TỰ DO

“Anh em đã được kêu gọi để hưởng tự do, vậy chớ dùng tự do mà làm tôi xác thịt, nhưng hãy lấy lòng yêu mến mà phục vụ nhau.” (Ga 5, 13)

 

 

Tự do! một từ ngữ thật sâu rộng và cũng rất mênh mang, nhưng cũng đầy hấp dẫn và là nỗi khát vọng của hết mọi người từ khởi thủy. Khái niệm tự do rất phức tạp, và nó được áp dụng cho những thực tế rất đa dạng, với những tinh nghĩa luôn luôn mới mẻ. Tự do như một chân trời mở rộng tới vô biên, là một nhận thức hồn nhiên nhưng cũng thâm sâu diệu vợi trên đời sống tinh thần. Tự do theo ý nghĩa đích thực mang tính siêu việt, là một cuộc hành trình dài hạn như chính cuộc đời ta.  

1. Ý thức tự do và điều kiện phát triển

Con người thời nay, một cách bi tráng và sâu xa, càng nhạy cảm với vấn đề tự do cá thể và tập thể. Tính cách tự do càng nổi lên sôi động hơn khi cuộc tiến hóa kỹ thuật và quá trình xã hội hóa cũng như sự cộng thông giữa các dân tộc tiến bộ càng mở rộng hơn. Tự do thật cao cả, nhưng cũng thật bi đát. Cao cả cho những ai tìm ra được lộ trình chân chính hầu đạt tới Chân – Thiện – Mỹ, nhưng cũng thật bi đát cho những ai chỉ sống theo bản năng tự nhiên của mình.

Trong xã hội hôm nay, đặc biệt là giới trẻ, càng đeo mang ý thức tự do cách mãnh liệt hơn. Họ có một tâm tình rất cuồng nhiệt về những kích thước của tự do cá nhân. Khi đối diện với các qui phạm, họ bày tỏ một thái độ phê phán và tự vệ, vì sợ mình trở thành nạn nhân một hình thức chủ nghĩa vô nhân, hoặc bị khắc chế bởi những cấu trúc nhân tạo và vong thân của xã hội. Chính vì đó mà khi muốn quyết định dù việc nhỏ hay lớn, họ bác khước mọi can dự xa lạ. Họ muốn bắt gặp chính mình trong những lý do quyết định đó, nên thích đối chiếu ý kiến với đường lối của tập thể mà họ là thành phần, và ngay với những người hữu trách mà họ là kẻ thuộc quyền.

Tuy nhiên sở hữu tự do dù ở cấp bậc cá nhân, lịch sử hay xã hội không bao giờ biểu thị cái gì mang tính dứt khoát. Người ta chỉ đạt đến nó ở mức độ sâu rộng hơn tùy theo mức độ làm chủ và khắc phục bản thân. Thế nhưng vấn đề tự do lại được đặt ra một cách sâu xa hơn khi tâm lý học và xã hội học đưa ra ánh sáng nhiều thứ điều kiện hóa đè nặng trên sự thực thi tự do của cá thể cũng như tập thể. Đặc biệt là Khoa phân tâm học của Freud cho thấy rằng, mọi hành vi nhân linh tùy thuộc vào những biến cố của tuổi thơ và hơn nữa, một cấu trúc của vô thức đã biến đổi tận căn cách ứng xử của một cá nhân, nên không có lựa chọn hay quyết định nào có tính cách tự do thực sự. Không ai phủ nhận sự chi phối của vô thức trên ý thức, nhưng ít nhiều tùy trường hợp chứ không thể nói là hoàn toàn. Con người không phải là một hệ thống máy móc vô hồn cố định, nhưng luôn mở ra cho sự thành toàn trong quá trình tiến hóa tinh thần.

2. Thế nào là tự do đích thực[1]

Câu định nghĩa nhanh nhất mà ta thường có cho chữ Tự Do, đó là quyền được làm điều mình muốn. “Không phải chịu một cưỡng ép nào, không bị một ràng buộc vào một mệnh lệnh nào, chỉ chấp nhận làm điều muốn làm trong hiện tại. Đó là cái nhìn đầu tiên làm nên tự do toàn diện”[2]. Tự do như thế mang tính triệt để, nhưng lại mơ hồ. Thiếu sự xác đáng, tự do sẽ dẫn đến sự hỗn loạn, hoặc rơi vào sự vô nghĩa, phi lý.

Tự do là một giá trị, và người ta chỉ tự do khi tìm kiếm những giá trị. Tự do không phải là điều được làm sẵn trong mọi tình trạng, nhưng chính con người phải làm nên. Nó là một chinh phục, có khi rất liều lĩnh và dám chịu thất bại, nhưng lại là một cơ may tiến triển và mở rộng không ngừng. Sự chinh phục đó được thực hiện trước tiên bằng sự giải phóng chính bản thân mình. Thật vậy, “Tự do con người bao hàm một sự giải phóng: không chỉ giải phóng khỏi một số mệnh lệnh hay một trật tự áp đặt từ bên ngoài, nhưng trước hết và chủ yếu là khỏi một định mệnh, một thân phận nô lệ được áp đặt từ bên trong chúng ta”[3].

Từ ý nghĩa đó ta mới thấy, tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, mà chỉ có nghĩa là làm những gì xây dựng thêm giá trị cho sự hiện hữu của tôi và những người chung quanh tôi. Đó mới là tự do có chính nghĩa, có đường hướng vươn cao tỏa rộng trong sự gặp gỡ và đón nhận.

Vì thế, con người khép kín trong bản thân sẽ là một bế tắc, không thể tìm được lối thoát. Thuyết duy ngã (solipsisme) chỉ tìm thấy một thú tiêu khiển tạm bợ, dẫn tới vô nghĩa chứ không dẫn đến vô biên. Sự giải phóng chỉ có thể xảy ra trong sự gặp gỡ với tha nhân trong nhân phẩm của họ. Trong sự gặp gỡ này, ta nhận ra một giá trị vô biên, cũng chính là giá trị ta cảm thấy nơi mình. Khao khát tự do là khao khát một giá trị vô biên. Điều đó mời gọi ta nhận ra cái hiện diện vô biên đang ở trong mỗi con người. Cha Zundel cho thấy rõ hơn:“Tôi đã không thể được tự do ở trong tôi, bởi tôi không được tự do bởi bản thân, khi tôi chưa gặp gỡ được với Đấng đã sinh tôi ra cho bản thân tôi”. Chính nhờ sự gặp gỡ này, mà người ta cho mình có quyền thực hiện điều mình muốn, vì đã giải phóng khỏi bản thân bằng việc mở ra cho tha nhân.

  Được tự do khỏi bản thân, ta trở nên tự do khỏi mọi sự, vì trong sự gặp gỡ với Đấng Hiện Diện nơi mọi sự, vũ trụ trở nên nội tại. “Vạn vật giai bị ư ngã” là như thế. “Người ta mang lấy vũ trụ trong mình khi người ta không còn một ràng buộc nào với cuộc hiện sinh ngoài ân ban đang tràn ngập trong nó”[4]. Việc giải phóng này là một kiện toàn cho sự từ bỏ sở hữu (désappropriation). Những gì là của riêng mình, những gì ta bám víu vào, những gì quyết định cho chúng ta từ bên ngoài hay từ bên trong, đều được lôi cuốn đi trong một sức bật làm nổ tung những giới hạn khiến chúng biến thành ân ban, nhờ gặp gỡ với Đấng Hiện Diện nơi sự hiện diện của tha nhân. Đó là sự chuyển vị của cái tôi chiếm hữu thành cái tôi dâng hiến.

Khi tự do đã nắm bắt được chiều cao đó, nó không còn đơn giản là một gia sản của bản thân do việc tự khẳng định mình, nhưng là lý do để hiện hữu, vì mọi bản thể mà không ở trong trạng thái mở và nhận thì bị coi như đã chết. Từ đó ta mới hiểu tự do là cái lý tối thượng để hiện hữu, một sự hiện hữu “cùng”, “cho”, “vì”. Tự do như thế giúp con người bước qua từ cái tôi tiền chế sang cái tôi cội nguồn: cội nguồn của những hành động của mình, trong sự hòa hợp với Cội Nguồn của đời mình[5].

Đón nhận tất cả là dấu hiệu của một tự do rộng mở tới tột đỉnh để có thể thực hiện những gì tốt đẹp nhất cho cuộc đời. Hành động tự do là hành động của một người đã thấm sâu trong tình yêu, như thánh Augustinô đã xác quyết: “Dilige et quod vis fac”: cứ yêu đi rồi làm điều bạn muốn làm. Đó là một tình yêu trọn hảo dám ban tặng trọn vẹn bản thân. Ở mức độ này, tự do trở thành luật lệ cho chính mình, và không còn luật lệ nào khác ngoài luật của tự do: “Anh em hãy nói năng và hành động như những người sẽ bị xét xử theo luật tự do.” (Gc 2, 12).

3. Tự do và ngôi vị

Cần phân biệt hai khía cạnh tương hệ: tự do nền tảng và quyền sử dụng đúng đắn tự do ấy.

Tự do riêng tư của mỗi người là tự do nền tảng. Đó là thứ tự do ở mức độ “hữu thể” làm cho ngôi vị đích thực là ngôi vị trong tư cách là ngôi vị. Nhưng tự do nền tảng này chỉ thực hữu khi “chính con người được thúc đẩy và hướng dẫn tự bên trong, chứ không do bản năng mù quáng hay cưỡng chế hoàn toàn bên ngoài. Con người sẽ đạt tới phẩm giá ấy một khi tự nhờ giải thoát khỏi mọi kiềm tỏa của đam mê, con người theo đuổi cùng đích của mình trong sự tự do chọn lấy điều thiện và khôn khéo cũng như thực sự tạo cho mình những phương tiện thích ứng.” (GS 17).

Tự do được thể hiện ở cấp độ cao hơn khi người ta dám chọn sự thiện hảo lớn hơn. Hiện hữu tự do có nghĩa là có thể đặt để toàn bộ cái tự ngã của mình trong một hành vi cuối cùng là tình yêu toàn bích.  Vatican II đã định nghĩa hiện hữu tự do của con người như sau: “Tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Bởi vì Thiên Chúa đã muốn để con người tự định liệu, hầu con người tự mình đi tìm Đấng Tạo Dựng và nhờ kết hợp với Ngài con người tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc.” (GS 17).

       Như vậy tự bản chất, tự do nền tảng mang một định hướng siêu việt. Nó như một mầu nhiệm chỉ biểu lộ sáng tỏ, khi chính ngôi vị tự đặt mình hiện diện trước những hoàn cảnh phi thường. Chẳng hạn sự quyết định chịu tử đạo vì tình yêu Đức Kitô. Một chọn lựa như thế đã nâng cao ngôi vị hữu hạn lên tới khung trời vô hạn của Đức Kitô, trở nên thành toàn trong Ngài, nhờ Ngài, là cùng đích của sự tự do.

       Tùy theo tính lịch sử cấu tạo mà ngôi vị được cụ thể mời gọi điều hướng sự phức tạp theo kinh nghiệm riêng tư của mình, là cái chỉ qui chiếu nó về sự siêu việt từ chính sự hữu hạn của mình. Cũng vì sử tính này mà tự do đòi hỏi ngôi vị luôn luôn nhập thể “hic et nunc”: ở đây và bây giờ, nhưng vẫn không quên tính hiện tại phổ quát và dự phóng về tương lai.

       Trong thực tế, tính bất tất (contingence) của thân phận tạo vật luôn dễ làm ta mơ hồ và lạc bước trong tự do. Trong các chướng ngại, điều đáng ngại nhất là thế giới hữu thức và vô thức tiếp tục điều kiện hóa ngôi vị: tính khí và cao vọng dễ làm mờ đục thâm tâm; sức ép của cuộc sống kinh tế, xã hội, văn hóa và kể cả tôn giáo dễ làm nhạt nhòa trí tuệ; sự lệ thuộc hoàn cảnh, môi trường, cũng như việc hấp thụ các loại giáo dục và truyền thông xã hội dễ làm lệch lạc ý chí. Tuy nhiên, dù thân phận tạo vật được đóng dấu bằng những giới hạn, nhưng cũng đã được đóng ấn bằng “hình ảnh Thiên Chúa” (Stk 1, 26). Chính sự đóng ấn này là tác động không ngơi của Thần Khí Chúa ở bên trong, luôn thôi thúc ta vượt qua những đóng kín và tự hạn chế của bản thân, để không ngừng khơi dậy một sức sống mới trong tự do vươn tới Thiên Chúa.

4. Chiêm ngắm Đức Giêsu – Con người tự do

       Sự thành toàn của tự do chính là trở nên hình ảnh đích thực của Thiên Chúa. Đó là mẫu gương tuyệt vời của Đức Giêsu Kitô – Con người tự do, Đấng đã sống với tất cả thân phận của một con người: “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” (Pl 2, 7). Không những Đức Giêsu sống cuộc đời mình cũng như bao con người, mà còn sống với những điều kiện gay go và hoàn cảnh khó khăn nhất, nhưng Ngài đã khai mở cho chúng ta một cuộc sống tự do hoàn toàn theo Thiên ý.

       Đức Giêsu là chính sự Tự Do, một sự tự do trọn vẹn, không những đối với mọi quyền lực (x. Lc 13, 31-33), mà còn đối với chính Thiên Chúa (x. Ga 17, 24), cũng như tự do đối với gia đình (x. Lc 2, 49), xã hội (x. Lc 15, 1-2; 11, 37-44), tôn giáo (x. Mt 19, 3), lề luật (x. Mc 2, 27-28) và cũng hoàn toàn tự do đối với chính bản thân Ngài (x. Lc 9, 58). Thiên Chúa của Đức Giêsu là Thiên Chúa của tự do: tự do của tình yêu vô biên. Chính vì thế, Ngài đã sống hoàn toàn tự do trong mọi quan hệ: tự do vâng phục Thiên Chúa để tự do thể hiện cuộc đời mình, và tự do tự hiến cho con người.

       Chiêm ngắm và sống kết hợp với Đức Giêsu, ta được dìm mình trong tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa. Từ đó, mỗi giây phút sống của đời mình có thể tự biến thành một “thời điểm của ân sủng”, mở ngỏ cho ta dần dần thoát ra những vây vướng chằng chịt của “cuộc hiện sinh”, để thể hiện “tự do của vinh quang con cái Thiên Chúa” (x. Rm 8, 21), ngày càng rực rỡ hơn nhờ tác động của Thần Khí Chúa (x. 2Cor 3, 18). Thật vậy, “Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do.” (2Cor, 3, 17).

       Tự do “khỏi”

       Qua Phúc Âm, ta thấy chẳng có gì cản trở được bước đường tự do của Đức Giêsu. “Đi tới đâu là Ngài thi ân giáng phúc tới đó” (Cv 10, 38), nhưng Ngài luôn đi qua, luôn ra khỏi những tình cảm, những thành công, những mến chuộng, những say mê và tán tụng của người đời. Ngài luôn vượt trên những thành kiến, những phân biệt, những nghi kỵ, những kỳ thị, những tập tục, những lề thói, và ngay cả những luật lệ tôn giáo và truyền thống dân tộc. Ngài không dừng lại ở một địa điểm hay căn cứ nào, không bám trụ ở một vị trí hay vai trò nào, không bám lấy chức tước hay địa vị cao cả mà người ta dành cho Ngài. Ngài buông rơi tất cả, đi qua tất cả, ra khỏi tất cả, vì Điểm Hẹn cuối cùng của Ngài là trên “đồi vinh quang” của tự do.

       Người tự do là người tự bản chất đã được Đức Giêsu giải phóng khỏi tội lỗi, sự chết, lề luật, và mọi thế lực của sự dữ (x. Lc 4, 18-19; Rm 5, 12 -7, 25). Qua người Do Thái, Chúa Giêsu đã lên tiếng minh định với chúng ta: “Nếu Người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do” (Ga 8, 36). Tự do như thế đem đến cho ta quyền tự lập sung mãn. Điều đó được thực hiện không phải do việc phủ nhận những lề luật hay những định chế bên ngoài, mà vì ngôi vị có khả năng nội giới hóa và phẩm trật hóa các giá trị ngoại giới, để làm thành một lợi ích thiêng liêng, như một phương tiện tác thánh (sacralisation). Nhờ đó, trên hành trình tự do, con người tiếp tục vượt thoát khỏi tự mãn, tự đại, là những cạm bẫy luôn luôn rình rập để lũng đoạn tự do chân chính mà Đức Giêsu đã mang lại.

       Cuộc sống thực tế cho thấy ta bị vướng vít và dính bén không ít. Nếu không quyết liệt buông bỏ, ta sẽ đành thúc thủ trước ngưỡng cửa tự do. Bởi vậy, từ bỏ vẫn luôn là điều kiện tối cần để tự do tiến bước trong sự thiện, cũng là điều kiện tối ưu để bước theo Chúa Giêsu – Con người tự do (x. Mt 16, 24). Triết gia Spinoza cũng xác quyết: “Nếu ta quyết tâm triệt để vứt bỏ ba thứ: của cải, vinh dự và thỏa thích của giác quan làm mê loạn lòng người, thì cái vứt bỏ đó chắc chắn là sự ác, còn điều mà ta nhận được chính là sự thiện”[6].

       Tự do “để”

       Tự do là để sống yêu thương, phục vụ và hiến thân: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20, 28). Chúa Giêsu đã công khai công bố đường hướng tự do thật tuyệt vời của Ngài, một tự do nội tâm đích thực, là nền tảng cho mọi hành động của Ngài. Ngài đã minh định cách mạnh mẽ: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình.” (Ga 10, 18). Chúa Giêsu chính là hiện thân của tự do nội tâm đích thực mà Ngài đã đem đến trần gian cho mọi người.

       Thánh Phaolô đã thể hiện tính cách tự do của Đức Giêsu một cách triệt để: “Tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người.” (1Cor 9, 19). Tính cách tự do như thế mới làm cho ta nên giống hình ảnh Thiên Chúa, trở thành con trong Con (x. Ep 1, 3-14), hầu sống trọn vẹn thánh ý Cha (x. Ga 4, 34).

       Tự do là để sống triệt để “trong”: trong ân sủng, trong tình yêu, trong sự thiện, trong sự thật, v.v... Đức Giêsu luôn thể hiện tự do nội tại và ngoại tại cách triệt để, nhưng không bao giờ để mình tự do ngoài đường nẻo Thiên Chúa. Mọi mô phỏng của tính cách tự do chân chính đều phải đặt trên nền tảng Đức Giêsu, vì Ngài là người Con đã trở nên con người, để con người trở nên người Con như chính Ngài.

       Cần nói thêm rằng, tự do trong thân phận tạo vật của ta trong Đức Kitô không phải một sự chiếm hữu (possession), nhưng luôn luôn là một hành trình về tự do. Tự do thủ đắc (acquis) luôn bao gồm một hy vọng một tự do lớn hơn. Vì tính bất toàn trong hữu thể hiện thế đang trở thành, nên đòi buộc ta một sự vượt quá (dépassement) liên tục, cho đến phút chót của đời sống, để được chuyển hóa thành toàn trong Đức Kitô. Trong ý hướng đó, nhà văn Kazantzaki, tác giả cuốn tiểu thuyết “Tự do hay chết”, đã viết: “Con người từ nô lệ mà đến và đi về tự do. Người ta sinh ra là nô lệ, và chiến đấu suốt đời để thành người tự do”[7]. Đức Giêsu đã tự nguyện chết trên thập giá để yêu thương cho đến cùng, là chóp đỉnh của cuộc hành trình đi về tự do. Ngài đã trở thành nguồn sung mãn và đích điểm của tự do mà chúng ta đang đi về.

4. Tự do và ân sủng[8]

       Tự do của con người vì bị tội lỗi làm tổn thương nên chỉ nhờ ơn Chúa trợ lực mới có thể thực hiện việc hướng về Thiên Chúa. Khi nói tới ân sủng, các chủ thuyết nhân bản không Kitô (Karl Marx, Nietzsche, chủ nghĩa tự do, v.v...) thường tỏ ra đối nghịch, cho đó là một hình thức hạ giá phẩm giá và khả năng con người. Họ không chấp nhận khi nghe nói đến tâm hồn con người đã bị mang nặng thương tích do sự ác gây nên, và không còn đủ sức hoàn thành chính mình, nên phải cần tới ân sủng.

       Chính vì có cái nhìn sai lạc về Thiên Chúa nên người ta cũng quan niệm sai lầm về ân sủng, coi ân sủng như một thực tại ngoại lai được giáng xuống trên con người. Thật ra, ân sủng không tác dụng trên con người theo lối “thúc bách” hay “chiếm cứ” từ bên ngoài. Không thể coi ân sủng như một thuyên chuyển năng lượng có tính cách vật lý trong mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Ân sủng là nhân tố nội tại “trung gian” hai chiều của cả hai bên, mời gọi tiếp nhận nhau để làm nên một sự hiệp thông trong tình yêu.

       Theo thánh Augustinô, ân sủng được phân biệt làm ba loại[9]: ơn tạo dựng, bao gồm các ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho bản tính con người, đặc biệt là trí tuệ và ý chí; ơn mạc khải, là ơn qua đó Thiên Chúa đã thông truyền chân lý và trao ban lề luật cho con người để họ biết phân định thiện, ác; ơn cứu chuộc, là ơn tái sinh vào đời sống mới nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô. Từ ơn cứu chuộc, ân sủng phát xuất ra như một nguồn “trợ lực” mà con người cần đến để vượt thắng tình trạng bệnh hoạn yếu nhược của mình, hầu sống đúng như trí tuệ nhận thức. Ân sủng không gì khác hơn là tình thương, một tình thương làm “gia tăng tiềm lực nội tâm” (incrementum intrinsecus datum)[10]. Do đó, hiệu quả của nó cũng là một cảm nhận và kinh nghiệm về đời sống nội tâm, làm cho con người nên can đảm và mạnh mẽ để vượt lên chính mình. Sức mạnh ấy được làm nên do mãnh lực của tình yêu, vì “tình yêu mãnh liệt như tử thần, cơn đam mê dữ dội như âm phủ. Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy, một ngọn lửa thần thiêng.” (Dc 8, 6).

       Ân sủng không khỏa lấp hay thay thế tự do, nhưng ân sủng là tình yêu nâng cao tự do, để con người một khi cảm thấy mình được yêu thì hân hoan phấn khởi trên con đường hoàn thành chính mình. Trong ý nghĩa đó, thánh Augustinô đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, Thiên Chúa hoạt động ngay “trong trái tim” con người bằng cách “tuôn đổ tình yêu” vào trong đó. Thành quả cuối cùng của ân sủng là biến đổi con người trở thành những “người yêu mến” (dilectores)[11].

       Nếu yêu thương là điều “tự nhiên” đối với con người, thì ân sủng cũng thế. Không yêu thương mới là điều phản tự nhiên, thì ân sủng cũng vậy, vì nó đáp ứng nhu cầu nội tâm để tái tạo lại con người theo đúng bản chất tinh tuyền của họ. Tình trạng bệnh hoạn yếu nhược (infirmitas) của con người là tình trạng bất lực làm cho họ không còn khả năng để yêu thích điều thiện hảo. Khả năng yêu thương này đã mất đi vì tội lỗi, thì nay được ban lại nhờ ân sủng. Ân sủng chữa lành và “khôi phục” lại tình yêu ban đầu, làm cho con người cảm thấy mình được thu hút bởi sự thiện, và hưởng nếm được niềm vui sâu xa trên con đường thiện hảo. Thật vậy, ân sủng chính là “tình thương tuôn đổ tràn ngập vào tâm hồn chúng ta.” (Rm 5, 5).

       Tất cả ân sủng đều là công trình của Thánh Linh. Ân sủng trên mọi ân sủng là chính Thánh Linh “đã được trao ban cho chúng ta” (Rm 5, 5) như món quà nhưng không của Thiên Chúa, và là chính Tình Yêu của Thiên Chúa Cha ban qua Con của Người, làm cho con người được kiện toàn bản chất của mình trong tình yêu. Cho dù tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa, thì cũng thực sự là “của chính bản thân” con người. Chính ở nơi mình, ở nơi sâu thẳm của bản thể mình, ở trong tận “con tim” của mình, con người sẽ tìm thấy nguồn mạch và cội gốc của hành động mình, là hành động hòa hợp tuyệt diệu giữa tự do và ân sủng.

5. Quan hệ giữa tự do - tình yêu - ân sủng – công chính[12]

       Đứng trước ân sủng, con người vẫn hoàn toàn tự do và chịu trách nhiệm về đối tượng mình chọn lựa: nếu muốn thì tin, nếu muốn thì yêu, tự do đón nhận và tự do khước từ. Tuy nhiên đối tượng là ân sủng vẫn ảnh hưởng trên chủ thể, do sức lôi kéo, quyến rũ, thuyết phục của nó bằng tình yêu, làm cho con người muốn ôm chầm lấy.

       Dù không phải là tự do tuyệt đối, mà chỉ là tự do có điều kiện, thì con người vẫn thực sự tự do trong những hoàn cảnh sống của mình. Mọi sự đều tùy thuộc quyết định để chọn lấy hay loại bỏ cái gì phù hợp hoặc không phù hợp với kế hoạch sống mà con người đã tự đặt định cho mình. Nhưng ngay cả khi như vậy, thì con người cũng không thể không muốn để cho mình được lôi cuốn bởi sức quyến rũ của tình yêu, vì cảm thấy nó phù hợp với những khát vọng, và đáp ứng lại “tự do cho” (libertà per) của mình đạt đến mức thành tựu sung mãn.

       Tác động của ân sủng là như thế, nó là một sự mời gọi mãnh liệt trong tình yêu để con người tự do đón nhận và ưng chọn, bởi lẽ con người đã được dựng nên để yêu thương. Trong yêu thương, ân sủng làm cho con người thêm khát khao sự thiện, là chính hạnh phúc của đời mình. Sự thiện phát xuất từ Thiên Chúa và chỉ qui hướng về một mình Ngài, vì sự thiện là chính bản chất của Thiên Chúa. Cũng chính vì để hưởng sự thiện ấy mà con người đã được dựng nên. Con người được ban cho tự do là để sống trọn vẹn cuộc đời mình trong sự thiện. Chỉ có tự do trong điều thiện, không có tự do trong điều ác. Tự do là sống và hành động theo ý muốn của Thiên Chúa, là chính sự thiện. Đó chính là định hướng và mục đích của tự do nhằm tới. Nếu không như thế, tự do hóa thành hư vô.  

       Nhờ ân sủng gầy dựng và làm tăng triển khả năng yêu thương, nên tự do của con người càng có điều kiện thuận lợi để đạt tới tình trạng công chính. Không phải nhờ “làm việc lành” mà con người trở nên công chính, nhưng nhờ được công chính hóa bởi đức công chính của Thiên Chúa là Tình Yêu, nên “việc lành” là hành động đương nhiên của người công chính được thực hiện trong tình yêu. Nền tảng của công chính là tình yêu. Ai sống trong tình yêu, kẻ đó là người công chính. Chỉ trong sự công chính, người ta mới biết thể hiện và phát huy tự do thế nào để cộng tác với ân sủng, hầu làm nên những công trình của Thiên Chúa nơi chính mình và tha nhân.

       Tuy nhiên công chính là một tiến trình xuyên suốt cuộc đời con người. Trong tiến trình này, tự do càng ngày càng được nâng cao trong tình yêuân sủng, vì Thiên Chúa luôn kề cận với con người. Không có gì xảy ra ngoài ý muốn của Thiên Chúa, cũng như không có gì xảy ra ngoài ý muốn của con người. Nhưng cả hai ý muốn dần dần hòa hợp với nhau trong sự hiệp nhất của tình yêu. Để cuối cùng, chính tình yêu làm nên tự do hoàn toàn với sự trợ lực của ân sủng, để con người đạt tới sự công chính viên mãn của Thiên Chúa.

       Lạy Chúa Giêsu, là tự do của đời con. Chúa là chính tự do mà con say mê và khao khát khôn nguôi. Niềm vui của con hằng ngày là được tự do chọn Chúa trong mọi sự.

       Tuy nhiên, mang tính mỏng dòn yếu đuối, con vẫn bị khắc chế và khắc khoải khi phải đối diện với những tình cảnh thật phức tạp.

       Có nhiều điều ước muốn, nhưng con đành buông lơi; có những điều con không muốn, nhưng lại không can đảm xa rời.

       Con đường tự do cũng là con đường từ bỏ không ngừng, đòi con phải chiến đấu rất can trường và chấp nhận đau thương, để gột rửa và tinh lọc chính mình.

       Tự do mời gọi con chết đi cho mỗi biến cố. Mỗi biến cố chết đi là nhịp điệu của tự do và ân sủng.

       Xin cho con được luôn ở lại trong Chúa, để con luôn tiến bước bằng một tinh thần tự do đích thực.

       Có gì vui bằng được tự do trong Chúa để sống cho mọi người, và để cho mọi người được vui vì được sống tự do trong Chúa.

       Lạy Chúa! Ngài là Tự do-Hạnh phúc của cuộc đời chúng con. Amen.

Lm. Thái Nguyên



[1] Marc Donzé, Les pensée théologique de Maurice Zundel, Pauvreté et Libération, 1980.

[2] Maurice Zundel, Quel homme et quel Dieu, 1976, tr. 30.

[3] Maurice Zundel, Je est un Autre, 1971, tr. 66.

[4] Maurice Zundel, Croyez-vous en l’homme, 1956, tr. 146.

[5] Maurice Zundel, L’homme passe l’homme, 1948, tr. 180.

[6] Trịnh Hiểu Giang – Nguyễn An, Những hiểu biết về cuộc đời, NXB Hà Nội, tr. 152.

[7] Kazantzaki, La Liberté ou la Mort, tr. 643.

[8] Domenico Marafioti, La grazia: rapporto tra Dio e l’uomo nell’amore, đăng trong tạp chí La Civiltà Cattolica, tháng 8, 1991, số 3387-3388, tr. 243-255.

[9] A. Trapè, S. Agostino: natura e grazia, Città Nuova, Roma 1981, tr. 31

[10] Augustinus, De spiritu et littera 25, 42 [CSEL 60, 192.18]

[11] Augustinus, De spiritu et littera 17, 29 [183.7], và 25, 42 [169.9]

[12] Domenico Marafioti, La grazia: rapporto tra Dio e l’uomo nell’amore, đã trích.


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu