SỨC MẠNH TÔN GIÁO

VỚI LƯƠNG TÂM NGHỀ NGHIỆP

 

Tiếng lương tâm vốn là lời cảnh báo cũng như khuyến khích trước mỗi hành động của con người lương tri. Cũng như ý nghĩa của tôn giáo, là một cảm thức thần thiêng giữa con người và thần linh, Vị thần linh đó được cảm nhận do chủ quan của mỗi người, mỗi gia đình hay của một tập thể. Nhưng cách chung, ai ai cũng có cái cảm thức thần thiêng đó, nên sách nói rằng “con người là con vật có tôn giáo”. Không ai là “vô thần” cả, chẳng qua là vì họ tự tách bỏ cái cảm thức đó hay cố che đậy một bản năng mà mình không thể che đậy. Ở đây, tôi không muốn bàn luận sâu về cách nhìn nhận tôn giáo như khoa triết học đã bao đời mổ xẻ, bỏ qua luôn cái tư tưởng tôn giáo mỵ dân hay là chính sách của giới cầm quyền hòng che đậy mưu đồ thống trị đàn áp…Tôi muốn đề cập đến lương tâm con người và sức mạnh của tôn giáo ảnh hưởng trực tiếp trên nó.

Nhân chi sơ, tính bổn thiện. Những lệch lạc trong suy nghĩ hay hành động chỉ là hậu quả của một chương trình giáo dục, xã hội, cộng đoàn và những khuynh hướng cá nhân. Nếu được sống trong những môi trường lành mạnh thì những khuynh hướng cũng hài hoà trong môi trường đó và lương tâm cũng theo chiều giáo dục như làm lành- tránh ác, chân thật-thân thiện. Còn nếu trong một môi trường âm u của lừa lọc, tệ nạn, gian dối thì trước sau gì cũng ảnh hưởng ngay tới con người sống nơi đó. Rồi ngay cả cái lương tâm chân chính cũng bị lèo lái, lý luận cho hợp với quan điểm lệch lạc của họ luôn. Nhưng lương tâm là luật thiên nhiên, cho dù ai đó gắng công làm sai lệch tiếng nói lương tâm thì lương tâm chân chính vẫn còn đó và sáng tỏ mãi mãi.

Trong cuộc sống, trong mọi công việc ngành nghề …đều có sự đòi hỏi nghiêm khắc của lương tâm. Theo tôi, ngành Y lại đòi hỏi cao hơn hết và biến thành cái ĐỨC của người hành y.

Cái đức ấy phải là giọt máu xâm chiếm và chi phối từng việc làm, từng suy nghĩ của thầy thuốc. Họ nắm trong tay sinh mạng con người. Họ tạo được niềm hạnh phúc và cũng có thể gây đau khổ. Họ có thể làm cho sống và cũng có thể làm cho chết. Họ tặng lại cho tha nhân sức khoẻ và lạc quan, nhưng cũng có thể cướp đi sự bình an mà đáng lẽ tha nhân phải được đón nhận . Tất cả tuỳ thuộc vào cái lương tâm nghề nghiệp, lương tâm con người, lương tâm tôn giáo. Dĩ nhiên họ không phải là tất cả của sự hoàn mỹ, nhưng tác động của Y Đức có thể biến đổi cuộc sống nhân sinh nên tươi đẹp hơn.

Tôi đã được sinh ra, lớn lên và giáo dục trong môi trường Kitô giáo. Có thể những ý tưởng của tôi cũng ảnh hưởng không ít bởi giáo thuyết tôn giáo ấy. Vì thế trong mỗi công việc, mỗi suy tư, mỗi tính toán đều có sự can thiệp của lương tâm từ cảm thức thần thiêng. Cảm thức đó không tuỳ thuộc vào những văn bản kinh nguyện hay sự mê tín phù phiếm. Nó là sự sống động của niềm tin vào Đấng Tuyệt Đối điều hành mọi sự vô hình - hữu hình trong toàn vũ trụ.

Trong Kitô giáo có hạn từ “ân sủng”, nghĩa là mọi khả năng của Nhân Trí Thế Dũng Chân Thiện Mỹ…đều là những món quà từ “không” tặng ban cho mỗi người. Mỗi người được thụ cảm khác nhau và theo cách khác nhau nhưng tất cả đều tốt đẹp. Cho dù có những con người không thoả mãn với những gì mình đã nhận được, chính sự vượt lên tạo cho mình một sự hoàn hảo hơn thì đó là sức mạnh của ân sủng (grace).

Các nhà khoa học không ngừng khám phá những bí ẩn của thiên nhiên, của tiểu vũ trụ con người và họ cũng nghiệm ra một điều : tất cả đều đã được sắp sẵn theo một trật tự nào đó và có sự điều hành bí ẩn ngay sau những trật tự đó. Cái khám phá đó là ân sủng, lý giải những tác động của thiên nhiên, mà chủ hữu của thiên nhiên là Thượng Đế (theo kiểu nói và tên gọi của con người cho Vị Thần ấy).

Quan niệm Đông cũng như Tây phương coi Y là một Đạo, “ Đạo Y”. Đạo là con đường, dẫn con người tìm gặp được sự bình an, hạnh phúc. Linh mục có thánh đường để quy tụ và hướng dẫn giáo dân tìm về Thiên Chúa với ngôn ngữ nhà đạo. Thầy thuốc là tu sĩ của đạo Y, có phòng mạch là giáo đường, nơi cho những con người đau bệnh thân xác đến để tìm lại sức khoẻ và được chữa lành những thương tích. Người tu sĩ Y đạo không chỉ chữa bệnh thân xác mà còn chữa bệnh tâm hồn. Đối tượng mà đạo Y phải nhắm tới là Con Người với tất cả thuộc tính của nó. Con người nhân vị có hồn xác, có lương tri, có tình cảm, mang hình ảnh Thiên Chúa, là con Thiên Chúa.

Người bệnh tới với thầy thuốc xưng thú các thứ bệnh tật đang hoành hành trong thân xác họ. Thầy thuốc lắng nghe và đưa ra nhưng phương cách giúp họ khắc phục bệnh tật. Thái độ người thầy thuốc ảnh hưởng không nhỏ tới sự an lành mau chóng của người bệnh. Nếu ông đưa ra những cách giải quyết lạc quan thì bệnh tình dù chưa chữa cũng giảm phần trăm đáng kể. Nhưng nếu ông đưa ra một ý kiến thiếu chất “nhân đạo” thì bệnh dù nhẹ cũng hoá thành nặng do hoang mang lo lắng. Do đó, dù chưa nói đến y thuật, cái lương tâm nghề nghiệp là yếu tố không thể thiếu trong một “thầy thuốc đạo đức”. Lòng Nhân ái là động cơ thúc thẩy mọi hoạt động khác của Lương Y.

 

Mỗi người trong cộng đồng nhân loại đều có tình liên đới trách nhiệm với người khác. Mỗi người theo “ơn gọi” của mình mà làm tươi vui cho cuộc sống. Người làm tư tế, người làm thầy dạy, người chữa bệnh, người chuyên lo phục vụ…Một cách công bằng thì không có ơn gọi nào là để ‘chèn ép” ơn gọi khác, nghĩa là không có sự so sánh hơn thua mà chỉ có sự đền đáp. Người được ơn này phải tận dụng mà sinh lợi ích cho mình và nhất là cho người khác. Đó là đích điểm của Kitô giáo: Yêu Chúa và yêu người. Con người đó là con người trần tục với tất cả những yếu tố xã hội, nhân bản. Không có chuyện tục hoá tôn giáo mà là tôn giáo chưa đủ mạnh để thấm sâu vào thế tục hầu “giảm phanh” những trượt dốc của khuynh hướng xấu và uốn nắn lương tâm con người.

Kiến thức là điều kiện ắt có làm giàu lương tri. Biết chọn lọc những điều sinh ra từ kiến thức để nuôi dưỡng và phát triển nó. Kho tàng kiến thức nhân loại là kết tinh tự bao đời và qua bao sàng lọc để tồn tại. Thường tình người ta chỉ thu thập kiến thức trong lãnh vực mình cần tới, nhưng có một nhược điểm là dễ bị “táo bón” hiểu biết theo kiểu nói biết một mà không biết hai. Con nhà đạo mà không biết về sự phát triển của khoa học để chỉ nói về tiến hoá theo kinh điển thì ngô nghê vô cùng. Cập nhật hoá kiến thức và có những lý giải thuận tình vừa làm sáng ra những ẩn ý của kinh thánh lại vừa thấm nhuần ý nghĩa của Lời Chúa sống động ngay thời điểm này. Kiến thức phải là nhu cầu thiết yếu của mỗi người, mỗi ngành nghề, mỗi chức vụ.

Kiến thức được trau truốt từng ngày sẽ thêm sắc bén và hữu dụng, nhưng nếu được thuần hoá, được sàng lọc trong bởi một lương tâm ngay chính - nhất là lương tâm Kitô giáo - thì giá trị vượt hẳn những tri thức khô khan.

Đề cập tới lãnh vực lương tâm trong các ngành nghề, tôi muốn gợi ra một đề tài để nhiều người cùng suy tư. Chẳng riêng gì cho giới y khoa, mà ngay cả các linh mục, các giám đốc điều hành công ty, các nhà giáo dục, các tổ chức từ thiện, các nhà lãnh đạo quốc gia, những người cầm bút đấu tranh cho sự thật hoặc thông chuyển tin tức, ngay cả những người làm các ngành nghề thông thường như nông nghiệp, công nhân nhà máy, những tiểu thương trên các sạp hàng ngoài chợ…cho đến các bậc làm cha mẹ. Mỗi người, mỗi “lãnh thổ hoạt động” riêng, nhưng đều dẫn tới một mục đích là làm cho cuộc sống con người tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn.

Một viễn cảnh tuyệt vời đang làm thế giới này thay da đổi thịt, những người bệnh được săn sóc chu đáo mà không cần biết họ có “bảo hiểm” hay không, mọi người dân được thoả mãn khi bước tới cửa quyền để tìm lại sự công bằng cho mình, không có những vụ lừa đảo thị trường, hàng dổm hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan; hết rồi những vụ thảm sát nhau trong trường học hay thanh toán đẫm máu vì tình vì tiền mà ta phải đọc mỗi ngày trên báo chí. ..

Và còn biết bao điều an lành khác nữa cho thế giới này, nếu như lương tâm ngay chính luôn sống động trong cuộc sống nhân vị hôm nay.

BS. Trần Minh Trinh


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu