọn vẹn cuộc đời
tôi qua mọi tình trạng và hoàn cảnh.
- Ngài đã đón nhận và cùng đau cái
nỗi đau của tôi qua những vấp váp, thua ngã, kém cõi, trì trệ và thất bại;
- Ngài đang đón đợi và hoàn thiện hoá từng nổ lực
kiên trì vươn lên của bản thân tôi trong mọi lúc.
Những hệ quả
cảm nhận thực tiễn đó xây dựng từ chân lý cứu độ, qua đó Chúa sống trong tôi, và cho tôi
kinh nghiệm sống trong Chúa:
- để tôi có thể
nghe được âm thanh của tình yêu Ngài vang lên từng lúc trong trái tim mình;
- để tôi có thể
phát hiện ra tâm tình của Ngài qua những lắng đọng tâm tư của lòng mình;
- để tôi có thể
thấy được Ngài một cách sống động qua mọi biến cố, và nhất là trên khuôn mặt và
tấm lòng của những anh chị em mình, đặc biệt nơi những người nghèo khổ và bất
hạnh.
Chúa đã đến
không phải chỉ để cứu vớt những gì đã hư mất, không phải chỉ để tái tạo những
gì đã hao mòn, nhưng nói theo Don Scott: dù con người không phạm tội, không cần
ơn cứu rỗi, thì Chúa vẫn nhập thể làm người để hoàn thành chương trình tạo dựng
theo ý định tình yêu muôn đời và vô biên của Ngài.
Chúa đến để thần hoá con người, để thăng hoa mọi công trình của con
người, để hoàn thành khát vọng sâu
thẳm của con người. Đang khi đó, mọi ước muốn, toan tính và lựa chọn
theo kiểu thế gian chỉ là những thoả đáng trần tục, tạm thời, có khi tiêu cực,
nhiều khi không giải quyết được gì, mà còn gây khốn đốn cho cuộc sống làm
người. Để hoàn thành cuộc đời của mình, tôi không thể chọn lựa một lối sống nào
khác ngoài lối sống của Chúa Giêsu. Để sống như Ngài, tôi phải biết vui mừng
đón nhận và tích cực phát triển những gì mà Chúa đã trao ban cho tôi, trong
hoàn cảnh cụ thể của đời mình.
Lạy Chúa, con muốn chọn cuộc sống Chúa đã chọn;
Con muốn sống cuộc sống Chúa đã sống;
Con muốn hoàn thành định mệnh thận phận của cuộc đời con trong cuộc đời
của Chúa.
Lạy Chúa, Chúa là niềm vui, là
hạnh phúc, là sự chọn lựa và là sự no thoả của cuộc đời con, xin chúc tụng Ngài
đến muôn đời. Amen.
Lm. Thái Nguyên